Ba điều khuyên cho Chư Tịnh Viên sơ cơ
"Tuổi trẻ nên sớm học Đạo Pháp"
                                         
Đức Bát Nhã Thiền Sư (1) có dạy về Đạo pháp đối với tuổi trẻ như sau: "Nầy chư đạo hữu! Đạo pháp không dành riêng cho hàng tuổi tác, mà chính là hàng tuổi tác rất khó khăn đối với sự tu luyện, vì đã phí hết vốn liếng thiên nhiên Tạo-hóa, còn lại chỉ là được chỗ đốn ngộ tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời của mỗi căn trí mà thôi.
Thật sự trong Tam Kỳ Phổ Độ, nói riêng về Đạo giáo ở Việt Nam nầy, dân tộc nầy rất cần những hàng Thánh thiện tự ấu xuất gia, để có một giá trị tương xứng với Thiên ân sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ. Bần Tăng phân như vậy để chư đạo hữu lưu ý un-đúc rèn-luyện, nuôi dưỡng cho các căn trí được sung mản trên mảnh đất phì nhiêu mang danh là Thánh Địa nầy ". Tuy nhiên hàng tuổi trẻ vào Thiên Đạo Đại Thừa cần cẩn trọng vì sức lực đang đầy đủ dồi dào,nên dễ tu chứng mà cũng đễ dàng sa ngã đọa lạc. Ngài Bảo Pháp Chơn Quân cũng có khuyên: "Nhân dịp,bổn huynh cũng để đôi lời khuyên những ai đã vào học chánh pháp của Đại Đạo nhứt là hàng tuổi trẻ, sinh lực đủ đầy, khí lực sung mãn nên dễ tu chứng mà cũng dễ dàng sa ngã, vì phần chánh thống còn đầy đủ,thì phần nội tà cũng còn hưng vượng. Nếu không cẩn thận giữ gìn, chỉ một sơ hở, một sát na thôi, là tà vọng dễ dàng áp chế tâm linh, xu hướng vào mọi đường dục vọng, rồi tự sa đọa lạc loài,bỏ bê tu học. Nếu giác ngộ hồi tâm và được ân huệ dắt dìu, bằng mê muội khó sớm quay về. Nếu còn khinh mạn, ắt hành giả phải chịu Thiên điều răn phạt trong sớm tối, với luật chí công vô tư". Thế nên hành giả trước khi quyết tâm tham cầu Đạo Pháp hạ thủ công phu, đức Đông Phương Lão Tổ thường đề cao cảnh giác phải nhớ 3 điều khuyên nầy:
Điều thứ nhứt là phải tu thân, khẩu, ý, luôn luôn giữ gìn thân cho trong sạch,để tránh nghiệp trái oan, giữ miệng cho kín đáo để lời nói không thành nghiệp quả báo, giữ ý cho lặng lẽ không tưởng xằng tưởng bậy để tránh nghiệp nhơn duyên cấu tạo.
Điều thứ hai là lập công bồi đức trong chánh Đạo để tạo một căn cơ vững chắc hữu hiệu. Vấn đề lập công bồi đức rất là khó khăn đối với tâm phàm tánh tục.Một là vì thích xu hướng,hai thích danh vọng,ba thích đảng phái. Trong 3 việc đó không nên đem xây đắp nền tảng cho người tu, mà phải xây đắp bằng thật tế là việc phải, phải làm, làm đúng theo chánh Đạo, chánh tín.
Điều thứ ba là công phu hành pháp đức Lão Tổ nhấn mạnh, trên bước đường tu luyện hành pháp,những pháp môn luyện thần,điều tức,luyện tâm hư vô v.v... các pháp ấy là các pháp để rèn luyện cho con người trở nên một con người có chí tu luyện để tìm thấy bổn linh chơn tánh của mình. Khi đã qua những giai đoạn khó khăn ấy, đến chỗ đạt Đạo chỉ một phút thôi. Đó là câu:"Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương" là đắc nhất vậy. Suốt một khoảng đời dày dạn, gỡ gán cho xong duyên nghiệp tục trần, phải cố hết sức mình trong mọi hoàn cảnh gian lao chi phối,bệnh tật đủ điều. Đó không phải vì tu mà có,mà chính là hoàn tất các món nợ đã vay, để không còn trở lại cõi trả vay nầy nữa. Trở về Pháp môn sơ cơ nầy hành giả cần phải soát lại tâm nguyện, giới hạnh, sức khỏe. Ba điều nầy thiếu một, không sao làm được Thánh. Nên trước hết là tâm nguyện có đủ, mà sức khỏe không bảo đảm làm sao có thể đeo đuổi hành trì mãn đời cho đến viên mãn. Dầu có miễn cưỡng cũng không đạt được hiệu quả tốt, nên trước hết được dạy về phương điều nhiếp dưỡng sinh, điều hòa hơi thở ra vào để khử trược lưu thanh trong cơ thể, tiêu trừ tật bệnh. Phải quân bình cho được bộ phận trong cơ thể, về ngũ tạng lục phủ, khí huyết tứ chi, quân bình để cho cơ thể điều hòa, sức khỏe trợ lực cho tinh thần thì tu không chán, ngồi không mỏi,học không thôi.

Quân bình thể chất và quân bình tinh thần,quân bình giữa ý niệm, tập quán từ xưa còn lưu ứ nơi lòng.Giữa thể xác và tinh thần phải tương trợ lẫn nhau,điều hòa giữa pháp môn và căn quả từng người,tùy thể xác mạnh yếu,già trẻ,chớ không phải theo khẩu quyết nhứt định,mà phải cẩn thận, đừng vận động quá sức,hoặc cưỡng ép hoặc dãi đãi hôn trầm. Thế nên cần phải có người đã giàu kinh nghiệm và thật tâm hướng dẫn Đạo pháp để cho mình được vững vàng tin theo mà hành công mới thấy hiệu quả của Chánh Pháp. Phải biết giữ vệ sinh nơi thức ăn, nước uống, ẩm thực điều độ,phải tập thể dục cho xương gân mạnh mẽ, cho khí huyết lưu thông, phải thổ cố nạp tân (1) cho bịnh tình chấm dứt ,v.v... Hành giả sau khi hành pháp sơ cơ (sơ thiền,xem CĐ GL số 26 và 27) thuần thục được một năm sẽ được hướng dẫn học thêm pháp thể dục ngoại công phu, để cho gân cốt ngũ tạng và sức khỏe được cường tráng giúp cho hành giả dễ dàng bồi công lập đức giúp Đạo giúp đời. Nhưng phải có người có thẩm quyền và giàu kinh nghiệm hướng dẫn cho trước sau có thứ tự, có giờ giấc, lúc xả thiền cần buông xả gân cốt để thân thể vô tư hoàn phục chơn dương. Đó là pháp dưỡng sinh, rồi mới vào từng khẩu quyết, không dễ chi bước đầu mà nói "Chiết khảm điền ly",Tam huê tụ đảnh, v.v... theo đơn kinh dẫn giải trong sách vở, nếu vì dục vọng hiếu kỳ thí nghiệm pháp môn, thì hậu quả sẽ tác hại đến thể xác lẫn thần kinh. Đạo pháp không dành riêng cho một ai.
Sở dĩ có sự cẩn trọng vì thiêng liêng sợ lòng phàm con người chưa dứt, hạnh đức Tam-công chưa đủ đầy, khả dĩ để chở cho hành giả qua sông mà vội nhảy lên bè, chớ Đạo pháp vốn huyền nhiệm không dành riêng cho hạng người nào, nếu đầy đủ căn trí thì sẽ có duyên được ngộ.

(1) là tống hơi cũ dơ bẩn và thâu nạp khí thanh để khước binh.CT

Thư Viện 1      4   5