Lại nói việc bà Tôn-Bất-Nhị đem hai nhánh cây hóa làm người trai, người gái giống như bà, mỗi ngày lại chợ, cập kê chơi giỡn, đánh không chạy, mắng không đi, người trong chợ không biết làm sao, thương-nghị làm một lá đơn vô thưa quan, xin trị chánh phong-hóa, đặng an trong chợ. Tờ bẩm như vầy:
"Cúi bẩm quan lớn đặng rõ: Nguyên mấy năm trước có một đàn-bà hình như bị bịnh phong, ở xứ xa đến, gởi thân ngoài thành ở trong lò gạch bể xin ăn. Chúng tôi thương người bịnh hoạn không đành bỏ đói, cho ăn uống đặng sống. Nay người ấy cùng một người trai thường cập kè chơi giỡn trong chợ nhiều lần, đánh đuổi không đi, thiệt không thành sự thể. Bởi xứ Lạc-Dương là chỗ phong đô ấp lớn, nam bắc hội đường, không nên để nó làm việc nhơ cho người cười chê xóm ấp như vậy. Cúi xin quan trong làm chủ, giết tuyệt yêu nam yêu nữ.
Nay bẩm. "
Quan huyện Lạc-Dương coi tờ bẩm, ngẫm nghĩ một hồi rồi phê rằng:
"Nếu thiệt kẻ phong điên, quả người mất trí không hiểu việc nhơn-tình thì tội kia còn chỗ dung. Kỳ thật, theo lời bẩm này nó là người bổn tánh không muội mà giả phong điên, trai gái đồng giữa chợ giỡn chơi làm những việc tồi phong bại tục. Ban ngày còn dám vậy, ban đêm tăm tối thế nào? Chợ không phải nơi làm tác tệ, lò gạch nào phải chỗ buôn dâm! Ðã đánh đuổi không đi phải giết cho tiêu hình biệt tích. Các người chờ nó vào lò gạch, chất củi khô châm lửa đốt thiêu. Tội trừng chẳng khá để lâu, các ngươi hãy thi hành cần kíp.
Nay phê. "
Quan huyện phê rồi truyền ra, cả chợ bá tánh nghe, mỗi người đem một bó củi lại lò gạch. Chẳng bao lâu, hai người nắm tay dắt vô trong lò. Mấy người đều la: Nó vô rồi! Mau quăng củi vào lò! Một lát chất thành như núi châm lửa đốt rần rần, khói bay mù mịt, liền thấy một cụm khói trong lò bay lên hóa ra ngũ-sắc tường-vân. Trên mây ngồi ba vị Tiên-nhơn: người ngồi giữa là bà phong điên kêu nói với mấy người trong chợ rằng: Tôi thiệt người tu hành, nhà tôi tại tỉnh Sơn-Ðông, tôi họ Tôn, tên Bất-Nhị, giả bịnh phong điên mà ẩn mình ở đây tu luyện được 12 năm. Nay tu thành rồi, tôi muốn mượn lửa mà phi thăng cho mau, nên lấy hai nhánh cây hóa ra một trai một gái, đặng dẫn mấy ông đưa dùm tôi đi. Tôi nhờ trong bá tánh nuôi dưỡng mấy năm mà đặng thành, không biết làm sao trả ơn, tôi nguyện từ đây đến sau trong bá tánh bình an mạnh giỏi, phong điều vũ thuận, quốc thới dân an.
Rất đội ơn ngàn thuở.
Nói rồi bà đem hai người xô xuống cho thiên hạ làm tin. Người người đều thấy trên mây rớt xuống hai người, lật đật chạy đỡ lên, thì thấy 2 nhánh cây khô rõ ràng. Ai nấy tức cười, ngó lên thấy Phong-Bà đã lên mây cao, rồi lần lần nhỏ cho đến mất, thảy đều cúi lạy giữa thinh không. Quả thiệt mấy năm phong điều võ thuận, mùa-màng đặng tốt, quốc thái dân an. Ai nấy đều cảm đức của bà, lập ra một cái miễu tên là "Tam-Tiên-Tự". Hễ có việc chi đến cầu vái đều đặng cảm ứng.
Nói về bà Tôn-Bất-Nhị về đến Sơn-Ðông, huyện Ninh-Hải, vừa tới nhà gặp Mã-Hưng chạy ra nghinh tiếp, bà thẳng vào nhà giữa nghỉ. Mã-Hưng liền báo cho Mã-viên-ngoại hay. Viên ngoại lật đật ra thấy mừng rằng: Tôn đạo-hữu bấy lâu cực khổ?
Bà đáp rằng: Sư huynh sao gọi tôi cực khổ? Hai chữ cực khổ là bạn tu hành phải chịu khổ khảo mới đặng chứng quả! Chịu khổ không đặng làm sao tu hành?
Hai đàng đang nói chuyện, mấy đứa tớ đều chạy ra mừng bà. Bà lấy làm vui-vẻ, khuyên dạy chúng nó như mẹ dạy con.
Ðêm đó, Tôn-Bất-Nhị và Mã-viên-ngoại ngồi công-phu. Viên-ngoại một đêm đi xuống mấy lần. Tôn-Bất-Nhị ngồi hoài tới sáng không dời động.
Viên-ngoại nói: Tôi coi Tôn đạo-hữu công-phu khá hơn tôi nhiều!
Bất-Nhị nói: Chẳng phải có một việc công-phu mà thôi,
cái đạo còn có nhiều việc huyền-diệu hơn mười phần.
Viên-ngoại nói: Ðạo-hữu đừng có ý cười tôi, tôi biết điểm đá thành bạc.
Tôn-Bất-Nhị cười rằng: Sư-huynh chỉ đá thành bạc, tôi biết chỉ đá thành vàng; mà vàng bạc ấy không khỏi đặng việc sống thác.
Thành mà chẳng đặng Thần Tiên thì không chỗ dùng đặng.
Tích xưa Thuần-Dương Lữ-Tổ theo thầy là Chung-Ly Lão-Tổ học đạo. Ngài lấy vải gói theo một cục đá nặng hơn mười cân, biểu Thuần-Dương mang theo ba năm, hai vai đều chai hết. Ông không một lời phiền trách. Bữa nọ Chung-Ly biểu Thuần-Dương mở gói ra thấy cục đá, tự nhiên không buồn hỏi rằng: Thưa thầy, đá đó làm chi?
Lão-Tổ nói: Tuy là cục đá mà chỉ đặng thành vàng, chẳng uổng công ngươi mang hết ba năm. Ông nói rồi liền lấy tay chỉ cục đá thành vàng, nói với Thuần-Dương rằng: Ta đem phép đó truyền dạy ngươi, ngươi chịu không?
Thuần-Dương hỏi: Ðá hóa thành vàng khá đặng còn hoài, không cải biến chăng?
Ðáp rằng: Ðá thành vàng cùng vàng thiệt chẳng như nhau. Vàng thì trước sau như một, không cải biến. Còn đá mà chỉ thành vàng thì 500 năm sau trở biến thành đá.
Thuần-Dương thưa: Như vậy tôi nguyện chẳng chịu học phép đó!
Lão-Tổ hỏi: Sao không học?
Thuần-Dương thưa: Vì lợi cho người 500 năm trước, mà để hại cho người 500 năm sau, cũng không xài đặng, nên tôi nguyện chẳng chịu học.
Lão-Tổ khen rằng: Ðạo niệm của người thiệt hơn ta, như vậy ắt sau đặng thành chánh-quả.
Nên luận qua cái phép chỉ đá thành vàng nầy,
còn để hại cho người sau thì với đạo có ích chi đâu?
Mã-Ðơn-Dương nghe nói không chỗ trả lời. Bữa sau Tôn-Bất-Nhị nấu một chảo nước sôi, đem vào nhà tắm, thỉnh Mã viên-ngoại đi tắm. Khi đó nhằm tháng 8, trời nóng nực thấy nước lên hơi nghi ngút rờ tay không đặng. Ðơn-Dương thăm coi nước nóng phỏng tay liền nói rằng: Không đặng! Không đặng!
Tôn-Bất-Nhị cười: Sư huynh tu hết mấy năm mà một chút như vậy cũng không đặng,
để tôi tắm thử.
Bà nói rồi bước vô tắm, nước lên hơi nghi ngút mà bà không nói nóng chút nào.
Tắm rồi bước ra.
Mã-Ðơn-Dương nói: Tôi với đạo-hữu cũng học một thầy, công-phu một thế mà sao việc diệu pháp đạo-hữu giỏi hơn tôi?
Bất-Nhị đáp: Thầy truyền đạo một cách mà chỗ tu luyện tại mình. Vì tôi ở tại Lạc-Dương khổ tu 12 năm mới đặng chút huyền-công. Còn sư huynh ở nhà vui hưởng an nhàn, giữ mấy căn nhà, ràng buộc thường thường tấc bước không khỏi, chẳng chịu khổ tu,
sợ lìa bỏ mất chỗ ở thì làm sao đặng huyền-công diệu pháp?
Ðơn-Dương rằng: Khi thầy thăng thiên rồi không ai coi giữ trong nhà, nên không đi đặng. Nay nhờ đạo-hữu về đây, xin giao việc, tôi nguyện ra luyện đạo.
Bữa đó viên-ngoại sửa soạn đợi gần sáng mấy người mê ngủ lén đi không ai hay. Bà thấy viên-ngoại lập chí tâm đạo như vậy, việc chắc đặng thành, tiền để lại nào có dùng hết, bà đem ra làm phước, sửa cầu, đắp lộ, cứu giúp người nghèo, lại xin một thằng con của Mã-Miên làm con nuôi đặng tiếp nối tông chi cho Mã-Ðơn-Dương.
Trót mấy năm, sắp đặt công việc xong rồi, bà vào núi Thái-Sơn (chỗ Ngọc-Nữ-Phong) tu dưỡng mấy năm nữa. Ðến ngày 19 tháng 2, bà thành đạo.
Lại nói việc Mã-Ðơn-Dương đi khỏi huyện Ninh-Hải chẳng biết đi đâu mà tu, lại nhớ mộ của thầy ở tại Xiểm-Tây. Khi tới Trường-An thấy phía trước có hai người đi, một người giống Khưu-Trường-Xuân mà chẳng biết phải không, bèn kêu thử: Khưu đạo-hữu!
Khưu-Trường-Xuân nghe kêu chạy lại, hai người gặp nhau vui mừng làm lễ ngồi tại bên đường. Mã-Ðơn-Dương hỏi: Ðạo hữu bấy lâu đi đặng mấy xứ?
Việc công phu tu luyện thể nào?
Trường-Xuân đáp: Vì mộ thầy ở đây nên không đành lìa xa, việc tu chẳng dám quên ơn.
Mã-Ðơn-Dương cười rằng: Thầy mình đạo thành rồi nào phải chết! Nhơn giả nói chết là ý thầy muốn dứt mấy người tu sau đừng vọng tưởng thành Tiên, chớ có chết đâu! Còn việc tu tấn là nội-công của mình, đức hạnh là ngoại-công, thầy có nói trong ngoài cũng phải tu hết mới đặng chỗ huyền-diệu. Nay đạo hữu nói không dám vong ơn là lầm rồi.
Khưu-Trường-Xuân nghe nói liền nhớ tỉnh lật đật lạy Mã-Ðơn-Dương thưa rằng: Vì tôi xa lìa sư huynh nên còn ám muội, nay nhờ sư huynh mở tỉnh, thiệt rất may. Nói rồi nhắc việc hồi đưa linh-cữu của thầy về Tây, đặng thấy mặt thầy cho Mã-Ðơn-Dương nghe v.v...
Ðơn-Dương nói: Ðạo huynh chẳng đặng ẩn giấu, hay đem mình khoe nên không thành đạo, phải sau mấy người. Nay đạo huynh phải răn cái tánh, muốn giữ mình xét tỉnh thì phải giấu cái trí xảo,
làm việc chơn thiệt,
tôi đem mấy đường công phu của thầy truyền tôi truyền hết cho đạo huynh.
Khưu-Trường-Xuân nghe nói vui mừng liền tạ ơn.
Kế đó dẫn Mã-Ðơn-Dương tới Ðại-Ngụy-Thôn bái yết miễu thầy. Qua đến tỉnh Tứ-Xuyên, Trường-Xuân biết việc lỗi hồi tâm cải sửa tánh hạnh, giấu việc động xảo chẳng dám khoe tài nữa. Mã-Ðơn-Dương thấy quả thiệt tình, mới đem việc huyền công diệu đạo chỉ cho Khưu-Trường-Xuân. Chừng đó Trường-Xuân cần học diệu lý chẳng dám dãi đãi. Mã-Ðơn-Dương thấy bên đất Sở phong cảnh hân hoan mà chẳng bằng Xiểm-Tây phước địa. Rồi cùng Trường-Xuân tại sông Nhơn-Hà qua đến hố Xuyên-Cốc. Bữa đó trời mưa tuyết lớn, hai người ở trong miễu lạnh đi không đặng ngồi chung một tấm bồ-đoàn. Nhơn khi Khưu-Trường-Xuân đến học đạo, không có đem bồ-đoàn theo. Sau theo thầy qua tới Giang-Nam, Mã-Ðơn-Dương đem bồ đoàn các món cho Khưu-Trường-Xuân. Ðến lúc đưa linh-cữu thầy qua Xiểm-Tây, Trường-Xuân cũng đem bồ-đoàn nạp-y theo. Áo nạp-y mấy năm mặc rách hết còn bồ-đoàn chưa hư.
òn Mã-Ðơn-Dương lúc ở nhà ngồi tu có nệm, nên chẳng sắm bồ-đoàn. Khi ra đi lật đật đem theo có một cái áo thay đổi và mấy lượng bạc. Chừng gặp Khưu-Trường-Xuân bạc xài đã hết, bây giờ theo Trường-Xuân xin ăn qua ngày, không tiền mua bồ-đoàn. Nên hai người phải ngồi chung một cái, đâu lưng mà an nghỉ, vì tu hành không cần thong thả,
muốn lập công khổ chí cho tu thành mà thôi.
Hai người ngồi trong miễu tu mấy bữa bị mưa tuyết đặc cao hơn 3 thước. Từ Xuyên-Cốc đến núi, cách tiệm cũng xa không đi xin đặng, hai người chịu đói ba ngày. Trường-Xuân trong lòng niệm tưởng muốn đi xin ăn mà bị tuyết đặc, nên đi không đặng.
Ðói lạnh gian-nan không than khổ,
Nào chẳng kém người vọng niệm sanh.
HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI
Phân bồ-đoàn, đạo bất luyến tình,
Vấn tướng pháp, đương diện Trường-Xuân.
Nghĩa là:
Chia cái bồ-đoàn thì đại-đạo chẳng luyến tình,
Thầy coi tướng trước mặt đem người chỉ nói.
Có bài kệ rằng:
Làm thiện như lên trăm thước thang,
Xuống thời rất dễ, tấn thời nan,
Chỉnh tua ra sức làm công đức,
Ðừng khiến cho mình sợ khổ than.
Lại nói việc Mã-Ðơn-Dương cùng Khưu-Trường-Xuân ở tại hố Xuyên-Cốc, trong miễu lạnh bị tuyết lớn đi không đặng. Trường-Xuân biết Ðơn-Dương có thiện niệm, vì thương ông nhà giàu mà xuất gia đi tu làm sao chịu lạnh cho nổi, cực khổ đói khát, phải chi đặng chén cháo lỏng cho ông đỡ đói. Trong ý muốn đi kiếm nhà đặng xin cơm cho ông ăn rồi ra ngoài miễu xem thấy mây giăng bít núi, tuyết lấp đầy non, chẳng nói không thấy nhà mà thôi, đường đi cũng không đặng, chẳng biết đâu xin, lại nếu rủi té xuống hố thì chẳng những cơm không đặng ăn mà còn sợ không bảo toàn tánh mạng.
Coi rồi trở vô ngồi không yên sợ Mã-Ðơn-Dương vì đói lạnh động ra tưởng việc ăn mà tán-loạn tinh-thần, trong lòng không định. Việc ấy kinh động đến bổn cảnh Thổ-Ðịa, ngài mới lật đật chạy đến Trương-Lão cho nằm chiêm bao. Trương-Lão đương ngủ thấy ông già đầu bạc đến nói rằng: Trong miễu ta có hai người tu hành, bị tuyết ngăn lạnh đói hết 3 ngày, ngươi phải mau mau nấu cơm cho y ăn đỡ đói. Nói rồi biến mất. Trương-Lão giựt mình ngồi dậy kêu vợ thuật chuyện v.v...
Tánh bà hay tin Thần Thánh, nghe nói lật đật nhúm lửa kêu dâu nấu cơm, rồi thuật chuyện chiêm bao cho dâu con hay. Ai nấy nghe vậy cũng vui mừng.
Một hồi trời sáng, Trương-Lão biểu người con đem cơm đến miễu thỉnh hai ông dùng cơm. Ðơn-Dương cũng tưởng mấy người ở gần xóm thấy mình nhịn đói có lòng trắc ẩn đem cho đỡ đói. Cùng Trường-Xuân ăn rồi tạ ơn. Người ấy thấy hai ông ăn rồi lấy đồ đem về, hai người cùng ngồi tu nữa.
Mã-Ðơn-Dương ngồi đến chiều, mới đi ra ngoài coi tuyết bớt chưa, lại thấy một người đi đến, sợ đồn nên lật đật trở vô. Rồi Khưu-Trường-Xuân đứng dậy nói: Thiệt người tu hành cũng có cảm ứng chớ. Tôi hồi khuya sợ sư huynh đói lạnh khó chịu, trong lòng tưởng muốn phải có một chén cháo cho sư huynh ăn đỡ đói, ai dè tưởng vậy có vậy. Ngày nay có người đem cơm cho ăn thiệt rất linh nghiệm.
Ðơn-Dương nghe nói nổi giận nói rằng: Người quân-tử lo đạo chẳng lo ăn, ngươi chẳng lo tu niệm tấn đạo để lo ăn mãi. Không nghe trong sách có nói:
"Quá khứ tâm chẳng khá còn; Hiện tại tâm chẳng khá có; Vị lai tâm chẳng khá tưởng".
(Việc qua rồi đừng nhớ; Việc hiện tại đừng tưởng; Việc chưa đến đừng trông)
Ngươi nay ba thứ tâm chưa dứt, một niệm chưa quên, làm sao học đạo? Ta nay không chịu đi chung với ngươi nữa, phân ly nhau. Trường-Xuân nghe nói tự hối chẳng kịp, biết mình niệm sai, lấy lời xin lỗi. Hai người đương nói, thấy một người đốn cây trước miễu đặng làm củi.
Mã-Ðơn-Dương thấy cầm cái dao, bèn hỏi mượn, người ấy đưa cho. Mã-Ðơn-Dương lấy cắt cái bồ-đoàn, rồi trả dao cho người đó, lại kêu Trường-Xuân nói rằng: Bồ-đoàn phân làm hai miếng phải đi riêng là tu mới đặng, phận ai nấy lo chớ khá trước cần sau dãi-đãi mà hại việc tu. Nói rồi quảy đồ đi liền. Trường-Xuân không cho đi, chạy theo sau.
Người đốn củi thấy vậy hỏi rằng:
Bây giờ gần tối thầy đi đâu?
Trường-Xuân đáp: Muốn chạy theo sư huynh tôi.
Người ấy ngó bốn phía không thấy ai, lại nói:
Sư huynh của thầy đi vào ngã nào tôi không thấy?
Trường-Xuân: ổng đi đường nầy!
Người ấy nói: Ðường nầy mấy chục dặm không có nhà ai hết, trời gần tối rồi có chỗ đâu mà nghỉ, thầy theo cũng không kịp. Vậy nghe lời tôi ở đây mà nghỉ,
sáng sẽ đi kiếm ông.
Trường-Xuân nói: Anh kêu giùm tôi một tiếng, coi ông có trở lại không?
Người đó trèo lên cây kêu lớn rằng: Bớ đạo-trưởng, mau mau trở lại, đi chẳng đặng! Kêu dội mấy lần không nghe tiếng, rồi trèo xuống đi về.
Trường-Xuân trở lại miễu nghỉ nữa.
Ðây nói việc Mã-Ðơn-Dương cái đạo cũng thành rồi, nên cùng Khưu-Trường-Xuân phân biệt ra đi là muốn kềm cho y lo việc tu hành, sợ đi một đường y lo cho mình hoài,
mất việc tu của y nên phải lánh như vậy.
Bữa đó ông ra khỏi miễu, tá thổ độn đi đến tỉnh Hà-Nam, vào núi Trung-Sơn tu dưỡng. Nhằm vua Gia-Thái năm Giáp-Tý, tháng 2 ngày 17 tiếp đặng đơn thơ rồi thành đạo. Ông có làm một cuốn "Tu-Chơn Ngữ-Lục truyện đời".
Trong Thất-Chơn thành hết 6 người, còn Khưu-Trường-Xuân chưa thành. Ông từ Mã-Ðơn-Dương phân ra đến sau thêm lo việc tu, lập ra mấy lời thệ nguyện, làm bài thi trừ cái vọng niệm của ông. Ông muốn diệt cho hết cái tâm phàm đặng sau thành chánh-quả,
ông làm bài thi rằng:
Vọng niệm manh thời bất khả đương,
Cơ tư phạn thực, khát tư thang,
Kiêm tương vọng niệm nhứt tề liễu,
Cải quán thần thời cựu thổ trường.
Vọng đắc nhơn tài cân cốt đoạn,
Vọng tham nhơn thực khổ sanh sang,
Ban ban vọng niệm tổng tiêu tận,
Thân nội không không vô sở toàn.
Nghĩa là: Cái vọng niệm muốn sanh khó ngăn đặng. Ðói thì muốn ăn, khát thì muốn uống nước. Nay đem việc vọng niệm đều bỏ. Cải đổi cái lòng cũ khi trước. Khi còn vọng muốn của người, tôi nguyện gân xương đều gãy đứt, đi không đặng. Còn vọng tham ăn của người thì miệng sanh ghẻ. Món món vọng niệm đều tiêu. Trong mình không không chẳng có một mảy thính thiên an mạng tự trời.
Ông làm bài thi rồi vui mừng hớn hở, giữ đặng hơn nửa tháng cũng còn có khi vọng nhớ, rồi ông đi lại tiệm cây xin một miếng bảng lấy viết mực biên 8 câu thi, thường mang trên cổ,
đặng mỗi ngày thấy nhớ gìn giữ.
Thi rằng:
Vọng niệm muốn trừ bỏ chẳng thanh,
Nay đem trên bảng viết thông-minh,
Vọng ngôn, vọng ngữ, đều trừ sạch,
Vọng ngữ, vọng tham phải quyết tin.
Vọng lấy bạc tiền tay cốt gãy,
Vọng ăn cơm cháo miệng sanh đinh (ghẻ),
Giờ giờ trong bụng thường lo sợ,
Chớ để thất-tình lục-dục sanh.
Khưu-Trường-Xuân lấy bảng mang trên cổ, mỗi ngày thường xét ba lần, hễ vọng niệm trừ được một phần thì cái đạo tâm thêm một phần. Ông lập tâm trừ được vọng niệm lần lần luyện đặng quên luôn.
Ði đủ các nơi không hề nhiễm một việc chi trong tâm cả. Bữa nọ đi đến đất Hà-Ðông, thấy bên đường có một cái nhà sạch sẽ, chừng giờ ngọ ông đến hóa chay, thấy có một thằng nhỏ ở trong đi ra, ông nói với nó rằng: Tôi ở xa đến đây xin ăn, làm phước cho tôi một bữa. Thằng nhỏ nghe nói vô nhà đem ra một đĩa bánh cho ăn, ông sửa soạn lại ăn, liền thấy một ông già chừng 50 tuổi, râu tóc hoa râm trong nhà đi ra ngó ông một hồi rồi vói lấy hai cái bánh trong đĩa đưa cho Trường-Xuân, còn bao nhiêu biểu thằng nhỏ đem vô. Trường-Xuân thấy vậy thưa rằng: Thằng nhỏ cho tôi đặng kết duyên với tôi, sao ông biểu nó đem vô? Tiên-sanh chẳng đành cho tôi hay là bần-đạo chẳng được hưởng của đó chăng?
Xin tỏ cho tôi hiểu!
Ông già cười rằng: Một bữa cơm tôi nào không chịu nổi,
nhơn vì đạo-trưởng không phước hưởng đặng nhiều!
Trường-Xuân nghe nói giựt mình hỏi rằng: Tôi có một bữa ăn mà hưởng không đặng, chắc có duyên cớ, xin thầy làm ơn tỏ giùm.
Ông già nói: Vì tôi có học tinh thông việc ma-y tướng-phép, trong thế gian du phương nhiều năm coi đoán việc người cùng thông thọ yểu đắc thất vinh khô, không sai một mảy, trong giang hồ đặt cho tôi hiệu là Toán-Ma-Y.
Hồi nảy tôi coi tướng của đạo-trưởng ăn no chẳng đặng, hễ ăn no một bữa thì phải nhịn đói mấy bữa, chẳng bằng ăn ít một chút mà mỗi bữa có thường. Thiệt tôi có ý thương đạo-trưởng, chớ không phải tôi tiếc một bữa ăn.
Khưu-Trường-Xuân gật đầu hỏi rằng: Thiệt thầy đoán không sai, xin thầy làm ơn coi lại giùm, tướng tôi tu đặng thành công chăng?
Toán-Ma-Y coi rồi nói: Chẳng đặng, chẳng đặng! Xin đừng trách tôi nói ngay. Tướng ông hai bên miệng có 2 đường chỉ chạy vào khóe miệng, gọi là "Ðằng-xà tả-khẩu" ứng về chỗ bị chết đói. Còn mấy chỗ khác hình tướng tuy tốt chớ thế nào không khỏi bị nạn ách đặng,
sợ chịu không nổi làm sao tu cho thành?
Trường-Xuân hỏi: Có chỗ cải đặng chăng?
Toán-Ma-Y rằng: Cái tướng nó định chung thân nào cải đặng! Có chết thì thôi. Bất kỳ người giàu sang, nghèo khó, không luận là ở tục hay xuất gia, hễ cái mạng bị chết đói thì phải chết đói, chẳng trốn lánh đâu đặng, không phép giải nổi.
Ðể tôi nhắc tích hai người cổ nhơn cho ông nghe: Hồi đời Liệt-Quốc có ông Võ-Linh-Vương, tướng định chết đói, ông làm vua một nước mà cũng phải chết đói là vì hai người con của ông giành ngôi đánh với nhau, sợ ông có lòng thương riêng nên khóa cửa cung lại, biểu binh coi giữ. Hai đàng đánh mấy tháng chẳng thôi, trong cung tuyệt lương thảy đều đói chết. Võ-Linh-Vương đói 7 ngày, cơm nước không có một miếng, ông thấy ổ chim tước, ý muốn lên bắt chim con mà ăn, thấy có cái thang bắt leo lên cây, ai dè chim con bay hết rồi, còn có một cái trứng, lấy cầm lên tay muốn ăn, bị chim lớn bay lại đập cánh. Võ-Linh-Vương giựt mình rớt trứng chim nên ăn không đặng.
Nhơn vì tướng chết đói, thiệt một trứng chim mà cũng không đặng ăn.
Còn thuở Hớn-Thành-Ðế, có một vị quan lớn tên Ðặng-Thông cũng gặp thầy coi tướng, nói tướng ông bị chết đói. Bữa nọ ông tâu cùng Hớn-Thành-Ðế rằng: Tôi là Ðặng-Thông làm quan thanh liêm, trong nhà không dư mà thầy tướng coi nói tôi sau bị chết đói, tưởng nhà tôi đạm bạc dường ấy e sau chắc phải chết đói.
Hớn-Thành-Ðế rằng: Trẩm ắt cho khanh đặng giàu sang, ắt cho đặng no ấm, lời thầy tướng không chi làm chắc. Trẩm cho khanh một cái núi đồng ở tỉnh Vân-Nam, đúc tiền mà dùng. Một năm đúc đặng hơn mấy chục muôn, trong mười năm được mấy trăm vạn,
làm sao mà chết đói?
Ðặng-Thông nghe nói chắc khỏi; ai dè Thành-Ðế băng hà rồi Thái-Tử lên ngôi, văn võ bá quan tâu rằng: Ðặng-Thông hồ mị tâu với lão Thượng-Hoàng đặng mình làm giàu, dám đem núi đồng nhà nước mà riêng đúc bạc tiền xài phí, tội ấy chẳng nhỏ. Thái-Tử nghe tâu liền nổi đại nộ, biểu quan Hình-Bộ tịch hết gia tài của Ðặng-Thông. Xét ông là cựu-thần của Tiên-Ðế nên tha tội tru-lục, đem bỏ thiên-lao. Lại bị bá quan tâu thêm dứt tuyệt cơm nước chẳng cho ăn đói 7, 8 ngày, đến bữa gần chết muốn uống một hớp nước. Người chủ ngục thấy vậy có lòng thương đem lại cho, bị mấy ông quan ngục ngó thấy, la một tiếng lớn, chủ ngục giựt mình, rớt đổ chén nước dưới đất. Nghĩ thiệt chết đói, một miếng nước uống cũng không được. Hai người đó giàu sang hết bực mà cũng phải chết đói, thiệt tướng pháp không sai. Nên Bá-Di, Thúc-Tề, hai ông biết mạng mà không chịu tranh chức,
tình nguyện chết tại núi Thú-Dương.
Còn ông Lương-Võ-Ðế và Tần-Thỉ-Hoàng chẳng biết mạng. Một người chết trên núi Ngũ-Tướng-Sơn, bởi số chết đói, không sao trốn đặng.
Toán-Ma-Y thuật chuyện cổ nhơn cho Trường-Xuân nghe. Trường-Xuân kinh hải, thâu tâm mộ đạo, hết sức thức tỉnh, lạy tạ ra đi, trở lại Tây-Tần quyết lòng học theo hai ông Bá-Di, Thúc-Tề hai vị thánh nhân, thuận theo mạng trời.
Bữa nọ đi đến đất Tần, có một đường hố sâu, hai bên núi cao, đá dốc chập chồng, thiệt đường nguy hiểm. Ông Khưu đến đó kiếm một miếng đá nằm ngửa trên đó mà đợi chết, đói trọn 7 ngày nước cũng không uống, cam tâm chịu như lời nguyện. Nhơn vì ông thiệt là người tu hành tinh-thần đầy đủ, không sợ chết, bằng như người thường thì đã ô-hô rồi!
Qua đến ngày thứ 9, không biết mưa ở đâu dâng nước dẫy đầy khe rãnh, ngập gần bên mình, ông thiệt cầu chết, muốn an mạng thuận trời đặng y theo tướng pháp, chớ nếu ông chẳng an mạng thì nhảy xuống nước chết rồi, để chi nhiều việc cực khổ.
Ấy là cổ-nhơn giữ chắc một lời,
không vì chỗ sống thác mà đổi chí,
nên gọi là người hiền.
Lại nói ông nằm trên đá, nước chảy ngang đó một trái đào tươi tốt trôi trước mặt ông mấy lần, mùi thơm bay tận mũi. Ông thiệt không ý muốn ăn, vì nhớ tích Võ-Linh-Vương lúc gần chết mà một trứng chim ăn cũng không đặng. Còn Ðặng-Thông gần chết một chén nước uống cũng không đặng. Mình nay cũng gần chết, không biết ăn đặng trái đào nầy không?
Mạng chưa phải chết rồi đặng cứu,
Trời thưởng đào tiên tới bên mình.