LÝ SIÊU VIỆT VÀ CHÁNH PHÁP TRÚC-LÂM THIỀN-ÐIỆN Tuất thời Mùng 2 tháng Giêng Canh-Tuất (7-2-1970) Thi: DI Ðà nhứt cú bất ly tâm, Nhân dịp Xuân về, một mùa Xuân xây dựng tân tiến cõi đời trong tiểu chu kỳ nhân sinh thế thượng, Bần Tăng muốn toàn thể nhân sinh cũng như môn đồ hiện diện hôm nay hãy ý thức đến thời gian và đời người trong hiện tại để đem quá khứ làm một cuộc kinh nghiệm ngõ hầu xây dựng một tương lai đầy đủ khả quan hơn. Hỡi chư môn đồ! Thế gian là trường huấn luyện, là biển khổ sông mê, là vô thường, là nhân quả. Mỗi mỗi đều do ở con người tạo nên duyên nghiệp dính liền với danh từ nầy hay danh từ khác. Thế nên các bậc Thánh Hiền Tiên Phật ngày xưa chứng quả đều là nhắm vào mục đích tối thượng, là vô vi nhi trị, mà thiên hạ thái bình, thành công đắc quả. Ngày nay cuối đường Hạ-Nguơn mạt kiếp, nhân sinh đã theo thời gian luân chuyển vào luật đào thải và bảo tồn. Hiện tình nhân loại ngày nay tiến hóa rất nhiều trên phương diện lý trí, những khối óc tinh xảo hầu hết đặt ước vọng vào công cuộc tầm thiên quật địa khuynh đảo sơn hà. Vì vậy mà Ðức Thượng Ðế không giao Chánh Pháp cho tay phàm nắm giữ. Tam Kỳ Phổ Ðộ, Thượng-Ðế chính mình giáng trần chọn lựa Nguyên Nhân thánh thiện trao gởi quyền pháp để phổ độ toàn linh, xiển dương Chánh Pháp cho Ðại-Ðạo lập thành, thế giới mới hòa bình, Càn Khôn mới an tịnh. Một hành vi rất giản dị mà lý huyền nhiệm khôn lường. Nếu chẳng phải chánh tâm tu kỷ thì khó tìm ra chánh lý để chứng quả Thiên-Tôn. Tam-Giáo-Ðạo ngày xưa thực hành mục đích cứu cánh bằng một lý tưởng cao thượng duy nhứt ở con người, ngày nay nhơn sinh còn tôn sùng kính bái. Nhưng hỡi ôi! Bần Tăng rất thương xót vô cùng, đời cực loạn, nhơn tâm điên đảo, Chánh Pháp khó suy tầm nên thiệt tướng đã trở thành giả tướng. Người đời chịu trầm luân bởi dục vọng đấu tranh, người tu hành lại quên lời Phật dạy trước khi nhập Niết-Bàn! Phật đã bảo với các đệ tử rằng: "Ta không nói một lời nào cả". Như vậy, người tu phải hiểu như thế nào khi đọc qua những tạng Kinh nhà Phật. Chư môn đồ tu hành thành công đắc quả trong cái lý đó - Nói mà không nói. Người tu hành cần hiểu rõ lý siêu việt đó mới tìm ra Chánh Pháp.
Sau cùng Bần Tăng nhắc lại lời Phật đã nói: "Ta cùng chúng-sinh có khác chi, cũng xương, cũng thịt, cũng con người sinh trên thế gian. Chỉ khác nhau Ta là Phật mà chúng-sinh là chúng-sinh ở hai bến GIÁC và MÊ đó thôi".
Thư Viện 1 2 3 4 5
|