(Thanh Liên Đàn,  8-6 năm Đại Đạo 36 Tân Sửu, 20-7-1961)

VĂN THIỆN NGÔN TẮC BÁI

       Nầy chư môn đồ, có câu: “Văn thiện ngôn tắc bái”, nghĩa là: nghe lời lành thì phải lạy mới được nghe. Huống chi trong thời hạ nguơn mạt pháp nầy Đức Thượng Đế lâm phàm dạy đạo, cùng Phật, Tiên, Thánh, Thần thảy đều giáng điển khuyến giáo nhơn sanh thì không nên khinh thường lời châu tiếng ngọc.

       Thượng Tôn nhắc lại một câu chuyện cổ tích, cách đây trên hai ngàn bốn trăm năm (2400 năm). Ở xứ Ấn Độ có ra đời một nhà vua tên A Dục oanh liệt vô cùng, Đông xông Tây đục mới giữ vững ngôi vàng. Nhưng, với một tâm hồn giác ngộ, một hôm đi dạo ngoài thành gặp một nhà tu sĩ hành khất, vua A Dục liền mọp sát đất cúi đầu hun lên bàn chân nhà sa môn tu sĩ ấy.

       Quan đại thần hầu tâu rằng: “Nhà vua là mình vàng lá ngọc, sao hạ mình với kẻ hành khất tu sĩ như thế, e cho nhẹ giá phẩm mình rồng chăng?”  Vua A Dục làm thinh, về trào ra lịnh cho vị đại thần ấy rạng nhựt phải nạp chín mươi chín cái đầu thú và một cái đầu người tử tù về tội sát nhân cướp của. Vị đại thần ấy qua ngày nạp đủ số. Vua A Dục bèn phán: “Hãy đi bán hết tất cả số đầu thú và đầu người để lấy tiền dùng vào việc.”

       Quan Đại thần bán hết cả chín mươi chín cái đầu thú, chỉ còn đầu người không ai mua hết. Thì vua A Dục biểu bán rẻ cho người, nhưng cũng chẳng ai mua. Nhà vua bảo cho người đi, cũng không ai lấy. Vua A Dục mới phán cùng đại thần rằng: “Thế là đầu tên tử tù nầy giá trị không bằng đầu thú, nhưng với đầu tử tù ấy xét lại tội ác còn thua đầu của Trẫm, vì chính đầu óc Trẫm mưu mô quỉ quyệt, bày binh bố trận, tàn sát muôn vạn sanh linh Trẫm mới ngồi vững trên ngôi vàng nầy. Thế là biết bao nhiêu kẻ căm thù oán hận đến Trẫm, sao khanh nói Trẫm là quí giá như thế nào?

       Nay Trẫm đã hồi đầu giác ngộ nên sùng kỉnh lễ bái nhà đạo đức tu hành, khanh lại ngăn cản Trẫm, có phải là khanh xúi giục Trẫm mãi đi trên đường tội ác chăng?

       Từ nay về sau ai ngăn cản Trẫm trên đường lễ bái tôn kính nhà đạo đức thì Trẫm chẳng tha tội vậy.”

       Đó là câu chuyện cổ vẫn còn ghi vào sử nhà Phật. Chư môn đồ có nhận thấy nhà tu sĩ đạo đức quí báu dường nào chăng?

       Quả thật vậy! Trong cảnh đời hạ nguơn mạt kiếp rối loạn đao binh nầy, nếu ngày nào những nhà lãnh tụ cầm đầu nhơn loại biết sùng bái tôn kính nhà tu hành, tức nhiên mới đem lại sự hòa bình hạnh phúc thật sự cho nhơn loại vĩnh viễn được.

       Thì nay chư môn đồ rất hữu phước, đạo Trời khai trên ba mươi năm giáo huấn, kẻ thì được một hai chục năm, người thì được ba chục năm, ai ai cũng thấm nhuần đạo đức, ấy là bực thiên hiền giác ngộ trước đó. Tức nhiên phải làm gương sáng tỏ nhà đạo đức tu hành thật sự để làm gương cho nhơn loại là hậu hiền.

       Lần lượt đây khắp trên hoàn cầu ai ai cũng phải tập nói đạo đức và hành đạo đức như chư môn đồ vậy.

       Nhưng vạn sự khởi đầu nan, quí tại hồi sơ.

THÁI THƯỢNG ĐẠO TỔ

Thư Viện 1      4   5