THẤT-CHƠN NHƠN-QUẢ

HỒI THỨ CHÍN

Vương-Trùng-Dương phân thân hóa độ,

Tôn-Bất-Nhị phẫn nộ thủ sư.

Nghĩa là:

Vương-Trùng-Dương biến thân mà hóa dạy,

Tôn-Bất-Nhị không hiểu chẳng phục thầy.

Có bài kệ rằng:

Ta độ chúng sanh học chơn truyền,

Không không có có khó trau liền,

Biết là Ðại-Ðạo không xa viễn,

Người chẳng lòng cầu tại thất duyên.

Khi đó Mã-Ðơn-Dương nghe Thu-Hương nói Tôn-Bất-Nhị ngồi trước nhà giận hung, liền xin thầy ra đi, coi thử Tôn đạo hữu kêu việc chi. Mã-Ðơn-Dương đến nhà trước thấy bà ngồi giận đỏ mặt, liền cười mà nói rằng: Ðạo hữu giận việc chi? Hay là tôi tớ có phạm lỗi điều chi không vừa ý? Thôi, mình làm chủ phải cho có độ lượng, dung kẻ dưới tay,
chẳng vì nó mà phiền giận!
Tôn-Bất-Nhị đáp rằng: Sư huynh không rõ, tôi tưởng Vương Trùng-Dương là người có đạo-đức, ai dè người không chánh, mới vào phòng tôi nói việc khó nghe
, tôi không học nữa.
Ðơn-Dương cười rằng: Thầy đến phòng đạo hữu hồi nào?
Tôn-Bất-Nhị nói: Còn ở trong phòng!
Ðơn-Dương cười rằng: Ðạo hữu chắc là chiêm bao? Thầy từ sớm mai đến giờ giảng đạo-đức với tôi, giây phút không rời, còn đang tại phòng tôi. Lúc Thu-Hương đến mời cũng thấy. Ðạo hữu không tin hỏi Thu-Hương coi có hay không.
Tôn-Bất-Nhị chưa kịp hỏi, Thu-Hương liền nói: Hồi tôi thỉnh ông có nghe thầy đương giảng việc trời đất hay lắm. Ông ra đi với tôi thì thầy còn ở lại đó.
Tôn-Bất-Nhị nghe nói cúi đầu làm thinh.
Mã-Ðơn-Dương sợ thầy đợi lâu trở ra không nói với bà nữa, chừng ấy Tôn-Bất-Nhị trong lòng phiền giận thầm rằng: Tưởng đi thỉnh sư huynh đặng bày tỏ việc thầy cho ông nghe, ai dè nói việc như không, bà buồn bực chẳng vui, liền trở vào phòng.
Cách hơn một tháng, Mã-Ðơn-Dương đến mao-am cùng thầy học Ðạo.
Trùng-Dương tiên-sanh biểu trò ngồi rồi nói:
"Than ôi! Trên đời người tu hành học Ðạo, hoặc vì mặt mà tu, vì miệng mà tu, đều thất xa lắm. Ðối với Ðạo không có một hào ly chi hết. Lại có người tu tại con mắt, lỗ tai, miệng, bụng, các việc đều phép hữu vi, mất chỗ thể đạo chơn; lại có người theo bàng môn giả dối, tu luyện ham những phù huê (hữu hình) mà định tịnh chẳng biết. Lại có người tâm chí quyết tu mà sức độ lượng yếu, thảy đều có bịnh. Bởi bịnh ấy là tại nơi dung vị hoặc thái-quá bất-cập đều chưa đặng chỗ tự nhiên; hoặc vui chỗ nầy, vui chỗ kia, tới một tấc, trở lui một trượng. Vì phàm tâm chưa dứt, đạo tâm chưa minh, chưa ngán thấu chỗ tình tục, nên ăn mặc còn sợ tốt xấu, danh tiếng tài hay, cùng vàng bạc, cửa nhà, ruộng đất không người hay biết. Các điều ấy chưa đặng cách tục mà lại muốn học Ðạo cầu phước, thong thả an nhàn! Có khi than nghèo cực mà lại hay xài phí, tư dục không quên, vì coi chẳng thấu cuộc đời,
để cho nó khiến như vậy thì chẳng khá gọi là Ðạo!
Xét lại, mỗi người đều có cái Tánh chơn, biết tu chỗ Ðạo thì thành đến bực Phật Tiên. Nhơn vì chẳng cách việc trần, không riêng thế tục, nên cái Ðạo chẳng tỏ, chẳng minh. Như muốn cầu theo về Thiên-Ðường thì phải món món đều khác, chẳng giống người thường, trong ngoài đều tu hết, mới gọi là có Ðạo-tâm".
Tiên-sanh cùng Ðơn-Dương giảng Ðạo, thầy trò nói tự thỉ chí chung, tâm đầu ý hiệp như vậy thì làm sao mà đạo không thành!
Lại nói qua bà Tôn-Bất-Nhị ngồi trước nhà bị ông Mã-Ðơn Dương nói bà nằm chiêm bao mấy lời rồi làm thinh, trong lòng chẳng phục ý ông. Nếu nói mình chiêm bao thì không lẽ. Thiệt thấy rõ ràng thầy vô nói rành rẽ bên tai tôi, sao lại nói thầy ở tại phòng không dời động giây phút? Thiệt là nghĩ không ra. Suy nghiệm một hồi rồi trở vào phòng. Bữa nọ bà đương ngồi công phu, lại thấy Trùng-Dương dở màn bước vô cười rằng: Ðại-Ðạo chẳng phân nam nữ, lìa tránh âm dương Ðạo chẳng thành.
Tôn-Bất-Nhị thấy vậy nhượng cho thầy ngồi, mình trở ra đứng ngoài cửa hỏi rằng: Thầy sao không ở tại mao-am mà công phu? Vào đây làm chi?
Trùng-Dương nói: Vì trò bỏ chỗ Tạo-Hóa lư, ngồi tịnh cô đơn, khí hải khô. Có câu: "Con gái không chồng là hoán phụ, con trai không vợ là khoán phu". Ta nói rõ cho trò biết: Một âm một dương chẳng khá dang cách; âm dương phối hiệp thì việc ắt chánh lý. Có câu: "Tây gia nữ, đông xá làng", nghĩa là: Âm dương hội hiệp mới nương nhau đặng. Vậy thì hai đàng khá chỗ động phòng, hai tám mới về nên giao cảm, kết thánh-thai dựng tại bên thân. Mười tháng công phu ôn dưỡng, sản xuất anh-nhi mạnh hơn người. Trò phải y theo lời làm như vậy, thì đặng về Thiên-Cung chầu Ngọc-Ðế.
Tôn-Bất-Nhị nghe mấy lời chẳng nói, liền khóa cửa lại, đi đến trước kiếm Mã-Ðơn-Dương nói chuyện đó cho ông nghe. Ði đến thấy cửa phòng của ông đóng chặt, hỏi người tớ là Mã Hưng, Mã-Hưng nói: Viên-ngoại và tiên-sanh mắc giảng đạo tại mao-am. Lúc đó Trùng-Dương đang nói: Lòng người phải bớt, lòng Ðạo phải chơn; vùng cười, chỉ Mã-Ðơn-Dương mà rằng: Trò mau đi ra coi có người kiếm ngoài trước. Ðơn-Dương nghe thầy nói có khách đến liền từ thầy ra coi. Ðến nhà trước gặp Tôn-Bất-Nhị rồi bà níu áo Ðơn-Dương nói rằng: Sư huynh lại đây mà coi.
Ðơn-Dương hỏi: Coi việc chi?
Tôn-Bất-Nhị nói: Ðừng hỏi, đến đó sẽ rõ.
Ðơn-Dương theo đến thấy cửa khóa, Tôn-Bất-Nhị mở khóa biểu Ðơn-Dương vô mà coi, Ðơn-Dương không biết việc chi, cũng bước vô ngó bốn phía, thấy mền mùng ghế đẳng y nguyên, không có chi lạ, liền hỏi Bất-Nhị rằng: Ðạo hữu biểu tôi vô có việc chi?
Bà nói: Coi thầy của sư huynh ở trong phòng tôi đó!
Ðơn-Dương nói: Ðạo hữu nói không sợ tổn đức; thầy cùng tôi giảng đạo tại mao-am không dời một bước, thầy nào vào đây?
Bất-Nhị nghe nói không tin, bèn vô giở mùng mền kiếm coi, cùng không thấy ai hết, liền nói việc quái lạ!
Mã-Ðơn-Dương nói: Có chi mà quái lạ. Tôi biết rồi, tại vì đạo hữu không cần công phu đặng thâu cái phàm tâm cho dứt, cứ lo chuyện ngoài hoài,
nên sanh ma chướng như vậy.
Tôn-Bất-Nhị nói: Sư huynh nói việc gì đâu? Tôi bình sanh không có tạp niệm ma chướng, một lòng tịnh dưỡng nào có vọng tưởng điều chi? Lần nầy là hai lần, thầy đến phòng tôi rõ ràng, tiếng nói bên tai mấy lời còn nhớ, nào có phải vọng ma.
Ðơn-Dương hỏi: Thầy nói việc chi, thuật lại tôi nghe.
Bà đem lời thầy vô phòng hai lần thuật cho ông nghe.
Ðơn-Dương cười rằng: Thiệt đạo hữu thông minh một đời, mà lầm sai một thuở. Vì Ðạo chẳng phải thông minh mà đặng nên, việc mình muội tánh.
Bất-Nhị hỏi: Sao gọi là muội tánh?
Ông nói: Vì người học Ðạo phải để tâm hạ khí, chẳng hổ học hỏi người dưới. Như vậy một bước lại thêm một bước, đi xa càng hiểu đường dài, lấy mười đếm trăm, thêm trăm đếm ngàn. Thiệt việc Ðạo chí quí chí trọng, nói không xiết kể. Ðạo hữu mới đặng chút huyền công, tưởng là Ðạo có bấy nhiêu mà thôi, mỗi ngày cứ giữ quyết cái phòng của đạo hữu, ngồi hoài khô tọa, chẳng minh lẽ âm dương, không hiểu cơ tạo-hóa, chẳng chịu đến trước thầy mà học hỏi, để nghi tính nam nữ phải cách biệt, chấp lòng nhơn ngã. Bởi thầy thấy đạo hữu giữ quyết một việc sợ sau chẳng đặng liễu đạo, thầy muốn ra chỉ đạo cho đạo hữu, vì sợ chỗ hiềm nghi phải xuất hiện dương thần, phân thân hóa dạy mà đạo hữu chẳng hay. Nên thầy hay nói với tôi: "Một âm một dương gọi là Ðạo, lìa bỏ âm dương Ðạo chẳng thành". Vì cái âm dương đó: Dương hỏa, âm thủy, là âm dương trong thân mình luyện ra. Chẳng phải nói việc vợ chồng như ở thế.
Nghĩ lại việc nầy thiệt thầy hết lòng khổ chí cần dạy; tiếc cho đạo hữu hiểu lầm mà chẳng biết chỗ huyền-cơ. Lại nói độc dương bất trưởng, là nói dương thuộc hỏa, lửa nhiều nóng quá chẳng đặng thành đơn. Còn độc-âm bất sanh, là nói âm thuộc thủy, nước nhiều tràn lạnh cũng chẳng đặng thành đơn.
Bởi nói cô-âm độc-dương là tỷ thí nước lửa chẳng đặng giúp nhau. Luận ra mà nói, người tu hành phải cho đặng nước lửa đương tiếp, âm dương quán phong, mới khá huờn đơn đặng.
Còn nói đạo hữu bỏ Tạo-Hóa lư là rõ ràng chẳng minh lý âm dương. Như nói câu: "Khoán phu hoán phụ" là nói cô-âm bất sanh, độc-dương bất trưởng, nên thầy tỏ mấy lời cho đạo hữu biết. Hễ người học Ðạo thì phải tìm chỗ âm dương, bởi âm dương là chỗ huờn đơn của Tiên Phật. Trước dụng chơn-ý, mà dẫn thông âm dương (như cầm bầu rượu mà vui uống rượu ngon). Còn chơn-lý thuộc thổ, màu vàng, nên thí dụ là huỳnh hà. Như câu: "Tây-gia-nữ" là thuộc Kim, Kim hay vượng phát tại Tây nên gọi là "Tây-gia-nữ". Còn câu: "Ðông-xá-lang" thuộc mộc, mộc hay vượng sanh tại Ðông, nên gọi là "Ðông-xá-lang". Còn hai đàng xứng nhau là nói 2 cái 8 là 16, hiệp thành một cân (Hễ kim chẳng phải con của mộc, thì chẳng khắc; mộc chẳng phải con của kim, thì chẳng sanh). Ðó là nói việc âm dương tạo hóa, ngũ-hành sanh khắc như vậy.
Còn người tu hành phải lấy cái ý hội thông. Tỷ như bà mai nói hiệp hai nhà dẫn cho kim mộc gặp nhau, không có dang cách như vợ chồng vui hiệp. Còn động phòng là chỗ đơn đình; dẫn kim mộc về một chỗ, kim là phách, mộc là hồn, dẫn tụ về một mối, yêu mến không rời, hồn chẳng lìa phách, phách chẳng lìa hồn. Hống tám lượng, diên nửa cân, giao cảm là chỗ kiết đơn, thiệt nói hai đàng xứng nhau, tinh khí hiệp nhau ngưng kiết
(Tỷ như vợ chồng có thai vậy).
Còn nói 10 tháng là số đủ, ôn-dưỡng là hỏa-hầu (Hỏa-hầu là để lửa có chừng). Như nói tinh khí ngưng kiết, cũng là để lửa ngưng có chừng mà nấu luyện thành đơn.
Còn nói số đủ là vuông tròn, công phu đầy đủ, anh-nhi giáng sanh (Nghĩa anh-nhi giáng sanh là chơn-khí). Khí hóa ra thần, thần nuôi dưỡng cho đầy đủ, tùng chỗ nê-hoàn mà ra, lên chầu kim-khuyết, mà làm người chơn-nhơn. Như vậy chẳng phải là Thần Tiên sao?
Mã-Ðơn-Dương nói rồi, Tôn-Bất-Nhị mới vui mừng tỉnh ngộ.
Vậy ai muốn tu luyện thì tìm minh sư mới rõ.

HỒI THỨ MƯỜI

Giảng tam thừa, diễn thuyết Toàn-Chơn Ðạo,

Tổn diện dung, cam tác xủ lậu nhơn.

Nghĩa là:

Giảng bực tam thừa, diễn nói Ðạo Toàn-Chơn,

Làm lở mặt mày, mà chịu người xấu xa.

Có bài kệ rằng:

Ðã đặng chơn truyền đạo khá tu,

Tam thừa pháp diệu tại người cầu,

Huyên-Trinh khi đó hư mày mặt,

Ðổi đặng thân vàng hưởng muôn thu.

Khi đó Tôn-Bất-Nhị nghe mấy lời Mã-Ðơn-Dương nói, cũng như một tay phá bể lưới mê, vui mừng tỉnh ngộ, chẳng khác chiêm bao mới tỉnh. Than rằng: Phải không có sư huynh chỉ dạy chắc bị lầm việc lớn. Tôi khi bình thường việc hiểu cũng nhiều, sao nay học Ðạo lại kém hơn sư huynh?
Ðơn-Dương nói: Chẳng phải đạo hữu thua tôi, vì đạo hữu không chịu tìm học, nên chẳng thấu. Sách có nói: Thông minh phản bị thông minh ngộ; hứa đa thông minh ngộ tự thân.
Nghĩa là: Người thông minh phải giữ phép, trở lại bị cái thông minh mà lầm; biết bao nhiêu người thông minh làm hại cho mình. Vậy cũng tại mình tự thị quá. Bởi việc chi, trong thiên hạ có học rồi mới biết, sanh ra mà biết đâu có mấy người?
Tôn-Bất-Nhị nghe dứt, tạ ơn rằng: Tôi nay tuân lời thầy dạy,
từ nay đến sau tôi phải hết lòng học hỏi.
Ðơn-Dương nghe nói vui mừng, liền trở về phòng an nghỉ.
Qua ít ngày, Ðơn-Dương muốn đến nhà người cậu đặng mừng lễ chúc thọ, rồi thưa cho thầy hay, lại mời Tôn-đạo-hữu đi. Tôn-Bất-Nhị giả nói có bịnh đi không đặng. Rồi Ðơn-Dương biểu gia đồng sắm sanh lễ vật đi trước, ông cỡi lừa theo sau.
Nói qua bà Tôn-Bất-Nhị ở nhà nghĩ lại mấy lời Ðơn-Dương nói bà chẳng chịu lãnh học, nên không biết Ðạo hay, trong lòng thường nhớ hằng lo. Nay thấy ông không có ở nhà, tớ bạn đều đi chơi hết, một mình đi đến mao-am, thấy thầy ngồi công phu, quì trước thưa rằng: Ðệ-tử tâm tánh ngu mê, không rõ việc chí lý nên hai phen lầm lỗi, may nhờ sư huynh mở dạy mới biết mấy lời trước của thầy nói đạo, tự hối chẳng kịp. Xin thầy miễn chấp, chỉ dạy cho tôi, thiệt dường ơn tái tạo.
Trùng-Dương nói: Thôi trò đứng dậy, ta nói cho trò nghe.
Vì Ðạo có ba bực, phải lượng theo sức mình mà tu. Phàm người học Ðạo, chẳng kể việc sống thác, mới đặng làm người không chết. Bực thượng thừa là chỗ đạo hư vô mảy tơ chẳng dính, một trần chẳng nhiễm, như trăng tỏ vọi-vọi, muôn dặm không may. Duy có một điểm linh căn mới đoạt đặng tạo-hóa của Trời Ðất. Phải biết việc chánh lý của âm dương, dụng phép mà luyện theo đó, lấy chỗ có mà qui về chỗ không, chỗ không mà sanh ra chỗ có, mới đặng cùng Trời Ðất đồng bền, cùng nhựt nguyệt đồng tu, đó là đạo thượng-phẩm Thiên-Tiên!
Còn tu trung thừa là giữ lòng thành trai giới, bái Phật tụng kinh, một lòng theo thiệt, muôn niệm đều thanh, trên cảm Phật Trời, muôn linh xem xét, một điểm chơn linh chẳng muội. Ðến lúc liễu đạo biết chỗ xuất thần, về tới hư không thì sánh bực Tiên ban chẳng mất.
Còn tu bực hạ thừa, ban đầu tích công làm việc phương tiện giúp người lợi vật, bồi thêm việc lành, thường tưởng xét việc lầm lỗi, tánh chơn chẳng mất, thì linh-quang mới đặng hiển thông
Hoặc ẩn hoặc hiện như Tiên không khác, đó là bực hạ thừa.
Trò có chí muốn học bực nào tôi sẽ dạy cho chơn khuyết?
Tôn-Bất-Nhị thưa: Ðệ tử muốn học thượng thừa Thiên-Tiên.
Trùng-Dương cười rằng: Như vậy thì trò chí đặng lớn.
Tôn-Bất-Nhị thưa rằng: Tôi lòng chẳng đặng lớn mà chí rất kiên bền, dẫu thân nầy có chết,
chí tôi không mất đặng.
Trùng-Dương nghe qua biết người căn lớn, nói rằng: Phàm người ra tu học Ðạo thì phải tìm chỗ sơn-xuyên linh khí, chọn chỗ địa lợi mà ở an. Nay ở xứ Ðông-Ðộ, huyện Lạc-Dương linh khí đương thạnh chắc là có ra mấy vị Chơn Tiên. Như đến xứ đó tu chừng 12 năm, sẽ đặng thành đạo.
Trò dám đi hay không?
Tôn-Bất-Nhị thưa rằng: Ðệ tử nguyện chịu đi.
Trùng-Dương ngó Tôn-Bất-Nhị rồi lắc đầu nói: Chắc đi không đặng!
Tôn-Bất-Nhị thưa: Ðệ tử bỏ chết quên sống, không sợ việc sanh tử,
sao mà đi không đặng?
Tiên-sanh nói: Chết có ích thì nên chết, lợi người lợi vật cũng đáng, bằng chết không ích thì uổng cho tánh mạng. Từ đây đến Lạc-Dương xa hơn ngàn dặm, trên đường nhiều người phong-lưu lãng-tử, đứa hung chẳng ít, bằng nó thấy trò hình dung còn niên thiếu, sợ nó động tâm. Việc nhỏ thì cuồng ngôn ghẹo chọc, việc lớn thì hãm hiếp thất thân. Trò là người trinh liệt, nào chịu để cho nó làm nhơ, thà chết mà trọn tiết, trò muốn cầu trường sanh lại trở bị táng mạng, nên tôi chắc đi không đặng!
Tôn-Bất-Nhị nghe thầy nói, thầm nghĩ hồi lâu cũng chẳng chối từ, liền ra mao-am xông vào nhà bếp, biểu mấy người nấu ăn đi ra, rồi bà nhen lửa bắt chảo lấy dầu đổ vô chụm sôi, tay bưng chén nước đổ vào, dầu sôi gặp nước phừng lên, liền úp mặt vào bị dầu phỏng hết. Tôn-Bất-Nhị cam chịu đau khổ, vì mình muốn đổi sắc cho xấu, chớ hề than thở. Liền ra thưa thầy rằng: Ðệ tử nay đi đặng không?
Trùng-Dương thấy vậy vỗ tay cười rằng: Lành thay! Lành thay! Trong thế gian nào ai có chí lớn như vầy; thiệt không uổng công ta đến đây mấy phen.
Ông nói rồi đem việc âm dương diệu lý, tạo-hóa huyền-cơ công phu, luyện âm thành dương, siêu phàm nhập thánh, truyền hết cho Tôn-Bất-Nhị. Ông truyền rồi nói rằng: Người tu Ðại-Ðạo phải giả như kẻ chẳng biết chẳng hay, cũng như người phong điên, mới trốn đặng con mắt thiên hạ, khiến người không biết mình công phu tu hành có Ðạo. Ðến chừng đạt công thành rồi mới khá hiện thân thuyết pháp. Trò đợi trên mặt lành rồi, mau qua Lạc-Dương mà tu, cũng đừng lạy từ ta, đợi trò công viên quả mãn lên hội Bàn-Ðào sẽ gặp.
Ông liền ngồi tịnh nữa.
Tôn-Bất-Nhị lạy thầy tạ ơn, mau ra khỏi mao-am, gặp mấy người tớ gái thấy mặt bà phỏng hết, đều hỏi duyên cớ sao vậy? Bà đáp rằng: Muốn chiên bánh cho thầy ăn, sợ tay bây chẳng sạch, nên biểu bây ra ngoài chơi cho tao chiên, rủi tay nước đổ nhằm dầu, phừng vô mặt tránh không kịp nên phỏng như vậy. Cũng tại cái tai nạn của tao, không hề chi, thôi bây đi làm công chuyện. Bà nói rồi liền vô phòng đóng cửa. Xét tưởng việc công phu của thầy truyền, làm theo khẩu khuyết, thiệt chỗ huyền diệu.
Cách hai bữa sau, Mã-Ðơn-Dương về, mấy đứa tớ đem việc dầu sôi phỏng mặt bà nói cho ông hay. Ðơn-Dương nghe nói than thở, rồi thẳng trước mao-am thưa cho thầy hay. Chẳng ngờ Trùng-Dương tiên-sanh hay trước. Ðơn-Dương lật đật vào phòng bà, thấy mặt phỏng hỏi rằng: Tại sao bà làm mặt như thế? Ðạo hữu sao không coi chừng để dầu phỏng như vậy? Nói chưa dứt lời, Tôn-Bất-Nhị trợn mắt ngó ông Ðơn-Dương cười hoài không nghỉ, chạy lại nắm tay ông nói rằng: Mầy phải đồng nhi của Tây-Vương-Mẫu không? Tao với mầy đi lên Thiên Cung! Mau mau! Nói rồi nhảy lên ghế giữa, tay bơi chơn nhảy hụt chơn té xuống, rên la chẳng xiết. Mã-Ðơn-Dương lật đật đỡ dậy nửa cười nửa khóc, phần thấy hình dung của bà như vậy trong lòng rất thương xót, chạy qua am thầy thưa rằng: Tôn-đạo hữu tưởng thành Tiên đặng, nay phát bịnh phong điên rồi!
Tiên-sanh nói: Chẳng phong điên, chẳng thành Tiên.
Ðơn-Dương muốn hỏi nữa, thấy thầy ngồi tịnh làm thinh, nên không dám hỏi. Liền trở ra trước nhà, buồn bực chẳng an.
Tôn-Bất-Nhị lại thấy Ðơn-Dương sao còn ở đó nên là một hồi, cứ kêu: Phong điên! Phong điên! Làm như vậy cho ông đi ra đặng bà thanh tịnh cho dễ, bà luyện cho đến tánh thể viên minh, thiệt hay vô cùng, trong lòng càng sáng-láng, mới biết là đạo chí huyền chí diệu. Bà lại lấy kiếng soi coi thấy mặt phỏng đã lành, chỗ đỏ chỗ đen, rất vui mừng khỏi lo ai chọc, chắc là giữ đặng thỉ chung.
Cách hơn một tháng bà cũng không tắm gội rửa ráy, tóc bỏ rối nùi, hình giống như ma, mặt mày tợ quỉ, nào ai mà biết bà là bà viên-ngoại! Chừng trong lòng vững vàng, chắc là chỗ Lạc Dương đặng tới. Rồi bà lại đem quần áo xé rách, buộc nhíu từ đùm, lấy lọ bôi trên mặt, la nói dữ-dằn, chạy ra trước cửa la lối om-sòm, kinh động mấy đầy tớ đều chạy ra ngoài. Chúng nó thấy vậy muốn lại kéo bà, rồi bà tay đánh miệng cắn, có một đứa thương bà nắm hoài không buông, bà cắn trên mặt nó một miếng, thất kinh buông ra, bà chạy khỏi. Bọn tớ thấy bà làm hung không dám theo nữa,
chạy báo cho ông Ðơn-Dương hay.
Ðơn-Dương lúc ấy đương ngồi công phu, xảy nghe ngoài kêu vang lật đật ra coi. Ðứa tớ bảo rằng: Bà nay trở bịnh phong điên nhiều quá, chạy ra ngoài rồi. Ðơn-Dương nghe nói sợ e có hại, liền sai gia nhơn chạy theo, ông cũng chạy theo, lại thấy Tôn-Bất-Nhị chạy thẳng ra xóm, mấy người trong xóm chạy ra nhìn không biết bà là ai, nên bà chạy khỏi một đỗi ngó lại thấy người ta chạy theo, chắc trốn không khỏi; thời may có đống cỏ khô, chun vào mà trốn.
Mã-Ðơn-Dương cùng gia-nhơn theo hồi lâu không biết bà chạy ngõ nào nên đều trở lại. Tôn-Bất-Nhị dòm thấy mấy người đi xa, bà lén chun ra, rồi nhắm ngay hướng Ðông mà đi. Ban ngày kiếm xóm xin ăn, ban đêm kiếm chùa an nghỉ. Gặp chỗ vắng-vẻ không người, thì bà núp bóng cây nghỉ mát, có gặp ai hỏi thăm thì bà nói việc trên trời dưới đất, không nhằm chi hết; hoặc cười hoặc khóc, ai cũng tưởng là người phong điên, bỏ qua không hỏi, nhờ vậy mà đi đường đặng bình an, khỏi ai chọc ghẹo.
Bà thấy người nào tử-tế mới dám hỏi thăm đường đi. Cách hơn 2 tháng,
tới huyện Lạc-Dương.Thật là:

Một xuồng lá nhỏ du biển lớn,

Muôn trượng sóng dồi chẳng sợ kinh.