THIÊN BÀN THỜ TẠI TƯ GIA

Soan giả Giáo Hữu Thượng Lý Thanh.

Ban Tu Thư Ðạo Ðức Học Ðường. Ấn hành năm Canh Tuất (1970).

Kiểm duyệt, ngày 10 tháng 7 năm Canh Tuất (dl. 11-8-1970)
Trưởng Ban Kiểm Duyệt Kinh Sách
Hiến Pháp Hiệp Thiên Ðài
(Ấn Ký)
TRƯƠNG HỮU ÐỨC
In xong ngày 01 tháng 8 năm Canh Tuất (dl. 01-9-1970)
In tại nhà in Tứ Lập - Chợ Long Hoa

Mục Lục

  • Lời nói đầu.
  • Tiểu tự.
  • Thánh ngôn Ðức Chí Tôn.
  • Ý nghĩa và cách sắp đặt trên Thiên Bàn.
  • Thánh Tượng Thiên Nhãn và đèn Thái Cực.
  • Thánh Tượng Thiên Nhãn (Ngũ Chi).
  • Thánh Tượng Thiên Nhãn (Tam Trấn).
  • Hai cây đèn, trái cây và bông.
  • Lư Hương.
  • Cách cắm hương.

 

  • Nước trà và nước trắng.
  • Ba ly rượu.
  • Cúng tứ thời.
  • Cầu nguyện dâng tam bửu.
  • Phải năng cúng kiến, cúng phải nghiêm trang.
  • Phụ lục: Thánh ngôn Ðức Chí Tôn.
  • Phụ lục: Lời giảng dạy của Ðức Quyền Giáo Tông.
  • Phụ lục: Phần giảng dạy của Hội Thánh Cửu Trùng Ðài.
  • Phụ bản: Thánh Tượng Thiên Nhãn.
  • Tài liệu tham khảo.

 

Lời nói đầu.

Ðức Chí Tôn hoằng khai Ðại Ðạo kỳ ba để tận độ chúng sanh, muốn thể hiện cơ tận độ cho có hiệu năng nên Ðức Chí Tôn cho phép mỗi người được thờ Ngài tại mỗi tư gia, tất nhiên mỗi gia đình Ðại Ðạo đều có Ðấng Thượng Ðế toàn năng ngự trị, và mỗi Tín-hữu đều có một Ðấng Tối Cao ở tư gia để chiêm ngưỡng và lễ bái. Như vậy, mỗi người phải am hiểu cách sắp đặt sự thờ cúng trên Thiên Bàn, phải thuộc kinh và phải lễ bái (công phu) hàng ngày để trau luyện tâm linh mình cho minh mẫn sáng suốt.
Thánh ý Ðức Chí Tôn muốn luôn luôn có Ngài ở bên cạnh con cái của Ngài, hầu dìu dắt dạy dỗ để đem con cái của Ngài trở về hội hiệp cùng Ngài nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Gặp kỳ Ðại Ân Xá nầy mà chúng ta không tu luyện thì rất uổng cho một kiếp sanh ngộ Ðạo. Ta không thể đổ thừa rằng: Mắc bận việc gia đình thế sự, không thể thí phát qui y vào am tự mà tu hành, hay vào núi thẳm rừng sâu tầm Tiên học Ðạo được nữa! Vì Ðức Chí Tôn và Thần, Thánh, Tiên, Phật đã đến tận nơi nhà của chúng ta rồi. Ngày xưa, thì người đi tầm Ðạo,

ngày nay lại Ðạo đến tầm người.
Nhưng đôi khi có người cũng chưa am tường sự quý báu vô giá của cơ mầu nhiệm mà Ðức Chí Tôn đã đem đến cho mình, và ý nghĩa sự thờ cúng trên Thiên Bàn, nên có phần thiếu sót bổn phận đối với Ðức Ðại Từ Phụ phải lắm công nhọc nhằn, cũng vì lòng đại từ bi phải hạ mình mà độ dẫn chúng ta, bằng những lời vàng tiếng ngọc như dưới đây:

Cao Ðài tá thế đến phàm gian,
Bạch Ngọc Huỳnh Kim cũng chẳng màng.
Chìu lụy đòi phen xem quá tục,
Nghĩ không đổ lụy phải cười khan.

Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con nghiệt cả bầy.
Biết phận già không chờ chống gậy,
Nương theo con dại mới ra vầy.

Xem qua lời vàng tiếng ngọc của Ðức Chí Tôn, chắc quý vị không khỏi ngậm ngùi cảm động.
Nay tôi cố gắng biên soạn một tập nhỏ nầy, dẫn giải việc thờ cúng trên Thiên Bàn, hầu cống hiến quý vị xem qua để am tường phần nào trong sự sùng kính Ðức Chí Tôn.
Với ước vọng của tôi là khêu lên một tia sáng nhỏ trong muôn ngàn tia sáng, để góp lại giúp thành nguồn sáng, làm một công việc nhỏ nhen trên bước đường cùng chung tu học. Cũng mong rằng ánh sáng nhỏ nầy sẽ được tủa ra khắp nơi cùng chốn làm một món quà nhỏ để quý vị có dịp trông vào, chứ không có cao vọng là dạy đời hay mưu đồ danh lợi chi riêng.
Quý vị tự hỏi: "Tại sao chúng ta phải thờ Ðức Thượng Ðế?" Xin quý vị xem lời tựa của quyển Tân Luật mà tôi lược biên bên trang kế đây, thì chư quý vị sẽ được giải đáp thỏa đáng hơn.
Làm công việc nầy, tôi nhận thấy quá sức mình! Tất nhiên, cuốn sách còn nhiều khuyết điểm. Tôi rất mong các bậc Nho học uyên thâm, quý Ngài Chức Sắc cao cấp trong Hội Thánh hạ cố dạy bảo thêm cho những chỗ thiếu sót; đính chánh cho những chỗ sai lầm, tôi chân thành cảm tạ.
Sau cùng, tôi không quên cám ơn ông Lễ Sanh Thượng Ðạo Thanh, cựu Ðầu Phận Ðạo Ðệ Thập Bát, tức là nhà Thi sĩ Trúc Lam trong nhóm thi sĩ "Thất Hiền" đã giúp đỡ tôi nhiều trong khi biên soạn tập nầy.

Kính cáo,

Thánh Ðịa, đầu mùa hạ Canh Tuất 1970,
Nhân ngày lễ Kỷ niệm Ðức Hộ Pháp qui Thiên.

Tiểu Tự

Phàm con người phải biết có chi trên đầu. Cái không trung trên đầu ta đó là Trời. Ðấng cầm quyền trên ấy là Ðấng Tạo Hóa, là Ngọc Hoàng Thượng Ðế, là Chúa Tễ cả Càn Khôn Thế Giái.
Nay Ðấng Tạo Hóa lấy danh lập Ðạo là Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát, dùng huyền diệu Tiên gia đến dựng nơi nước Nam ta một nền Chơn Ðạo rất cao thượng mà độ rỗi nhơn sanh khỏi luân hồi, gọi là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Ðức Thượng Ðế vì thương yêu nhơn loại đến độ rỗi chúng ta, lại gọi mình là Thầy, kêu chúng ta là Môn Ðệ.
Vậy nên chúng ta phải hết lòng kính mến và sùng bái Ðấng Tạo Hóa,

và hết dạ tín ngưỡng cái Ðạo rất huyền vi mầu nhiệm của Ðấng Chí Tôn.
Cái tông chỉ của Ðại Ðạo là gồm cả ba Ðạo chánh là: Nho, Thích, Ðạo, chuyển cả ba Ðạo ấy mà hiệp lại làm một. Nên chi chúng ta tu Ðại Ðạo thì phải noi theo tông chỉ của Tam Giáo mà tập rèn tâm tánh, là phải nắm trọn tam cang, ngũ thường, vẹn giữ tam qui ngũ giái và cần luyện tam bửu, ngũ hành.
Người mà gồm được hết cả ba thì là gần Thần, Thánh, Tiên, Phật vậy.

(Tiểu tự Tân Luật)

Thánh ngôn Ðức Chí Tôn

Thầy, các con,
Chư Môn Ðệ nghe!
Phần nhiều trong các con chẳng để lòng thờ kính Thầy, tưởng cho đem thờ Thầy vào nhà là chủ ý cầu một việc lợi riêng chi cho gia quyến vậy thôi, chớ chẳng hiểu là một nguồn trong sạch để rửa các lỗi phàm tục của các con. Nhiều đứa lại còn mơ hồ, đã thờ Thầy mà còn chưa chắc ý rằng thờ đặng chi, và mở Ðạo có ích gì?
Than ôi! Ðã bước chân vào đường đạo hạnh mà chẳng để công tìm kiếm, học hỏi cho rõ ngọn nguồn, thì làm phận sự Môn Ðệ như thế có ích chi cho nền Thánh Giáo đâu? Ðạo Trời khai ba lượt, người tục lỗi muôn phần, sanh đứng vào thế cuộc, chưa biết mình đã lãnh một vai tuồng, đặng chờ lúc kết quả hồn qui Thiên ngoại, lánh khỏi xác phàm trở về nơi khởi hành mà phục các điều đã thi hành giữa sân khấu là chốn trần ai khốn đốn nầy; phận chưa xong phận, thân chẳng nên thân, thân phận lo tính chưa rồi, còn mong mỏi chi dụng mình vào đường đạo đức để cho có ích chung nữa đặng! Lương tâm của các con là một khiếu Thiêng liêng của Thầy ban để sửa trị riêng các con trong đường tội lỗi và ban thưởng trong việc nhơn đức; làm một việc phải tức là do nơi ý Trời; phạm một nét vạy tà là cải nơi Thiên luật; phải quấy Thần, Thánh chỉnh chép biên, thưởng phạt duy đợi ngày chung cuộc! Khá biết lấy!

(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1,  ngày 27-12-1926)

Ý nghĩa và cách sắp đặt trên Thiên Bàn.

"Lập vị Thượng Ðế thì phải lựa nơi nào cho tinh khiết, tốt hơn hết là giữa nhà. Lập trang thờ cho cao, và treo màn cho khuất chỗ thờ phượng".
Theo như lời tựa vừa dẫn giải ở phía trước, thế nên Hội Thánh dạy người Ðạo sắp đặt Thiên Bàn thờ cúng Ðức Chí Tôn theo hình chữ "Chủ" với 12 phẩm vật tượng trưng cho Thập Nhị Khai Thiên là Ðức Chí Tôn, Chúa Tễ cả Càn Khôn Thế Giới như dưới dây:

1

3-- - 2 --- 4

5- 6- 7- 8- 9

10-- 11 --12


1. Thánh Tượng Thiên Nhản.
2. Ðèn Thái Cực.
3.Trái Cây.
4. Bông.
5. Nước trà (để bên hửu ấy là Âm).
6 -  7 - 8. Ba ly rượu
9. Nước trắng (để bên tả ấy là Dương).
10 và 12 Hai cây đèn.
11. Lư hương.
Thiên Bàn tượng trưng cho cả Càn Khôn Thế Giới do Ðức Chí Tôn làm chủ. Nay Ngài đến lập Tam Kỳ Phổ Ðộ, chính mình Ngài làm Giáo Chủ mà độ dẫn chúng sanh khỏi kiếp luân hồi quả báo, nên người Tín đồ Ðạo Cao Ðài chỉ lập bàn thờ, thờ Ðức Cao Ðài là đủ, không còn lập bàn thờ thờ Thần, Thánh, Tiên, Phật chi riêng làm cho mất vẻ tôn nghiêm.
Nên khi sắp đặt phẩm vật trên Thiên Bàn phải cho thật ngay ngắn. Nếu sắp không ngay thì trật nét chữ. Trật một nét thì không chánh đáng, rất có hại cho đức tin của người thờ cúng không nghiêm chỉnh.
Dưới đây là phần ý nghĩa của mỗi phẩm vật thờ cúng trên Thiên Bàn:

Thánh Tượng Thiên Nhãn và Ðèn Thái Cực

1 và 2 Thánh Tượng Thiên Nhãn và đèn Thái Cực: Tượng trưng Ðức Thượng Ðế,

là một Ðấng Thánh Hoàng trước Ngôi Thái Cực.
Ðèn Thái Cực. Thánh Giáo có dạy:
" Thầy giải về Vô Cực Ðăng"
"Trước khi chưa phân Trời Ðất, thì khí Hư Vô bao quát Càn Khôn, sáng soi đầy trong Võ Trụ. Nó là một cái trung tâm điểm, tức là Ðạo. Ðạo ấy mới sanh ra Thái Cực, hóa Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi là Âm Dương (động với tịnh). Có Âm Dương rồi mới có hóa sanh muôn vật.
Ngọn đèn các con thờ chính giữa, đó là giả mượn làm Tâm đăng, Phật Tiên truyền Ðạo cũng do đó, các con thành Ðạo cũng tại đó. Nó ngay chính giữa, không lay động, xao xuyến, chiếu thấu khắp cả Càn Khôn.
Mặt Nhựt, mặt Nguyệt có lúc sáng, lúc tối, chớ nó thì giờ khắc nào cũng tỏ rạng, không lu mờ. Nhơn vật nhờ đó mà sanh, nhờ đó mà thành, nhờ đó mà an vui.
Trời Ðất nhờ đó mà quang minh trường cửu. Người tu hành nhờ đó mà tạo Phật tác Tiên, siêu phàm nhập Thánh. Hễ chinh qua bên tả, thì Tả Ðạo; xề qua bên hữu, thì Bàn Môn, ngay ở giữa là Chánh Ðạo.
Các con nên tường lý ấy, lý ấy ở trong Tâm. Tâm an tịnh vô vi tự nhiên bất động là Chánh Ðạo. Tâm còn tính mưu thần chước quỉ, độc ác hiểm sâu, ấy là Bàn Môn, Tả Ðạo chớ chi các con."

Thánh Tượng Thiên Nhãn (Ngũ Chi).

Trong thời kỳ nền Ðạo mới phôi thai, Hội Thánh ban cho toàn Ðạo thờ Thánh Tượng "Ngũ Chi". Trong Thánh Tượng phần dưới Thiên Nhãn Thầy có in hình các Ðấng Giáo Chủ thời xưa; Tam Giáo, Tam Trấn, Ngũ Chi.

Ðó là cách thờ phượng Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt.
Tam Giáo:

  • Phật Ðạo: Ở giữa là Ðức Phật Thích Ca, Giáo Chủ Phật Ðạo.
  • Tiên Ðạo: Phía hữu là Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ, Giáo Chủ Tiên Ðạo.
  • Thánh Ðạo: Phía tả là Ðức Khổng Thánh Tiên Sư, Giáo Chủ Thánh Ðạo.

Tam Trấn: Thay mặt cho Tam Giáo trong buổi Tam Kỳ Phổ Ðộ:

  • Tiên Ðạo: Ở giữa là Ðức Lý Thái Bạch, chủ về Tiên Ðạo.
  • Phật Ðạo: Phía hữu là Ðức Phật Quan Âm, chủ về Phật Ðạo.
  • Thánh Ðạo: Phía tả là Ðức Quan Thánh Ðế Quân, chủ về Thánh Ðạo.

Ngũ Chi: Từ dưới kể lên trên là Ngũ Chi:

  • Nhơn Ðạo: Có 7 cái Ngai thể về Nhơn Ðạo gồm có: Một Ngai Giáo Tông, ba Ngai Chưởng Pháp,  ba Ngai Ðầu Sư.
  • Thần Ðạo: Ðức Khương Thái Công, Giáo Chủ Thần Ðạo.
  • Thánh Ðạo: Ðức Chúa Giê-Giu, Giáo Chủ Thánh Ðạo.
  • Tiên Ðạo: Ðức Lý Thái Bạch, về Tiên Ðạo.
  • Phật Ðạo: Ðức Phật Thích Ca, Giáo Chủ Phật Ðạo.

Thái Thượng

Thích Ca

Khổng Thánh

Quan Âm

Thái Bạch

Quan Thánh

 

Giê Giu

 

Khương Thượng

Giáo Tông

(*) Chúng tôi có sửa đổi và ghi thêm chi tiết vào cho chư Ðộc giả dễ nhận định.

Thánh Tượng Thiên Nhãn (Tam Trấn).

Sau Hội Thánh chấn chỉnh lại để ban cho toàn Ðạo thờ Thánh Tượng "Tam Trấn" cho đến hiện nay. Trong Thánh Tượng Tam Trấn không có in hình các Ðấng Giáo Chủ, nhưng phần dưới Thiên Nhãn Thầy có ba khuôn vẽ bằng Cổ Tự, đó là Thánh Danh của các Ðấng Tam Trấn Oai Nghiêm trong buổi Tam Kỳ Phổ Ðộ là:


Quan
Âm
Bồ
Tát

Thái
Bạch
Kim
Tinh

Quan
Thánh
Ðế
Quân

Về tương lai sau nầy, chắc có lẽ Hội Thánh ban cho toàn Ðạo thờ theo Thánh Tượng Ngũ Chi y như trước, đồng nhứt luật một khuôn mẫu do Hội Thánh ấn định.

Hai cây đèn, trái cây và bông.

10 và 12 Hai cây đèn: Gọi là Lưỡng Nghi Quang, tượng trưng cho Nhựt Nguyệt, Âm Dương soi sáng khắp cả Càn Khôn Vũ Trụ, tức là Thái Cực sanh Lưỡng Nghi.
3 và 4 Trái cây và bông: Tượng trưng cho bốn mùa, khí hậu ôn hòa, muôn loài sanh trưởng, thảo mộc tươi nhuần, cành lá sum xuê, đơm bông trổ trái, tức là Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng. Tứ Tượng còn có nghĩa là trong chữ (+) thập ấy Âm Dương gác lên nhau, mới ló ra bốn cánh mà gọi rằng "Tứ Tượng thành hình". Bốn cánh ấy phân ra Ðông, Tây, Nam, Bắc.
Trái cây tượng trưng cho Hậu Thiên ngũ vị đối với Tiên Thiên ngũ khí là năm cây hương hay ngũ sắc là năm sắc hoa. Trái cây còn biểu hiện cho người tu hành được thành công đắc quả.
Bình bông biểu hiện cho sự xanh tươi tốt đẹp, chỉ về Tinh là hình thể con người. Năm sắc là tượng trưng cho năm giống dân trên thế giới: Vàng, Trắng, Ðỏ, Xanh, Ðen.
Dâng hiến bông là dâng hiến thể xác của chúng ta cho Ðức Chí Tôn tùy phương sử dụng, và xin Ðức Chí Tôn ban ân lành cho thể xác chúng ta được tươi tắn như hoa kia vậy.
Bởi thế, Ðạo Cao Ðài không phân biệt màu da sắc tóc, coi nhau là con chung của Ðấng Thượng Ðế là anh em một nhà. Ngày nào năm sắc dân trên quả địa cầu nầy biết nhìn Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế, Chúa Tễ cả Càn Khôn vạn loại là cha chung, đồng dâng hiến lễ hòa lên Ngài, thì ngày ấy là ngày đại đồng Huynh Ðệ, được hưởng thái bình thạnh trị vậy.

"Năm sắc hoa tươi xin kĩnh lễ,
Cúi mong Thượng Ðế rưới ân thiên."

Lư Hương.

11 Lư Hương: Lư hương tượng trưng trong Càn Khôn Vũ Trụ và sự sanh biến vô cùng, tức là Tứ Tượng biến Bát Quái,

Bát Quái sanh biến vô cùng.
Trong Kinh Nhựt Tụng có dạy: "Khi cúng Thầy phải đốt cho đủ 5 cây hương, cắm hàng trong ba cây gọi là: Án Tam Tài; thêm hàng ngoài hai cây nữa gọi là: Tượng Ngũ Khí".
Theo lời dạy trên đây, hằng ngày cúng Ðức Chí Tôn đốt đủ năm cây hương thật là một huyền vi mầu nhiệm vô cùng. Như cắm hàng trong ba cây gọi là: Án Tam Tài. Tam Tài là: Thiên, Ðịa, Nhơn (Trời, Ðất, Người) hay Phật, Pháp, Tăng.
Trong Vũ Trụ có Tam Tài là Thiên, Ðịa, Nhơn. Riêng về bản thân con người thì Tinh, Khí, Thần được xem là Tam Tài.
Cắm hàng ngoài hai cây tượng Ngũ Khí. Bát Quái sanh ngũ hành, ngũ hành biến ngũ khí, ngũ khí biến ngũ sắc.

Ngũ khí tức là ngũ hành chi khí.
Trời có ba món báu là: Nhựt, Nguyệt, Tinh hay là Tam Ngươn: Thượng, Trung, Hạ. Trời nhờ ba món báu ấy mà dưỡng dục muôn loài, hóa sanh vạn vật, luân chuyển Càn Khôn, mới chia ra ngày, đêm, sáng, tối.
Ðất có ba món báu là: Thủy, Hỏa, Phong. Ðất nhờ ba món báu ấy mà phong võ điều hòa,

cỏ cây tươi nhuận, phân ra thời tiết Xuân, Hạ, Thu, Ðông.
Người có ba món báu là: Tinh, Khí, Thần. Tinh tức là một chất tinh ba được lọc thật kỹ ở trong người để tư nhuận cho các cơ thể như: nước mắt ở con mắt, nước miếng ở trong miệng, mồ hôi ở châu thân.v.v... Nói chung là hình thể con người.
Khí tức là chánh khí ở trong cơ thể con người, nhờ nó mà con người luôn luôn được mạnh khỏe, và một khi chánh khí suy thì tà khí ở ngoài xâm nhập, gây ra bịnh hoạn.
Thần thuộc về phần Thiêng liêng linh diệu trong cơ quan suy tư cảm giác của con người, nó vốn bất tiêu bất diệt. Ấy là điểm linh quang do Chơn linh của Tạo Hóa ban cho. Người nhờ ba món báu đó mà tạo Tiên tác Phật.
Trời có ngũ khí là: Ngũ Hành chi khí.
Ðất có Ngũ Hành là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Người có Ngũ Tạng là: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận.
Thế giới có ngũ châu là: Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Úc.
Về Phật, Pháp, Tăng, Thánh giáo Ðức Chí Tôn có dạy:
"Khai Thiên Ðịa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy. Thầy đã nói: Một Chơn Thần mà biến Càn Khôn Thế Giái và cả nhơn loại. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.
Các con là chư Phật, chư Phật là các con.
Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn Khôn Thế Giái nên mới gọi Pháp. Pháp có mới sanh ra Càn Khôn vạn vật rồi mới có người nên gọi là Tăng.
Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Ðạo, mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy."
Ðức Chí Tôn lập thành các Ðạo thì có Tam Giáo Ngũ Chi.
Tam Giáo là: Phật, Tiên, Thánh.
Ngũ Chi là: Nhơn Ðạo, Thần Ðạo, Thánh Ðạo, Tiên Ðạo và Phật Ðạo.
Nay Ðức Chí Tôn đến qui nguyên Tam Giáo, phục nhứt Ngũ Chi;

nên đốt năm cây hương là tượng trưng sự qui nguyên và phục nhứt ấy.

Trong Tam Giáo dạy:

  • Phật dạy: Tam Qui, Ngũ Giới.
  • Tiên dạy: Tam Bửu, Ngũ Hành.
  • Thánh dạy: Tam Cang, Ngũ Thường. (Trong Tam Cang, Ngũ Thường có Ngũ Luân)

             Tam Qui là:

  • Qui y Phật:

Phật dạy người theo học lời Phật, lo tu dưỡng để trở về nguyên tánh trong người tức là tánh Phật.

"Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh".
Tiên dạy
người tịnh dưỡng Ngươn Thần.
Thánh dạy
người làm tròn bổn phận Vua Tôi, tức là Quân Thần Cang. Làm tròn bổn phận vua tôi thì tịnh dưỡng được Ngươn Thần và trở về với tánh Phật. Tại sao? Quân Thần Cang là Ngươn Thần, vì Thần ở trong mình con người như vị Ðế Vương cai quản một quốc gia. Hễ vị Ðế Vương hôn muội thì quốc dân bất minh, chư hầu bất phục, làm sao chữa bịnh quốc gia?

  • Qui y Pháp:

Phật dạy người học theo Ðạo Pháp, mới thiền định được tâm thần, khí phách; trí não mới được sáng suốt. Có sáng suốt mới đạt được Ðạo Pháp vô vi.
Tiên dạy
người phải gìn giữ Ngươn Khí.
Thánh dạy
người phải làm tròn bổn phận cha con, là Phụ Tử Cang, tức nhiên gìn giữ được Ngươn Khí. Khí trong người đứng trung gian đặng liên tiếp với Tinh, và Thần. Như đối với quốc gia, khí là chư hầu, bá tước để liên tiếp với vua mà cai trị con dân vậy.

  • Qui y Tăng:

Phật dạy người phải giữ gìn thân thể cho được mạnh mẽ và tinh vi, không để vật dục lôi cuốn làm cho thân thể bị hao mòn. Thân thể khỏe mạnh tinh thần mới sáng suốt. "Một tinh thần minh mẫn ở trong thân thể khỏe mạnh".
Tiên dạy
người phải bảo tồn Ngươn Tinh.

Thánh dạy
người phải làm tròn bổn phận chồng vợ, là Phu Thê Cang, tức nhiên bảo tồn được Ngươn Tinh. Ngươn Tinh cũng như con dân trong đất nước. Hễ Chúa Thánh, quan trung, tôi hiền thì quốc gia mới thạnh trị.
Người tu luyện Tinh, Khí, Thần được hiệp nhứt, tức nhiên được đắc Ðạo thành Tiên, hóa Phật.
"Nhơn Ðạo thành thì phù hạp với Thiên Ðạo vậy. Nhơn Ðạo bất tu, Thiên Ðạo viễn hỉ".
Như trên đây, chúng ta đã thấy: Tam Qui của Phật hiệp với Tam Bửu của Tiên cùng Tam Cang của Thánh.
Dưới đây, chúng ta sẽ thấy Ngũ Giới của Phật hiệp cùng Ngũ Hành của Tiên và Ngũ Thường của Thánh."Vì Ngũ Tạng
hoạt động mà Ngũ Khí phải hao mòn, suy kém. Nay gặp Tam Kỳ Phổ Ðộ nhờ Ðức Chí Tôn chỉ phép hồi quang phản chiếu cho Ngũ Khí triều tụ nơi khiếu Huyền Quang mà siêu phàm nhập Thánh. Ðó là phép Ngũ Khí triều huyên hay là Ngũ Khí triều ngươn".

Ngũ Giới là:
Phật dạy Ngũ Giới là năm điều răn cấm:

  1. Nhứt bất sát sanh, là chẳng nên sát hại sanh vật. Người không sát sanh thì biết tu tâm, Hỏa khí không bị hao mòn, và giữ được lòng Nhân, là người có Nhân.
  1. Nhì bất du đạo, là cấm trộm cướp. Người không trộm cướp thì Can là (gan) không bị xao động, Mộc khí không bị hao mòn, tức nhiên giữ được chữ "Nghĩa", là người có Nghĩa.
  1. Tam bất tà dâm, là cấm lấy vợ người, thả theo đàng điếm, xúi giục người làm loạn luân thường; hoặc thấy sắc dậy lòng tà, hoặc lấy lời gieo tình huê nguyệt. Người không tà dâm, thì không bị bại Thận, Thủy khí không bị hao mòn, tức nhiên giữ được chữ "Lễ", là người có "Lễ".
  1. Tứ bất tửu nhục, là cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn tâm thần, làm cho náo động xóm làng, hoặc miệng ước rượu ngon, bụng mơ đồ mỹ vị. Người không ăn uống quá độ, thì không bị phạt Tỳ, Thổ khí không bị hao mòn, tức nhiên giữ được chữ "Trí", là người có Trí.
  1. Ngũ bất vọng ngữ, là cấm xảo trá, láo xược, gạt gẫm người, khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy. Nhạo báng, chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách; ăn nói lỗ mãng, thô tục; chửi rủa người, hủy báng Tôn Giáo, nói ra không giữ lời hứa. Người không nói dối, nói nhiều lời thất đức, thì cái phổi được yên tịnh, Kim khí không bị hao mòn, tức nhiên giữ được chữ "Tín", là con người có "Tín", đáng tin cậy.Ðó là:

    "Một cội sanh ba nhánh in nhau.
    Làm người rõ thấu lý sâu,
    Sửa lòng trong sạch, tụng cầu Thánh Kinh".

    Một cội là do nơi Ðức Chí Tôn mở ra, ba Ðạo lớn là ba nhánh, chỉ dạy người tu luyện mà trở về nguyên bổn để hội hiệp cùng Ðức Chí Tôn. Ðó là Tam Giáo chỉ dạy người có một nguyên lý mà thôi.
    Người giữ trọn Tam Cang, Ngũ Thường của Ðạo Thánh thì phù hạp với Tam Bửu,

    Ngũ Hành của Ðạo Tiên, đạt đến Tam Qui, Ngũ Giới của Ðạo Phật.

    Thánh Ngôn Ðức Chí Tôn dạy:
    Ðạo cao thâm, Ðạo cao thâm,
    Cao bất cao, thâm bất thâm.
    Cao khả xạ, hề thâm khả điếu,
    Cao thâm vạn sự tại nhơn tâm.

    Cao thâm cuộc thế gẫm thường tình,
    Ðừng mỗi muôn điều đổ Chí Linh.
    Lành dữ nơi mình chiêu phước họa,
    Thành tâm ắt thấy hết Thần minh.

    Hương còn gọi là tâm hương, vì Tâm thuộc Hỏa. Khi chúng ta cầu nguyện thì phát ra một điển lành bay lên không trung, cũng như khi chúng ta đem cây hương vào lửa đốt cho nó cháy, bốc lên một làn khói có mùi thơm bay khắp cả! Ðiển lành trong tâm chúng ta sẽ nương theo làn khói hương cùng bay đi đến cõi vô hình, cầu xin Ðức Chí Tôn chứng giám lời cầu nguyện của chúng ta, ban xuống cho chúng ta một ân điển thiêng liêng.

    Có câu:

    "Ðốt hương tưởng niệm linh quang chiếu,
    Lễ bái nguyện cầu trí huệ minh".

    Lửa trong cây hương chúng ta thấy có một ánh sáng nhỏ. Ánh sáng nầy hết sức bền bĩ, không bộc phát, không tắt.Vì thế nên có câu:
    "Con nhẫng mong truyền kế lửa hương.
    Nguyện cầu Thất Tổ xin thương,
    Cho bền gang tấc noi đường thảo ngay".

    Hay là:
    "Nguyện nên hương hỏa Tông Ðường".

Cách cắm hương.

Khi chúng ta đốt năm cây hương, xá ba xá, chúng ta cắm cây thứ nhứt ngay giữa bình hương, tượng trưng cho Ngôi Thiên là Phật. Chúng ta cắm cây thứ nhì vào bên trái của chúng ta, tượng trưng cho Ngôi Ðịa hay là Pháp. Chúng ta cắm cây thứ ba về bên phải của chúng ta, tượng trưng cho Ngôi Nhơn hay là Tăng.
Trở lại cắm cây thứ tư bên trái của chúng ta gọi là Âm. Cắm cây thứ năm trở về bên phải của chúng ta gọi là Dương; hiệp với ba cây hàng trong mới gọi là tượng Ngũ Khí.
Bây giờ phân ra Ngũ Khí, chúng ta sẽ thấy:
Ba cây hàng trong:
Cây ở giữa thuộc về Hỏa khí, tức là Trời (Thiên).
Cây ở bìa bên trái ta thuộc về Thổ khí, tức là Ðất (Ðịa).
Cây ở về bên phải ta thuộc về Kim khí, tức là Người (Nhơn).
Hai cây hàng ngoài:
Cây ở bìa bên trái ta thuộc về Thủy khí, tức là Âm.
Cây ở bìa bên phải ta thuộc về Mộc khí, tức là Dương.

Trong quyển Thiên Ðạo của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, có đoạn nói về năm cây hương như vầy:
"Luận về phép tu tỉnh, năm cây nhang ấy biểu tượng năm giai đoạn tu hành, tùy theo công đức mà nên đạo quả.

Năm cây nhang ấy gọi ngũ phần hương là:

  1. Giới hương: Nghĩa là giữ trọn giới cấm cho tâm mình trong sạch. Chúng ta có sợ Luật Luân hồi Quả báo của Trời, chúng ta mới dấn thân vào đường tu niệm. Khi vào đường tu niệm thì phải trọn giữ giới cấm cho tâm chúng ta được trong sạch,
  2. tức là cây hương ở giữa.
  1. Ðịnh hương: Nghĩa là thiền định cho tâm thần an tịnh.Bấy giờ chúng ta đã trọn giữ giới cấm rồi, chúng ta phải học về Thể Pháp và Bí Pháp của Ðạo. Chừng ấy, chúng ta mới thiền định cho tâm thần an tịnh được, tức là cây hương ở bìa bên trái của ta, thuộc về Pháp.
  1. Huệ hương: Nghĩa là thiền định rồi phát huệ. Khi chúng ta đã thiền định rồi, thì trở thành người có huệ sáng suốt, ấy là đoạt Pháp, tức là cây hương ở bìa bên phải của ta, thuộc về Tăng.
  1. Tri kiến hương: Nghĩa là phát huệ rồi gia công thêm nữa thì sẽ biết cái lẽ mầu nhiệm của Tạo Hóa, tức là đắc Lục thông. Tri kiến, nghĩa là biết và thấy.

Khi đoạt Pháp rồi, bấy giờ ta thấy qua bên thế giới vô hình, và biết được sự mầu nhiệm của Ðức Chí Tôn, ấy là chúng ta đã đoạt Ðạo, tức là cây hương hàng ngoài bên trái của ta.

  1. Giải thoát hương: Nghĩa là giải thoát Luân hồi Quả báo. Ðược giải thoát Luân hồi Quả báo, tức là đoạt đến phẩm vị Phật, là cây hương ở bìa bên phải của ta.

Hai cây hương Tri kiến và Giải thoát, thì đến đây là người đã được trở về với nguyên thủy của người, là "Âm Dương biến tạo Chơn Thần", hay nói "Âm Dương hiệp nhứt phát khởi Càn Khôn sanh sanh hóa hóa, tức là Ðạo".
Khi cúng Thầy, đốt đủ năm cây hương là một sự đại nguyện, sự nhiệm mầu vô giá. Nghĩa là, thông Thiên đạt Ðịa, Ngũ khí điều hòa, Ngũ hành an tịnh.
Khắp trong thế giới cung chầu, năm châu thiên hạ kính hầu tu chơn.
Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt. Người giữ trọn Tam Cang, Ngũ Thường; Tam Bửu, Ngũ Hành; Tam Qui, Ngũ Giới, ấy là chỗ huyền vi sáng chói khắp cùng, người tu đắc Ðạo hưởng chung phước Trời.

Nước trà và nước trắng.

5 Nước trà (để bên hữu ấy là Âm). 9 Nước trắng (để bên tả ấy là Dương)
Dương là Trời, Âm là Ðất.

Nước trắng: Ðể bên tả, ấy là Dương. Nước Dương là nguồn nước trên Trời mưa xuống, là sự sống của Ðức Chí Tôn ban cho, để nuôi sống muôn loài vạn vật. Nguồn sống nầy có một giới hạn, có khi thiếu hụt, lắm lúc lại tràn đầy, vì đến mùa, trời mới mưa. Có năm, trong giữa mùa mưa lại nắng hạn, cỏ cây vì đó phải chết đi một phần, cuộc sống của con người bị đe dọa. Có những người làm lễ cầu mưa, có những người lại than rằng: "Trời không mưa, thì con người cũng như loài vật sẽ chết hết !!!". Có khi, lại mưa tràn ngập, người cũng như vật đều bị chết đuối! Ðó là, sự không điều hòa.
Nước Dương thật là thanh bạch, nên chén nước trắng để bên tả gọi là Dương. (1)
Nước trà: Ðể bên hữu, ấy là Âm. Nước Âm là nguồn nước ở trong lòng đất, và biển cả, sông ngòi, rạch suối. Nguồn sống của đất do Phật Mẫu ban cho, một nguồn sống triền miên vô tận. Người ở miền đất cao, thì đào đất sâu xuống làm giếng lấy nước uống và nấu ăn. Người ở đất thấp đồng bằng, thì dùng nước biển, sông, suối, rạch, ngòi dầu mùa mưa hay nắng hạn. Người vật cũng nhờ đó mà sống, nên chén nước trà để bên hữu gọi là Âm.
Chén nước trà còn tượng trưng cho Thần, tức là Linh hồn. Khi cúng rót nước đủ tám phân, tượng trưng cho "Bát hồn vận chuyển", do Ðức Diêu Trì Kim Mẫu dùng Âm quang biến tạo.
Bởi thế, con người đặt nặng tình cảm đối với Ðất hơn Trời.
Con nít mới sanh ra, người ta lại đem nhao rún chôn xuống đất, nên sự sống và tình cảm của người dính liền dưới đất. Có người vì sự thương nhớ quá đổi mà không nỡ rời quê hương là nơi chôn nhao cắt rún mà đi nơi khác, dầu nơi đây làm ăn rất khó, sự sống rất khắt khe, họ cũng cam đành nhận chịu. Cũng vì sự thương nhớ nầy nên Ðức Chí Tôn có nói: "Kẻ phàm dầu ly hương thuở ấu xuân đi nữa, lòng hằng hoài vọng. Chí Thánh dầu bị đọa trần, lòng hỡi còn nhớ hoài nơi Tiên cảnh."
Cũng như đứa trẻ sơ sinh, nó chỉ nhờ bú hai giọt sửa của bà mẹ mà nó được sống mạnh khỏe hồng hào. Vì đó, mà nó thương bà mẹ hơn ông cha, nên đứa bé ít theo cha hơn là theo mẹ. Nếu nó có theo cha, là sự bất đắc dĩ.
Nên Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Chí Tôn giao cho Ðức Phật Mẫu đến độ dẫn các Chơn linh để trở về ngôi vị, cũng như các con theo mẹ để về với cha, rồi cha sẽ ân thưởng cho các con.

Thánh Giáo Ðức Phật Mẫu dạy:
"Chưa ai vào đến cõi trần nầy,
Chẳng thọ lấy Chơn Thần tay Thiếp.
Sanh dưỡng đã biết bao nhiêu căn kiếp,
Rồi dắt dìu cho hiệp với cha."

Bằng cớ là hiện giờ, ai biết lo tu hành lập công bồi đức thì Ðức Chí Tôn phong cho tước phẩm ngôi vị rất quí báu.
Cúng hai chén nước Âm Dương, là sự cầu nguyện cho Âm Dương hòa hiệp, hai nguồn sống được tương đồng, chúng sanh thọ hưởng sự sống trong yên lành hạnh phúc.
Khi dâng trà, chúng ta dâng hiến cả Chơn Thần chúng ta cho Ðức Chí Tôn tùy phương sử dụng và xin Ðức Chí Tôn ban ân lành cho Chơn Thần chúng ta được tráng kiện.
Khi cúng xong, chúng ta đặt trọn sự tín ngưỡng nơi quyền năng Thiêng liêng tuyệt đối, thì thỉnh hai chén nước Âm Dương hòa chung mà cầu nguyện, thì nước ấy sẽ biến thành Cam lồ thủy cho người có bịnh uống sẽ mạnh lành, vì người ấy được hưởng một lượt với hai nguồn sống mãnh liệt là Âm Dương hiệp nhứt.

Thánh Huấn số 1-NCPS/TH ngày 19 tháng 5 năm Canh Tuất (Dl 22/6/1970) của Hội Thánh Cửu Trùng Ðài dạy: Chén nước trắng không được nấu, nếu nấu sôi thì chết Dương, tuyệt cơ sanh hóa.
Ba ly rượu.

6-7-8 Ba ly rượu: Ba ly rượu tượng trưng cho Khí, tức là Hư Vô chi Khí, do Ðức Diêu Trì Kim Mẫu chưởng quản.
Khí là cái Phách hay trí não của chúng ta, cũng là Chánh khí trong người. (Như đã giải ở trang trước).
Ba ly rượu là tượng trưng cho ba cõi: Hạ giới, Trung giới, Thượng giới, Phàm nhơn, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Khi cúng rót rượu ba phân tượng trưng cho ba bậc tu hành: Hạ thừa, Trung thừa, Thượng thừa; và ba bậc trí thức là: Hạ lưu, Trung lưu, và Thượng lưu.
Khí là trí não, lại đứng trung gian đặng liên tiếp với Tinh và Thần, hiệp nhau lại mới đủ Tam Bửu. Nên khi dâng Tam Bửu thì chén nước trà để bên hữu, chính giữa là ly rượu, bên tả là bình bông, nên gọi là Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt.
Chơn Thần hay Linh hồn của chúng ta do Ðức Chí Tôn ban cho.
Khí phách hay Trí não của chúng ta do Ðức Diêu Trì Kim Mẫu ban cho, và lãnh phần un đúc.
Thân thể của chúng ta là do cha mẹ của chúng ta sanh ra, và nuôi dưỡng cho nên hình tướng.
Trong ba món báu nầy, cái Trí lại đứng vào phần quan trọng trong người, để tiếp xúc với Chơn Thần mà dìu dẫn xác thân.
Nếu chúng ta không học hỏi về phần đạo đức, trau luyện cho trí tuệ được thông minh vững vàng, chánh đáng, thì dễ bị xác thân lôi cuốn vào vòng nhơ dục thường tình, đi đến chỗ mê muội, vào đường hắc ám tội lỗi, vì đó mà càng ngày càng xa lánh Chơn Thần, nên nói là Tinh, Khí, Thần không hiệp nhứt là bởi cớ ấy. Nếu Tinh, Khí, Thần không hiệp nhứt thì người tu hành có mong chi là đắc Ðạo. Vì vậy, mà con người cứ mãi luân hồi chuyển kiếp nơi cõi phàm trần, sanh sanh tử tử.Chúng ta tu hành đắc
Ðạo cùng chăng cũng do nơi trí não. Xử thế tiếp vật có hay, khéo hoặc vụng về cũng do trí não phán quyết mà thôi.
Muốn cho trí não được khôn ngoan, phải nuôi nấng xác thân cho được khỏe mạnh, và dùng những món ăn tinh khiết, học hỏi theo Kinh sách có lợi về mặt tinh thần.Cũng như người nấu rượu kia,
nấu nồi nếp bị khét và để men không đúng mức độ, thì nước rượu phải hư đục, mất vẻ thanh trong của nó đi vậy.
Như chúng ta đã thấy rõ, đối với thân xác, ta ăn gì thì xác thân ta sẽ làm bằng những chất ấy. Ta dùng thức ăn sạch sẽ tinh khiết là xác thân ta sạch sẽ tinh khiết. Tình cảm và tư tưởng ta cũng vậy. Ta thường cảm đến sự đê hèn thì nó sẽ đê hèn; ta thường cảm đến sự xấu xa, thì nó sẽ xấu xa; ta thường cảm đến sự cao thượng, thì nó sẽ cao thượng. Thấy rõ như vậy, thì ta có bổn phận phải lựa lọc món ăn và ta còn phải kiểm soát không để nó được tự do phóng túng.
Hằng ngày, ta cho xác thân ăn vật thực thì ta cũng phải nuôi trí não ta bằng tư tưởng, tức nhiên ta phải đọc kinh, năng cúng kiến. Khi ta cúng Ðức Chí Tôn, là ta cho tâm hồn trí não ta ăn đó vậy.
Lễ bái thường hành tâm Ðạo khởi.
(Thất Nương Diêu Trì Cung)
Cúng rượu là ta dâng hiến trí não của ta cho Ðức Chí Tôn trọn quyền sử dụng, và dạy dỗ cho được sáng suốt, tinh tấn.

Cúng tứ thời.

Tân Luật: Ðiều thứ hai mươi qui định Chức sắc giữ Thánh Thất mỗi ngày phải làm Tiểu Lễ bốn lần theo Tứ Thời: Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu. Mỗi thời phải cúng đúng 12 giờ khuya, 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ chiều. Ở tư gia, dầu cúng một thời nào trong Tứ Thời cũng phải giữ đúng theo những giờ đã qui định trên đây mà hành lễ.
Kinh Phật Mẫu có câu:
Thập Thiên Can bao hàm vạn tượng,
Tùng Ðịa Chi hóa trưởng Càn Khôn.

Mười Thiên Can là: Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý hiệp với mười hai Ðịa Chi là: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi mà biến hóa ra hình tượng bao la Càn Khôn Thế Giái, làm cho Thế Giái rộng lớn thêm lên.
Ðức Chí Tôn dạy:
"Thập Nhị Khai Thiên là Thầy, Chúa cả Càn Khôn Thế Giới, nắm trọn Thập Nhị Thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy". Nên lạy Ðức Chí Tôn 12 lạy là vậy.
Một ngày có 24 giờ, chia cho 12 tức là Thập Nhị Thời Thần, mỗi một thời có 2 tiếng đồng hồ.
Thời Tý: từ 11 giờ (đêm) đến 1giờ khuya.
Thời Mẹo: từ 5 giờ (sáng) đến 7 giờ sáng.
Thời Ngọ: từ 11 giờ (trưa) đến 1 giờ trưa.
Thời Dậu: từ 5 giờ (chiều) đến 7 giờ tối.
Thời Tý cúng đúng 12 giờ (khuya) là chính giữa của thời, là trung hòa chi Ðạo. Thánh Nho có câu: "Trung giã giả, thiên hạ chi đại bản giã, hòa giã giả, thiên hạ chi đạt Ðạo giã. Chí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên". Trung là cái gốc lớn của thiên hạ, hòa là cái đạt Ðạo của thiên hạ. Cùng cực cả trung và hòa, thì Trời Ðất định vị, vạn vật hóa dục. Lại là cái giờ giáp giới, ngày cũ hết, ngày mới bắt đầu, nên 12 giờ đêm 30 tháng 12 gọi là giờ giao thừa. Còn lại ba thời: Mẹo, Ngọ, Dậu cũng cúng đúng chính giữa thời như vậy, tức là 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ chiều.
Ðức Chí Tôn phân định thời Tý, Ngọ cúng rượu. Mẹo, Dậu cúng trà là một ý nghĩa huyền bí cao siêu để cho con cái của Ngài được hưởng bí pháp vô vi là cái đặc ân vô giá của Ngài ban cho đó vậy.
Thời Tý: Là thời cực Âm sanh Dương, là thời Ngươn Khí của Ðức Chí Tôn phát khởi, do nhứt điểm Dương sanh chi thủy, vận chuyển Càn Khôn hóa sanh vạn loại, nên dạy hiến rượu. Chúng ta hiến lễ Ðức Chí Tôn giờ nầy, chúng ta hưởng khí sanh quang của Ðức Chí Tôn làm cho khí phách của chúng ta được mạnh mẽ, trí não sáng suốt.
Thời Mẹo: Là thời Ngươn Thần của Ðức Chí Tôn sau những giờ định tịnh mà phát khởi biến hóa, sanh trưởng muôn loài, do Âm Dương vãng lai giao thời, gọi rằng Thủy Hỏa ký tế, vạn loại hữu sanh, nên dạy hiến trà dùng Âm Dương thủy. Chúng ta hiến lễ Ðức Chí Tôn giờ nầy, chúng ta hưởng được Thần lực của Ðức Chí Tôn mà làm cho Chơn Thần của chúng ta được tráng kiện.
Theo như lời của Ðức Hộ Pháp có nói: "Con người ban ngày ăn uống vật thực để nuôi lấy xác thân, ban đêm ngủ là tịnh dưỡng, nuôi nấng Chơn Thần. Dầu người có ăn cao lương mỹ vị, sau ba đêm không ngủ, thì người ấy mất Thần, sẽ chết đi mà chớ!".
Thấy đó, việc tịnh dưỡng Chơn Thần là một điều quan hệ vô cùng. Như chúng ta đã biết, một đêm dài nghỉ ngơi, sáng thức dậy trong người khoẻ khoắn tươi tỉnh. Học sinh học bài giờ nầy mau thuộc lòng, lại nhớ dai.
Người tu hành nhờ tịnh dưỡng khí thần thì mới trong sáng, xác thân khoẻ mạnh, mới có thể đi đến chỗ thành công đắc quả,

tạo Tiên tác Phật được.
Thời Ngọ: Là thời Ngươn Khí của Ðức Chí Tôn đến buổi cực thạnh, đầy đủ ánh sáng Dương quang, soi thấu cả nguồn sanh khí của toàn thể vạn loại, tức là cực Dương sanh Âm, là nguồn tịnh dưỡng Ngươn Khí, nên dạy hiến rượu. Chúng ta hiến lễ Ðức Chí Tôn giờ nầy, chúng ta được hưởng khí sanh quang của Ðức Chí Tôn, hàm dưỡng khí phách của chúng ta được an tịnh.
Thời Dậu: Là thời Ngươn Thần của Ðức Chí Tôn giáng hạ và tịnh dưỡng, cũng do Âm Dương giao thời, Thủy Hỏa ký tế, vạn loại toại yên, nên dạy hiến trà. Chúng ta hiến lễ Ðức Chí Tôn giờ nầy, chúng ta được hàm dưỡng Chơn Thần an tịnh.
Việc dâng Tam Bửu lên Ðức Chí Tôn là một điều hết sức quan trọng.

Chỉ cúng lễ Ðại Ðàn và Tiểu Ðàn mới được trọn dâng Tam Bửu mà thôi.
Cúng Ðại Ðàn, thì chỉ có nơi Tòa Thánh mới được cúng, còn các Thánh Thất, thì cúng Tiểu Ðàn. Ở tư gia cúng thường mà thôi.
Vậy chúng ta phải năng đến Tòa Thánh hoặc các Thánh Thất cúng Ðàn để được dâng Tam Bửu lên Ðức Chí Tôn.
Theo Tân Luật qui định, người Ðạo mỗi tháng phải đến Thánh Thất hiến lễ trong hai ngày Sóc Vọng. Ðiều nầy, chúng ta cũng không còn chối cãi gì mà không làm cho hết bổn phận, vì một tháng chỉ có hai ngày mà thôi.

Cầu nguyện dâng tam bửu.

Khi dâng bông: Con nguyện dâng hiến thể xác nầy cho Thầy tùy phương xử dụng. Xin Thầy ban ân lành cho thể xác con được mạnh khỏe, và tươi tắn như hoa kia vậy.
Khi dâng rượu: Con nguyện dâng hiến trí não của con cho Thầy tùy phương xử dụng. Xin Thầy ban ân lành cho trí não con được sáng suốt, và mạnh mẽ như chất rượu kia vậy.
Khi dâng trà: Con nguyện dâng hiến Chơn Thần cho Thầy tùy phương xử dụng. Xin Thầy ban ân lành cho Chơn Thần con được tráng kiện, và thơm tho như mùi trà kia vậy.
Ðọc luôn câu kết: Con nguyện dâng hiến cả thân thể, trí lực,

Chơn Thần nầy lên cho Thầy dùng làm con tế vật hy sinh để cứu khổ nhơn loại.

Chúng tôi xin trích đọan lời thuyết đạo của Ðức Hộ Pháp về việc dâng TAM BỬU:
Thuyết Ðạo Ðức Hộ Pháp,  Q.1 ngày 01-12-1948

Bần Ðạo xin nhắc lại một phen nữa khi vào hành lễ lúc dâng Tam Bửu. Hễ dâng bông lên là dâng cái thể hình của chúng ta tức là tượng hình xác thịt của chúng ta đó, ta cúi đầu cầu nguyện Chí Tôn:

"Con xin dâng mảnh hình hài của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng"
Khi dâng rượu cầu nguyện: "Con xin dâng cả trí thức tinh thần của con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng".
Khi dâng trà cầu nguyện: "Con xin dâng cả linh hồn con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng".
Câu chót nếu chúng ta khôn ngoan nguyện như vầy: "Cả linh hồn, cả trí não, cả hình hài con Thầy đào tạo đó là của Thầy thì do nơi quyền hành độc đoán của Thầy định". Ðó, ta cầu nguyện như vậy với Chí Tôn.
Ph ải năng cúng kiến, cúng phải nghiêm trang.

Phải năng cúng kiến:
Thánh Giáo của Ðức Quan Âm Bồ Tác dạy:
"... Các em phải lo cúng kiến thường:
Một là lập cho Chơn Thần được gần gũi các Ðấng Thiêng Liêng cho đặng xán lạn.
Hai là cầu khẩn với Ðức Ðại Từ Bi tha thứ tội tình cho các em và cả chúng sanh.
Ba là có tế lễ thì tâm mới có cảm, cảm rồi mới ứng, ứng là lẽ tự nhiên.
Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng, mà nhứt là khiếu lương tri, lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ. Các em nhớ à! ..." 

(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.2,  ngày 08--05-1933).

Cúng phải nghiêm trang:
Thánh Giáo Ðức Chí Tôn dạy:

"Thầy hằng nói với các con rằng: "Thà là các con lỗi với Thầy, thì Thầy vì lòng từ bi mà tha thứ, chớ chẳng động đến oai linh chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, vì họ chẳng tha thứ bao giờ."
Thầy lại cũng đã nói: "Mỗi khi Chơn linh Thầy giáng Ðàn, thì cả vàn vàn muôn muôn Thần, Thánh, Tiên, Phật theo hầu hạ. Các con nếu mắt phàm thấy đặng, phải khủng khiếp kinh sợ vô cùng! Nhưng thấy chẳng đặng,

nên tội cũng giảm nhẹ đó chút.
Thất lễ là đại tội trước mắt các Ðấng Chơn linh ấy! Thầy phải thăng cho các con khỏi hành phạt. Thầy chẳng buổi nào chấp trách các con, bởi lòng thương yêu hơn chấp trách rất nhiều. Sợ là sợ cho các con mất đức với chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Xem đó, thì các con khá dè dặt, kỉnh Thần, Thánh cho lắm! Vì Thầy là bậc Chí Tôn, lòng hay quảng đại mà tha thứ, chớ Thần, Thánh hễ các con có lỗi, thì cứ Thiên điều mà quở phạt các con nghe à!"  


(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.2,  ngày 15-10-1926)

Nếu hiến lễ Ðức Chí Tôn mà không nghiêm là một điều bất phước cho chúng ta đó vậy. Chúng ta sẽ bị Thần, Thánh, Tiên, Phật quở trách mà chúng ta không hề hay biết, đến khi chúng ta biết được thì chừng đó ăn năn đã muộn. Nên chúng ta phải hết sức cẩn thận, và cúng lễ Ðức Chí Tôn phải thật nghiêm trang, thì mới khỏi phạm vào cái lỗi ấy.
Ngày xưa, chỉ có Thiên Tử mới tế Trời, còn từ quan dĩ chí thứ dân chỉ được tế Tổ Tiên mà thôi.
Nay gặp Ðại Ân Xá kỳ ba, Ðức Chí Tôn cho mỗi người dân, tức là mỗi Tín đồ được tế Trời, thì không còn vinh diệu nào bằng. Như thế, chúng ta phải năng săn sóc Thiên Bàn cho được tinh khiết, phải năng cúng kiến để giúp ích cho chúng ta, và khỏi phụ lòng từ bi của Ðức Chí Tôn giáng dạy chúng ta trong kỳ Ân Xá nầy, để khỏi thất lễ trong việc thờ phượng.
Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát

Chung


Phụ lục: Thánh ngôn Ðức Chí Tôn.

Phần nầy tôi xin ghi lại Thánh Ngôn Ðức Chí Tôn cách lạy trong buổi Tam Kỳ Phổ Ðộ, cũng như lời giảng huấn của Ðức Quyền Giáo Tông và của Hội Thánh, để quí vị lãnh hội và thực hành cho đúng với phương thức lễ nghi của Ðạo.
Thánh Ngôn Ðức Chí Tôn:
Lạy là gì?
-Là tỏ ra bề ngoài, lễ kỉnh trong lòng.
Chấp hai tay lạy là tại sao?
-Tả là Nhựt, hữu là Nguyệt, vị chi Âm Dương. Âm Dương hiệp nhứt, phát khởi Càn Khôn, sanh sanh hóa hóa, tức là Ðạo.
Lạy kẻ sống hai lạy, là tại sao?
-Là nguồn cội của nhơn sanh, lưỡng hiệp Âm Dương mà ra. Ấy là Ðạo.
Vong phàm lạy bốn lạy là tại sao?
-Là vì hai lạy của phần người, còn một lạy Thiên, một lạy Ðịa.
Lạy Thần, lạy Thánh thì ba lạy là tại sao?
-Là lạy Ðấng vào hàng thứ ba của Trời, và cũng chỉ rằng lạy Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt. Ấy là Ðạo.
Lạy Tiên, lạy Phật thì chín lạy là tại sao?
-Là tại chín Ðấng Cửu Thiên Khai Hóa.
Còn lạy Thầy mười hai lạy là tại sao?
-Các con không biết đâu. Thập Nhị Khai Thiên là Thầy, Chúa cả Càn Khôn Thế Giới, nắm trọn Thập Nhị Thời Thần vào tay. Số mười hai là số riêng của Thầy.


(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1, ngày 25.2.1926)

Phụ lục: Lời giảng dạy của Ðức Quyền Giáo Tông.

1. Cách lạy thường cúng tứ thời

Trước khi phải đánh ba tiếng chuông rồi, thì sửa soạn khăn áo đèn nhang cho đủ. Như có nhiều vị cúng Ðấng Từ Bi, thì phải vào Ðiện Thờ mà sắp bài ban, đứng cho ngay hàng hai bên.
Nghe ba tiếng chuông lần thứ nhì, thì hai bên chắp tay kiết quả, đưa chí trán mình, xá xuống chí gối (1), rồi hai bên đều khởi chơn phía trong điện mà bước vào chỗ quì, mỗi hàng ba vị. Rồi ngước lên điện, mới đưa tay kiết quả đến trán mình, xá đến gối ba xá, phổ Thiên áp Ðịa gọi là Tam Tài, mới khởi chơn trái bước tới một chút, quì chơn mặt xuống trước, chơn trái quì theo cho ngay thẳng cái mình, mắt thì ngó ngay Thiên Nhãn, mới đưa tay kiết quả lên trán chánh giữa mà lấy dấu, niệm Nam Mô Phật, đưa qua bên tả gần lổ tai niệm Nam Mô Pháp, đưa qua bên hữu gần lổ tai niệm Nam Mô Tăng, mới để tay kiết quả nơi ngực mình chỗ trái tim, chớ rời ra.
Cúi đầu lần thứ nhứt niệm Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cúi đầu lần thứ nhì niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cúi đầu lần thứ ba niệm Nam Mô Lý Ðại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Cúi đầu lần thứ tư niệm Nam Mô Hiệp Thiên Ðại Ðế Quan Thánh Ðế Quân.
Cúi đầu lần thứ năm niệm Nam Mô Chư Phật, Chư Tiên, Chư Thánh, Chư Thần.
Dứt rồi, đọc bài Niệm Hương. Dứt lạy ba lạy. (Mỗi lạy 4 gật là 12 lạy)
Cách lạy
Ðưa tay kiết quả lên trán, rồi để xuống ngực mới xá xè bàn tay ra mà úp xuống đất. Khi lạy rồi, ngước dậy thì đưa tay kiết quả lên trán rồi mới chắp xuống ngực. Khi mãn lễ cúng đứng dậy, cũng đứng chơn trái trước, cũng xá ba xá như trước, mới day ra bàn Hộ Pháp xá một xá, rồi rút từ hàng đi thứ tự mà ra.

2. Giải nghĩa lạy chắp tay.

Lạy chắp tay theo ba kỳ mở Ðạo Tam Giáo:
Kỳ nhứt, Ðức Lão Tử giáng thế dạy Ðạo Tiên, phải chắp hai tay kiết nhị, như bông sen búp. Khi lạy thì xuè hai tay úp xuống đất, cúi đầu xuống ba lạy kêu là khể thủ.
Kỳ nhì, Ðức Thích Ca giáng sanh dạy Ðạo Phật, thì chắp tay hiệp chưởng hoa khai. Khi lạy thì ngửa hai bàn tay để xuống đất mà cuối đầu xuống, kêu là hòa nam.
 Khi Ðức Khổng Tử giáng sanh dạy Ðạo Thánh, cung tay đến mày mà lạy kêu là phủ phục.
Nay Ðấng Chí Tôn giáng cơ tiếp điển mở Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Hiệp đủ Phật, Thánh, Tiên là kỳ kiết quả độ đủ chín mươi hai ức nguyên nhân về nơi nguyên thủy. Có câu: " Thiên Ðịa tuần hoàn châu nhi phục thỉ". Tam Giáo qui nguyên, chắp tay hoa sen đã thành trái (quả). Bên tay trái thuộc Dương, ngón cái là mẫu chỉ, ngón trỏ là thực chỉ, ngón giữa là trung chỉ, ngón út là tiểu chỉ, còn một ngón không tên kêu là vô danh chỉ. Sách có câu:"Vô danh Thiên Ðịa chi thủy", là trước khi Trời Ðất chưa khai, thì một khí không không, sau định hội Tý mới mở Trời, nên chữ Tý ở tại góc ngón tay vô danh. Khi mở Trời Ðất rồi mới có hữu danh vạn vật chi mẫu. Muôn vật có hình chất đều thọ nơi mẫu mới hóa sanh.
Nay đến hội Tam Kỳ kiết quả, là độ hết cả quần linh về cõi Niết Bàn, chẳng để một điểm Chơn linh ở miền Ðông độ, nên ngón tay cái là mẫu, chỉ vào chữ Tý; còn tay hữu ngón cái chỉ vào chữ Dần tay tả, bốn ngón đều bao ngoài. Tay tả là nhơn vật quần linh, tận qui nguyên vị. Tay tả là Dương mà có ngón tay hữu Âm chỉ vào, còn tay hữu Âm mà có ngón tay tả Dương ở trong.
Vậy nên kinh Diệt nói: "Âm nội hữu chơn dương, dương nội hữu chơn âm. Âm dương lưỡng cá tứ, năng hữu kỷ nhơn tri". Như cách lạy nầy là thời kỳ dạy Ðạo, còn người luyện Ðạo cách lạy cũng hai tay kiết quả, nhưng mà khi lạy chí đất phải để hai bàn tay ngửa mới cúi đầu. Cách lạy mầu nhiệm, nghĩa lý sâu xa, chưa đến kỳ Tịnh Thất nên không dám giải diệu mầu, e lậu Thiên cơ chẳng dễ.


(1) Khi nào có Nam Nữ sắp hàng hai bên thì mới xá Ðàn, còn ngoài ra thì không xá Ðàn.

Phụ lục: Phần giảng dạy của Hội Thánh Cửu Trùng Ðài.

Châu tri số 61 đề ngày 18 tháng 8 năm Mậu Dần (Dl 10-10-1938).
Khoản chữ A.

  1.  Lạy Thầy ba lạy, mỗi lạy 4 gật, mỗi gật niệm: Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát.
  1.  Lạy Phật, lạy Tiên, lạy Thánh 3 lạy, mỗi lạy 3 gật. Mỗi bài kinh đều có chỉ câu niệm đã rồi, không cần nhắc lại.

Còn xá bàn Hộ Pháp là tại Tòa Thánh và các Thánh Thất. Còn các nhà tư như có tuần tự, có vọng bàn Hộ Pháp mới xá. Còn nơi nào không có bàn Hộ Pháp thì không buộc phải xá. Có nhiều khi nhà tư, hoặc Lễ, Vía hiến các Ðấng cũng xá, đó là sái phép.

  1. Từ Ðầu Sư đổ lên có qui vị, hoặc tuần tự, thì lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật, niệm danh hiệu và tước phẩm của vị ấy.(2)
  1. Chánh Phối Sư đổ xuống Lễ Sanh thì lạy 3 lạy, không có gật.
  1. Chánh Trị Sự đổ xuống Tín đồ, lạy 4 lạy, là vì có thêm 2 lạy kỉnh Thiên và kỉnh Ðịa, nên mới có sự phân biệt là:
    • Hai lạy đầu phải quì để chỉ rõ rằng: kỉnh Thiên Ðịa;
    • Hai lạy sau thì đứng để chỉ nghĩa lạy vong phàm cho phân biệt.
  1. Còn lạy người (sống) thì 2 lạy.

Nhớ lấy dấu Phật, Pháp, Tăng duy có một mình Ðức Chí Tôn mà thôi. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật thì không có lấy dấu chi hết(3)


(2) Như lạy Ðức Quyền Giáo Tông, thì niệm Nam Mô Ðức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.
Lạy Bà Ðầu Sư Lâm Hương Thanh, thì niệm Nam Mô Ðức Bà Ðầu Sư Lâm Hương Thanh .v.v...
(3) Chỉ khi nào lạy hai Ðấng Từ Bi: Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu mới bắt ấn Tý mà thôi.

Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật thì không có.

Thư Viện 1      4   5

Bủu Minh Ðàn.Trang Web Phục Vụ Nhơn Sanh Miễn Phí.Webmaster Trương Ngọc An