CỨU CÁNH VÀ TÁC DỤNG CỦA ÐẠI-ÐẠO

(Hội Thánh Minh Chơn Đạo, 28-8-1969)

    Ngọc Hoàng Thượng Đế Kim Viết Cao Đài Giáo Đạo Nam Phương,

Thầy linh hồn các con! Thầy mừng các con nam nữ.

Thi:

NGỌC quí thầy trao rán giữ gìn,
HOÀNG Thiên yêu mến kẻ hy sinh;
THƯỢNG tôn luật-pháp hành chơn-Đạo,
ÐẾ vị sẵn dành trẻ trọn tin.

    Giờ nay Thầy đến trần gian với các con trong Ðạo-tâm thương Thầy mến Đạo và vị nhơn sanh của các con.

    Thầy ngự nơi lòng Đạo của các con bất cứ nơi nào, không luận giàu nghèo sang hèn, thanh trược, để dìu-dẫn các con trên đường giác ngộ, đem Đạo cứu Đời để cùng nhau trở lại hiệp nhứt cùng Thầy nơi ngôi xưa vị cũ. Thầy cho phép các con đồng an tọa để nghe lời Thầy dạy bảo.

    Các con ôi! Các con hãy định tâm trung, lắng dịu lòng trần để nghe lời Thầy khuyến dụ:

    Các con sanh trưởng nơi cõi thế-gian nầy, mang lấy mảnh thân tứ-đại, sống tạm ở nhờ nơi cõi vô thường này. Các con hãy cố-gắng tu-thân lập hạnh đem Ðạo dạy đời để lập công bồi đức. Đừng tưởng rằng thế gian là nơi vĩnh cửu, rồi lo xây dựng những gì hữu hình vĩnh-cửu mà phải bị luân-hồi chuyển-kiếp mãi mãi, hết lên rồi xuống, hết xuống lại lên trong bánh xe luân muôn đời vạn-kiếp, mãi mãi trong cõi dục giới nầy, rồi vô tình hoặc cố ý gây thêm tội lỗi, không ngày trở lại cùng Thầy, mãi để Già nầy mỏi lòng trông đợi các con yêu dấu!

    Các con ôi! Nơi cõi tạm nầy là lò trui rèn nắn đúc các bậc Nguyên căn hạ trần trở nên hàng Thánh thiện, mà nơi đây cũng là lò hỏa ngục để đốt thiêu những tội lỗi trái Đạo. Những gì Thầy đã dạy các con cũng như những gì Thầy cùng chư Phật, Tiên, Thánh, Thần đã tiên tri cho các con kể từ khi khai Đạo đến giờ, nó đã thể hiện lần lần với các con trong mọi biến chuyển nơi cõi đời nầy rồi và còn những gì chưa thể hiện rồi đây nó sẽ xảy đến với các con. Các con nhớ ghi lấy để nằm lòng và rán lo tu công lập đức để nhờ sự hộ trì của các Đấng cho được tồn sinh hầu hưởng cuộc đời Thánh-Đức trong hạnh phúc thái hòa.

    Thầy đã nói với các con rằng: chỉ có đạo-đức mới được tồn sinh mà xem Thầy lập đời Thượng-Nguơn Thánh-Đức. Hiện nay là trong thời kỳ các con đang chịu sự rèn-luyện giũa mài để trở nên hàng Thánh Ðức. Thầy rất hài lòng được thấy các con đã kiên-tâm trì-chí vượt mọi sự nguy hiểm và mọi sự cám dỗ của Ma-Vương Ác quỷ, để giữ gìn hạnh Ðạo đến ngày nay và sự hiện diện trong kỳ lễ Trung Ngươn nầy, dưới mái Thánh-Đường. Thầy hài lòng cho các con và cũng không khỏi chạnh lòng thương hại cho những con đã vì quá nặng lòng trần, bị sự cám dổ của Ma-vương Ác-quỷ, đã xa Thầy xa Đạo và lại nhơn danh Đạo để làm chuyện phi đạo đức!

    Các con nên thương chúng nó, nên tội-nghiệp chúng nó, nên khoan-dung tha-thứ hơn là giận hờn chấp nhứt chúng nó rồi bỏ chúng nó càng ngày càng đi vào hố-sâu vực-thẳm.

    Các con hãy vì đức háo-sanh của Thầy, hãy lấy hạnh từ-bi của Phật, lấy hạnh bác-ái của chư Tiên mà tìm cách an-ủi vổ-về, dẫn-dắt chúng nó trở lại con đường chánh-chơn thiện mỹ và đạo đức.

    Các con ôi! Nếu thế gian nầy là cõi toàn thiện thì Thầy không đến đây mở Đạo làm gì. Các con thử nghĩ: nếu nhơn sanh không bị thiên-tai hạn-hán, bão lục chiến tranh tàn phá, hỏa hoạn thiêu đốt, thì họ đâu cần chi tới đoàn người cứu-trợ ủy-lạo; nếu nhơn sanh không đau ốm bệnh tật thì họ đâu cần gì đến đoàn Bác-sĩ Lương-y; nếu nhơn sanh học giỏi văn hay chữ tốt thì họ đâu cần gì đến đoàn giáo dục mở lớp khai trường và nếu nhơn sanh họ thuần-chơn đạo-đức không đi trong hố sâu tội lỗi khổ sở tinh thần thì đâu cần đến đoàn người hướng đạo, đem giáo-lý cho họ ?

    Các con là hàng Nguyên-căn, là hàng Thiên-sứ, đã may-mắn gặp Đạo trước, giác ngộ trước, hãy thay mặt Thầy cùng hàng Tam-giáo đem đạo-lý và tình thương đến cho chúng nó, dắt-dìu chúng nó lại con đường chánh-chơn đạo-đức, để họp-thành một xã hội đạo-đức gương mẫu hầu phổ độ lớp người đang lên, lập thành một đại xã-hội đạo đức bao gồm cả tình-thương, nhơn-nghĩa bảo-tồn. Có như vậy mới mong khỏi cơ tận-diệt.

    Các con ôi! Dầu các con là hàng Giáo-Phẩm, Thiên-phong Chức-sắc Chức-việc, dầu các con là hàng môn-đồ tín-hữu cũng vậy, cũng đồng có nhiệm-vụ như nhau. Chỉ khác hơn ở chỗ đứa thì giác ngộ trước, đứa lại giác ngộ sau; đứa thì tiến hóa mau, đứa thì tiến hoá chậm; đứa thì có nhiều hoàn cảnh thuận lợi hơn, đứa thì ít hoàn-cảnh may-mắn hơn; đứa thì tiền-kiếp được nhiều duyên tu-phước mà ít duyên tu-huệ, đứa thì nhiều duyên tu-huệ mà ít duyên tu-phước hơn. Khác nhau là chỉ khác ở phương diện hoàn cảnh và phương tiện, chớ cũng đồng chung là con cái của Thầy, đồng chung một sứ mạng đem Đạo giúp đời, đồng chung một nhiệm vụ là xây dựng một cõi Thiên-Đường Cực-Lạc tại thế gian trong đó lấy tình-thương đạo-đức, lấy lòng bác-ái tương-thân tương trợ bảo-tồn cho nhau.

    Các con mang thể chất tại cõi hồng-trần, các con cần phải có những hoàn-cảnh thuận-tiện an-lạc, thái hòa nơi cõi nầy để các con an lòng hành Ðạo tu thân tiến hóa. Các con đừng chỉ mong vọng ở phần đắc vị Phật, Tiên, Thần, Thánh mà quên bổn phận các con ở kiếp hiện sinh. Hãy nương vào cõi giả nầy để tạo cái chơn ở cõi vô hình vĩnh cửu...

    Các con ôi! Đạo có thiên hình vạn trạng, chung qui vẫn là đức háo-sinh, an-bày trưởng-dưỡng và bảo-tồn. Dầu các con ở trong hình thức nào, tổ chức nào hoặc ở khối nào đi nữa,

cũng phải nhắm vào mục tiêu chánh ấy mà đi cho đến chốn.

    Các con thử suy nghĩ một thí dụ sau đây:

    Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ khi hoàn-thành sứ mạng của nó là mục-tiêu cuối cùng đem lại xã hội loài người được thái-hòa, an-lạc trong tình thương đạo-đức. Các mục tiêu ấy ví như mục tiêu của người kỹ-sư, chế tạo một máy xe hơi, cuối cùng của mục tiêu ấy là hoàn thành chiếc xe hơi do người Kỹ-sư trưởng phát họa.

    Trong sự hoàn thành bộ máy ấy, có rất nhiều bộ phận máy-móc lớn nhỏ, chi chít, chằng chịt liên đới lẫn nhau. Mỗi bộ phận ấy đều được phân công cho mỗi toán thợ khác nhau đảm nhận. Dầu toán thợ nào cũng phải làm theo qui-tắc, đúng ni, đúng cở của vị Kỹ-sư trưởng chế định. Có như vậy, đến ngày giờ cuối cùng các bộ phận ấy mới có thể ráp vào nhau đúng chỗ, đúng khớp, bộ máy mới có thể chuyển động cho người đời xử dụng được.

    Còn các con trong Đại-Đạo cũng vậy, dầu ở khối nào, Tòa Thánh, Hội Thánh, Giáo Hội, Thánh Thất, Tịnh Thất nào cũng vậy, dầu ở chi phái nào cũng vậy, như Minh Sư, Minh Lý, Minh Tân, Minh Thiện, Minh Đường v.v..

    Các con đừng e ngại chỗ khác nhau về hình thức, về danh từ, về phương pháp hành đạo. Các con hãy làm cho đúng ni, đúng cở, đúng khuôn khổ, đúng đường hướng mà Thầy là vị Kỹ-Sư trưởng của bộ máy Đại-Đạo đã dạy các con từ mấy mươi năm đã cạn mực, đã mòn bút cũng vì mục-tiêu chánh đó mà thôi.

    Một thí dụ khác nữa là như Thầy bảo các con hãy bắt một cây cầu ngang sông Bỉ-Ngạn, từ bến Mê qua bờ Giác, miễn làm sao các con bắt cho được một cây cầu chắc chắn, bền bỉ rộng rải tốt đẹp, dầu các con là những Kỹ-Sư Nhựt, Kỹ-sư Pháp, Kỹ-sư Anh, Kỹ-sư Lào... đi nữa, hoặc các con xây cất vật liệu nào đi nữa. Sự khác biệt về quốc tịch của những Kỹ-sư không thành vấn đề, sự khác biệt về vật liệu không thành vấn đề, mà vấn đề chánh là cây cầu ấy có đủ điều kiện giúp cho người đời sử dụng dễ dàng chắc chắn, tốt đẹp và bền bỉ hay không?

    Đạo muốn đạt chổ bí yếu là cái cứu cánh và tác dụng đó các con. Nếu không đạt được cái cứu cánh và tác dụng đó thì dầu với danh từ nào tốt đẹp hoặc tổ chức nào tốt đẹp cách mấy đi chăng nữa cũng không ý nghĩa gì hết. Có phải vậy không các con ?

    Các con ôi! Luôn luôn lúc nào và bất cứ ở đâu cũng vậy, các con phải kiểm điểm và tâm niệm rằng: mình là người có Đạo, mang một hoài bảo cao cả, một lý tưởng cao cả trong sứ mạng thế Thiên hành hóa, giáo-dân vi-thiện, đem Đạo cứu đời. Mình phải nói gì, phải nghĩ gì và phải làm gì để thực hiện cái hoài bảo lý tưởng của người sứ mạng đó.

    Thầy đã từng dạy các con: Thầy sanh trưởng bảo tồn các con. Thầy đến Việt Nam nầy mở Đạo, dạy dỗ các con, Thầy không đòi hỏi các con để làm những gì đem lại riêng tư choThầy; Thầy luôn luôn dạy các con phải thực hành đạo-lý cho các con cái của Thầy, nghĩa là phải giác ngộ cho nhau, thương-yêu dạy-dỗ đùm-bọc cho nhau để cùng nhau được sống trong cảnh thái hòa, cùng hưởng hạnh phúc với nhau mãi mãi, chớ không được thù hằn, ganh tị, ghen ghét, hại nhau rồi tự diệt nhau, vì các con là một trong vạn vật chúng-sinh, mà vạn-vật chúng-sinh là bản thể của Đạo, mà bản thể của Đạo tức là bản thể của Thầy. Các con có thương nhau tức là các con đã thương Thầy. Nếu các con ghét nhau, chính là các con ghét Thầy, mà Thầy có bao giờ làm gì đến nổi để các con ghét Thầy? Có phải vậy không các con ?

Thầy đã nói:
Thương nhau khác thể thương Thầy,
Ghét nhau khác thể ghét Thầy sao con !
Các con ôi !

Thi:

Thương nhau: tặng vật hiến dâng Thầy,
Chẳng luận loài nào khắp đó đây,
Thương nhóm không quen nơi hướng Bắc,
Thương đoàn lạ mặt chốn phương Tây.
Dắt người đọa lạc về đường chánh.
Dẫn kẻ gian tà lại nẻo ngay,
Khôn dạy ngu khờ lo tận độ,
Thương nhau: tặng vật hiến dâng Thầy.

    Thầy đến trần gian giờ nầy đã làm các con ngạc nhiên, rồi vui mừng và buồn tủi. Thầy dành mọi ân-huệ cho các con và luôn luôn cho chư Thần hộ-trì các con trong việc hành Ðạo.

Thi:

Thương con dạy dỗ đã bao điều,
Thương mến anh em rán dắt dìu;
Trên vạn nẻo đời còn khốn khổ,
Đó là Thiên Sứ, trẻ cưng yêu !

Ngâm:

        Đã từng dạy dỗ tâng tiu,
Cho con lớn nhỏ mọi điều phải chăng.
        Tu hành con khá tầm phăng,
Cho thêm tăng tiến, Thầy hằng ước mơ.
        Con ơi! ngày tháng không chờ,
Tuổi đời chồng chất hẫng hờ trễ đi.
        Làm người một kiếp dễ chi,
Kiếp người là một hội thi ngàn vàng.
        Ngàn vàng quí với thế gian,
Chớ cùng Tiên Phật sánh bằng nổi chi.
        Tu đi con rán tu đi,
Cho cao phẩm hạnh, cho dày quả công.
        Ban ơn con trẻ trần hồng,
Thế gian lo Đạo, Thiên-Cung Thầy về..

Thư Viện 1      4   5