Người tu chơn, hành pháp nhận thức rõ ràng việc chính yếu cần phải làm để thực hiện việc đầu tư quan trọng của đời mình -tạo tác trí huệ không ngoài bản thân ta, một tiểu vũ trụ có đầy đủ tất cả.
Ta phải có bổn phận trở về nơi mình để tìm đạo, hiểu đạo, rồi hành đạo và đắc đạo. Người tu phải hăng hái, quyết tâm hành trau đến thành công trọn vẹn để khỏi phải phí uổng một kiếp nhân sinh quí báu.
Đường lối tu thân thiết thực trở về nơi mình để tô bồi chỗ khuyết, sữa chữa chỗ hư, giải trừ ô nhiễm để có được cõi lòng thanh sạch thiện lương.
Điều này Đức Lục tổ Huệ Năng đã hằng chỉ rõ, tìm đạo ngoài lòng như cầu lông rùa sừng thỏ không bao giờ có. Đó chỉ là ảo giác của lòng mê.
“Bồ đề chi hướng tầm mịch
Hà lao hướng ngoại cầu huyền.”
Ta cần phải tìm hiểu nơi mình, bởi vì ta có hiểu nơi mình, biết nơi mình, thấu triệt tâm tư nguyện vọng của chính mình, để rồi sữa chữa mới tu tiến được. Ta có hiểu biết nơi mình, mới hiểu được thế gian và vạn vật; còn bằng ta không hiểu biết nơi mình, ta không hiểu biết gì ráo. Do đó ta biết một là biết tất cả, hiểu một là hiểu tất cả, tất cả là ta, ta là tất cả. Tất cả là cái đạo nơi ta, ta phải thực hành để đạt đạo, phát triển thành sự sống và sự sáng, tự do ta đảm nhiệm và hoàn thành một cách vinh quang.
Đây là con đường sáng dẫn đến sự sống, chuá đã chỉ rõ: “hãy vào ngõ hẹp vì ngõ rộng dãn đến sự hư mất, kẻ vào đó thì nhiều, ta bảo các ngươi hãy vào ngõ hẹp dẫn đến sự sống đời đời,” pháp ý tỏ rõ đường vào tâm nội để tô bồi, tích lũy theo vô vi lý đạo - vạn thù qui nhất bổn là tâm pháp thực hiện để làm chủ cái ta, ngự trị bản tâm mình.
Vì vậy người ta phải trở về nội tâm, điều nhiếp các giác quan, qui hồi, không còn vọng ngoại buông lung theo ngõ rộng hồng trần làm tiêu hao của báu.
Nhờ tâm pháp hành trau, ta đắc đạt tâm kinh, trở về bản thể thanh tịnh của tự tâm. Vì vậy khi nói đến tham thiền tịnh tọa, người có tâm hữu tướng chấp nhứt trụ vật cho rằng tịnh là ngồi yên thinh thít, chẳng cử động chi cả, cố giữ cho tâm thanh tịnh gọi là tịnh hư vô; họ ngồi bất động theo tư thế kiết già chấp vào chỗ ưng tịnh; khác nào như bàn ghế bất động, vô tri vô giác, chẳng có thực dụng, không sinh hóa chi cả. Trụ ở “vô ký không” họ hành không có kết quả, trong khi thân xác hao mòn, suy nhược, mang lấy bệnh tật vào thân, chân yếu đi đứng không vững; còn về mặt tinh thần đi đến chỗ khánh tận: thần hao, khí tán, tinh lậu mất hết sức sống.
Việc tọa thiền này các vị hành trau mong trấn áp cái tâm, gò bó cái trí, không cho nó dấy động để được thanh tịnh, nhưng không có đáp ứng lòng mong muốn ấy, trái lại tâm vẫn loạn động, thần trí theo các cửa phóng ngoại tứ tung, khiến họ đành bó tay bất lực, không đủ sức điều khiển. Lại có một số vị muốn tách khỏi đời xa rời cõi tục tìm đến nơi thanh vắng để nhập thất, nhập bá trong am cốc, tịnh đường, lo thiền tâm, quán tưởng chỗ tịnh. Họ hành thân ép xác trong thời gian ấn định của việc nhập thất, nhập bá.
Việc làm này trái với tự nhiên, không hợp với lẽ đạo, ngược hẳn với máy trời họ lại càng đau khổ thêm; bởi vì họ tự biết rõ không có kết quả nào với đường lối tu tịnh này. Thiên đàng đâu? Đạo quả đâu? Họ chẳng thấy, trong khi hiện tại thân xác bị giam cầm chốn tịnh thất thiền đường, nhất là mãn thời gian tu tịnh, họ lại tiếp giáp với đời vẫn còn lòng phàm tính tục y như trước, tâm trí u mê, phiền não, khiến họ đảo điên không dứt.
Một số vị thấy hành thiền như thế này chẳng tịnh tâm định trí được, nên tìm vào sách kinh lưu truyền để thực hiện việc thiền tâm bằng đường lối “Quán thân bất tịnh” chú tâm vào chỗ động.
Họ không rõ được chỗ “Quán thân bất tịnh” lại ứng dụng với lòng phàm để đo lường ý thánh, làm sao kham chẳng hiểu gì hết. Họ cứ chấp vào chỗ động của phàm phu, khiến cho cả thân tâm điên đảo, kích động liên hồi, vận dụng nơi bụng đến nỗi phải ói mữa, thật rất nguy hiểm cho việc quán bất tịnh này, họ ngán ngẩm khi nói đến việc xem kinh đại thừa để tìm chân pháp.
Đây là đường lối tìm đạo trong sách vở nên không bao giờ có được đạo.
Những điều như trên cho ta thấy việc tham thiền chấp vào chỗ tịnh hay động điều nằm ở lưỡng biên tương đối, không hợp lẽ đạo, trái vói tự nhiên, nào đúng với chơn cơ máy tạo nên không sanh hóa chi cả.
“Cô âm bất sanh,
Độc dương bất trưởng”
Đây là trường hợp các vị tu bị vướng mắc ở tâm hữu tướng che lấp không cho vô tướng tánh bộc phát. Do đó họ không thể nào hiểu đuợc chỗ tối linh tối diệu của thiên cơ mật pháp.
Nhất là họ chẳng có chân truyền dễ khởi động máy linh, nên họ không thể nào quan niệm nổi “quán bất động” là như thế nào? Họ đành mò mẩm như người mù xem voi, chỉ biết một khía cạnh của vấn đề, chẳng rõ thấu cái toàn chu nguyên thể, cơ động tịnh của thiên cơ mật pháp chuyển xoay, âm dương hiệp nhứt, động tịnh giao hòa, pháp luân khởi động, không còn nằm yên một chỗ, phàm nhân không thể nào tri thấu bởi thiên cơ bất khả lậu.
Ở điểm này có một thiện trí thức hỏi tôi:
Động cũng như không động, tịnh cũng như không tịnh, ý nghĩa ra làm sao? nhờ thầy dạy rõ?
Người hỏi câu này tuy đến trình độ học được chơn truyền pháp đạo nhưng còn mù mờ chưa hiểu rõ được sự vận hành chơn cơ tạo hóa, sự luân chuyển của máy trời không thay đổi sanh sanh hóa hóa. Để giải rõ điều nghi vấn nầy ta hãy nhìn thế gian quan sát cơ động tịnh của đất trời, ngày qua đêm lại hết tối rồi sáng, vạn vật sinh sôi nẫy nở, đẹp đẹp xinh xinh thật là nhiệm mầu!
Đây chính là vấn đề ta cần phải tìm hiểu để thấu rõ chỗ mấu chốt tối mật bí yếu rồi lần lần mở khai hết nhờ vào cái dễ thấy dễ biết để đo lường cái không thể thấy, không thể biết tức là cái vô cùng vô tận, bất lượng bất trí, không thể dùng ngôn từ diễn tả đặng động và tịnh của trời đất như thế nào? Để lý giải cơ động tịnh một cách thiết thực, ta hãy chú ý trái đất đang vận hành.
Nó đang xoay quanh mặt trời mà ta thấy dường như không xoay, đứng yên một chỗ rất vững vàng. Nếu ta thấy trái đất có xoay, có động thì rõ ràng với gia tốc đó sẽ bắn tung chúng ta ra ngoài không gian, còn bằng ngược lại trái đất này, đứng yên tịnh một chỗ nó sẽ rơi vào vũ trụ bao la.
Như vậy ta nhận thấy trái đất có động có xoay mà dường như không xoay không động. Động mà tịnh, tịnh mà động, phù hợp với tự nhiên không thể sai lệch một chút nào cả, chậm hay mau cũng không được, đúng độ và đồng bộ. Khi luân chuyển như thế, không trắc trở, chẳng chướng ngại, thuận hợp với chơn cơ tạo hóa, trong động có tịnh, trong tịnh có động.
Thêm một thí dụ để hiểu nữa: nơi thân xác của con người, ai ai cũng rõ biết cả, quả tim của ta đấy, bộ máy tuần hoàn vận hành liên tục. Nếu ta nghe có động bình bịch trong lòng ngực một cách rõ ràng, làm ảnh hưởng đến châu thân, ta cảm thấy khó chịu vô cùng, trường hợp này ta đã mắc phải bệnh tim. Ở tình trạng tim đập bình thường ta cảm thấy êm ru không động đậy chi cả, nhưng ta vẫn biết rằng tim mình có đập hoạt động của cơ quan tuần hoàn; bởi nó không động thật sự, ngưng nghỉ hoàn toàn, yên ở một vị trí, máu huyết không lưu thông, tất ta phải chết.
Như vậy tim của ta có động cũng như không động, không động mà động, hợp với cơ tuần hoàn nơi thân xác của ta đúng độ của nó vận hành, không có trắc trở chi để đem máu đến các bộ phận tạo sự sống cho con người.
Theo dõi cơ động tịnh của thế gian bên ngoài đến cơ động tịnh nơi thân xác của ta thấy không sai khác, phù hợp với quy luật tự nhiên mà ta đã biết.
Việc tu hành của con người phải phù hợp với chơn cơ tạo hóa gồm có động và tịnh sẽ được chỉ dẫn ở phẩm chơn truyền để bồi dưỡng thân tâm với đầy đủ ý nghĩa của chữ tu.
“Quán thân bất tịnh” là “chơn động.”
“Quán thân bất động” là “chơn tịnh.”
Chơn động là sự hoạt động của thân xác này phù hợp với máy linh, đúng độ và đồng bộ để bồi dưỡng, tích lũy sức sống cho con người. Việc làm này cũng là chuyển pháp luân, khởi động bộ máy trong ta không còn yên một chỗ. Tự mình ráp nối các bộ phận nơi thân xác đúng vị trí của nó, ăn khớp với nhau, khởi động lên xuống luân chuyển, nhịp nhàng trong thời gian ấn định của công phu. Đây cũng là việc nấu cơm trời, nướng bánh phật, tạo ra thức ăn cho Như Lai để cung cấp phật thân của mình.
Động tác hành công ở vào giai đoạn sơ cơ phải dùng sức để quay máy mới chạy, sau lâu ngày tiến bộ chỉ cần bật “công tắc” âm dương hiệp máy tự động luân chuyển. Trong lúc hành công động tác các giác quan quy hồi hướng nội, mắt nhìn vào trong, tai nghe vào trong, lưỡi nếm vào trong, mũi thở chơn tức hấp hô đúng cách, không còn phóng ngại buông lung, công phu lâu qua một thời gian tâm an trí định chẳng để ý đến ngoại cảnh.
Như vậy thân động - tâm tịnh. Đến lúc thực hành chơn tịnh là tạo tác sự yên tỉnh cho cơ thể theo tư thế nhất định đúng vị trí, giúp cho sự lưu thông khí huyết phù hợp với công phu tu dưỡng chân thân, phục sinh thánh thể, để trưởng dưỡng tinh thần của ta. Khi thực hành chơn tịnh nằm hay ngồi tùy theo cấp bậc đạo để dẫn lưu sinh khí đến não bộ, tạo tác trí huệ, khối sáng trong ta phát quang rạng rỡ.
“Nước hồ phải quậy tưng bừng,”
Tịnh yên lắng động cặn ngưng thanh phù.
Người hành pháp tự chứng ngộ chỗ thành đạt trau luyện của mình, khi thân an tịnh lóng nghe trong đầu óc tiếng re re như ve kêu, đây là lúc dương khí chuyển hóa thần quang, mở khai não bộ, huệ tâm phát, trực giác khai, giải bày tường tận những điều thắc mắc, những cái không thể biết, không thể đo lường được thị hiện một cách rõ ràng
Nhờ có tuệ tính khởi sinh nghe được tiếng nói vô thinh từ Đài cao xuất phát, chơn sư chỉ dạy đủ điều, nhưng thực ra chính ta nói với ta đấy! Tự ta dời Phật thật ngự trị nơi lòng, không cầu chẳng mong ta cùng Ngài hiệp một.
Ta nhận thấy lúc thân tịnh, Tâm động để phát huy tinh thần, thần quang hiển lộ, thanh tịnh sáng soi, thanh tịnh trí huệ.
Một điều đáng quan tâm khi hành công luyện pháp có người theo tư ý của mình chấp động hay tịnh riêng rẽ sẽ không thành công đắc quả gì cả.
Động mà không tịnh:
Họ cố ra sức cực thân gầy dựng lửa, nấu cơm trời, nướng bánh phật, tạo thức ăn cho như lai, nhưng họ không được ăn, nên phật thân ốm đói, tinh thần lụn bại, thật tai hại vô cùng.
Tịnh mà không động:
Họ không nấu cơm trời, nhưng họ lại đòi ăn, điều này trái thực tế, không hợp với tự nhiên. Chân thân thánh thể bị hao mòn không được cung cấp thức ăn. Họ chỉ chấp phần âm, không có dương nên không sanh hóa. Họ muốn đốt đèn nhưng chẳng có lửa khiến cho nhà tâm u tối, yêu tinh ngự trị nơi lòng cũng bởi tu mê hành muội.
Đến đây ta nhận rõ công phu tu luyện gồm đủ: động và tịnh đúng với máy trời.
Trong động có tịnh, trong tịnh có động. Động tịnh liên hòa mới có kết quả. Khi ta hành pháp cho đến khi nào không còn thấy động, thấy tịnh làm hai, chỗ tương đối tâm trở về với tuyệt đối tánh, nhờ quán nhất, quy nhất, đắc nhất mà thành đạo.
Việc công phu tu hành không phải một sớm một chiều mà có được thành quả, nhưng do nhiều năm công phu. Đây là cả một công trình vĩ đại, lắm khó khăn, nhiều gian khổ, đổ mồ hôi, rơi nước mắt trùng trùng, nạn tai thử thách đến với người tu trên đường tìm phật thỉnh kinh.
Bởi thành công nào không có khó khăn thì đâu có rạng rỡ vinh quang.
Con đường tu của ta đi là thế ấy!