SƠ LƯỢC "BỔN NGUYÊN Y PHÁP
          Các quý anh chị mới tu tại Đàn:
          Kỳ đàn Trung ngươn Giáp Thìn (1964) Thầy có dạy: "Các con cứ nên nhắc lại thường thường "BỔN NGUYÊN Y PHÁP" cho các con mới tu nghe hiểu rõ khuôn Đạo của Thầy."
          Trong năm nay, Ất Tỵ (1965), Thầy dạy năm ba lần nhắc nhở về "BỔN NGUYÊN Y PHÁP".
      Khâm tuân lời Thầy, nay xin tóm tắt từng giai đoạn trong BỔN NGUYÊN Y PHÁP cho các bạn tu nghe đặng được mau hiểu là nhờ sự bố hóa của Thầy.
A/ Thầy lập Đạo có các khuôn khổ sau:
1/ Kiểu Đạo Thầy lập.
2/ Gương Đạo Thầy sắp. Lời Đạo Đức Thầy truyền.
3/ Thánh ngôn.
Thầy đã lập xong CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO, từ cách cúng kiếng phượng thờ, kinh sám, lời dạy, gương Đạo và kiểu Đạo Vô Vi, mỗi mỗi đều đầy đủ và vẹn toàn, rồi Thầy mới về Bạch Ngọc Kinh lấy huyền vi vô tận để độ chúng sanh hơn.
Thầy đã có nói mọi sự việc Thầy lập Đạo đã biên vào Thiên Thơ bất di bất dịch.
Chúng ta tu hành sau này cứ đồ y theo kiểu Đạo của Thầy thì thành Đạo chắc, vì đã có tất cả các Đàn Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, trong vòng 40 năm nay, thành Đạo có 100 vị rồi chớ không phải ít (riêng năm Giáp Thìn đã được 8 vị quy Tiên như: Tây Ninh 3, Phú Quốc 2, Tân Định 1, Chợ Lớn 1, Sài Gòn 1).
Anh chị mới tu phải tìm hiểu nhập tâm ba khuôn Đạo kể trên thì mới phân biệt được sự thiệt hư, khỏi lầm lạc về cơ bút, phân biệt được lời nói, việc làm sai của mấy Anh chị tu trước để khỏi uổng kiếp khép mình trong khuôn Đạo, nâu sồng khổ hạnh mà tu không được kết quả.
                 Hiểu được chính xác thì được vững mục tiêu rồi Bạch Ngọc Kinh lố dạng. Sau này chúng ta vì còn mang xác phàm trọng trược nên hay quên, vì vậy Thầy mới dùng huyền diệu cơ bút mà nhắc nhở lại.
Thầy thường nói: Mối Đạo Thầy truyền không bao giờ sửa đi sửa lại.
(Vì đã biên vào Thiên Thơ, "Thần Tiên bất nhị ngôn").
Còn Thánh ngôn Thầy dạy sau này là nhắc lại sự tu hành, giữ đúng y quy củ, phải ăn rập với lời Thầy dạy hồi còn sanh tiền và gương mẫu Thầy để lại, mới đúng ý Thầy. Nếu dạy sái với ba khuôn khổ trên là không phải ý Thầy, không nên nghe. Thầy có nói hồi tại tiền: "Sau này nếu có gặp Thầy xuống bằng hình thể mà dạy các con sái với ba khuôn Đạo của Thầy cũng đừng nghe, vì chắc là không phải Thầy. Thầy không hai lời vậy."
Chúng ta đại phước lắm mới gặp được Đại Đạo Thầy truyền thì cứ chí quyết một đường ấy mà đi riết là tới Bạch Ngọc Kinh.
Thời kỳ này của Thầy lập Đạo, về cơ quan Đại Đạo, không có vị Phật Tiên nào dám mượn lịnh Thầy mà chế dạy chơn truyền nào khác hơn Thầy. Người tu Đại Đạo chỉ có một mình Thầy dìu dắt với các vị Sư huynh, Sư tỷ đã quy liễu có kết quả về rồi, tiếp Thầy nhắc nhở.
        Ở lớp Trung thừa thì khác, chư Tiên chư Phật thế quyền Thầy dạy dỗ nguyên căn. Cũng có nơi bày ra có chơn truyền tịnh luyện là do cơ phàm bày đặt.
Lý do nào mà một Đạo Cao Đài lại năm bảy cái Chơn truyền, lầm lạc chết, bạn nào tâm không vững chắc dễ bị lôi kéo rồi xa lạc Chơn truyền lúc nào không hay, uổng kiếp tu hành khổ hạnh.
Nhớ đừng nhẹ dạ, nghe lời ai lắm chuyện đi đó đi đây (là đi theo Tiên Thiên cơ phổ hóa). Người chưa tu Đại Đạo đặng biết gì về Đại Đạo Cao Đài mà nói? Nghe họ nói càn, nói bậy, ngày ngày sẽ giảm đức tin, rồi sẽ lơ là, uổng kiếp tu hành kham khổ, lại bị phạt theo Hồng thệ mà khổ thân.
B/ Đạo Thầy là Đạo độc tôn:
Thầy là THƯỢNG ĐẾ, nên biết Thầy là Đấng Tôn Sư, phải kính Thầy và chỉ thờ có một mình Thầy là đúng chơn lý.
Thầy thường dạy: "Thầy bạn chớ không Bạn Thầy." (Nghĩa là trên Thầy dưới bạn, chớ không có bạn mà làm Thầy dạy mình đặng…)
C/ Thủ Đàn:
        Đây chúng tôi lấy ý theo BỔN NGUYÊN Y PHÁP trình bày lại cho quý anh chị nhận xét.
Thủ Đàn phải là người đệ tử trực tiếp (cấp nhất), bằng không thì phải là người tu thâm niên trong Đạo, đặng hiểu biết trước sau, thuần thạo luật Đạo, hiểu thấu giáo lý Đại Đạo.
Thủ Đàn có bổn phận rộng lớn đối với Đạo và Đời (Đó là trách nhiệm, đừng nên hiểu lầm là có quyền hành với Đạo hữu, lấy chữ "đồng" làm gốc).
a/ ĐẠO: Sắp đặt, trông nom trong các buổi cúng kiếng, giữ gìn kỷ luật trật tự nơi Đàn. Hòa đồng với Đạo hữu, cáng đáng công việc liên hệ đến cơ Đạo hoặc với Đàn.
b/ ĐỜI: Thay mặt cho Đàn tiếp xúc và chịu trách nhiệm với chính quyền, giao tế với người đời chưa tu mà muốn hiểu Đạo. Liên lạc với Đạo hữu thuộc các Đàn khác hoặc chi phái khác của Đạo Cao Đài.
Thủ Đàn phải có đủ phương tiện, khả năng, thờ phượng nghiêm trang, giữ cho đúng BỔN NGUYÊN Y PHÁP của Thầy truyền lại.
Thủ Đàn tại gia ắt có cha mẹ hai bên, anh chị em, con cháu. Một bên đời, một bên Đạo. Thủ Đàn ráng dung hòa cho nhau được vẹn cả đôi bên.
Thủ Đàn phải thường nhắc nhở Đồng tử để tâm an, trí tịnh; Điển ký, Độc giả giữ luật pháp của Thầy và trợ Đàn lo trật tự chung. Nhờ Đàn mà mai sau anh chị em được tu hành thuận lợi.
Trong Đàn, người tu lâu, kẻ mới tu, người giàu kẻ nghèo, người chức phận, kẻ bạch đinh. Thủ Đàn lấy chữ "đồng" làm gốc, không tư vị, không có kẻ cao người thấp.
Khi Thầy còn tại thế, không khi nào Thầy phân biệt địa vị của hàng đệ tử của Thầy.
Thủ Đàn định sắc hai chữ "Thanh bần" của Thầy. Chớ vì Đàn mà làm chỗ thủ lợi. Nhưng cũng không quá khắt khe với anh em bạn Đạo, vì nơi Đàn đều là đệ tử của Thầy. Hễ tu hành thì đều sợ vướng nợ, đã nhiều lần tới lui cơm nước nơi Đàn mà không chút chi bồi sớt thì lòng e ngại. Nên nếu anh chị em nào đem tới chút ít món này, món nọ, hoặc hộ Đàn, hoặc cúng Thầy thì nên để tùy ý, phải báo trước Thủ Đàn để Thủ Đàn sắp xếp, không để tình trạng dư thừa thức ăn hoa quả tại Đàn quá nhiều, hao phí vô ích, nhưng không thường xuyên thành ra tục lệ.
Còn với người đời thì triệt để nâng cao hai chữ THANH BẦN của Thầy.
Anh em một Đàn tỷ như cùng một chiếc thuyền. Lớn tuổi Đạo, từng trải Đạo thì giữ lái, ít tuổi Đạo hơn chèo mũi, kẻ khác lo buồm lái.
Chung một Thầy Cha đồng ý chí vượt thuyền qua bỉ ngạn. Vững buồm, chắc lái, trông chừng sao Bắc Đẩu lướt sóng, vượt gió, trực chỉ về Cực Lạc. Đông có anh, Tây có tôi, un đúc Đàn mình vững vàng, bền dai, ngày một tấn tới.
Phải nhận xét sáng suốt, đừng khen tặng Đàn mình mà chê Đàn khác. Chỗ nào cũng Thầy. Thầy dạy mỗi Đàn đều do trình độ tấn hóa của hàng đệ tử. Đừng khen chê đồng tử Đàn này và Đàn khác mà sanh khảo trong Đạo.
        Trong Đàn nếu có anh chị em tới ngày giờ quy liễu thì phải mau cho Thủ Đàn hay đặng cùng chung lo việc giữ gìn thi thể, tẩn liệm, việc hành lễ, cách làm ma chay cho hợp với lẽ Đạo.
Thủ Đàn cũng phải báo tin cho các Đàn khác hay đặng cùng chung lo viếng thăm cúng kiếng, se chặt mối thâm tình về Đạo và cũng là tốt cho phái Chiếu Minh Tam Thanh.
Hoặc trong anh chị em bạn Đạo, ai có đau ốm thì chúng ta phải cho hay, đặng tới lui thăm viếng, an ủi cho nhau qua cơn khảo. Đó là làm tròn phận sự Đạo hữu với nhau. Bây giờ ta lo cho anh chị em, chừng tới phiên mình, anh chị em lo lại cho mình.
Đạo Cao giữ chặt nơi tâm, bề ngoài phải đối đãi với đời theo lẽ tự nhiên, trong cuộc quan hôn tang tế, lẫn lộn cùng đời mà làm đạo. Cũng có khi anh chị em bạn cửu giao hay người quyến thuộc, hoặc người tai mắt tới viếng Đàn thì mình thay mặt anh chị em tiếp rước niềm nở, như có kẻ thành tâm muốn bái yết Thầy cũng nên để người được vừa ý. Trời Phật chung, người đạo hay đời đều đồng là con cả. Chúng ta hữu phước tỉnh ngộ trước được, vậy thôi. Biết đâu vì sự lân la, mắt thấy cách thờ phụng, tai nghe điều hay lẽ phải mà được mau tỉnh ngộ. Cũng có người chay lạt không nổi mà lòng muốn thờ Thầy, tới Đàn hỏi han mọi việc, Thủ Đàn cũng phải chỉ cách cho họ thờ theo kiểu, mà kinh sám thì bực hạ thừa. Còn nếu ai muốn tu theo Đại Đạo Chiếu Minh thì đã sẵn có luật pháp.
           Tóm tắt sơ lược lại về bổn phận của Thủ Đàn trong BỔN NGUYÊN Y PHÁP cho anh chị em nghe hiểu.
D/ Ban hành lễ:
          Có cặp Đồng tử là ngòi viết của Thầy, Đồng tử có bổn phận tu kỹ, tịnh nhiều, đừng nhiều chuyện thì hưởng công bực nhứt, còn trái lại thì tội cũng bực nhứt.
Độc giả, Điển ký cũng vậy. Công cũng lớn, tội cũng to như Đồng tử vậy.
Trong Đàn mà có cặp Đồng tử thuần thục, không nhiều chuyện là một vật quý vô giá.
E/ Hộ Đàn:
        Quý anh chị em hộ Đàn có phận sự sắp đặt cho Đàn nghiêm chỉnh, đừng xao xuyến động điển, Đồng tử tiếp không trọn điển, mình có tội.
Trước khi hầu Đàn, gặp nhau thăm nhau bằng những câu Đạo Đức, xin gác bỏ mọi sự việc của đời ra ngoài. Nên bàn bạc bài Thánh giáo kỳ Đàn Thầy dạy những gì? Mình có thi hành chưa? Chúng ta còn mang xác phàm, còn lắm tội lỗi, kiêu căng, phách lối, nào ta đây cao cả đạo đức, tu thấp, tu cao, ông đây trí thức, kẻ kia dốt nát v.v… nên Thầy dạy và rầy luôn luôn. Sự thật, nếu cơ mà tiếp đặng trọn điển Thầy, ai mà đặng Thầy khen thì lo sửa soạn đi, tới ngày giờ bỏ xác rồi đó.
Vì vậy mà Thầy rầy mãi và chỉ về chỗ sơ sai. Chúng ta phải nhận định và sửa chữa theo lời Thầy dạy sẽ trọn lành, mới về đặng với Thầy.
Nơi đàn, những người có phận sự, tu lâu quỳ trước hết, vì đã thành thục sự tiếp xúc, cúng kiếng lễ phép Thần Tiên, nên khi đọc kinh nhằm chỗ cúi đầu hoặc khi cơ Thầy xưng danh thì lạy bái chào mừng Thầy. Mình mới, tu quỳ sau đặng thấy mà bắt chước làm theo cho ăn rập, rồi cũng tuần tự tới phiên mình làm kiểu như trên.
Hầu Đàn phải quỳ ngay thẳng, nghiêm chỉnh, vì chúng ta đang tiếp đón Thầy, Thầy đã từ Linh Tiêu giá ngự. Sơ sót e có lỗi lớn. Trừ phi những người lớn tuổi, tu lâu có bụng, quỳ lâu nó tổn hại cái Đạo, mới được lạy Thầy xin ngồi thôi.
Cái Đàn được nghiêm trang, quý anh chị em đặng hưởng trọn ân điển và lời Thầy dạy.    Còn lúc ngồi tu thì trái lại, nơi đàn, anh chị em mới tu nhứt bộ phải ngồi hàng trước,    đừng để phải nhắc nhở vì là lời Thầy dạy hồi Thầy còn tại tiền đó. Người mới thọ pháp không nên để ngồi phía sau, thấy và bắt chước mấy người tu lâu, bộ tu khác, có hại cho mình là người mới tu.
Còn về sự đọc kinh: Ở nhà ta cúng tứ thời đã đọc nhiều lắm rồi. Nơi đàn, mấy anh chị em nên chọn nhau, ai tiếng tốt, đọc có nhịp nhàng cho có điển thì chọn chừng năm sáu người đọc, còn lại thì đọc thầm.
F/ Đồng tử:
       Đồng tử là cái ngòi viết của Thầy, phải tu kỹ, tịnh nhiều, đừng nhiều chuyện, thì hưởng công bực nhứt. Còn trái lại, ngòi viết rè thì Thầy phải thay, nhiều chuyện thì tội cũng to hơn hết. Thầy thường nói hồi còn sanh tiền: "Đứa nào hay nhiều chuyện thì tao bỏ!" Một nơi Đàn mà có cặp Đồng tử thuần thục, vô tư, để tâm không cho Thầy dùng trọn điển để dẫn dắt anh chị em trọn Đàn tu hành tới chỗ thành công đắc quả thì Đàn ấy có cái quý vô giá.
Tu hành phải để ý nhiều nhất là coi chừng đồng tử bị phàm tâm chen lẫn, mượn cơ bút mà khen chê người này vài câu, người kia vài câu, mua cảm tình, sau làm phe lập phái, rồi dần dần mới tới chỗ hư tệ… Khảo đảo lung tung.
Tu đừng ham Thầy khen mà lầm lạc. Ta còn xác phàm trọng trược, lầm lỗi dẫy đầy. Thầy trên chỉ quở rầy, chớ chưa khen được. Mà khi Thầy khen được rồi thì là lúc sửa soạn quy Tiên cận kề rồi đó.
Đạo Thầy chỉ có Thầy làm chủ. Còn người Chỉ kiểu và Đồng tử chỉ làm phận sự họ thôi, ngoài ra không một quyền hành gì khác nữa.
G/ Người chỉ kiểu:
Là một bạn Đạo tu trước. Trước kia cũng thọ lệnh Thầy, rồi nhờ mấy anh chị em tu trước truyền lại bí pháp để tu. Nay thể theo lời thệ nguyện tu lâu, có đạo có đức, tháo vát nổi mới được Thầy ban ân cho chỉ kiểu thì họ phải truyền lại cái gì đã lãnh của người tu trước kia cho anh chị em sau này.
Đó là lẽ tự nhiên và đó là cách anh chị em ấy trả ơn cho Thầy. Vậy thôi.
Chúng ta chỉ mang ơn Thầy nhận mình làm đệ tử và ban cho mình cái Đạo tu để giải thoát. Càng mang ơn sâu rộng của Thầy đã cất công khó nhọc độ rỗi, nhắc nhở, khuyên giải khi bị khảo đảo (Phần vô vi).
                  Người chỉ kiểu ta có công dòm ngó, nhắc nhở, khuyên giải khi bị khảo đảo (về phần hữu hình).
Chỉ kiểu rồi phải để tâm theo dõi sự tu hành của người bạn mới, bằng không vậy, chưa đúng phận sự của mình.
Sự kính mến người chỉ kiểu là trong tình anh chị em thôi. Cố gắng tu cho đủ, đúng và nhớ lời chỉ dẫn làm y, đó là đáp ơn người chỉ kiểu, vì họ làm được tròn sứ mạng của họ vậy.
Cũng nên coi chừng có một ít anh chị em chỉ kiểu hiểu sai. Cho rằng chỉ kiểu cho anh chị em tu là có quyền hành gì đó. Rồi tự cao, tự tôn, mới lần lần làm sai tôn chỉ Đại Đạo, độ giành độ giựt, làm rối Đạo, khảo đảo trong Đạo, mất chỗ Thiên ý, lòi ra cái phàm ý, mối Đạo tới chỗ hư tệ…
Anh chị em mới tu, nếu không nhập tâm ba khuôn Đạo trên, khó phân biệt được chỗ sơ sai, rồi thì phải bị dẫn dắt sai lạc, uổng công khổ hạnh.
Phải sáng suốt phân biệt chánh tà, nhiều chướng ngại lắm mới tới đặng Tây phương. Mấy anh chị em mới tu đâu có hiểu hết trước sau cho trọn. Đạo thì không vị.
Anh chị em muốn khỏi sơ sai thì dặn lòng đừng nhiều chuyện, cứ lo tu theo quy củ. Nên nhớ trong truyện Tây du có hai tốp đi thỉnh kinh. Cũng Tam Tạng, Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng mà bên thiệt, bên giả. Chánh Đạo với Bàn môn xa nhau có gang tấc thôi.
Người tu theo Đại Đạo không lệ thuộc ai, hoàn toàn tự do, tự do làm phải thì tốt, mà tự do làm bậy thì chỉ sợ có ngày cuối cùng thôi…
H/ Cách thâu nhận người muốn vào Chiếu Minh Tam Thanh:
Phải là người trường trai ít lắm là 100 ngày. Rồi kế đó phải thờ cúng tứ thời, ít lắm cũng 100 ngày mới được người dìu dắt tới Đàn đặng xin keo hầu Đàn.
Người thủ Đàn có nhiệm vụ dò hỏi kỹ càng coi người bạn ấy tại sao lại muốn tu. Nếu còn trẻ quá, chưa bớt nợ đời, nặng nề lắm tu không nổi thì thủ Đàn cần hỏi han, thăm nom, giải thích rõ ràng những khó khăn, kham khổ phải trải qua để người mới cần suy nghĩ lại mà từ từ tính. Hỏi đã phải ăn chay trường từ 100 ngày trở lên chưa? Và nếu có phương tiện, nên tới nhà thăm chơi đặng coi có thờ và cúng tứ thời không? Thờ có cúng kiếng không? Hoặc có thuộc làu kinh Cảm Ứng chưa? Và nên coi họ có đủ phương tiện làm ăn đặng sống mà tu trót đời không?
     Đạo Vô Vi của Thượng Đế tối thượng tối cao, lại rất công bình, nên không thể sống vào chùa, thất hoặc nơi anh chị em nào mà tu, vì như thế là tu giùm cho người ta,
chớ không phải cho mình.
Và phải làm công quả đặng giải bớt tội tiền khiên oan trái cho nhẹ bớt, dễ tu.
Nếu mấy điều kiện trên đây được đúng rồi mới cho xin keo hầu Đàn.
      Hầu được năm, bảy kỳ Đàn rồi mà người bạn ấy muốn tu thì phải lập thệ theo thủ tục và cho xin keo.
Trong thời gian tới lui hầu Đàn thì thủ Đàn phải nói sự khó khăn của Đạo là tu thì phải trả quả một mình, không phải vô tu để được hưởng lợi, hưởng phước lộc để đời sung sướng. Một khi thệ nguyện dâng lên rồi thì Thầy truyền bá khắp nơi cho hay rằng tên ấy đã xin keo tu Đại Đạo, nếu còn nợ nần chi với ai thì thảy đều có quyền lên mà đòi hỏi, chỉ trong thời gian một kiếp hiện tại đó thôi, chớ sau này không có thưa gửi gì được khi người tu ấy đã đắc quả về cõi trên. Vì Thượng đế rất công bình, không tư vị ai cả. Bởi vì ai, trái phải gì cũng đều là con Ngài.
Xin keo hầu Đàn thì còn ở bên ngoài, nếu không được thì cách nhau một kỳ Đàn có thể xin lại được, chớ còn lãnh Đạo mà không được thì luật keo là phải kỳ Đàn sau mới xin lại được. Nơi nào làm theo tự ý thì có tội rất lớn với Thầy. Vì là cơ tuyển độ do Thầy là Thượng đế biết ai tới ngày giờ và có đủ đạo đức tháo vát nổi mối Đạo tu hành nên Ngài mới độ kẻ đại căn ấy tu.
Đạo của Thầy lập thì phải để cho Thầy tuyển lựa và sau này, nếu có phong ba bão tố, người tu vẫn đủ đức tin chịu trả quả, bằng do ý phàm muốn cho đông, độ càn độ bướng, gánh không nổi mối Đạo, khổ khảo quá rồi "bán đồ nhi phế" bỏ tu thì người độ do ý phàm ấy phải chịu trách nhiệm với Thầy. Nếu có được đắc quả đi nữa cũng phải trở xuống theo dõi độ người sa ngã được về, dầu bao nhiêu kiếp phải cam, mới trở về được.
Thánh ngôn Thầy có nói: "Nếu chúng con độ đời được thì Thầy khỏi xuống thế."
Người mới, nếu thấy cương quyết đi tới thì kế đó phần của các anh chị em có phận sự chỉ kiểu phải hướng dẫn dìu dắt và cho xin keo theo thủ tục. Người chỉ kiểu phải có người làm chứng, đặng sau này nếu có việc trở ngại thì tội ai nấy chịu. Người tu có chế chữa làm sai nhờ có người chứng mà không thể đổ tội cho người chỉ kiểu được, hoặc người chỉ kiểu sơ sai thì phải chịu tội với Thầy.
Bổn phận chỉ kiểu là phải theo sát người mới tu, từng xem phép Đạo hành đúng, nếu không, có sự trở ngại rất lớn cho người mới tu và người chỉ kiểu có tội với Thầy, là làm không tròn phận sự. Khi người mới tu có bị khảo đảo, thì nên thường lui tới thăm viếng, giải thích chỗ nghiệp chướng oan khiên cho họ vui và hiểu mà chịu trả.
Tu đến ba năm tròn thì phải lập Đàn đại lễ, trên tạ ơn Thầy và chư Phật Tiên Thánh Thần đã nhiều công hộ độ mình tu tới được ba năm.
Tới ba năm tám tháng hoặc để trên bốn năm thì lãnh Nhị bộ. Sáu năm, chín năm, mười hai năm đều có lập lễ tạ ơn hộ độ của Thầy và chư Tiên Phật Thánh Thần.
Từ đó về sau thì tuần tự tu. Đạo phát triển theo sự công phu dày đặc của mình.
CHỈ ĐẠO: "Các con hãy biết: Người lãnh lịnh truyền Đạo thời Đạo hạnh phải có. Có chí phán đoán, việc làm phân minh, không dời không đổi, chẳng khó chẳng kiêu, có hạnh từ bi bác ái. Tu phải có ấn chứng, tu cho bền vững. Gặp khổ không nao, thấy khó chẳng sờn lòng. Vậy mới đáng người lãnh lịnh truyền lưu tâm pháp" (Đàn tại gia Ông Giác Minh Kim Tiên ngày 03/10/1936)
"Nhiều con quên mình còn đang tập tu, thấy Thầy chứng minh cho được truyền trao bí pháp cho người hậu học, tưởng đó là Đạo đức đủ đầy mà khởi tánh tục tự kiêu, nên sanh nhiều sự khảo." (Đàn Long Hoa năm 1965)
                                              ĐÀN LONG HOA
                                                  NGỘ MINH

                                                      (ký tên)
                                             (Bửu Minh Đàn sao chép)

 Mời xem tiếp: Bút Tích: Bà Tư Minh Hồng

                       Lễ kỷ Niệm Ngày Thầy qui vị

                       Kỷ Niệm Ngày Thầy Qui vị

                                                              Trở Lại Mục Lục