Di Đà Diệu Pháp 

       CHƯƠNG II
       PHƯƠNG TIỆN TIẾN HÀNH ĐẠO PHÁP

       Người tu phải trở lại cái ta này để hiểu biết, chính đây là đầu mối quan trọng, hiểu ta là hiểu tất cả. Kinh sách nào cũng không nói ngoài “bản thân” của ta. Chính nó là một “Đại kinh”, một pho sách vô lượng trang, ta lần lượt tham khảo và am tường.
       “Vạn năng trong bản thân ta
       Không tìm phí mất thật là uổng thay”
       Ta phải làm chủ trọn vẹn “pho báu kinh” để thực hiện cho đời sống tâm linh, chân hạnh phúc của chính mình. “NGÔ cái ta gồm “chơn và giả”, thật và hư trong một khối, muốn tri tường ta phải thấu triệt cả hữu lẫn vô, ngọn và nguồn không bỏ sót một phần nào cả “Thân xác” là nhục thân do cha mẹ tạo ra, âm dương kết tụ, một hình hài ra đời, một tuyệt tác phẩm của Thượng Đế có đầy đủ tất cả, một kho tàng quý bửu.
       Linh hồn là điểm linh quang tách rời khỏi đại khối nhập vào xác thịt để làm lẽ sống và sinh hoạt. Linh hồn là “chủ”, thân xác là “nhà”, vô thể nằm trong hữu thể cũng là “hồn tiên” trong “xác tục”, “hồn trời” trong “xác đất”, “hồn Phật” trong “xác ma”. Bộ máy gồm nhị thể ấy, nếu thiếu một trở nên vô dụng. Vì vậy ta không thể chấp ở một vị trí vô hay hữu, cần phải hiểu rõ toàn chu nguyên thể để đắc dụng nó làm phương tiện tiến hành Đạo Pháp.
       Ta do Đạo tạo thành: nương ta tìm Đạo, có ta là có Đạo, mất ta là mất Đạo, làm chủ ta là làm chủ Đạo.
       “Đạo còn nhân vật còn - Đạo tuyệt nhân vật mất”. cơ thể con người là vũ trụ thu hẹp, tương tợ như Đại Vũ Trụ, thế gian bên ngoài, nên được gọi là “Thế gian Tiểu Đạo” ta quan sát để tìm hiểu, nó gồm có:
       Đầu: sức nóng ánh sáng - Thần: Thượng giới. (Phật)
       Ngực: không khí - Khí: Trung giới. (Pháp)
       Bụng: đất nước - Tinh: Hạ giới. (Tăng).
       - Tam bửu của trời: Nhựt - Nguyệt -Tinh
       - Tam bửu của đất: Thủy - Hỏa - Phong
       Tam bửu của người: Tinh - Khí - Thần
       Còn trong Phật kinh tượng trưng: Phật, Pháp, Tăng, người tu giác ngộ phải làm sao trở thành Phật Tử, con Phật thật sự, nhưng không biết cách nào để quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng của chính mình, kết thành Ngôi Tam Bảo, pháp thân bất diệt, khi ứng dụng đúng chơn pháp; còn hành sai, ngược lại phải bị đọa lạc, tiêu tan Tam bửu, hủy diệt Phật thân, trầm luân khổ hải.
       - Thuận sanh ra phàm: đi xuống “Đọa” Phật theo tà pháp, hóa chúng sanh tục tăng.
       - Nghịch chuyển thành Thánh, thăng thượng “Siêu” chúng sanh giác ngộ “Thánh tăng” nương “chánh pháp” thực hành trở thành “Phật”.
       Tóm lại người tu tùy theo chỗ dụng: Tu hành “chánh” hay “tà”, chơn hay giả, tạo tác hay phá hoại - định đọat số phận - thành công hay thất bại đều do ở nơi mình.
       Trước sự việc trọng đại đối với đời mình. Một kiếp vi nhân quý báu, ta phải rõ cái gì mình đang có, tạo hóa đã ban cho để làm phương tiện tu tiến. Ta hãy bắt đầu tham cứu cái tiểu vũ trụ. Thân xác của ta - Báu kinh thực sự giúp ích cho ta trên đường tìm Phật, kiếm Chúa, diện kiến Như Lai. Việc làm này thiết thực nhưng rất vất vả, ta có bổn phận phải hoàn thiện đủ đầy và thấu triệt nó. Thật khó tìm khó thấy, nhưng biết được đầu mối, mấu chốt, ta lần lượt tháo gỡ lột trần, tất cả sẽ lộ bày hiển hiện ra trước mắt.
       Ta đi ngay vào bộ phận “đầu não” phát sinh, trung tâm điều khiển mọi hoạt động để tri thấu cội căn, nguồn gốc CÁI ĐẦU của ta đấy. Hãy trở về đó để rõ “diện mục” của chính mình.
       Hiển lộ ra nơi CÁI MẶT, dễ thấy, dễ biết, ta nhận rõ có một cái gạch thẳng đứng ở ngay chính giữa, tượng trưng con người ở giữa TRỜI và ĐẤT đó là:
        “Nhân Trung”
       Trên là “Trời” - Dưới là “Đất”.
       Vì vậy nếu con người “Hòa Thượng” lên Trời - “Hòa hạ” xuống đất theo lẽ “siêu đọa” của Thiên cơ mầu nhiệm tùy theo ta hành động đúng hay sai, chơn hay giả, giác hay mê. Ta hãy tìm hiểu phía dưới Nhân trung thuộc đất có:
       - Cái miệng: ăn vật chất của đất nuôi xác thân, chính đây là nơi tiếp nhận nhiên liệu, giúp cho cơ thể có năng lực hoạt động.
Phàm nhân chấp tướng, chú trọng vào nhục thân, ham mê ăn uống, cung phụng cho nó béo bở, phì da với đầy đủ mỹ vị cao lương, nào thịt béo rượu ngon. Vì nhu cầu như thế họ tranh giành từng miếng ăn thức uống, đôi khi dùng những thủ đoạn đê hèn giết chóc lẫn nhau, tranh đấu để mà sống. Họ lại hủy diệt những sinh vật khác để làm thức ăn cho mình. Những kẻ man di còn ăn thịt ngay cả đồng loại nữa. Ôi! cũng vì lòng tham, thèm khát gây ra hành động bất nhân thất đức, mất hẳn lương tri, một điều hiển nhiên còn sống còn ăn. Suốt đời họ bận rộn vất vả về chuyện ăn uống lo dụng kế sinh nhai, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi. Một đôi khi đồ ăn tới miệng rồi, nhưng lại bị kẻ khác dùng quyền lực tước đọat hoặc cấm đoán đến nỗi không thể ăn được, thật khốn khổ thay!
       Người theo phép lợi dưỡng ăn quá no, uống quá mức, trúng thực, đứt hơi lìa mạng. Bởi họ chủ trương sống để ăn, cho đó là một trong tứ khoái ở đời. Họ cố lo cho đủ đầy chất bổ cung phụng nhục thân khỏe mạnh để hưởng lạc thú ái ân. Họ hy vọng giữ gìn thân xác được cường tráng sống lâu, nhưng nguyện ước bất thành bởi hữu hình hữu hoại theo thời gian.
       Một điều đáng chú ý, đồ ăn vật chất của đất nuôi xác thân có hạn lượng tận cùng. Khi có thiên tai làm mất mùa thiếu vật thực, người ta phải lâm vào nạn đói cho đến chết. Ôi! cũng vì mang xác thân này nên phải chịu khổ.
       Người giác ngộ lại khác, không coi đời sống xác thịt là trọng, chỉ cần chú ý quan tâm nhiều đến đời sống “tinh thần chân thật”. Họ dụng vật thực thanh đạm để nuôi thân “Ăn để mà sống” thức ăn gồm thảo mộc, ngũ cốc chứa đạm thực vật gọi là “Ăn chay”. Họ suốt đời hành như thế không thay đổi.
       “Trường trai” một đại giới của người tu luyện Đạo, việc ăn uống này chính Chúa cũng chỉ dạy rõ và đề cập trong “kinh sáng thế”. Lúc còn gần nguồn cội buổi sơ khai, nay ta muốn hồi hướng trở về cựu quê phải thực hành đúng như thế, Chúa gọi là “Kiêng ăn”. Chúa phán: “Này, ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất và các loại cây sinh quả có hạt giống, ấy là đồ ăn cho các ngươi”.
       Ta hữu dụng thân thể để trợ lực cho việc tu hành, Phật chỉ rành: “Nó là con ngựa cho ta cỡi trên đường tìm Phật thỉnh kinh. Ta phải biến nó thành ngựa rồng “Long mã” mới đủ sức đi đến nơi về đến chốn”.
       Người tu pháp Đại thừa phải giữ gìn nó và luôn luôn chăm sóc, bồi dưỡng bằng thức ăn đặc biệt “cơm Trời bánh Phật”. Từ lúc nó lão nhược suy yếu, trở nên cường tráng mạnh khỏe, nhất là ta phải biết rõ lúc đói khi no, đói cho ăn, khát cho uống, nuôi dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi đúng giờ giấc, bởi vì đây là phương tiện chủ yếu không thể thiếu được. Ta phải làm chủ ngự trị và chỉ huy nó, “Tiên cỡi thú”, Thánh kinh ghi lại, lúc Chúa vinh quang tiến vào đền Thánh, cỡi trên “con lừa”. Tự thắng được thú nhục dục, một thành công rạng rỡ, để đột nhập vào “Đền Thánh thần thất” của ta, trong tâm linh nội giới. Lại có một số người chấp vào vấn đề ăn uống cho rằng đây là phương pháp tu để thành Tiên, nên Thánh, đắc Phật. Thật là quan niệm rất sai lầm. Từ trước đến nay có chơn truyền nào dựa vào việc ăn uống để thành đạt đâu, chỉ coi đây là phương tiện tiến hành hay trợ lực cho công phu tu luyện của ta đấy thôi. Trâu, voi, khỉ không ăn chay sao? Nó có thành Tiên, nên Phật chi đâu! Hơn nữa tỏ tiên chúng nó cũng chay lạt lâu rồi. Ta còn thua chúng thay bởi vì ông cha ta chưa chắc đã ăn chay!
       Ngoài ra người theo thuyết lợi dưỡng kích bác rằng: ăn chay sẽ suy yếu, bạc nhược, không đầy đủ chất bổ, mất hết sinh lực đi đến chỗ hủy hoại tự sát.
       Thật ra ta thử hỏi:có ai mạnh bằng con trâu, khỏe như con voi chăng? Chúng chỉ ăn một ít cỏ, nhưng lại có sức mạnh phi thường. Thế nên ta phải nhận thức đúng đắn để khỏi bị lung lạc, xao xuyến vì thị phi gièm siễm, khó lãnh hội mật nhiệm lý chân.
Vậy trường trai giúp cơ thể nhẹ nhàng, dùng vật thực thanh đạm không trọng trược nặng nề như thịt cá. Ngoài ra một số người tu không thành công ở công phu, chẳng thắng phục ở con thú nơi lòng, sợ thân nghiệp cái xác thân này đòi hỏi gây trở ngại cho việc tu hành nên họ phải nhịn ăn, nhịn khát gọi là: “Pháp vô úy” để cho cơ thể suy nhược, không còn sinh lực đòi hỏi dục lạc ái ân. Với hành động này họ tự hủy hoại nguồn sinh, khác nào khấc nhượng con ngựa chứng trở nên què xụi để dễ bề sai khiến, nhưng chẳng giúp ích gì cho họ cả “Hữu thể vô dụng” việc làm này rất tai hại, một sai lầm lớn lao!
       Ta nhận thấy… không ăn thì cơ thể suy nhược khô cằn, trái với tự nhiên, không hợp lẽ Đạo mất đi sự sống; còn dùng thịt cá, cung phụng nhục thân dẫn vào cảnh sa đọa đam mê ân ái, phải trầm mình trong dục hải; tự giết Phật, hại Chúa cuả mình, trợ lực cho yêu tinh vô minh hành sử. Cả hai trường hợp trên đều sai.
Ta phải nhận chỗ trung dung đúng lý Đạo không thái quá, chẳng bất cập, mới lãnh hội được chơn lý, phù hợp tự nhiên, khác hẳn với cái thấy biết của phàm phu, nhãn giới của thế tục, chấp tướng trụ vật. Tự họ làm mất Đạo, tiêu tam bửu, đời sống tâm linh đi đến chỗ khánh tận.
       Đây là trường hợp của đa số người tu khi lý chơn chẳng rõ và không ngộ “pháp đạo” nên đành cam với số phận cứ lầm lủi đi vào con đường đau khổ.
       Cảnh nguy vong, thật bất hạnh thay!
       Ta tiếp tục quan sát…
       Ở tận cùng thân: có một lỗ tiểu và một lỗ đại, để thải cặn bả ra ngoài.
       Lỗ tiểu cũng nằm trong bộ phận sinh dục của con người, nam hay nữ lớn lên đến tuổi “16” trăng tròn hay tuổi cặp kê, tế bào sinh dục phát triển. Từ vô sanh hữu - Hạt giống chúng sanh thành hình, chất nước ái ân được tạo ra. Cái nguồn nước này luôn tuôn chảy theo định luật tức nước vỡ bờ, phải tràn rơi rớt, tiêu hao.
       Người thế tục bị chất nước này kích thích giao hợp nữ nam để giải quyết sự khao khát thèm thuồng của thú nhục dục, do sự kích động đốc thúc từ bên trong ngày càng mãnh liệt, dâm niệm phát khởi “mây thành mưa”, giọt tinh rơi xuống trên thửa đất lòng. Cuộc mây mưa diễn ra giữa nam nữ theo phàm pháp tận hưởng lạc thú xác thịt, thỏa mãn lòng dục, nhưng lại càng ham muốn. khao khát thêm nữa. Thế nên bao nhiêu nhiên liệu họ đem ra phung phí tiêu xài, của báu hao hụt, vạn bửu nang của Phật trống rỗng vì bị thủng đáy, thải bảo vật ra ngoài.
       Đời sống “tinh thần” trở nên đen tối cùng cực, thần mất tinh, thần chẳng còn, ánh sáng tiêu tan, lửa tắt vô minh ngập tràn, làm chấn động rung chuyển đất trời “con đời kết tụ” theo công thức “giả tạo hóa chi cơ”.
       Hai con thủy long “Hà bá” đâu đầu với nhau nơi hạ bộ. Họ thích muốn làm “Hòa hạ” đó.!
       Đây là hành động ngay cả Thiên tử chí ư thứ dân, kẻ văn minh, người mọi rợ cũng y khuôn một rập diễn ra, không phương ngăn cản nổi. Họ coi đây là sự sung sướng tột cùng, cảnh khoái lạc ái ân là chân hạnh phúc. Họ tranh giành chiếm đọat cưỡng bức để thực hiện dâm sự. Hành động phàm phu này cứ tiếp diễn mãi nên họ phải chịu đau khổ triền miên. Họ đã để con thú làm chủ mình, quỷ ma che lấp Phật. Thế mà họ nguyện cầu ân trên ban cho sức khỏe dài lâu để tận hưởng lạc thú ở đời Thiên đường nơi trần thế!
       Phàm nhân bội giác hiệp trần, bám đất lìa trời, rơi vào “Lò lửa” hỏa ngục thiêu đốt, lửa dục hoành hành, không bao giờ tắt.
Người giác ngộ kịp thời chận đứng hành động nguy hại tự sát ấy, thực hiện việc “tuyệt dục” đại giới thứ hai để hành đạo tu thân.
Chúa phán: “Có người hoạn từ trong bụng mẹ sinh ra, có người hoạn bởi tay loài người và có người tự làm nên hoạn vì cớ nước Thiên đường”.
       Người đời quan niệm bộ phận sinh dục của nam nữ không ái ân giao hợp được là “hoạn”.
       Có người mang tật từ lúc sơ sinh, cơ quan sinh dục không phát triển, bán nam, bán nữ theo hình thể phô lộ ra ngoài.
       Lại có người vì tai nạn hoặc tự ý giải phẫu cắt bỏ hình thức đó để không thể ái ân giao hợp.
        “Vì cớ nước Thiên đường tự làm nên hoạn”.
       Đây là một trường hợp quan trọng nhất, bởi họ vẫn còn đủ bộ phận sinh dục, có thể ái ân, giao hợp được, nhưng vì họ giác ngộ, hiểu rõ lợi ích của sự tuyệt dục, để dành nguyên liệu thắp sáng ngọn đèn lòng, tạo tác trí tuệ, vun bồi thánh thể. Chính đây là yếu tố không thể thiếu được. Cái hạt giống chúng sanh ấy được họ biến thành hạt giống thánh “Bồ đề chơn chủng”. Khi họ may duyên gặp đặng chơn truyền, thọ bí pháp tu luyện, với phương tiện duy nhất ấy có được cái chìa khóa kết âm dương, hiệp đặng Đạo; hữu dụng chất nước đó để tạo trí Bát nhã. Ngọn đèn lòng bừng sáng, nên càng có nhiều càng tốt. Tâm đăng chiếu diệu thần thất quang minh, tinh thần rạng rỡ. Tự mình tham dự Thiên Đàng - Cực lạc Quốc.
       Cũng có người thấy vậy cố lo tu giữ giới tuyệt dục, không vợ, không chồng, sống độc thân, chẳng ái ân giao hợp. Họ kiên trì chịu đựng, chống lại sự cám dỗ đòi hỏi của xác thịt để thực hiện công phu tu luyện “Bảo dưỡng tinh”. Nhưng rất đáng thương thay hoài công vô ích, vì họ không có bí pháp chân truyền để nghịch chuyển tinh trở về nguồn “tinh quy thần” nên chất nước ấy cứ xuôi dòng tuôn chảy mãi. “Tuyệt dục” nhưng không đem lại lợi ích cho việc tu hành đúng nghĩa, giữ gìn mà không được... như công dã tràng, mất tất cả, chẳng nên Tiên thành Phật; bởi đèn không dầu chẳng có ánh sáng, khác nào “con trâu, con heo” thiến, có thành Đạo chi đâu? Họ suốt đời cứ lo tu hoài, lìa đời, tìm Đạo nhưng không bao giờ có Đạo, hành thân hoại thể, ép xác theo thuyết “khổ hạnh”, nhưng vẫn không giữ được bảo vật, thật đáng thương thay cho họ!
       “Tu hành có dễ gì đâu
       Lạc sai luyện đến bạc đầu như không!”
       Ta tìm hiểu kế tiếp: Phía trên Nhân Trung.
       Có một mũi với hai lỗ thở không khí ra vào
       Hai mắt thấy sắc. Hai tai nghe thinh.
       Không khí, sắc, thinh, vô hình của trời.
       Không khí để dưỡng nuôi tinh thần, chân thân của ta. Thật quan trọng vô cùng nó không bao giờ hết, nguồn cung cấp vô tận, chẳng hao công phí sức, khỏi mất tiền. Ta vẫn có không khí để thở.
       Nó còn liên lạc là sống.
       Nó mất liên lạc là chết.
       Vật thực nuôi xác thân, ta có thể nhịn ăn một thời gian không sao cả. Chẳng hạn như rùa rắn suốt năm không ăn gì chỉ thở cũng sống được, còn đối với không khí, thiếu nó là mất mạng ngay. Không khí của “Trời” cho đời sống tinh thần, ta không thể khinh thường nó được.
       Phàm nhân không quan tâm để ý tới, còn đối với người giác ngộ hết sức bảo trọng coi đó là sự sống của mình. Chính nhờ nó có thể tô bồi chân thân, dưỡng nuôi thánh thể gọi là “cơm Trời, bánh Phật” thức ăn của Như Lai. Điều này sẽ được giải bày ở phần mật pháp.
       Qua những điều tìm hiểu ở trên giúp ta biết qua về cái “Tiểu vũ trụ” này, một kho tàng báu vật của Phật ban cho, Chúa giao phó để ta tự sử dụng lấy; nhờ nương Hữu tìm Vô, mượn hư rõ thật. Từ cái đã thấy biết, rõ thông cái chưa thấy biết ẩn tàng ở bên trong. Ta phải biết tất cả Hữu Vô mới tường tri lý nhiệm.
Thiên ý thể hiện rõ ràng “con người” đứng giữa trời và đất. Thiên-địa-nhân.
       Nếu là người giác ngộ phải rõ lý của trời đất, tình của vạn vật, nhất là biết bổn phận hiện hữu trong kiếp vi nhân này. Hãy hướng về trời nhiều hơn đất.
       Của trời:2 lỗ mũi, 2 mắt, 2 tai.
       Của đất:1 cái miệng, 1 lỗ tiểu, 1 lỗ đại.
       Chân nhân hiệp giác bội trần, phàm nhân mê muội bám đất lìa trời, theo đời bỏ đạo.
       Ta hãy làm người giác ngộ có bổn phận tìm hiểu cái Đạo nơi lòng, trong bản thân ta vừa tri vừa hành theo đúng lẽ mới đạt Đạo. “Tinh khí thần” tam bửu nơi mình vô cùng quý báu. Ta cần phải bảo trọng giữ gìn không để mất mát tiêu hao. Thân ta ví như ngọn đèn, dưới bụng là dầu, trên đầu là lửa, ở giữa là không khí.
       Nếu mê muội đắm đuối ái tình, say sưa dục lạc, làm dầu chảy mãi nhiên liệu hao hụt, đèn mất sáng, rồi đến một lúc nào đó hết dầu, đèn tắt. Do đó khi rõ biết điều quan trọng nguy hại làm hủy hoại chân thân, tiêu hao tam bửu, người giác ngộ lý chân phải làm sao để phục hoàn “phần tinh anh” ấy, châm thêm dầu, đủ đầy nhiên liệu để đèn lòng bừng cháy trở lại, ngỏ hầu phá tan phần vô minh đen tối.nhờ tu luyện đúng mức ngọn đèn tâm linh tinh minh rạng rỡ, không còn tròn khuyết lưng vơi. Đạt quả vị bất thối chuyển “Thiên đăng nhựt diện”. Tất cả sự vật chân thật đều được phơi bày dưới ánh sáng chói chan của ngọn đèn trời, “nhãn giới của Thiên Chúa”, tri kiến của Như Lai, thấy chân biết thật.
       Đây là đường lối chính yếu người công phu, tu luyện phục hoàn tâm, gầy dựng tánh, trở lại thuở ban đầu “Nhiên đăng” của ta đầy đủ huệ lực, với xâu “Định hải châu”. Nhất bá bát huyền công, pháp mầu tột độ. Một điều nhân sinh giác ngộ âu lo vào thời hạ ngươn mạt pháp này, đạo đức suy vi, nhân tâm bất nhứt, chuộng đời bỏ đạo. Tất cả họ đều cuồng lao vào chủ trương đấu tranh để sống, chống báng lẫn nhau để tồn tại, gây bao cảnh lầm than tang tóc, tạo nên một thời kỳ cùng cực đen tối. Do đó biết làm thế nào tìm Đạo, hành Đạo, để có Đạo đây! “ Vật cùng tất biến”. Một sự việc may mắn đến với nhân loại, Thượng đế bố ban đại hồng ân tái lập “Chân truyền pháp đạo” phục hưng chánh pháp, cứu vớt linh căn ra khỏi khổ hải ái hà. Chính đây là chiếc phao cứu cánh... Cái chìa khóa duy nhất để mở cửa Thiên đàng, cũng là thang mây đưa nguyên căn hồi cựu vị.
       Nếu nhân sinh nào may duyên hợp với Đại thừa vô-vi tâm pháp, hãy mạnh dạn đến tiếp nhận chân pháp để trở về cùng Đạo, bởi Đạo chỉ có một, pháp lại chẳng hai, không dành riêng cho một ai, một tín nguỡng hay bất kỳ một tôn giáo nào cả, mà lại là nguồn sống chung cho nhân lọai. Cái ân lành đó rồi đây sẽ phát triển tạo nên một thời kỳ “Trí tuệ cực thịnh” sau này ứng dụng cứu khổ ban vui cho đời. Tất cả cùng nhau hạnh hưởng!
       Nguyên căn muốn tiếp nhận “bảo vật” ấy phải hội đủ điều kiện với cấp đạo cao nhứt: “Trường trai và tuyệt dục”.
       Đến Giáo sư tâm pháp thọ lãnh sắc thiên trao truyền cho khẩu khuyết để về công phu tu luyện. Người hành pháp ra sức hành trau: Tự tu, tự độ, tự ngộ, tự tri, tự thành phật đạo, để tự giải thoát lấy; khác hẳn với đường lối tu hành giả dối, vô định mơ hồ của các Minh sư triệt giáo, đạo sĩ bàng môn, dẫn nhân sinh vào ngỏ mê tín, tin vào phép lạ linh thiêng, tuyên truyền inh ỏi, gieo nọc độc cho người nhẹ dạ, toàn là sắc tướng âm thinh - cái tâm hữu tướng ấy đã in sâu khắc đậm trong đầu óc.
       Chính nó làm chướng ngại gây bế tắc thiên lý đậy lấp linh quang. Lại còn một số người thích an trú tùy nuơng cho rằng: tu sao cũng được, pháp nào cũng pháp, trước sau gì cũng được “Phật rước Chúa ban, thiên đàng lai đáo”. Ôi quá vô phước và bất hạnh thay. Họ không thấy gì cả. Cái màn vô minh che mắt bít tai, khiến họ đui mù câm điếc, không để một lời đạo lý nào lọt vào tai. Chẳng thấy được cửa ngõ thiên đường dành cho họ, nên không bao giờ ngộ phùng “Chơn truyền pháp đạo”. Vậy chỉ có một đường lối duy nhất, kết Âm Dương hiệp đặng đạo, tạo ra ánh sáng là “Chân và thật”, còn ngoài ra đều sa vào ngoại giáo bàng môn của vạn thù sai biệt, cứ mãi mê theo đó đi xa cội, lìa nguồn, tuôn vào bể khổ, bị chiếc lưới vạn thù úp chụp không phương nào tháo gỡ.
       Đi ra: Vào ngõ rộng, hướng theo hữu tướng thế trần, “Nhứt bổn ứng vạn thù.”
       Trở về: Vào ngõ hẹp, hồi hướng vô vi tâm nội “Vạn thù quy nhất bổn”.
       Đường lối giải thoát của người chân tu là trở về với vô vi để cải tạo, giáo hóa và thắng phục tâm mình, làm chủ đặng nó là đúng đắn và chân thật.
       Ở điều này có người chấp tướng tin tưởng theo lời hành theo sự. Khi nghe đến pháp “vô vi tịnh tọa”, công phu nơi phòng kín, thiền viện, thất am, v.v.. Họ ham thích đua nhau tới gia nhập vào “hội tu”cho rằng mình đi đúng, trúng đường thuận lối, với chủ trương cách ly với đời, xa rời thế tục để tâm trí rảnh rang dễ bề lo tu sửa, Họ mở khóa tịnh, nhập thất, nhập bá, v.v..Tự nguyện giam cầm thân xác trong phòng kín, tịnh đường thực hiện việc tu hành. Nhưng thần trí lại phóng ngoại tứ tung, tới lui vô định, không thể kềm giữ nổi. Bởi vì họ hành theo phàm pháp ra công khổ hạnh ép xác, ngồi chai đít, chai khu, rốt rồi chẳng đem lại một lợi ích nào cho việc trau tâm, sửa tánh và đến khi mãn thời gian tu tịnh, tĩnh tâm ấy, họ lại sống với lòng phàm và nương theo tánh tục như trước, đôi khi còn tệ hại hơn nữa - bởi vì họ không có một phương cách nào để làm chủ được cái tâm. Họ chỉ lo sửa hình thức ở bên ngoài, nơi ngọn ngành, còn ở bên trong nguồn cội nơi lòng lại dung túng não phiền, chất chứa vô minh, càng tu càng thấy đảo điên khốn khổ. Thực ra đối với họ thiên đường đâu chẳng thấy, nhưng hiện tại là địa ngục tối tăm, thân xác bị giam cầm cũng vì đạo lý huyền thâm tri tầm chẳng thấu!
Đoạn kinh sách ghi lại, lịch sử Đạo diễn tả cuộc đời của các vị Giáo chủ, nhân sinh muốn hiểu, phải quan tâm chú ý đến “đời sống tâm linh” biểu tượng một sinh nhân từ phàm phu tu luyện thành chánh quả. Phàm nên Thánh, chúng sanh thành Phật. Thích Ca đắc Như Lai, Jésus thành ngôi vị Chirst chỉ rõ sự thật hiển nhiên, tự con người làm nên tất cả. Người đi trước trải qua con đường đó đã thấu rõ, diễn tả lại chỉ dẫn cho kẻ đi sau am tường.
       Các Ngài dùng thần ngữ tỏ chỗ tối mật của pháp linh, nhân sinh nào thông đạt pháp ý rồi kiểm chứng lại sự hành đạo, luyện trau của mình - con đường phải đi từng chi tiết một, từ thấp đến cao, gian lao hiểm nghèo, trùng trùng điệp điệp chướng ngại, hành giả phải vượt qua trên đường tìm Phật, thỉnh kinh, đắc tâm kinh Bát nhã.
       Còn kinh hữu tự chỉ giúp cho chơn tu tri tường lý nhiệm bên trong, rồi ra sức hành trau chân truyền pháp đạo có được vô tự chân kinh, hiển hiện nơi lòng, rõ thông cả thảy, từ không ra có, cái có đó mới chân thật và trở thành vật bất ly thân - tự hữu - hằng hữu; ta đem ra ứng dụng bất cứ lúc nào khi cần đến, không còn chướng ngại, trắc trở nhờ theo diệu pháp thực hành.
       Chính con đường đưa ta đến mục tiêu ấy, không phải đơn giản - dễ dàng. Một cuộc trường kỳ kháng chiến, giải phá vô minh, tiêu trừ phiền não diễn ra trong nội tâm ta không giờ phút nào ngơi nghỉ.
       Người tu khi thọ lãnh chơn truyền: Đường lối duy nhất, hiệp âm dương, kết đặng đạo. Càn khôn tóm thâu về một mối, tạo cái vòng pháp luân, sản sinh ánh sáng. Chính điều này Huệ-Năng Lục Tổ giải rõ khi thuyết đạo cho sinh nhân hữu căn đa phúc ngộ phùng đại thừa đốn giáo pháp, trực chỉ Tây quy, đi ngay không còn do dự, dần dà trước ngưỡng cửa Đại Đạo. Chẳng nên chấp ở chỗ tuần tự nhi tiến - cái nấc thang tiến hóa đó đối với hạng người căn trí còn thấp kém, nay đến lúc dùng thang điện “Âm dương hiệp” đưa ta lên thượng tầng “đài cao tột đỉnh.”
       Ngài phán dạy: “miệng niệm lòng làm”. Miệng đọc kinh thông đạt diệu lý và thực hành trong nội giới vô vi, đường lối ấy là chân là thật. Thiếu một trong hai lẽ sẽ gặp trở ngại “Tri hành” cho đúng mới đem đến thành quả. Bởi “Tri” không “Hành” chẳng thực dụng, còn “Hành” không “Tri”, trở nên ngu xuẩn, không thể nào đạt đến cứu cánh được.
       Nay ta hãy quan sát việc làm hàng ngày của các Phật Tử, Tăng Ni, tụng niệm Lục Tự Di Đà, trong lúc công phu hay khi thốt ra lời dẫn khởi, không biết có kết quả chi chăng hay vì lòng mê tánh muội tin tưởng vào ngoại lực trợ duyên, Di Đà thọ ký?

Trở lại trang chánh

 Thư Viện 1      4   5