Kinh Đại Thừa Chơn Giáo có giải thích và minh họa bằng hình vẽ trên đây những nấc thang tiến hóa của chúng sinh vạn vật và con người. Qui trình tiến hóa từ kim thạch lên thảo mộc, từ thảo mộc lên thú cầm, từ thú cầm lên làm người, rồi từ đẳng cấp người tiến lên trở về cựu vị hiệp nhứt cùng Chí Tôn Thượng Phụ, cùng khối Đại Linh Quang, là một chuỗi dài phụng sự, hy sinh với"biết bao nhiêu là công phu khổ hạnh, xả thân giúp đời, mãn kiếp nọ sang kiếp kia,cứ lập công quả mãi ".(ĐTCG,bài : Nhơn,Vật tiến hóa).
Mỗi chặng đường tiến hóa như vậy, dài lâu bao nhiêu? bao nhiêu kiếp thú mới được làm người và bao nhiêu kiép người thì đạt được phẩm vị Thánh Tiên Phật, tiến đến hiệp nhứt cùng Chí Tôn Thượng Đế?
Vấn đề nầy được giải thích bằng hai luật NHÂN QUẢ và LUÂN Hồi. Nhân quả và Luân hồi là hai "luật vệ tinh" cung cấp yếu tố cho định luật tiến hóa vận hành.
Ai tu thì tinh tấn, hy sinh giúp đời nhiều, tạo nhân lành nhiều, công đầy quả đủ ,đủ điều kiện tâm linh thanh nhẹ thì được giải thoát khỏi đẳng cấp hiện tại để bước lên nấc thang tiến hóa cao hơn. Nếu công chưa đầy, quả chưa đủ, thì tuân theo luật luân hồi mà tái chuyển kiếp để lập thêm công, bồi thêm đức, tiếp tục con đường tiến hóa.Trên đường tiến hóa để giải thoát mình, con người thông thường phải chuyển kiếp nhiều lần, vì dầu một kiếp người có được trăm năm đi nữa, thì liệu trăm năm có học hỏi, có trui rèn được bao nhiêu để đủ điều kiên thanh nhẹ, nhứt là đối với ai không cố gắng tu hành cho tâm hồn được thanh cao. Mỗi kiếp là một trạm dừng chân, hành giả nhớ mà lập tâm, để mỗi khi cất bước lên đường thì rảo bước đi lên, chớ đừng rong chơi quanh quẩn, thậm chí mê chơi rồi chạy xuống dốc trở lại giam hãm mình trong khe lạch của đẳng cấp thấp hèn! nhân quả, luân hồi là hai qui luật khách quan tất yếu, chẳng thiên vị dung tha ai.
Đức Bát Nhã Thiền Sư dạy: "Trên đường tiến hóa, những chơn linh ví như những khách lữ hành đã trải qua không biết bao nhiêu trạm dừng chơn đổi bến. Rán tu, ráng học để cho xứng đáng một kiếp làm người, bởi vì con người tiến hóa ở trạm cuối cùng đó, là ngày hiệp nhứt cùng Chí Tôn Thượng Phụ. Nếu những hành giả thích dừng chơn mua sắm, nặng mang ,thích thụ hưởng, thì trễ chuyến đò, cứ mãi luân chuyển lên xuống, xuống lên của kiếp luân hồi, e càng khổ lụy nhiều thêm, phí sức bao nhiêu thì giờ ở những trạm dừng chơn ".(MLTH,9/2/73).
Mang nặng hành lý nên tới trễ, phải lỡ chuyến đò, thật là điều đáng hối tiếc. Nhưng đức Vạn Hạnh Thiền Sư còn dạy thêm để hành giả tránh cái cảnh vừa hối tiếc, vừa lỡ khóc,l ỡ cười: Giả thuyết như đặc biệt có ai đó cố gắng tới kịp đò, phải ngỡ ngàng biết bao khi nghe Tiên Ông chèo đò cất giọng ngâm nhắn nhủ:
"Nước biếc non xanh một chiếc đò,
Ai qua bến giác Lão đưa cho;
Bao nhiêu hành lý xin chừa lại,
Chỉ chở Hà-Đồ với Lạc-Thơ "
Trước tình cảnh nầy, chẳng phải đơn giản quăng bỏ hành lý thì được sang sông. Bởi "khử nhơn dục mới tồn Thiên lý", mà hành giả còn xách theo những vật ham thích mua sắm dọc đường, nhơn dục không khử thì làm sao có Hà Đồ với Lạc Thơ (Thiên Lý) để sang sông?!.
Sau khi nghe nhị vị Thiền Sư dạy hãy rảo bước cho kịp chuyến đò, tiếp theo đây xin nghe lời dạy của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: "Con người phải tu. Tu không phải dành riêng cho những người khoác áo cà sa hay Thiên phong chức sắc, mà tất cả mọi người đều phải tu. Biết tu mới tiến hóa, vì nơi trần gian là trường tiến hóa của nhơn loại"(TGST,13/2/1971)
Ngày dạy tiếp: "Chư đệ muội phải đạt Đạo trong kiếp hiện sinh mà đừng bao giờ để chịu luân hồi nghiệp quả nữa"
(TGST,11/3/1972)
Lời dạy của Đức Giáo Tông mang tính khẳng định, dựa trên cơ sở khả thi. Cơ sở khả thi "đạt Đạo trong kiếp hiện sinh" căn cứ vào hai yếu tố thuận lợi hi hữu và một điều kiện then chốt do hành giả chính mình tự do quyết định:
- Yếu tố thuận lợi hi hữu đầu tiên, đó là thời kỳ đại ân xá: tội tiền khiên thì được chiết giảm, công quả hiện tại, nhứt là công quả lo cho Đạo Trời, thì được tính với hệ số 3.
- Yếu tố thuận lợi hi hữu thứ hai là được chính Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng trực tiếp dạy dỗ và ban cho Tân Pháp Cao Đài.
- Còn điều kiên then chốt là sự tự do quyết tâm tu hành của hành giả, hễ quyết tâm muốn thì được.
Xin nêu lên mấy tình huống thực tế để chúng ta tự liên hệ, xem mình đang trong tình huống nào và đang ở tại tọa độ nào trên con đường tiến hóa.
- Tình huống 1: Một số hành giả (xin thử ước lượng xem tổng số có đông không ? ) đã và đang rảo bước đi nhanh: hăng say công quả, siêng năng công phu, kiên trì luyện kỷ, trau giồi ngũ đức, cho cuộc sống đủ đầy Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, từng bước mở rộng tình thương, từ Công Bình tới Bác Ái,Từ Bi, hi sinh giúp đời ,v,v... Đó là hạng người đang ứng hiện lời dạy của Đức Giáo Tông: "quyết đạt Đạo trong kiếp hiện sinh,không chịu luân hồi nghiệp quả nữa"
- Tình huống 2: Nhiều hành giả bụng cũng muốn rảo bước cho mau tới bến, tới bờ, nhưng than ôi!, thân lại bị nhiều vướng mắc. Những điều quyến rủ, những cám dỗ bên đường còn đủ sức khiến hành giả nhiều lúc chậm chân lại để ngấm nghía, thưởng thức, hoặc dừng chân lại để sắm mua, làm cho nặng gánh, nặng mang. Những hành giả nầy cũng nói công quả,công phu,công trình, nhưng hành không đầy đủ, không rốt ráo được vì còn phải dành thì giờ để ngấm nghía, sắm mua... Dường như một số đông chúng ta đang rơi vào tình huống nầy! và cần nghĩ tới "miếng da che hai bên mắt ngựa", để một mạch tiến về phía trước.
- Tình huống 3: Ngoài những quyến rủ bên ngoài làm chậm bước đi lên, hành giả còn phải đối phó với bao chướng ngại, những câu móc từ bên trong nó trì kéo dằn dai mực độ tinh tấn của hành giả. Xin đơn cử một vài chướng ngại điển hình:
Quen thuộc nhứt có lẽ là bệnh chấp ngã. Chấp Ngã là một loại câu móc có nhiều ngạnh,trì kéo nhiều phía khiến hành giả khó tiến lên được trên cả ba mặc công quả, công phu, công trình. Ơn Trên dạy phá chấp để tiến hóa, phá chấp để giải thoát, ai cũng biết thế nhưng phần đông trong chúng ta đều còn nê chấp. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: "Về đạo tâm và tín ngưỡng phần đông đều tốt, nhưng phần chấp ngã,chấp tha còn quá nặng" .(TGST,12/5/1970)
Cùng họ hàng với bệnh chấp ngã,cũng thuộc hạng làm trì trệ con đường tiến hóa,đó là cái bệnh SÂN hay nổi nóng! Nói cho văn vẻ hơn, SÂN là hệ quả của CHẤP NGã, bởi vì lòng mình chưa mở rộng để sẵn sàng tha thứ, bỏ qua, còn chấp nên hay giận, hay nổi nóng khi gặp điều gì trái ý mình. Nhiều người tự nhận xét nói mình giận sôi gan! giận muốn phát điên lên !,v.v... Chính cái nóng giận nó thiêu đốt hết bao nhiêu công trình tu luyện từng bước thu liễm được. Chính cái phát điên, cái nổi khùng vì giận nó đưa tới những hành động không hợp đạo lý. Biết thế, nhưng trong giới tu hành nạn nhân của bệnh SÂN vẫn còn nhiều!
Đến đây thiết tưởng cũng cần lướt qua một vài sự định nghĩa để làm rõ ý:
a. Lúc nầy đạo hữu A ít hay nổi nóng hơn trước, hoặc chẳng còn nổi cơn nóng giận như trước nữa,
thế là đạo hữu A có tiến bộ.
b. Tiến bộ được nhiều mặt và tiếp tục tiến bộ, thế là đạo hữu A đã tu tinh tấn đang thực hiện được một tiến trình về hướng tinh hoa cao đẹp.
c. Tiến hóa là tiến tới mức độ đạt được điều kiện chuyển hóa về chất, trở nên thanh nhẹ, cao đẹp hơn. Thí dụ:
thảo mộc tiến hóa thành thú cầm, thú cầm tiến hóa thành người, người tiến hóa lên hàng Hiền Thánh Tiên Phật và bước tiến cuối cùng là ngày hiệp nhứt cùng Chí Tôn Thượng Phụ.
Cũng cần phân tích thêm về sự tiến hóa từng phần. Một hóa nhơn lúc đầu còn sống với nhiều thú tánh, sau nhiều bước tiến bộ,bỏ bớt lần thú tánh, chuyển hóa cuộc đời mình lên hàng có nhân phẩm, rồi từ đó trau giồi nhân phẩm, học gương đức hạnh của Hiền, Thánh, Tiên, Phật, sống theo Thiên Tánh...
đó là con người đã từng bước thực hiện những giai đoạn tiến hóa.
Tiến hóa chẳng phải chỉ có sự tiến hóa về chất ở mặt tánh tình đức hạnh, mà còn tác động cho sự thăng hoa về mặt thể chất hình hài nữa. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: "Đừng nê chấp.Phải tập cho lòng mình có chút trắc ẩn xót thương tội nghiệp giùm cho người. Sau thời gian lâu ngày, tự thấy lòng mình từ ái vô biên vô lượng, thanh tao mát mẻ từ đó thể hiện lên nét mặt dễ kính dễ mến, dễ gây thiện cảm với mọi người " (TGST,12/5/1970)
Tất cả chúng ta ở đây đều có nghe nói và một số đạo hữu có dịp tiếp xúc với những bậc chân tu đạt trình độ cao, dung nhan hiện nét "Tiên phong Đạo cốt", với gương mặt sáng ngời rạng rỡ ánh từ bi, với tiếng nói đầy khí lực nhưng đượm chất hiền hòa và khả năng cảm hóa, thuyết phục người nghe, với dáng đi khoan thai nhẹ nhàng như muốn nói rằng mình chẳng còn bị phiền trược buộc ràng...
Người tu hành còn phải quan tâm tới một điểm quan trọng mang tính khoa học, giúp rút ngắn con đường tiến hóa, đó là sự tác động tích cực của môi trường sống, theo ý nghĩa thông thường "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Hành giả cần phải chuyên tâm gần gũi với các Đấng Thiêng Liêng, để tư tưởng của các Đấng trọn lành thấm nhập vào tâm hồn mình,càng trở nên thân thuộc đối với mình. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo đã từng dạy và nhắc nhở chúng ta mỗi ngày phải để dành tối thiểu 1 giờ để học Thánh kinh Hiền truyện, mục đích là để chúng ta trở nên gần gũi, quen thuộc, bắt chước theo gương lành xử thế giúp đời của Thánh Hiền. Không thích đọc kinh sách, Thánh giáo, Thánh kinh hiền truyện...
đó là người"chẳng thích gần đèn " vậy!
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: "Ngay buổi sinh thời, nếu không cải tạo được tư tưởng theo các Đấng trọn lành thì dù có bỏ nhục thể trăm ngàn lần, tục lụy vẫn hoàn tục lụy, luân hồi chuyển kiếp, vẫn chuyển kiếp luân hồi theo nhịp độ của nghiệp duyên" (TGST,1970)
Nhằm hiểu rõ thêm vấn đề, ta có thể quan sát, nghiệm suy về chú chó ngoan, tạm đặt tên là Tôtô. Tôtô siêng năng, trung thành, quấn quít bên chủ, nhờ đó mà nghe quen tiếng người, hiểu biết dần tánh ý chủ, cảm biết được lúc nào chủ vui, chủ buồn, chủ giận và Tôtô đáp ứng lại tình cảm của chủ một cách xuất sắc, thậm chí đoán biết được ý chủ qua ánh mắt của người! Tôtô là thú, nhưng đã thụ đắc được khả năng người và tính người đang phát triển nơi Tôtô, nhờ lòng tốt của chủ rất thương Tôtô và dạy dỗ Tôtô. Người tín đồ Cao Đài hiểu rằng Tôtô đang tích lũy chủng tử để tự giải thoát khỏi kiếp thú,tiến hóa lên kiếp người.
ở đây ta rút ngay được bài học thực tiển và cụ thể: nhờ trung thành phục vụ bên cạnh người chủ tốt mà Tôtô học được tính ý người. Con người cũng thế, nếu biết gần gũi với các Đấng trọn lành, cải tạo tư tưởng hằng ngày theo lời Tiên tiếng Phật, thì con người sẽ tích lũy được điều kiện để tự giải thoát khỏi nẻo hẹp phàm phu, nhẹ bước trên đường tiến hóa lên nấc thang cao hơn.
Thư quí HuynhTỷ Đệ Muội,
Được đọc những Thánh giáo có các đoạn trích dẫn trên đây, chúng tôi mừng rỡ nhận thấy rất cần thiết phải nghiên cứu và thuộc nằm lòng để nắm vững "hướng địa bàn" trên đường tiến hóa của mình. Một số đoạn chúng tôi khai triển thêm là để tự nhắc nhở mình, phân tích thêm cho rõ ý, cho dễ nhớ và nhớ dai.
Nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng,nếu đem ra bàn bạc cùng đạo hữu mình thì sẽ là một việc làm hữu ích đáng làm, dù là bàn bạc với người chưa có dịp đọc hoặc người đã từng nghiên cứu qua các Thánh giáo trên đây rồi. Xin cho phép chúng tôi được ước mong rằng: sau khi đọc bài nầy, quí Huynh Tỷ Đệ Muội đều hoan hỉ quán xét để tự xác nhận:
1- Mình hiện đang ở tại tọa độ nào trên đường tiến hóa ?
2- Mình thuộc nhóm hành giả đang nhanh chân thẳng bước trên đường tiến hóa, hay thuộc nhóm còn thích dừng chân trên đường để ngấm nghía, sắm mua ?
Sau đó, xin ước mong và tin tưởng rằng quí Huynh Tỷ Đệ Muội và chúng tôi đều hưởng ứng lời dạy của Đức Giáo Tông "quyết tâm đạt Đạo trong kiếp hiện sinh, không để chịu luân hồi nghiệp quả nữa".
Với tấc lòng thành, xin kính chúc tất cả chúng ta đều thực hiện được điều quyết tâm nầy !.