Lạy Cha Kinh Báu

CHIẾU MINH GIÁO TOÀ
BÌNH MINH – VĨNH LONG
Năm 1998
LỜI TỰA
XXX

Với đương lối chú trọng về giáo dục con người để sống thuận hợp trên thế gian, các tôn giáo viết kinh sách giúp cho họ học hiểu, những chủ thuyết, tư tưởng để rồi thực hiện trau sửa. Qua nhiều đời lưu truyền khiến nhân sinh choá mắt trước thiên kinh vạn quyển họ lạc vào rừng kinh sách và hoang mang không biết đâu là chánh là tà, nhất là họ chẳng có đuốc sáng để nhận chân, biết thật, nên họ bị lưới vạn thù úp chụp, khó trở về bản nguyên, càng đi ra càng xa cội ly nguồn.
Từ nhứt bổn ứng vạn thù.
Nếu sinh nhân giác ngộ không muốn quẩn quanh trong vòng vạn hữu, trở về nguồn cội, chỗ đơn nhất tối sơ, điểm Một rốt ráo là đỉnh cao tột tâm linh, họ phải hồi đầu hướng thượng, hiệp giác bội trần, nương Hữu tìm Vô.
Từ vạn thù qui nhất bổn.
Con đường trở về Một đó thật trọng đại vô cùng, một cuộc trường kỳ kháng chiến không mệt mõi để thắng giặc vô minh ở nơi lòng. Nhờ phương tiện thân xác và linh hồn khả dĩ giúp họ về nguồn cội với kim chỉ nam định hướng đúng đắn. Tâm lực mạnh mẽ, trí lực dồi dào họ còn lo chi không qui hồi được.
Điều quan trọng nhân sinh phải rõ là cần phải có trí tụê và đạt đến cái thấy biết rốt ráo.
Với nhãn giới của Thiên Chúa, thấy biết của Như Lai soi thông cả thảy như nhật diện chói chang.
Còn nhãn giới của thế tục, tri kiến của chúng sanh như những vì sao trùng trùng điệp điệp trên bầu trời, chỉ là đốm sáng lập loè.
Do đó thấy biết làm Một là Trí, thấy biết làm nhiều là Ngu.
Chính vì muốn tỏ rõ chỗ đạo lý duy nhất không phân biệt, chẳng còn ta người, hữu vô.
Phật Chúa là một.
Đông Tây là một.
Âm Dương là một.
Chân Lý là một.
Chỗ một đó mới thể hiện cái đạo của Trời.
Như Thích Ca được sinh ra ở phương Đông vào mùa hè nóng bức trong cung điện vàng son, chăn ấm nệm êm, cao sang tột độ, giai cấp thượng lưu Vua Chúa, Ngài cho mình là Như Lai.
Giêsu được sinh ra ở phương Tây, vào mùa Đông rét mướt nơi hang đá, nằm trên máng cỏ, nghèo khổ cùng đinh, giai cấp hạ lưu du mục, Ngài gọi mình là kẻ Trộm.
Ta thấy ở chỗ lưỡng biên tương đối: Đông Tây, nóng lạnh, sang hèn, thượng hạ, Như Lai và kẻ Trộm thật không phải là hai, chỉ cần cái gạch nối liền thành cái vòng pháp luân hằng xoay vận chuyển, không trước, không sau, không cao không thấp, không đến mà đến, đến cũng như không đến, thể hiện Trung Đạo thuần chơn tâm pháp ưu việt,
Tam Tạng Kinh:
Di Đà Diệu Pháp.
Lạy Cha Kinh Báu.
Phương Pháp Bồi Dưỡng Sức Khoẻ và Tinh Thần.
Chỉ là một mà thôi.
Tuy ba mà một, tuy một mà ba.
Kinh pháp giúp cho nhân sinh giác ngộ tìm về nguồn cội vừa tri vừa hành theo vô vi lý nhiệm họ tận tâm thực hành, quyết chí luyện trau, trước sau gì cũng có kết quả đúng như yêu cầu, y như sở nguyện của mình.
Một dòng Đông, một dòng Tây liên kết.
Nhân sinh quả là diễm phúc.

CHƯƠNG I
XXX
LỜI KINH DẪN NHẬP

Nhân sinh thường Quan niệm kinh là sách của các vị chơn tu liễu tạo hoặc Giáo chủ của tôn giáo lớn dụng tâm chỉ dạy đường lối tu hành, giúp họ tầm tu về đạo đức, thực hiện việc trau tâm luyện tánh. Ngoài ra có những kinh do các đệ tử cận kề ghi chép lại những lời thuyết giảng trong lúc hành đạo. Chính vì vậy sự sao đi chép lại nhiều lần làm mất đi pháp ý, sai lệch máy trời, không hợp với sự Thật thuần nhiên; nhất là quý Ngài dùng thần ngữ để diễn tả máy Trời - Thiên cơ mật nhiệm hư hư thật thật, nữa kín nữa hở, nói đầu giấu đuôi, nói đuôi giấu đầu, nhân sinh xem thì thấy, nhưng không hiểu, đạo mầu quá cao sâu không thể dùng lòng phàm tánh tục để đo lường lời Tiên ý Thánh nên không lãnh hội chỗ duy nhất pháp.
Xem kinh nhân sinh chẳng hiểu lại nghi ngờ những lời phán dạy đầy bí ẩn, một đôi khi nó trái với thực tế chẳng hợp với khoa học, nương tướng chấp sự nên không rõ được tánh. Họ chỉ chấp vào một cục diện của vấn đề nên không hiểu đặng cái toàn chu nguyên thể, bất lượng, bất tri, chẳng rõ đạo pháp ứng hiện. Điều này nói lên thực tế như thể người mù xem voi, chẳng có ánh sáng nên không thấu triệt thật tướng của nó. Đó là nhãn giới của thế tục, thấy biết của chúng sanh, những đốm sáng lập loè, làm sao khai minh chỗ tối linh tối diệu, nên họ đành cam với số phận sống trong ngục tù đen tối.
Nếu muốn liễu đạt chơn lý nơi kinh văn cần phải có một trình độ tương đương với tác giả của nó, do đó kinh sách là đuốc sáng soi đường cho kẻ đại căn, nhưng lại là bẫy rập gài người hạ trí. Nhân sinh muốn thấu triệt kinh văn cần phải có ánh sáng mới thấy biết, cũng như những người thợ chuyên môn nhận rõ thạch trung hữu ngọc, trong đá có ngọc thì việc xem kinh cũng vậy. Tất cả kinh đều mượn lời bày lý, người đọc phải đạt lý quên lời, nương theo sự thì chỉ biết được cái lớp võ bên ngoài, không rõ được thực chất ở bên trong, cũng như một đứa trẻ lần đầu tiên thấy quả sầu riêng, nghe mùi hương bám mũi vào lớp võ đụng phải gai nhọn làm chảy máu, nên cảm thấy sợ hãi. Còn người lớn biết được bỏ lớp vỏ, để thưởng thức cái vị ngon ngọt ở bên trong, mới thấy giá trị của nó.
Kinh sách cũng vậy, dùng lời mượn sự để phô bày cho nhân sinh tìm đọc, học hiểu lý nhiệm sâu kín ẩn tàng ở bên trong. Các vị tu hành thành đạo muốn lưu truyền cho hậu thế dụng tâm chỉ dạy việc cần phải làm trên lộ trình từ mê đến giác, phàm nên thánh để cho kẽ hậu học sau này biết được từng mỗi giai đoạn tu tiến, nhờ có kinh nghiệm quý báu của tiền nhân soi dẫn. Họ không có ánh sáng để phân định thì rất nguy hiểm, cho nên việc tìm đạo nơi kinh sách không những chẳng có lợi, lại gây tai hại lớn lao có khi phí cả một đời chẳng tô bồi lại phá hoại tiêu tan hết quý bửu của trời ban.
Như ta đã biết tất cả các kinh sách lưu truyền trên thế gian này điều do cái trí của con người tạo ra. Dù ta có ở lại trên cỏi đời ngàn kiếp cũng không đọc hết được, nhưng khi ta trau luyện cái trí đến chỗ viên mãn thì thiên kinh vạn quyển nhất thời minh. Điều này chứng tỏ cái trí của ta đối với vũ trụ bao la khác nào như hạt cát trong sa mạc, làm sao rõ thấu hết, nhưng một điều hiển nhiên khi ta rõ biết tận tường hạt cát này thì ta biết được cả sa mạc gồm những hạt cát như thế. Biết một là biết tất cả, hiểu một là hiểu tất cả, tất cả đó là cái đạo nơi ta. Tất cả kinh sách nào cũng nói đến thân tâm của con người, do đó ta có bổn phận phải trở về nơi ta; đây cũng là một bộ kinh vô lượng trang, đầy đủ tất cả, ta lần lượt tầm tri học hỏi để làm chủ bộ kinh này. Phật gọi là vạn bửu nang, Chúa gọi là vườn nho, Tiên gọi là vườn đào cũng là kho thuốc để chế linh đơn diệu dược, làm rượu thánh, có được bồ đào tiên tửu uống vào trường sanh bất tử. Trước tiên muốn tìm hiểu thánh kinh quý giá này ta phải rõ cả ngoài lẫn trong, tướng và tánh, hữu và vô để tri tường lý đạo. Tư tưởng Lão Trang có dạy:
“Ai biết được Trời đất như hạt thóc, sợi lông như hòn núi là biết đạo”
Đi ra : đạo ra pháp nhất bổn ứng vạn thù. Quy hồi : vạn thù quy nhất bổn.
Chỗ đạo ra pháp ta phải nương pháp trở về với đạo, thông cả ngọn nguồn, hữu vô, đất trời là ta thấu rõ tất cả.
Ta tìm ngay vào nguồn cội, miền đất thánh sinh Chúa, mượn ngoài để biết trong, tất nhiên sự thật lộ bày ra trước mắt.
- Miền­ Galilê cao tột cũng là : thượng điền, cái đầu của ta đấy. Miền này có đỉnh “Xinai”, biển Galilê, Diêu Trì, Não bộ, nơi đây thường có giông bão rất nguy hiểm cho người lái thuyền qua biển, tâm khí dấy động bất thường. (Biển trần)
- Miền “Samari” ở giữa, trung điền, ngực của con người. Gồm có con sông “Jordan” với hai dòng thuận nghịch, thông thiên hà, cột sống, thông trên và dưới.
Mùa hè nước đổ xuống xuôi dòng, khô cạn, thuận đi ra vào biển chết.
Mùa xuân nước dâng trào, nghịch chuyển về nguồn.
- Miền “Giuda” ở phía dưới, hạ điền, bụng, gồm có biển chết, Liên Trì, ao chứa tinh. Ta nhận thấy:
Đi ra từ trên xuống dưới tuôn ra ngoài.
Quy hồi từ dưới đi lên, nghịch chuyển về nguồn.
Miền đất thánh cũng giống như thân thể con người, một tiểu vũ trụ thu hẹp.
Chúa Jêsu sinh ra tại “Bêlehem”, nhà kho chứa bánh mì, thức ăn đem lại sự sống, cũng là đơn điền của ta để tạo thần dược cứu khổ ban vui.
Ngài được 3 nhà Tiên Tri dâng 3 bảo vật:
Người đã là lãu thông Thiên cơ mật pháp nuôi thánh thể bằng Tam bảo:
+ Vàng : Thần
+ Nhũ hương : Khí
+ Mộc dược : Tinh
Kết thành khối sáng, nhờ có tinh đầy, khí đu, thần quang tỏ rạng.
Như vậy thân ta là một quyển kinh của tất cả kinh, ta có bổn phận tìm hiểu, thông đạt trọn vẹn bộ kinh này và hết sức giữ gìn nó để thực hiện đầu tư lớn, kinh tế bản thân, sức khoẻ và tinh thần để trở thành hữu dụng. Đây là vấn đề ta cần phải giải quyết trước tiên, Thánh hoá đại kinh, không còn mờ lu u tối, hắc ám, khổ đau, não phiền luỹ tiết, chất chứa đầy thói hư tật xấu, cả một xã hội băng hoại nơi lòng nữa. Nhờ ta biết phương pháp giải trừ ô nhiễm, khử trược lưu danh, khối sáng trong ta hiện ra-EmanuEl, “Trời con” ở với loài người được đem ra soi rọi, biến mê thành giác, tối thành sáng, phàm thành thánh, đây là nhiệm vụ thiết thực:
Thánh kinh của chính mình.
Tự mình hành, tự mình đạt, tự chứng đắc một cách hiện thực, không mong vọng, chẳng nguyện cầu ta vẫn có được báu kinh thật sự đem ra ứng dụng bất cứ lúc nào.
Chính vô tự chơn kinh hiển linh tột độ!. Trong giai đoạn thanh lọc bản thể, từ tướng đến tánh, sức khoẻ và tinh thần, thân tâm của ta đến chỗ tốt đẹp trở thành quý bửu thật sự của giai đoạn tự tu, tự độ, đắp xây tô bồi rồi đến nhiệm vụ kế tiếp rất quan trọng:
Kinh Thánh
Đem chơn kinh ứng dụng đến cho mọi người được nhiều sáng suốt, khải mê hoàn giác của giai đoạn giác tha, độ tha chia xẽ lời Chúa.
Tự cứu khổ ban vui cho chính mình chưa đủ cần phải cứu khổ ban vui cho mọi người, phổ độ chúng sanh của thời kỳ tận độ, đem đạo vào đời một cách vi diệu mới có giá trị thật sự.
Qua sự trình bày về:
Thánh kinh và kinh Thánh: nhờ ta thực hiện cái đạo nơi ta đến chỗ thành tựu tốt đẹp, từ tiểu vị cá thể đến đại đồng nhân loại, cứu khổ ban vui là biểu tượng tình thương cao cả của Cha trời ban xuống khắp cùng thiên hạ.
Ta do đạo tạo thành, nương ta tìm đạo, có ta là có đạo, mất ta là mất đạo, làm chủ ta là làm chủ đạo.
Cơ thể con người là vũ trụ thu hẹp, tương tự như Đại vũ trụ thế gian bên ngoài, nên được gọi là Thế Gian Tiểu Đạo, ta quan sát để tìm hiểu :
- Đầu: sức nóng, ánh sáng; Thần: thượng giới.
- Ngực: không khí, Khí: trung giới.
- Bụng: nước Tinh: hạ giới.
- Tam bữu của trời: Nhật, nguyệt, tinh.
- Tam bữu của đất: thuỷ, hoả, phong.
- Tam bữu của người: tinh khí thần
Thuận sanh phàm - thần ra tinh,
Nghịch chuyển thành Thánh. Tinh quy thần.
Ta nương sự tìm ý, mượn tướng rõ tánh, mượn cái dễ biết dễ thấy, để tri thấu cái không biết không thấy, tất cả sẽ lộ bày hiện ra trước mắt.
Ta đi ngay vào bộ phận đầu não, trung tâm điều khiển mọi hoạt động đó là: cái đầu. Hiển hiện ra nơi cái mặt, ta nhận rõ có:
Một cái gạch thẳng đứng gọi là nhân trung, tượng trưng con người ở giữa Trời và Đất.
Trên là Trời, dưới là đất.
Hoà Thượng lên Trời
Hoà hạ xuống đất.
Theo lẽ siêu đoạ của cơ Trời máy tạo.
Ta tìm hiểu dưới nhân trung thuộc đất có:
- Cái miệng : trong chứa lưỡi ăn vật chất để nuôi xác thân, cũng là nơi tiếp thu nhiên liệu để giúp cho cơ thể có năng lực hoạt động.
Ta tiếp tục quan sát:
Hai cánh tay có nhiệm vụ hoạt động ở hai bên ngực-Hai chân ở hai bên bụng dưới giúp cho sự đi lại
Tận cùng thân có một lỗ tiểu và một số lỗ đại để thải cặn bã ra ngoài.
Lỗ tiểu cũng nằm trong bộ phận sinh dục. Con người nam hay nữ lớn lên đến tuổi 16 trăng tròn, tế bào sinh dục phát triển, từ vô sanh hữu, chất nước ái ân được tạo ra, cái nguồn nước này tuôn chảy theo định luật tức nước vỡ bờ, rơi rớt tiêu hao.
Tinh lậu hết dầu, thần mất sáng, đèn lu.
Người giác ngộ hiểu rõ chỗ nguy hại ấy để biến dầu thành ánh sáng, thực hiện việc tuyệt dục Nam nữ để tô bồi thánh thể chân thân của mình. Chúa giảng dạy có phán: “có người hoạn từ trong bụng mẹ sinh ra, có người hoạn bởi tay loài người và có người tự làm nên hoạn vì cớ nước thiên đường”.
Người đời quan niệm bộ phận sinh dục của nam nữ không ái ân giao hợp được là hoạn.
Có người mang tật từ lúc sơ sinh, cơ quan sinh dục không phát triển, bán nam bán nữ theo hình thể phô lộ ra ngoài. Lại có người vì tai nạn hoặc tự ý giải phẩu cắt bỏ hình thức đó để không thể ái ân giao hợp được.
Vì cớ nước Thiên Đường tự làm nên hoạn.
Đây là một trường hợp quan trọng nhất, bởi họ vẫn còn đủ bộ phận sinh dục, có thể ái ân giao hợp được, nhưng vì họ giác ngộ hiểu rõ lợi ích của sự tuyệt dục để dành nhiên liệu thấp sáng ngọn đèn lòng, khi họ may duyên gặp được chơn truyền, có được cái chìa khoá kết âm dương, hữu dụng chất nước đó để tạo trí tuệ, vun bồi thánh thể, ngọn đèn lòng bừng sáng, nhà tâm rạng rỡ, với tâm đăng chiếu diệu thực hiện thiên đàng tự tại.
Phía trên nhân trung: Thuộc Trời
Có 1 cái mũi với hai lỗ thở không khí ra vào.
Hai mắt thấy sắc.
Hai tai nghe thinh
Không khí, sắc thính vô hình của trời.
Không khí để dưỡng nuôi tinh thần, chân thân của ta thật quan trọng vô cùng, nó không bao giờ hết, nguồn cung cấp vô tận, chẳng hao công phí sức ta vẫn có không khí để thở.
Nó còn liên lạc là sống, nó mất liên lạc là chết.
Không khí của trời cho đời sống tinh thần
Thiên ý để thực hiện rõ ràng, con người ở giữa trời và đất.
Thiên địa nhân.
Nếu là người giác ngộ phải rõ lý của trời đất, tình của vạn vật, nhất là biết bổn phận hiện hữu trong kiếp vi nhân.
Hãy hướng về trời nhiều hơn đất:
Của Trời: 2 lỗ mũi, 2 mắt, 2 tai.
Của Đất: 1 cái miệng, 1 lỗ tiểu, 1 lỗ đại.
Chân nhân hiệp giác bội trần, phàm nhân bám đất lìa trời, theo đời bỏ rơi đạo.
Qua sự tìm hiểu về miền đất Thánh sanh Chúa cũng tương tợ như thân xác của ta, một tiểu vũ trụ có đầy đủ tất cả báu linh do Cha Trời ban cho để làm phương tiện tu tiến. Vì vậy ta phải hết sức gìn giữ kho báu này để biến thành pháp bửu hữu hiệu..
LẠY
Đây là hành động của nhân sinh để biểu tượng lòng tôn kính đến người trên trước hay Đấng thiêng liêng cao cả. Họ dùng đôi bàn tay thực hiện việc xá lạy và đôi chân qùy xuống, hai chân là phương tiện di hành, giờ đây ngưng nghỉ để quy hướng về đấng tôn kính.
Thường thế nhân thực hiện theo tập quán không thấy gì thay đổi, tâm tánh vẫn u mê, hành động bất nhân cứ tiếp diễn mãi. Họ cầu nguyện lạy bái, van xin khiến thân xác tiêu hao, tinh thần lụn bại, bởi cái lạy của họ nương tướng hành sự, chấp vào pháp tướng của thế gian làm cho pháp tánh không thể bộc lộ.
Tự họ đi vào con đường đau khổ.
Chính đây là hành động muội mê, hành không tri, trở thành ngu xuẩn, chẳng có kết qủa rồi họ lại trách cứ Trời Cha, Đấng Cao Cả, không thương tưởng đến số phận hẩm hiu của họ để ban bố phước lành, trợ lực, giúp sức trừ dứt khổ đau theo điều ước nguyện.
Ta đi vào cái lạy chân thật quy hướng Trời Cha nơi ta, trên đình đầu chỗ tối linh, Cao Đài đảnh thượng, để quy hiệp cội nguồn.
Đây là cả một công trình vĩ đại, phấn đấu không ngừng, vượt thắng chướng ngại từ khởi điểm cho đến kết cuộc, phàm nên thánh, con Cha quy hiệp, nhờ cái lạy chân thật, quy hướng nội tâm để sáng lòng thấy tánh. Phương pháp tu luyện của chơn tu thật sự, ta cần tìm hiểu với hình thức bên ngoài, rõ lý đạo bên trong.
Cái lạy được trải qua nhiều thời kỳ, ta đi sâu vào mật pháp để tìm hiểu chân giá trị của nó.
Ngày trước của đời Thượng ngươn lưu truyền cách lạy cha chỉ có dùng bàn tay trái để trước ngực, tay trái thuộc dương, năm ngón tay là cái dụng tượng trưng cho ngũ khí.
Đến đời Trung ngươn cái lạy tiếp nối thêm bàn tay mặt cùng áp chặt bàn tay trái ở ngay trước ngực. Đây là biểu tượng đạo lý bàn tay trái thuộc dương, bàn tay mặt thuộc âm, âm dương giao kết, chấp trung quán nhất, tả chi hữu dục chẳng còn, ngũ khí giao hoà với nhau.
Vào thời Hạ ngươn mạt pháp, cái lạy thực thi đúng tâm pháp là đường lối tu luyện, phàm nhân bắt chước cái lạy hai tay ôm vào nhau nhưng không rõ cái dụng bên trong như thế nào?
Tay trái thuộc dương, ngón cái của bàn tay trái ấn vào phía dưới của ngón áp úp làm thành một vòng tròn như hình sau đây. (H.1)
Đó là Ấn Dương:
Ngón cái của bàn tay phải thuộc âm để vào vòng tròn đó và ấn vào đầu ngón áp út của bàn tay mặt.
Đó là Ấn Âm :
Những ngón của bàn tay phải còn lại nắm gọn những ngón của bàn tay trái. Tượng trưng ngũ khí giao hoà, âm dương hiệp nhất nên gọi là hành kiết qủa. Đây là một phần trong cách ráp nối của bộ máy Thiên, thực hiện để khởi động luyện công. Điều này sẽ được chỉ dẫn ở phần chơn truyền khi thọ pháp.
Đối với những người đã trau luyện tâm pháp, gầy dựng nơi mình, bồi dưỡng sức khoẻ và tinh thần, thân tâm đến chỗ tốt đẹp, việc bái lạy được chuyển hoá như sau:
Hai bàn tay phải và trái áp chặt vào nhau, ngón cái của bàn tay trái để trên ngón cái của bàn tay phải, âm dương giao hoà, ứng dụng quy hướng, kính dâng Đấng Cao Cả. Cách lạy 2 bàn tay xòe ra, ngón cái của bàn tay trái để trên ngón cái của bàn tay phải, đầu cuí xuống trên ngón cái giao hoà, biểu tượng ứng dụng với khả năng dâng hiến trí tuệ do mình hành trau thành đạt. (H.2)
Đối với người thay mặt Đấng Tối Cao ban thái cực pháp lành, bố hoá điễn Thiên đến cho nhân sanh - đôi bàn tay chắp lại ngón cái của bàn trái để trên bàn tay của ngón cái của bàn tay phải xòe ra đưa thẳng ra phía trước. Đầu trung tâm điện năng, thái cực hai cánh tay lưỡng nghi, hai ngón cái chồng lên nhau là tứ tượng, tám ngón còn lại là Bát quái, đem nguồn Thiên điển bố ban cho chúng sanh thọ lãnh.
Qua sự trình bày về việc ứng dụng cái lạy cho thấy đây là biểu tượng xuất phát từ Vô ra Hữu, nương Hữu tìm Vô, tri tường cã Hữu Vô để rõ thông mật pháp, áp dụng vào việc hành trau, bồi dưỡng thân tâm không ngoài phương tiện sẵn có nơi mình, khả dĩ giúp ta trở về nguồn cội, con cha hội ngộ.
Vì vậy Kinh Lạy Cha ta phải đi sâu vào từng chi tiết của bộ máy Thiên, không thể bỏ sót một bộ phận nào cả. Chính là lộ trình quy hướng mục tiêu, phản bổn hoàn nguyên, con đường tu từ phàm phu thành Thánh Thiện, hành giả phải trải qua từng giai đoạn từ thấp đến cao, biết bao gian khổ mới hoàn tất cuộc hành trình

Kinh Lạy Cha
Lạy Cha chúng con ở trên trời.
Nguyện danh Cha được tôn thánh.
Ý Cha được nên ở dưới đất
Cũng như ở trên trời
Xin cho chúng con đồ ăn hôm nay đủ dùng.
Tha nợ chúng con như chúng con tha kẻ mắc nợ chúng con
Chớ đưa chúng con vào sự cám dỗ
Nhưng cứu chúng con khỏi ác, “Amen”
CHƯƠNG II
XXX
LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI

Cha là nguồn cội, Đại khối linh quang, trung tâm điện năng, điểm một cao tột tâm linh, cũng là Cao Đài của nhân loại. Từ nơi đó Tiểu Linh quang tách rời xuống hồng trần nhập vào xác thịt, ứng hiện một thể chất tinh anh, một tuyệt tác phẩm của tạo hoá gồm cả Hữu Vô. Đạo trở nên xác thịt.
Nhứt bổn ứng vạn thù.
Đó là đường đi ra chỗ sanh hoá vạn loài của Thế gian, đạo ra pháp.
Còn nơi Tiểu vũ trụ của chúng ta ông Trời con ở với loài người, cũng là thiên hạ, điểm linh quang làm chủ xác thịt, cao đài đảnh thượng của con người ngự trị trên đỉnh đầu.
Do định luật biến thiên sanh hoá từ Vô sanh Hữu, thần ra tinh, trọng trược nặng nề, đi ra là đọa lạc không còn ở nguyên bản ban đầu, xa cội ly nguồn, tiêu hao điện năng, làm cho khối sáng lu mờ, thần hao bị bao phủ bởi màn vô minh.
Hữu tướng tâm che lấp, nên vô tướng tánh không thể bộc phát.
Vì vậy con người sống theo phàm tâm, hành động theo tục tánh, đánh mất linh quang đèn lòng lu mờ u tối, nhà tâm không còn trong sáng. Bởi nhân sinh không rõ chỗ nguy hại làm tiêu hao quý bửu : thần lao, khí tán, tinh lậu, Thánh thể hao mòn do hành động theo dục tánh, phải chịu cảnh trầm luân khổ hải.
Đó là đi vào con đường đọa lạc dẫn đến cảnh khổ.
Còn người hiểu rõ lẽ đạo. kịp thời chận đứng không để cho tiêu hao tam bửu. Họ tìm cách phục hoàn, bồi dưỡng trở lại, mượn hữu thân giả thể này, để gầy dựng chân thân thánh thể, đó là hoài bão hướng thượng trở lại cội nguồn, đại hóa chúng sanh nơi lòng, biết rõ cơ trời máy tạo.
Đọa thành siêu.
Tinh quy thần.
Ngọn đèn lòng đủ đầy nhiên liệu, phục hồi sức sáng đó là “Lạy Cha thiết thực” dâng hiến quý bữu cho Ngài.
Vạn thù quy nhất bổn
Pháp đạo hoàn nguyên
Con đường siêu thăng đưa ta đến cảnh hằng sống, nhờ biết phương pháp bồi dưỡng thân tâm, gội rửa cỏi lòng, giải trừ ô nhiễm để cho sáng lòng. Khi đã rõ lẽ đọa siêu của cơ tạo máy trời.
Thuận đi ra là Đọa, tiêu hao.
Nghịch quy hồi là Siêu, tích lũy.
Là nhân sinh giác ngộ phải nương đất tìm trời, mượn Hữu hành Vô, dụng xác thân để công phu tu luyện nối liền Hữu Vô, âm dương kết tụ, con cha không còn xa cách; đây là nhiệm vụ thiết thực ta cần phải làm nơi chính bản thân. Nhất là ta có sẵn đường hướng đã định, phương tiện đủ đầy, pháp môn hữu hiệu để thực hiện cuộc hành trình quy hướng Cha Trời là giác tánh, Thiên tánh, tối thượng ở trên cao, nơi thượng giới điều khiển mọi hoạt động trong châu thân.
Con đường đưa ta đến hạnh phúc an vui khác hẳn đường lối “lạy Cha ở dưới đất” quy hướng phàm tâm, dục tánh điều khiển ta hành động đầy tham dục, với thói hư tật xấu, làm tiêu tan hết quý bửu của Trời ban, khiến ta đau khổ không dứt.
Như vậy ta nhận thấy chỉ có hai con đường:
- Hiệp nhất âm dương theo chánh pháp tạo tác ánh sáng, khởi sinh trí tuệ, phục hồi Thánh thể, gầy dựng kinh tế bản thân, sức khoẻ và tinh thần dồi dào sung mãn, có được đời sống tâm linh tinh minh rạng rỡ, đó là con đường siêu thăng “lạy Cha ở trên Trời” một cách thiết thực.
Thánh ở trên cao (Hoà thượng)
Hiệp nhất âm dương theo phàm pháp sanh con đời, tiêu hao quý bửu, kinh tế bản thân đi đến chỗ khánh tận, bởi vì mê muội chiều theo dục tánh, nô lệ phàm tâm, hành động thỏa mãn dục vọng cũng bởi “lạy Cha ở dưới đất” mất hết linh quang, đời sống tâm linh đen tối rối bù, con đường trần dẫn nhân sinh vào cảnh khổ.
Phàm ở dưới đất (Hoà hạ)
Qua sự tìm hiểu ở phần thân xác của tiểu vũ trụ nơi con người sinh hoạt theo định luật biến thiên:
Bộ ba “tam thanh vô vi”:Thần Khí Tinh.
Thuận đi ra sinh hóa, thánh thành phàm.
Nhất khí hóa tam thanh.
Nghịch sanh trở lại “vô vi tam thanh”, tinh khí thần hợp nhất, phàm nên thánh.
Tam thanh hoàn nhất khí.
Thần ở trên đầu, thượng giới sanh niệm đi ra chẵng còn nguyên vị thành tư lự chi thần, không sáng suốt do hô hấp chi khí, thành ra giao cảm chi tinh, chất nước hữu hình trọng trược, phàm phu dùng nó để thỏa mãn nhân dục, trần tâm sai khiến, cha đất chỉ huy, mây thành mưa, cuộc mây mưa diễn ra, nam nữ giao hòa, ân ái làm tinh lậu rơi rớt tiêu hao.
Nhờ lạy cha chân thật, âm dương hiệp nhất theo chánh pháp nơi bản thân, chuyển tinh hoá khi, khí hóa thần, siêu thăng thượng đỉnh, trở thành CHÚA thánh.
Nhờ biết diệu dụng thân xác hành trau để gầy dựng, tô bồi lại thánh thể, đúng chánh pháp của Chúa đã chỉ dạy, hướng thượng nương hữu tìm vô, mượn giả hành chân, kính dâng cha Trời đủ đầy quý bửu.
Con đường dẫn tới sự sống đời đời là như thế đấy!

CHƯƠNG III
XXX
NGUYỆN DANH CHA ĐƯỢC TÔN THÁNH.

Đạo vốn vô danh, khối chơn tịnh điển điều khiển đúng theo vô vi lý nhiệm.
Không làm mà làm tất cả, tất cả cái làm ra đều do chỗ vô chủ xướng.
Chơn vô xuất sinh diệu hữu.
Người hành tâm pháp thực hiện công phu bắt nhịp cầu thông hiệp giữa hữu vô, âm dương giao hòa, đó là ta thực hiện chơn cầu nguyện để phát sinh ánh sáng, làm thối chuyển tối tăm, giải trừ ô nhiểm, thanh lọc tâm, gội rửa lòng để có được lòng trong tánh sáng, đúng theo yêu cầu ý nguyện của mình.
Cầu cho lòng phàm dứt, nguyện cho tục tánh tiêu, chuyển hóa phàm tâm thành thánh tâm; đây là cuộc đại hóa chúng sinh nơi lòng tiêu trừ mọi hắc ám khổ đau, não phiền luỹ tiết, một xã hội đầy dẫy thói hư tật xấu nơi lòng trở thành thiện lương trong lành. Tất cả đều do con người thực hiện công phu mới có.
Vì vậy ta đi ngay vào nguồn cội là tâm mình để giải quyết mọi vấn đề.
Vạn sự do tâm tạo.
Nhờ tâm pháp hành trau để đắc đạt tâm kinh. Tâm kinh là trở về với bản thể thanh tịnh của nó. Từ chỗ thanh tịnh phát sinh trí huệ giúp ta thấy chân biết thật.
Với tâm pháp là phương pháp chánh yếu hành trau: mắt nhìn vào trong, tai nghe vào trong, lưỡi nếm vào trong, thở chơn tức, tứ tổ quy gia: các giác quan không còn phóng ngoại, buông lung như trước nữa: nay đổi hướng thay chiều, quy hướng nội tâm, gầy dựng tích lũy, tâm an bình, con người thư thái.
Đây là việc làm tối ư quan trọng của người hành tâm pháp để điều nhiếp các giác quan trở thành tôi hiền trò ngoan, thánh hóa chúng nó mới hữu dụng cho việc đầu tư lớn lao của đời mình, tạo tác sự sống và sự sáng cũng là pháp mầu đầu tiên của Chúa thâu phục bốn môn đồ ở biển Galilê.
Đoạn kinh diễn tả như sau:
Chúa đi dọc theo mé biển Galilê thấy hai anh em Simon cũng gọi là Pière André đương thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá, Chúa phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy đi theo Ta, Ta khiến các ngươi nên tay đánh lưới người”. Hai anh em bỏ lưới và đi theo Ngài.Từ đó đi một đỗi xa xa nữa, Ngài thấy hai anh em khác là Giacơ con Xêbêđê với em là Jean đang cùng cha mình là Xêbêđê vá lưới trong thuyền, Ngài bèn gọi hai người, tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình để theo Ngài.
Chúa đi dọc theo mé biển Galilê:
Biển là bể khổ , Ngài đứng ngoài sự khổ làm nhiệm vụ cứu khổ, mé biển là ranh phàm thánh. Hai anh em Pière André là người trầm mình trong bể khổ lại dùng phương tiện lưới cá. Cá là loài sinh vật sống trong nước, phù hợp với thủy tánh, thế mà hai người vớt cá ra khỏi nước, trái thiên lý.
Người là sinh vật sống trong không khí nhưng bị đắm chìm trong bể khổ, cần phải dùng chiếc lưới phép của Chúa vớt họ ra khỏi biển trở về với cuộc sống tự nhiên, thuận theo thiên lý, hợp lẽ đạo.
Nhờ họ nghe được tiếng nói của thức tâm khai thị ngộ nhập chân lý, hướng theo đường sáng mà đi, có hành pháp lần lần khai mở thêm, bỏ đi người cha già nua rồi, lại còn không bế lưới tình lủng nát, đang nổi trôi trên biển ái nguồn ân. Khi giác ngộ hai người hồi đầu hướng thượng, hiệp giác bội trần, xa lià phàm tâm, không còn theo lối sống củ nửa về với Chúa Thánh của mình, ngôi chánh đẳng chánh giác...
Đây là 4 giác quan ở nơi mặt: mắt, tai, mũi, miệng được thánh hoá không còn phóng ngoại, buông lung nơi hồng trần, lặn hụp trong bể khổ, phụng sự cho phàm tâm sai khiến điều khiển. Nhờ tiếng gọi của thức tâm quy hồi hướng nội trở về với Chúa Thánh của mình. Trước là “tứ tướng ma da”, “tứ hầu hổn thế ma vuơng”, nay hoán cải thành 4 môn đồ đầu tiên của Chúa, Tứ Thánh, Tứ Thiên Vương ngự trị 4 cửa trời, hổ trợ cho ngôi vị Thánh Chúa hiển linh, phát quang rạng rỡ, khai mở toàn não bộ, thấy chân biết thật có được nhãn giới của Thiên Chúa, danh Chúa rạng ngời.
Đây cũng là biểu tượng 4 vị Thiên Vương dâng cho Như Lai 4 bát báu tạo tác thức ăn cho Như Lai để cung cấp cho Phật thân Thánh thể của mình đủ đầy sung mãn.
Việc làm thiết thực của người tu chơn hành pháp đạo là thánh hoá phàm phu, chuyển mê thành giác, các bộ phận chủ yếu của đầu não, không còn mờ lu u tối.
Sáng là thiên đàng, tối là địa ngục.
“Dọn gai gốc tầm ra đường sáng
Vẹt mây mù lố rạng trời xanh”
Khi tà có sáng phá tan đen tối
Tư ta thực hiện thắp sáng ngọn đèn lòng, từ tâm đăng đến huệ đăng, đạt qủa vị bất thối chuyển, thiên đăng nhật diện, hằng sáng hằng soi, nhan Chúa rạng ngời, chính do ta hành trau, đắc đạt trí huệ để phá tan màn u tối, cái vô minh nguyên thỉ chuyển hoá thành cái sáng tột độ, nhãn giới của Thiên Chúa thấy biết tất cả, có như thế đó “danh Cha mới được tôn Thánh thực sự”.

CHƯƠNG IV
XXX
NƯỚC CHA ĐƯỢC ĐẾN

Nhân sinh thường mơ tưởng đến cảnh giới Thiên Đàng cực lạc trên thế gian này, đó là nước trời, cỏi tiên không còn sự khổ, dứt hết chiến tranh, nhân sinh trường thọ, người người đều là thánh thiện nhân, nơi nơi đều vui toại, khắp chốn được yên bình.
Tất cả mọi người cùng nhau hạnh hưởng cỏi đời an lạc của thời Thượng Ngươn Thánh Đức, nhưng họ mong chờ mãi vẫn không có được, bởi vì họ còn sống với tục tâm, đối đãi với nhau bằng hận thù, “trả vay” “vay trả”, gây chiến tranh giết hại lẫn nhau đưa nhân loại đến cảnh cùng khổ; nhất là vào thời hạ ngươn mạt pháp này, đạo đức suy vi, nhân tâm bất nhất gây bao cảnh tang tóc khắp nơi, mỗi việc mỗi khổ.
Vì vậy muốn hưởng thời thượng ngươn Thánh Đức phải có con người của Thánh đức đủ đầy trí huệ mới hạnh hưởng những gì tạo hoá bố ban tưởng thưởng cho họ trên cỏi trần hoàn này. Muốn có đời sống tốt đẹp an lành đó, không phải tự nhiên có sẵn, mà phải do con người đắp xây tạo dựng, từ mỗi người đến mọi người, phải thực hiện đúng đường lối tự cứu khổ ban vui cho chính mình, giải trừ ác nghiệp, dứt hết hận sân, để có được tình thương bao rộng đối với mọi người. Có được như thế trước sau gì nước trời cũng đến. trước tiên muốn thực hiện đường lối đó phải nhờ đến phương pháp bồi dưỡng sức khoẻ và tinh thần để có thân tâm an lạc.
VẠN SỰ DO TÂM
Tâm bình là thế giới bình. làm cách nào để cho tâm bình đây?
Ta nhờ đến phương pháp hữu hiệu này để đạt được tâm kinh, trở về bản thể thanh tịnh của nó, khởi sanh trí huệ, tinh thần sáng tỏ, hành động tuyệt minh.
Chúa khẳng định và phán quyết: “Ai ăn thịt Ta và uống huyết Ta mới vào nước Thiên Đàng”. Đây là ẩn dụ thâm sâu đi vào pháp đạo, tỏ rõ máy linh không bao giờ sai lệch, nên không thể dùng lòng phàm, tánh tục để đo lường được, chỉ có người đi từ trên trời xuống mới thấu rõ mà thôi.
Thiên cơ ẩn ẩn, nhơn nan thức
Bất thị nguyên nhân bất đắc văn.
Chân lý thể hiện rõ ràng, thánh thể chân thân cái khối sáng trong ta, không tu lần lần mờ lu, vì bị tiêu hao, tinh thần kiệt quệ do thần hao, khí tán tinh lậu, kho báu linh chẳng còn. Nếu là người giác ngộ lập tức thay đổi đường lối sống, thực hiện việc tô bồi cho khối sáng đó phục lại hay tái sinh thánh thể bằng cách phục tinh, dưỡng khí, tồn thần để cho tinh thần khang kiện, đời sống tâm linh tinh minh rạng rỡ. Điều này Chúa dạy pháp sanh lại tự hành trau và đắc đạt. Đây là sự thật hiển nhiên của Thiên Cơ mầu nhiệm. Ở điểm này người nào còn chấp vào văn tự khó nhận ra diện lý rồi nghi ngờ chỗtối mật của đạo pháp, nên họ chẳng lãnh hội được gì cả và lại mang lắm điều nghi vấn ở nơi lòng.
Thịt Chúa đâu mà ăn huyết Chúa đâu mà uống? như vậy họ đành cam đọa lạc, sống trong cảnh ngục tù mãi sao? nhất là Chúa sống cách đây gần 2.000 năm làm sao để gặp Ngài chia thịt lấy huyết. Chúa chỉ rõ: Ta là thần, là lửa là ngọn đèn lửa ở trên đầu, dầu ở dưới bụng, ở giữa là không khí. Thịt Chúa là lửa, huyết Chúa là dầu, ngọn đèn tâm linh có lửa có dầu bừng cháy sáng, được cung cấp đầy đủ không bao giờ tắt, sáng rỡ muôn trùng, có cuộc sống đời đời là như thế.
Chính ngọn lửa thiêng đó phá tan đen tối, sáng là thiên đường, tối là địa ngục, tinh thần sung thiệm, chiếu minh khắp chốn.
Lời Chúa ta phải thực hành cho bằng được mới tham dự thiên đàng tâm, tận hưởng cực lạc quốc của chính mình.
Như vậy chỉ có những ai ra công nổ lực thực hiện công phu hành pháp, tự gieo trồng hạt giống lành đến ngày thành qủa là lẽ đương nhiên và hưởng qủa mới là đại hạnh.
Còn những ai vô phước vô phần cứ trông mong ngóng đợi, cầu khẩn, không gieo trồng lại đòi gặt qủa, trái với tự nhiên, không thuận với lẽ đạo. Họ phải chịu sống trong vô minh u tối, bởi vì họ hành mà không tri, nhắm mắt làm càn, không định hướng, chẳng mục tiêu nên họ cứ quẩn quanh mãi trong vòng vạn hửu.
Nước trời sẽ đến do con người trí huệ làm nên đúng theo lẽ công bằng của tạo hóa, tu nhiều hưởng nhiều, tu ít hưởng ít, không tu không hưởng là lẽ đương nhiên.
Nguời tu tự ban vui cứu khổ cho mình, giải trừ ô nhiễm, trong tâm nội, chuyển hóa vô minh thành ra trí huệ, tự họ thấy chân biết thật, tháo gỡ mọi ràng buộc để được tự do thông thả. Chính đây là đường lối tu chân đích thực, tu hành đúng lẽ, tự dời cái chân thường lạc đến với mình. Tâm an bình tự mình chứng ngộ là diễm phúc tham dự nước trời thật sự.
Tự cứu khổ ban vui cho chính mình chưa đủ, cần phải cứu khổ ban vui cho mọi người, từ cá thể đến đại đồng, tất cả mọi người đều được an vui, dứt khổ, thế gian này, nhân loại này cùng nhau hạnh hưởng cỏi đời an lạc thực sự cũng là thiên đàng và niết bàn dành cho những thánh thiện nhân đủ đầy phước đức.

CHƯƠNG V
XXX
Ý CHA ĐƯỢC NÊN Ở DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ Ở TRÊN TRỜI

Người thực hành phương pháp bồi dưỡng thân và tâm, hữu và vô, sức khoẻ và tinh thần điều do ý điều khiển. Vì vậy ý rất quan trọng nên hư gì cũng do nó, ứng dụng chánh hay tà mà thôi. Nhất là nhờ vào sự hành trau để chuyển hoá “Phàm ý”, thành “Thánh ý”. trong tiểu thiên địa của ta.
Để hiểu rõ nơi tiểu vũ trụ này, gồm có xác và hồn, đất trời cùng chung một bọc, tuy hai mà một, tuy một mà hai, không thể tách rời ra được. Đây là bộ máy linh gồm có nhị thể xác thân và linh hồn cũng còn gọi là vô thể nằm trong hữu thể, hồn tiên trong xác tục, hồn trời trong xác đất, hồn Phật trong xác ma.
Điều này khẳng định thiếu một trong hai yếu tố sẽ mất hết tác dụng. Chúa chỉ dạy rõ chỗ tối linh tối diệu, vô thể nằm trong hữu thể: “Các ngươi là muối của đất, nếu muối mất mặn đi rồi, lấy chi làm mặn lại, chỉ thải xuống đất cho người ta chà đạp mà thôi”.
Muối gồm có vật thể và chất mặn bên trong, thể và dụng, nếu không có vị mặn thì không phải là muối, bởi vì vị mặn là bản chất của muối, không thể thiếu được; muối mặn là vị thuốc chữa lành các vết thương và giúp cho cơ thể con người cứng cát để hoạt động, nếu dùng nhiều trở thành độc chất làm nguy hại đến đời sống. Con người là muối, muối có được từ trong nước biển, “vị mặn” tượng trưng là sự khổ, nếu họ không có khổ thì không biết cái khổ như thế nào để giải trừ và thăng tiến trên đường phát triển, nhờ biến khổ đau não phiền thành an vui phước huệ.
Phiền não tức bồ đề, chúng sanh tức phật tánh
Do đó con người gồm có thân xác và linh hồn làm phương tiện tu tiến, nếu đứt hơi lìa mạng hồn lìa khỏi xác, không còn tác dụng, không thể nào hành trau. Thế nên khi còn sống ta lợi dụng cái phàm thân giả thể này để gầy dựng chơn thân thánh thể, tạo tác trí huệ, thấy chân biết thật, thân tâm khang kiện, hữu vô thăng tiến, sức khoẻ và tinh thần dồi dào sung mãn mới sống an vui và hạnh phúc trên cỏi đời này.
Đây là công phu tu luyện hoàn thiện từ hữu đến vô, tuớng và tánh, đất và trời nơi tiểu vũ trụ của ta. Tự ta làm nhiệm vụ thánh hoá biến phàm ý thành thánh ý, cái giả ngã phàm phu thành chơn ngã quang minh.
Đi vào chi tiết của bộ máy linh nơi mình từ trên xuống duới.
Phàm nhân do cơ đọa lạc theo lẽ tự nhiên, thần ở trên đầu, khí ở ngực, tinh nơi bụng, nặng nề trọng trược, từ vô ra hữu, thần ra tinh, lửa ở trên đầu, dầu ở dưới bụng cách xa ngàn trùng, nước lạnh tuôn chảy mãi, thần mất tinh, thần chẳng còn đời sống tinh thần bị đen tối.
Chân nhân hiểu rõ lẽ đọa siêu của tạo hóa chi cớ nơi mình, kịp thời chận đứng sự tiêu hao mất mát, giữ dầu bằng cách nghịch chuyển, gom thần, hấp hô tạo nguồn hỏa hầu có sức nóng rọi xuống nước; Nước thay đổi không còn lạnh lẻo, có độ nóng, “thủy hỏa ký tế”, bốc hơi thăng thượng lên đỉnh đầu gặp lửa điện bừng cháy sáng - Tinh quy thần - Đất liền Trời - Thượng hạ tương liên - Thần quang rạng rỡ.
Điều quan trọng là làm sao ứng dụng phù hợp ý trời điều khiển thân xác của ta.
Thân: Phàm mê muội của đất.
Tinh thần: Thánh, sáng suốt của trời.
Khi ứng dụng đất trời không riêng rẽ, thể dụng tương đồng, ngoài trong như nhất, ứng hiện chỗ ngũ quan: Nhãn thức mắt thấy, nhỉ thức tai nghe, tỉ thức mũi ngửi, thiệt thức lưỡi nếm, thân thức thân tiếp xúc.
Phàm ý phóng ngoại theo ngũ quan tiêu hao của báu.
Thiên ý quy hồi, ngũ quan hướng nội gầy dựng tích lỹ, biến ngũ thức thành sở tác trí, ngũ quan được thánh hóa trong sáng cũng là ngũ vị A - La - Hán hộ trợ cho Như Lai hay ngũ hổ tướng oai nghiêm trấn giữ 5 ải để đấng Quân vương ngự trị đất nước thanh bình.
Như vậy nhờ công phu hành trau chuyển hóa ý thức để ứng dụng đúng theo thiên ý. Có ứng dụng cũng như không ứng dụng, có thấy biết, dường như không thấy biết, chẳng bám trụ ở một vị trí đạt đến quả Vị Vô lâu đắc thành “Diệu Quan Sát trí” cũng chính là ý cha đấy.
Khi người hành pháp tự hành tự đạt tự điều khiển lấy chiếc máy thiên của mình, nhờ hiệp nhất âm dương, càn khôn quy hết, pháp luân vận hành không còn đứng yên một chỗ.
Thượng hạ tương liên, đất trời giao kết không còn riêng rẽ nữa - Hữu vô hiệp nhất trong một xác thân. Một thể chất tinh anh, ứng dụng tuyệt mỹ, tự ta thắng phục cái tâm, định được cái trí, điều nhiếp các giác quan, làm chủ cái tiểu vũ trụ này thật là vạn hạnh!

CHƯƠNG VI
XXX
XIN CHO CHÚNG CON ĐỒ ĂN HÔM NAY ĐỦ DÙNG.

Đồ ăn là vật thực đem lại sự sống cho con người cũng là nhiên liệu cung cấp cho cơ thể tiếp thu để hoạt động, thế nên đồ ăn rất quan trọng. Thiếu đồ ăn là mất dần sự sống. Việc bồi dưỡng cơ thể con người bằng vật thực phù hợp với lẽ tự nhiên không thái quá chẳng bất cập.
Ta phải tìm hiểu sự quan trọng của đồ ăn để nuôi sống con người cũng là nhiên liệu tiếp thu của cơ thể để hoạt động hằng ngày phải như thế nào cho phù hợp đem đến lợi ích và không gây nguy hại đến sự sống ?
Con người là tuyệt tác phẩm của tạo hóa, cũng là sinh vật cao cấp nhất trên thế gian này.
Cơ thể của con người được cấu tạo giống nhau không sai khác, gồm có xác thân và linh hồn; như vậy vật thực cung cấp cho sự sống cũng gồm cả hữu và vô.
Miệng là chỗ tiếp thu vật chất, đồ ăn của đất để nuôi xác thân tùy theo trình độ tiến hóa của nhân sinh.
Phàm nhân thích ái ân dục lạc cố giữ cho thân xác được béo bở phì da, dụng cao lương mỹ vị, cầm thú, thịt cá với đạm động vật. Họ muốn cho thân xác này được bền vững sống lâu để hưởng lạc thú ở đời, nhưng không thể được, hữu hình hữu hoại theo thời gian, nhất là đạm động vật khó tiêu, nặng nề, thường tạo mỡ gây bế tắc mạch máu và tăng áp huyết.
Đây là những người theo thuyết lợi dưỡng chủ trương sống để ăn. Vì vậy họ bận rộn vất vã tìm kiếm thức ăn và tranh đấu với nhau để giành sự sống.
Ngoài ra có một số người dùng đạm thực vật gồm rau quả gọi là đồ ăn chay. Những người này chủ trương ăn để sống. trong kinh “Sáng thế” có nói đến đồ ăn khi còn ở sơ khai gần cội nguồn, Chúa phán: ”Này ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hạt mọc quanh mặt đất và các loại cây sanh quả ấy là đồ ăn cho các ngươi:”..
Ta nhận thấy đồ ăn Chúa chỉ dạy gồm đạm thực vật và khuyên bảo con người phải kiêng ăn.
Ở điểm này có nhiều người kích bác cho rằng ăn chay sẽ suy yếu, vì không có đủ chất bổ làm cho cơ thể bạc nhược, mất hết sức sống.
Thật ra thử hỏi có ai mạnh bằng con trâu, khỏe như voi chăng ? Vả lại chúng chỉ chỉ ăn một ít cỏ. Thế nên ta phải nhận thức một cách đúng đắn mới lãnh hội chân lý.
Hiện nay người ta khuyến khích ăn đạm thực vật ít gây bệnh tật, nhất là nó dễ tiêu nhẹ nhàng phù hợp với người lớn tuổi.
Có người sợ vào thân xác này kích thích đòi hỏi ái ân dục lạc, mắc phải thân nghiệp, nên theo phương pháp khổ hạnh, ép xác nhịn ăn gọi là pháp vô úy, cốt sao cho cơ thể không còn đòi hỏi.
Việc làm này gây nguy hại chẳng có lợi ích chi cả, thân xác thành ra vô dụng, không phù hợp với tự nhiên, hủy hoại sức sống, khác nào khắc nhượng con ngựa chứng trở nên què xụi chẳng còn dùng được.
Ta đã rõ thân xác này ví như con ngựa của ta cởi, ta phải làm chủ nó, ngự trị vững vàng trên nó, từ con ngựa phàm trở thành long mã để làm phương tiện giúp ta trên đường trở về nguồn cội.
Một điều đáng chú ý là nhiên liệu cung cấp thức ăn cho nó.
Máy tốt phải dùng nhiên liệu tốt cho phù hợp, ta không thể dùng nhiên liệu bừa bãi, máy sẽ không chạy được.
Vật chất nuôi xác thân, còn như thế nên dùng trai giới, chứa đạm thực vật, chất tinh ba để cho thân thể nhẹ nhàng, các cơ năng hoạt động thích ứng, ít gây bệnh tật. Ta có bổn phận chăm sóc thân xác này để lợi dụng nó vào mục đích phục hồi chân thân, tái sinh thánh thể.
Đến đồ ăn của Trời lại càng quan trọng hơn, đó là không khí. Ta có thể nhịn ăn trong khoảng thời gian lâu cũng được, nhưng hơi thở không ra vào, ngưng trệ làm đứt hơi lìa mạng ngay.
Không khí của trời cho đời sống tinh thần.
Phàm nhân ít quan tâm để ý tới bởi không khí khỏi mất tiền mua, chẳng hao công phí sức, vẫn có không khí để thở. Không khí rất cần thiết cho con người, giống như cá sống trong nước vậy, xa rời nó là mất mạng lìa đời. Còn thở là còn sự sống, hết thở là chết, máy hết hoạt động. Con người hiểu biết chỗ tối ư quan trọng nên tìm không khí trong lành để thở.
Đồ ăn vật chất của đất nuôi xác thân, không khí của trời nuôi tinh thần, nhưng Chúa còn có một món ăn vô cùng quý báu. Chúa phán: “Ta có một món ăn mà các ngươi không hay biết”.
Thật mầu nhiệm thay lời Chúa dạy. Đó là cơm Trời, thức ăn của Như Lai, vượt ngoài sự hiểu biết của con người, không có trong sách vỡ hoặc ngôn từ nào diễn tả đặng chỉ có khẩu truyền tâm thọ.
Cơm Trời cho đời sống chân thật.
Chính Chúa chỉ dạy trong mật pháp vô vi chỗ tối linh tối diệu, cái thở của chân nhân không do miệng mũi. Khẩu khuyết:
“Nội bất xuất, ngoại bất nhập -
Phi bế khí giả”
Không phải ở trong ra, không phải bên ngoài vào, cũng không nín thở vậy.
Thật đây là điều quá đổi khó khăn, phàm nhân không thể quan niệm nổi, cái thở của chân tức - Tiên thở bằng rún - Chân nhân thở đến gót chân.
Khi thọ bí pháp GIÁO SƯ tâm pháp của Chiếu Minh Giáo Tòa chỉ dẫn đường hơi chơn tức, thở bằng tiên thiên khí.
PHẬT DẠY:
“Khi Như Lai muốn ăn thì có 4 vị Thiên vương trên trời dâng cho 4 bát báu, Như Lai gồm lại thành 1 bát duy nhất đựng thức ăn cho Như Lai và Như Lai không bao giờ dùng tay lấy thức ăn.”
Đây là công án tối quan trọng của mật pháp vô vi để bồi dưỡng chân thân, tái sinh thánh thể - khối sáng trong ta cũng là công phu thiết thực của chân tu, khi theo chơn truyền pháp đạo ra sức nỗ lực, nấu cơm Trời, có được thức ăn cho Như Lai và làm ra món ăn của Chúa để dâng hiến cho Ngài.
Theo tâm pháp bí truyền thực hành bốn giác quan ở trên thượng giới phần đầu não là: mắt, tai, mũi, miệng phải được thánh hóa không còn buông lung, quy hồi hướng nội, mắt nhìn vào trong, hồi quang phản chiếu, tai nghe vào trong, lưỡi nếm vào trong, mũi hấp hô chơn tức đúng cách. Tứ tổ quy gia cũng là tứ thiên vương dâng cho 4 bát báu, quy hiệp đựng tiên thiên khí, tạo hỏa hầu, hâm nóng hơi thở đúng cách gọi là nấu cơm Trời, nướng bánh Phật v.v... Bát báu vô vi đựng tiên thiên khí không phải là chén của ma quỷ, bát của nữ yêu để dùng thỏa mãn cơn đói lòng theo thú nhục dục.
Cách thở tiên thiên khí để nuôi dưỡng chân thân, thánh thể khác hẳn cái thở phàm phu, hô hấp chi khí do miệng mũi, nhờ hành pháp công phu chuyển máy linh đúng chơn cơ càng ngày chân thân khang kiện, trí tuệ mở khai, phát hiện “Cao Đài, Nhan Chúa”.
Ở điểm này có người hỏi tôi: tại sao lại không cúng gạo muối cho cô hồn và đốt vàng bạc ở trên thiên bàn ? Nhất là tại Chiếu Minh Giáo Tòa ban truyền pháp đạo không có xin keo như vậy có đúng ý thiên, môn đồ của phái Chiếu Minh tu bị thổ huyết là cớ làm sao ?
Qua những vấn đề nêu trên thắc mắc về chân truyền mật pháp, họ dùng lòng phàm tánh tục không thể đo lường ý thánh nên không hiểu biết gì ráo.
Tôi nhã nhặn trả lời:
Chúng tôi thực hành pháp đạo trong nội giới vô vi của tiểu thiên địa, nên tất cả điều thắc mắc đó phải hiểu bằng tâm pháp đại thừa.
Gạo muối tượng trưng thức ăn đơn giản, đạm bạc cũng là cơm Trời.
Người tu chơn hành pháp mỗi ngày phải dâng cơm trời, món ăn cho Chúa bốn lần, đó chính là tứ thời công phu, thở chơn tức bằng tiên thiên khí. Do công phu lâu ngày mỗi tế bào đã được một lượng thức ăn này, đến thời điểm đó nó cần đòi hỏi, ta phải đáp ứng ngay mới được khoan khoái. Còn vào ngày mồng 2 - và 16 nước lớn tượng trưng: tinh đầy khí đủ, ta phải vận dụng hỏa công đun nóng tinh hóa khí, khí hóa thần, khỏi bị tẩu lậu, rơi rớt tiêu hao.
Như vậy trên đường trở lại cõi trời thiên bàn thực sự, phải hành công chu đáo mới hoàn tất công phu tu luyện, còn nương theo sự của lòng mê tánh tục, không ích lợi chi cho việc trau tâm sửa tánh. Trên thiên bàn chỗ thờ Trời, Đấng Tối Cao đủ đầy oai nghiêm, quyền năng tột độ, lại còn sợ ma quỷ hay sao ?
Đối với việc xin keo để được lãnh pháp hành đạo.
Keo là gồm một âm một dương, khi thải ra thấy một sấp một ngửa là xin được keo. Điều này đi vào mật pháp vô vi, tự hành thủ công phu, thấy rõ âm dương liên kết, keo sơn gắn bó, nối liền không còn riêng rẽ nữa, đèn mới sáng, máy mới chạy, tự mình có pháp, đạt đạo lẽ đương nhiên. Còn hành theo lòng mê, cầu mong may rủi, chấp sự hành sữ mất đạo, tiêu tan ánh sáng.
Một số người tu theo phái Chiếu Minh có nhiều duyên do đó Giáo chủ dạy cho họ tùy theo căn cơ
Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh.
Để chọn mặt gởi vàng, không thể đem của báu gởi vào tay phàm làm mất chơn truyền nên Đức Ngài không dạy cho chơn tức cách thở tiên thiên khí.
Thấy vậy họ canh cãi chấp vào văn tự do các đồng tử không biết pháp diễn đạt, họ hành theo tâm phàm phải bị hư máy là lẽ đương nhiên.
“Mũi hít vào trong vừa đủ phải”
Họ hít bằng lỗ mũi là trái với chơn tức. Giáo chủ chỉ dạy cho họ động tác như tập thể thao không cho chơn tức để phát triển trí tuệ.
Chính vì hành mà không tri, nhắm mắt làm càng không thấy chẳng hiểu biết gì, họ phải bị sụp hầm rớt hố phí cả đời để tìm đạo, nhưng rồi đời mất, đạo không, cũng bởi họ tu mê hành muôi, lãnh lấy hậu quả lớn lao.
Lạc sai luyện đến bạc đầu như không.
Vì vậy người có đủ nhân duyên phước đức mới ngộ chân pháp đúng theo lời Chúa hằng dạy bảo ba hiệp công phu luôn luôn tỉnh thức thực hành chơn cầu nguyện; nấu cơm Trời, nướng bánh Phật, cất rượu Tiên, làm rượu thánh để tận hưởng thành quả.
Việc nấu cơm Trời có được đồ ăn cho thánh thể như thế nào ? Để cho phù hợp vừa đủ không thái quá, chẳng bất cập đó là thực hành trung đạo thuần chơn. Như ta đã biết việc nấu cơm Trời khởi động tạo hỏa công, gây sức nóng như lửa ngọn gọi là “Võ hỏa”, khi cơm gần chín dùng lửa than gọi là “Văn hỏa” hơi nóng xông riêm đủ độ ấm làm cho cơm chín; Nếu không nhận thức, hành chu đáo, đúng lúc đúng thời, không đủ sức nóng ta lại bớt lửa sớm, cơm sống, còn để trễ lửa nóng quá cơm khét không dùng được.
Chính người thực hành phải rõ biết tình trạng của mình tu chứng ở vào giai đoạn nào cho thích hợp. Có ra công gầy dựng mới hưởng quả. Động là làm ra lửa, tịnh là sử dụng hiệu năng thành quả. Vì vậy động tịnh liên hòa mới có kết quả, không còn riêng rẽ mới có cơm Trời để ăn hữu dụng cho việc gầy dựng chân thân thánh thể của mình.
Còn có trường hợp không cơm mà lại đòi ăn, nên phải chịu đói lòng cũng giống như người có cơm mà không được ăn vậy.
Điều này được giải rõ như sau:
Động và tịnh: Nấu cơm để ăn bồi dưỡng chân thân.
Động mà không tịnh: Nấu cơm nhưng không ăn.
Tịnh mà không động: không nấu cơm lại đòi ăn.
Trong hai trường hợp sau không cung cấp cho chân thân, vun bồi thánh thể để cho nó tiêu hao kiệt quệ phản lại việc tu hành: Tu nhưng thật không có tu, bởi vì không cung cấp gì cho chân thân của mình cả.
Người tu chân phải công phu hằng ngày mới có cơm Trời, bánh Phật, thức ăn dâng hiến cho Như Lai. Có người vì lòng phàm tưởng rằng mình tu đủ rồi không cần tiếp tục hành pháp nữa khác nào như ta đốt ngọn đèn”Ai đa” ra sức bơm đủ hơi thắp sáng vui chơi một thời gian hết hơi dầu, đèn tắt liền phải chịu cảnh u tối, nếu nhận rõ thực tại cần phải làm tiếp tục hành công bơm hơi, đèn cháy trở lại, cũng là phép sanh lại của Chúa đấy.
Lời kinh của Chúa thật vi diệu ta phải nghiệm suy một cách chu đáo trong việc hành pháp của mình để tạo tác, gầy dựng ánh sáng, phục hồi chân thân, vun bồi thánh thể, từ chỗ tiêu hao lão nhược trở thành sung mãn tròn đầy, do công phu thiết thực, tô bồi chỗ khuyết sửa chửa chỗ hư để được vuông tròn.
Việc làm này ta phải luôn luôn sáng suốt và theo dõi sự thăng tiến của pháp đạo, kiểm chứng thích nghi ở vào từng giai đoạn, khác nào như dưỡng nuôi con trẻ, đói cho ăn, no ngũ kỷ, nó mới mau lớn thành nhân đắc dụng.
Đường hành đạo của ta luôn luôn được Chúa soi dẫn tỏ tường, từng lời từng chữ đều là châu ngọc quý báu vô cùng. Ta không thể kinh thường vì đây là những kinh nghiệm giúp ích hữu hiệu trên đường đến với Chúa.
Nhờ gia công nỗ lực bồi dưỡng sức khỏe và tinh thần đúng phương pháp cả hữu lẫn vô và bảo vệ chu đáo thân tâm đến chỗ tốt đẹp.
Đây là một công trình vĩ đại, lắm công phu nhiều gian khổ không tự nhiên có sẵn mà do con người làm nên tất cả.
Đường hành đạo, tu thân chân chính do ta thực hiện dưới nhan Chúa ban bố đầy điển huệ thật vinh quang và rạng rỡ!.

CHƯƠNG VII
XXX
THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON THA KẺ MẮC NỢ CHÚNG CON.

Con người vào cõi hồng trần này với một thân thịt và một linh hồn, đó là điểm linh quang giúp cho họ sinh hoạt trên thế gian này.
Đây cũng là một tiểu vũ trụ thu hẹp với đầy đủ báu vật của Đất Trời, cũng là vạn bữu nang của Phật, Vườn đào của Tiên, Vườn nho của Chúa, một tuyệt tác phẩm của tạo hóa đã hình thành nên con người trọn vẹn do: đất, nước, gió, lửa.
Con người sinh hoạt được nhờ ăn của đất, thở của Trời, tạo ra sự sống. Từ khi ra đời dần dần lớn lên theo thời gian trưởng thành cả thể xác lẫn tinh thần đến già bệnh hoạn rồi chết. Một đời người diễn ra nơi cõi trần này bởi lẽ Thành, Trụ, Hoại, Không, chẳng có một ai tránh khỏi cả.
Vì vậy con người mang nợ của đất trời để có sự sống trên thế gian với thân xác và linh hồn, vật chất và tinh thần, cả hữu lẫn vô. Họ nhận lãnh vốn liếng đầy đủ, nợ của đất trời, để thực hiện cuộc đầu tư trong một kiếp người.
Khi rõ được bổn phận hiện hữu của kiếp vi nhân, ta phải làm như thế nào cho xứng đáng là một con người tốt đẹp, nhất là hoàn tất sứ mạng khi vào cõi hồng trần này.
Với một thân thịt và một cái Trí của Trời ban để làm lẽ sống, ta mượn giả thân hữu thể này để tô bồi cái thánh thể chân thân, ngày càng rạng rỡ thêm.
Nhờ có phương tiện vay mượn, vốn liếng của đất trời để thực hiện tạo tác ánh sáng, gầy dựng trí tuệ, chỉnh trang cho đời sống tâm linh. Người đời không biết cho nên đem ra phung phí của báu, tiêu xài hết vốn liếng thì lấy đâu làm phương tiện đầu tư nên họ cam chịu sống trong cảnh đau khổ.
Nhờ rõ được sự quan trọng đó ta bắt đầu thực hiện việc gầy dựng chính yếu nơi bản thân, sức khỏe và tinh thần, vốn một lợi nhuận muôn ngàn, là thành tựu của đường lối tu thân chân chính.
Người tu chân quý trọng của báu, bảo vệ chu đáo không để hao hụt, ngày đêm hạ thủ công phu, chuyển pháp luân, gom góp những hạt cát vàng rãi rác trong chân thân nơi tiểu vũ trụ này để hình thành kim cang thân, thánh thể của Chúa hiển linh. Nhờ có sáng mới thấy biết, rõ thông sự việc nơi cõi hồng trần này và đem ra ứng dụng đối nhân ứng vật giải quyết mọi vấn đề một cách thuận hợp, chuyển hóa cùng thành thông, bĩ thành thới, loạn thành trị, thoát khỏi ràng buộc vấn vươn.
Tất cả mọi phiền não, hắc ám đau khổ nơi lòng đã cưu mang nhiều đời nhiều kiếp, nợ nần oan nghiệp chồng chất, thêm vào thất tình lục dục, với phép lành của Chúa, bát nhã trong ta xua đuổi bãy con quỷ và làm cho lục căn thanh tịnh bằng nước thánh, uống vào say sưa vui vẽ. Chính đây là phép rửa tội bằng lửa tiêu trừ ô nhiễm, dứt hết tật bệnh của trần tâm, tháo gỡ oan khiên nghiệp chướng, nợ nần vay trả trả vay, giờ nay may duyên ngộ phùng pháp đạo tu hành để giải thoát.
Chính vì có những chướng ngại khó khăn khảo trở mới đo lường cái dụng do Huệ trí ứng hiện. Đây là quyền năng tối thượng pháp mầu của Chúa giúp ta vượt qua biển trần đầy sóng gió.
Ta đã mang nợ pháp, tất nhiên ta phải trả nợ pháp.
Nhờ có pháp hành trau để trở về với đạo là sự sống và sự sáng trong ta, do tự tu, tự độ, tự ngộ, tự tri, tự thành đạt lấy trong sứ mạng, tự cứu khổ ban vui cho chính mình của giai đoạn: Tự độ tự giác.
Với thành tựu đạo pháp, ta cần phải bố rãi cái nguồn - ân phước - Phép lành - cứu cánh đến cho mọi người của giai đoạn: độ tha, giác tha. Sứ mạng cứu khổ ban vui cho mọi người được ta thực thi vi diệu, dạy người mà người không biết, độ người mà người không hay, có như thế sự cứu độ mới trọn vẹn đúng đạo lý vô vi.
Ta mang nợ cũng như không mang nợ, có ứng dụng dường như không ứng dụng, mà lại ứng dụng hơn bao giờ hết, đạt đến quả vi vô lậu, xuất sinh ánh sáng, đắc đạt “Bình đẳng tánh trí”.
Có sáng là soi rọi, soi rọi dường như không soi rọi thì cái soi rọi đó trùm bao tất cả như thể tánh của mặt trời.
Con giống cha, cha con không sai khác, cha có gì, con có nấy, đấy là bản thể của tiểu vũ trụ thông lưu cùng bản thể của đại vũ trụ. Con là thầy, thầy là con, con thầy hiệp nhất. Chính chỗ vi diệu pháp: nợ cũng như không nợ, vay cũng như không vay; Bởi vì ta nợ với ta, ta vay với ta. Ta là người, người là ta. Ta người không sai khác.
Một thể chất tinh anh đem ra ứng dụng tuyệt mỹ, thể dụng tương đồng, ngoài trong như nhất, không còn thấy sai biệt giữa ta, người, hữu vô, thể và dụng.
Lời chúa được ta thực thi đến trọng vẹn để có được thân tâm hoàn mỹ. Đây chính là phần thưởng xứng đáng cho người tu thân chân chính vượt hẳn mọi chướng ngại khó khăn nơi thế trần mới siêu giai giải thoát.
Tương đối tâm trở về với tuyệt đối tánh.
Thể tánh của con người hòa nhập với thể tánh của Trời - Thiên nhơn hiệp nhất trong một bộ máy hành tàng; đầy đủ năng lực mới hữu dụng đem đến lợi ích thiết thực cho con người hiện hữu trên thế gian này.
Đây là pháp nhiệm Chúa đã chỉ dạy cho con người có hoài bão thông hiệp với Ngài nhờ hành trau và đắc đạt.
Con người sẽ làm nên tất cả.

CHƯƠNG VIII
XXX
CHỚ ĐƯA CHÚNG CON VÀO SỰ CÁM DỖ

Con người sống trên thế gian này để học hỏi và thăng tiến, tùy theo trình độ của mỗi người đem ra ứng dụng khả năng của mình trong sinh hoạt hàng ngày, nhân đó có thể đo lường cường độ sức giác ngộ và tính liễu tri của họ.
Chân nhân tu hành trau tâm luyện tánh, thực hiện đầu tư trí tuệ, bồi dưỡng thân tâm, đáp ứng với muôn ngàn thử thách ở đời. Nhờ có những vấn đề khi họ tiếp cận với xã hội bên ngoài, đối mặt với thực tế, mới đánh giá đúng mức thành tựu trau sửa; bởi vì đây là những dịp tốt để giúp họ thi thố tài năng, kiểm chứng lại thực chất khi đem ra ứng dụng.
Thánh dụng hay phàm dụng, từ tánh ra hạnh. Khi hòa nhập với đời, con người phải chịu đựng biết bao cám dỗ, hấp lực lôi cuốn của tình, tiền, danh, lợi làm cho tinh thần dao động, không còn tự chủ, thần trí theo các giác quan phóng hoại; mắt thấy cái đẹp cái xinh, tai nghe lời ngon tiếng ngọt, mũi ngữi mùi hương thơm tho kích thích, lưỡi nếm vị đời ham muốn, thân thịt đụng chạm da mát thịt mềm cảm xúc, người đời đắm đuối say mê, đòi hỏi rồi thỏa mãn, cứ tiếp nối mãi không dứt, khiến họ bị đau khổ nơi chốn biển trần. Phàm nhân để giả tâm làm chủ sai khiến họ trở thành nô lệ cho tham dục. Ngay cả người tu hữu tướng, hướng theo hữu vi, Chúa gọi kẻ tu giả hình, tranh danh đoạt lợi, chất chứa tham vọng nơi lòng. Họ sống theo đời, là còn đời, xa hẳn cỏi Trời, phải bị gạn lọc theo lý vô vi chi đạo.
Họ bị khổn tiên thằng trói buộc Ông Tiên, vị Phật của mình, lại để yêu tinh ngự trị, thú tánh điều khiển thật là bất hạnh !
Người giác ngộ lý chân tầm phương giải thoát, may duyên gặp chơn truyền hành trau phục hồi chân thân, tái sinh Chúa Thánh của mình đủ đầy phép mầu. Nhờ ánh sáng của tâm minh chiếu diệu, Chúa đến chữa lành nan y tật bệnh, người điếc được nghe, người câm biết nói, người què biết đi, người phung được sạch. Khi chỉ dạy mật pháp, tỏ bày lý nhiệm Ngài dạy: “Các ngươi uống nước đó lại càng khát khao thêm, ta sẽ ban cho các ngươi thứ nước trong người uống vào không còn khát nữa”. Nước của phàm phu là nước nhân dục, khát khao ân ái, không bao giờ thỏa mãn, nên còn khao khát mãi. Nước của Chúa chỉ dạy là nước Thánh, cam lồ thủy, tự hành tự tạo, uống vào đoạn dứt dâm căn, không còn khát khao nhân dục, dẫn đến cảnh sống đời đời.
Chính nhờ Chúa chỉ dạy con đường sáng, ta đi theo, vào ngõ hẹp, hướng nội quy hồi, các giác quan không còn buông lung do giã tâm tục tánh điều khiển nữa. Giờ nay chúng được thánh hóa phụng sự cho thiên tâm, ứng dụng sáng suốt, thất tình lục dục không còn dấy động làm mưa làm gió, trở thành thất bửu và lục thần thông, giúp ích đắc lực cho ta.
Mỗi nhân sinh điều có những khảo trở khi đối mặt với đời, cũng là bài thi cần phải được giải quyết, không khó cũng chẳng dễ, phù hợp với khả năng sẵn có. Nếu không có ánh sáng, chẳng thấy được sự thật dễ bị lầm nhận sẽ dẫn đến thất bại. Còn người có trí tuệ soi dẫn, thấy chân biết thật giải quyết mọi vấn đề một cách thỏa đáng.
Một điều hiển nhiên là bài thi cho mỗi người, không ai giống ai đạo cao ma cao, cuộc khảo dợt xứng hiệp với khả năng, đó là: thi đức thi tài, thi điển quang, để đánh giá thực sự trình độ.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức.
­Với khả năng của huệ trí có được do hành trau đem ra ứng dụng đúng lúc, kịp thì, chuyển hóa mọi khó khăn thử thách trở thành thuận lợi. Người hành tâm pháp tự tin vào khả năng của chính mình, chứ không mong cầu ngoại lực tha nhân giúp đỡ, sẵn sàng đón nhận khảo trở như những vị khách quý, dù có vừa ý hay không vừa ý chăng nữa, họ có thừa sức giải quyết vơí đáp án đoan trang.
Trong giai đoạn hành trau vừa gầy dựng và bảo vệ phải luôn luôn đi song song với nhau mới đạt đến thành tựu. Nhất là ta không được ỷ y khinh lờn, tự cao, tự đại vào mức độ hành trau, tu chứng khi đối đầu với cám dỗ quá mức vượt bực sẽ gặp trở ngại, gây nguy hại cho tính mạng. Bởi vì môn đồ tu học chưa đủ thần thông, lại thích khoe khoan phô trương đạo pháp để chứng tỏ mình tu cao, thành đạt đạo cả, nhưng thật sự quả vị còn non kém muốn mau thành chống đạt khác nào nhốm gốc cây lúa để cho mau lớn ra hạt, cây lúa phải bị úa tàn.
“Con đại bàng trong hạt trứng kia,
Nở ra chưa kịp trau tria,
Cánh lông chưa đủ bay vìa nơi đâu ?”
Sự cám dỗ là thước đo khả năng tu chứng của người hành đạo.
Một trường hợp điển hình như Lưu Trường Sanh vào nhà điếm để luyện sắc, bởi vì ông đã nhiều phen thất bại vấp ngã do sắc dục cám dỗ, đến khi có được khả năng chịu đựng, pháp mầu trong tay đối đầu trực tiếp với sức hấp dẫn kề vai sát cánh, vuốt ve, chiều chuộng, khiêu gợi kích động cảm giác do sắc dục nữ nhân”Mỹ Ngọc” cám dỗ, Ông thành công chế ngự, thắng được con thú nơi lòng nhờ có được phép nấu nước trên bụng (võ hỏa) và phép nướng bánh trên bụng (văn hỏa) mới diện kiến Đạt Mạ Tổ Sư. Đó chỉ là thành đạt một phần của Đạo quả, Tổ sư Đạt Mạ chỉ khuyên Ông hãy rời bỏ ngay chỗ chấp, bám trụ ở một vị trí, pháp luân không chuyển động, máy không chạy, chẳng phát điện năng, đèn tắt chẳng còn sự sáng.
Bởi còn chấp vào chỗ thành đạt là không thành đạt gì cả.
Người hành chân đạo trau sửa thân tâm luôn luôn giác tỉnh ở hành động khi ứng dụng chịu đựng thử thách, đối đầu gian nguy, thắng phục cám dỗ, nhờ vào tuệ tính của chính mình khởi ra diệu dụng, vừa gầy dựng và bảo vệ để khỏi phải phí công vô ích.
Ba năm đốn củi chỉ thiêu một giờ.
Con đường trau sửa của chân tu lúc nào cũng có khó khăn, gian khổ, cám dỗ dẫy đầy. Đây chính là nguồn cổ vũ hào hứng, bạn đồng hành để vượt bể khổ tới bến đến bờ một cách vinh quang.
Sự khảo trở, thử thách là bài thi cần phải được giải quyết của mỗi nhân sinh, từ thấp đến cao, của từng giai đoạn tu tiến như trường hợp ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu.
“Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày đêm, sau thì đói”.
Đây là giai đoạn tu luyện, không để cơn đói lòng tự do hoành hành thao túng, mà phải do chơn tâm điều khiển chẳng cho cảm giác sai khiến, ham thích mùi vị ngon ngọt của thức ăn vật chất cung cấp cho xác thịt, cố lo phục hoàn thánh thể bằng thức ăn của Chúa. Bốn mươi ngày đêm là vô vi bí số, vượt ngoài chu kỳ của mặt trăng 30 + 10 chỉ rõ sự vận hành của âm dương, ngày đêm qua lại hết tối rồi sáng, giác mê lẫn lộn, đói no của lẽ tương đối, một vọng niệm phát sanh quỷ liền xuất hiện xúi dục.
“Quỷ cám dỗ đến nói với Ngài rằng: Nếu Ngài là con Đức Chúa Trời hãy bảo đá này trở nên bánh đi”
Phần đen tối đến, tà thần xuât hiện do không giữ được các giác quan, nên nghe thấy, chúng khuyến dụ làm chuyện ma quái huyền hoặc để thỏa mãn cơn đói lòng, đang thôi thúc mãnh liệt, kích động liên hồi bỡi nhu cầu đòi hỏi. Sự tranh đấu giữa tối và sáng, ma quỷ cùng với Ngài để tranh cao thấp. Con Trời là điểm linh quang xuất phát từ đại khối, tự mình có một tạo hóa cơ, tương tự như Cha Trời cũng có thể sản xuất, tạo tác, nghĩa là Cha có gì con có nấy với đầy đủ quyền năng phép lạ có thể chuyển hóa tất cả .
Đá là nền tảng xây dựng cho ngôi đền thánh - thánh tâm - thần thất, cao đài đảnh thượng của người tu, nó là tinh đấy. Nếu bị cảm giác chi phối, âm thầm xúi dục biến nó thành giao cảm chi tinh, chất nước dâm dục, nam nữ dùng nó để no lòng đỡ dạ qua cơn thèm khát, ái ân thú vui của trần tục, phàm chỉ lo phần tướng, bỏ mất phần tánh, chiều chuộng nhục thân chẳng kể đến tinh thần.
“Ngài đáp rằng: Loài người chẳng những chỉ nhờ bánh thôi đâu, song cũng nhờ mọi lời ra từ miệng của Đức Chúa Trời”
Nhờ giác tánh ánh sáng của tâm linh, tự chiếu tự minh, thấy rõ để ứng phó kịp thời. Thông cả hữu lẫn vô, vật chất và tinh thần, Đời và Đạo không chấp riêng rẽ, phải rõ chỗ toàn nguyên. Cái hữu thể của con người phải được cung cấp bằng vật thực thanh đạm để có được sự sống. Thân thể khỏe mạnh, nhẹ nhàng, “Con ngựa phàm” này phải biến thành “Long mã” mới đưa ta đến nơi đến chốn.
Còn điều đặc biệt là phải cung cấp chân thân, thánh thể của mình bằng cơm Trời. Trong cuộc chiến ở nội tâm giữa giác và mê, huệ trí và muội trí, xiển triệt tương tranh với nhau, mọi lý lẽ được giải bày phô trương ra hết; Nếu không có tuệ tính khởi sinh dẫn đường chỉ lối, lã thông lý mầu dễ bị kẹt vào bẫy rập của vô minh tục tánh.
Nhờ phân định giả chơn, hư thiệt, hữu vô, phàm thánh, người tu tô bồi thân tâm, sức khỏe và tinh thần có được sự sống và sự sáng. Tự chiến thắng được sự cám dỗ thấp hèn của thú nhục dục.
“Đoạn ma quỷ đưa Ngài vào đền thánh, đặt Ngài trên cánh dơi của Nhà thờ”.
Đến giai đoạn khảo trở cao hơn đột nhập vào thần thất của ta trên đỉnh cao tột chỉ rõ sự khảo trở này lắm gian nguy, nhiều khổ khó, sinh mạng tợ như chỉ mành treo chuông.
Cánh dơi: Dơi là loài sinh vật vượt ra ngoài loài cầm thú; sự khảo trở này đặt trên nền tảng không còn thấp cao, thượng hạ, thú cầm. Cuộc phân cao thấp giữa huệ trí và tà thần giã trí, một mất một còn, tất cả bửu bối, pháp mầu đều được đem ra thi thố.
“Ma quỷ nói rằng:
Nếu Ngài là con Đức Chúa Trời, hãy gieo mình xuống đi vì có chép rằng: Chúa sẽ vì ngươi truyền lệnh cho thiên sứ Ngài, chúng sẽ nâng đỡ người trong tay kẻo người vấp chân vào đá chăng”.
Do sự xúi dục của tà thần, chấp vào hư danh, giả tướng rồi hành động trái thiên ý, hiểu chỉ có một cục diện, khía cạnh của vấn đề, không rõ chỗ toàn chu nguyên thể nên mất hẳn cái chánh tri kiến, thấy chân biết thật, hành động dễ bị sai thất, nhất là chấp vào kinh sách, diễn dịch sai pháp ý bị lời kinh ràng buộc rơi vào Bàng môn tả đạo.
Kinh dụng lý ở bên trong thuộc tánh chỉ rõ đời sống tâm linh. Người tu chân luôn luôn nghĩ đến việc phóng thích tâm trí mình ra khỏi tham vọng hoặc do ngã si pháp si chế ngự. Có như thế mới phát hiện cảnh giới chân thật và chỉ có chân thật mới đưa ta đến chỗ giải thoát.
Tự hiểu mình, tự biết mình do chân trí thật trí khởi sinh, vô tự kinh, tự mình ứng dụng bất cứ lúc nào khi cần đến.
Giêsu phán: Cũng có chép rằng Ngươi chớ thử Chúa là Chúa Trời ngươi.
Người đã đắc nhất tâm, thấy nhất tánh làm chủ tiểu thiên địa, toàn giác toàn minh, thấy biết tất cả, Christ ngự trị vững vàng trên ngôi báu, tiếp thông với nguồn sống, liên lạc với Trời Cha. Con cha đồng nhất tánh. Con là Cha, Cha con là một, đủ đầy quyền năng.
“Ma quỷ lại đem Ngài lên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian cùng sự vinh quang các nước ấy mà nói rằng. Nếu Ngài sấp mình thì tôi sẽ cho Ngài mọi sự này”.
Đến đây dự thử thách ở vị trí cao nhất, lấy vật chất của đất làm nền tảng vững chắc để khảo dượt người tu, chỉ ranh phàm thánh, đất và Trời, Đời hay đạo.
Nếu hướng theo muôi trí nhìn xuống phía dưới, quay về với đất, khai mở tri kiến của chúng sanh, nhãn giới của thế tục, thấy cảnh đời nguy nga, ngôi vị cao sang, mặc tình hưởng thụ thú vui trần tục. Còn bằng nhìn thẳng, quy hướng hư không cảnh giới bao rộng, không vướn bận thế trần, tuy không mà có, cái có đó mới chân thật.
“Không không tâm đắc Như Lai tánh”
Thấu rõ tất cả, dưới thiên nhãn quang minh của Ngài chân tướng lộ bày không còn che giấu được nữa. Giêsu bèn phán rằng: Ở Sa tăng hãy lui đi.
Huệ lực phát huy, khối sáng trong ta tự chiếu tự minh, tiêu trừ mọi hắc ám, diệt hết khổ đau, vô minh thoái nhượng, nhan Chúa rạng ngời, cảnh giới quang minh là thiên đường tự tại.
“Ngươi hãy thờ lạy Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và chỉ phụng sự một mình Ngài thôi”
Hãy nói theo giác tánh, trở về với bản thể
duy nhất nghĩa là phải quán nhất chỗ tối cao, tối linh, tối diệu ấy.
Hãy trở về chỗ Cao Đài của mình với trí bát nhã để đắc Ba La Mật, đáo bỉ ngạn tức thiên nhãn, thiên tâm hay phật tánh hằng hữu hằng thường là Như Lai bản thể, Niết bàn vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
“Ma quỷ bèn lìa khỏi Ngài, kìa Thiên sứ đến phụng sự Ngài”
Ma quỷ là phần đen tối, tà thần giả trí nay hoán cải thành Bồ đề chánh trí, phiền não tức Bồ đề, chúng sinh tức Phật tánh.
Cái tối lớn dường bao, giờ đây trở thành cái sáng to cũng dường ấy, nghĩa là Chúa yêu hoán cải thành Chúa thánh. Toàn giác toàn minh, không có ma quỹ hay Thiên sứ riêng rẽ, hiệp nhất thành ngôi Chúa đủ đầy quyền năng nhờ quán nhất, đắc nhất, quy nhất mà thành đạo.
Nay ta đã rõ đường lối tu thân chân thật, trở về với bản tâm lo gầy dựng trên con đường tu tiến của mình, trãi qua nhiều giai đoạn từ thấp đến cao phải luôn luôn cảnh giác không thể thờ ơ mới đến nơi đến chốn, chỗ rốt ráo sau cùng, giải thoát ta ra khỏi vô minh và phiền não, tự chúng đắc một tinh thần vê thượng, nằm trong bản thể vô thượng gồm đủ thể chất tinh anh thuần khiết rồi đem ứng dụng vi diệu.
Người đi trước đã rõ chỉ dẫn cho kẻ đi sau am tường trong đoạn kinh cám dỗ này, pháp ý của Chúa tỏ bày một cách mạnh mẽ chỗ đối pháp.
Mượn lưỡng biên tương đối để hội ngộ chỗ tuyệt đối trung tâm là duy nhất pháp, pháp bất nhị, người tu chân hãy trở về chỗ một đó mới lãnh hội trọn vẹn đạo pháp của Ngài.
Đưa chớ đưa, sợ chẳng sợ, cám dỗ không cám dỗ, chỗ không ấy là bản thể chơn như, trụ cốt chủ yếu để vận hành máy linh, bất biến ứng vạn biến, đúng với đạo lý vô vi, không làm như đã làm, tất cả cái được làm ra đều do cái vô chủ xướng, từ đó đi ra nay lại quay về thành một vòng đạo hằng xoay vận chuyển, không bám, chẳng trụ, đúng chơn cơ, y máy tạo, có được như thế ta hòa cùng đạo, hiệp cùng Chúa, tuy ta đang sống nơi chốn trần gian, nhưng tâm ta không vướn bận, tự tại an nhiên đúng là tiên tái thế, chơn nhân nơi trần tục.
Nhục thân hòa trần cảnh.
Pháp thể hiệp bồng lai.

CHƯƠNG IX
XXX
NHƯNG CỨU CHÚNG CON KHỎI ÁC.

Con người lúc ban sơ chơn tánh thiện lành vốn có sẵn nơi lòng, dần dần lớn lên chung lộn trong cuộc sống, đụng chạm với thế nhân dấn thân vào xã hội. Họ phải cạnh thanh địch đối, dùng toàn những thủ đoạn đê hèn, mưu mô xảo quyệt, độc kế nham hiểm để hãm hại lẫn nhau cho thỏa lòng phàm, vừa ý tục. Chính vì thế, cái chơn tánh ban đầu không còn nguyên vẹn nữa, nó đã bị nhiễm trước ô trược, trở nên không thiện, bất nhân, ác tính được thực hiện từ trong tư tưởng đến hành động, gây nên cảnh xáo trộn khốn cùng trên thế gian này.
Chính đấy là do lòng tham hành sử, tánh tục khiến xui, điên loạn oán hờn, hung hăng dữ tợn. Cái thú tánh thô bạo tục tằng ấy đã choán ngự chủ tâm. Họ đối xử với nhau bằng lòng phàm tánh tục, chấp nhất bài tha, chỉ lo cho cái của ta - chủ nghĩa cá nhân - phân ranh ngăn cách, lại do ảnh hưởng của quốc túy quốc hồn, dị biệt độc tôn làm cho tâm trí của họ hạn hẹp
trong khuôn khổ, tư tưởng thiển cận, định kiến
cố thủ cố chấp, phục vụ riêng tư.
Từ dân dã man đến người văn minh chẳng còn lương tri, mất hẳn lương năng, gây hại cho đời quá ư ác độc, do đó tài năng hóa ra khổ ách, họ đều giải quyết với nhau bằng nhân tranh đấu, nên gặt phải quả đấu tranh, sát phạt lẫn nhau, không còn kể tình đồng loại.
Phương kế hung ác, chiến tranh tận diệt. Họ lấy ác đối ác, cái quả ác tự nhiên thành. Thế mà họ lại mong cầu Thượng đế, khẩn nguyện ơn Trên bố ba ân phước, giải trừ ác nghiệp ! Thật đấy chỉ là ảo tưởng, cảnh an lạc thái hòa, không bao giờ đến với họ, bởi vì họ còn chấp vào thế gian chi pháp Chúa cũng có nói đến khi Ngài thuyết Đạo.
“Các ngươi đã nghe phán rằng: mắt đền mắt, răng đền răng”.
Phàm nhân đã bị ung đúc bởi lậu tập lâu đời, trở thành ác tập cưu mang, cái mầm giống hung dữ ấy choán cả cỏi lòng của họ, do đó tạo ra bao cảnh tang tóc, giết chóc rùng rợn. Cái thú tánh hung tợn ngấm ngầm trọng tâm thừa cơ hội bộc phát một cách dữ dội, trong khi họ chẳng có một năng lực nào kềm chế ngăn chặn nỗi nên sanh ra hành động bất pháp vô đạo từ xưa đến nay. Cái quan niệm sống đấu tranh đã tạo oan nghiệp “Vay trả, trả vay” liền liền, nên con người phải chịu khổ. Tỏ bày chân lý ứng hiện cho phù hợp tự nhiên, Chúa ra lệnh:
“Song ta nói cũng các ngươi đừng chống cự kẻ ác”
Nhờ tiếng gọi của thức tâm, noi theo giác tánh, ánh sáng soi tỏ hành động chánh chơn, đúng theo đạo lý, thể hiện tình thương cao cả, lấy nhân để đối xử, lấy đức để cảm hóa, mới đem đến cảnh hiệp hoà, nhờ hiểu rõ được nguyên nhân phát sinh ra tranh đấu, hận thù để kịp thời ngăn chận dập tắt hành động thô bạo ấy. Có được như thế nhờ họ chịu thương chịu khó, quy hướng nội tâm, lóng sạch bợn lòng, thắng phục “ cái ta giã ngã” chuyển hóa thành “chơn ngã quang minh”.
Tự hiểu mình, tự biết mình, tự thắng mình là một nhiệm vụ trọng đại vô cùng.
Chính nhờ có thắng mình mới kiềm chế được những hành động xấu xa không hợp lẽ đạo.
Thắng nhơn giã hửu lực
Tự thắng giã cường
Hành trau tâm pháp điều nhiếp các giác quan, tâm an trí định, thanh tịnh hằng thường, từ chỗ thanh tịnh lóng nghe tiếng nói vô thinh từ đài cao xuất phát, tỏ bày chân lý đạo giúp ta rõ thông cả thảy, trong lẫn ngoài, vô lẫn hữu, phân định đúng đắn để ứng dụng không nhầm lẫn, thoát hẳn mọi khó khăn trở ngại của thế trần.
Chúa dạy rõ “Nương chỗ tương đối để trở về chỗ tuyệt đối trung tâm, thể hiện đạo lý duy nhất không còn phân biệt thiện ác, ta người, có không. Chính nhờ thấy Một ấy là nguồn cội sơ khai Cao Đài của nhân loại, chừng đó mới chứng nhập chân đạo cao cả, cái dụng của chúng sinh không còn mà là toàn chân đắc dụng, từ bi lân tuất, bác ái đượm nhuần, đại bi tâm ứng hiện toàn khắp.
Tự cứu khổ ban vui cho chính mình, đem lòng ái lân thương xót mọi người, ta người không phân biệt, thân thù chẳng phải hai, thiện ác bất tranh là đường lối tốt nhất, Chúa đã vạch sẳn con đường sáng dẫn đến hạnh phúc ở thế trần để cho nhân sinh hành trau, hợp thiên tâm, đúng thiên lý, y như cơ Trời máy tạo của Trung đạo thuần chơn.
Đây là lẽ công bằng của tạo hóa đem đến sự vững bền, tồn tại an vui trong thành tựu của đạo pháp.
Người trau tâm, luyện tánh và đem ra ứng dụng chung đụng với thế trần, có được khả năng điều khiển chế ngự các giác quan, làm chủ bản thân, không còn thấy băn khoăn lo lắng trước bất cứ một trở lực khó khăn nào ngăn đường đón ngỏ bước tiến đạo. Họ vui vẽ đón nhận chúng nó như những người khách qúy đến nhà, ân cần giải quyết thỏa đáng. Chính nhờ thành quả này tự họ di lạc cho mình và cho mọi người, chuyển pháp luân cứu khổ thế gian này.
Như ta đã thấy lời chỉ dạy của Chúa đi vào mật pháp chỗ duy nhất lý, từ tương đối trở về chỗ tuyệt đối, không còn thấy biết làm hai làm nhiều mới chuyển hóa thế trần. Càn khôn quy kết, âm dương hợp nhất tạo thành một vòng pháp luân hằng xoay vận chuyển, đúng theo cơ trời máy tạo.
Chân lý của Chúa chỉ dạy là đường sáng, đạo lành, kim chỉ nam định hướng, chiếc phao cứu cánh giúp cho nhân sinh vượt bể khổ, từng lời từng chử là châu ngọc thật quý báu vô cùng.
Nhân sinh cố tâm học hiểu và hành trau!

CHƯƠNG X
XXX
CẦU NGUYỆN THẬT

Khi đã rõ nơi bản thân ta có đầy đủ của báu khả dĩ làm phương tiện để ta tu dưỡng thán tâm đúng chơn cầu nguyện. Cầu cho lòng phàm dứt, nguyện cho tục tánh tiêu để có đủ trí tuệ soi sáng trong sinh hoạt hằng ngày. Đây cũng là phương pháp tu hành theo lời chỉ dẫn quý giá mà Chúa đã tỏ bày, cầu nguyện trong thanh vắng là hành thủ công phu đấy, nhưng hành bằng cách nào, công phu ra sao? Việc tu hành trau luyện nơi thanh vắng chốn tịnh phòng cũng như tâm thất của ta phải yên tịnh, các cửa là các giác quan, phải khép lại thực hành cầu nguyện thật, chiêm niệm rốt ráo mới tiếp thông với nguồn cội, liên lạc với trời cha, đài cao tột đỉnh.
A . Phương pháp đi vào cầu nguyện :
Đây cũng được gọi là pháp sinh lại của Chúa. Bồi dưỡng thân tâm của mình là chiếc phao cứu cánh, chìa khoá duy nhất, nhịp cầu thông hiệp nối liền âm dương, hữu -vô, con Cha hội ngộ sẽ được chỉ dẫn sau.
Phương pháp bồi dưỡng sức khoẻ và tinh thần nhân sinh muốn tiếp nhận sẽ được Giáo Sư tâm pháp của Chiếu Minh giáo Tòa hướng dẫn thực hiện công phu.
Với phương tiện đủ đầy, pháp môn vi diệu rồi nhất tâm hạ thủ công phu, thực hiện cầu nguyện thật quy hướng cội nguồn, tiếp thông với nguồn sáng, hoà nhập nguồn sinh đó là lạy Cha thật sự, người nguyện cầu luôn luôn tâm nguyện hoài bảo trở về.
Từ nơi đó ta ra đi, từ nơi đó ta phải quy hồi, hoàn thành sứ mạng vi nhân, có đi có về không còn bị lạc lỏng chơi vơi nơi chốn chợ đời thế gian bao rộng.
Trong hiện kiếp ta gặp đạo, sẵn pháp để thực hiện việc trau sửa này một cách hữu hiệu, nhất là ta không thể dần dà do dự, bởi vì hơi thở ra không hẹn thở vào, ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể đứt hơi lià mạng, mất một kiếp sinh quý báu.
Muốn tiếp nhận chân truyền, sinh nhân phải hội đủ điều kiện, phương tiện sẵn có để bắt tay vào việc hành trau. Chơn truyền có 3 cấp, tuy một mà 3, tuy ba mà một, tuỳ theo khả năng căn duyên của từng người để chọn lựa mức độ hành trau. Thấp hoặc cao rồi dần dần thăng tiến lên nữa.
1. Bồi dưỡng cấp 1
Người thực hiện phương pháp bồi dưỡng cấp 1 phải hội đủ điều kiện:
- Dùng đạm thực vật 10 ngày trong một tháng
- Được sinh hoạt vợ chồng
2. Bồi dưỡng cấp 2
Người thực hiện phương pháp bồi dưỡng cấp 2 phải hội đủ điều kiện:
- Dùng thường xuyên toàn thức ăn đạm thực vật
- Được sinh hoạt vợ chồng
3. Bồi dưỡng cấp 3
Người thực hiện phương pháp bồi dưỡng cấp 3 phải hội đủ điều kiện:
- Dùng thường xuyên thức ăn đạm thực vật
- Không được sinh hoạt vợ chồng “nhiên liệu” này được dùng trong việc đầu tư trí huệ, tạo tác ánh sáng đi đến chỗ viên thuần.
Con người ai cũng vậy, gồm có một “thân xác” và một cái trí theo quan điểm Đông Phương, đó là một bộ máy gồm “nhị thể là xác” và “hồn” ta phải biết hữu dụng nó vào mục đích cao cả đầu tư vào phát triển bản thân “sức khoẻ và tinh thần” mới có lợi bằng không ngày tháng trôi mau thân thể tiêu hao, tinh thần kiệt quệ sẽ mất tất cả kho, báu linh chẳng còn do mình vô minh phá hoại.
Thân ta gồm Ngũ quan và tay chân nguyên vẹn, đầy đủ yếu tố vận hành là một bộ máy hoàn hão. Một số người không may mắn bị thiếu sót một vài bộ phận như mắt kém, mũi hư, tai điếc, cụt tay hoặc cụt chân hay mang tật nguyền từ nhỏ quyết chí hành trau vẫn có kết quả nhất định, tuy không hoàn mỹ lắm nhưng có còn hơn không.
Vì vậy ta phải nương vào phương tiện sẵn có nơi mình để khởi động cái máy đang nằm yên một chỗ. Thêm vào đó nhiên liệu cung cấp rất cần thiết, tuỳ theo cấp bậc hành trau từ thấp đến cao, đạm thực vật nhẹ nhàng tinh ba “máy” chạy điều hòa mau, máy tốt cần có nhiên liệu thật tốt là lẽ đương nhiên.
Vì vậy người thực hành sẽ đạt kết qủa theo yêu cầu ý nguyện của mình. Phần kế tiếp là “tinh thần” phải không điên loạn mới tiếp thu được sự chỉ dẫn, để thực hiện phương pháp “bồi dưỡng sức khoẻ và tinh thần”.
Tất cả hai phương tiện trên mặc dù nó có tiêu hao và yếu chăng nữa sau khi thực hiện việc trau sửa sẽ được hồi phục trở lại, lâu hay mau là tùy theo sự gia công tu sửa và sự trì chí của mình ít hay nhiều.
B. Phương Tiện Phụ Trợ Thực Hành:
1/ Một cái áo choàng màu trắng, tượng trưng cho sự thanh bạch gồm 4m vải nối với nhau thành hình vuông, ở ngay chính giữa xẽ chử thập (+) để choàng vào cổ, công dụng của cái áo choàng này là giữ hơi ấm, ngăn không cho gió xâm nhập vào khi hành công vận khí, mồ hôi tiết ra lỗ chân lông rất nhiều. Ngoài ra cái áo choàng này để cử động thoải mái, không cho ai bên ngoài thấy động tác trong khi thực hành cơ động tịnh.
2/ Một tấm nệm nhỏ 5 tấc vuông để ngồi cho êm bàn toạ và giữ hơi ấm ở phía dưới hạ chi, khi vận hành khỏi bị trở ngại, người thực hành cũng cảm thấy dễ chịu hơn.
3/ Một cây đèn nhỏ, khi thực hành ta vận ngọn đèn hơi xuống, để cho vừa tầm mắt, chính là ta mượn đốm lửa này để “gom thần” “quy hướng nội tâm” mượn giả hành chơn “chơn hoả” tạo ra hơi ấm đợm nhuần.
4/ Một lư hương; khi hành công vận khí nên đốt lên một nén hương để cho mùi thơm phảng phất gom thần an trụ nơi đỉnh đầu, không còn phóng ngoại buông lung nữa.
5/ Một đồng hồ để biết thời giờ khi vận hành khởi động “máy linh” phải đúng giờ ấn định, không được chểnh mãng giờ giấc, hoặc bỏ sót, bởi thời gian là thước đo kiên trì, chịu đựng để rèn tâm luyện trí, thân tâm quen dần, sau đó sẽ tự động đúng thời gian ấn định.
6/ Một cái ghế: người hành trau tốt nhất nên ngồi trên ghế cho vững vàng. động tác thoải mái không đụng chạm vật xung quanh, như vậy tâm không bị chi phối, chân tay cử động lên xuống “ra vào” một cách nhịp nhàng đồng bộ với nhau.
Những phương tiện trên đây ít tốn kém, người thực hành có đủ để thực hiện đúng phương pháp bồi dưỡng sức khoẻ và tinh thần mới đạt kết quả khả quan.
C/ Thời Điểm Thực Hành:
Ta phải dành sẵn cho mình thời gian nghỉ ngơi trong một ngày và phải biết lợi dụng để bồi dưỡng lại cái hao hụt năng lượng do hoạt động gây ra, nhờ dưỡng khí nuôi các tế bào đầy đủ sức sống và thải trược chất ra ngoài.
Khi sức khoẻ phục hồi, tinh thần thư thái, con người cảm thấy thoải mái mới đạt hiệu năng lao động cao.
Thời gian ấn định tập luyện tuỳ theo cấp đạo: trong khoảng
- Sáng từ : 4 giờ đến 6 giờ
- Trưa từ : 11 giờ đến 13 giờ
- Chiều từ : 17 giờ đến 19 giờ
- Tối từ : 23 giờ đến 1 giờ
Đây là giờ nghỉ ngơi nên mọi người thực hành phương pháp bồi dưỡng sức khoẻ không gặp trở ngại cho công việc làm hằng ngày. Với quyết tâm cao để phục vụ lợi ích cho bản thân về sức khoẻ và tinh thần, ta cần phải cố tâm thực hành, mới ban đầu phải giữ cho đúng giờ ấn định, qua một thời gian trở thành thói quen tự động tới giờ ta biết thực hành một cách mau lẹ đúng đắn. Thực ra lúc đó “máy linh” của ta khởi động, ta phải hành công để đáp ứng sự đòi hỏibồi dưỡng nhiên liệu dưỡng khí, là thức ăn chính yếu cũng giống như con trẻ khát sữa đòi ăn.Vì vậy người thực hành cung cấp đầy đủ được sự thoải mái và sảng khoái. Khi có một vài trường hợp bỏ sót, ta cảm thấy bứt rứt khó chịu vô cùng.
Thời gian lâu hay mau tùy theo cấp bậc cao hay thấp của người thực hành.
D/ Động Tác Thực Hành :
Vào đúng thời điểm ấn định trong ngày, ta phải mang áo choàng thực hành trau luyện, phải ngồi thẳng người trên ghế có nệm và tâm giữ thanh tịnh đoạn khởi sự ráp nối các bộ phận cho ăn khớp với nhau, đúng vị trí không sai lệch, từ chân tay đến đầu, dưới lên trên, nghịch chuyển về nguồn.
1/ Động tác chân:
Chân phải thuộc âm ta kéo vào cách bụng 5 phân, chân trái thuộc dương đặt trên chân phải ở vùng mắt cá đúng vị trí khu cảm giác kích thích bộ phận sinh dục theo hình chử W. Động tác ở chân theo theo phương pháp bồi dưỡng này có tác dụng “phục tinh” . Động tác phục tinh khác hẳn các động tác nhơn dục làm hao tinh, rơi rớt ra ngoài. Khi tinh bị hao hụt chỉ cần hành công tinh lực phục hồi. Đây là động tác ở hạ chi để luyện tinh.
2/ Động tác ở tay:
Kế tiếp đến hai tay, bàn tay trái (thuộc dương) ngón cái ấn vào phía dướicùng của ngón áp út làm thành hình vòng tròn. Đoạn ngón cái của bàn tay phải để vào vòng tròn đó như một trụ cốt có thể xoay được, những ngón của bàn tay phải nắm ngọn những ngón của bàn tay trái còn lại.
Thực hiện “giao hòa ngũ khí” hiệp nhất âm dương gọi là “kiết quả”. Đoạn các gu của bàn tay trái để vào chấn thủy giữ cố định, không được áp sát cũng không được đưa ra ngoài, xong rồi nhịp động tác đôi tay “ra vô” để luyện khí, ngũ khí ra vào xuất nhập đồng bộ, hấp hô đúng cách khác hẳn với cái thở bằng miệng mũi bình thường.
Đường hơi từ dưới rún rút lên “hấp” từ dưới bao tử đưa lên cuống họng âm vang nghe “rè rè” như tiếng ngáy, “hô” nuốt hơi tưởng như xuống bao tử sao cho tròn vòng điều đặn hết hơi này đến hơi khác một cách thong thả trong thời gian động tác. Với khoa học ngày nay có thể áp dụng cho việc dạy này, nhờ máy ghi tiếng thấy hình cùng một lúc, khi thực hành đạt “đường hơi hấp hô” kết qủa. Chính đó là cái chìa khoá nối liền tinh thần, chiếc cầu thông hiệp “kết âm dương” tóm thâu về một mối.
Đây còn là “thức ăn” chủ yếu bồi dưỡng sức khỏe và tinh thần. Dưỡng khí phải được huân chưng hâm nóng đúng cách để cung cấp mới tiêu hoá dễ dàng, không nên hấp tấp vội vàng hơi chưa nóng như cơm chưa chín ăn vào sẽ no hơi sình bụng không tiêu.
3. Đầu:
Đến phần trên mặt người thực hành ngậm miệng lại, lưỡi hơi cong lên trên vòm họng, cắn chặt hai hàm răng lại, lần lượt đến hai mắt không được mở rộng, cũng không được nhắm lại, khép mắt nữa hở nữa kín, hơi sụp rèm, tưởng ngọn “đèn” xuống phía dưới rốn rồi đem ánh sáng soi rọi bên trong.
Giờ đây tất cả mấu chốt của “cái máy” đã được ráp nối đúng nơi đúng chỗ, bắt đầu khởi động hai chân nhịp đều lên xuống, kích thích khu cảm giác tạo tác sinh tinh, tinh lực dồi dào, sức sống gia tăng, chất nước lạnh lẽo trước kia, do tà tinh giao cảm, nay đã được huân chưng ấm áp, trong nước có sức nóng (thủy hỏa ký tế).
Người ốm yếu trước đây vì mê muội phung phí của báu, nay đến lúc kiệt tinh, lão nhược, nhờ phương pháp bồi dưỡng này luyện tập phục hồi trở lại sức khoẻ tiến tăng “phản lão hoàn đồng” dương tinh phát khởi, nguồn sống hồi sinh. Một điều đáng chú ý là nhịp động của người lớn tuổi phải phù hợp với sức lực của mình, không được thái quá hoặc bất cập, có như thế mới cảm thấy sảng khoái, thoải mái được.
Còn trẻ còn nhiên liệu nhiều hơn, cần phải có động tác mạnh, đúng độ nóng nước bốc hơi bay lên, tự động biến hoá khinh thanh thượng đỉnh nghịch chuyển về nguồn. Chính “nhịp động” hạ chi điều hoà tinh này, thiếu thì được phục hồi, dư tự biến hoá, không hao chẳng hụt tràn đầy nhựa sống khiến con người cảm thấy lâng lâng hưng phấn, yêu đời hơn.
Hai tay ở vị trí ấn định, động tác ra vô, hấp hô đúng cách, xuất nhập đồng bộ với nhau. Ngũ khí giao hoà lưu thông khắp châu thân đến các bộ phận nuôi dưỡng các tế bào, kinh mạch khai mở không còn bế tắc ngăn trệ nữa. Chính nhờ khí lực dồi dào, sức khoẻ hàm dưỡng trong người làm cho các bộ phận trong châu thân hoạt động mạnh mẽ, khoẻ khoắn chịu đựng dẻo dai. Nhờ có sự cung cấp đầy đủ dưỡng khí, máu đỏ gia tăng, sắc mặt hồng hào, da thịt tươi mát. Đối với não bộ, khí về óc sinh minh, khởi sinh trí tuệ, người thực hành không còn bị bứt rứt, nhức đầu vì thiếu dưỡng khí.
Đến bộ phận đầu não, trung tâm điều khiển mọi hoạt động trong châu thân, hành công “gom thần” rất quan trọng không thể thờ ơ hoặc chễnh mãng, bởi đây là sự việc chủ yếu để thắp sáng ngọn đèn tinh thần của ta. Người thực hành phải khéo léo và cẩn thận giống như người đốt đèn “ai da” khi bơm dầu đúng mức qui định rồi, ta hãy nhẹ tay mở khoá để hơi dầu bay lên gặp lửa đốt đỏ man-xông không còn đen nữa, chừng đó ngọn đèn bừng sáng. Trong đầu ta cũng vậy, phải giữ cho an tịnh, không có một niệm đen tối, các giác quan hướng nội, soi rọi vào trong để “gom thần” tạo lửa điện, mắt nhìn vào trong, tai nghe vào trong, lưởi nếm vào trong, bốn giác quan tiếp nhận dưỡng khí, thần khí giao hoà âm dương hiệp hội, đèn lòng bừng sáng, thần quang tỏ rạng, trí lực dồi dào, huệ tâm phát, trực giác khai, cái sáng càng ngày càng được bồi tô thêm mãi phát huy đến cao độ, soi thông cả thảy, thấy rõ chân thật.
Trong phương pháp bồi dưỡng sức khoẻ và tinh thần này vận hành các bộ phận phân ra ba giai đoạn “luyện tinh, luyện khí, luyện thần”, nhưng xảy ra cùng một lúc đúng độ và đồng bộ không sớm cũng không muộn mới hữu dụng.
Trên đây là các động tác của các bộ phận thân thể giống như “cái máy” đang vận hành. Mỗi phần đều quan trọng không thể thiếu được, lên xuống điều hoà ăn khớp với nhau, nhiên liệu đầy đủ thì “máy chạy” thoải mái không trở ngại chi cả, sẽ khởi ra diệu dụng thật không ngờ.
4. Động tác xoa tán bụng:
Sau khi hành công động tác “phục tinh, vận khí” “gom thần” khoản 15 phút (hiệp 1) ta vẫn ở tư thế cũ rồi lấy tay phải ra đặt ở bụng dưới, phiá bên trái, xoa theo chiều kim đồng hồ 36 vòng, lấy cái rún làm trung tâm, vòng cuối cùng ngưng ở phiá dưới phiá bên phải, từ đấy xoa ngược chiều kim đồng hồ 24 vòng, vòng cuối ngưng ở vị trí đầu tiên nơi bụng dưới bên trái.
5. Động tác xoa vuốt mặt.
Xong rồi đến động tác xoa vuốt mặt, cái mặt phân ra làm 3 phần: ngang miệng, ngang mũi, ngang mắt. Ta bắt đầu xoa từ dưới lên trên, hai bàn tay chà thật nóng, vuốt 2 bên miệng 6 cái, sau đó chà thật nóng lại áp hai bên mũi vuốt hai bên 6 cái, sau cùng chà thật nóng áp vào mắt vuốt hai bên trán 6 cái, xong để chân trái gác lên chân phải, tay trái trên tay phải nghỉ 2 phút.
E. Giai Đoạn An Tịnh Để Trưởng Dưỡng Tinh Thần
Giai đoạn này gồm 3 cấp tư thế:
Ta nằm nghiêng về phiá tay phải, chân trái cong lên, để trên chân phải ngay vùng mắt cá, ngón tay cái trái ấn ấn vào ngón tay út, áp vào bàn tay phải, đoạn áp sát vào vành tai bên phải, mắt lim dim hướng về ánh đèn để gom thần 5 phút (cấp 1)
Động tác 2 hiệp tán bụng và mặt, an tịnh trưởng dưỡng tinh thần 10 phút là hoàn tất thời gian trau luyện của phương pháp bồi dưỡng cấp 2.
Đối với cấp 3 thời gian trau luyện lâu hơn sẽ do Giáo sư tâm pháp hướng dẫn sau.
Người thực hành phương pháp bồi dưỡng sức khoẻ và tinh thần, trải qua một thời gian trau luyện sẽ thấy rõ sự thay đổi nơi mình, từ thể xác đến tinh thần, khác hẳn trước kia. Với lối sống cũ, các năng lực ở bên trong cơ thể một kho tàng báu vật, chưa biết tận dụng đúng mức, nay phải nhờ đến và thực hiện việc “đầu tư” thêm năng lực bản thân để sức khoẻ và tinh thần gia tăng.
Ở vào giai đoạn đầu, trau luyện pháp động tác còn vụng về ngượng nghịu, tay chân không ở vị trí ấn định, ít ăn khớp với nhau, rời ra tuột xuống, quên cái này lại nhớ cái kia, không đồng nhất. Người thực hành phải hết sức kiên trì chịu đựng vất vả và để khắc phục những nhược điểm trên, cơ thể bị bãi hoải, đau nhức từng thớ thịt, gân cốt rêm hết. Họ cảm thấy dường như chịu đựng không nổi. Vạn sự khởi đầu nan, thật lắm công phu, nhiều gian khổ, nhưng vẫn phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn của giai đoạn ban đầu. Rồi một thời gian trôi qua ta thực hành chu đáo, đúng theo phương pháp chỉ dẫn, tự ta thấy rõ sự thăng tiến, cơ thể quen dần, chân tay mềm mại, gân cốt dẽo dai không còn cứng đơ như trước nữa, các bộ phận chân và tay ráp nối đúng vị trí ăn khớp với nhau, động tác nhuần nhuyễn lên xuống, ra vô đúng độ và đồng bộ, vận chuyển điều hoà, khỏi cần quan tâm để ý tới nữa, tự động vận hành giống như các bộ phận của chiếc máy đang hoạt động trơn tru.
Các động tác bên ngoài tuy khó nhưng dễ học, nhìn thấy ta có thể tập dợt một thời gian sẽ trở nên thuần thục, không còn là điều khó khăn nữa. Bởi “hữu vi hữu tác” dễ thấy dễ biết nên dễ thực hiện. Nhưng có một vấn đề tối ư quan trọng là đường hấp hô, hơi thở này thuộc vô vi, vô ảnh không thể sờ mó, chẳng có nơi sách vở, nhờ đến chỉ dẫn của thầy mới thông suốt.
Lúc đầu ta cảm thấy khó khăn không thể thực hành đường hơi như thế nào cho đúng, không tìm ra mối, hơi thở chưa thông, tức ngực, ngặt mình, khô cổ họng. Nhưng với sự kiên trì luyện tập bền tâm thực hành đúng y như phuơng pháp khí huyết sẽ lưu thông kinh mạch khai mở, đường hơi không còn bế tắc như trước nữa, ta có thể thực hiện một cách dễ dàng và cảm thấy thoải mái, mỗi thời tập luyện đều gặt hái kết quả khả quan. Đây chính là kinh nghiệm quý báu với biết bao công trình gian khổ tập luyện nghiên cứu mới đúc kết nên. Người thực hành lâu, mỗi khi tập luyện rất thích thú và sảng khoái lạ thường. Một đôi khi đến giờ hành công vận khí không thể thực hiện được, họ cảm thấy dường như thiếu sót một cái gì, trong người bứt rứt, bực bội, ngặt mình uể oải. Thật ra ngay từ thời điểm này, mỗi tế bào trong châu thân cần một lượng dưỡng khí nhất định, do thiếu lại không cung cấp kịp thời nên mới có tình trạng trên. Qua một thời gian tập luyện chu đáo, siêng năng bồi dưỡng cơ thể thay đổi tinh lực dồi dào, khí lực mạnh mẽ, sức khoẻ gia tăng, lên cân, da thịt hồng hào, mịn màng tươi mát, trong người tràn đầy nhựa sông ta cảm thấy hoan lạc yêu đời. Thể xác thay đổi tốt đẹp, tinh thần từ đó cũng thay đổi.
Tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng.
Do “bảo tinh” đúng phương pháp ta biến nhiên liệu này, thăng thượng thành ánh sáng, thần tinh giao hoà, phát huy tỏ rạng. Ngọn đèn tinh thần soi tỏ nhà tâm, cải tạo giáo hoá một Xã Hội băng hoại nơi lòng thành ra thiện lương trong lành, vơi hết ác tâm, từ tâm chất chứa, chuyển mê thành giác, lòng trong tánh sáng, thần quang rực rỡ, không còn mờ lu u tối nữa. Tinh thần vững mạnh, thần lực sung thiệm, ta cảm thấy an nhiên điềm đạm, vui vẽ lạ thường không còn bứt rứt, bực bội não phiền nơi tâm, có thể coi đây là liều thuốc “giải sầu” đem đến cỏi lòng hưng phấn yêu đời. Tinh thần cởi mở thể hiện tình thương yêu mọi người một cách chân thật. Đèn tinh thần minh chiếu đạt tới thật trí của trí tuệ, thấy biết tất cả và có tất cả. Đây là sự sống và sự sáng nơi ta, ta sẵn có trí tuệ ứng dụng bất cứ lúc nào, khi ta cần đến, thể dụng tương đồng, ngoài trong như nhất, có đèn ắt sáng, không đèn ắt tối, sáng là an vui, tối là đau khổ.
Có được như vậy là nhờ ngọn đèn tinh thần của ta bừng sáng, phát huy đến cao độ và được bồi dưỡng đúng mức, chiếu minh cho mình và cho mọi người. Tự hành tự đạt, gieo nhân đến hồi gặt qủa, tự ta ra công chuyển động chiếc máy, tạo tác trí tuệ, giúp ích cho nhân loại.
Con đường sáng dẫn mọi người đến hạnh phúc chân thật, thành qủa này tưởng thưởng cho những ai hữu phúc, gắng công thực hiện, tự trau sữa mình thành “con người tân tiến, trí tuệ” của thời đại bước vào kỷ nguyên mới gồm cả văn minh vật chất và tinh thần.
Muốn có được thành quả như trên, người thực hành phải nhất tâm tin tưởng và hành đúng phương pháp đã chỉ dẫn, nhất là không canh cải, hành sai trái nguyên tắc sẽ gây trở ngại. Lợi ích của phương pháp là bồi dưỡng sức khoẻ và tinh thần rất thiết thực cho con người. Nhất là hiện nay, môi trường bị ô nhiễm nặng, gây nên nhiều bệnh tật mà các loại thuốc chữa trị còn hạn chế. Phương pháp bồi dưỡng này còn góp phần giải trừ độc chất do thức ăn uống trong cơ thể chúng ta, làm cơ thể thích ứng với môi trường sống, tạo ra sức đề kháng, chống lại bệnh tật, nhờ có sức khoẻ dồi dào, chịu đựng dẻo dai làm việc với năng suất lao động cao. Người làm việc nặng nhọc chỉ cần vận hành trong một thời gian nhất định sức khoẻ hồi phục lại ngay, các nhà doanh thương chính trị, kinh tế gia, trước hằng khối công việc, bận tâm rối trí, nhờ có phương pháp bồi dưỡng này họ giải quyết mọi vấn đề một cách lẹ làng sáng suốt hữu hiệu.
Với các bậc cha mẹ trẻ thực hành phương pháp bồi dưỡng (cấp I và II) sức khoẻ dồi dào hơn, tinh thần minh mẫn, tâm trí bao rộng, sẽ tạo ra những người con ưu tú đầy thông minh, tiếp thu mọi sáng kiến mới dễ dàng phù hợp với trào lưu tiến bộ khoa học.
Con người tân tiến đầy đủ trí tuệ mới xây dựng xã hội tốt đẹp sau này.
Thay Lời Kết
Kinh lạy Cha, ta đã đọc qua và hiểu rõ pháp ý quy hướng cội nguồn, trở về với bản nguyên, đại khối linh quang, từ nơi đó ta đi ra xuống hồng trần để tiến hóa, cũng từ nơi đó mục đích chính yếu ta phải quy hồi, trở về cựu vị.
Có đi có về, hiểu rõ tận tường “đường đi” “lối về”, thêm vào phương tiện sẵn có để thực hiện đúng không còn lạc nẻo chơi vơi nơi hồng trần khổ hải.
Con đường đi ra là xa cội ly nguồn làm mất sự sống, tiêu hao sự sáng, không còn liên lạc với bản nguyên, trung tâm điện năng nên phải sống trong cảnh tối tăm, trái thiên lý theo cơ đọa lạc.
Khi hiểu rõ đường đi ra làm hao hụt điện năng, mất đi sự sống và sự sáng, nhân sinh giác ngộ phải nỗ lực quy hồi trở về nguồn cội, liên lạc với Trời Cha, hiệp cùng đại khối, nghịch chuyển siêu thăng, tạo ra ánh sáng, tiếp nhận điển linh do tự hành, tự đạt để tự giải thoát lấy. Đấy là ta hòan thành sứ mạng vi nhân của mình.
Nhờ Chúa chỉ dạy phương cách “Lạy Cha chân thật” theo mật pháp vô vi, nối nhịp cầu thông hiệp giữa Hữu Vô, âm dương không còn riêng rẽ, máy linh chuyển động nơi chính bản thân này với đầy đủ phương tiện để thực hiện bồi dưỡng thân và tâm, sức khỏe và tinh thần đến chỗ dồi dào sung mãn.
Đây là bí pháp sinh lai của Chúa, bởi vì chân thân thánh thể của mình, khối sáng trong ta bị hao hụt cần phải phục sinh, tái tạo lại cũng là đường lối tu thân chân chính.
Tu là tô bồi chỗ khuyết, sửa chữa chỗ hư cho nguyên vẹn trở lại, vừa gây dựng và bảo vệ cùng đi song song với nhau, mới đạt được thành quả trau luyện.
Với pháp ý của Chúa tỏ rõ chỗ tối linh tối diệu của Thiên cơ nơi tiểu vũ trụ gồm cả Trời và Đất, vô thể nằm trong hữu thể, xác và hồn trong một thân thịt, ta cần phải tìm hiểu cho thấu đáo là tri và bắt tay vào việc làm là hành, nhờ Tri và Hành đúng theo đạo lý vô vi thực thi đúng mức sẽ được thành quả tốt đẹp, đúng yêu cầu, y sở nguyện của việc cầu nguyện thật trong thanh vắng. Chúa chỉ dạy một cách tận tường hành trau tâm pháp đường lối hồi hướng nội tâm vào ngỏ hẹp dẫn đến sự sống đời đời.
Những điều Chúa dạy nơi Kinh lạy Cha phải hiểu theo lý đạo vô vi, mượn lời bài lý, nương Hữu tìm Vô, lấy hư rõ thật mới đúng chân lý, tất cả đều chân thực, không bao giờ thay đổi, vạn cổ bất dịch.
Còn cầu nguyện theo lòng phàm tánh tục, chấp sự theo lời, sa vào mê tín dẫn đến chỗ tối tăm đau khổ.
Lời châu ngọc của Chúa ta phải hết tâm cung kính tuân hành chắc chắn sẽ thành công đắc quả.
Cuộc hành trình về nguyên luôn luôn có nhan Chúa soi dẫn, với kim chỉ nam định hướng, chiếc phao cứu cánh giữa biển trần và là thang mây đưa ta về hiệp một với Trời Cha.
Tự ta làm nên tất cả !

MỤC LỤC
Trang
LỜI TỰA
CHƯƠNG I
A. Lời kinh dẫn nhập
B. Kinh
1/ Thánh kinh
2/ Kinh thánh
C. Miền đất thánh
D. Tiểu vũ trụ
E. Lạy
1/ Thượng ngươn
2/ Trung ngươn
3/ Hạ ngươn
F. Kinh lạy cha
CHƯƠNG II
LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI
A. Cơ tạo hóa
1/ Đọa lạc: Thần ra Tinh
2/ Siêu thăng: Tinh quy thần
B. Lạy cha
1/ Ở trên trời
2/ Ở dưới đất
C. Lạy cha chân thật
CHƯƠNG III
NGUYỆN DANH CHA ĐƯỢC TÔN THÁNH
E. Nguồn cội
1/ Cầu: Lòng phàm dứt.
2/ Nguyện: Tục tánh tiêu
B.Cầu nguyệntrong thanh vắng
C. Tâm pháp
D. Thánh hóa cơ quan đầu não
- Chúa thâu phục 4 môn đệ
- Thiên đăng nhựt diện
CHƯƠNG IV
NƯỚC CHA ĐƯỢC ĐẾN
A. Nước thiên đàng
B. Con người trí tuệ
C. Điều kiện tham dự
D. Nước trời
1/ Ở lòng người
2/ Ở thế gian
CHƯƠNG V
Ý CHA ĐƯỢC NÊN Ở DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ Ở TRÊN TRỜI
A.
1/ Ý
a) Phàm ý
b) Thánh ý
2/ Ở dưới đất: Thân: Phàm của đất
3/ Ở trên trời: Tinh thần: Thánh của trời
B. Ý cha
Hữu vô hiệp nhất
Chuyển thức thành trí
Ý thức thành diệu quan sát trí
CHƯƠNG VI
XIN CHO CHÚNG CON ĐỒ ĂN HÔM NAY ĐỦ DÙNG
E. Đồ ăn
1/ Thực vật của đất – Cho thân xác
2/ Không khí của trời – Cho tinh thần
3/ Cơm trời – Cho thánh thể
B. Dưỡng nuôi chân thân
1/ Bát: Chén của Chúa
2/ Y: Ao lễ của Chúa
C. Cách dưỡng nuôi thánh thể
1/ Võ hỏa
2/ Văn hỏa
CHƯƠNG VII
THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẼ MẮC NỢ CHÚNG CON
E. Con người mang nợ
1/ Nợ của trời
2/ Nợ của đất.
B. Chân nhân mang nợ
1/ Nợ đạo pháp
2/ Trả nợ pháp
C. Mật pháp vô vi
Nợ cũng như không nợ
“Bình đẳng – Tánh trí”
CHƯƠNG VII
CHỚ ĐƯA CHÚNG CON VÀO SỰ CÁM DỖ
E. Khả năng ứng dụng
1/ Phàm dụng
2/ Thánh dụng
3/ Toán chơn đắc dụng: Giải thoát
B. Thi thố tài năng
1/ Phàm: Đen tối: Vô minh
2/ Thánh: Sáng suốt: Trí huệ
C. Trình độ tu chứng
1/ Non kém
2/ Thành đạt
D. Cám dỗ
1/ Lưu Trường Sanh luyện sắc
2/ Chúa Giêsu bị ma quỹ cám dỗ
CHƯƠNG IX
NHƯNGCỨU CHÚNG CON KHỎI ÁC
E. Nhân tánh
1/ Ac
2/ Thiện
B. Thực hiện nhân tánh
1/ Theo phàm nhân.
2/ Theo thánh nhân
C. Tình thương chân thật.
1/ Không còn tương đối tâm
2/ Ứng hiện tuyệt đối tánh
3/ Hạnh bát ái thể hiện
CHƯƠNG X
CẦU NGUYỆN THẬT
E. Phương pháp cầu nguyện
1/ Bồi dưỡng cấp I
2/ Bồi dưỡng cấp II
3/ Bồi dưỡng cấp III
B. Phương tiện phụ trợ thực hành
1/ Ao choàng
2/ Tấm nệm
3/ Cây đèn
4/ Lư hương
5/ Đồng hồ
6/ Cái ghế
C. Thời điểm thực hành
D. Động tác thực hành
1/ Động tác ở chân
2/ Động tác ở tay
3/ Đầu
4/ Động tác xoa tán bụng
5/ Động tác xoa vuốt mặt
E. Giai đoạn an tịnh để trưởng dưỡng tinh thần
Giai đoạn này có 3 cấp
THAY LỜI KẾT

Thư Viện 1      4   5