Thế nhân thường quan niệm đời là khổ, thế gian là chỗ bùn nhơ, làm lấm lem con người, tâm trí bị nhiễm trước ô trược, mất đi cái tinh anh trinh bạch, không còn thuần lương thiện mỹ, do đó họ sợ cảnh trần này lắm.
Họ oán ghét cõi đời cho là bể khổ, chỗ ngục tù, lửa lò thiêu đốt, khiến họ oằn oại đau thương
“Khổ hải vạn trùng ba” từ lượn sóng này đến lượn sóng khác dồn dập, măc tình thế nhân rên la thảm thiết, một số người không chịu đựng nổi phải hủy bỏ sự sống để lìa đời.
Họ trách cứ đấng hóa công cho rằng ông quá độc ác. Bởi ông có đủ quyền năng tạo ra con người, tại sao ông lại không thể ban cho họ một đời sống an vui?
Thế nhân quá đau khổ vì hấp lực tình, tiền, danh, lợi, lôi cuốn khiến họ lao vào dòng đời trôi nổi trên bể ái nguồn ân, họ không có mục tiêu, chẳng có định hướng cho cuộc sống, họ đành phó mặc cho định mệnh rủi may đưa đẩy, nhất là thời hạ ngươn mạt pháp này, đạo đức suy vi, nhân tâm bất nhất, con người phải đua chen theo vật chất, đánh mất linh quang, càng văn minh lại càng đau khổ. Họ dùng thế gian chi pháp đối xử với nhau vay trả, trả vay liền liền - nhân tranh đấu họ nhận lãnh quả đấu tranh, tạo ra oan nghiệp, hận thù chồng chất.
Văn minh vật chất, chiến tranh tận diệt.
Họ giết hại lẫn nhau đưa nhân loại đến chỗ diệt vong, trong khi đó họ lại bất lực trước hoàn cảnh, chẳng còn tin vào khả năng sẵn có nơi mình, nên họ chỉ ao ước nguyện cầu: vào Trời Phật hoặc ngoại lực tha nhân đến giải trừ khổ nạn do họ gây ra.
Những việc làm này không thiết thực, chẳng đem đến kết quả chi, do đó họ càng đau khổ thêm.
Người giác ngộ hiểu rõ chốn trần gian là bể khổ, chỗ tốt nhất, môi trường thuận lợi giúp cho họ phát triển tâm linh, thực hành chơn đạo.
Họ chấp nhận cõi đời, chịu đựng thử thách, đương đầu gian nguy. Họ coi đây là nguồn cung cấp dưỡng nuôi, vô phân tưới nước không thể thiếu được, để giúp cho cây Bồ đề mau lớn cội, đâm nhành, đơm hoa, kết quả, đắc thành pháp đạo, tinh thần sáng suốt, trí lực dồi dào.
Cội phiền não trổ bông cực lạc,
Nguồn thất tình bồ tát hiện thân
Một điều nhân sinh thắc mắc hiện nay, làm thế nào để giải khổ đây?
Ta đi ngay vào nguồn cội của cái khổ để giải quyết vấn đề thông suốt, minh bạch, rồi tìm ra phương cách chữa trị hữu hiệu.
Đây là liều thuốc giải khổ cho nhân loại, đem an vui đến cho đời,
con người tự gây đau khổ nên chỉ có con người tự giải khổ đấy thôi!
Tự ta gây khổ, tự ta giải khổ là nhiệm vụ thiết thực nhất trong sứ mạng tự cứu khổ ban vui cho chính mình.
Nguồn gốc của đau khổ là tham vọng. Con người đối diện với đời, trước hấp lực của muôn ngàn cảnh sắc, họ động lòng ham muốn dẫn tới hành động để thỏa mãn tham vọng, khiến tâm khí phát khởi, biển lòng dấy động, nội tâm không còn yên tịnh nữa, dù họ cố sức trấn áp cách mấy cũng không có hiệu quả.
Nếu muốn được trạng thái bình thản, như nhiên, ta phải biết phép ngừng gió, uống định phong đơn vào, sóng lặn ngay, biển lòng trang bằng phẳng lặng trở về bản thể thanh tịnh của tự tâm.
Nhân sinh phải cần nhờ đến thần phương cứu khổ:
“Phương pháp bồi dưỡng sức khỏe và tinh thần”
Với phương pháp này con người tự tạo cho mình một thân thể khỏe mạnh, sức sống tràn đầy, chịu đựng dẻo dai, có sức đề kháng cao, chống lại bệnh tật gây ra do khí hậu bất hòa, âm dương không cân đối, môi trường bị ô nhiễm.
Với chân khí tiềm tàng trong cơ thể, sức khỏe gia tăng, da thịt hồng hào, nhờ bồi dưỡng và bảo vệ cơ thể đúng mức, mới sống trường thọ và hạnh phúc trên thế gian.
Về mặt tinh thần thế nhân bị ngoại cảnh chi phối, tâm thần không ổn định, thất tình buộc ràng, lục dục cưu mang làm mất hết điển quang, đời sống tâm linh u tối khiến họ cực kỳ đau khổ.
Nhờ phương pháp này họ trau sửa phục tinh, dưỡng khí, tồn thần, ngọn đèn tâm đủ đầy nhiên liệu phát quang rạng rỡ, chuyển mê thành giác, thấy biết chân thật, giải quyết mọi vấn đề một cách thông suốt, thuận hợp thích nghi trong cuộc sống.
Nhất là họ làm chủ được cái tâm, thắng phục được cái trí không để vật chất phủ lấp tâm linh, thú tánh sai khiến mình. Tất cả được chuyển hóa không còn trở ngại làm nguy hại đến chơn thân thánh thể. Có được như vậy đời sống càng văn minh, đủ đầy vật chất con người tân tiến với tâm minh điều khiển, sử dụng thuận lợi đời sống hạnh phúc thêm lên.
Chính đây là con đường sáng đưa nhân loại tìm đến hạnh phúc chân thật, không còn là điều ước mơ nay trở thành hiện thực.
May mắn thay tạo hóa đã dành sẵn cho nhân loại đủ đầy vật chất, cảnh đời hoa mỹ để cho họ tận hưởng an vui, không còn sự khổ, có như thế đời đáng yêu và đáng sống.
Sự an vui của con người không phải tự nhiên có sẵn hoặc cầu khẩn van xin mà phải do họ thực hiện việc trau sửa từ mỗi người đến mọi người. Tự giải khổ ban vui cho chính mình mới biến thế gian là niết bàn và thiên đàng dành cho các nhân sinh hữu căn đa phúc.
Với đường lối đem an vui cho đời, thế gian không còn là bể khổ, để thực hiện một cõi đời an lạc trong lành, nhân sinh trường thọ, tận hưởng những gì tạo hóa đã ban cho, người chủ xướng là đức Di Lạc cũng còn gọi là Đương Lai Hạ Sinh Di Lạc Tôn Phật. Long hoa giáo chủ, Chưởng Giáo Thiên Tôn, thánh kinh cho biết là Đấng An Ủi.
Trong cõi đời này, hiện có một vị Giáo Chủ thực hiện ban vui cứu khổ cho đời, nhưng ngài không lộ diện, chẳng một ai thấu rõ tông, tích bởi vì ngài tu không để người ta biết mình tu mới thật là tu. Thành đạo cũng không cho người ta biết mình thành đạo mới thật là thành đạo.
Ngài hòa nhập với đời để độ đời mà đời không hay biết thì sự cứu độ đó mới thành công trọn vẹn. Với đường lối đưa đạo vào đời một cách vi diệu, trong đời có đạo, đạo đời hiệp nhất, nhân loại này mới hết khổ đau.
Tất cả kinh sách đều nói đến vị Giáo chủ này nhưng thế nhân chỉ biết qua hình tượng tôn thờ. Ta hãy tìm đạo lý ẩn tàng trong hình tướng, biểu tượng của đạo thì việc tôn thờ mới có giá trị, thấm nhuần lợi ích, còn chấp tướng, trụ vật lại sa vào đường mê tín, dị đoan, khó nhận ra diệu lý.
Quan sát tượng hình Đức Di Lạc ta thấy Ngài sức khỏe dồi dào, tinh thần vui vẻ, nơi Ngài thanh thoát an bình.
Ngài không còn bị ràng buộc trong hình thức tu hành, chẳng cần đến vẻ oai nghi chẫm chệ trong phong cách ngồi thiền, nhưng lại độ dẫn quần sanh thiết thực, áo của Ngài mặc không mang màu sắc của tôn giáo, nhưng lại là đạo y kiên cố, che chở cho Phật thân.
Chân mặt thuộc âm: tượng trưng cho đời, phải kéo vào đó là tư thế hành pháp, tay mặt nắm chặt đạo y, điều này cho biết đời sống hằng ngày muốn đạt được sự an vui cần phải hành pháp, không rời đạo y, giữ gìn chân thân của mình chẳng phung phí hết tam bửu, nhưng lại lo gầy dựng kinh tế bản thân, sức khỏe dồi dào, không bị ốm đau mới sống vui sống khỏe nơi thế trần.
Chân trái thuộc dương: tượng trưng cho đạo, chống lên ở tư thế khỏi động, tay trái nắm chặt tràng hạt mâu ni, tượng trưng đời sống tâm linh, tự hữu hằng hữu trí huệ phát khởi, thấy chân biết thật soi sáng cả thảy.
Thân tâm sung mãn đầy sức sống nhờ trau luyện và thành đạt.
Phần bụng và ngực.
Con người luôn luôn che đậy giấu diếm cõi lòng của mình, kín trong rồi lại kín ngoài, thế mà Ngài lại cởi trần phô lộ ra cho mọi người chiêm ngưỡng đường hướng, phương cách có được tinh đầy khí đủ. Vì vậy thời hạ ngươn mạt pháp chân truyền bí pháp không còn che giấu bí mật nữa, cần phải được phô trương bày tỏ cho nhân sinh hiểu rõ để thực hiện việc tu hành cho có kết quả. Đúng theo lẽ công bằng, ra công bao nhiêu hưởng quả bấy nhiêu.
Điều này nói lên đường lối thiết thực, tu thân chơn chính, không còn nằm ở khuôn khổ, qui ước từ trước đến nay. Tu không còn thấy là tu mới thật là tu, tự hành tự đạt, thành tựu đúng như yêu cầu sở nguyện của mình.
Đến phần bát nhã.
Biểu tượng Di Lạc từ mắt, tai, mũi, miệng, đều mang hạnh đức của Di Lạc.
Mắt hiền từ phát quang.
Tai dài trường thọ.
Mũi to sức sống dồi dào.
Miệng với nụ cười tượng trưng người đã không còn khổ, Ngài biến cảnh khổ thành an vui, đó là thần phương diệt khổ. Tự cứu khổ ban vui cho chính mình, dời chơn thường lạc vào tâm, lúc nào cũng an vui thư thái, thể hiện xuân tâm bất tận.
Tự cứu khổ ban vui cho chính mình chưa đủ, cần phải cứu khổ ban vui cho mọi người thực hiện sứ mệnh.
Di Lạc cho đời, Chiếu Minh thiên hạ.
Đây là tông chỉ, đường lối của “cơ đạo kỳ ba” cứu độ chúng sinh, chuyển hóa Hạ ngươn “mạt pháp” sang Thượng ngươn thánh đức.
Đạo cứu đời, đời có đạo sáng soi, thế gian không còn sự khổ.
************
THAY LỜI KẾT
Nhân sinh giác ngộ thấy rõ đường lối tu thân chân chính là trở về thân tâm để lo gầy dựng, tô bồi là điều thiết thực nhất, nhờ thấu triệt chỗ hữu, tri tường chỗ vô, thông đạt cả hữu vô là rõ thông cả thảy. Đạo lý thị hiện không còn che giấu, tất cả cái không thể biết, không để đo lường, tức cái vô cùng vô tận, ta cũng có thể cảm nhận một cách rõ ràng.
Giờ nay Lục tự Di Đà tỏ rõ cái máy linh mầu nhiệm giúp cho nhân sinh tầm tri học hiểu chỗ tối diệu tối linh, đó là tự tri nhưng rồi phải tự hành để tự thành đạt lấy mới có giá trị thực dụng. Còn học hiểu để đi truyền bá khoe khoang, tỏ cho mình là người kiến văn rộng rãi, nhưng không chịu thực hành thì chẳng có lợi ích chi, trở nên vô dụng.
Ngoài ra hành không tri thì thật là nguy hiểm, không biết được việc làm của mình như thế nào? thành quả ra sao? phó mặc cho định mệnh rủi may, đưa đẩy, khác nào kẻ mù không biết mục tiêu, chẳng định hướng được cứ lầm lủi tiến bước sẽ rơi hầm sụp hố còn đâu mạng sống! Vì vậy điều quan trọng là tri phải hiểu cho thấu đáo rồi bắt tay vào việc làm là hành. Trong hành có tri, trong tri có hành, hành tri sẽ dẫn đến thành tựu tốt đẹp.
Ta có định hướng rõ ràng sáng suốt, phương tiện hữu hiệu, mới thực hiện cuộc hành trình từ mê đến giác, chúng sanh thành Phật, tự niệm Phật, cầu phật đắc Phật do ta hoàn thành, cũng là niệm Di Đà diệu pháp chánh chơn, rất thực tế không còn nằm trong ảo tưởng.
Tự tu, tự độ, tự ngộ, tự tri, tự thành phật đạo để tự giải thoát lấy, từ mỗi người đến mọi người trong nhiệm vụ giải khổ.
Tự cứu khổ ban vui cho chính mình chưa đủ phải cứu khổ ban vui cho mọi người, hoàn thành sứ mạng:
Di Lạc cho đời, Chiếu Minh thiên hạ.
Kiến tạo con người mới gồm đủ hữu vô sức khỏe dồi dào, tinh thần sáng suốt, thực hiện đời sống an vui nơi thế trần, phù hợp với thời đại mới:
Văn Minh, vật chất lẫn tinh thần.
************
MỤC LỤC
LỜI TỰA
CHƯƠNG I
LỜI KINH DẪN NHẬP
A. Đời người
1- Mê: Đọa lạc
2- Giác: Giải thoát
B. Cầu nguyện
1- Pháp tụng: Kinh hửu tự
2- Tâm pháp: Kinh vô tự
C. Cơ tạo
1- Đi ra: Đọa lạc
2- Trở về: Siêu thăng
D. Thần chú nhiệm mầu
CHƯƠNG II
PHƯƠNG TIỆN TIẾN HÀNH ĐẠO PHÁP
A. Con người
1- Thân xác
2- Linh hồn
B. Tiểu vũ trụ: Báu kính
1- Thiên địa nhân
2- Địa: Đất
a) Một cái miệng
b) Một lỗ tiểu
c) Một lỗ đại
3- Thiên: Trời
a) Một lỗ mũi: Hai lỗ thở
b) Hai mắt
c) Hai tai
C. Tri và hành
CHƯƠNG III
DI ĐÀ THẦN CHÚ
A. Hữu niệm
B. Vô niệm
C. Tâm pháp
1- Di đà giảng kinh
2- Di đà Diệu pháp
D. Quỳ lạy
1- Thượng ngươn
2- Trung ngươn
3- Hạ ngươn
CHƯƠNG IV
NAM ẤY NAM PHƯƠNG LỬA BÍNH ĐINH
A. Lửa
1- Tà hỏa
2- Chơn hỏa
B. Cái dụng của chơn hỏa
CHƯƠNG V
MÔ LÀ CHỈ RỎ VẬT VÔ HÌNH
A. Khí
1- Tà khí
2- Chơn khí
B. Cái dụng của chơn khí: Cơm trời
CHƯƠNG VI
GỒM NHÂM THỦY AN NƠI THẬN
A. Tinh
1- Tà tinh: Nước nhân dục
2- Chơn tinh: Rượu thánh-Cam lồ thủy
B. Cái dụng của chơn tinh
CHƯƠNG VII
GIỮ CHẶT BỀN BA BÁU LINH
A. Tinh khí thần
1- Phàm nhân: Tiêu hao
2- Chân nhân: Phục hồi
B. Giữ gìn-Dưỡng nuôi
1- Bát báu: Nuôi dưỡng
2- Pháp y: Bảo vệ
C. Phương cách gìn giữ
1- Chúa: Ăn thịt Chúa, Uống huyết Chúa
2- Phật: Tứ kệ của Ngủ Tổ
D. Ứng dụng hành trau
CHƯƠNG VIII
ĐÀ SÁNG SẮC VÀNG TRÒN KHẮP CẢ
A. Thần quang
1- Tri kiến chúng sinh
2- Tri kiến Bồ tát
3- Tri kiến Như Lai
B. Ngũ quang thông suốt
1- Năm anh em Kiều Trần Như
2- Năm vị A Là Hán
C. Chuyển thức về trí
CHƯƠNG IX
PHẬT HAY THANH TỊNH Ở NƠI MÌNH
A. Tiểu vũ trụ
1- Thanh lọc
2- Tô bồi
B. Thanh tịnh
1- Vô ký không
2- Thanh tịnh thực tướng
3- Cơ động tịnh
a) Đại vũ trụ
b) Tiểu vũ trụ
C. Tu thân
1- Quán thân bất tịnh: Chơn động
2- Quán thân bất động: Chơn tịnh
D. Chơn động tịnh: Máy thiên
CHƯƠNG X
CHỊU VI ĐẮC NGỘ CHƠN TRUYỀN ĐẠO
Cơ đạo kỳ 3 Đức Ngô Minh Chiêu Chơn Tuyền
A. Thực hành
1- Bồi dưỡng cấp 1
2- Bồi dưỡng cấp 2
3- Bồi dưỡng cấp 3
B. Phương tiện phụ trợ thực hành
1- 1 cái áo choàng
2- 1 tấm nệm
3- 1 cây đèn
4- 1 lư hương
5- 1 đồng hồ
6- 1 cái ghế
C. Thời điểm thực hành
D. Động tác thực hành
1- Động tác ở chân
2- Động tác ở tay
3- Đầu
4- Động tác xoa tán bụng
5- Động tác xoa vuốt mặt
E. Giai đoạn an tịnh để trưởng dưỡng tinh thần
CHƯƠNG XI
PHÁP NHIỆM THOÁT TRẦN TỰ TÁNH MINH
A. Cảnh trần
1- Mê: Bị đọa lạc
2- Giác: Tìm giải khát
3- Môi trường rèn luyện
B. Nguồn gốc đau khổ
1- Tham vọng
2- Liều thuốc giải khổ
C. Đường hướng cứu khổ Đức Di Lạc
THAY LỜI KẾT
Địa chỉ liên lạc:
Cao Đài Đại Đạo-Chiếu Minh Giáo Toà - Vô Vi Tam Thanh- Đại Thừa Tâm Pháp
Địa chỉ: Số 1907-Tổ 53, ấp Đông Bình A, xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Trình bày: Đạo Trưởng Minh Liên
Đánh máy vào PC: Đạo Sư Ngọc Tuyên