Tâm mới thức dậy và tâm không tán loạn do giữ gìn cẩn thận đều gọi là chân ý. Bởi "bất động" là thể của nguyên thần; "cảm thông" là dụng của chân ý. Doãn Chân nhân nói: "Chân ý là Càn nguyên, là mẹ của trời đất, là gốc của âm dương, là cội của thủy hoả, là nguồn gốc của nhật nguyệt, là tông của tam tài, là tổ của ngũ hành, vạn vật nhờ đó mà sinh ra".
Chú: Chân ý là cái ý chân thật còn chưa kịp khởi niệm, nó có thể điều động được nguyên thần. Phàm người tu luyện nắm bắt được chân ý thì mới có thể học được khẩu quyết tiên thiên, không nắm bắt được chân ý mà nói chuyện tu luyện thì tất sa vào bàng môn tả đạo.Vậy chân ý này vốn như thế nào? nắm bắt được sẽ thấy ra sao? ai có thể có được cái nhìn chân thực tức là nắm bắt được chân ý vậy, ai có thể tự nhìn thấy lưng mình mà chẳng khởi ý chăng? thật là kỳ lạ, nói ra để xem ai có thể học được khẩu quyết tiên thiên?