Ngày khai Đạo Cao Ðài

Người tín đồ Cao Đài Giáo cũng như trong giới Tôn giáo bạn có vẻ thắc mắc về những cuộc lễ kỷ niệm ngày Khai Đạo của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay gọi tắt là Đạo Cao Đài. Nhơn dịp Nam Thành Thánh Thất ở Sàigòn (Thánh Thất Cầu Kho cũ) thì tổ chức ngày Khai Tịch Đạo là ngày 23 tháng 8 hằng năm còn Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh lại tổ chức long trọng tại Thánh Địa cuộc lễ Khai Minh Đại Đạo ngày Rằm tháng 10.

Cao Đài Giáo Lý xin trân trọng giải rõ điểm này dựa theo tài liệu sử Đạo để quí độc giả được am tường.

1.- Về ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (29/09/1926).

Theo quyển "Đại Đạo Căn Nguyên" do Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu tự Thuận Đức là tác giả,

chúng tôi xin ghi lại như sau:

Ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (29/9/1926) Ông Cựu Thượng viên Lê văn Trung vâng Thánh ý, hiệp với chư đạo hữu hết thảy là 247 người, tại nhà ông Nguyễn Văn Tường, đứng tên vào tịch Đạo Khai Đạo với Chánh Phủ.

"Tờ Khai Đạo đến mồng một tháng chín (7/10/1926) mới gởi lên Chánh Phủ cho quan Nguyên Soái Nam Kỳ là ông Le Fol, trong tờ ấy có 28 ngừời ký tên thay mặt cho cả chư đạo hữu có tên trong tịch Đạo".

Xin ghi rõ điểm này tác giả quyển "Đại Đạo Căn Nguyên" là một trong số 28 vị ký tên trong tờ khai tịch Đạo và là một trong những vị tiền khai Đại Đạo đã chứng kiến việc phát nguyên Đạo Cao Đài từ lúc khởi thỉ quí Ông Phạm công Tắc, Cao quỳnh Cư, Cao hoài Sang hiệp nhau xây bàn cầu các vong linh quá vãng về làm thi họa chơi vào cuối năm Ất sửu (1925) tại phố ở đường Bourdais Sàigòn (nay đổi tên lại là Calmette).

Quyển Đại Đạo Căn Nguyên của Ngài cố Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu viết đã được quí ông Đoàn văn Bản tự Văn Long, ông Trương hữu Đức tự Hòa Dân (là Ngài Hiến Pháp Chưởng Quản Hội Thánh Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh Tây Ninh sau khi Ngài Thượng Sanh Cao hoài Sang qui Tiên) và ông Lê văn Giảng là những vị cùng đứng tên chung trong tờ khai tịch Đạo.

Tờ khai Đạo ấy làm bằng chữ Lang-sa phiên dịch ra như sau:

Sàigòn, le 7 Octobre 1926.

Kính cùng Quan Thống Đốc Nam Kỳ Sàigòn.

Chúng tôi đồng ký tên dưới đây, kính cho Quan lớn rõ:

Vốn từ trước, tại cõi Đông Pháp có ba nền Tôn giáo là: Thích giáo, Lão giáo và Khổng giáo. Tiên nhơn của chúng tôi sùng bái cả ba Đạo ấy, lại nhờ do theo tôn chỉ quí báu của các Chưởng Giáo truyền lại mới được an cư lạc nghiệp. Trong sử còn ghi câu: "Gia vô bế hộ, lộ bất thập di", chỉ nghĩa là con người thuở ấy, an nhàn cho đến ban đêm ngủ không đóng cửa nhà, còn ngoài đường thấy của rơi không ai thèm lượm. Nhưng buồn thay cho đời thái bình phải mất vì mấy duyên cớ sau đây:

1- Những người tu hành đều phân chia ra nhiều phe nhiều phái mà khích bát lẫn nhau, chớ tôn chỉ của Tam Giáo đều như một, là làm lành lánh dữ và kỉnh thờ Đấng Tạo Hóa.

2- Lại canh cải mối chánh truyền của các Đạo ấy làm cho thất chân truyền.

3- Những dư luận phản đối nhau về tôn giáo mà ta thấy hằng ngày cũng tại bả vinh hoa và lòng tham lam của nhơn loại mà ra. Nên chi người Annam bây giờ đều bỏ hết những tục lệ tận thiện, tận mỹ ngày xưa.

Thấy tình thế như vậy mà đau lòng, cho nên nhiều người Annam, vì căn bổn vì tôn giáo đã tìm phương thế hiệp Tam Giáo lại một (Qui nguyên, phục nhứt) gọi là Đạo Cao Đài hay Đại Đạo.

May mắn thay cho chúng sanh, Thiên tùng nhơn nguyện, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hằng giáng đàn cơ dạy Đạo và hiệp Tam Giáo lập Đại Đạo Tam Kỳ phổ Độ tại cõi Nam này.

Tam Kỳ Phổ Độ nghĩa là Đại ân xá lần thứ ba. Những lời của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ dạy chúng tôi đều cốt để truyền bá tôn chỉ Tôn giáo.

Đạo Cao Đài dạy cho biết:

1) Luân lý cao thượng của Khổng Phu Tử.

2) Đạo đức của Phật giáo và Tiên giáo là làm lành lánh dữ,

thương yêu nhơn loại,cư xử thuận hòa mà lánh cuộc loạn ly giặc giã.

Chúng tôi gởi theo đây cho Quan lớn nghiệm xét:

1) Một bổn sao lục Thánh ngôn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.

2) Một bổn phiên dịch Thánh kinh.

Chủ ý của chúng tôi là muốn làm sao cho nhơn loại được cộng hưởng cuộc thái bình như buổi trước. Được như vậy, chúng sanh sẽ thấy đặng thời kỳ mới mẻ, cực kỳ hạnh phúc không thể nào tả ra đặng.

Chúng tôi thay mặt cho nhiều người Annam mà đã nhìn nhận sở hành cho chúng tôi và ký tên vào tờ Đạo tịch ghim theo đây, đến khai cho Quan lớn biết rằng kể từ ngày nay, chúng tôi đi phổ thông Đại Đạo khắp cả hoàn cầu.

Chúng tôi xin Quan lớn công nhận tờ khai Đạo của chúng tôi.

Ký Tên:

Mme Lâm Ngọc Thanh, nghiệp chủ ở Vũng Liêm

M, Lê Văn Trung Cựu Thượng Nghị viên thưởng thọ Ngũ đẳng Bửu tinh Chợ-lớn.

MM. Lê văn Lịch, Thầy Tu, làng Long An,Chợlớn.

- Trần đạo Quang, Thầy Tu,làng Hạnh thông tây,Gia Định.

- Nguyễn ngọc Tương, Tri Phủ, chủ Quận Cần-giộc

- Nguyễn ngọc Thơ, nghiệp chủ Sàigòn

- Lê bá Trang, Đốc Phủ Sứ Chơ lớn

- Vương quang Kỳ, Tri phủ sở thế thân Sàigòn

- Nguyễn văn Kinh, Thầy Tu, Bình lý thôn, Gia Định

- Ngô tường Vân, Thông phán sở Tạo tác Sàigòn

- Nguyễn văn Đạt, nghiệp chủ Sàigòn

- Ngô văn Kim , điền chủ, đại hương cả,Cần-giộc

- Đoàn văn Bản, Đốc học, trường Cầu Kho

- Lê văn Giảng, thơ ký toán hãng Ippolito,Sàigòn

- Huỳnh văn Giỏi, thông phán sở Tân đáo Sàigòn

- Võ văn Tường, thông ngôn sở tuần cảnh Sàigòn

- Cao quỳnh Cư, thơ ký sở Hỏa xa,Sàigòn.

- Phạm công Tắc, thơ ký sở Thương Chánh Sài gòn

- Cao hoài Sang, thơ ký sở Thương Chánh Sàigòn

- Nguyễn trung Hậu, Đốc học, Trường Tư thục DaKao

- Trương hữu Đức, thơ ký sở Hỏa xa Sàigòn

- Huỳnh trung Tuất, nghiệp chủ, chợ đũi, Sàigon

- Nguyễn văn Chức, Cai Tổng, Chợ Lớn

- Lạii văn Hành, Hương cả, Chợ Lớn

- Nguyễn văn Trò, giáo viên Sàigòn

- Nguyễn văn Hương, giáo viên DaKao

- Võ văn Kỉnh, Giáo tập Cầngiuộc

- Phạm văn Tỉ ,Giáo tập Cần Giuộc.

Người sáng lập Đạo Cao Đài hay là Giáo Chủ của Đại Đạo Tam Kỳ là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, là đấng vô hình tối cao, tối trọng, Chúa tể Càn khôn vạn vật lại đi xin phép với người phàm tục sao? Thế nên các vị tiền bối mới đứng tên gởi tờ Khai tịch Đạo lên Chánh phủ thuộc địa thời bấy giờ để tránh cho Chánh quyền không làm khó dễ các người theo Đạo. Vì nhằm thời kỳ có các phong trào Chánh trị sôi nổi (phong trào của các cụ Phan chu Trinh và Nguyễn an Ninh v.v...) Hơn nữa tờ này cũng đã trình lên Đức Chí Tôn trong một đàn cơ và được Ngài chấp thuận nên ngày gởi đi (7/10/26) ngày ký tên (29/9/26) hết mấy ngày. Vì có sự hộ trì của Thiêng liêng, nên cụ Lê văn Trung được Ông Thống Đốc Le Fol tiếp nhận tờ khai Đạo một cách vui vẻ. Có lẽ sau đó phủ Toàn quyền Đông Dương và giới thực dân phiền trách Ông nặng nề, hậu quả là ông Le Fol được về nghỉ phép luôn bên Pháp.

Theo lời thuật lại của cụ Huệ Lương,Phối Sư chủ trưởng Hội Thánh Truyền Giáo Trung Việt, một bữa kia Thống Đốc Le Fol và phu nhân có đến tư thất cụ Ngô văn Chiêu, vị môn đệ đầu tiên của đức Cao Đài Thượng Đế, để tìm hiểu thêm về Đạo Cao Đài, thì được cụ Ngô văn Chiêu cho biết Thượng Đế dùng huyền diệu cơ bút để mở Đạo kỳ này. Hai ông bà Le Fol muốn thử cơ bút.... nên tình nguyện làm phò loan thủ cơ để biết rõ thực hư, trong khi đó cụ Ngô văn Chiêu làm Pháp đàn. Khi cơ lên, thì hai người mê man không biết chi cả, cơ lay động mạnh và viết ra. Sau khi đàn cơ chấm dứt, hai ông bà tỉnh dậy và lấy làm lạ mà thấy trước mặt mình một bài cơ bằng pháp văn cho hai ông bà biết trước rằng trong một tháng nữa sẽ nhận được tin buồn từ bên Pháp sang. Quả thật, đúng một tháng sau, hai ông bà được tin ở Pháp gởi qua cho biết một người trong thân tộc đã mất.Thấy sự linh hiển như vậy, Thống Đốc Le Fol cho việc tiếp nhận tờ Khai Đạo của mình là phải, cự tuyệt những ai còn mỉa mai xuyên tạc Đạo Cao Đài và nhứt là nói hành cụ Ngô văn Chiêu, bằng lời khẳng định sau đây: "Chiêu est un Bouddha, laissons le tranquille" (Ông Chiêu là một vị Phật,hãy để ông yên) -Ứng nghiệm với Thánh ngôn Thầy dạy trong một đàn cơ riêng: "Nhứt Phật là Chiêu đó các con" và chính cụ Ngô văn Chiêu cũng được Thầy phong chức Giáo Tông và chức này ngang hàng với Phật vị.

Tờ khai tịch Đạo ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần chỉ là ngày khai báo với Chánh quyền đô hộ Pháp tại Nam Kỳ chớ không phải là đơn xin phép hoạt động. Theo chế độ thuộc địa Nam Kỳ được hưởng quyền tự do tín ngưỡng sùng bái cúng kiến miễn là không làm rối rấm trật tự và an ninh công cộng. Thế là, trên nguyên tắc pháp lý, Đạo Cao Đài được tự do truyền bá sau khi gởi tờ khai tịch Đạo cho Chánh quyền Pháp, miễn là không làm xáo trộn trật tự và an ninh công cộng do luật pháp hiện hành.

I- Về ngày đại lễ Rằm tháng 10 năm Bính Dần (18/11/ 1926).

Sau khi tờ khai tịch Đạo được Chánh quyền đô hộ Nam Kỳ thâu nhận,tất cả các môn đệ đầu tiên của Đức Cao Đài Thượng Đế lấy làm hân hoan và nhẹ nhõm tâm thần mới để hết lòng lo truyền bá mối Đạo Trời ra lục tỉnh.

Các Ông phân công nhau đi phổ độ như sau:

1- Các Ông: Lê văn Trung, Nguyễn ngọc Thơ, Trần đạo Quang lo đi phổ độ trong mấy tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc,Hà Tiên, Rạch Giá.

Phò Loan: Quí ông: Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc.

2- Các Ông: Lê văn Lịch, Nguyễn ngọc Tương, Yết ma Luật lo phổ độ trong mấy hạt Chợ lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre.

Phò Loan: Quí ông Nguyễn trung Hậu và Trương hữu Đức.

3.-Các Ông: Lê bá Trang, Vương quang Kỳ, Yết Ma Nhung lo phổ độ trong mấy hạt Tây Ninh, Thủ dầu Một, Biên Hòa, Gia Định, Bà Rịa, Sa Đéc.

Phò Loan: Quí ông: Cao Quỳnh Diêu và Cao Hoài Sang.

Quí Ông Nguyễn văn Tương và Nguyễn văn Kinh là người rõ thông đạo lý lại đi khắp các nơi để độ rỗi người quen.

Kết quả cuộc phổ độ này rất nên quan trọng chỉ trong vòng một tháng mà kể cả mấy vạn người nhập môn cầu Đạo.

Mùng 10 tháng 10 năm Bính Dần là ngày tạm ngưng việc phổ độ để lo sắp đặt lễ khánh thành Thánh Thất Từ Lâm ở Gò Kén (Tây Ninh).

Vậy ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần, chính là ngày Khai minh Đại Đạo nhơn dịp lễ khánh thành Thánh Thất Từ Lâm Tự ở Gò Kén. Đúng là ngày Đạo Cao Đài ra mắt nhơn sanh thế giới, là ngày mà từ đó Đạo Cao Đài xuất hiện công khai với đời không dấu diếm ai, không sợ sệt ai sau khi đã khai tịch Đạo hai tháng trước đó với Chánh quyền địa phương.

Vậy cuộc lễ rằm tháng 10 năm Bính Dần là hậu quả tự nhiên của tờ khai tịch Đạo, có khai Đạo hợp pháp rồi mới có sự ra mắt công khai của Hội Thánh đầu tiên của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Ông Lê văn Trung thay mặt bổn Đạo đứng đơn xin phép tổ chức cuộc lễ ra mắt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Thánh Thất Từ Lâm Tự ở Gò Kén và mời đủ các chức sắc viên quan Lang Sa và Việt Nam cùng thân hào nhân sĩ trong nước. Có cả người Ấn Độ, Trung Hoa và Sư sãi Cao Miên đến tham dự rần rần rộ rộ hàng ngàn xe cộ đậu tấp nập trên lộ và xuồng ghe đậu dưới sông không xiết kể.

Hội Thánh ân cần tiếp rước quan khách trọng hậu, ngoài cúng phẩm, không nhận thâu tiền bạc của ai cả.....

Chánh thức cuộc lễ có ba ngày mà rồi ra kéo dài đến ba tháng, ngày nào cũng như ngày nấy khách hành hương đến đông nghẹt từ Cao Nguyên Trung Phần đến miền Tây xa xôi tận mũi Cà mau.

Đêm ngày cũng có đàn cơ Thiêng liêng giáng xuống dạy Đạo.

Chính trong thời gian này,Đức Chí Tôn đã giáng cơ xuống nhiều lần để thảo ra Pháp Chánh Truyền là Hiến-Pháp vô tiền khoáng hậu của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và nhiều Thánh giáo rất có giá trị.

Từ năm 1926 đến năm 1945,khi chế độ thuộc địa còn ngự trị ở xứ này,nhà cầm quyền tìm mọi cách bôi lọ Đạo Cao Đài bằng cách gán cho cái tên "Một tổ chức gian lận" (Une entreprise d escroquerie) hoặc "một đảng phái tôn giáo chánh trị" (un parti politico religieux).

Nhờ Việt Nam được khôi phục nền độc lập,nên từ năm 1954, cũng như các Tôn giáo khác, Đạo Cao Đài đã được quyền tự do tín ngưỡng và tự do truyền bá trong nội địa. Nếu trước kia, không phải là Đạo của Trời, thì chắc gì Đạo Cao Đài còn được tồn tại và hoằng khai cho đến ngày nay. Trong đêm đầu ngày Khai Đạo 14 tháng 10 năm Bính Dần tại Từ Lâm Tự Gò Kén, chính Đức Chí Tôn Thượng Đế giáng cơban cho bài thi này để chứng minh.

"Hảo Nam Bang! Hảo Nam Bang!
Tiểu quốc tảo khai hội Niết Bàn,
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian,
Thiên ân tế chúng thiên tai tận,
Nhược thiệt,nhược hư vạn đại an.
Chí bửu nhơn sanh vô giá định
Năng tri giác thế sắc cao ban".


Đạo Cao Đài có phải là một Tôn giáo chăng? Để trả lời, Đạo Cao Đài có một Hiến-Pháp mệnh danh là "Pháp Chánh Truyền" qui định cách tổ chức một Hội Thánh gồm các cấp chức sắc, chức việc từ Trung ương Tòa Thánh đến các Thánh Thất, Thánh Tịnh tại các châu, tỉnh, xã, ấp. Về cách sanh hoạt của chức sắc, tín đồ thì có bộ luật gọi là "Tân Luật" và Tứ đại điều qui", quyền pháp rất nghiêm minh căn cứ trên tình huynh đệ thương yêu, hòa ái để thể hiện bài thi này mà Đức Chí Tôn ân ban để làm khuôn vàng thước ngọc cho mỗi tín đồ:

Chẳng quản đồng tông mới một nhà
Cùng nhau một Đạo tức cùng Cha
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ Hòa.


Về giáo lý, Đạo Cao Đài cũng có hai phần: Hình Nhi hạ và Hình Nhi thượng, tùy theo trình độ tu tiến và căn duyên của mỗi người. Các đấng Thiêng liêng đã giáng cơ để lại không biết bao nhiêu là Thánh ngôn, Thánh giáo dạy cách thức tu hành với đầy đủ chi tiết cho mỗi cấp bực tu.

Hơn nữa, chúng tôi phủ nhận việc cho Đạo Cao Đài là một đảng phái Tôn giáo, chánh trị, hay nói đúng hơn, là một tổ chức chánh trị khoác áo tôn giáo, là vì các chức sắc hành đạo phải giữ luật trường trai giới sát.

Luật Đạo dạy đến cây cỏ còn không được vô cớ bẻ ngang, huống hồ gì cầm thú và con người cùng một điểm chơn linh có mạng sống như nhau lại được phép hành hạ hay sát hại sao ?

Lúc ban sơ, trong các đàn cơ, các đấng Thiêng liêng thỉnh thoảng có cho biết Thiên cơ đôi chút để khuyến khích các nhà cách mạng trí thức hầu biết đường tiến bước. Nhưng Đạo và chánh trị là hai điều cách biệt rất xa, lúc nào Thiêng liêng cũng dạy cho biết rằng: "Chánh Trị với Đạo chẳng buổi nào liên hiệp cùng nhau" (TNHT ,tr. 45/1972).

Ai làm chánh trị là việc làm cá nhân của họ, ai lợi dụng Đạo tạo danh mình là trách nhiệm của người ấy, có Luật Thiên Điều sửa trị, nhơn sanh không thể dối gạt được dễ dàng đâu, ai giả chơn gì rồi cũng sẽ lộ tướng.

Nhắc lại hai ngày Khai Đạo: ngày 23 tháng 8 là ngày Khai tịch Đạo với Chánh quyền thuộc địa trên bình diện pháp lý là một nhơn chứng của đời để làm hậu thuẩn cho việc truyền bá Đạo Trời.

Ngày rằm tháng mười là ngày Khai minh Đại Đạo để Đạo Cao Đài ra mắt trước nhơn sanh thế giới, là động năng thúc đẩy cho việc hoằng khai Đại Đạo phổ độ chúng sanh.

Kỷ niệm hai ngày này là để ghi lại những gương hi sinh lớn lao, nhắc lại những gian nguy khổ cực của các bậc tiền bối đã có công khai sơn phá thạch để lại một vĩ nghiệpphi thường cho chúng ta ngày nay.

Không phải lễ bái nhắc nhở và đề cao suông những công nghiệp của tiền nhân là đủ, " làm như vậy là vô tình chúng ta làm cho anh linh của các Đấng ấy tủi hờn thêm", mà là phải tìm cách nào để tiếp tục và phát triển công nghiệp của các Ngài để không phụ lòng mong mỏi của các Ngài trên cõi vô hình và xứng đáng là người tiếp nối sứ mạng của liệt vị Tiền Khai Đại Đạo.

Để kết luận, chúng tôi xin ghi lại Thánh giáo của đức Hộ Pháp Phạm công Tắc giáng cơ ngày kỷ niệm 23 tháng 8 Canh Tuất (22/9/70) tại Nam Thành Thánh Thất như sau:

"Đại Đạo Khai Minh kỳ ba độ tận nhơn loại trên mọi phương diện của cuộc đời. Thế nên,sứ mạng trọng đại của người hướng đạo phải được xem là cần thiết và liên tục để thực hiện mục đích tối thượng cùng hoài bão trọng đại của Chí Tôn Thượng Đế...

Đạo thành là ngày muôn dân đồng hát câu tình thương hòa ái và tiến bộ. Có như vậy,ngày kỷ niệm Khai tịch Đạo cùng ngày Khai Minh Đại Đạo hằng năm mới đúng ý nghĩa của nó".

Thư Viện 1      4   5