HẬU-THIÊN CƠ-NGẪU


Thi:
CAO siêu huyền-bí Ðạo hư-vô,
ÐÀI điện Linh-Tiêu pháp nhiệm đồ,
NGỌC trắng Ngân-Hà châu chiếu tủa,
ÐẾ hoàng tá thế Ðạo huyền tô.

       Nghe Thầy minh "CƠ-NGẪU HẬU-THIÊN".
       Luật Trời là vô-vi, nhưng cũng phải có hai cái năng lực mạnh bạo phi thường là: "nhứt âm, nhứt dương" mới tạo dựng nên Càn-Khôn Võ-Trụ; còn Ðất thì lại "cang nhu"; người thì có "nam nữ".  Ấy là hai cái năng lực tương phản tương đối mà hóa-hóa sanh-sanh.
       Tiên-Thiên Cơ-Ngẫu thuộc về "trạng-thái vô-vi", còn Hậu-Thiên Cơ-Ngẫu thuộc về "cụ-thể hữu-hình" (vật-chất).
       Trời, Ðất, người, vật cũng có hai cái cơ thể: âm dương.
       Âm là trược, dương là thanh.  Thanh xung lên làm Trời, trược giáng xuống làm Ðất, còn giữa thì âm dương lộn lạo mà làm người.  Những người khôn-ngoan, sáng-suốt là nhờ bẩm chơn-dương nhiều hơn, còn người mê-muội, ngu hèn là thọ cả phần âm.
       Vã như hột giống các ngươi gieo xuống thì nứt mộng mọc lên cũng phân chia ra hai lá, đó là âm dương rõ ràng.  Cái sự hiển nhiên của cơ Tạo-Hóa là dẫu nòi giống nào tất cũng có chia ra âm dương mới sanh sản đời nọ sang đời kia mà không bao giờ ngưng dứt.
       Trời trong, Ðất đục, nữ trược, nam thanh, cái trong ấy cũng do chỗ đục mà ra, đục do trong mà ngưng giáng.  Có thanh ấy mới có trược, có trược ấy mới ra thanh.
       Sự sanh sản của loài người là do nơi tinh khí mà ra.  Hễ nguơn-tinh tẩu lậu ra ngoài Hậu-Thiên gặp âm-tinh ngưng kết lại thì thành hình.  Ðầy đủ ngày giờ thì sản xuất, ấy là Phàm-Thai.  Còn nguơn-tinh con người biết tu luyện mà vận hành nghịch chuyển trở lên cho hiệp cùng thần, khí thì cấu kết thành Thánh-Thai.  Vậy phàm, Thánh khác xa mà chỉ có một chút đó thôi.
  
     Trong thai, noãn, thấp, hóa (là tứ sanh, các loài bò, bay, máy, cựa) cũng có cơ-ngẫu.  Cả muôn loài vạn vật vì cái tâm linh mê dục mà sanh sản nối tiếp nhau.  Âm dương cũng vì có cái tính dục tương đối, tương phản mà điều hòa khí chất đầm ấm, huân chưng mới tạo sanh ra muôn loài vạn vật.  Vậy thì cái sự sanh đó cũng do nơi hòa mà có.  Thế nên Ðạo của Trời, Ðất cũng bất ngoại hai chữ "TRUNG-HÒA".  Có hòa mới có hiệp, có hiệp mới có thương yêu trìu mến nhau mà phát sanh ra cái dục tình.
       Vậy mỗi giống nòi nào cũng thảy vì chỗ dục.  Ai cũng có một cái tánh dục tình, luyến ái, tại sao?
       Tại phu phụ dẫy lòng dâm-dục mới ăn ở nhau, thương yêu nhau rồi cái dâm-tinh, dâm-huyết của hai đàng bèn hiệp lại mà cấu tạo thành một cái xác thân.  Lâu ngày đầy đủ liền sanh đẻ ra thì có phải cái xác thân ấy đã do ở chỗ dâm-dục mà sanh ra chăng?  Vì thế cái linh-hồn phải bị mang một mảnh hình hài toàn là thân dục.  Bảo sao loài người không say đắm về tình đời mà ham ngon chuộng lạ, muốn khoái, ưa vui, mê xinh, thích đẹp rồi chôn nhận cái linh-hồn phải bị giam hãm, phải luống miệt-mài trong cái khám trần ngục khổ vậy.
       Bỡi vậy con người ở đời mà ví biết hồi tỉnh thiện tâm, tuyệt dứt lòng phàm, đoạn ngăn tình ái, để lo tu bổ cái nguơn-thần cho sáng suốt, gìn giữ cái nguơn-tinh cho đủ đầy, mà dụng công phu phanh-luyện cho hợp với lẽ vô-vi thanh-tịnh thì có lo gì mà chẳng thoát ngoài cõi tục, sông mê.
       Người mà dứt đặng lòng dâm-dục say-mê, tánh kiêu ngạo độc ác, không đắm nhiễm tình đời thì là bực Thần, Tiên tại thế đó rồi.
       Nhưng sự làm lành, làm phải thiệt rất khó thay!  Ai cũng muốn làm lành, mà lành làm khó được; ai cũng toan bỏ dữ, mà dữ bỏ không rồi.  Làm lành đến già đời, lành còn không đủ, làm dữ trong chốc lát, dữ đã quá nhiều.
       Vậy Thầy ước mong cho các con phải cố gắng làm lành.  Có câu: "Tu là cội phước, tình là dây oan".  Các con tu hành phải cố gắng mới thành công.

Thi Bài:
       Trong Trời Ðất, Ðạo mầu quí nhứt,
       Làm nấc thanh thoát vực ái hà,
              Châu vi khắp cõi ta bà,
Ban truyền chơn-lý điều-hòa Càn-Khôn.
       Ðạo độ rỗi linh-hồn thoát khổ,
       Nương chơn-truyền tấn bộ đường Tu,
              Dầu cho những kẻ ngu phu,
Biết đường tầm Ðạo thiên thu hưởng nhàn.
       Dòm trong cuộc thế gian nhân loại,
       Gây tội tình sao khỏi họa ương,
              Thấy vầy Thầy động lòng thương,
Ban hành Chánh-Giáo mở đường thiện duyên.
       Các con mau sẵn thuyền trở lại,
       Lánh cơ Trời biến cải tương lai,
       Tránh đâu cho khỏi họa tai,
Trọn đời tín ngưỡng Cao-Ðài độ cho.
       Người cố gắng lòng lo tu luyện,
       Hễ pháp-luân thường chuyển Ðạo khai,
              Ðiều hòa ngưng kết Thánh-thai,
Sớm khuya luyện tập giồi mài bửu linh.
       Bổ khuyết lấy "Tâm-Kinh vô-tự",
       Thanh tịnh đừng ưu lự loạn tâm,
              Huyền cơ đoạt thấu cao thâm,
Tập tành hạnh đức lỗi-lầm chớ mang.
       Muốn cho đặng mở-mang trí-hoá,
       Thì để tâm khám phá cơ Trời,
              Suốt thông máy nhiệm đời đời,
Dinh hư tiêu trưởng cuộc đời  hiển nhiên.
       Lời bí khuyết tâm-truyền ẩn giấu,
       Kẻ hữu duyên mới thấu cội nguồn,
              Pháp mầu đóng chặt vào khuôn,
Dòm xem những mấy tấn tuồng thế gian.
       Người mắc phải đa mang lắm chuyện,
       Linh-hồn không huấn luyện cho thành,
              Lọc lừa không khí khinh thanh,
Làm cho nảy tược đơm cành lớn khôn.
       Bấy lâu nay linh-hồn chôn chặt,
       Khí hậu đè phải mắc si-mê,
              Lóng nghe những tiếng Thần-kê,
Tỉnh tâm quày bước trở về cựu ngôi.
       Muốn đoạn dứt cho rồi oan nghiệp,
       Ðặng Chơn-Thần trực tiếp thiêng-liêng,
              Làm cho thấu đáo mối giềng,
Thì tua tin lấy thần-quyền giúp cho.
       Ðặng thoát khỏi cái lò sanh-hóa,
       Cầu Chơn-Sư mở khóa huyền-vi,
              Vén màn bí-mật thông tri,
Càn-Khôn một túi thiếu gì pháp-linh.
       Trong Ðạo-Thơ Ðơn-Kinh còn đó,
       Chơn-truyền đâu dám tỏ bày ra,
              Chỉ là chút đỉnh sơ qua,
Thiên-cơ đâu dám bày ra rõ ràng.
       Làm Tiên, Phật những hàng căn kiếp,
       Chơn-sư truyền hòa-hiệp âm dương,
              Máy linh mấy kẻ thông tường,
Ðủ đầy hạnh-đức thiện-lương mới thành.
       Tuy thế-gian tu-hành lắm đó,
       Thành Phật, Tiên đâu có được nhiều!
              Tầm về cội phước tiêu diêu,
Dễ dàng quỉ-quái ma-yêu choán rồi.
       Kinh khuyến thế tô bồi bổn tánh,
       Tìm Ðạo mầu hành chánh pháp y,
              Về phần bí-khuyết vô-vi,
Truyền nhau bằng miệng mới thì Chơn-Kinh.
Thi:
Kinh sám lưu thông tỉnh thế thời,
Ðạo truyền độ rỗi kẻ lưng vơi,
Biết đường Thiên-lý noi theo bước,
Thoát khỏi sông mê cuộc đổi dời.
Hựu:
Dời non đổi biển khó chi đâu?
Những hạng không tu họa đáo đầu,
Kiếp kiếp sừng lông thay đổi mãi,
Tầm đường thiện phước mấy ai đâu?

Thư Viện 1      4   5