Ngoài ra còn có một số chân tu phát biểu, tư tưởng chân thật khi thấu đáo rõ ràng do bí quyết ấy:
Nhứt cú Di Đà vô biệt niệm.
Bất lao đàn chỉ đáo Tây phương.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nghe sao dễ quá. Chỉ niệm một câu ấy bằng đường lối “Vô biệt niệm” không nhọc công gì cả. Chỉ khảy móng tay là tới Tây phương Phật Quốc ngay. Thật nhiệm mầu và cao thâm quá! Ta hãy đi vào ngõ vô biệt niệm ấy để hành đạo khác hẳn với cái hữu niệm của phàm phu, tu mê hành muội theo sắc tướng âm thinh cứ mở miệng ra là Phật Phật, Chúa Chúa nhưng rốt rồi Phật Chúa chẳng có nơi lòng, toàn là đen tối vô minh - Chúa quỉ hiện hình yêu tinh sai khiến.
Người tu theo tâm pháp, thực hành chơn đạo nơi lòng gầy dựng sự sáng-Họ đi ngay vào tâm, cải tạo giáo hóa tại gốc. Niệm của họ là giải trừ vô minh - để sáng lòng thấy tánh - càng hành càng sáng, cái sáng được bồi tô thêm đến chỗ “minh cùng giác mãn” tụng với chơn như, niệm với chơn tánh.
Như vậy! niệm cũng như không niệm, không niệm mà niệm hơn bao giờ hết, Cái niệm của họ vào chơn như tự tánh, đây là phương pháp niệm Phật, cầu Phật, đắc Phật của người chơn tu, “Tính chân không vô niệm”, thể hiện toàn khắp.
Cũng với “Lục tự Di Đà” có nhiều người đã nói đến chỗ mầu nhiệm đủ đầy, giúp ta rõ việc phải làm khi bước vào đường tu, hành chánh đạo: mượn giả thân hữu thể, để thành thánh thể chân thân, quy tam bửu Tinh khí thần hiệp nhất thành “Ngôi Tam Bảo” Phật thân trọn vóc nguyên hình. Tự mình tạo Phật tác tiên hiển Chúa. Cái khối quang minh chiếu diệu, một thể chất tinh anh, ứng dụng tuyệt mỹ thể dụng tương đồng, ngoài trong như nhứt: phát khởi vi diệu pháp.
Đây là nhiệm vụ thiết thực, công phu chính yếu của người chân tu gầy dựng và bảo vệ cái “chân thể quang minh” ấy, Phật thân bất hoại. Đường lối vô vi thực thi đúng mức, ta phải thi hành như thế, không thể canh cải sai khác máy Trời, thiên cơ mầu nhiệm.
Một số tín đồ thường đọc trong giảng kinh với lời giải như sau:
“Nam chỉ về tâm phải tịnh thanh.
Mô không dục lợi chẳng cầu danh.
A trừ dâm dục nuôi tinh đủ.
Di dứt lắng lo giữ báu lành.
Đà ấy kim thân sanh bất hoại.
Phật là xá lợi hiệu vô sanh.
Nhân sinh giác ngộ mau tu tỉnh.
Đạo pháp dồi trau sẽ đắc thành.
Đường lối tỉnh tu nhân sinh phải rõ và niệm như thế mới đạt đạo, hiển pháp. Đừng tu mê hành muội theo âm thinh hình tướng rồi phải xa thầy mình mãi mãi.
Ngay trong Pháp Bửu Đàn Kinh diễn giải của Đức Chưởng Giáo Bùi Hà Thanh có ghi lại:
“Nam ấy nam phương lửa bính đinh.
Mô là chỉ rõ vật vô hình.
A gồm nhâm thủy an nơi thận.
Di giữ chặt bền ba báu linh.
Đà sáng sắc vàng tròn khắp cả.
Phật hay thanh tịnh ở nơi mình.
Diệu vi đắc ngộ chân truyền đạo.
Pháp nhiệm thoát trần tự tánh minh.
Với khoán thủ của (1) và (2) của tác giả Lục Tự vừa gầy dựng vừa ứng dụng cho đủ lẽ “thể và dụng” hoàn toàn kết hợp thành lời tựa “Di Đà Diệu Pháp”. Đường lối duy nhất đó đưa ta vào cảnh giới giải thoát ngay trong kiếp vi nhân này.
Nay ta lần lượt tìm hiểu từng chi tiết một của câu Lục Tự Di Đà, giúp ta tiến hành đạo pháp đặc điểm chủ yếu không thể thiếu được. Vì đây chỉ rõ thiên cơ mầu nhiệm, chiếc máy vạn năng - Ta nhờ nó để tạo tác Bát Nhã, sản sinh ánh sáng, không thể để nó nằm ỳ bất động một chỗ, phải biết cách khởi động, chuyển pháp luân. Tự ta điều khiển lấy chiếc máy của chính mình. Thật vinh hạnh và sung sướng thay!
Những mấu chốt tất yếu phải tự phơi bày thông suốt và đem ráp nối để đưa vào hoạt động, mỗi chi tiết ta phải theo dõi một cách cẩn thận, am tường máy linh của mình. Với phương tiện duy nhất nầy giúp ta phản bổn hoàn nguyên sử dụng trên lộ trình, từ Đông Độ đến Tây Phương từ đời đến đạo, chuyển mê thành giác. Hành giả phải đương đầu với bao chướng ngại, muôn ngàn thử thách, nên phải luôn luôn thận trọng, tinh nhạy trong công phu-sáng suốt ở hành động, mỗi bước đi vững chắc, kiên trì vượt qua hết và đến cuối đoạn đường thử thách-Bởi thành công nào không có khó khăn gian khổ thì đâu có rạng rỡ vinh quang, có đi có về, hoàn tất công phu tu luyện.
Thông thường các phật tử cầu nguyện trước Phật bàn quy hướng Phật với lòng thành kính, chắp hai bàn tay vào ngực họ, dụng hết tâm thần, đem toàn ý chí cầu Phật chứng tri, Di Đà thọ ký. Trong khi đó miệng niệm lục tự Di Đà và các vị Phật khác với âm thanh trầm bổng, ngâm nga, phưởng phất mùi hương thơm ngát trong khung cảnh trang nghiêm.
Việc làm nầy là hành động tín ngưỡng, cầu vào tha lực giúp sức, họ mượn hình thức bên ngoài, để củng cố đức tin bên trong và làm nền tảng tu thân suốt đời của họ.
Họ dùng âm thanh sắc tướng mong cầu thấy Như Lai nên không bao giờ thấy được, đó chỉ là hư vọng ảo tưởng của lòng mê; trước mặt là hình cây tượng đá, cốt Phật dựng lên để tôn kính “bái, lạy” ru hồn họ trong vô minh u tối, nương giả hành giả, kết quả “Phật giả” thành hình, yêu tinh ngự trị nơi lòng.
Còn người tu vô vi thực hành tâm pháp trở về nội tâm lo gầy dựng Đạo, tạo Bát nhã huệ trí là có Phật thật với ánh sáng quang minh chiếu diệu. Họ hiểu rõ “sự” và hành theo “lý”, nên sự thờ phương cúng tế chẳng làm chướng mắt, khó nhìn vì tất cả các sự việc đó được họ lý giải theo Đại thừa tâm pháp. Khi hiểu ra rồi cả thảy đều có lợi ích cho việc tu hành.
Đạo thị hiện khắp mọi nơi, nơi nào cũng có Đạo, dưới ánh sáng của tâm minh, Đạo lưu hành trong vạn vật.
QUỲ
Hai chân quỳ gối thẳng người.
Hai chân là phương tiện di hành trên đất, bám đất để hoạt động khắp nơi, trong thời gian nầy phải dừng lại, trụ một chỗ, cùng quy hướng trước phật bàn (chỉ rõ đường lối trở về cõi Phật).
Đây là biểu tượng lạy nơi hai bàn tay, thường theo hình thức từ trước đến nay, trải qua nhiều giai đoạn, phải nhận thức rõ ràng để tìm hiểu đạo lý ứng dụng.
THƯỢNG NGƯƠN
Vào thời Đức Phật Di Đà cách thức lạy như sau: Chỉ dùng bàn tay trái dựng thẳng để trước ngực, rồi cúi đầu lạy một tay mà thôi (bàn tay trái thuộc dương)
TRUNG NGƯƠN
Thời Đức Phật Thích Ca Như Lai ra đời.
Hai bàn tay mặt và trái chấp lại ở ngay chính giữa ngực, (Tượng trưng âm dương hiệp nhứt, tả chi hữu dực chẳng còn. Người tu phải hành thủ công phu quy hướng Phật, thực hiện được âm dương liên kết, không còn riêng rẽ). Hai bàn tay lật ngửa hoặc úp xuống rồi cúi đầu trên hai bàn tay ấy, họ dụng hết tinh thần và ý chí để thực hiện quy hướng về Đấng Trọn lành, đây là đường hướng dụng sự để cầu nguyện lạy bái.
HẠ NGUƠN
Thời kỳ Hạ Ngươn mạt pháp chân truyền được tái lập do Đức Thượng Đế bố ban ân hồng để cứu vớt sanh linh. Người May duyên ngộ “phương pháp tu”, trong đó hai bàn tay là phương tiện để thực hiện việc giao hòa Âm dương. Tín đồ không biết cũng nắm tay bái lạy, còn môn đồ thấu rõ chỗ dụng nầy:
- Bàn tay trái thuộc dương, ngón cái bấm vào phía dưới ngón áp út làm thành một vòng tròn (ấn dương), ngón cái của bàn tay mặt để vào vòng tròn đó như một trụ cốt có thể xoay được và bấm vào đầu ngón áp út của bàn tay mặt (ấn âm).
Âm dương hiệp, ngũ khí giao hòa, “kiết quả” nhờ hành thủ công phụ, pháp luân vận chuyển, máy linh khởi động sản sinh ánh sáng. Đây là một phần trong công phu - quy hướng ân trên với thành quả dâng hiến. Giai đoạn gầy dựng và bảo vệ quý bửu, thành hình Phật thân, tô bồi thánh thể.
Còn đối với các bậc đã tạo tác trong công phu viên mãn cách quy hướng Đấng trọn lành lại khác. Hai bàn tay trái và mặt áp vào nhau, ngón cái của bàn tay trái để trên ngón cái của bàn tay mặt và chấp ở giữa ngực, khi quy hướng đưa lên phía trên đầu giữa trán và úp xuống khi cúi đầu trên 2 bàn tay, đây là giai đoạn ứng dụng, khi họ tự bạn vui cứu khổ cho chính mình, rồi ban vui cứu khổ cho mọi người, nguyện hết tinh thần và ý chí để thực hiện dâng hiến.
Người Lãnh Đạo Tối Cao thay mặt Thượng Đế ban “Thái cực pháp lành” cho nhân sinh, đầu là thái cực, hai cánh tay là lưỡng nghi, ngón cái của bàn tay trái để trên ngón cái của bàn tay mặt là tứ tượng, tám ngón còn lại là Bát quái, xòe đưa lên; “Trung tâm điện năng” ban phát thiên điển, bố thí Trí Tuệ, soi sáng cho nhân quần.
Như vậy tùy theo sự, Ta thấy rõ cái dụng của nó để đánh dấu căn tánh và nhu cầu của thiên hạ.
Phương pháp tu thật sự là trau sửa, quy hướng vào Phật của chính mình, hiệp nhứt âm dương, giao hòa ngũ khí để cầu Phật, đắc Phật nhờ quy y Phật nơi lòng là chân hành khi có được chơn truyền pháp đạo, chiếc chìa khóa duy nhất tự mở “công tắc” thiên cơ chuyển động, pháp luân vận hành, sản sinh ánh sáng, tự ta nối nhịp cầu với ơn trên, thông lưu với bản thể.
Một thí dụ dễ hiểu: hai dòng điện âm và dương được nối liền với nhau, ngọn đèn bừng sáng, vô bồng tháp phát quang rạng rỡ. Ở đây ta thắp sáng ngọn đèn lòng, nhà tâm quang đãng sáng suốt, cảnh giới chân thật lộ bày, không còn mù mờ u tối nữa. Sáng là thiên đường an vui, tối là địa ngục khổ đau. Tâm ta trong sáng, trí tuệ quang minh. Chính đây là việc làm thiết thực để tu tâm luyện tánh, tự hành, tự đạt, gieo nhân Bồ đề, rồi sau đó có quả Bồ đề là lẽ đương nhiên; khác hẳn với người tu mê muội bái Phật lạy Trơi, cả đời đen tối, tinh thần kiệt quệ, đen tối lại càng đen tối thêm.
Chân tu phải biết hành trau, đi vào con đường sáng, tự tạo Phật tác tiên trong vô vi tâm nội, nhất là có chơn truyền bí pháp, kim chỉ nam định hướng, còn lo chi sai nẻo, lạc đường. Ta phải biết diệu dụng mới thoát khỏi mọi lưới rào của thế trần, vượt qua khổ hải ái hà, đến bến tới bờ một cách an toàn vinh quang!