LÝ GIẢI QUẢ CÀN KHÔN (BÁT QUÁI CAO ĐÀI)
Hiền Tài Trần Văn Rạng   

Bủu Minh Ðàn.Trang Web Phục Vụ Nhơn Sanh Miễn Phí.,Webmaster Trương Ngọc An  

LỜI DẪN

Vào mùa xuân Canh Dần (1950), từ Biên Hòa tôi về Đất Thánh viếng an Sư Phụ. Trong cuộc mạn đàm, Đức Hộ Pháp đã dạy :

Các con nên lưu ý, Đền Thánh và các kiến trúc trong hay ngoài đều tiềm ẩn Dịch Lý. Các con đã thấy rõ ba Tịnh Thất có tên :
                                               THIÊN hỉ động - Trí Huệ Cung
                                                      NHÂN hòa động - Vạn Pháp Cung
                                                      ĐỊA linh động - Trí Giác Cung

Người đứng giữa Trời Đất gọi là Trung Thiên, nên giáo lý Cao Đài chủ về Nhân Đạo để cứu đời là vậy.

Ở ngoài Miền Trung, chi Minh Sư của Đạo sĩ Trần Cao Vân (1866-1916). Trong kinh nhựt tụng có hai câu :
Con cầu Phật Tổ Như Lai,
Con cầu cho thấu Cao Đài Tiên Ông.

Vì đó ông nghiên cứu Trung Thiên Dịch, nhưng phải bỏ dở vì theo phò vua Duy Tân chống thực dân nên bị Pháp bắt và hành hình (1916).

Ông còn để lại bài.

                                                                    VỊNH TAM TÀI
    Trời Đất sinh ta có ý không,
    Chưa sinh Trời Đất có ta trong,
    Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
    Trời Đất in ta một chữ đồng.
    Trời nứt ra ta, Trời chuyển động,
    Ta thay Trời mở Đất mênh mông.
    Trời che Đất chở ta thong thả
    Trời, Đất, Ta đây đủ hóa công.

Đúng chín năm sau, các Đấng giảng dạy về Bát Quái Cao Đài mà Thầy đã vẽ lại nơi Bát Quái Đài.

Lời vàng tiếng ngọc của Sư Phụ như còn vang vọng đâu đây, như khuyến khích đồng đạo tiếp tục xiển dương Trung Thiên Dịch Lý. Tôi mạo muội viết tập "Nguồn Việt Tộc", giải thích các phủ từ theo Kinh Dịch mà chưa thể đi sâu vào đặc trưng hình thể Đạo. May thay được vị Hiền Tài Trưởng Nhiệm giáo lý hưởng ứng "Lý giải quả Càn Khôn".

                   Thật là một diễm phúc vậy.

      Thánh địa, xuân Nhâm Tý (1972)
      Hiền tài VÕ HIẾU NGHĨA
      (Chưởng phủ Võ Phủ Từ)

LỜI TỰA

Tư tưởng của Đạo Cao Đài đặt trong nền tảng Kinh Dịch, mới nghe có người không khỏi ngạc nhiên, từ trước Đức Chí Tôn đã dạy : "Thầy bày ra trước mắt, tại các con không tìm hiểu". Mặt khác, ai cũng nghe : Tòa Thánh là Bạch Ngọc Kinh tại thế, nghe vậy để lòng vậy. Đâu nghĩ rằng những cột rồng tượng trưng cho Dịch Lý, các danh từ Bát Quái, Hiệp Thiên, Cửu Trùng… đều là những chữ nằm trong Kinh Dịch. Đức Chí Tôn đã dạy một câu y trong Kinh Dịch : "Thái Cực phân lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng" (Thánh ngôn Hiệp tuyển II - TNHT, trang 62)

Thế thì, Đạo Cao Đài áp dụng Kinh Dịch từ lúc nào và Dịch của ai ?

Từ thời Tiền Khai Đại Đạo như Thánh Ngôn đã dẫn trên. "Khi Càn Khôn vừa thành hình thì có Dịch ngay trong đó" (Càn Khôn thành liệt nhi Dịch lập hồ kỳ tring hỉ) và áp dụng Kinh Dịch do chính Đức Khổng Tử san định và viết Thập Dực vì trong Ngũ Kinh thì Đạo Cao Đài chọn kinh Xuân Thu làm cổ pháp, Kinh Dịch làm bí pháp, Kinh Lễ làm thể pháp (ôn nhu, kính hòa). Thế nên giúp ta thành người đó là Đức Khổng Tử. Ta tìm Đạo ở Phu Tử, chịu cái ơn bao la ở Ngài. Ta nhận Ngài là bậc Thánh Nhân có công với hậu học, nêu danh mãi trời đất. Cho nên nói : "Dịch đến Văn Vương thì được tu sửa, đến Phu Tử thì được rạng rỡ" (Lý Quá, Tây Khê Dịch thuyết, quyển I, trang 8).

Thật vậy, "Kinh Dịch là bộ sách rộng lớn, hết thảy đều đầy đủ, trong đó : có Đạo Trời, có Đạo Người, có Đạo Đất". (Dịch chi vi thư dã, quãng đạo tất bi : hữu Thiên Đạo yên, hữu Nhân Đạo yên - Dịch Hệ Hạ, chương X)

Như thế nghiên cứu Dịch, Tiên Thiên Bát Quái, chủ yếu là cái học Tiên Thiên Tâm Pháp (Đạo Tâm)… Mọi vật phát khởi từ tâm ra. Cái Pháp ấy, cái Tâm ấy của Tam Tài (Thiên Địa Nhơn) thực chỉ là một (Thái cực) mà thôi" (THIỆU UNG, Hoàng Cực Kinh Thế, quyển 7 thượng, trang 4 và 34). Thế nên việc đặt tư tưởng của Đạo Cao Đài trong Kinh Dịch là do tiền khải, do Ơn Trên tạo cái bí pháp cho toàn Đạo. Bởi vì, Kinh Dịch từ lâu đã được coi như một Thánh kinh (Bible) của Thiên Chúa Giáo hay Kinh Koran của Hồi Giáo.

(CHARLES DE HARLES, Le Lire des mutations, Paris 1959, trang 5).

Song Kinh Dịch do đâu mà có ? "Nếu nói Dịch thì Dịch khởi thủy từ CÀN KHÔN mà Càn là thủy tổ của Khôn. Nếu nói vật thì muôn vật khởi từ Khôn (Mẹ) mà Khôn lại có gốc ở Càn (Cha), Càn chính là nguồn gốc vĩ đại đầu tiên vậy". (Chu Dịch Bản Nghĩa, chương X). Trong Đạo Cao Đài thờ QUẢ CÀN KHÔN tượng trưng cho Lý Thái Cực mà Dịch cùng khởi thủy từ Càn Khôn. Vậy cả hai cùng một gốc. Nói về thể pháp,

việc thờ phượng của Đạo Cao Đài có nguồn từ Kinh Dịch.

Mặt khác, thờ Thiên Nhãn là thờ đấng duy nhứt, con số 1 Dịch Kinh viết : "Nhất vạn hóa chi căn" (số 1 là số căn của vạn hóa). Thế nên, thần học Cao Đài là "nhất nguyên luận" (Dưới thiên bàn bát giác tại Tòa Thánh đã ghi rõ câu đó).

Nhất nguyên luận tượng trưng ở quẻ THÁI : âm dương hòa hợp, thiên địa tương giao, thuộc thời đại hoàng kim. Sự xuất hiện của Đạo Cao Đài trong thời hạ ngươn tam chuyển (Mạt pháp) để tiến lới thời thượng ngươn tứ chuyển (Thánh đức hoàng kim), đưa con người trở về cựu vị (paradiseretrouve') phục kỳ bản, phản kỳ chân "phục kỳ bản, phản kỳ chân" phục hồi cái tâm nhất nguyên như thuở ban đầu. Phản bổn hườn nguyên là nhất nguyên thiền định theo kinh dịch (xem thơ thiền), còn tu theo phép thần thông có hành động lạ thường, tâm địa phì đại bản ngã là nhị nguyên, lòng còn phân biệt tâm vật, mà Đạo Cao Đài thì chủ trương tâm vật bình hành, đạo đời tương đắc.

Đạo là quân bình tịnh, tuy "vô vi mà dịch sử quần linh". Đó là Thái Cực, biểu tượng bằng con số 1. Đức là quân bình động, biểu tượng con số 5 ở trung cung Bát Quái. Đó là cái động trong cái tịnh, âm dương điều hòa theo tỷ lệ 3/2 (số tham thiên lưỡng địa). Đã nói ta áp dụng Kinh Dịch do Đức Khổng Tử san định mà bậc thầy chỉ dạy cho các tín hữu Cao Đài là Đức Chí Tôn, gần hơn là Đức Thanh Sơn Đạo sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đức TSĐS đã am tường sâu sắc Kinh Dịch qua tác phẩm Hoàng Cực Kinh Thế. Trước Đền thờ Ngài có câu đối :
"Lý học thâm uyên trình tiên giác".

Trong Sấm ký Trạng Trình in năm 1948 có bài kệ 4 câu:
Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn.
Trực đáo dương đầu mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An.

Trời đất định rằng chín lần chín 81 năm, vào tiết thanh minh sức dịch đã tàn. Đến đầ năm dê và đuôi năm ngựa (1954) tám vạn binh Cụ Hồ tiến vào kinh đô. Về Đạo Cao Đài, Đức TSĐS đã tiên tri về tên P.Pasquier toàn quyền Đông Dương vì diệt đạo nên bị chết thảm bằng máy bay trên mây như sau :
Giữa năm hai bảy, mười ba
Lửa đâu mà đốt "tám gà" trên mây .

Tám gà là bát kê ám chỉ toàn quyền P.Pasquier, ta có thể đặt mối tương quan giữa giáo lý Cao Đài và học thuyết Kinh Dịch đối chiếu như sau :

-Việc tôn thờ quả Càn Khôn và thuyết âm dương cơ ngẫu trong Kinh Dịch.

-"Thầy là các con, các con là Thầy" trong Thánh ngôn HT và thuyết Thiên Nhơn hợp nhứt "Thiên địa vạn vật đồng nhứt thể" trong Kinh Dịch.

-Lẽ biến hóa "Tam khai thất ức niên" của TNHT và học thuyết "Sinh sinh chi vị Dịch" trong Kinh Dịch.

-Kiến trúc Tòa Thánh Tây Ninh đủ 4 đức : Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh của quẻ Càn trong Kinh Dịch. Long Mã Kỵ Hà Đồ của Đạo CĐ là một ảnh hưởng hiển nhiên không cần biện giải. Tóm lại "Thầy Khai Bát Quái (Cao Đài) để tác thành Càn Khôn thế giới". Thật vậy, Đạo Cao Đài lấy Càn Khôn làm đầu vì trời đất là nguyên tổ của vạn vật và nguồn gốc của âm dương. Muôn vật trong vũ trụ đều từ Càn Khôn mà phát sinh.

Đức Chí Tôn dạy : "Tòa Thánh day mặt vào hướng Tây (cung Đoài). Ấy là cung Đạo. Bên tay trái Thầy là cung Càn, tay mặt Thầy là cung Khôn (trong Bát Quái Đài nhìn ra)". (Tân Luật, PCT, Paris Gasnier 1952, trg 71). Khi khai tịch Đạo Nam phái Thầy cũng dạy : "Thanh Đạo tam khai thất ức niên". Đạo mở kỳ ba thọ bảy trăm ngàn năm, còn có nghĩa là "Tam dương khai thái" : ba dương (càn) mở vận thịnh vui, tức ba dương thì sinh ra quẻ Thái ( ) là thông suốt, quẻ Thái chủ tháng 1, vía Chí Tôn, gồm Càn ( ) dưới, khôn ( ) trên, biểu tượng thịnh vượng an lạc. Càn ba ( ) + khôn sáu ( ) là chín tức Cửu Thiên (9 tầng trời). Vậy thờ Quả Càn Khôn là thờ Đấng Cửu Thiên Khai Hóa. Như thế, Kinh Dịch có trước hay Đạo thờ Càn Khôn có trước ? Hãy nghe Đức Chí Tôn dạy : "Có Thầy rồi mới có các con, không có Thầy thì không có chi trong vũ trụ". Thầy lại dạy : "Có các con mới có Thần, Thánh, Tiên, Phật". Vậy Phục Hi hay Văn Vương hay Khổng Tử cũng chỉ là ông Thánh, ông Tiên. Người nào hỏi vậy là chẳng hanh thông nền Đại Đạo mà Đạo Cao Đài, chỉ là cái tên để gọi trong kỳ ba Phổ Độ. Thật ra, nền Đại Đạo đã có truyền thống từ xa xưa mà Đạo Cao Đài tiếp nối làm sống lại thời Thánh Đức thịnh an. Giống như Nho giáo có trước khi Trọng Ni ra đời.

Khổng Tử chỉ là vị Thánh phục hưng Nho giáo nên Đạo Ngài có tên mới là Khổng Giáo.