TRÁNH NGHIỆP TRÁI OAN

Ngọc Minh Đài

Tuất thời Rằm tháng 11 Bính Ngọ (26-12-66)

Thi:

Nhẹ gót đường mây đến cõi trần,

Đoái nhìn em chị dạ lâng lâng,

Nghiệp oan còn vướng nơi phàm tục,

Nên phải sớm trưa cảnh nợ nần.

      Chào chư Thiên mạng. VÂN-HƯƠNG THÁNH-MẪU, Chị chào mừng các em nữ phái. Xin mời toàn thể đàn trung an tọa.

      Thừa sắc lịnh Từ Tôn Kim Mẫu cùng chỉ định của Tam Trấn Oai Nghiêm Bồ Tát, Chị đến giờ này để đem sở hành với lòng đạo đức kể ra cho các em cùng nghe trong thời kỳ gian nan khốn khổ, dù hoàn cảnh mình hay hoàn cảnh nhân sinh cũng thế.

Thi:

Mây nước muôn trùng cảnh hợp tan,

Lối về ai vẽ nét sơ hoang,

Ba vòng thế giới chân chưa mỏi,

Sáu nẻo luân hồi nghiệp đã mang.

Tiếng trống Lôi Âm còn giục giã,

Hồi chuông Bạch Ngọc vẫn kêu vang,

Mộng đời cố nuốt bao dòng lệ,

Đun lại lò cừ mấy hạt đan.

      Hỡi các em! Ân huệ Thiêng Liêng lúc nào cũng phổ cập đến chúng sanh, chỉ vì chúng sanh không hưởng thụ để đánh lạc mất bản linh chân tính. Cho đến ngày nay, trước cục diện thay đổi tuần hoàn, phải đành chịu triền miên khổ lụy! Em ơi!

Bài:

       Sắp đến độ mai vàng thay lá,

       Vừa qua cơn nắng Hạ mưa Thu,

              Đường trần để gót ngao du,

Luận câu thế sự trầm, phù, được chăng.

       Trên áng ngọc hương đăng phưởng phất,

       Dưới bệ vàng nô nức tâm thành,

              Động lòng nhớ thuở sơ sinh,

Cùng chung một khối điển linh ban truyền.

      Trước đây, Chị tạm đóng vai trò lương y để kể lên chứng bịnh trầm kha của các em và cũng chỉ một vài phương chữa trị cho bệnh nhân.

      Bệnh đầu tiên các em là bệnh oan gia trái chủ, mà hiện nay các em đang nhận làm trách nhiệm chính yếu của mình, đang tha thiết giữ gìn trong kiếp này hay lắm lúc còn hẹn đến kiếp lai sinh.

      Bởi thế nên trần gian chứa đựng biết bao nhiêu xác thân đày đọa, liễu úa hoa tàn. Dù phải trăm cay nghìn đắng, não ruột bầm gan cũng vẫn tìm hy vọng trong chuỗi đời đầy đau khổ. Cho đến ngày hôm nay, hoa cỏ cũng tang thương, vật, người cùng cảnh ngộ.

Tiếp bài:

       Đến trần gian chia miền chia cõi,

       Mượn thân phàm rằng giỏi rằng hay,

              Quẩn quanh rồi cũng chốn này,

Bại, thành, vinh, nhục, dậm dài thiên luân.

       Có ai biết vi nhân nan giả,

       Có ai tường thiên hạ giai do,

              Hóa Công un đúc một lò,

Khuôn viên màu sắc nhỏ to thợ Trời.

       Hễ sinh đứng làm người thì đã,

       Có khác gì tằm trả nợ dâu,

              Thanh mi cho đến bạch đầu,

Bao nhiêu thế sự cơ cầu éo le.

       Ơn Tạo Hóa chở che đùm bọc,

       Nghĩa sanh thành hình vóc tóc da,

              Đứng trên muôn dặm sơn hà,

Ngọn rau tấc đất mặn mà tâm can,

       Đem quốc sử đọc trang thanh sử,

       Mở dư đồ nhìn thử cơ đồ,

              Mấy ngàn năm đã diễn phô,

Bút thần vạn thuở điểm tô oai hùng.

       Đi đi lại trong vòng nhân thế,

       Được được thua chừ kể mấy mươi,

              Tang thương diễn tại lòng người,

Sông Gianh Bến Hải cuộc đời chia đôi.

       Chí hồng hộc tung trời bạt gió,

       Sức kình ngư đây đó vẫy vùng,

              Sá chi một góc Á Đông,

Mà chia manh múng cho lòng thiết tha.

       Chừ ta hỏi lại ta trước nhất,

       Hỏi gia đình, sự nghiệp, giang sơn,

              Lỡ sinh là kiếp vi nhân,

Hiếu trung sao vẹn, nghĩa ân sao tròn.

       Đứng trông cảnh nước non khuynh phúc,

       Ngồi nhìn tuồng cốt nhục phân ly,

              Quốc dân khốn khổ sầu bi,

Thẹn gương Trần Lý, xót vì Triệu Trưng!!

      Các em ôi! Đời là thế, có gì sung sướng đâu. Hiện tình thế sự vật chất đang hồi cực thịnh, mà tinh thần đang lúc suy vi, tất nhiên nhân sinh phải đi vào luật đào thải của Hóa Công. Thế nên Chị mới kêu gọi các em tu. Tu để làm gì? Tu để tiến hóa kịp trong cõi đời Thượng Nguơn Thánh Đức. Tu để xoay xở lại cảnh địa ngục này sang cảnh Thiên Đàng. Nhưng sao, khi các em nghe đến việc tu thì phần đông liên tưởng ngay là xả phú cầu bần, xả thân cầu Đạo. Người đang sống cảnh nhung lụa vinh quang lại sợ mất đi điều lạc thú, mặc đẹp ăn ngon; người trong cảnh vất vã lầm than sớm rau chiều cháo, nào có thú chi quyến rũ, nhưng cũng lại không thích tu. Ấy có phải các em nghĩ rằng kiếp chết là kiếp mất mà chỉ hiện sinh thôi chăng?

      Đây Chị chỉ minh chứng sự thực là hai chơn hồn vừa thoát hóa, xét lại đường tu chưa mấy, công quả là bao, nhưng lại được tránh nơi đọa lạc, lên cõi Thiên Đàng chờ ngày phán xét, các em có cho đấy là một việc mông lung mờ ảo chăng?

      Nếu thế thì các em đã lầm rồi, không kể đến câu: "Tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời", mà Chị chỉ nói là sự thực từ xưa nay trong sách sử, dẫn chứng đến ngày nay đều rõ ràng không bao giờ huyền hoặc, các em ạ!

      Như Đức Thế Tôn Như Lai đắc đạo cũng là một sự thực hiển nhiên chơn lý, nào phải là huyền ảo đâu. Đến ngày giờ này cũng thế. Nhưng trong sự thành có từng giai đoạn, từng cấp bậc, hoặc thưởng nhiều, hoặc thưởng ít, hoặc đắc vị, hoặc tái kiếp nơi hồng trần, đều được dành trong ân huệ kỳ ba của Thượng Đế tất cả.

      Trong phần ấy cũng nhờ có sự công quả của quyến thuộc thân nhân, vì có câu: "Tu cứu cửu huyền thất tổ". Đấy là một công quả hiện đại chứng minh ở dòng tư tưởng, và kết thành Thế Tôn, chớ không phải một việc mơ hồ đâu.

      Nên Chị khuyên các em hãy nghĩ, ngoài cá nhân mình, còn bao nhiêu trách nhiệm khác cùng liên quan tới cá nhân nữa. Chị kể đây là muốn đem chân lý đến cho các em khỏi phải thắc mắc âu lo, để tự mình tu tập, hành đạo lập công trong thời kỳ mạt kiếp. Các em ôi! Cái vinh sang phú quí ngày nay là đã kết tinh ở mấy kiếp tu trì khó nhọc ngày kia. Nếu các em không nghĩ đến, rồi khi bệnh trạng đã kết thúc cuộc đời người, chừng ấy, than ôi! lửa phiền đốt cháy cả tâm can, băng giá đóng thành bể hận. Các em lại mang dòng tư tưởng sang thế giới khác, để kết cấu cho linh hồn một hoàn cảnh kế tiếp, song hoàn cảnh không cùng hoàn cảnh, mà phải chịu dưới quyền ngự trị của Đấng Chí Công để phán xét tiền nhân hậu quả.

      Khi hoàn cảnh bất đồng tái kiếp nơi thế gian, các em lại gây ra ý tưởng so sánh, hờn tủi ghen ghét, lý trí chủ quan tranh đấu từ kiếp này sang kiếp khác, từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, mãi mãi triền miên trong bể hoạn.

Tiếp bài:

       Cảnh phú quí lẫy lừng hy vọng,

       Đời vinh sang dấy động phàm tâm,

              Túi tham không đáy ngấm ngầm,

Được bao nhiêu cũng âm thầm liệu lo.

       Chen chân đến bến đò Tạo Hóa,

       Hỏi chừ sang mấy ngã hồng trần,

              Có gì cứu cánh bản thân,

Cho linh hồn khỏi quả nhân đền bù.

       Nên Chị bảo em tu là thế,

       Bảo em tu tìm kế sinh tồn,

              Trong khi vực hóa nên cồn,

Giữ sao cho vẹn linh hồn ngày xưa.

      Các em tu trong thời kỳ quốc dân khốn khổ nguy nan, dù cho chưa nên Tiên đắc Phật, các em cũng được trung, được hiếu, được nghĩa, được ân. Các em có thấy chăng? Khi các em đã hy thân hành đạo, là các em đi sâu vào con đường ái tha vong kỷ. Nếu đã ái tha vong kỷ thì không nghĩ đến lợi riêng cho mình. Tất cả nhân sinh đều không nghĩ lợi riêng cho mình mà lợi chung cho toàn thể, thì còn đâu tranh đấu giựt giành, nước sẽ yên, dân an lạc. Đó là các em đã được phần trung. Khi các em là một chủ gia đình, các em không nghĩ lợi riêng cá nhân, thì nào có dành vật chất sự nghiệp cho đời mai hậu riêng của tôn tử thân nhân, mà chỉ nghĩ là sẽ làm, làm để ngày mai lợi chung cho tất cả. Tinh thần ấy, ảnh hưởng ấy, tôn tử sẽ không bị vật chất chế ngự như đời ông cha, và sẽ thoát ra ngoài nô lệ vật chất. Sự thành công sẽ tăng trưởng như giống cây tòng bá sừng sững giữa rừng sâu, vượt cao trên chín từng không gian, để hưởng thụ khí khinh thanh của nhựt nguyệt, là các em hay tôn tử đã làm được chữ hiếu. Đó đại khái căn bản duy nhất đời người cốt hai điểm quan trọng, còn bao nhiêu việc trong kiếp nhân sinh,

cũng sẽ do căn bản đó mà hành động và chứng minh thực sự.

      Ấy thế, các em tu không phải phế bỏ mọi việc luân thường, ly gia cắt ái trong hiện trạng, mà là tạo một tương lai vĩ nghiệp cho nhân loại nước non. Các bậc Thánh Triết siêu nhân hành đạo cũng ở đường tu như thế mà thành. Nếu các em còn lẩn quẩn trong vòng trói buộc vật chất, không đem hết bản năng để tự vệ linh hồn, đến khi thân này hoại đi sẽ tàn tạ cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây Chị dạy qua mức đầu tiên cho tất cả các em suy nghĩ và sẽ đến với các em sau này.

      Hỡi các em! Chị dạy hôm nay để các em về tìm hiểu, hầu đặt mình vào nhiệm vụ Thiêng Liêng để tránh luân hồi nghiệp quả.

      Em ôi! Nhựt thực tam sang dạ manh thất xích. Đáng lo là lo cho tương lai huy hoàng rực rỡ, đời gọi Thế Tôn. Đáng hy sinh là hy sinh cho vĩ nghiệp để hậu thế là bậc vĩ nhân, đừng quanh quẩn xó bếp đầu môn, sẽ uổng một kiếp người trên cõi thế. Dù nữ cũng như nam, trách nhiệm vẫn đồng trách nhiệm. Nữ phái lại càng nhiều công trạng, càng nặng nề hơn cả nam nhân, vì phải chịu trong nếp tùng phu, may mà được đức lang quân biết tu trì học đạo, biết nhân, nghĩa, hiếu, trung, đó là bóng tùng quân đáng chở che thân đằng cát. Tất nhiên phải nương lấy bóng tùng, vượt lên để cùng hưởng thụ Thiêng Liêng ân huệ.

      Nếu không may trong cảnh nước ngược thuyền xuôi, gặp phải gia đình vô đạo, dẫn dắt các em vào mọi thú trụy lạc truy hoan, hễ bước một bước như thế là đã tròng vào cổ các em một khoen sắt của tử thần nơi địa ngục, mãi đến hết vòng khoen sắt là phải cam tâm theo định mệnh, chịu dưới lưỡi hái tử thần, đoạn cuộc đời, đem vào một thế giới tận khổ vô biên, chừng ấy các em có ăn năn cũng quá muộn màng.

      Thôi Chị dạy bấy nhiêu để các em suy nghiệm sau này còn dịp gặp gỡ. Chị ban ơn lành tất cả các em nam nữ, và chúc các em được hoàn thành nhiệm vụ trên sứ mệnh Cao Tiên, thăng.

Bủu Minh Ðàn.Trang Web Phục Vụ Nhơn Sanh Miễn Phí.,Webmaster Trương Ngọc An  

Thư Viện 1      4   5