MỘT VÀI KHÍA CẠNH VỀ PHÉP CÔNG PHU
TU LUYỆN THEO TAM GIÁO




Bất cứ thuộc tín ngưỡng nào,người tu hành cũng cần lập công bồi đức. Ðó là điều kiện thiết yếu để tiến hóa tâm linh. Công và Ðức là hai yếu tố quan trọng, giúp cho người tu thăng hoa tinh thần đạo đức.

Công: thì có "Tam Công" (Công phu, Công quả, Công trình).

Ðức: thì có "Tứ Ðức" hay là "Tứ Lượng" (Từ, Bi, Hỉ, Xả).

Trong buổi Tam Kỳ Phổ Ðộ, Tân Pháp Cao Ðài khuyên dạy tín đồ hành trì "Tam Công, Tứ Lượng" để đạt mục đích giải khổ đăng Tiên, thoát khỏi luân hồi lục đạo, qui hồi Phật cảnh.

Các Ðấng Thiêng Liêng giáng cơ dạy Ðạo, khuyên tín đồ hành trì cho đủ "Tam Công" mới đủ tiêu chuẩn cổi phàm vào Thánh, thoát tục đăng Tiên. Ðại ý các Ngài dạy rằng:

Cỗi lốt phàm phu, tục hóa Tiên,
Công phu, công quả đắc tâm thiền,
Công trình lập hạnh, đời siêu thoát;
Hàm lượng vô vi dưỡng bổn nguyên.


Trong phạm vi bài nầy, tác giả chỉ xin đề cập đến "Một vài khía cạnh về phép Công phu Tu luyện theo Tam Giáo".

I.- Công phu là gì?

Công phu là phần tu tánh luyện mạng,khai mở giác năng, xung phá Thiên môn, vén màn vô minh cho Thiên tánh qui chơn, nghịch hành phản bổn.
Ði theo con đường trần là "thuận hành" ,nghĩa là suốt đời chỉ lục đục theo thói phàm. Ði theo con đường siêu thoát về cõi tâm linh là " nghịch hành ".
Linh hồn có hai lối đi,

Xuống trần "đi thuận" tên ghi sổ trần.
Vào trần mang nặng xác thân,
Nhơn dục lôi cuốn mất phần linh thiêng.
Muốn về cửa Phật nhà Tiên,
"Ði nghịch" phản bổn hồi nguyên trở về.
Công phu, tánh mạng làm đề;
Linh hồn quyết định hồi quê Thiên Ðàng.

Công phu là phát động năng lực rèn luyện thân tâm, giải trừ tội nghiệp, tận diệt tánh phàm cho thánh tâm hiển lộ, chuyển hóa nhơn dục cho thiên lý lưu hành, mới đắc thành đại giác, chánh giác.
Trong nhiều Thánh giáo Thượng Ðế có dạy:

"Con có "Thánh Tâm" sẽ có Thầy,
Thầy là Cha cả của Ðông Tậy,
Tây Ðông, dầu biết hay không biết;
Thì đức háo sanh cũng thế nầy".


Muốn có "Thánh Tâm" để cảm ứng cùng Thầy thì người tín đồ phải tích cực công phu rèn luyện thế nào cho linh khiếu khai mở, nhiên hậu mới tiếp được thanh quang điển lành của Thầy ban bố. Trong một Thánh giáo xưa Thầy đã dạy:

"Các trẻ muốn gặp Thầy cũng dễ,
Dẹp "tâm phàm" đừng để dây dưa,
Thiệt hư quấy phải ngăn ngừa;
Tham, sân, ái, ố rán chừa cho xa.
Các trẻ muốn gần Cha thì vậy,
Cha vui lòng tin cậy hằng ngày,
Lựa điều, lựa việc Cha sai,
Con đừng biếng nhác cải Thầy nghe con.

.............................................

Lời Thượng Ðế dạy trên đây đã quá rõ ràng: "Muốn gặp Thầy cũng dễ" với điều kiện là phải dẹp "tâm phàm" tức khắc, nghĩa là phải dùng "tâm Ðạo" thực hành đạo lý, đừng biếng nhác cải lời Thầy.

Lời Thầy dạy suy ra rất dễ thực hành, nhưng khổ nỗi đa số hay hầu hết người tu không làm được vì "biếng nhác".

Biếng nhác công phu giải tánh phàm,
Ðể tâm thâm nhiễm ái, sân, tham,
Cái thân tham dục,tánh phàm tục;
Cứ để dây dưa chẳng biết nhàm.


Công phu là phép thanh lọc "Tinh Khí Thần" cho nhơn dục trở thành Thiên dục, thanh điển nghịch hành xung phá Thiên môn,như sách Trung Dung đã dạy:" Thiên mạng chi vị tánh, xuất tánh chi vị Ðạo".

Ngày xưa ông Trương quả Lão biểu dương thành tích nghịch hành đắc Ðạo của ông bằng kiểu cách "cỡi lừa ngược" (Trương Quả Lão đảo kỵ lư) nghĩa là cỡi lừa mà xây mặt đằng sau đuôi con lừa, để hàm ý dạy khuyên người đời rằng:

Nghịch hành phản bổn hoàn nguyên,
Thuận hành sa đọa hạ miền trầm luân.


Chắc có lẽ trong giới tu hành, ai ai cũng biết "Nghịch hành" là gì ? mà "thuận hành" là sao?. Khỏi cần giải thích thêm nữa. Nếu có miễn cưỡng mà nói ra lời thì cũng chỉ gợi ý rằng:

Phân minh hai lối Thánh, phàm,
Thuận hành nhơn dục cam làm tội nhơn.
Linh hồn mắc đọa cõi trần,
Chuyển luân bao kiếp tinh thần rối ren.
Công phu khêu lại ánh đèn,
Biết phương nghịch chuyển mới lên siêu tầng.
Huyền Quan khai mở thần huờn;
Kẻ Tiên người tục, đôi đàng cách phân.


Người tu hành, ai cũng biết thân phàm là "giả tướng", nhưng trong giả có chơn. Tá giả tu chơn mới thành công đắc quả. Ai cũng biết thân là "đời" nhưng trong đời có Ðạo. Mượn đời làm Ðạo thì mới thoát ly trần cấu. Ai cũng biết thân là "Tứ đại giả hợp" nhưng trong tứ đại có tứ linh: "Tâm linh, tánh linh, thần linh, điển linh". Mượn tứ đại phát hiện tứ linh thì đắc thành chánh quả.
Nếu không có thân thì không có đời,mà không có đời thì chẳng hề có Ðạo. Nếu không có thân thì chẳng có người, mà nếu không có người thì chẳng hề có Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nếu không có thân thì không có "Tam Bửu Ngũ Hành",mà nếu không có Tam Bửu Ngũ Hành thì lấy gì lập ngôi vị Tiên Phật.
Bởi vậy cho nên, người tu lấy thân làm vốn quí, nhưng phải biết phép công phu, tích cực tu luyện cho vốn quí thăng hoa, siêu phàm nhập Thánh, để lập thành tư hữu trường sanh bất tử hay vô sanh bất diệt nơi cõi Tiên nhà Phật.
Thông thường người ta cho rằng hữu thân hữu khổ, hữu nghiệp hữu tội,nhưng nếu biết phép công phu tu thân thì có thể giải khổ, dứt nghiệp trong kiếp trần.

Người tự giác còn cho rằng sắc thân là chướng ngại của giác tánh, là nhà tù của tâm linh, là khám vô minh giam hãm linh hồn. Bởi thế người chơn tu phải đặt trọng tâm tu luyện vào "Công phu" để giải tỏa chướng ngại cho giác tánh lộ bày, phá khám vô minh cho tâm linh siêu thoát. Ðến lúc công phu đắc lực rồi thì người tu mới nhận ra rằng:

Thân là đền báo của tâm linh,
Là chiếc thuyền từ cứu chúng sinh,
Bể khổ rước đưa người lánh tục;
Công phu giải thoát hiệp Thiên Ðình.
Người tín đồ Ðạo Cao Ðài còn cho rằng:
Thân là Tòa Thánh để thờ Thầy,
Bát Quái, Cửu Trùng cũng tại đây,
Có Hiệp Thiên Ðài cầu cảm ứng,
Lên thuyền Bác Nhã tại thân nầy.

Nhìn tổng quát trong xã hội, người ta nhận thấy hai hạng người: người đời và người Ðạo. Hai loại người đều có thân, nhưng cách sử dụng bản thân có hai lối khác nhau:

Ðời mê thân biển trần sôi nổi,
Người vì thân lặn lội bến mê,
Thân nuôi tham dục nặng nề;
Thân đày hồn vía quên về quê xưa.
Ðạo nhờ thân lọc lừa chơn giả,
Người tu thân thượng hạ phân minh,
Thượng là tánh sáng,tâm linh,
Hạ là dục vọng, vô minh khổ đời.
Học công phu tánh Trời phục phát,
Mở khiếu linh, diệu đạt huyền linh,
Tu thân tích cực sửa mình,
Ấy là căn bản qui trình Phật Tiên.


Quan sát trên cõi đời, người không tu quá nhiều, người tu thì quá ít. Sự mất quân bình trên đường tiến hóa tâm linh là nguyên nhân gây ra nghiệp quả chập chồng, biến cõi đời thành bể khổ sông mê, ê-chề kiếp nạn.

Xét lại người tu, thì cũng ít người biết công phu giải nghiệp, dứt khổ, do đó mà phàm tâm không chết, đạo tâm không sanh, nhơn dục không tuyệt, mà thiên lý chẳng lưu hành. Và cũng do đó mà trong thời mạt hạ nầy, nguyên linh đã biến thành tàn linh, làm cho cõi đời thành ra địa ngục.

Vì sót thương nguyên linh tàn tạ, cho nên Ðức Mẹ Diêu Trì phải thiết tha kêu gọi:

Hỡi tàn linh ơi ! hỡi tàn linh!
Có nhớ quê xưa chốn Ngọc Ðình,
Quay gót mau về nơi cựu vị;
Thôi đừng dang díu kiếp phù sinh!.

Phù sinh bá tuế đa như mộng,
Thế cuộc nhứt tràng khán tợ vô,
Dấn thân trên nẻo hoạn đồ,
Chim lồng ai biết cá hồ ai hay?.


..........................

Nói chung về lập trường người tu, khi bước vào đường đạo, thì nghĩ ngay đến công phu tu thân, tức là thực hành phương pháp tự độ, rồi sau mới có khả năng độ tha. Nếu chưa biết công phu tự độ mà lo đi độ người, đó là điều vô nghĩa.

Sở dĩ người ta gọi "Ðời là bể khổ", bởi vì người mê quá nhiều mà người giác thì quá ít. Chính những người mê trần mới tạo biệt nghiệp dập dồn, cộng nghiệp lừng lẫy. Người không tu,chưa biết tu,thì suốt cả đời chỉ làm nô lệ cho dục vọng của bản thân, thỏa mãn những đòi hỏi của xác thịt, trải qua tứ khổ trong vòng mê loạn:

"Sanh" ra mang lấy chiếc thân phàm,
Lăn lóc bể trần,dục ái tham,
Thân ấy là đời nhiều hệ lụy,
Vô minh quả nghiệp trả không kham.

"Lão": vốn từ đâu đến bản thân ?
Chào đời tươi trẻ tợ Thiên Thần,
Ðời lên từng tuổi thân mòn mỏi;
Hết hạn xác hư trả lại trần.

"Bịnh": đến vày vò khổ tấm thân,
Người không tu tỉnh loạn tinh thần,
Cơ nguy đáo hạn, sống rồi chết;
Quí tiện hèn sang xuống mộ phần.

" Tử ": là đoạn kết kiếp trần gian,
Vạn ức sanh linh diễn một màn,
Sống chết, người đời cam chịu vậy;
Mấy ai thay đổi kiếp lầm than ?.


A.- Phép Công phu theo Ðạo Nho:

Nho gia rất quí trọng bản thân, nên nêu lên công án:"Tu, Tề,Trị, Bình", nghĩa là: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Nhà Nho bắt đầu tu sửa từ cá thể đến tập thể, từ tập thể đến cộng đồng đến đại đồng thiên hạ.

Trong việc tu thân, nhà Nho phân ra hai trình độ: Hình Nhi Hạ và Hình Nhi Thượng.

1.- Hình Nhi Hạ: Ở trình độ nầy, nhà Nho chú trọng đến ngoại cảnh, cho nên họ hiểu rằng:

" Tu Thân ": là rèn luyện con người, chú trọng đến thân danh, học hành cho đổ đạt để chen vai thích cánh với người đời nêu cao sĩ khí như một Nho sĩ nào đó đã tuyên bố:

Mang thân ra đứng trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.


"Tề gia": là áp dụng đạo Thánh Hiền trong phạm vi gia đạo,phụ từ tử hiếu, phu phụ tương kính, huynh đệ tương thân. Dùng lễ giáo để giữ vững trật tự kỷ cương, tình thương đoàn kết trong tiểu gia đình và đại gia đình.

"Trị quốc": Từ việc nhà ra đến việc nước, đạo Nho dạy con người hiếu trung trọn đạo. Nhờ lễ giáo mà ổn định gia cang, nhờ đạo đức mà giúp nước, nhờ sĩ khí mà tế dân, nhờ nho phong mà trị quốc; đó là những ưu điểm nhập thế của Nho gia.

"Bình thiên hạ": Nhờ học đạo Thánh Hiền,mà con người biết lấy tu thân làm gốc. Cương lãnh đạo Nho khép con người vào khuôn "Nhơn Ðạo". Làm người phải biết phép hoàn chỉnh cái đạo "Làm người" bằng công phu tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Không phải ai ai cũng là "Thiên Tử" .Duy chỉ có người đắc Thiên Mệnh mới được làm Thiên Tử,nghĩa là người thay Trời đứng trên muôn dân mà cai trị dân để bình thiên hạ.

Quan niệm xưa cho rằng bực Thiên Tử tiêu biểu cho đạo làm người mới đủ tài đức làm theo "Ý Trời" mà tạo cảnh phong điều võ thuận, quốc thới dân an cho thiên hạ thái bình, nhơn dân cộng lạc.

Nói tóm lại,công phu tu thân thực hành Thế Ðạo của nhà Nho gồm trong bốn chữ "Tu, Tề, Trị, Bình" xét ra rất là thực tế và hợp với lý tự nhiên.

Nhà Nho ở trình độ Hình Nhi Hạ thì hành trì theo công án "Trung Thứ" kỷ sở bát dục vật thi ư nhơn.

2.- Hình Nhi Thượng: Thăng lên trình độ cao hơn, nhà Nho thực hành công án "Nhứt Dĩ Quán Chi" và với trình độ đó thì bốn chữ "Tu, Tề, Trị, Bình" được hiểu và áp dụng một cách khác:

" Tu Thân ":Khởi đầu việc tu, hành giả chỉ thấy mình có một thân cá thể,nên chăm chú sửa mình. Sửa mình là tu tâm dưỡng tánh làm cho bản thân mình được ổn định về tinh thần và bình an về thể chất, nhưng đặt nặng vấn đề tồn dưỡng đức tánh hiền nho.

" Tề Gia ": Qua một thời gian công phu tu luyện, rèn tâm sửa tánh, hành giả nhìn lại bản thân mới thấy đây không phải là một cá thể, mà là một tập thể gia đình nơi đó có:

Một chồng làm chủ gia đình,
Linh hồn chơn chánh trọn tình tề gia.
Chơn thần nội tướng trong nhà,
Vía khôn hồn sáng, hiệp hòa âm dương.
Lục căn tuân giữ cang thường,
Lục trần hỗ trợ thiên lương rỡ ràng.
Thất tình lục dục mở mang,
Tề gia đắc lực, Thiên đàng là đây!


Các bậc Hiền Nho,khi đã công phu tu thân đắc lực, tề gia kết quả mới tiến hóa tâm linh mà phát minh thêm rằng bản thân là một quốc gia, nơi đó có quân thần, tướng sĩ và nhơn dân hiệp lại thành một cộng đồng giang sơn và tất cả chung sống trong mối đạo trị quốc, trên dưới rất phân minh:

Quốc gia vốn tại thân nầy,
Non sông đất nước, an bày quốc dân.
Vua minh quân, quan trung thần,
Dưới trên vẹn đạo, nhơn dân thái bình.
Rỡ ràng đạo lý duy sinh.....


Tu hành đến trình độ nầy, bậc Thánh Nho mới đắc "Thế Ðạo" ,biết trọn thương mình, biết thương nhơn loại, mới đem triết lý đạo Nho ra độ đời.
Khởi đầu công phu tu luyện, nhà Nho chú trọng việc tu thân tích cực. Khi đạt được kết quả tu thân, nhà Nho nhận ra sứ mạng tề gia, trị quốc nơi bản thân. Ðến lúc tâm linh tỏ sáng mới giác ngộ chơn lý và nhận thấy Nhơn Thân chẳng những là một đơn vị cá thể, một gia đình, một quốc gia, mà còn là một "Tiểu Thiên Ðịa" thật là vi diệu vô cùng. Từ lúc trực ngộ bản thân là Tiểu Thiên Ðịa,Tiểu Càn Khôn hay là Tiểu Vũ Trụ, hành giả mới chứng đắc "Thiên Ðạo" và có giác năng phi thường "Bình Thiên Hạ" nơi mình và góp phần cùng Tạo Hóa trong cơ giáo hóa quần sanh.

Ðó là trường hợp của Ðức Khổng Phu Tử, xuất thân châu du liệt quốc, đem Ðạo vào Ðời và khuyên dạy chúng sanh. Cái biểu tượng của bậc Thánh Nho từ Thế Ðạo qua Thiên Ðạo muôn đời còn ca tụng:
Ðạo Nho của Ðức Khổng Thánh đã dạy:

Trước tu thân đắp nền Nhơn Ðạo,
Biết tề gia thông thạo đạo nhà,
Rồi ra lãnh đạo quốc gia;
Nước nhà an trị, âu ca thái bình.
Ðạo tu thân nơi mình vẹn vẻ,
Ðạo tu thân diệu kế hiền nho,
Trị quốc sách Thánh trăm pho,
Ðạo bình thiên hạ nung lò Hóa Công.
Tiểu Linh Quang mở lòng lập đức,
Công án Nho: "Quán Nhứt Chấp Trung"
Thiên Nhơn diệu hiệp một lòng;
Lập đời Thánh Dức,kỳ công muôn đời.


Sơ lược sự tích Ðạo Nho từ "Hình Nhi Hạ lên Hình Nhi Thượng" hay từ "Trung Thứ" lên "Nhứt Dĩ Quán Chi":

Trong Ðại Thừa Chơn Giáo, Ðức Thượng Ðế dạy rằng:

................................................. .............

- Các con nên hiểu rằng: Lúc Khổng Tử dạy về Nhơn Ðạo thời chưa thông Thiên Ðạo,còn dùng tửu nhục. Ðến ngộ Ðạo cùng Hạng Thác thì trì trai thủ giới, nên có câu: "Thiên sanh Khổng Tử chơn kỳ trí, tánh mạng công phu thỉ bất minh, vãng trần lộ ngộ Hạng Thác vi sư, lão tác đồ ty thiếu vi tôn", cùng câu "Trai minh thanh phục yếu dục dưỡng tinh".

Sau người Châu Tử chẳng thông thời vụ, học Trung Dung chưa rồi mà luận đến Thiên Ðạo lại chê Lão Tử, Khổng Tử rằng thuyết hư vô tịch diệt là dị đoan. Có phải ấy là ếch nằm đáy giếng xem Trời nhỏ chăng?
Từ Trung Nguơn đến giờ, cũng có kẻ tu Ðạo Lão phân minh lý thuyết ấy, song chẳng chi chứng rõ bằng Thầy cầm luật công bình mà phán đoán.

.................................................. ...............

Theo lời Thượng Ðế dạy trên đây thì Ðức Khổng Tử ra đời chỉ dạy về Thế Ðạo, chưa thông Thiên Ðạo. Ðến khi gặp Hạng Thác truyền tâm ấn Thiên Ðạo thì Ngài mới quán thông Chơn Lý.

* Kể sự tích: Ðức Khổng Tử, sau khi được Thần Ðồng Hạng Thác truyền diệu khuyết, Ngài công phu tu luyện mới đắc Thiên Ðạo, quán thông Chơn Lý. Ngài muốn truyền tâm ấn lại cho thầy Nhan Hồi để kế nghiệp Nho gia. Nhưng rủi thay thầy Nhan Hồi mất sớm, Ngài lấy làm buồn và thương tiếc. Sau đó, Ngài nhận thấy trong đám cao đồ của Ngài, có thầy Tăng Sâm là người có đạo hạnh cao trổi nhứt, Ngài mới cho đòi thầy Tăng Sâm vào thư phòng mà nói rằng:

- Sâm hồ, ngô đạo nhứt dĩ quán chi.

Thầy Tăng Sâm nghe qua diệu khuyết,liền tỏ ngộ, dạ một tiếng rồi lui ra đắc ý vui cười. Những người đệ tử khác đón thầy Tăng Sâm lại mà gạn hỏi:

- Thánh Sư dạy điều chi mà anh đắc ý vui cười như vậy?

Thầy Tăng Sâm nghĩ thầm trong bụng rằng lý Ðạo "Nhứt Dĩ Quán Chi" quá cao xa đối với trình độ trung bình của chư đạo hữu. Nếu nói thật ra, sợ họ hoang mang bèn nói trở đi rằng:

- Phu Tử chi Ðạo, Trung Thứ nhi dĩ hỉ!

Nghĩa là: cái Ðạo của Ðức Khổng Tử chỉ là Trung Thứ mà thôi!

" Trung " : giải theo cách chiết tự là " trong lòng ".

" Thứ " : giải theo cách chiết tự là "như lòng ".

Do công án "Trung Thứ " mà nảy ra qui ước: "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn" nghĩa là: Ðiều gì ta không muốn, đừng đem thi thố với người. Nói rõ hơn, đối với người bằng tấm lòng ta, như lòng ta vậy.

Xét cho kỹ, "Trung Thứ" tức là "Trung Dung". Mà Trung Dung chẳng khác gì "Nhứt Quán" ,tất cả đều không ra ngoài chữ "Tâm" ( ) nhiệm mầu vi diệu.
Những bực Hiền Nho thì thực hành theo công án "Trung Thứ". Những bực Thánh Nho, từ "Thế Ðạo" qua "Thiên Ðạo" thực hành theo công án "Nhứt Dĩ Quán Chi".

B.- Phép Công phu theo Ðạo Tiên:

Tiên gia có lập trường xuất thế, thực hành đạo "Thanh Tịnh Vô Vi" dụng căn bản Hậu thiên thừa tiếp đạo Tiên Thiên,nghĩa là từ Nhơn Ðạo bước qua Thiên Ðạo. Nhơn Ðạo là lẫn đời, Thiên Ðạo là xuất thế. Theo Tiên Ðạo việc giải phá công án là:

Nhơn Ðạo khởi từ bản thân,
Luyện Tinh hóa Khí, hóa Thần thăng hoa.
Ngũ Hành, Tam Bửu hiệp hòa,
Mở tung huyền khiếu tìm ra Ðạo mầu.
Ðạo sanh thử mễ huyền châu,
Linh Quang siêu thoát về chầu thượng Thiên.
Tiên gia diệu pháp chơn truyền;
Cỡi xe "Phong Hỏa" chơn Tiên phi đằng.


(Phong Hỏa: là Gió Lửa hay là Nguơn Khí Nguơn Thần hay là Chơn Âm Chơn Dương).

Ðạo Tiên dạy bí quyết tu Tánh luyện Mạng. Tánh vốn có một, nhưng khi nhập vào thai phàm,thiên tánh bị trọng trược biến thành phàm tánh. Tu Tánh là thanh lọc cho phàm tánh trở lại nguyên chân Thiên tánh.

Luyện Mạng là bảo tồn Tam Bửu, rồi điêu luyện cho Tam Bửu trở thành Tam Hoa nhiên hậu mới xung lên khai phá "Huyền Quan Khiếu".
Trong kinh Ðại Thừa Chơn Giáo, Ðức Thượng Ðế dạy:

"Người tu hành chừng nào luyện Tinh hóa Khí,luyện Khí hóa Thần, luyện Thần huờn Hư, luyện Hư huờn Vô, thì "Huyền Quan Nhứt Khiếu" ấy mở ra.
Huyền Quan Khiếu ấy là chi ?. Là "Thiên Nhãn" vậy. Nó ở ngay Nê Huờn Cung,gom trọn chơn dương chánh đạo. Hai con mắt của các con là nhục nhãn, tức là Âm với Dương, thì cũng như Thái Cực là Thiên Nhãn,còn Lưỡng Quang là Nhựt Nguyệt hằng soi sáng khắp càn khôn, cứ tuần huờn mãi, hết ngày đến đêm, hết đêm kế ngày, không bao giờ dứt sự hành tàng của Tạo Hóa".

"Nguơn Thần,Nguơn Khí với Nguơn Tinh,
Hiệp lại lâu lâu nó tượng hình,
Phá cửa linh đài vào bái Phật;
Ngũ Hành hiệp nhứt rất mầu linh".

Tóm lại công án Ðạo gia là:
Công phu luyện Khí hiệp Thần,
Thủ Trung đắc Nhứt, lập thân siêu phàm.
Giác năng hiệp Ngũ qui Tam,
Thiên môn mở quát chơn tâm lộ bày.
Cởi xe "Phong Hỏa" về Thầy,
Kỵ lư nghịch đảo thiên tài xuất siêu.
Công trình nặng nhọc bấy nhiêu,
Công viên quả mãn tiêu diêu thanh nhàn.


Rốt cuộc, Tiên gia chỉ chuyên chú việc "Tu Tánh Luyện Mạng" để đạt tới trạng thái "Thuần Chơn Vô Ngã" từ đó mới có khả năng cứu thế độ đời,với bản sắc là:

Thanh tịnh vô vi đắc tánh thiền,
Lẫn đời tiêu sái với thiên nhiên,
Công phu chuyên luyện Tinh,Thần,Khí;
Công đức trổ tài "Nhơn hiệp Thiên".


C.- Phép Công phu theo Ðạo Phật:

Ðạo Phật trong ba thừa đều hành trì theo qui luật "Tam Qui Ngũ Giới".

Tam Qui: là qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng.

Ngũ Giới: là bất sát sanh, bất du đạo, bất tửu nhục, bất vọng ngữ, bất tà dâm.

Phật tử còn chia ra hai giới: xuất gia là Tăng, tại gia là Cư Sĩ.
Tăng sĩ hay Cư sĩ đều hành trì theo Tam Qui Ngũ Giới, nhưng Tăng Sĩ thì chú trọng Nhơn Ðạo mà bước thẳng vào Phật Ðạo để mong giải thoát. Cư Sĩ thì giữ tròn Nhơn Ðạo, lẫn trong đời mà hành theo giáo lý Ðạo Phật để tiến hóa lần hồi theo lối "Phước Huệ Song Tu".

Lối hành công phu bên Phật giáo thì đa dạng,nhưng kể từ khi đức Lục Tổ Huệ Năng ra đời thì Phật giáo chia ra hai ngành rõ rệt:

1.- Phe Thần Tú còn dùng âm thinh sắc tướng để độ đời tu theo tiệm giáo.

2.- Phe Lục Tổ Huệ Năng chuyên chú tu thiền đốn giáo, kiến tánh thành Phật.

Ngày nay, Phật giáo truyền bá khắp Á Châu, pha trộn hai hình thức vừa tiệm giáo vừa đốn giáo, nhưng hầu hết đều nghiên cứu và thực hành theo Tam Tạng kinh của Ðức Phật Thích Ca truyền lại.

Nói tóm lại, Phật gia nêu công án nhập thế và xuất thế cho ba thừa:

- Hạ Thừa : Lập công,

- Trung Thừa : Lập chí,

- Thượng Thừa: Lập hạnh.

Kết cuộc Phật tử phải đạt tới trình độ "Minh Tâm Kiến Tánh" hay là "Kiến Tánh thành Phật".

Ðức Phật Thích Ca dạy: "Ta là Phật đã thành,chúng sanh là Phật sẽ thành" .Thế có nghĩa là tất cả chúng sanh,không trừ một ai, đều có Phật Tánh và trên con đường tiến hóa tâm linh diệu vợi, ai ai cũng phải tu, phải lập công bồi đức để đạt được cứu cánh phản bổn huờn nguyên, vạn thù qui nhứt bổn.

Trong Ðạo Cao Ðài Thượng Ðế dạy rằng: "Thầy là các con, các con là Thầy" hay cụ thể hơn hết, Thầy còn minh xác rằng:

"Con là một Thiêng Liêng tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể Linh Quang,
Khóa chìa con đã sẵn sàng;
Khi vào cõi tục, khi sang Thiên Ðình".


Cái Linh Quang mà Thầy nói ở đây tức là Thầy ở trong các con như Ðức Phật nói nhứt thiết chúng sanh giai hữu "Phật Tánh"

***
Trong việc hành trì "Tam Công" chúng tôi đã đề cập đến phần "Công phu" là gay go và trọng yếu nhứt, nhưng hành giả muốn cho hoàn chỉnh công đức tu hành thì cũng không thể quên hai phần còn lại. Ðó là " Công quả" và "Công trình".

Công Quả là gì?

Công phu là tự độ, còn Công quả là độ tha. Nếu hành giả chưa có trình độ mà cứu độ người đời, thì cũng có thể vận dụng cái "hảo tâm, cái thiện tâm hay cái đạo tâm" mà giúp đời, gọi là ban vui cứu khổ hay chia vui sớt khổ với tha nhơn. Nếu công phu là để phát triển cái "Trí tuệ" của mình, thì đồng thời, người hành giả cũng không quên phát khởi cái "Tánh Bi" nơi mình. Có Bi, có Trí rồi, còn phải có Dũng mới đủ chất lượng hiệp huờn Thiên Tánh. Do đó đồng thời với Công phu và Công quả, hành giả không được chểnh mảng thực hiện "Công trình".

Công trình là gì?

Việc lập công bồi đức trên đường Ðạo không phải là vấn đề một sớm một chiều, mà phải trải qua một quá trình thật lâu dài ví chẳng khác nào con kiến tha mồi lâu ngày mới đầy ổ, như con ong tha mật hoa lâu ngày mới thành một ổ mật đáng kể.

Công : là công đức,

Trình : là hành trình, công trình, quá trình tu luyện dày công, mà đặc điểm quan trọng là "Ðạo hạnh":

Ðạo hạnh mẫu mực đường tu,
Tu không lập hạnh như mù rờ voi.
Tiên gia còn bị quả nhồi,
Phật gia không hạnh,suốt đời gian nan.
Công trình khai mở giác năng;
Tiên thì bác ái, Phật hằng từ bi.
Nói chung "Tứ Lượng" tu trì,
Từ, Bi, Hỉ, Xả, thực thi vẹn toàn.


II.- Tứ Lượng là gì?

- Tứ Lượng là Tứ Vô Lượng Tâm hay là Từ, Bi, Hỉ, Xả của nhà Phật.
Tứ vô lượng tâm là hạnh đạo cao vời của nhà Phật, mà cũng là công án duy trì Phật Tánh ở trình độ siêu phàm thoát tục.

Người thật tu, người chơn tu, bất cứ là theo phép công phu nào, cũng đều phải hành trì "Tứ Lượng" để mở rộng công năng, bồi dưỡng giác tánh. Vậy thử hỏi người tu phân giải "Tứ Lượng" như thế nào ?.
Xin thưa rằng:

Tâm Trời Ðất vô biên, vô lượng,
Tâm con người hướng thượng qui nguyên,
"Lòng Từ" cảm kích ân thiên,
Thương người,thương vật,thương riêng phận mình
Mình là một Nguyên-Linh nhập thế,
Nhớ căn lành hồ dễ phôi pha,
Nguồn lành cội phúc đâu xa;
Hiệp lòng Trời Ðất nơi ta huy hoàng.
"Tánh Bi" vốn Ngọc Hoàng tế thế,
Cám thương đời dâu bể trầm luân,
Cứu đời khổ ải gian truân;
Lập công bồi đức chấn hưng Ðạo Trời.
"Tâm Hoan Hỉ" lập đời Thánh Ðức,
Vui với mình mẫu mực Phật Tiên,
Với người, cùng học Thánh Hiền;
Nên ta, nên đạo, cứu miền thế gian.
"Tâm buông xả" dẹp màn nghiệp chướng,
Xả tâm trần hướng thượng thanh cao,
Tâm linh tiến hóa đi mau;
Từ, Bi, Hỉ, Xả, hợp màu Phật Tiên.
"Tứ Vô Lượng" tâm thiền nhất quán
Biết lập công chói rạng đức lành,
Tròn công,vẹn đức, nên danh;
Cao Ðài Ðại Ðạo tài thành vẻ vang.


III.- Kết Luận:

Bài khảo luận lập công bồi đức,
Lập biểu nghi gắng sức thực hành,
Âm thầm, lặng lẽ, vô tranh,
Người tu tự học: "Vô danh, vô trần"
Nói ra được, phải hành cho được,
Thật lòng mình chiến lược phá mê,
Thật lòng đạo hữu đề huề;
Hiệp hòa tâm đạo cùng về quê xưa.
Luận đường tu "Tam Thừa Cửu Phẩm"
Cùng đệ huynh ghi đậm chữ "TU"
Công trình, công quả, công phu;
Tâm linh có đủ linh phù Thầy ban.

Thầy ban Quyền Pháp lập Cao Ðài,
Ðại Ðạo từ xưa một chẳng hai,
Tâm Ðạo giác rồi qui lẽ Một;
Thiên Nhơn hiệp nhứt rạng thiên tài.

 

Thư Viện 1      4   5