THẤT-CHƠN NHƠN-QUẢ

HỒI THỨ NĂM

Mã viên-ngoại cầu phụng dưỡng sư lễ,

Vương-Trùng-Dương kinh dinh hộ đạo tài.

 Nghĩa là:

Mã viên ngoại cầu dưng lễ nuôi thầy,

Vương-Trùng-Dương sửa sang tiền hộ đạo.

Có bài kệ rằng:  

Tiên Phật Thánh Hiền bởi tại tâm,

Nào tua đất lấp lại thành câm (kim vàng).

 Người đời nhang khói cầu xin vái,

Cười chết từ bi Quan-Thế-Âm.

 Bốn câu nói việc thành Tiên Phật Thánh Hiền cũng tại lòng người làm ra. Như lòng ngay thì mình cũng ngay, làm việc gì cũng thảy đều ngay. Còn lòng tà thì mình cũng tà, làm việc gì cũng thảy đều tà vậy. Nên người tu hành trước phải sửa lòng, sau thành cái ý: hễ lòng không chánh thì ý không thành, ý chẳng thành thì vọng niệm khởi ra trăm việc, phải mất chỗ đạo chơn.

Cổ nhơn có bài kệ rằng:

Vọng niệm nhứt sanh thần tức thuyên,

Thần thuyên lục tặc loạn tâm điền.

Tâm điền nhứt loạn thân vô chủ,

Lục đạo luân hồi tại nhãn tiền.

Nghĩa là:

Hễ vọng niệm sanh ra thì thần dời ra ngoài rồi,

 Thần ý dời thì sáu giặc rối loạn khiến tâm điền không tịnh.

 Nếu tâm điền rối loạn thì thân này không có người làm chủ,

Vì vậy, sáu đường luân hồi ở tại trước mắt chẳng xa.

Có bài kệ rằng:

Lục đạo luân hồi, thuyết bất khoan,

Súc sanh, ngạ quỷ, khổ thiên ban.

Khuyên quân vật khởi vọng tham niệm,

Nhứt thất nhơn thân vạn kiếp nan.

Nghĩa là: Sáu đường luân hồi nói không hết như người chẳng tỉnh xét, có ngày bị đọa vào trong chỗ súc sanh quỉ đói phải khổ sở ngàn việc, nên khuyên người đừng khởi việc tham tưởng lầm sai. Hễ làm mất cái thân này muôn kiếp khó trở lại đặng. Muốn ra khỏi chỗ luân hồi thì kiếp này phải tu mới hết việc khổ.
 Vì Tiên Phật Thánh Hiền cũng tại cái tâm, tâm phải chánh ý phải thành. Như tâm ý chánh thành để làm cốt Phật, nhang đèn cúng lạy, son vàng tô phết đó là vọng cầu. Nên nói: "Cười chết từ bi Quan-Thế-Âm" là cười người không có lòng chánh thành, lo sửa mình để vọng cầu việc giả. Lại nói ra tu lấy chỗ nhang đèn cúng vái mà cầu cho thành Tiên thành Phật, tánh Phật chỗ nào? Nên nực cười cho người lầm sai mà không cải sửa.
Có câu: "Bất vị tế hưởng nhi giáng phước; bất vị thất lễ nhi giáng họa". Nghĩa là: "Chẳng vì cúng tế mà cho phước; chẳng vì thất lễ mà giáng họa". Trời Phật Thánh Thần trọng là trọng người chí thành cung kỉnh, tự hối ăn năn biết sợ nhà tối có Thần không dám làm quấy thì Ngài thương lắm, kỉnh lắm. Người ấy dẫu không cầu Ngài cũng cho phước lộc. Còn Ngài ghét kẻ bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, bất lương, ý độc hại người, lòng lang ở bạc. Những người như vậy dầu cho nhang đèn cúng lạy thế nào, Ngài không dung đặng.
Bởi Ngài dặn làm phước chớ đừng cầu phước, tự nhiên họa dứt phước thêm, chớ Ngài có tư vị, hay là thương ghét ai bao giờ? Có câu "Hoạch tội ư Thiên vô sở đảo giả". Nghĩa là: "Mắc tội nơi trời thì không còn chỗ cầu vậy", như thế thì có ai biết mà tránh chăng?
 Ðây việc khuyên tỉnh đã nói rồi, lại nói qua Mã-Ðơn-Dương nghe người xách bầu thiếc đến, lật đật ra tiếp rước, thỉnh vào nói chuyện. Ông già đi theo viên-ngoại vào ngồi tại ghế giữa lấy lời khẳng khái mà hỏi: Vậy kêu ta cầu hỏi việc chi?
Viên-ngoại đáp: Tôi thấy ông già cả tuổi tác hằng ngày xin ăn lao khổ, muốn cầm lại đây nuôi ông, chẳng biết ông chịu hay không?
Nói chưa dứt lời, ông già giận nói: Ta thiệt xin ăn quen rồi,

chẳng chịu ăn những không công cực lộc của ai.
Viên-ngoại thấy ông giận chẳng dám nói nữa, liền vô nói với bà rằng: Ông xách bầu thiếc tôi thỉnh vô nhà nói việc nuôi dưỡng, ông nói chẳng chịu ăn những vô công thi thực, nên tôi hỏi bà tính làm sao?
Bà cười rằng: Ông nói chẳng nhằm việc, nên người không chịu. Chẳng nghe sách có nói: "Quân tử mưu đạo bất mưu thực, tiểu nhơn mưu thực bất mưu đạo". Nghĩa là: "Người quân tử ham đạo chẳng lo ăn, còn tiểu nhơn ham ăn chẳng lo đạo". Ông mới thấy mặt lại kể việc nuôi dưỡng, lấy chỗ ăn uống mà dụ, quân tử nào kể việc ăn uống, cầu chỗ Ðạo thì hơn. Tại ông nói thất lời, để tôi ra phân giải chắc ông an lòng chịu ở.

Có bài kệ rằng:  

Không phải tiên-sanh chẳng chịu cầu,

Vì lời nói biện chẳng nhằm câu,

 Huyên-Trinh ra giảng thông quyền biến,

 Chắc định ông già phải gật đầu.

Rồi đó Huyên-Trinh đến nhà trước, thấy ông già chắp tay xá nói rằng:
 Ông đặng muôn phước?
Ông già cười rằng: Ta là người tu hành nào có đặng phước!
Huyên-Trinh rằng: Ông chẳng lo việc quấy, muôn sự đều không, tiêu diêu thong thả, chẳng tính chẳng sầu, đặng chỗ cao thấp tự lòng, chẳng phải là phước sao? Tôi coi trong trần này biết bao nhiêu nhà giàu sang danh lợi mà trọn ngày nhọc lòng lo tưởng, thương vợ mến con không dứt. Tuy nói có phước mà xét lại chưa đặng thong thả, duy có cam cái danh lợi giả dối mà thôi nào phải như ông chẳng nhiễm việc trần, đặng hưởng chỗ không tâm, như vậy thật là Thần Tiên tại thế.
Ông già nghe nói cười lớn rằng: Cô đã biết sự tiêu diêu tự toại là phước, thanh tịnh vô vi là vui, mà sao chẳng học tiêu diêu tự toại? Chẳng tìm thanh tịnh không không?
Huyên-Trinh rằng: Tôi chẳng phải không học, vì chưa đặng chỗ pháp, tuy muốn tiêu diêu mà chẳng đặng tiêu diêu, muốn thanh tịnh mà chưa đặng thanh tịnh đó thôi.
Ông già rằng: Như cô chịu học thì tôi chẳng tiếc công.
 Huyên-Trinh nói: Như ông vui lòng từ bi dạy tôi, nhà tôi ở huê viên có cái "Kiểu-Nguyệt-Ðình" thiệt là thanh tịnh, thỉnh ông đến ở đó, bạn tôi mới đặng cầu học hỏi. Ông già liền gật đầu thuận ý.

Có bài kệ rằng:  

Làm biện nhằm câu biết cổ kim,

Tiên-sanh nay đặng hội tri-âm,

Tri-âm nói biện tri-âm tỏ,

Ðây đó nguyên là một giống tâm.

Ông già nghe bà Huyên-Trinh nói nhằm đạo lý, trong lòng vui mừng liền chịu ở dạy. Mã viên-ngoại nghe nói lại kêu gia tướng dọn dẹp sau huê viên chỗ "Kiểu-Nguyệt-Ðình" sạch sẽ thỉnh ông vào đó an nghỉ, lại trí một người gia đồng là Trần Khuê hằng ngày đem trà dưng nước. Viên-ngoại nói cùng bà rằng: Bạn mình nói chuyện với ông hơn nữa ngày mà chưa biết ông tên họ chi, để tôi hỏi coi. Huyên-Trinh rằng: Sách có câu "Ðại ân bất tạ, đại đức bất danh", nghĩa là ơn lớn chẳng tạ, người đức lớn chẳng tên làm chi; thôi kêu lão Tiên-sanh cũng đặng. Viên-ngoại chẳng nghe cứ muốn hỏi,

bà can không đặng phải để ông đi.
Viên-ngoại đến "Kiểu-Nguyệt-Ðình" thấy ông ngồi tịnh trên ghế. Viên-ngoại tới trước hỏi rằng: Xin hỏi ông cao tánh đại danh, nhà ở chỗ nào? Vì sao mà đến đây? Hỏi luôn mấy lần thấy ông ngó lên nói rằng: Ta là Vương-Trùng-Dương nhà ở tại Xiểm-Tây, ngàn dặm chẳng từ khó nhọc vì ngươi mà đến đây.
Mã viên-ngoại nghe nói giựt mình nói rằng: Tiên-sanh vì tôi mà đến đây? Ông vổ tay cười rằng: Thiệt, vì ngươi mới đến đây.
Viên-ngoại lại hỏi: Như Tiên-sanh vì tôi mà đến, ắt cũng có duyên cớ chi!
Trùng-Dương rằng: Ta đến đây vì cái vạn quán gia tài của ngươi mà đến.
Viên-ngoại nghe nói nửa cười nửa lo hỏi rằng: Ông vì vạn quán gia tài của tôi mà ông muốn lấy hay sao?
Trùng-Dương nói: Nếu tôi không muốn thì tới làm chi!
Viên-ngoại nghe nói mặt tái xanh, trở ra đi liền.

 Có bài kệ rằng:
 
Tiên-sanh lời nói chọc người kỉnh,

Trên thế chưa nghe những sự tình,

Muốn lấy gia tài không chỗ cớ,

Lẽ trong đạo lý thiệt chưa minh.

 Khi đó viên-ngoại ra khỏi Kiểu-Nguyệt-Ðình tính thầm trong bụng rằng: Ông này thiệt chưa hiểu mối việc, khi không mà muốn lấy gia tài của ta! Dám mở miệng như vậy! Con nít cũng chẳng dám nói lời đó, đường ấy mà làm sao có đạo đức kìa!
Chừng về phòng ngồi nghĩ, trong lòng buồn bực chẳng vui. Huyên-Trinh thấy viên-ngoại biến sắc, biết là bị ông già nói việc chi chẳng vui, liền cười nói rằng: Tôi đã nói trước, biểu đừng đi hỏi cũng không nghe, chắc ông bị điều chi chẳng vừa ý chăng? Hễ người quân tử phải có lượng lớn, dung người chế người, việc chi chẳng hiệp ý, xin đừng trách phiền, chớ học theo chí mọn chấp nhứt.
Viên-ngoại nghe bà nói mấy câu trong lòng mở giải, nói rằng: Tôi tưởng đâu ông già là người có đạo đức, ai dè ông thiệt người tham tài!
Bà hỏi: Sao mà biết tham tài?
Viên ngoại đem việc của ông thuật cho bà nghe: Nói muốn lấy gia tài của ta mới đến đây!
 Bà nói: Tiên-sanh nói muốn lấy gia tài của mình, chắc có duyên cớ chi, sao ông không hỏi cho minh bạch. Tôi thấy trong sách có câu: "Thiên niên điền địa bát bá chủ", nghĩa là "Ruộng đất ngàn năm thay đổi chủ có hơn tám trăm người". Trong đời tài sản thiệt là đồ chí công của Trời Ðất, chẳng qua là cho người mượn mà xài chung. Như người biết xài thì hưởng đặng ít chục năm, hoặc mấy đời. Sao gọi là biết xài? Như người có của mà biết xài là biết thi ân bố đức, giúp kẻ nghèo nàn, mua vật phóng sanh, tu kiều bồi lộ, chôn thây trôi nổi, làm các điều lành, chớ đừng cam một mình, gọi là xài chung một vốn.
Còn người không biết xài thì cũng như mưa dập bông tàn, gió thổi mây tan, hễ đến tay người này, thì liền trao cho người khác, hoặc không cần kiệm, xài phí, cờ bạc, rượu chè, cam để cho nhiều, làm điều trái lẽ. Hoặc cho vay ăn lời nặng mà tổn đức bình sanh. Như vậy làm sao mà hưởng đặng bền? Nên của ấy phải đổi dời. Ðó là chỗ chí công của Trời Ðất, luân phiên xoay trở không ngừng, nghèo đó rồi giàu, thạnh đó lại suy, nào có đặng làm chủ ngàn năm bao giờ? Vậy xin ông thức tỉnh.

Có bài kệ rằng:  

Vạn quán gia tài chớ đủ khoe,

 Ai mà giữ đặng trọn không dè,

Tài ba thiên hạ đồ công vật,

Há được ngàn năm được chở che.

 Khi đó bà Huyên-Trinh khuyên chồng rằng: Tiên-sanh như muốn lấy cái gia tài của mình, ắt có duyên cớ. Như hỏi ông nói đặng hiệp lý, mình nên dưng cho ông, huống là bạn mình không con cháu, gia tài này ngày sau chưa biết về tay ai. Nói chưa dứt lời viên-ngoại cười rằng: Bà nói đâu việc dễ lắm! Ông bà tôi từ Xiểm-Tây dời qua đến đây, chịu hết thiên tân vạn khổ mới đặng sự nghiệp này. Dẫu ta chẳng muốn nữa cũng chẳng dám đem sự khó nhọc của ông bà mà đưa cho người khác. Huống nay bạn mình tuổi mới nửa đời, như đem gia tài cho người rồi, mình còn nửa đời sau lấy chi cho qua ngày tháng, há chẳng lầm việc lớn đó sao?
Bà Huyên-Trinh nói: Uổng cho ông là người chí trượng phu mà việc không tỏ thấy. Bạn mình đem gia tài giao cho tiên-sanh là muốn cầu cái đạo trường sanh, cứu đặng cửu-huyền thất-tổ. Bằng như đặng thông việc đạo thì ta thành Thần Tiên, còn giữ cái gia tài này làm gì? Sách có nói: Một người con tu thành Tiên Phật thì cửu huyền đặng bạt tộc siêu thăng.
Như vậy đâu có lỗi với ông bà.
 Coi lại cái đạo siêu hết tông môn mà sánh chẳng bằng vạn quán gia tài này sao?

Có bài kệ rằng:

Của tiền vàng bạc có hằng hà,

Nào gặp đạo huyền đáng giá đa,

Của báu tuy nhiều sau cũng hết,

Ðạo công muôn thuở chẳng tiêu ma.

Viên-ngoại nghe bà giảng rồi nói rằng: Lời của bà chẳng phải không tốt, bằng như chẳng thành Thần Tiên, lời tục có nói: "Vẽ cọp chẳng thành trở lại giống chó" rồi làm sao?
Bà nói: Làm người phải có hằng tâm, như không có hằng tâm thì cũng chẳng khá làm đặng thầy bói, thầy thuốc, huống là học Thần Tiên. Như người có chí thì việc ắt thành, không chí thì ngày sau chẳng nên. Tại mình bền cùng chẳng bền. Sách có nói: Thần Tiên vốn thiệt người phàm tâm, chỉ sợ người lòng chẳng chuyên. Bởi tại người chuyên lòng chuyên chí phàm làm tới, có cầu chắc đặng. Có câu: Trồng dưa đặng dưa, trồng đậu đặng đậu, là lẽ thường. Xưa nay Thần Tiên ông nào cũng nhờ thân phàm mà tu thành, nào có sanh ra tự nhiên không học mà đặng biết bao giờ?
 Viên-ngoại nghe bà nói, gật đầu trả lời: Phải lắm! Phải lắm!
 Ðến bữa sau, viên-ngoại tới Kiểu-Nguyệt-Ðình hỏi Vương Trùng-Dương rằng: Bữa trước tiên-sanh nói muốn lấy gia tài của tôi, chẳng biết tiên-sanh muốn lấy đặng làm việc chi?
Trùng-Dương tiên-sanh lấy lời ngay nói rằng: Ý tôi muốn tiền đặng chiêu trong thiên hạ, những người tu hành học đạo ở tại đây đặng lập một cái đạo trường, cho kẻ tu hành biện đạo, tu tâm dưỡng tánh, có chỗ hộ đạo, trong ngoài không chỗ lụy; dứt đường ràng buộc thảy đặng vui mừng hoan hỉ, thoát nẻo luân hồi, và làm công đức giùm cho ông.
Tiên-sanh đem việc chơn thành tỏ cho Mã viên-ngoại nghe, chừng ấy viên-ngoại mới đem lòng vui phục.
Làm đặng việc xá mình theo người mới là siêu phàm nhập Thánh.

HỒI THỨ SÁU

Tôn-Huyên-Trinh khuyến phu xá tài,

Mã-Văn-Khôi thọ lộ thông quyền biến.

Nghĩa là:

Bà Tôn-Huyên-Trinh khuyên chồng xá gia tài,

Mã-Văn-Khôi ăn tiền thông quyền biến.

Có bài kệ rằng:  

Muôn phép đều không chớ muốn cầu,

Mượn tài hộ đạo dưỡng công phu.

Lần đem việc đó thông quyền biến,

Ngày khác y nhiên cũng hết sầu.

 Khi đó, Trùng-Dương tiên-sanh đem việc mượn tiền hộ đạo chiêu tập người tu hành nói cho Mã viên-ngoại nghe, viên-ngoại mới vui phục nói rằng: Như ông nói vậy thật người có đạo đức lớn, tôi cùng Tôn-Thị đều nguyện lạy ông làm thầy, chưa hiểu trong ý ông làm sao?
Trùng-Dương nói: Hai ông bà như có lòng chơn tâm học đạo tôi nào chẳng chịu! Nhưng mà trước phải xá gia tài rồi sau mới truyền cho chí đạo, một lòng một ý đặng khỏi chỗ lo nhớ.
Viên-ngoại nói: Thầy muốn dùng bao nhiêu tự ý, tôi không tham tiếc, hà tất phải xá?
Trùng-Dương nói: Như ngươi không xá, thì cũng còn của ngươi,
tôi không đặng tự do xuất phát.
Viên-ngoại nói: Ruộng đất, tiền bạc cùng tờ giấy giao ước dưng hết cho ông
cũng như tôi xá rồi.
Tiên-sanh rằng: Tờ giấy còn tên của ngươi, như muốn giao cho tôi phải thỉnh người trong tộc làm tờ xá ước mới có bằng cớ
Viên-ngoại nghe nói trở vui làm buồn, từ biệt tiên-sanh về nhà đem những lời Trùng-Dương thuật cho bà nghe, nói rằng: Theo ý tôi việc nầy chắc không thành.
Huyên-Trinh hỏi: Sao vậy?
Viên-ngoại nói: Bà chẳng hiểu trong tộc của tôi sao?
Bà nói: Người đều riêng lòng làm sao hiểu đặng!
Viên-ngoại nói: Người trong tộc tôi thấy vợ chồng mình không con, ai ai cũng thầm tính chia rồi, đợi vợ chồng mình chết thì gia tài nầy về họ, nào có chịu đem giao cho người khác,

nên tôi biết chắc không thành.
Bà Huyên-Trinh nói: Việc đó cũng khó, ngày mai ông thỉnh tộc-trưởng có quyền thế đặng nghị luận. Như họ y lời thì thôi, bằng chẳng chịu thì ông làm như vầy...... chắc là họ bao ông đặng nên.
Viên-ngoại nghe liền nói: Thiệt bà có trí cao, làm như vậy chắc đặng thành. Liền kêu Mã-Hưng đi thỉnh bổn tộc định ngày mai giờ ngọ tới cho đủ.
Mã-Hưng y lời đi thỉnh. Qua ngày sau, anh em đồng bạn và trong tộc lớn nhỏ đều vào nhà giữa phân thứ tự mà ngồi.
Có một người trưởng-tộc tên là Mã-Long làm chức Cống-Sĩ hỏi viên-ngoại rằng: Cháu thỉnh trong tộc có việc chi?
Viên-ngoại thưa: Cháu mấy năm rồi thường hay bịnh hoạn, trong mình chẳng khỏe hay chóng mặt. Nay có một người ở bên Xiểm-Tây tên là Vương-Lão Tiên-Sanh, thiệt người trung hậu, cháu biểu người ấy ở tại nhà cháu đem hết gia tài ruộng đất giao cho ông lo liệu đặng vợ chồng cháu an rảnh mà dưỡng bịnh. Ông biểu cháu thỉnh người tộc-trưởng làm tờ giao ước ông mới chịu lãnh. Nên nay cháu thỉnh tộc-trưởng đến thương lượng đặng
 làm tờ giao lại cho ông.
Viên-ngoại nói vừa dứt lời, có người anh tên là Mã-Miên nghe nói giận dữ chỉ viên-ngoại nói rằng: Chú ngây rồi, hồ ngôn nói loạn, cơ nghiệp của ông bà không bảo giữ, có đâu nói xá cho người ta. Chú nghe lời dỗ gạt mà nói như vậy. Mã viên ngoại biết việc không hợp lý, chẳng dám nói nữa.
Lại có một người chú họ tên là Mã-Văn-Khôi, làm chức học sanh và một người anh họ là Mã-Chiêu, làm quan Tử-Giám đại học-sanh. Hai người có tước trong tộc họ Mã, tài giỏi hơn hết. Hễ có việc chi lớn nhỏ đều nhờ hai người tính toán thì xong việc.
Mã-Văn-Khôi thiệt người có quyền biến, thấy Mã-Miên nặng lời cùng viên-ngoại, lên tiếng nói: Thôi đừng trách oán, cũng việc anh em, bởi viên-ngoại là người thật thà, phải mời Vương-Lão Tiên-Sanh ra đây đặng tôi hỏi coi cớ sao mà dám nói như vậy? Liền sai Mã-Hưng đi thỉnh Vương-lão. Trùng Dương ra đến cũng không làm lễ, mấy người đều không hỏi tới ông. Mã-Miên thấy ông cười lớn rằng: Tôi tưởng lão tiên-sanh nào, ai dè người đi xin ở đây!
 Mã-Văn-Khôi hỏi Trùng-Dương: Ông người cô-lão, thường hay ở xóm nầy xin ăn mấy năm, chưa nghe ông có tài chi, nay viên-ngoại của tôi coi trọng ông là một bực, tiếp về nuôi dưỡng đủ lễ thì thôi, phải an phận giữ mình, sao lại xúi cháu tôi biểu làm tờ xá gia tài cho ông? Ông là người năm sáu mươi tuổi, sao không biết lẽ? Trong thiên hạ nào có phép như vậy, mà dám nói ra không sợ chê cười?
Trùng-Dương đáp: Bình sanh tôi chẳng biết làm việc chi hết, vì nghèo sợ rồi, nên biểu y đem gia tài nhượng cho tôi đặng hưởng ít năm, nào sợ gì ai cười. Nói vừa dứt lời có Mã-Phú, Mã Quới nhảy lại chỉ trên mặt Trùng-Dương nạt một tiếng: Tao cho mấy thằng chẳng biết thể diện, con chim cú, con cú dại mà muốn đội mão phụng, chuột lang mà muốn ăn thịt khổng-tước, uổng cho mày sống mấy mươi tuổi, nói lời chẳng sợ xấu hổ, thiệt là đáng ghét!
 Mã-Phú kêu Mã-Quới nói rằng: Bạn ta đuổi nó ra ngoài xóm, đừng cho ở đây. Nói rồi liền áp lại kéo Trùng-Dương.
Mã-Chiêu can rằng: Thôi đừng đuổi xô, thương người cô lão. Nay viên-ngoại rước ông tới, thôi để ông đi, đừng cho viên ngoại xá gia tài thì thôi.
Mã-Phú, Mã-Quới mới ngừng tay. Kế Mã-viên-ngoại kề miệng gần tai Mã-Long nói nhỏ việc chi chẳng biết, rồi Mã Long nói với mấy người: Thôi anh em bây đừng ngầy-ngà, thảy đều về hết, để tao ở lại định việc, tao không cho nó nào dám xá. Mấy người nghe lời Mã-Long thảy đều ra về. Viên-ngoại thỉnh Mã-Long và Mã-Văn-Khôi ở lại mời vào phòng đãi rượu. Mã Long với Mã-Văn-Khôi ngồi bên tả, viên-ngoại ngồi bên hữu.
Làm lễ đãi tiệc vừa xong, Mã-viên-ngoại thưa rằng: Thưa trước ông cùng chú còn ở lại đây, nay cháu muốn một việc, thưa ông cùng chú toan liệu.
 Mã-Văn-Khôi hỏi: Vậy viên-ngoại có việc chi nói ra mới hiểu mà tính toán.
 Viên-ngoại nói: Tôi chẳng phải đem gia tài mà xá cho Vương-Trùng-Dương, chẳng qua là tạm ông coi dùm ít năm, đặng cháu thong thả an dưỡng chứng bịnh.
Mã-Văn-Khôi hỏi: Biểu ông coi giữ không thì phải, sao lại biểu lập tờ xá ước chi vậy?
Viên-ngoại thưa: Không, đó là nhứt thời quyền biến, thấy ông chơn tâm thiệt ý, cậy ông giữ giùm tôi cũng đặng rảnh tâm an dưỡng một lúc, chớ không có điều chi.
Mã-Văn-Khôi nói: Lẽ của cháu, ta chưa minh đặng, chẫm rải nói lại ta nghe.
Viên-ngoại thưa rằng: Chú nghe cháu tỏ, vì cháu nhiều bịnh, còn cháu dâu hay chóng mặt khó coi sóc các việc. Bấy lâu cháu tầm người trung-hậu thật-thà thế tay săn sóc, may nhờ trời tùng người như nguyện nên gặp lão tiên-sanh, tôi muốn đem gia tài giao cho ông lo liệu thì gia tài nầy cũng như của tôi. Bởi ông nghe chẳng kịp biểu tôi phải giao dứt cho ông, tôi thấy nói lời quê mùa, tôi cũng liền đáp theo như lời ông nói xá dứt. Ấy rõ ràng là lời nói chơi, ông tin là thiệt, lại biểu thỉnh trong tộc làm tờ xá ước cho ông. Tôi nghĩ ông là người cô-lão ở xứ xa đến đây, không bà con thân thích, dẫu giao hết cho ông cũng không lẽ sang dời đâu đặng. Huống ông tuổi già sống có mấy năm nên lập tờ cho ông gìn giữ thế cho tôi đặng dưỡng bịnh một lúc, chừng ông mãn phần cũng qui về tôi, nào có tổn hại chi. Xin ông cùng chú vui lòng an việc nầy, cháu rất đội ơn.
Mã-Long nói: Trong tộc đông người, để hỏi lại coi.
 Mã-Văn-Khôi lại hỏi Mã-Long, thấy Mã-Long gật đầu rồi nói:

Chuyện nầy một mình tôi ắt cũng chưa đặng.
Viên-ngoại nghe nói mời hai người vào phòng kín, lấy một món báu lạ đem để trước mặt hai người, thấy chớp sáng lòa, coi ý ông nào cũng chịu.

có bài kệ rằng:  

Chiếu chớp hình ra thấy nhãn tiền,

Sáng ngời một đốm lại tròn viên,

Có y muôn việc đều an chuyện,

Chẳng đặng dầu sanh cũng lụy liền.

Khi đó viên-ngoại đem ra thảy đều ngó cười, miệng chẳng hở môi, rồi Mã-Long nói với Mã-Văn-Khôi rằng: Viên-ngoại hồi sớm nói việc ấy rõ ràng, thế không có điều chi hại, chẳng qua là mượn việc xá ước mà buộc lòng ông già lo lắng công việc, như vậy cũng không sao.
Mã-Văn-Khôi rằng: Phải ấy là quyền biến một hồi cho có người giúp sức, như chú chịu lãnh thì mấy người kia tự nhiên phải an.
Mã-Long nháy nháy kề miệng vào tai Mã-Văn-Khôi nói ít câu, coi bộ vui mừng rồi nói rằng: Viên-ngoại hãy an lòng, chắc việc nầy xong đặng. Thôi để tôi đi nói với mấy người kia, thì thế nào cũng xong.

Có đặng bạc tiền việc lớn xong,
Nào lo xá ước lập không thành.

Trở lại trang mc lc

Thư Viện 1      4   5