Người tu thực hành chánh pháp đúng chơn truyền, y pháp đạo, gom góp quý bửu, “Tinh khí thần” của mình không để cho hao hụt mất mát. Tự họ cố lo gầy dựng chân thân, phục hoàn thánh thể, nhờ y bát bảo vệ dưỡng nuôi đúng lẽ đạo, hạp tự nhiên trở nên khang kiện sung mãn. Tinh đầy khí đủ “Thần minh” tự mình chứng ngộ “đèn lòng-tâm đăng” phục hồi trở lại gọi là “tái sinh phục đạo”, tạo tác Bát Nhã kết quả viên thành tinh khí thần hiệp nhất trên thượng đảnh sanh quang, ngôi tam bảo vững vàng, hào quang rạng rỡ, nhà tâm sáng tỏ cảnh giới quang minh, không còn đen tối nữa.
Công phu nầy phải thực hiện cho bằng được mới gọi rằng “tu”, nếu không là phá hoại, giết Chúa hại Phật, của mình tam bửu mất tinh khí thần kiệt quệ.
Bởi lẽ có đèn ắt sáng - không đèn ắt tối.
Sáng là Thiên đường, tối là Địa ngục. Vậy ta phải làm cho ngọn đèn sáng tỏ trở thành huệ đăng - Từ chỗ mờ lu u tối đến cháy sáng rạng rỡ. Tự mình gầy dựng trí huệ, tạo thuyền bát nhã, gieo giống thánh, cây giống bồ đề là ở chỗ nầy. Tuy dùng nhiều từ ngữ khác nhau để diễn tả, nhưng thực hành chỉ có một “Tạo tác ánh sáng” tuy sáng, nhưng còn tùy theo cường độ của nó, như cái sáng của “sao” trên trời trùng trùng điệp điệp, ban đêm tượng trưng cho “thấy biết của chúng sanh, nhãn giới của thế tục”
“Kẻ ngu thấy biết làm nhiều”, cái sáng của mặt trăng, tri kiến của Bồ tát soi tỏ về đêm, khi tròn lúc khuyết không rõ nét bị thối chuyển. Nhưng khi bình minh đến, nhật diện lộ hình “thái dương minh chiếu” ánh sáng rực rỡ, một khối lửa tròn đầy không khuyết, không vơi, hằng tròn mãi mãi, đạt quả vị bất thối chuyển, thấy biết của Như Lai. Nhãn giới của Thiên chúa - “kẻ trí thấy biết làm một”. Nhựt Nguyệt tinh sinh ra ánh sáng là Quang với bí pháp luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần. Khối lửa điện ấy phát ra ánh sáng rực rỡ thể hiện con đường hành đạo, công phu của người tu. Càng ngày ngọn đèn đêm tâm linh chiếu minh thông suốt. Chính nhờ có sáng ta mới thấy biết và khi đạt tới thật trí của “trí huệ”. Thấy biết tất cả và có tất cả. Đạo thị hiện rõ ràng, không còn là điều ảo vọng, nay trở thành sự thật hiển nhiên. Người tu chứng ngộ và đắc đạt, một việc làm ngoài khả năng của phàm nhân. Thành quả ấy không phải một sớm một chiều có được. Ta phải dày công tu luyện, gian khổ hành trau, không do ngoại lực tha nhân ban bố. Tất cả đều do ta đảm nhiệm thực hiện.
Khi giảng đạo chỉ chỗ mật pháp cho môn đồ, Đức Phật ngày xưa cũng không dấu, mượn lời bày lý dùng những cái hiện hữu dễ hiểu, dễ biết, để dẫn dắt họ vào “mật pháp vô vi” nghĩa là đi từ tướng trở về tánh.
Nếu các nhân sinh nào giác ngộ thấy được “cái vô” nằm trong “cái hữu” biết rõ và thực hành đúng pháp ý. Đây là phần thưởng xứng đáng cho họ “nương hữu tìm vô” lấy hư hiểu thật, mượn giả hành chân, chính là đường lối giáo nhân hồi bổn của Ngài.
Còn những nhân sinh nào mê muội chấp hữu bỏ vô, bám hư lìa thật sẽ bị vật chất đậy lấp tâm linh, chỉ thấy biết hữu, ngoại giềng dẫn dắt họ sa vào bàng môn, rớt nơi tả đạo trở thành mê tín - dị đoan, xa rời trung đạo. Bởi “hữu tướng tâm” che lấp đắp lên khiến “vô tướng tánh” không thể bộc phát nào thấy biết chân thật được.
Một sự kiện quan trọng diễn ra ngay trong Phật kinh có nói đến chỗ năm anh em “Kiều-Trần-Như “ trong việc hành đạo của Như Lai-Phật thật nơi ta. Chúa Thánh của mình trong cái tiểu vũ trụ nầy.
Đồ chúng bạch Phật tại sao trống pháp khởi đầu tiên “năm anh em” nầy được hóa độ trước.
Phật dạy rằng: Năm người nầy lúc trước đã nhờ huyết ta để sống nên trống pháp khởi đầu tiên, năm người của họ được cứu độ trước.
Ta nên nhận rõ chỗ lý “đạo ẩn tàng”, đứng chấp vào lời, “kinh hữu tướng” tưởng tượng rằng có năm người danh xưng như thế kia - rồi hiểu theo sự - bị kinh chuyển xa rời chân lý đạo.
Kiều = cầu.
Trần = trần gian thế sự.
Như = Chơn như tự tánh mình.
Đây là biểu tượng 5 giác quan của ta trong xác thân nầy.
Nếu người sống theo đời phóng ngoại buông lung - Cây cầu nầy có chiều “Từ chơn Như ra hồng Trần” xa cội ly nguồn. Nhứt bổn ra vạn thù, đem của báu, máu của Phật tiêu hao phung phí - ngũ khí kiệt quệ, ngũ quan không còn linh hoạt. Tự mình làm mất sinh lực hủy hoại sức sống. Người tu lại sợ các cửa không kềm chế nổi, xem đây là năm kẻ phá hoại gây nguy hại “ngũ quỷ dấy động”. Rồi họ dùng tà pháp khổ hạnh, bịt tai, nhắm mắt, khép miệng, tịnh khẩu, đứng một chân để chịu đựng, nhịn ăn nhịn, khát để cho kiệt sức mất hết năng lực để dễ kềm chế và sai khiến nó. Thế mà phần đông các người tu hữu tướng đều áp dụng như thế để hành đạo tu thân, tưởng rằng đây là đường chánh nẻo chân, giúp họ làm chủ thân tâm. Thực ra việc làm nầy gây nguy hại không lường được, thân xác tiêu sơ, tinh thần lụn bại, bởi vì họ theo đường lối “khổ hạnh” mất hết nguồn sinh, tiêu tan sự sống, chết dần chết mòn theo năm tháng. Họ không điều nhiếp các giác quan, chẳng đủ năng lực chế ngự “tự bế ngũ quan” càng nguy hại hơn, trái lẽ đạo, chẳng hợp tự nhiên, xa Phật, cận kề lũ quỷ, đen tối ngập tràn cưu mang nan y tật bịnh - mù đui câm điếc bại xụi cùi phong “tâm trần bịnh” việc làm nầy tiêu tan báu vật, mất đạo từ đây.
Người tu hành tâm pháp biết dụng “ngũ quan” ấy, tất cả đều do đó làm nên, bằng cách từ hồng Trần, quy hướng Như Lai của mình. Từ vạn thù quy nhất bổn. Hữu vi hữu tướng hồi hướng vô tướng vô vi, gom góp phục quy gầy dựng đạo, tạo ra ánh sáng kết thành những cầy cầu bắt từ “hồng Trần liên lạc với chân Như”, theo chiều đối nghịch lúc trước, để tích trữ của báu, tăng thêm dồi dào, huệ lực phục hồi, phát huy đúng mức ngũ quan trở nên thông suốt thành “Năm vị A LA HÁN”, giúp ích đắc lực cho Như Lai làm tôi hiền trò ngoan trong việc cứu độ giải khổ chúng sinh nơi lòng, khác nào ngũ hổ tướng chống giặc ngăn thù, giữ yên bờ cõi cho đấng Quân vương ngự trị sơn hà xã tắc được thái bình an lạc.
Với tâm pháp vô vi người tu điều nhiếp được các giác quan, không còn lo sợ, cấm chế ngăn chận như trước nữa, nay được thánh hóa từ phàm nên thánh. Yêu tinh thành phật A LA HÁN kết tụ quy nguyên “một khối sáng tinh anh” rạng rỡ “Như Lai” tánh thể hiện toàn khắp, soi thông cả thảy, thấy biết chân thật, nan y bệnh tật chẳng còn. Đây là công phu trau luyện của người chân tu, thực hành tâm pháp, hồi quang phản chiếu vào nội tâm để tạo tác Bát Nhã. Ngũ khí ẩn tàng trong ngũ tạng, ứng hiện ra ngũ quan và ra ngoài là ngũ thức. Nhãn thức mắt thấy, nhĩ thức tai nghe, tỷ thức mũi ngửi, thiệt thức lưỡi nếm, thân thức tiếp xúc đụng chạm. Nay nhờ dùng mật pháp vô vi “Quy và Hiệp” mắt nhìn vào trong, tai nghe vào trong, lưỡi nếm vào trong, thở chơn tức gom nhóm làm một. Tứ tổ quy gia “Nhứt khí tiên thiên” dưỡng nuôi thánh thể, Như Lai của mình. Tứ Thiên Vương dâng cho 4 bát báu, Như Lai hiệp lại thành một bát “đựng thức ăn” không dùng tay nhận thức ăn ấy - lời nói quá mầu nhiệm cao siêu. Phàm nhơn không sao có được đành để Như Lai của mình đói khát cho đến kiệt quệ.
Chính nhờ có Mật pháp chơn truyền tu hành đúng trúng chơn cơ là có tất cả. Bát nhã gia tăng, Ánh sáng phục hồi, chuyển Thức thành Trí không còn là khó khăn, tự người tu hành và chứng đắc rõ ràng.
Ngũ thức, cái thấy biết của năm giác quan, nay hoán cải thành ra Sở Thành Tác Trí, cơ sở tạo tác đắc thành trí huệ. Khi ta tu luyện, chuyển pháp luân, đắc quả vô lậu, không còn vướng bận do sắc tướng bên ngoài nữa. Tâm kinh thể hiện, mắt thấy cũng như không thấy, tai nghe cũng như không nghe, biết cũng như không biết, giao hòa với chân như bản thể, năm mối câu vào nhau hiệp với cội nguồn. Kinh thường nói đến chỗ Ngũ khí triều ngươn, phục hoàn tâm, gầy dựng tánh Phật chỉ rành cho biết đường lối vận hành máy linh “không tức thị sắc, sắc tức thị không” đi từ chân vô ứng hiện ra diệu hữu. Không ra có, nếu ta “chấp có” chỉ được nửa vòng pháp luân; nghịch hành tâm pháp phải biết thấy “có đó như không” thêm nửa vòng, đủ đầy tròn vòng đạo.
Đạo ra pháp, Pháp trở về đạo, luân hành chẳng bám trụ. Xoay cũng như không xoay nên nói không mà có, có mà không, thông hiểu chỗ bí ẩn của máy linh thiên cơ mật nhiệm. Khi đó người tu không còn đắn đo nương pháp, rõ đạo sự thật trước mắt lộ bày, nhờ ngũ quan thông suốt.
Một điều quan trọng ở bên trong, trụ cốt vận hành là “ý thức” nên hư gì cũng do nó cả. Chính đây làm chủ mọi hoạt động, khi tiếp xúc với bên ngoài, nếu ứng dụng sai tác hại vô cùng. Việc làm do nó gây ra là phá hoại tiêu tan mất mát, còn dụng đúng lại tạo tác đắc thành nhờ bí pháp người tu trau luyện, cải tạo giáo hóa và thắng phục được Chúa yêu, toàn thể tiểu yêu phải quy hàng. Từ phàm nên thánh, chúng sanh thành Phật-Vô minh sanh trí huệ. Bát nhã càng ngày càng được tô bồi thêm.
Ngộ Không dụng phép phân thân sanh ra không biết bao nhiêu Tề Thiên Đại Thánh, thế nên người tu khi điều nhiếp được “Ý” khiến nó quy phục là nên việc cả và dùng vi diệu pháp có ứng dụng cũng như không ứng dụng, chẳng rời trụ cốt chân như. Không chấp có, chẳng chấp không “không có có không” làm thành một vòng đạo hằng xoay vận chuyển, chẳng có trước chẳng có sau, một màu mật nhiệm. Thấy biết cả thảy không còn vướng bận gọi là “Diệu quan sát trí”
Từ đó xuất nhập ứng dụng, có ra có vào cái thấy biết ấy là “Truyền tống thức.” Cũng nhờ thành quả công phu tu luyện đắc quả vô lậu, không phô lộ, có xuất cũng như không xuất, có nhập cũng như không nhập, chẳng bị ngoại cảnh chi phối, nghiêng chinh chi cả, không ảnh hưởng bởi ngoại lực tha nhân cái dụng của nó đến chỗ bình đẳng, trang bằng xuất sinh “Bình đẳng tánh trí”. Cái thấy biết của chơn như tự tánh hằng sáng hằng soi, hợp lẽ tự nhiên.
Chính chỗ ra vào có xuất có nhập, cái kho chứa đựng tích lũy cái biết ấy là tàng thức, phải thánh hóa hoàn toàn, không còn một phần đen tối nào cả, nghĩa là trong sáng thông suốt chẳng bợn nhơ, không vẩn đục, có chứa cũng như không chứa, không chứa mà chứa, tất cả đúng đạo lý vô vi. Chính từ chỗ không không ấy xuất sinh diện hữu, thanh tịnh trí huệ, cảnh giới chân thật lộ bày, thấy biết tất cả, đạt tới thật trí của trí huệ, cái khối sáng chân thuần ấy minh chiếu tận tường soi thông cả thảy, chẳng có vật thể nào ngăn che, toàn giác toàn minh thể hiện “Đại viên cảnh trí” tiếp thông với nguồn giác, liên lạc với nguồn sinh, hoàn cảnh nào cũng giác tỉnh tinh minh, đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền đến chỗ thấy một rốt ráo, pháp đạo hoàn nguyên, thể dụng tương đồng, ngoài trong như nhứt, càng hành càng sáng, cái sáng đến tột bực “Vô thượng trí giác.” Ngọn đèn bất tận, chiếu minh nơi nội giới tâm linh của ta, tức thì hiểu, tức thì biết, trực thức, trực nhận do “Trực giác tinh minh” tự ta sẵn có pháp bửu hữu hiệu bên mình đem ra ứng dụng bất cứ lúc nào khi cần đến không còn vay mượn bên ngoài, trở thành vật bất ly thân “Tự hữu hằng hữu” khác nào Nhiên đăng cổ Phật, trong tay sẵn có xâu Định Hải Châu. Tràng hạt bát nhã 108 hột, nhứt bá bát huyền công, có quyền năng tột độ, oai linh đủ đầy chính đây là phương tiện duy nhất “Bát nhã thoàn” đưa ta qua bờ giác - Đại trí huệ đăng bĩ ngạn.