Thần Khí Đạo

Lời Mở Đầu

Thời xưa, con người biết kính trời, trọng đất nên trong cách ăn ở, xử thế luôn luôn làm sao cho thuận với ý trời, hợp với lòng người. Để được đền bù, thuở ấy mùa màng tươi tốt, cây trái xinh tươi, đất đai phì nhiêu, mầu mỡ, con người sống thái hòa giữa thiên nhiên và vạn vật. Ngày nay, chỉ mới có khả năng khám phá những tài nguyên phong phú trong vũ trụ, con người tưởng mình đã có thể phát minh, sáng tạo, đôi khi còn muốn cướp quyền tạo hóa. Khi quan sát những hiện tượng như thiên tai, bão lụt, động đất, chiến tranh, hạn hán, mất mùa, môi sinh ô nhiễm, bằng con mắt thiêng liêng, chúng ta không khỏi lo lắng, quan ngại cho tương lai nhân loại. Phải chăng vì cách ăn ở của con người thời nay đã làm mất đi sự quân bình âm dương, đảo lộn trật tự vũ trụ? Hay nói theo Đạo Đức Kinh thì: càng học, càng đi xa đạo. Vì xa đạo, nên con người quên mất đi vị thế của mình trong cõi quần sinh, đánh mất đi phần nào chân tính thuần hậu vốn đã có sẵn phần thiên tính của mình (Thiên dịa dũ vạn vật đồng nhất thể). Qua bài này và loạt bài kế tiếp, nguyện vọng của người viết là muốn mượn lời và ý của người xưa, cộng với những chứng nghiệm bản thân để tái xác định vị trí của con người trong vũ trụ. Xác định lại vị trí con người đối với thiên nhiên và vạn vật: Con người vốn là sinh vật cao quý, một gạch nối giữa Trời và Đất có khả năng vươn lên tận trời cao để thông linh với thần linh.

Thần Khí Là Gì?

Thần Khí còn gọi là Nguyên Thần hay Vô Thức tiên thiên, do cha mẹ truyền cho, một trạng thái tinh thần tiềm ẩn, trong sáng, biểu hiệu cho sự tồn tại cao cả và thiêng liêng nhất của con người. Nguyên Thần trong nhiều kinh sách còn được gọi là Nguyên Tính. Đổng Trọng Thư đời Tây Hán xem Nguyên là cái gì nguyên thủy nhất trong vũ trụ. Trong"Xuân Thu Phồn Lộ" Đổng Trọng Thư trình bày rõ về tầm quan trọng của Nguyên Khí, ông viết:"Nguyên tức là nguồn.. vì thế Nguyên là gốc của Vạn Vật". Thần Khí hay Nguyên Thần vốn không phải là hoạt động tư duy, hoạt động ý niệm, mà nó thể hiện như trạng thái thơ ngây của trẻ thơ, song lại rất linh hoạt và có cảm giác rõ ràng. Trong Thai Tức kinh, Ảo Chân tiên sinh chú thích: Thai kết thông qua phục khí, khí đã kết, thai sẽ sinh thai tức, khí tự nhiên sẽ đi vào cơ thể. Khí đi vào cơ thể là sống, thần rời khỏi hình là chết. Hiểu rõ về thần khí có thể trường sinh, hãy giữ ở trạng thái hư vô để dưỡng thần khí. Thần hoạt động, khí sẽ hoạt động theo, thần ngừng, khí cũng sẽ ngừng. Nếu muốn trường sinh, thần khí phải hòa hợp, không tách rời nhau.. Vì thế Đạo gia coi Thần là Thái cực nơi cơ thể con người. Thần chủ đạo việc phối hợp khí hóa âm dương mà ta thường gọi là thần khí, thần sắc. Nên thần mất thì mạng tuyệt, vì các tạng có nhiệm vụ: can tàng hồn, tâm tàng thần, thận tàng tinh, phế tàng phách và tỳ tàng trí, ý. Như the,á thần luân chuyển hoạt động, biến hóa khôn cùng, không có nhân sinh nào mà không có thần ngự trị.

Tinh Khí Thần

Theo quan niệm của Đạo gia, con người là một tiểu vũ trụ. Vì thế khi Trời có tam bảo là: nhật, nguyệt, tinh tú. Đất có nước, lửa, gió. Thì người cũng có ba phần chính la:ø tinh, khí, thần. Trời có tam bảo nên hóa sinh ra vạn vật, nuôi dưỡng muôn loài, luân chuyển càn khôn. Đất có tam bảo khiến cho mưa thuận, gió hòa, cỏ cây tươi tốt, thời tiết có bốn mùa rõ rệt. Người có tam bảo nên nuôi dưỡng được thân thể, thần trí thông minh, sáng láng.

Tinh: là chất dinh dưỡng hấp thụ từ thực phẩm sau khi được chuyển hóa cấu tạo nên cơ thể và dinh dưỡng cơ thể. Những gì đem lại sự sống gọi là tinh. Tinh do thận tiết ra, mà thận là chủ của thủy nhận lấy những tinh hoa của ngũ tạng, lục phủ mà tàng trữ, cho nên ngũ tạng hưng phấn thì tinh sung mãn.

Khí: Là chất nhỏ bé khó nhìn bằng mắt thường như tinh khí của đồ ăn thức uống vận hành trong cơ thể. Khí là sức hoạt động của nội tạng như khí lục phủ, khí ngũ tạng. Như vậy khí bao gồm cả hai loại trên. Theo Đạo học thì khí trời hít thở vào phổi và khí hóa sinh trong đồ ăn thức uống đều gọi là khí hậu thiên. Còn khí chứa ở thận gọi là khí tiên thiên, vì nó bao gồm khí nguyên âm (thận âm) và khí nguyên dương (thận dương) hấp thụ ở tiên thiên, nên còn gọi là nguyên khí. Hai khí tiên thiên và hậu thiên bao trùm bốn thứ: nguyên khí, tôn khí, dinh khí và vệ khí.
Thần: Thần là thái cực, là cửa huyền bí của đại não nơi cơ thể con người. Thần chủ đạo việc phối hợp khí hóa âm dương. Trong quyển Tiên Học Tự Điển, nơi câu Thân, Tâm, Ý Tam Bảo sách viết rằng: Tinh thì sinh ở Thận, Khí thì tàng ở Tâm, Thần thì ẩn trong Ý. Thân mà bất động thì Tinh hóa, Tâm mà bất động thì Khí hóa, Ý mà bất động thì Thần hóa.
Đôi khi Tinh, Khí, Thần còn được gọi bằng những danh từ khác như là Thân, Tâm, Ý.
Riêng khi bàn về Tâm, Bảo Thiên kinh của Phật giáo Đại Thừa có nhận xét như sau: Vạn pháp khởi từ Tâm. Hiểu được Tâm thì hiểu được vạn sự. Tâm có thể bốc như lửa, đốt cháy rừng núi. Tâm có thể dâng cao như thủy triều, lôi cuốn mọi vật theo giòng nước lũ. Bồ tát là những vị đã thông hiểu vạn sự phải cảnh giác, luôn luôn đề phòng những phát động bất ngờ của Tâm để khỏi bị nó sai khiến và ngược lại, phải thường xuyên chế ngự Tâm. Hễ chế ngự được Tâm thì chế ngự được vạn sự..... Đối với bồ tát là những vị đã thông hiểu đuộc vạn sự mà còn phải thường xuyên đề cao cảnh giác trước những phát động bất ngờ của Tâm, thì đối với chúng ta, những người bình thường còn đang trên đường tu tập thì chế ngự Tâm là điều thật nan giải, đòi hỏi nhiều công năng luyện tập. Trong tinh thần trên, chúng tôi xin được trình bàyThần Khí Đạo như một phương pháp để giúp hành giả luyện tập hầu khắc chế những biến động của Tâm theo quan niệm thủ Khảm điền Ly (điều hòa thủy hỏa) của Đạo gia.

Pháp Thủ Khảm Điền Ly

Phương pháp này là pháp điều hòa phần thực của mối quan hệ Tâm-Thận trong nội tạng khi mối quan hệ này gây ra các hiện tượng tương tranh về nhiệt làm cho trên nóng dưới lạnh, hay ngược lại dưới nóng trên lạnh.

Thông thường những việc xảy ra bên ngoài làm ta tổn Tinh, hao Khí, động Tâm, thương Thần đều cò thể tượng trưng bằng quẻ Ly (Lửa, Bám Víu, 30 Bát Thuần Ly), bởi vì dùng thất khiếu để nói, nghe, nhìn, động thuộc tính chất quẻ Ly. Không dùng thất khiếu, không dựa vào những sự vật bên ngoài mà hướng nội là thuộc tính chất quẻ Khảm (Nước, Nguy Hiểm, 29 Bát Thuần Khảm). Hào âm ở giữa quẻ Ly tượng trưng cho hiện tượng tâm trí theo đuổi màu sắc và âm thanh, còn hào Dương ở giữa quẻ Khảm tượng trưng cho hiện tượng bớt nghe, ít nhìn. Nói rộng ra, các quẻ Khảm Ly là Âm Dương, Âm Dương là Tính Mệnh, Tính Mệnh là Thân Tâm, Thân Tâm là Thần Khí, chỉ cần thu hồi Tinh Thần, làm cho Tinh Thần không biến đổi tùy theo sự biến đổi của hoàn cảnh và sự vật bên ngoài, nghĩa là khi Khảm Ly thực sự giao hòa, Thần Khí tương hợp sẽ đạt đến sự an nhiên tự tại.

Nếu luận theo Ngũ Hành, Tâm thuộc Hỏa, Thận thuộc Thủy. Khi tâm trí bị âm thanh và sắc tướng chi phối, lý trí bị lu mờ, chúng ta phản ứng theo tình cảm hoàn toàn do Tâm chi phối. Nhưng khi biết cách điều tức, ta sẽ dùng Thận Thủy để điều chế Tâm Hỏa . Hãy lấy một thí dụ như sau để chúng ta thấy được sự ứng dụng của pháp Thủ Khảm Điền Ly:

Ta lật ngửa hai lòng bàn tay, một tay thì gồng cứng, một tay thả lỏng, buông lơi, mềm mại (nói lên lòng khiêm cung, từ tốn, đơn sơ, điềm tĩnh và quả cảm). Rồi nhờ một người dùng hết sức đè lên bàn tay gồng cứng. Theo phản ứng tự nhiên, khi bị áp chế hay khiêu khích, chúng ta cưỡng chống lại bằng cách dùng sức đẩy ngược bàn tay người đè để thoát khỏi sự kềm chế của đối tượng. Nhưng khi càng kình chống, chúng ta lại càng thấy sức nặng của đối phương tăng dần. Có thể bằng một thủ pháp nào đó, chúng ta sẽ thoát được vòng kềm tỏa của đối phương, nhưng cũng hao tổn nhiều khí lực. Cũng một bàn tay lật ngửa như vậy, nhưng khi cảm thấy sức nặng đè lên tay, ta nhờ một người khác nhỏ xuống một giọt nước, khi giọt nước chạm vào lòng tay thì ta thở hắt ra một hơi (phình bụng hít vào, xẹp bụng thở ra cho hết thán khí). Sức nặng đè nén sẽ biến mất và bàn tay đang bị kềm tỏa vuột thoát một cách nhẹ nhàng, thoải mái.

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng: khi tâm trí chủ động chúng ta phản ứng một cách có ý thức, có tính toán và sự tính toán này đôi khi không đưa lại kết quả mong muốn. Nhưng khi phó thác cho thần khí cai quản thân tâm mình, thì chúng ta lại rất bình tĩnh, sáng suốt thoát được nhiều hiểm nguy. Trở lại vấn đề Thủy Hỏa, khi bị dồn nén, Tâm (Hỏa) của chúng ta bốc như lửa, nhờ hơi thở hắt ra hay nhờ tác dụng mát lạnh của giọt nước (cả hai đều là Thủy) Tâm chúng ta sẽ trở nên tĩnh lặng, an hòa. Đây chính là chỗ ảo diệu của Thân Tâm hợp nhất.

Kết

Con người nếu diệt được Tâm Thức thì Thần khí sẽ sống: điều này trái với lẽ thường. Người bình thường chỉ biết sống thuận theo năm tháng, không hề biết rằng trong sinh có tử, trong hợp có tan. Song người theo Đạo gia sống theo Đạo pháp tự nhiên, đói ăn, khát uống, nên quay ngược từ chết trở về, như thế mới gọi là vào tử tìm sinh, phản bổn quy nguyên.

Hạt giống gieo xuống đất phải bị hư rữa, mục nát đi thì mầm non mới đâm chồi nẩy lộc. Tiểu ngã có chết đi, thì Đại ngã mới triển dương được. Và khi Đại ngã triển dương thì Nguyên Thần sống, có nghĩa Nguyên Thần hòa đồng với Tâm Vũ Trụ (Đạo), đưa thần thức con người đến gần với tạo hóa để từ đó con người được sống đại hòa với thiên nhiên vạn vật.

Thư Viện 1      4   5