Nguyễn Khuyến

Thu Vịnh

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc ánh trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào ?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào. (1)

(1) Ông Đào: tức Đào Tiềm,
tự Uyên Minh, từ quan về ở ẩn đời nhà Tấn,
nổi tiếng thanh cao.

Thu Điếu

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo,
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được.
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Thu Ẩm

Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.a
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt ?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy,
Độ năm ba chén đã say nhè.

Ngày Xuân Răn Con Cháu

Tuổi thêm thêm được tóc râu phờ
Nay đã năm mươi có lẻ ba !
Sách vở ích gì cho buổi ấy ?
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.
Xuân về ngày loạn còn lơ láo,
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ.
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng ?
Sao con đàn hát vẫn say sưa.

Về Hay Ở

Văng vẳng tai nghe tiếng chích chòe;
Lặng đi kẻo động khách lòng quê.
Nước non có tớ càng vui vẻ,
Hoa nguyệt nào ai đã đắm mê?
Quyên đã gọi hè quang quác quác,
Gà từng gáy sáng tẻ tè te.
Lại còn giục giã về hay ở?

Tự Trào

Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy, chẳng béo chỉ làng nhàng.
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng.

Tự Thuật

háng ngày thấm thoát tựa chim bay,
Ông ngẫm mình ông, nghĩ cũng hay.
Tóc bạc bao giờ không biết nhỉ ?
Răng long ngày trước hãy còn đây.
Câu thơ được chửa, thưa rằng được,
Chén rượu say rồi, nói chửa say.
Kẻ ở trên đời lo lắng cả,
Nghĩ ra ông sợ cái ông này.
Đôi gót phong trần vẫn khỏe khoe

Duyên Nợ

Mưỡu

Cái duyên hay cái nợ nần,
Khi xa xa lắc, khi gần gần ghê.
Dấu hồng còn gửi tuyết nê,
Khi bay nào biết đông tê bóng hồng. (1)

Nói
Giai nhân nan tắi đắc (2)
Mười ba năm một giấc bâng khuâng,
Động hơi thu chợt nhớ đến vầng trăng,
Chén non nước tưởng chừng đâu bữa nọ.
Quá nhãn quan âm quân dĩ ngộ
Thiếu thời phong độ ngã do liên. (3)
Lại may mà gió mát đưa duyên
Mượn thơ thánh, đàn tiên khuây truyện cũ.
Đối tửu mạc đề ly biệt cú, (4)
Chốn non Vu vân vũ (5) hãy đi về,
Cánh hồng nào biết đông tê ?

(1) Lấy ý từ cổ thi:

Nhân sinh đáo xứ tri hà tự
Ưng thị phi hồng đạp tuyết nê
Nê thượng ngẫu nhiên lưu trảo tích
Hồng phi na phục kế đông tê

Người ta đi đến đâu phải như thế nào; Nên như chim hồng bay dẫm lên đám tuyết trên bùn; Ở trên bùn ngẫu nhiên để lại dấu móng; chim hồng bay đi nào để gì bên đông bên tây (nhưng vết móng vẫn còn lưu lại).
2) Từ bài hát của Lý Diên Niên đời nhà Hán:
Khởi bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc
Giai nhân nan tái đắc
Há không biết (người đẹp) nghiêng thành nghiêng nước đâu,
(chỉ thấy) người đẹp khó mà gặp lại được.
(3) Thì giờ qua mắt vùn vụt ngươi đã lầm rồi; phong độ lúc thiếu niên ta còn tiếc đó.
(4) Trước chén rượu chớ nên nhắc đến chuyện ly biệt.
(5) non Vu vân vũ: điển tích vua Sở Tương Vương đi chơi ở đầm Vân Mộng,
mơ thấy cùng một người con gái giao hoan. Khi từ biệt vua, nàng nói:
"Thiếp là thần nữ núi Vu Sơn, buổi sớm làm mây, buổi chiều làm mưa."
Người đời sau từ đó dùng chữ "mây mưa" để chỉ việc trai gái giao hợp.

Lên Lão

Ông chẳng hay ông tuổi đã già,
Năm lăm ông cũng lão đây mà.
Anh em làng xóm xin mời cả,
Xôi bánh, trâu heo cũng gọi là.
Chú Đáo bên làng lên với tớ,
Ông Từ xóm chợ lại cùng ta.
Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ, (1)
Có rượu thời ông chống gậy ra.
(1) ăn dưng: ăn không

Ông Phỗng Đá

Ông đứng làm chi đó hỡi ông ?
Trơ trơ như đá, vững như đồng.
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
Non nước đầy vơi có biết không?

Hỏi Phỗng Đá

Mưỡu

Người đâu tên họ là chi?
Hỏi ra trích trích tri tri (1) nực cười.
Vắt tay ngoảnh mặt trông đời,
Cũng toan lo tính sự đời chi đây ?

Nói
Thấy lão đá lạ lùng muốn hỏi,
Cớ sao mà len lỏi đến chi đây?
Hay mảng vui hoa cỏ nước non này,
Chừng cũng muốn dang tay vào hội Lạc (2)
Thanh sơn tự tiếu đầu tương hạc,
Thương hải thùy tri ngã diệc âu. (3)
Thôi thôi đừng nghĩ chuyện đâu đâu,
Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác.
Duyên hội ngộ là duyên tuổi tác,
Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác,
Cuộc tỉnh say, say tỉnh một vài câu,
Nên chăng đá cũng gật đầu!(4)

1) trích trích tri tri: trơ trơ không chuyển.
2) hội Lạc: đời nhà Tống, Tiến sĩ Văn Ngạn Bác, làm quan đến Thái sư, khi về hưu trí nhà ở Lạc Dương, cùng với Tư Mã Quang, Phú Bật và nhiều học giả cao niên khác lập ra Lạc Dương Kỳ Anh Hội để đàm đạo văn chương.
(3) Núi xanh tự cười đầu sắp trắng như chim hạc; Biển xanh ai biết ta cũng như chim âu (ý ví người ẩn dật). Ý lấy từ hai câu thơ của Trương Dưỡng Hạo đời nhà Nguyên:
Vân sơn tự tiếu đầu tương hạc Doanh hải thùy tri ngã diệc âu
(4) Tương truyền Nguyễn Khuyến làm bài ca trù Hỏi Phỗng Đá này trong buổi lễ mừng thọ năm mươi của quan Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải.

Giả Cách Điếc

Trong thiên hạ có người giả điếc,
Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây,
Chẳng ai ngờ sáng tai họ, điếc tai cày, (1)
Rở lối điếc, để sau này em út học.
Tọa trung đàm tiếu nhan như mộc,
Dạ bán phan viên thủ tự hầu. (2)
Khi vườn sau, khi ao trước,
khi điếu thuốc, khi miếng trầu.
Khi chè chuyên năm bảy chén,
khi Kiều lẩy một đôi câu;
Tỉnh một lúc, lâu lâu rồi lại điếc.
Điếc như thế, ai không muốn điếc?
Điếc như anh dễ bắt chước ru mà!
Hỏi anh, anh cứ ậm à.

(1) Con trâu hễ người đi cày bảo "họ" thì nó đứng lại ngay (được nghỉ), trong khi bảo "cày" thì nó lại cứ ỳ ra làm như chẳng nghe thấy gì.
(2) Ngồi giữa đám nói cười thì mặt ngây như gỗ; Nửa đêm thì tay lần mò như con khỉ.

Mẹ Mốc

So danh gía ai bằng Mẹ Mốc,
Ngoài hình hài, gấm vóc cũng thêm ra,
Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà,
Làm thế để cho qua mắt tục.
Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc,
Tâm trung thường thủ tự kiên kim. (1)
Nhớ chồng xa muôn dặm khôn tìm ,
Giữ son sắt cho tròn một tiết.
Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,
Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ;
Đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.
Khôn em dễ bán dại này! (2)

(1) Ngoài mặt không cần đẹp như ngọc; Trong lòng vẫn giữ bền như vàng.
(2) Mẹ Mốc quê ở gần làng Yên Đổ. Cô còn trẻ, có nhan sắc, có vốn liếng, mà chồng lại đi xa. Trong hạt nhiều chàng chòng ghẹo toan ép liễu nài hoa. Cô bèn giả điên dại, thoa tro than vào người, xé rách quần áo, chủ ý che mặt bọn kia để khỏi bị quấy nhiều trong khi chờ chồng về. Nguyễn Khuyến sau khi cáo quan về nghỉ ở nhà, người Pháp luôn tìm mọi cách để mời ông ra giúp. Ông phải viện mọi lẽ để từ chối. Nhân thất Mẹ Mốc giả điên dại, ông bèn làm bài ca trù này để ký thác tâm sự của mình.

Vịnh Tiến Sĩ Giấy
I
Rõ chú hoa man (1) khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu ?
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
Hỏi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.
II
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, (2)
Nét son điểm rõ mặt văn khôi. (3)
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ ?
Cái giá khoa danh thế mới hời. (4)
Ghế tréo, lọng xanh, ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi.

(1) hoa man: người thợ làm nghề hàng mã.
(2) giáp bảng: bảng đề tên từ học vị tiến sĩ (thi đình) hay cử nhân (thi hương) trở lên. Trái với ất bảng đề tên những người đỗ phó bảng (thi đình) hay tú tài (thi hương).
(3) văn khôi: đầu làng văn, chỉ người đỗ đạc cao.

Khóc Bạn

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước đến sau:
Trong khi gặp gỡ, khác đâu duyên trời.

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách;
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo.
Có khi từng gác cheo leo,
Khúc vui con hát lựa chiều cầm xoang.

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp:
Chén quỳnh tương (1) ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích điển phần (2) trước sau.

Buổi dương cửu (3) cùng nhau hoạn nạn,
Miếng đẩu thăng (4) chẳng dám than trời,
Tôi già, bác cũng già rồi:
Biết thôi, thôi thế thời thôi mới là.

Đường đi lại, tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm , gặp bác một lần,
Cầm tay, hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.

Tuổi tôi kể còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày,
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe tôi những chân tay rụng rời!

Ai chả biết chán đời là phải,
Vội vàng chi đã mải lên tiên.
Rượu ngon, không có bạn hiền,
Không mua, không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
Giường kia treo những hững hờ, (5)
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn !

Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở;
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương,
Tuổi già, hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan?

(1) quỳng tương: quỳnh: tên ngọc quí, tương: hồ, nước cơm để làm rượu;
một loại rượu quí.
(2) điển phần: chỉ chung sách vở cũ; đông bích: vách phương đông; chữ lấy câu thơ của Trương Thuyết: "Đông bích đồ thư phủ" (kho tranh và sách ở vách phương đông). Điển (nghiã đen là phép tắc) tức là ngũ điển, năm sách điển của các vua Thiếu Hiệu, Chuyên Húc, Cao Tân, Đường Nghiêu và Ngu Thuấn bên Trung Quốc ngày xưa. Phần (nghiã đen là lớn) tức là tam phần, ba sách phần của các vua Phục Hy,
Thần Nông, và Hoàng Đế của thời cổ Trung Quốc.
(3) dương cửu: lúc có tai ách.
(4) đẩu thăng: đấu và thưng -- phần mười của đấu; nghiã bóng là lương bổng ít
oi của một ông quan (lương các quan ngày xưa một phần trả bằng gạo;
lấy đấu thưng mà đong là ít).
(5) từ điển tích Trần Phồn, người đời Hậu Hán, có một cái giường để dành tiếp
người bạn quí là Từ Trĩ, hễ bạn đi lại treo lên. Ý câu này nói: nay bạn đã chết,
cái giường để dành tiếp bạn cứ treo mãi không bao giờ đặt xuống cả.

Đêm Mùa Hạ

Tháng tư đầu mùa hạ,
Tiết trời thật oi ả.
Tiếng dế kêu thiết tha,
Đàn muỗi bay tơi tả.
Nỗi ấy biết cùng ai?
Cảnh này buồn cả dạ
Biếng nhắp năm canh chầy,
Gà đà sớm giục giã.

Hội Tây

Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo!
Bà quan tênh hếch xem bơi trải,
Thằng bé lom khom ghé hát chèo.
Cậy sức, cây đu nhiều chị bám;
Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu.

Vịnh Kiều

Kiều nhi giấc mộng, bặt như cười
Tỉnh dậy: xuân sanh quá nửa rồi!
Số kiếp bởi đâu mà lận đận?
Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi.
Cành hoa vườn Thúy duyên còn bén,
Giọt nước sông Tiền nợ chửa xuôi.
Không trách chàng Kim đeo đẳng mãi,
Khăng khăng vớt lấy một phần đuôi.

Văn Tế Ngạc-Nhi

Than ôi !
Một phút sa cơ
Ra người thiên cổ

Nhớ ông xưa:

Cái mắt ông xanh,
Cái da ông đỏ,
Cái tóc ông quăn,
Cái mũi ông lõ,
Đít ông cưỡi lừa
Miệng ông huýt chó.
Lưng ông đeo súng lục liên,
Chân ông đi giầy có mỏ.
Ông ở bên Tây,
Ông sang đô hộ.
Đánh giặc Cờ Đen,
Để yên con đỏ.

Nào ngờ:

Nó bắt được ông,
Nó chặt mất sỏ.
Cái đầu ông đây
Cái mình ông đó.
Khốn nạn thân ông,
Đù cha mẹ nó !

Tôi :

Vâng lệnh quan trên,
Cúng ông một cỗ,
Này chuối một buồng
Này rượu một hũ,
Này xôi một mâm,
Này trứng một rổ,
Ông có linh thiêng,
Mời ông xơi hộ,
Ăn uống no say,
Nằm yên một chỗ.
Ối ông Ngạc Nhi ôi!
Nói càng thêm khổ.

Bạn Đến Chơi Nhà

Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.

Nước Lụt Hỏi Thăm Bạn

Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu,
Lụt lội năm nay bác ở đâu?
Mấy ổ lợn con rày lớn bé?
Vài gian nếp cái ngập nông sâu?
Phận thua suy tính càng thêm thiệt
Tuổi cả chơi bời hóa sống lâu.
Em cũng chẳng no mà chẳng đói,
Thung thăng chiếc lá rượu lưng bầu

Quốc Kêu Cảm Hứng

Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Đây hồn Thục Đế thác bao giờ.
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi?
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Ban đêm ròng rã kêu ai đó ?

Chơi Núi An Lão

Mặt nước mênh mông nổi một hòn,
Tiếng già nhưng núi vẫn còn non.
Mảnh cây thưa thớt đầu như trọc,
Tầng đá cheo leo ngấn chửa mòn.
Một lá về đâu xa thăm thẳm,
Nghìn làng trông xuống bé con con.

Vợ Thợ Nhuộm Khóc Chồng

Thiếp kể từ lá thắm xe duyên,
khi vận tía lúc cơn đen,
điều dại điều khôn nhờ bố đỏ.

Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại,
vợ má hồng con răng trắng,
ím gan tím ruột với ông xanh.

Khóc Vợ

Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm,
thắt lưng bó que, sắn váy quai cồng,
tất tưởi chân nam chân xiêu,
vì tớ đỡ đần trong mọi việc.

Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng,
búi tóc củ hành, buông quần lá tọa,
gật gù tay đũa tay chén,
cùng ai kể lể chuyện trăn năm ?

Cáo Quan

Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên,
nào lềnh, nào cả, nào bàn ba,
tiền làm sao, gạo làm sao, đóng góp làm sao,
một năm mười hai tháng thảnh thơi,
cái thủ lợn nhìn thầy đà nhẵn mặt.

Già chẳng già với trẻ, đàn tiểu tử nhấp nhô đứng trước,
này thơ, này phú, này đoạn một,
bằng là thế, trắc là thế, lề lối là thế,
ba vạn sáu nghìn ngày thấm thoắt,
con mắt già cái kính đã mòn tai.

Tặng Học Trò Đi Làm Quan Cho Tây

Hay thật là hay đáo để !
Bảo một đàng quàng một nẻo;

Thôi thế thời thôi cũng được !
Phi đằng nọ tắc đằng kia.
Dẫu già mà hẳn hơn ta chửa?
Chống gậy lên cao, bước chửa chồn.
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.

Đôi dòng tiểu sử
Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Văn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi,
sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835 tại quê ngoại -- làng Văn Khê,
xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà.
Quê nội của cụ ở làng Và, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà.
Cha là Nguyễn Tông Khởi (1796-1853), thường gọi cụ Mền Khởi,
đỗ ba khóa tú tài, dạy học.
Mẹ là Trần Thị Thoan (1799-1874), con cụ Trần Công Trạc,
từng đỗ sinh đồ (tú tài) thời Lê Mạt.
Thuở nhỏ, ông cùng Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, đỗ Tam Nguyên năm 1864-1865) là bạn học ở trường cụ Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị. Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cử nhân (tức Hương Nguyên) trường Hà Nội. Năm sau ông trượt thi Hội, thi Đình nên phẫn chí ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám.
Đến năm 1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên.
Từ đó Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán.
Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu 1884 và qua đời tại đấy ngày 5 tháng 2 năm 1909.
Ông để lại các tập thơ văn Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ và nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối... truyền miệng.
Nguyễn Khuyến có biệt tài về thơ văn chữ Nôm. Ông viết nhiều, bao gồm nhiều thể loại khác nhau. Ông thích tự vịnh, tự trào, phong cách thường ung dung, phóng khoáng, nhuốm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Một số lớn thơ văn ông cũng có khuynh hướng trào phúng, giễu cợt thế thái nhân tình và những thói hư tật xấu của người đời.

Trở lại trang Thơ

Thư Viện 1      4   5