Ở thời buổi điện tử, với mạng lưới Internet như hiện nay... chúng ta thấy nhiều pháp môn tu luyện theo kiểu "tâm tâm tương ấn, khẩu khẩu tương truyền" đã được trình bày công khai, để khách nhàn du có thể tham khảo và chuyển về máy nhà nghiên cứu tiếp! Cũng tốt thôi! Hành giả có quyền tham khảo, nghiên cứu kỹ lưỡng, tường tận tất cả các pháp môn trước khi chọn lựa, quyết định con đường tu tập của chính mình.
"Pháp Luân Công" của Ðạo gia Lý Hồng Chí bên Tàu với những động tác nhẹ nhàng như luyện Tài Chỉ, Khí Công, "Vô Vi Pháp" của cố Thiền sư Lương Sĩ Hằng với phép "soi hồn," "Mankind Enlightment Love" của cố Master Lương Minh Ðáng chuyên về Nhân Ðiện và mở Luân Xa, "Sahaja Yoga - Self Realization" của bà Master Shri Mataji cũng chuyên trị về "Chakra - Luân Xa" và đánh thức "Kundalini - Hỏa Xà," v.v... là những websites có nhiều người ghé qua, thăm viếng nhiều nhứt! Trong các hệ phái Cao Ðài của chúng ta, có trang nhà "Tiên Thiên Ðại Ðạo " cũng trình bày cặn kẽ pháp môn "bồi dưỡng sức khoẻ và tinh thần" của mình.
Nhìn chung, tuy rằng có âm thanh và phim ảnh (audio & video) đi kèm, chúng tôi bảo đảm... không mấy ai dám tự mình hành xử, tu tập theo lời chỉ dẫn! Tại sao? Vì coi vậy chớ không phải vậy, sai một ly đi một dặm, lạng quạng là bị... tẩu hỏa nhập ma, điên điên khùng khùng cũng chưa biết chừng! Bởi vậy cho nên, dẫu có tải các dữ liệu căn bản về máy nhà cho đầy ấp cái HD (hard-drive, ổ cứng) đi nữa, rồi thì cũng để đó lên mốc lên meo mà thôi!
Sau quyển Huyền Diệu Cảnh (in năm 1927), gần đây, tôi có dịp đọc thêm các quyển kinh khác, có liên quan đến vấn đề luyện Ðơn (phép luyện Ðan của các Tiên gia theo Lão Giáo), được phổ biến công khai như Ðại Thừa Chơn Giáo (do Chiếu Minh Tam Thanh in năm 1934), Tam Thừa Chơn Giáo (do Hội Thánh Cầu Kho Tam Quan in năm 1961). Ngoài ra còn có các quyển kinh chỉ phổ biến nội bộ như Huyền Pháp Bảo Ngươn Kinh (do Hội Thánh Truyền Giáo in năm 1950), Ðạo Pháp Bí Giải (do Chiếu Minh Tam Thanh in năm 1967, Thiên Lý Bửu Tòa in lại năm 2004), Chơn Pháp Lưu Truyền (do Tam Thanh Bửu Ðiện, thánh tịnh Cao Quang Minh in năm 1973)... Nhìn chung thì tùy theo thời buổi (thời gian), tùy theo địa phương (không gian), lời dạy trong thánh ngôn, thánh giáo có thêm bớt cho phù hợp, nhưng căn bản thì, rõ ràng, không có gì khác nhau hết. Và, thật sự, đây chỉ là một vài quyển tiêu biểu trong hằng chục hằng trăm quyển còn giữ kín, chưa có lịnh phổ biến! Ðó là chưa nói đến rất nhiều kinh sách của các Tôn Giáo bạn đã đề cập đến các vấn đề này.
Có đọc nhiều mới thấy cái hay là quyển này bổ túc cho quyển kia vì quyển này có nói mà quyển kia lại không. Lấy một thí dụ điển hình là chúng ta thường gặp từ "nê hườn cung" và hầu hết mọi người đều muốn biết "nê hườn cung" là cái gì, nằm ở đâu? Dạo trước chúng tôi có nghe quý vị nhiều kinh nghiệm luận bàn, rằng thì là, người này cho biết "nê hườn cung" là não thất thứ ba, và người kia phản đối, đại khái, "nê hườn cung" là nơi Thầy, tức Thượng Ðế, ngự nên phải hiểu theo "nghĩa vô vi" chớ chẳng phải là... cái cục thịt kia trong não bộ. Cũng có lý. Bây giờ đọc đoạn này trong Ðạo Pháp Bí Giải , chương Châu Thân luận , ngài Huệ Minh Chơn Tiên (tục danh Trần Văn Lược) cho biết như sau: Bần đạo chào chư hiền an tọa, nghe Bần đạo giảng về thân thể con người ta, có một đường vòng tròn, từ Cốc đạo lên Nê hườn, phía trước ngay trán là Thiên quan, đốc giọng là Huyền ưng, tâm là Linh sơn bảo đài, tay là Nhơn quan, từ ngực xuống tới rún là Tam xoa, tới Dương quan, Cốc đạo, chơn là Ðịa quan, sau lưng từ Cốc đạo trở lên là Song quan, Vĩ lư, Giáng tắc, Cung trăng, Ngọc chẩm, lên tới đầu Nê hườn ở ngay giữa xoáy. Từ bắc Vĩ lư là cung Huỳnh đình, ngang Huỳnh đình có Trái cật, dưới Trái cật có mạch Ðốc, dưới mạch Ðốc xương khu là Hồng môn, trên Hồng môn là Hạ đơn điền, trên Vĩ lư là Trung đơn điền, trên Giáp tích là Thượng đơn điền, ngang Thượng đơn điền, phía trước cánh tay có mạch Nhâm, dưới cung Huỳnh đình đó là Khiếu huyền quan, dưới Khiếu huyền quan là Thu nguyệt, là Khí hải, ngay nhượng là mạch Hạ quan, giữa bàn chơn là Võng tiền nguyệt...
Ậy, thì ra "Nê hườn" chính là cái xoáy đầu! Thế thôi! Ai lỡ có hai xoáy, ba xoáy thì chắc phải lấy điểm giữa, làm trung tâm điểm vậy! Trong phần trích dẫn trên, chúng ta còn biết thêm, rằng thì là, phá "nhứt khiếu chi Huyền quan" là phá cái khiếu ở... dưới cung Huỳnh đình, ngang Trái cật! Dễ hiểu quá rồi! Trong Huyền Diệu Cảnh , trang sơ đồ quan khiếu, cũng có ghi "khiếu trung khiếu" tức là Huyền quan khiếu nằm ngay vị trí trên. Tuy nhiên, trong Ðại Thừa Chơn Giáo lại bảo khác: "Huyền quan nhứt khiếu là chi? Là Thiên Nhãn vậy, nó ở Nê Hườn cung, gom trọn Chơn Dương chính đạo ...
Well, những điều lẻ tẻ nêu trên, đúng hay sai... cũng chỉ là tìm Phật trên giấy mà thôi. Muốn tu hành thực sự, không cách gì khác hơn là phải tìm "minh sư" mà thọ pháp mới mong rằng mình đi đúng lối, không sai lạc chơn truyền. Và muốn tìm "minh sư" thì không thể... "ngồi chờ sung rụng" hay nhờ "duyên may đưa đẩy," mà phải chịu khó, dấn thân! Vì đơn giản là... có gõ cửa thì cửa mới mở! Và lắm khi cửa đã gõ rồi mà bị chối từ cũng là lẽ đương nhiên. Chỉ có trong tiểu thuyết Kim Dung mới thấy cảnh sự phụ tìm học trò và ép học trò nhận trao bí pháp!
Trong Huyền Diệu Cảnh của Lý Trần Tử có ghi sự quan trọng của việc kiếm tìm minh sư như sau: Hỏi rằng: "Làm sao đặng phép huyền diệu."
Ðáp rằng: "Muốn biết tâm pháp huyền diệu, phải có thầy truyền phép ấy, là trao lời khẩu quyết." Khẩu quyết nghĩa là lời nói miệng với nhau, đặng chỉ cho tột tận. Huyền diệu có nói tại đơn kinh chớ đâu. Vậy cho nên phải kiếm tìm minh sư chỉ bày tỏ rõ phép huyền diệu thì Ðại Ðạo thành được, kim đơn kiết đặng thánh thai, cũng khá đặng dương thần khá xuất, thì học thiên tiên Ðại Ðạo sẽ thành Tiên thành Phật đặng."
Thiển nghĩ, khi học trò gõ cửa tìm sư phụ mà bị sư phụ từ chối... không nhận đồ đệ, có lẽ không vượt ra ngoài cái nguyên tắc đơn thuần nhưng căn bản, đại khái, là: "Ðồ đệ chưa dọn mình đúng mức, cũng như chưa sẵn sàng lâm trận." Và nếu nói như vậy, muốn dọn mình đúng mức thì phải làm sao đây? Ðơn giản lắm, phàm là người tu hành muốn dọn mình cho trang nghiêm, trong sạch thì phải khử trược lưu thanh và phải "ăn chay nằm đất." Tu hành mà ngày đêm "ăn mặn nằm giường" thì kể như không!
Ậy da, chỉ mỗi vấn đề ăn chay này mà thiên hạ đã tốn biết bao nhiêu giấy mực và công sức để giải bày, khuyến dụ. Ăn là cái khoái hàng đầu trong tứ khoái (ăn, ngủ, ậy, ị) thì đâu dễ gì mà dám... ngang nhiên hy sinh! Những lời khuyến cáo như "you are what you eat" (bạn chính là những gì bạn ăn), bạn ăn thịt bò nhiều quá thì bạn cũng (ngu) như con bò, hoặc giả "bệnh tùng khẩu nhập" (bệnh hoạn theo vào người cùng với những gì bạn đưa vào miệng)... đều được bỏ ngoài tai, vứt sọt rác sạch trơn! Nếu ai đó thử hỏi, rằng thì là, giữa cuộc sống 100 tuổi với toàn là ăn rau dưa, tàu hủ với một cuộc sống 50 năm ăn thịt cá ê hề, cao lương mỹ vị, đặc sản biển rừng... thì nên chọn cái nào? Dám chắc sẽ không dưới 95 phần trăm dơ hai tay hai chân lên để chọn cuộc sống thứ hai!
Ăn chay có quả nhiên là khó khăn đến như vậy hay sao? Thực ra cũng không đến nỗi tệ hại nếu người ta hiểu được mục đích và sự cần thiết của ăn chay là như thế nào! Vắn tắt một lời... ăn chay không phải để sống lâu hay phòng ngừa bệnh tật, mà ăn chay là để luyện đạo, tu hành! Ðúng vậy, nếu không luyện đạo, tu hành... thì không nên ăn chay làm chi cho uổng công, phí sức! Nhưng nếu những ai đã thọ pháp chơn truyền, đã công phu tứ thời luyện đạo, đã tu hành... mà không làm nổi chuyện khử trược lưu thanh thì, cũng vắn tắt là nên hoàn tục, bỏ tu, bán đồ nhi phế cho rồi để tiếp tục sống cuộc đời trần ai khoai củ mà mình đã lựa chọn!
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển , quyển I, phẩm Nhị Xác Thân , Thầy có dặn: Phải có một thân phàm tinh-khiết mới xuất Chơn-Thần tinh khiết.
Nếu như các con còn ăn mặn luyện Ðạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng.
Như rủi bị hườn, thì đến khi đắc Ðạo, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí thì lại là vật chất tiếp diễn (bon conducteur d'électricité) thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt. Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc Nhân Tiên, thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
Vì vậy Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện Ðạo.
Gần đây hơn, trong quyển Tây Du Chơn Giải , Chưởng giáo Bùi Hà Thanh (đệ tử Ðức Ngô Minh Chiêu) thuộc Chiếu Minh Giáo Tòa, tỉnh Vĩnh Long, sau khi đắc thành và liễu đạo đã trở về giáng cơ dạy Ðạo như sau: Thời nay có nhiều pháp môn cũng biết cách Luyện Tinh, còn ăn mặn cũng hườn Nhị Xác Thân, ấy chỉ vì một chút mê lầm chưa rõ thông các lẽ Lưu Thanh Khử Trược thành ra ngộ nhận, một ngộ nhận sai lầm tai hại mà uổng một đời tu phải sa vào Tà Pháp, phải vướng nẻo luân hồi mà không phương giải thoát.
Vì một khi ăn mặn mà kết Nhị Xác Thân thì trược khí không thể giải tán, Hồng Châu không Siêu Xuất Tam Giới đặng vì nó không phù hợp với Tiên Thiên Khí. Có Chơn Tâm mà phải kẹt lại hồng trần, không ra khỏi vòng địa giới mà lên chỗ Cao Thanh cho được, vì Kim Thân của trược khí thì không thể Thượng thăng, bởi vì trược khí là vật tiếp điển (bon conducteur d'électricité) thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị Lôi Ðiển (Sét) đánh tan ra tro bụi...
Tương tự như ăn chay, việc tiết giảm dục tình hay lần hồi đi đến diệt dục, tuyệt dục... quả là rất khó, nhứt là đối với những ai còn trẻ, đang hăng say đầy nhựa sống. Trong Tây Du Chơn Giải , phần Ðào Viên Ðào Tiên , chư Tiên Phật cũng công nhận như thế và nói rõ thêm là: Bởi các con còn mang nhục thể phàm thân, sao khỏi có lúc Biển lòng sóng dậy. Vợ chồng đang êm ấm, lại phải tuyệt dục để Tu thiệt là khó lắm, khó lắm. Nếu các con cố gắng rèn tu, bền lòng chặc dạ, trong cảnh khó khăn vẫn ôm Ðạo chẳng lìa là điều đáng khen.
Các con rất dễ bị Tà Kiến, vì lòng phàm hay vọng động, tưởng nhớ thê tình. Khi ngộ cảnh, đối diện với thân tình, tức là các con gặp lại người vợ phàm, đó là Tà Kiến. Ấy cũng bởi bình nhựt các con bị Vọng Tâm tạp tưởng, ấn tượng ấy in sâu trong tiềm thức nên trong lúc kiến cảnh thì hình ảnh ấy hiện ra.
Còn Chánh Kiến tức là Tâm không còn vọng tưởng, chẳng luyến thê tình, chẳng lưu nữ sắc, đó là Chánh Kiến.
Bởi vậy, đã là người tu hành, luyện đạo thì cũng phải biết rõ ràng thế nào là mục đích, cứu cánh của chuyện "luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần"... Mỗi buổi công phu nhằm lo "tồn tinh, dưỡng khí" chắt mót từng chút từng chút như đãi vàng từ quặng trên sông, chẳng biết đã có hiệu quả đến mức độ nào, ai lại đi tiêu pha, phung phí... hóa ra đem vàng đổ biển hay sao? Trược tinh thất thoát, tẩu lậu thì Thanh tinh (tinh hoa do ngũ cốc, rau đậu biến thành) từ huyệt Mệnh Môn trong thận cũng phải ra công bù đấp, san sẻ đều đều... vì thiếu tinh như đèn thiếu dầu thì dần dà cũng phải tắt ngũm mà thôi! Không có tinh thì làm sao cướp huyền khí, cướp khí hạo nhiên để luyện cho tinh hóa khí được... Huyền Diệu Cảnh , chương Sanh Nhơn Sanh Tiên , có nói như vầy: Bởi vì Trời Ðất hay trộm lấy cái huyền khí trong mình con người, mà nếu nhơn thân bị mà hết huyền khí thì phải chết. Như may gặp đặng minh sư chỉ vẽ phép cướp cái huyền khí của Trời Ðất lại được, mà đem vào trong mình, thì cái mình nó đầy đủ sung túc huyền khí, thì khỏi chết. Ðó là phép tu tiên học Ðạo, chớ không có phép chi khác nữa.
Trong Ðại Thừa Chơn Giáo , phần Tam Thừa Cửu Chuyển cũng có ghi đoạn "cướp khí Hạo Nhiên":
Tâm Ðạo phát thanh-thanh tịnh-tịnh,
Dưỡng Thánh thai chơn bỉnh Ðạo Huyền,
Ngày đêm cướp khí Hạo Nhiên,
Hiệp hòa tánh mạng, hống diên giao đầu...
Qua phần trên, nếu chúng ta đã dọn mình một cách chu đáo, cẩn thận, đúng mức... thì khi gõ cửa tìm "minh sư," bảo đảm "minh sư" sẽ không mừng quá thì thôi! Vì trong đàn cơ ngày 4, tháng 7, 1963 AL, tại chi hội Phước Thiện thuộc Hội Thánh Truyền Giáo, Ðà Nẵng, khi giảng về đề tài Sự Tương Quan Giữa Công Truyền và Tâm Pháp Ðức Lý Giáo Tông có cho biết: "Cái công đức độ được một người tu Thượng Thừa bằng vạn ức người tu Nhơn Ðạo."
Sau khi hạ quyết tâm khử trược lưu thanh, ăn chay nằm đất rồi thì... tùy theo ít hay nhiều (tỉ dụ như trường chay hay ăn chay kỳ và tuyệt dục hay lâu lâu còn gần gũi vợ chồng) mà chúng ta tìm được "minh sư" thích hợp với căn cơ của mình để bắt đầu thọ pháp, luyện đạo... tiếp tục làm cuộc đăng sơn lên đến Côn Lôn đỉnh với người ta (từ chân núi lên đến lưng chừng được xem như thuộc phần công truyền, phổ độ)!
Theo sự hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi thì trong Ðạo Cao Ðài của chúng ta có hai pháp chánh, đại để, là "Cựu Pháp" và "Tân Pháp."
"Cựu Pháp" bắt nguồn từ Ngũ Minh, gồm Minh Sư, Minh Thiện, Minh Tân, Minh Lý, Minh Ðường... Và, hiển nhiên, cũng có nhiều người tu theo "cựu pháp" mà đắc đạo, hiển linh điển hình như các ngài Như Ý Ðạo Thoàn Chơn Nhơn (thánh danh Lê Ðạo Long thuộc Vĩnh Nguyên Tự, Cần Giuộc), Bát Nhã Thiền Sư (thánh danh Minh Thiện thuộc Tam Tông Miếu), v.v... Ðược biết hầu hết quý vị Tiền khai, Chức sắc Thiên phong đều được thọ truyền tâm pháp và đã từng công phu, luyện đạo trong phòng riêng, nơi Thánh Ðiện, hoặc tại các Tịnh Thất xây cất trong khuôn viên Thánh Thất, Thánh Tịnh.
Lúc cơ Ðạo chuyển ra miền Trung, vào khoảng 1934, với Tứ linh đồng tử cùng nhiệm vụ hướng đạo của các ngài Huệ Lương Trần Văn Quế, Thái lão sư Trần Ðạo Quang... thì Ðức Ðông Phương Lão Tổ, Ðức Quan Thế Âm và Ðức Lý Giáo Tông đã giáng đàn dạy phép "Luyện Châu" (Châu là Ðơn), chia thành bốn cấp: Linh Châu, Tướng Châu, Tâm Châu, và Tam Bảo Hoàn Châu. Khẩu quyết và các bài kệ trong lúc công phu gồm có Kim Quang chú, Tam Quy chú, Tịnh Tam Nghiệp chú, An Thổ Ðịa chú, Ngũ Nguyện chú, rồi bài Kệ Châu (mỗi cấp đều có bài Kệ Châu riêng) và lẽ tất nhiên phải lần châu (lần chuỗi, màu dây và số hạt trong xâu chuỗi cũng tùy theo mỗi cấp và thuộc nam hay nữ phái). Lúc xả tịnh thì cũng làm những động tác căn bản là vuốt mặt, xoa bụng, chà thận, nhón gót, và co duỗi chân. Ðến cấp Tam Bảo Hoàn Châu thì phải trường chay, tuyệt dục (xem như tương đương với Nhứt Bộ bên Chiếu Minh)... Sau ngày tị nạn, một số bổn đạo đã di cư, tụ họp về làng Suối Nghệ, Bà Rịa, trong 100 gia đình đã có đến 80 gia đình tu Pháp (hoặc là Luyện Châu hay vào Chiếu Minh, từ hai Ðàn Chợ Lớn và Tân Hựu, Long An)!
Ðến năm 1965 thì Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý được thành lập với nhiệm vụ hướng đạo cũng của ngài Huệ Lương Trần Văn Quế. Ðức Ðông Phương Lão Tổ cũng lại giáng đàn dạy Tâm Pháp cho Cơ Quan trong quá trình đào tạo Tu Sĩ, Giáo Sĩ và mở các khóa Tịnh Trường... Bắt đầu từ Cửu Cửu, Dự Bị Sơ Thiền (Sơ Cơ), Thập Nhị Cẩm Ðoạn, Ðã Thông Bát Mạch, Chế Âm Phục Dương, Nội Công Hấp Khí cấp 1, cấp 2... rồi tiến đạo lên Nhị Cơ, Bá Nhựt! Khẩu quyết thì tùy theo giai đoạn, ngoài các bài chú, còn có các bài Kệ riêng cho từng cấp...
Bài Kệ cho giai đoạn Cửu Cửu:
Cửu Cửu công phu chí chẳng bền,
Ðường Tiên nẻo Phật khó lần lên,
Tu Tâm chớ vọng điều cao thấp,
Thấp bởi lòng phàm quá bấp bênh.
Bài Kệ cho giai đoạn Sơ Thiền (Sơ Cơ):
Trước xem xét Thân, Tâm, Khẩu, Ý...
Sau lặng tìm yếu lý lưu hành,
Cho tường nẻo hóa, nguồn sanh,
Ðoạt cơ mầu nhiệm mới thành Chơn Tiên.
Khi bước tới sân thiền tu tịnh,
Lòng trống không, không tính không toan,
Ðể cho thân thể nhẹ nhàng,
Phân thanh lóng trược tiềm tàng Ðạo Cơ.
.....
Giữ tứ thời trong vòng cửu cửu,
Gắng một giờ đổi cựu thay tân,
Ngăn ngừa độc khí nơi trần,
Trường chay, tuyệt dục lần lần vượt lên.
Cách xả thiền thì cũng tương tự như các nơi khác. Nhưng lên đến Nhị Cơ thì buộc phải trường chay, tuyệt dục (xem như tương đương với Nhứt Bộ bên Chiếu Minh)...
Ðó là sơ lược về phần "Cựu Pháp." Ðiều kiện thọ pháp cũng không khó khăn cho lắm, vì những ai ăn chay kỳ 10 ngày trở lên đều hội đủ điều kiện để xin vào các lớp tịnh luyện (ngoài việc công phu còn phải học thêm giáo lý nữa). Ðây chính là Phước Huệ song tu hay Ðời Ðạo song hành... cho nên quá trình tu luyện thiệt là dài đăng đẵng, năm mười năm hay cả đời là chuyện thường. Ðúng là một cuộc đăng sơn đi theo lối vòng trôn ốc...
Trong Ðại Thừa Chơn Giáo , phần Tam Thừa Cửu Chuyển , Thầy cũng có dạy việc "đi vòng đi tắt" này như sau:
Có hai lẽ là Lành với Dữ,
Có hai đường là Tử với Sanh,
Biết tu thì đặng chứng thành,
Không tu phải chịu nhọc nhành bại vong.
Tu cũng có đi vòng đi tắt,
Ði tắt là ngộ đắc Thiên-cơ,
Công viên quả mãn đoạt cờ,
Nương theo xá lợi đơn thơ triệu hồi.
Ði vòng cổi cho rồi thất phách,
Trả quả mà rửa sạch lòng phàm,
Tùy cơ tấn-hóa mà làm,
Vòng quanh khu ốc quét tam tâm tà...
Ði... "vòng quanh khu ốc" chính là tu theo "Cựu Pháp"! Vậy thử hỏi tu theo "Tân Pháp" là tu thế nào? Xin thưa: Tu theo "Tân Pháp" là tu theo "Chiếu Minh" do Ðức Ngô Minh Chiêu truyền pháp lúc còn sanh tiền. Vì là Tâm Pháp riêng cho những ai muốn tu giải thoát, "tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời" cho nên điều kiện thọ pháp rất là khó khăn, nghiêm túc... Ðầu tiên là cái ải... trường chay, tuyệt dục! Kế đến là ải... tuổi tác, nam không quá 64 nữ không quá 56 (thực ra dưới 120 tuổi, thì tuổi nào tu cũng được như Huỳnh Ðình Kinh , chương Can Khí, có nói: "Tuổi trăm hai mươi tu còn dòn, Vượt qua tuổi đó Ðạo khó tròn!"Qua được hai ải này rồi thì phải dấn thân... gõ cửa các đàn Chiếu Minh để xin keo thọ pháp. Cho hay không là do Ơn Trên quyết định chớ người chủ đàn cũng chỉ làm theo lịnh mà thôi. Xin keo xong thì phải đốt "hồng thệ"...
Ðược biết hàng Chức sắc thuộc các chi phái, kể cả Tây Ninh, nếu có duyên lành với Ðạo Pháp thì trước sau gì Ơn Trên cũng sẽ dìu dẫn về với Chiếu Minh! Thí dụ điển hình như những vị thuộc hàng Tam Bảo Hoàn Châu của Hội Thánh Truyền Giáo (như Giáo sư Trường và con là Thiện Ngộ thọ pháp từ Chưởng Giáo Bùi Hà Thanh, v.v...) hay hàng Nhị Cơ của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý (bắt đầu từ cố Ðạo Trưởng Chí Tín thọ pháp từ Tổ Ðình Cần Thơ, sau truyền pháp lại cho chư vị tại Cơ Quan như Thiên Vương Tinh, Huệ Chơn, v.v...)! Nhưng vì phải giữ giới luật "kín trong rồi lại kín ngoài"nên ít người biết tới, cho đến khi liễu đạo thì mới... à há, vị này đã thọ pháp chơn truyền từ lâu rồi mà chẳng ai hay! Y chang, ai có căn cơ tu tắt thì nên rút kinh nghiệm từ những ngưới đi trước, đi thẳng vào Chiếu Minh, khỏi phải mất năm bảy năm cho khoảng thời gian đi lòng vòng với "đời đạo song hành, phước huệ song tu" vậy...
Tuy nhiên, vấn đề "Tân Pháp" của Chiếu Minh Vô Vi Tam Thanh cũng không dừng lại tại đó mà còn kéo dài cho đến bây giờ và rất có thể mãi mãi ngàn sau. Tương truyền rằng ai tu theo Chiếu Minh, bắt đầu từ Nhứt Bộ, thì sau ba năm tám tháng sẽ kết được Thánh thai trong người (ở Hạ đơn điền) và chuyển sang Nhị Bộ tu thêm ba năm tám tháng nữa thì khi xuất hồn, Nhị xác thân sẽ siêu xuất Tam giới... Như vậy thời gian tu luyện tổng cộng khoảng bảy năm và gồm hai bộ: Nhứt và Nhị Bộ! Khoảng tám mươi năm trước đây, Ðức Ngô cũng chỉ tu có bao nhiêu đó thôi!
Trong thập niên chín mươi và gần đây trong hàng ngũ Chiếu Minh còn có thêm Tam Bộ và Tứ Bộ... gọi chung là phép Tam Thiên Bí Chỉ! Thử hỏi... do đâu mà có? Ai dám cả gan lập ra... Tân Chiếu Minh vậy cà? Chỉ cần hai bộ của Ðức Ngô Minh Chiêu truyền lại mà nhiều người đã tu theo, đã chứng đã đắc rồi thì còn bày vẽ chi nữa! Nói chung chung là nhiều người bán tín bán nghi, nhứt là những người thuộc hàng... cựu trào, lão làng!
Bây giờ ngược dòng thời gian từ lúc Ðức Ngô liễu đạo vào năm 1932 cho đến khi Ngài giáng cơ tại Trúc Lâm Thiền Ðiện với bài "Thất Nhựt Du Tiên," rất có thể vào năm 1939 vì một ngày ở cõi Thiên bằng một năm ở cõi Ðịa. Trong đàn cơ này, Ngài có xin Ðức Mẹ Diêu Trì trở lại trần gian thêm một lần nữa để chu toàn nhiệm vụ như sau:
Bỗng nghe tiếng MẪU HOÀNG hạ sắc:
"Mời CHƯ TIÊN tự đặt ngôi hàng!"
Tiếp truyền, THÁNH MẪU LÊ SAN,
Tuyên công đức của Ðạo vàng NHƯ LAI.
Phủ phục trước bệ đài, thượng tấu,
CHƯỞNG GIÁO xin KIM MẪU phê truyền:
"Cho con trở lại hình nguyên,
Lo xong bí pháp Tam Thiên chưa tròn.
Kẻo đệ muội vẫn còn nghi ngại,
Vì thiên cơ trái phải chưa tường,
Mẹ hiền xin động lòng thương,
Chuẩn phê lời trẻ hiện đương phục cầu!"
VÔ CỰC mĩm cười: "Tâu đúng lẽ!
Nhưng trường thi ai sẽ lo lường?
Long Hoa Hội sắp khai trương,
Hữu hình con giữ, ai thường vô vi?
Mẹ vẫn biết chuyện gì còn tiếc,
Bởi chưa tròn bao việc trần ai,
Ra đi, con lại u hoài,
Nếu còn ở lại, đọa đày còn vương.
Chẳng trọn vẹn đôi đường vô, hữu,
Muôn đời không thành tựu con ơi!
Trăm năm thì cũng xong rồi,
Trước sau cũng chỉ một đời mà thôi!
Nay con đắc kim ngôi, ngọc vị,
Từ xưa nay, phẩm quí vô vàn!
Mỗi lần con hạ chơn quang,
Mẹ cho linh huệ hiện hoàn thuyết minh,
Ban Tiên Tửu liên tình tất cả,
Chung các con vất vả xưa nay!"
MẪU HOÀNG vung nhẹ đôi tay,
Nhạc thiên hòa trổi trong ngoài yến diên.
Tiệc hầu mãn, CHƯ TIÊN nối tiếp,
Mừng NHƯ LAI qui hiệp chương tòa,
Chưởng quyền CHỦ KHẢO LONG HOA,
Xét xem thiện ác, chánh tà định phân.
Xét kỹ ra thì Ðức Ngô có xin Mẹ trở lại hồng trần để tiếp tục truyền thêm Bí Pháp Tam Thiên (Bí Chỉ) cho thế gian, nhưng Mẹ phán phân hai và cuối cùng Ðức Ngô phải ở lại cõi Thiên để làm Chủ Khảo cho Long Hoa Hội. Rất có thể, nào ai biết được, Ngài lại chiết linh quang hay chiết chơn linh, mượn xác phàm nào đó, để tá trần truyền pháp thêm một lần nữa... Một điểm cần lưu ý là trong đàn cơ này, Thầy Mẹ đã dặn kỹ càng không ai được phép tiết lộ Thiên cơ về ngày, giờ Hội Long Hoa khai diễn...
Rồi khoảng đôi ba năm gần đây, chúng tôi và phần lớn các Huynh, Tỷ, Ðệ, Muội ở hải ngoại đều có nhận điện thư của Chí Ðạt Nguyễn Hữu Nhơn, Chánh Hội Trưởng Ban Cai Quản Nam Thành Thánh Thất, từ trong nước gởi ra với đề tài "Ðức HỒNG QUÂN LÃO TỔ," đoạn cuối như thế này: ... Ðức HỒNG QUÂN LÃO TỔ là một trong ba ngôi Thượng Ðế sáng lập Càn Khôn Vũ trụ, và Ngài luôn là vị chuyên trách về giáo dục (Chưởng giáo), là một Ông Thầy Lớn của Ngũ Chi đẳng cấp Thiêng Liêng (Phật Tiên Thánh Thần Nhân) và cả Vạn linh sanh chúng đều luôn tôn kính (vị Ðại Tôn Sư), và đặc biệt là ngươn hội nào (thời: Nhất, Nhị Kỳ) Ngài đều giáng trần để dạy Ðạo cho các Ðại Ðệ Tử (Thái Thượng, Ngươn Thủy, Thông Thiên từ thời Bàn Cổ và Phong Thần) và đến Tam Kỳ Phổ Ðộ (đủ cả Tam Ngươn) là thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp hay lần ba đại ân xá, vì thương Vạn linh sanh chúng nên Ngài dùng Siêu điển quang đêm hôm giáng trần để giảng dạy Bí Pháp Tam Thiên cho hàng Nguyên căn Linh vị trong VÔ VI ÐẠI ÐẠO tức THIÊN KHAI HUỲNH ÐẠO, và chấp thuận cho đức NGÔ MINH CHIÊU (PHÁP BỬU ÐẠI TIÊN) bổ sung vào Bí pháp Tam Thanh những điều mà khi sanh tiền đức Ngô chưa kịp giảng dạy...
Như vậy, theo HH Chí Ðạt (vì không thấy trích dẫn từ đàn cơ hay tài liệu nào)... thì Bí Pháp Tam Thiên (Bí Chỉ) là của Ðức Hồng Quân Lão Tổ và Ngài chấp thuận cho Ðức Ngô Minh Chiêu sử dụng, bổ túc vào Bí Pháp Tam Thanh. Dường như đây là sự trùng hợp có vẻ ngẫu nhiên, ly kỳ, khó giải thích... Và vấn đề Bí Pháp Tam Thiên (hay Tam Thiên Bí Chỉ) nhằm bổ sung cho Bí Pháp Tam Thanh thì có lẽ còn phải chờ thêm một thời gian nữa mới có câu trả lời chắc chắn, thích đáng được!
Oh well... cho dù tu theo "Cựu Pháp" hay "Tân Pháp," cho dù tu lòng vòng hay tu tắt, cho dù tu "Tam Thanh" hay "Tam Thiên," cho dù vân vân và vân vân... giữ vững đức tin là điều quan trọng hơn hết! Thiển nghĩ chúng ta cứ tu dốt mà hay, cứ tin và hành đúng theo chơn truyền mà mình đã thọ pháp còn việc thành đạt hay không đều do Ơn Trên dìu dẫn, ân xá, bố hóa mà thôi...
NGUYỄN TẤN HƯNG
***********
PS: Chúng tôi có được sự hân hạnh là quen biết nhiều vị tu lâu năm trong "Cựu Pháp" cũng như "Tân Pháp – Chiếu Minh", có lịnh Ơn Trên ân ban được truyền pháp, chỉ kiểu… nên chúng tôi tình nguyện làm "cánh cửa mở vào Bạch Ngọc Kinh" cho quý HTĐMuội nào quyết tâm tu giải thoát, tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời… , kính mời quý HTĐMuội cứ tự nhiên đến gõ cửa, gõ cửa, gõ cửa… càng nhiều càng hay, càng sớm càng tốt… knock, knock, knock, please... Nhưng, trước tiên, xin quý HTĐMuội phải thành tâm, khẩn thiết… Cám ơn nhiều…