Cái vật vô hình: Không Khí bàng bạc ở khắp mọi nơi trưởng dưỡng vạn vật. Đây là nguồn cung cấp vô tận giúp ta thở. Con người ở trong không khí cũng giống như cá sống trong nước, nó chở che bảo vệ và cung cấp sự sống. Chính nhờ có Nó để dưỡng nuôi tinh thần, chân thân của ta. Cái hơi thở ra vào nơi miệng mũi là “hô hấp chi khí” - hơi thở của phàm nhân - nhị khí âm dương, còn thở là còn sự sống, hết thở là chết. Họ chú ý đến cái chết của xác thân hữu hình, nhưng họ lại ít quan tâm đến hơi thở của mình, bởi không khí khỏi mất tiền mua, chẳng hao công phí sức, người ta vẫn có nó để thở.
Riêng đối với người tu Đại thừa, thực hành mật pháp vô vi. Thở chơn tức bằng “tiên thiên khí” không phải cái thở ra vào thông thường bằng miệng mũi. Nếu không biết phương pháp sẽ gây nguy hiểm đến tánh mạng nên kinh sách nói: Tiên thở bằng rún, Chơn nhơn thở đến gót chân, ám chỉ “chơn tức”. Thật khó quan niệm nổi, nếu không có công phu hành pháp thì coi việc nầy là chuyện hoang đường tà mị bởi vì nó vượt ngoài ngôn ngữ văn tự, không thể diễn tả được, chỉ cảm nhận và tiếp thu trực tiếp với Minh sư khẩu truyền tâm thọ.
“Nội bất xuất, ngoại bất nhập, phi bế khí giã.” Cái thở đó không ở bên trong ra, không ở bên ngoài vào, cũng không nín thở vậy.
Chúa cũng thường đề cập đến khi Người thuyết đạo cho các môn đồ. Lời lẽ chân thật rõ ràng đi ngay vào Mật pháp.
“Ta có một món ăn mà các ngươi không biết” cũng như đức Phật dạy Đạo, giáo pháp của Ngài không ngoài lý vô vi thuộc tâm linh nội giới, tô bồi chân thân, dưỡng nuôi thánh thể, phục hồi Như Lai của mình.
Khi Như Lai muốn ăn: có bốn vị Thiên Vơng dâng cho 4 bát báu, rồi Như Lai hiệp lại thành một bát duy nhất đựng thức ăn cho Như Lai - nhất là Như Lai không bao giờ dùng tay nhận thức ăn.
Mầu nhiệm thay! Quá cao sâu lý đạo!
Phàm nhân không làm sao hiểu được chỗ tối thượng pháp môn, nên không bao giờ có được thức ăn đó, đành phải để cho Như Lai của mình kiệt quệ đói khát. Nhưng đối với người tu thực hành “Chơn truyền pháp đạo” chắc chắn có được thức ăn của Như Lai, tự mình cung cấp đủ đầy cho Phật thân trở nên khang kiện, không còn là điều Thiên nan vạn nan nữa. Điều này sẽ được chỉ rõ ở phần Mật pháp.
Chính vì muốn tiết lộ chỗ tối mật, tối linh của Thiên Cơ, các ngài dùng thần ngữ diễn tả nửa kín nửa hở không dễ duôi tiết lộ ra được. “Thiên cơ bất khả lậu”. Nói đầu dấu đuôi, nói đuôi dấu đầu, nên ai biết được sẽ thấu rõ máy linh tự mình vận chuyển.
Nơi Tiểu thiên địa, nhất khí ẩn tàng trong ngũ tạng, ứng hiện ra ngũ quan, trở thành ngũ khí. Một cội sinh ra 5 nhánh, đi ra để sinh hóa, nhất bổn ứng vạn thù. Người thực hành Pháp đạo phải biết gom góp đem về, ngũ khí hiệp nhứt triều ngươn thành “Nhứt khí Tiên thiên” vạn thù quy nhất, cung cấp cho Phật thân Như Lai của mình. Đây là đường lối công phu, chân tu hành đạo, dưỡng nuôi đúng thánh thể, phục hoàn chơn thân trọn vóc nguyên hình, đến tinh minh rạng rỡ.
Việc làm nầy các vị Giáo Chủ Đại đạo hay các Minh sự đắc pháp lưu lại trong kinh sách, những nhân sinh hậu học chấp lời theo sự, nên không thông đạt diệu lý mật nhiệm. Phật Chúa đều chỉ ngay sự dưỡng nuôi chính yếu. Đựng bằng “bát báu”, chén của Chúa để có cơm Trời bánh Phật, lo cho đời sống tâm linh. Thuộc vô vi vô tướng, khác hẳn với chén bát hữu hình để xin ăn, khất thực của thế gian, nuôi giả thân hữu thể. Tệ hại hơn ăn phải chén của Ma quỷ, bát của Nữ yêu, tiêu tan Tam bửu, đổ máu Chúa, hao huyết Phật vì thèm khát nhơn dục, no lòng đỡ dạ, theo ngõ tối vô minh yêu tinh hành sử.
Thế nên việc tu hành, nếu nhân sinh không có được “Chén bát vô vi” để đựng cơm trời bánh Phật, chẳng có lợi ích chi cả, bởi mang tiếng tu mà không ra tu, lại để cho Phật Chúa đói khát lu bù đến kiệt quệ suy tàn. Thân xác đang sống nhưng chân thân chết dần chết mòn theo năm tháng. Vì vậy người tu phải có “bát báu” để cung cấp cho chân thân, tinh thần phục hưng, cái phần tinh anh ấy càng ngày càng sung thiệm đến chỗ viên dung mới gọi là “tu thân đích thực”.