Pháp Bảo Đàn Kinh

   Cầu đàn tại Hội Thánh Dương Đông (Phú Quốc) đêm 14 tháng 03 năm Đinh Mùi.

(Chúa nhựt, 23 Avril 1967)

Năm Đinh Mùi tháng ba, mười bốn,

Hội Đạo Đồng ở chốn Dương Đông.

     Nhứt tâm hoài niệm Bóng Hồng

Sáng soi vũ trụ trong vòng tang thương

Trên mặt biển, Bườm trương thấp thoáng

Giữa lưng Trời, cánh nhạn tung bay

     Ôi! Non sông, đẹp đẽ thay!

Tranh kia ai hoạ, cảnh nầy ai tô?

Dựa ven gành nhấp nhô “cần hạc”

Cuối triền non thảnh thót giọt châu

     Phải chăng Khương Tử ngồi câu!

Hay là Sào Phủ đuổi trâu trên dòng.

Nhịp vó ký, Tái Ông đắc thất

Tiếng chày kình, nhà Phật thu không

     Trăm năm gẫm khéo bận lòng

Rủi may âu cũng sắc không đó là.

“Lửa” phiền cháy, Ma Ha rưới tắt

‘Nước” triều dâng, Thuyền Bát sẵn chờ

     Tiên Ông có bộ Thiên thơ

Ai nhờ sứ mạng huyền cơ mở màn?

Học phải hiểu rành tàng Hư Thiệt

Hành cần tri bí quyết nhiệm mầu

     Con đường Đạo Lý cao sâu

Cứu nhơn cứu vật trong bầu trần gian

Tài Nghiêu Thuấn trị an thiên hạ

Đức Trọng Ni chứng quả Thánh nhơn

     Là do “nhứt quán lý Chơn”

Lập đời trị quốc, giáo dân thái bình

Nào phải cậy phù linh phép lạ

Có màng chi hoán võ hô phong

     Văn Vương cầm tội “vẽ vòng”

Phải chăng Lý Đạo ở trong lòng người?

Đồng Linh Tánh Đất Trời ban phú

Cũng Hình Hài Phụ Mẫu sở sinh

     Người xưa có khác chi mình

Phật, Tiên, Thần, Thánh trong hình phàm phu

Muốn đắc quả cần tu Chánh Đạo

Muốn độ đời hoài bảo Chánh Tâm

     Xét xem cơ chỉ chớ lầm

Làm người cho vẹn mới tầm vị ngôi

Đại Linh Quang giống Trời ban xuống

Tiểu Linh Quang kiết chưởng hoá sinh

     Càn Khôn tóm một thân hình

Chuyển luân Thuận Nghịch vận hành tường tri

Hằng nói: Đạo, vô vi, vô tướng

Lại vô hình, vô tượng vô danh

     “Hữu Vô” Lý Đạo suy rành

Mới mong thấu triệt máy linh nhiệm mầu

Cơ sanh dục hoát bao Trời Đất

Ở Đất Trời phân đặt tượng hình

     Chở che khắp cả vạn linh

Ấy là “Hình” Đạo dưỡng sinh muôn loài

Bóng Nhựt Nguyệt vần xoay ngày tháng

Tiếng sấm vang mưa thuận gió hòa

     Một Hàn một Thử lại qua

Đó thiệt “Tình” Đạo chan hoà nhơn gian

Nam chỗ đặt ngôi Càn, Dương vị

Nữ gọi là Khôn, Lý Âm Dương

     Cảm giao biến hoá khôn lường 

Phải chăng “Danh” Đạo biểu dương nhiệm mầu

Luận  Vô Hữu cao sâu huyền bí

Tìm Hữu Vô yếu lý thậm thâm

     “Chủ Nhơn Ông” thử kiếm tầm

Cho thông chỗ Hữu, khỏi lầm chỗ Vô

Đuốc Chơn Lý viễn đồ soi sáng

Ngọn “Tâm Đăng” chói rạng Bổn nguyên

     Thiên đình có Phật- Thánh- Tiên

Đều do hạt giống nhơn duyên cõi trần

Linh hồn mượn xác thân ẩn trú

Xác thân cần phụ mẫu dưỡng nuôi

     Thâm ân ví tợ Đất Trời

Ngọn rau tấc đất trên đời nặng mang

Đó là Hữu trong toàn vũ trụ

Còn lý Vô là thú tuần huờn

     Khuyên người học hiểu căn duơn

Thực hành Lý Đạo lập trường tu thân

Lý Đạo vốn muôn phần sáng tỏ

Bạch Ngọc Kinh “một ngõ” đi về

     Độ đời nhờ Đạo giác mê

Đạo không tư kỷ không vì cá nhân

Lập Hội Thánh tinh thần cao cả

Dựng Nền Nhân công quả dạn dày

     Việt Nam lịch sử hậu lai

Công phu lớn nhỏ trong ngoài Đạo Tâm

Bảng Cao Đài ngàn năm rạng rỡ

Cõi Dương Đông muôn thuở thái bình

     Ban ơn cậy có huyền linh

Cho đoàn dân chúng trong tình thương yêu

Giữa canh thâu tỏ nhiều “Tâm sự”

Chúc “Chư Hiền” một chữ “thành công”

     “Chư đệ tử”, hưởng ân hồng

Nhớ lời Thầy dặn hợp đồng lo tu.

Ngô Đại Tiên

Rằm tháng 06 năm Mậu Thân (10/07/1969)

Đàn Kinh

Đông Độ Thiền Tông Lục Tổ HUỆ NĂNG

Đại Sư nói Pháp. Môn Nhơn Pháp Hải chép ra.

Phẩm Tự Tự

Thứ nhứt

   I-TỰ TỰ

   1- “Thuở ấy” Đại sư đến chùa “Bửu Lâm”, có quan Thứ sử Thiều Châu họ Vi tên Cừ cùng các quan liêu vào chùa thỉnh Đại Sư về trong thành, nơi giảng đường tại chùa Đại Phạm, vì đại chúng mở duyên thuyết Pháp.

   2- Đại Sư lên ngồi “Pháp toạ”, thời quan Thứ sử cùng các quan liêu trên ba mươi người, còn Tăng ni, Đạo tục thì trên ngàn người đồng làm lễ cầu nghe những lời Pháp yếu.

   3- Đại Sư bảo chúng nhơn rằng: “Nầy các thiện tri thức! Bồ Đề Tánh Mình vốn thiệt Thanh Tịnh, những dùng lòng ấy hẳn được Thành Phật.

   4- Các thiện tri thức! Hãy nghe công chuyện của Huệ Năng nầy và cái sự ý đắc Pháp.

   5- Xưa kia Nghiêm Phụ của Huệ Năng nầy Bổn quán ở đất Phạm Dương, sau bị Lưu về xứ Lãnh Nam tại Tân Châu làm người Bá Tánh.

   6- Xuất thân đã chẳng may, cha lại mất sớm còn một mẹ già, dời ở núi Nam Hải, khổ nhọc nghèo thiếu, Ta hằng Bán củi.

   7- Thuở ấy có một người Khách mua củi, bảo Ta đem củi đến tiệm. Khách đã thâu nhận, Huệ Năng nầy lãnh tiền rồi bèn bước ra Ngoài cửa, vừa thấy một người Khách kia Tụng Kinh.

   8- Huệ Năng nầy xảy nghe lời Kinh Ngữ, tâm liền khải ngộ bèn hỏi khách ấy tụng kinh chi?

   9- Khách ấy đáp rằng: (Tụng kinh Kim Cang!)

   10- Ta lại hỏi: Người ở đâu đến đây trì tụng kinh nầy?

   11- Khách lại rằng: Ta từ Kỳ Châu, huyện Hoàng Mai, chùa Đông Thiền đến đây. Chùa ấy thiệt là của Ngũ Tổ Nhẫn Đại Sư ngài ở nơi ấy làm chủ sư giáo hoá, môn nhơn của ngài trên Ngàn người.

   12- Ta đến đó lễ bái xin thọ trì kinh nầy. Ngài thương khuyên kẻ tăng người tục đều phải trì tụng kinh Kim Cang, ắt mình thấy Tánh, hẳn được thành Phật.

   13- Huệ Năng nầy nghe nói mới biết buổi trước ta vẫn có duyên lành. Lại mong ơn một người khách kia lấy bạc mười lượng cho Ta để sung vào việc ăn mặc của Lão Mẫu Ta và dạy ta tìm qua Hoàng Mai ra mắt Ngũ Tổ.

   14- Huệ Năng nầy an trí cho Lão Mẫu rồi liền từ giã, trải qua ba mươi dư ngày vừa đến Hoàng Mai đảnh lễ Ngũ Tổ.

   Giải: ĐÀN KINH là PHÁP BỬU vô giá. Quả thật tự tự Châu cơ, ngôn ngôn kim ngọc. Rõ ràng thay! Ám thất chi cô đăng, mê tân chi Bửu phiệt.

   Người đời khác nào kẻ lạc loài trong rừng sâu đêm tối, chợt thấy đặng một “Ánh Sáng” lập loè còn chi vui sướng hơn? Chẳng dám chớp mắt, bươn bả nhắm ngay bườn đến, bao nhiêu chướng ngại trên lộ trình, dù gay go cách mấy cũng chẳng quản, “cố vượt qua tất cả để đến “mục tiêu” vì chắc chắn được cứu khi đến chỗ nhắm ấy.

       “Nhứt tâm hoài niệm Bóng Hồng,

        Sáng soi vũ trụ trong vòng Tang thương.”

   Xem ĐÀN KINH không nên bỏ sót một chữ, một câu nào. Mỗi mỗi đều có “ẩn ý cao siêu mầu nhiệm”. phải tìm hiểu cho đúng Lý Đại Thừa đừng để sa vào quan niệm thấp hèn mà sai thất Pháp Ý.

   Là Thiện tri thức cũng chưa có thể phát minh nổi Diệu Lý.

   Cần nhờ đến bậc “Đại Thiện Tri Thức”, là đấng muôn phép đều thông, muôn phép gồm đủ, không một phép khá đặng, ấy là bậc đắc Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, đã Trực Giác.

   Một đại Triết gia có nói: “Các ngài cũng dư hiểu tánh cách sai khác, dị đồng giữa lối “Suy Luận Thâm Huyền Tự Tại (chánh tư duy) với cái tràng ý niệm (tư tưởng) dù đúng đắn hay ho cho mấy đi nữa trong sự bày bố cấu tạo của nó nhưng bao giờ cũng bị chi phối trước hết bởi cái Pháp Thức (thức thần) trói buộc, câu thúc nên vì thế nó không sáng tác được theo sự thật thuần nhiên. (Chơn Lý)

   Một cái thuộc về Thật Trí của Trí Huệ (Chơn Tri) xuất sinh từ nơi “Liễu tri Tánh”.

   Một lối thuộc về tư tưởng theo tình cảm (Pháp thức), bị chi phối, trói buộc, phải thiên lệch. Tư tưởng, ý kiến bị thiên lệch không thể nào được bảo đảm là Đúng.

   Đừng lầm tưởng kẻ Học Rộng là Đại tri thức, Học Lực và Trí Lực khác nhau rất xa.- Kẻ phàm phu thủ trước, đang còn trong vòng vọng chấp, lúc nào cũng ngoan cố, liều lĩnh, đến như người  có trí thức uyên bác, thông thạo cũng kiến chấp, vọng chấp, vô minh ngu muội như ai.

   Lục Tổ có học rộng đâu? Nhưng nhờ có Thật Trí của trí huệ mà tỏ được Chơn Lý Tuyệt Đối.

   Cái Đại trí của Bộ óc xác thịt là Giả Trí. Phải phân biện cho rành.

   “Học phải hiểu hành tàng Hư Thiệt,

   Hành cần tri Bí Quyết nhiệm mầu.

       Con đường Đạo Lý cao sâu,

Cứu nhơn cứu vật trong bầu trần gian”.

   Phẩm nầy nói lý do và sự ý Đắc Pháp của Huệ Năng Lục Tổ. Không nên nghĩ rằng đây là tiểu sử, sự tích riêng biệt của Tổ Sư mà là chung cho tất cả người trau Đạo.

   Tín đồ thì rất nhiều, số ngàn mà Học đồ chỉ trên 30, Môn đồ cũng vậy. Lộ đồ trải qua để đến Ngũ Tổ cũng trên 30 ngày . . .Nếu nói số đầu là 1 thì số rốt để trở lại là 10, 100, 1000 . . . Nói số 3 thì số rốt để trở lại là 30, 300, 3000 v.v… Số Một, số Ba là số mầu nhiệm của Đạo. Nên nhớ đây là Vô Vi Đại Đạo, đường lối chung của muôn loài.

   Xưa kia Nghiêm Phụ . . . .

   “Cha nay” là cha riêng mà cha Xưa là Đại Từ Phụ của tất cả.

   “Bổn Quán” là Quê xưa, chỗ Bổn Lai diện mục đều là Một, là Phạm Dương.  “bị giáng chức lưu đày về xứ Lãnh Nam”…

   “Bị tuột ngôi” từ đất Nóng (Dương) xuống đất Lạnh tại trần gian, đất mới (Tân Châu) làm người Phàm tục (Bá tánh).

   Xác thịt sanh ra, “Tinh Thần” bị chôn chặt vào vật thể như ngọn đèn bị chụp trong cái thùng, không biểu hiện, phát huy nổi (Cha chết sớm).

   “Lìa căn cội bị đoạ xuống hồng trần”.

   Bạn thấy rõ con đường ra đi là Một, là Chung cho tất cả. Đó là việc chẳng May (Đoạ, Lìa Quê) Cha lại mất sớm còn một Mẹ già. Hể Linh Hồn hạ trần để tiến hoá thì như vậy cả, dù song thân còn đủ hay chết hết, còn cha mất mẹ; còn mẹ mất cha “của xác thịt” không thuộc về Chơn Tướng.

   “Dời ở Núi Nam Hải”, bị đảo lộn Núi hoá biển, tang điền thương hải, cao xuống thấp. – Khổ nhọc, nghèo thiếu”.

   Dầu là phú hữu tứ hải như Đế Vương cũng chịu chung một số phận là thiếu thốn nghèo nàn về Tinh Thần, phải ra chợ bán củi để mưu sinh, tìm lại sự sống.

   Vì vậy phải cần tu khổ luyện để bồi bổ cái khuyết, cậy sức Thiếu Dương nuôi nấng Lão âm như trước kia đã giải: (Con nuôi Mẹ).

   Đây là việc “Chủ Quan”. Phải nhờ tiền của Khách mua củi, phải nghe người Khách tụng kinh để tỏ ngộ là điều kiện “Khách Quan” cho hiệp nội ngoại chi Đạo (ngoại dược, nội dược).

   Trì tụng kinh Kim Cang để Thấy Tánh (theo lời dạy của Ngũ Tổ là làm cái việc lấy Bạch Kim (Platine) trong cung Khảm, chớ chẳng phải tụng kinh hữu tự bằng miệng, hao khí lực (tổn pháp) ra mắt Diêm Vương thay vì Thấy Phật. Người Mê miệng niệm, kẻ Trí lòng làm.

   Nhờ ngoại dược (Khách) giúp Bạch Kim, an trí Đức Mẹ (Trúc cơ) xong mới lên đường xây dựng, sáng tạo nhà Tổ cho Phật ngự cũng gọi xây Vô Bồng Tháp thỉnh Xá Lợi đam về cho Minh Tâm Kiến Tánh lập Lư Bồng rước Ngươn Thỉ Thiên Tôn.

   Tôi nhắc lại tây du nói “Lưu Bá Khâm” là người cứu Tam Tạng khỏi ác thú sát hại tại Lưỡng giái sơn, ngày sau đưa qua ranh phàm, sang đất Phật để thâu nhận Ngộ Không và Ông Tiều giúp chỉ đường cho Hành Giả gặp Bồ Đề Tổ Sư, đều Mất Cha Còn Mẹ là Lý trên, đối với Đạo đều vậy.

   Khi nghe Ông Tiều Ca Tiên, hành giả ngào vô xin học. Ông nói: Tôi là kẻ mất cha còn Mẹ già phải lo nuôi dưỡng, đã nghèo khổ, không tiền mua rượu uống (Tinh Thần kiệt quệ) làm sao làm Tiên?

   Hành Giả nói: (Ông không là Tiên sao miệng lại nói được lời Tiên ngữ?

   Tôi học lóm của Học trò “Bồ Đề Tổ Sư” ở trong động gầy đây và ngâm nga tiêu khiển vậy thôi, nào dè ông nghe và lầm nhận như thế.v.v…

   Thật là tế nhị, đầy ý nghĩa. (Chim Anh võ nói tiếng người không làm được việc của người). Con đường tầm Tiên phải khởi đầu mượn giả để tìm thiệt, nương Hữu về Vô.

   Trước nói “Hữu tác” người không thấy

   Chừng đến “Vô Vi” chúng mới hay

   Chỉnh lấy vô vi làm yếu diệu

   Nào dè Hữu tác thiệt căn ky (cơ)

   15- Tổ hỏi rằng: “Ngươi ở Phương nào, muốn Cầu việc chi?”

   16- Huệ Năng nầy bạch: (Đệ tử thiệt ở Lãnh Nam, là người Bá Tánh Đất Tân Châu, từ phương xa đến yết lễ Thầy “chỉ cầu Làm Phật”, chớ chẳng cầu việc chi khác nữa.”

   17- Tổ nói: Ngươi là người Lãnh Nam, lại thuộc về dòng Lạp Lão (mọi rợ) há kham làm Phật được sao?

   18- Huệ Năng nầy thưa rằng: Người, có chia Nam Bắc, “Phật Tánh” vốn không phân Nam Bắc, cái thân lạp lão nầy với Hoà Thượng “chẳng đồng” , nhưng Phật Tánh “không sai khác”.

   19- Ngũ Tổ còn muốn cùng Ta nói nữa, chợt thấy đồ chúng nhóm ở 2 bên tả hữu, bèn khiến Huệ Năng nầy theo chúng mà làm công việc.

   20- Huệ Năng nầy còn nán lại thưa rằng: Huệ Năng nầy xin bạch cùng Hoà Thượng: “Tự Tâm đệ tử hằng “sanh trí huệ”, chẳng lìa Tánh mình, hẳn thiệt là phước điền, vậy chưa rõ hoà thượng dạy làm việc chi”.

   21- Tổ rằng: Kẻ lạp lão kia, căn tánh “Rất Lợi”, ngươi chớ nói nữa, hãy đi ra Mã tào, đường sau.

   22- Huệ Năng nầy lui gót đến hậu viện, có một người Hành Giả (người tu) sai Huệ Năng nầy Bửa củi và đạp chày (giã gạo) trót tám tháng dư.

   23- Một ngày kia, Tổ chợt thấy Huệ Năng nầy bèn nói: Ta nghĩ chỗ thấy của ngươi khá dùng song ta e có kẻ dữ hại ngươi nên chẳng cùng nguơi nói chuyện, ngươi có biết chăng?

   24- Huệ Năng nầy thưa: Đệ Tử cũng biết ý Thầy nên không dám ra đến trước thềm, khiến cho người chẳng rõ đặng.

   25- Lại một ngày kia Tổ đòi cả Môn nhơn nhóm lại bảo: Ta vì bọn ngươi mà nói người đời “sống thác” là việc lớn mà bọn ngươi trọn ngày chỉ cầu ruộng phước , chớ chẳng cầu ra khỏi biển khổ sanh tử.

   Vậy thời tánh mình còn mê, phước nào cứu được? Bọn ngươi đều đi ra tự xét Trí Huệ mình, dùng cái bổn Tâm mình trong tánh Bát Nhã đều làm ra một Bài Kệ đem trình Ta xem, ví bằng ngộ được đại ý thì Ta phó giao Y Pháp làm Tổ đời đệ lục. Hãy hối hả mau đi, chớ khá chậm trễ, nếu để xét nghĩ ắt không trúng dụng!

   26- Những người thấy Tánh mình, dưới lời nói sẽ thấy liền. Bằng được như vậy múa đao lên ngựa (là sự gắp rút) cũng đặng thấy đó.

   27- Chúng đồ được lời Thầy phân, lui ra chuyền nhau rằng: Bọn ta chớ tua gạn lòng dùng ý, làm kệ đem trình Hoà Thượng có ích chi đâu. “Thần Tú là bậc Thượng Toạ”, hiện đương làm thầy giáo thọ thì kia ắt đặng. Bọn ta dầu có chạ làm những bài kệ tụng thì cũng uổng một tâm lực mà thôi.

   28- Các chúng nhơn nghe nói ấy thảy đều yên lòng, đều nói bọn ta sau nầy “nương dựa theo Tú Sư”, phiền chi phải làm kệ.

Trở lại trang chánh

free web counter

Thư Viện 1      4   5