Qua nhiều thời kỳ biến cải, chân truyền không còn nguyên vẹn, con người làm sai lệch máy linh, chẳng thuận lẽ đạo, khiến cho việc tu hành không còn kết quả nữa. Chẳng những họ không có tô bồi, lại còn làm cho hao hụt - tu hành lại mất đạo, xa rời sự sống, đánh mất linh quang, thế nên nhân sinh đắm chìm trong bể khổ, họ không còn phương cách nào thoát ra, cứ mãi mê trong vòng tứ khổ: danh, lợi, tình, ràng buộc-đó chính là khổn tiên thằng-sợi dây buộc trói ông Tiên vị Phật của mình. Nhất là thời hạ ngươn mạt pháp, mỗi việc mỗi khổ cho nên chư Phật bảo rằng: cõi đời là bể khổ.
Nhờ hồng ân của Tạo Hóa bố ban, chân truyền được tái lập để cứu vớt linh căn thoát khổ trở về cựu vị. Chính đây là chìa khóa duy nhất mở cửa thiên đường, cũng là thang Đạo có một, pháp lại không hai, không dành riêng cho một ai, hay một tín ngưỡng nào, nhưng lại là của chung cho mọi người, cũng như bầu không khí tất cả sinh nhân được quyền thở vậy.
Ai có nhân duyên phúc đức mới ngộ chân truyền, pháp lành cứu cánh, giúp cho con người tô bồi thân tâm trọn vẹn. Người mang pháp đạo vô vi là Đức Ngô Minh Chiêu, giáo chủ Cao Đài của Cơ Đạo kỳ 3.
Vào thời hạ ngươn, nhân tâm bất nhất, chiến tranh tận diệt đưa nhân loại đến chỗ cùng khổ, do đó cần phải có phương tiện giải khổ ban vui cho đời, tạo dựng một thời kỳ tốt đẹp sau nầy, gồm những thánh thiện nhân hữu căn đa phúc.
Ngài khai đạo ban truyền chơn lý của Cơ Đạo kỳ 3 cứu vớt sinh linh biết đường lối tu hành phù hợp với thời đại mới. Ta hãy tìm đạo lý biểu tượng nơi Ngài.
Đức Ngô Minh Chiêu
- Ngô: ngô thân bất độ hà thân độ.
Cái thân này không độ còn độ cái thân nào nữa, đây là việc cần phải làm, đường lối chính yếu của người tu tâm pháp. Hãy trở về với cái ta để tìm đạo, học đạo, hành đạo và đắc đạo của giai đoạn tự độ tự giác, làm chủ cái ta. Từ phàm nên thánh, chúng sanh thành Phật, biến cái giả ngã phàm phu thành chơn ngã quang minh. Đây là cả một cuộc trường kỳ kháng chiến không mệt mỏi để thắng giặc vô minh nơi lòng, chuyển hóa mọi hắc ám khổ đau trở thành an vui phúc huệ, thật trọng đại vô cùng!
- Minh: Đã được chỉ rõ gồm có Nhật nguyệt kết hợp lại cũng là âm dương giao hòa. Càn khôn hiệp nhất, làm cho máy thiên chuyển động. Điều này thật khó khăn, nhân sinh khó mong thực hiện được để nối liền âm dương không còn riêng rẽ cách xa. Cũng chính là nhịp cầu thông hiệp nối liền hữu vô, nước lửa, tinh thần nơi ta. Khi có được cái chìa khóa duy nhất kết âm dương, hiệp đặng đạo, máy linh chuyển động là làm nên việc cả.
- Chiêu: là gom góp hồi hướng, tích lũy, cũng là đường hướng tu hành, không được phóng ngoại bông lung, làm tiêu mất bảo vật. Đây là công việc đầu tư thiết thực về kinh tế bản thân, sức khỏe và tinh thần của con người.
Tự mình làm, tự mình hưởng, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng là lẽ đương nhiên.
Người tu khi thọ nhận chân truyền phải ra công nỗ lực, hạ thủ công phu, gầy dựng tích lũy, quý bửu của chính mình: Tinh khí thần không còn hao hụt, nhờ kết âm dương chuyển pháp luân để quy hồi trở thành ngôi Tam Bảo, Phật thân hiển lộ, vóc sáng tròn đầy. Khi thực hiện công phu gom góp, chiêu mộ những hạt cát vàng rãi rác trong châu thân hình thành “Kim thân bất hoại” nên Ngài có pháp danh Minh Chiếu.
Tự chiếu tự minh cho chính mình, không còn vay mượn nơi ngoại lực tha nhân, có đèn ắt sáng, sáng là thiên đường, nhà tâm rạng rỡ với ngọn đèn trời. Vô bồng tháp có Xá lợi viên minh chói chan rạng rỡ. Tự soi sáng cho chính mình, một cá thể chưa đủ, cần phải soi sáng cho mọi người mới thực dụng của giai đoạn giác tha, độ tha.
Cuộc hoằng dương chánh pháp cứu độ kỳ 3 để chiếu minh thiên hạ đem an vui đến cho đời mới hoàn thành sứ mạng.
A. Phái Chiếu Minh Thành Hình.
- Chiếu: ứng dụng một cách vi diệu sáng suốt để chuyển pháp luân đúng theo đường lối vô vi, có hoằng pháp cũng như không có hoằng pháp, có độ đời như không có độ đời, nhưng lại độ đời hơn bao giờ hết, chuyển hóa nguy thành an, bỉ thành thới, loạn thành trị, mê thành giác, chúng sanh thành phật, tôn giáo trở về với Đại Đạo, tam giáo quy nguyên, Phật thánh tiên hợp nhất, đem đến cõi đời an lạc sau này.
Gồm những thánh thiện nhơn hữu căn đa phúc.
Muốn được như thế mọi sinh nhân phải thực hiện trau sửa cho phù hợp với thời đại mới, về cả thân và tâm, sức khỏe và tinh thần mới sống vui và sống khỏe, tận hưởng những gì tạo hóa đã ban cho họ trên thế gian này.
Đây là con đường sáng dẫn đến chân hạnh phúc, con người cần phải có một thân thể khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt mới thực hiện đời sống an vui.
Với đường lối cứu khổ ban vui của cơ Đạo Kỳ 3 phổ hóa tận độ, chân truyền không còn che giấu bí mật nữa, cần phải được truyền bá rộng rãi cho nhân sinh tiếp nhận để tu thân. Họ tự tu, tự độ, tự ngộ, tự tri, tự thành phật đạo để tự giải thoát lấy.
Phát khỏi nguồn sáng, triển khai đạo pháp cho nhân sinh tiếp nhận chân truyền, các vị hướng dẫn, Giáo Sư tâm pháp phải có tình thương bao rộng, như không gian bao trùm tinh tú, như đại dương chứa chỗ năm châu và ứng dụng vi diệu - dạy người mà người không biết, dẫn dắt họ vào đường lối tu thân mà họ không hay, mới đảm đương việc truyền pháp được.
Như vậy chân truyền pháp đạo chỉ có một, tâm ấn bất di, không sai không khác, sinh nhân hữu phước duyên thọ nhận chân truyền phải hết tâm cung kỉnh hành trau. Vì đây là đường lối duy nhất tạo tác ánh sáng, khởi sanh trí huệ, phục hưng kinh tế bản thân sức khỏe và tinh thần. Thật là một bảo vật vô giá!
Muốn tiếp nhận chân truyền, sinh nhân phải hội đủ điều kiện, phương tiện sẵn có để bắt tay vào việc hành trau. Chơn truyền có 3 cấp, tuy một mà 3, tuy ba mà một, tùy theo khả năng căn duyên của từng người để chọn lựa mức độ hành trau. Thấp hoặc cao rồi dần dần thăng tiến lên nữa.
1. Bồi dưỡng cấp 1.
Người thực hiện phương pháp bồi dưỡng cấp 1 phải hội đủ điều kiện:
- Dùng đạm thực vật 10 ngày trong một tháng.
- Được sinh hoạt vợ chồng.
2. Bồi dưỡng cấp 2.
Người thực hiện phương pháp bồi dưỡng cấp 2 phải hội đủ điều kiện:
- Dùng thường xuyên toàn thức ăn đạm thực vật.
- Được sinh hoạt vợ chồng.
3. Bồi dưỡng cấp 3.
Người thực hiện phương pháp bồi dưỡng cấp 3 phải hội đủ điều kiện:
- Dùng thường xuyên thức ăn đạm thực vật.
- Không được sinh hoạt vợ chồng, “nhiên liệu” này được dùng trong việc đầu tư trí huệ, tạo tác ánh sáng đi đến chỗ viên thuần.
Con người ai cũng vậy, gồm có một “thân xác” và một cái trí theo quan điểm Đông Phương, đó là một bộ máy gồm “nhị thể” là “xác” và “hồn” ta phải biết hữu dụng nó vào mục đích cao cả đầu tư vào phát triển bản thân “sức khỏe và tinh thần” mới có lợi, bằng không ngày tháng trôi mau thân thể tiêu hao, tinh thần kiệt quệ sẽ mất tất cả, kho báu linh chẳng còn do mình vô minh phá hoại.
Thân ta gồm Ngũ quan và tay chân nguyên vẹn, đầy đủ yếu tố vận hành là một bộ máy hoàn hão. Một số người không may mắn bị thiếu sót một vài bộ phận như mắt kém, mũi hư, tai điếc, cụt tay hoặc cụt chân hay mang tật nguyền từ nhỏ quyết chí hành trau vẫn có kết quả nhất định, tuy không hoàn mỹ lắm nhưng có còn hơn không.
Vì vậy ta phải nương vào phương tiện sẵn có nơi mình để khởi động cái máy đang nằm yên một chỗ. Thêm vào đó nhiên liệu cung cấp rất cần thiết, tùy theo cấp bậc hành trau từ thấp đến cao, đạm thực vật nhẹ nhàng tinh ba “máy” chạy điều hòa mau, máy tốt cần có nhiên liệu thật tốt là lẽ đương nhiên.
Vì vậy người thực hành sẽ đạt kết qủa theo yêu cầu ý nguyện của mình. Phần kế tiếp là “tinh thần” phải không điên loạn mới tiếp thu được sự chỉ dẫn, để thực hiện phương pháp “bồi dưỡng sức khỏe và tinh thần”.
Tất cả hai phương tiện trên mặc dù nó có tiêu hao và yếu chăng nữa sau khi thực hiện việc trau sửa sẽ được hồi phục trở lại, lâu hay mau là tùy theo sự gia công tu sửa và sự trì chí của mình ít hay nhiều.
B. Phương Tiện Phụ Trợ Thực Hành:
1- Một cái áo choàng màu trắng, tượng trưng cho sự thanh bạch gồm 4m vải nối với nhau thành hình vuông, ở ngay chính giữa xẻ chử thập (+) để choàng vào cổ, công dụng của cái áo choàng này là giữ hơi ấm, ngăn không cho gió xâm nhập vào khi hành công vận khí, mồ hôi tiết ra lỗ chân lông rất nhiều. Ngoài ra cái áo choàng này dễ cử động thoải mái, không cho ai bên ngoài thấy động tác trong khi thực hành cơ động tịnh.
2- Một tấm nệm nhỏ 5 tấc vuông để ngồi cho êm bàn tọa và giữ hơi ấm ở phía dưới hạ chi, khi vận hành khỏi bị trở ngại, người thực hành cũng cảm thấy dễ chịu hơn.
3- Một cây đèn nhỏ, khi thực hành ta vặn ngọn đèn hơi xuống, để cho vừa tầm mắt, chính là ta mượn đốm lửa này để “gom thần,” “quy hướng nội tâm” mượn giả hành chơn “chơn hoả” tạo ra hơi ấm đợm nhuần.
4- Một lư hương; khi hành công vận khí nên đốt lên một nén hương để cho mùi thơm phảng phất gom thần an trụ nơi đỉnh đầu, không còn phóng ngoại buông lung nữa.
5- Một đồng hồ để biết thời giờ khi vận hành khởi động “máy linh” phải đúng giờ ấn định, không được chểnh mảng giờ giấc, hoặc bỏ sót, bởi thời gian là thước đo kiên trì, chịu đựng để rèn tâm luyện trí, thân tâm quen dần, sau đó sẽ tự động đúng thời gian ấn định.
6- Một cái ghế: người hành trau tốt nhất nên ngồi trên ghế cho vững vàng, động tác thoải mái không đụng chạm vật xung quanh, như vậy tâm không bị chi phối, chân tay cử động lên xuống “ra vào” một cách nhịp nhàng đồng bộ với nhau.
Những phương tiện trên đây ít tốn kém, người thực hành có đủ để thực hiện đúng phương pháp bồi dưỡng sức khỏe và tinh thần mới đạt kết quả khả quan.
C. Thời Điểm Thực Hành:
Ta phải dành sẵn cho mình thời gian nghỉ ngơi trong một ngày và phải biết lợi dụng để bồi dưỡng lại cái hao hụt năng lượng do hoạt động gây ra, nhờ dưỡng khí nuôi các tế bào đầy đủ sức sống và thải trược chất ra ngoài.
Khi sức khỏe phục hồi, tinh thần thư thái, con người cảm thấy thoải mái mới đạt hiệu năng lao động cao.
Thời gian ấn định tập luyện tùy theo cấp đạo: trong khoảng
- Sáng từ: 4 giờ đến 6 giờ
- Trưa từ: 11 giờ đến 13 giờ
- Chiều từ: 17 giờ đến 19 giờ
- Tối từ: 23 giờ đến 1 giờ
Đây là giờ nghỉ ngơi nên mọi người thực hành phương pháp bồi dưỡng sức khỏe không gặp trở ngại cho công việc làm hằng ngày. Với quyết tâm cao để phục vụ lợi ích cho bản thân về sức khỏe và tinh thần, ta cần phải cố tâm thực hành, mới ban đầu phải giữ cho đúng giờ ấn định, qua một thời gian trở thành thói quen tự động tới giờ ta biết thực hành một cách mau lẹ đúng đắn. Thực ra lúc đó “máy linh” của ta khởi động, ta phải hành công để đáp ứng sự đòi hỏi bồi dưỡng nhiên liệu dưỡng khí, là thức ăn chính yếu cũng giống như con trẻ khát sữa đòi ăn. Vì vậy người thực hành cung cấp đầy đủ được sự thoải mái và sảng khoái. Khi có một vài trường hợp bỏ sót, ta cảm thấy bứt rứt khó chịu vô cùng.
Thời gian lâu hay mau tùy theo cấp bậc cao hay thấp của người thực hành.
D. Động Tác Thực Hành:
Vào đúng thời điểm ấn định trong ngày, ta phải mang áo choàng thực hành trau luyện, phải ngồi thẳng người trên ghế có nệm và tâm giữ thanh tịnh đoạn khởi sự ráp nối các bộ phận cho ăn khớp với nhau, đúng vị trí không sai lệch, từ chân tay đến đầu, dưới lên trên, nghịch chuyển về nguồn.
1- Động tác chân:
Chân phải thuộc âm ta kéo vào cách bụng 5 phân, chân trái thuộc dương đặt trên chân phải ở vùng mắt cá đúng vị trí khu cảm giác kích thích bộ phận sinh dục theo hình chử W. Động tác ở chân theo theo phương pháp bồi dưỡng này có tác dụng “phục tinh”. Động tác phục tinh khác hẳn các động tác nhơn dục làm hao tinh, rơi rớt ra ngoài. Khi tinh bị hao hụt chỉ cần hành công tinh lực phục hồi. Đây là động tác ở hạ chi để luyện tinh.
2- Động tác ở tay:
Kế tiếp đến hai tay, bàn tay trái (thuộc dương) ngón cái ấn vào phía dưới cùng của ngón áp út làm thành hình vòng tròn. Đoạn ngón cái của bàn tay phải để vào vòng tròn đó như một trụ cốt có thể xoay được, những ngón của bàn tay phải nắm gọn những ngón của bàn tay trái còn lại.
Thực hiện “giao hòa ngũ khí” hiệp nhất âm dương gọi là “kiết quả”. Đoạn các gu của bàn tay trái để vào chấn thủy giữ cố định, không được áp sát cũng không được đưa ra ngoài, xong rồi nhịp động tác đôi tay “ra vô” để luyện khí, ngũ khí ra vào xuất nhập đồng bộ, hấp hô đúng cách khác hẳn với cái thở bằng miệng mũi bình thường.
Đường hơi từ dưới rún rút lên “hấp” từ dưới bao tử đưa lên cuống họng âm vang nghe “rè rè” như tiếng ngáy, hô nuốt hơi tưởng như xuống bao tử sao cho tròn vòng đều đặn, hết hơi này đến hơi khác một cách thong thả trong thời gian động tác. Với khoa học ngày nay có thể áp dụng cho việc dạy này, nhờ máy ghi tiếng thấy hình cùng một lúc, khi thực hành đạt “đường hơi hấp hô” kết quả. Chính đó là cái chìa khóa nối liền tinh thần, chiếc cầu thông hiệp “kết âm dương” tóm thâu về một mối.
Đây còn là “thức ăn” chủ yếu bồi dưỡng sức khỏe và tinh thần. Dưỡng khí phải được huân chưng hâm nóng đúng cách để cung cấp mới tiêu hóa dễ dàng, không nên hấp tấp vội vàng hơi chưa nóng như cơm chưa chín ăn vào sẽ no hơi sình bụng không tiêu.
3. Đầu:
Đến phần trên mặt người thực hành ngậm miệng lại, lưỡi hơi cong lên trên vòm họng, cắn chặt hai hàm răng lại, lần lượt đến hai mắt không được mở rộng, cũng không được nhắm lại, khép mắt nửa hở nửa kín, hơi sụp rèm, tưởng ngọn “đèn” xuống phái dưới rốn rồi đem ánh sáng soi rọi bên trong.
Giờ đây tất cả mấu chốt của “cái máy” đã được ráp nối đúng nơi đúng chỗ, bắt đầu khởi động hai chân nhịp đều lên xuống, kích thích khu cảm giác tạo tác sinh tinh, tinh lực dồi dào, sức sống gia tăng, chất nước lạnh lẽo trước kia, do tà tinh giao cảm, nay đã được huân chưng ấm áp, trong nước có sức nóng (thủy hỏa ký tế).
Người ốm yếu trước đây vì mê muội phung phí của báu, nay đến lúc kiệt tinh, lão nhược, nhờ phương pháp bồi dưỡng này luyện tập phục hồi trở lại sức khỏe tiến tăng “phản lão hoàn đồng” dương tinh phát khởi, nguồn sống hồi sinh. Một điều đáng chú ý là nhịp động của người lớn tuổi phải phù hợp với sức lực của mình, không được thái quá hoặc bất cập, có như thế mới cảm thấy sảng khoái, thoải mái được.
Còn trẻ còn nhiên liệu nhiều hơn, cần phải có động tác mạnh, đúng độ nóng nước bốc hơi bay lên, tự động biến hóa khinh thanh thượng đỉnh nghịch chuyển về nguồn. Chính “nhịp động” hạ chi đều hòa tinh này, thiếu thì được phục hồi, dư tự biến hóa, không hao chẳng hụt tràn đầy nhựa sống khiến con người cảm thấy lâng lâng hưng phấn, yêu đời hơn.
Hai tay ở vị trí ấn định, động tác ra vô, hấp hô đúng cách, xuất nhập đồng bộ với nhau. Ngũ khí giao hoà lưu thông khắp châu thân đến các bộ phận nuôi dưỡng các tế bào, kinh mạch khai mở không còn bế tắc ngăn trệ nữa. Chính nhờ khí lực dồi dào, sức khỏe hàm dưỡng trong người làm cho các bộ phận trong châu thân hoạt động mạnh mẽ, khỏe khoắn chịu đựng dẻo dai. Nhờ có sự cung cấp đầy đủ dưỡng khí, máu đỏ gia tăng, sắc mặt hồng hào, da thịt tươi mát. Đối với não bộ, khí về óc sinh minh, khởi sinh trí tuệ, người thực hành không còn bị bứt rứt, nhức đầu vì thiếu dưỡng khí.
Đến bộ phận đầu não, trung tâm điều khiển mọi hoạt động trong châu thân, hành công “gom thần” rất quan trọng không thể thờ ơ hoặc chểnh mảng, bởi đây là sự việc chủ yếu để thắp sáng ngọn đèn tinh thần của ta. Người thực hành phải khéo léo và cẩn thận giống như người đốt đèn “ai da” khi bơm dầu đúng mức qui định rồi, ta hãy nhẹ tay mở khóa để hơi dầu bay lên gặp lửa đốt đỏ “măng-sông” không còn đen nữa, chừng đó ngọn đèn bừng sáng. Trong đầu ta cũng vậy, phải giữ cho an tịnh, không có một niệm đen tối, các giác quan hướng nội, soi rọi vào trong để “gom thần” tạo lửa điện, mắt nhìn vào trong, tai nghe vào trong, lưỡi nếm vào trong, bốn giác quan tiếp nhận dưỡng khí, thần khí giao hòa, âm dương hiệp hội, đèn lòng bừng sáng, thần quang tỏ rạng, trí lực dồi dào, huệ tâm phát, trực giác khai, cái sáng càng ngày càng được bồi tô thêm mãi phát huy đến cao độ, soi thông cả thảy, thấy rõ chân thật.
Trong phương pháp bồi dưỡng sức khỏe và tinh thần này vận hành các bộ phận phân ra ba giai đoạn “luyện tinh, luyện khí, luyện thần”, nhưng xảy ra cùng một lúc đúng bộ và đồng bộ không sớm cũng không muộn mới hữu dụng.
Trên đây là các động tác của các bộ phận thân thể giống như “cái máy” đang vận hành. Mỗi phần đều quan trọng không thể thiếu được, lên xuống đều hòa ăn khớp với nhau, nhiên liệu đầy đủ thì “máy chạy” thoải mái không trở ngại chi cả, sẽ khởi ra diệu dụng thật không ngờ.
4. Động tác xoa tán bụng:
Sau khi hành công động tác “phục tinh,” vận khí,” “gom thần” khoản 15 phút (hiệp 1) ta vẫn ở tư thế cũ rồi lấy tay phải ra đặt ở bụng dưới, phía bên trái, xoa theo chiều kim đồng hồ 36 vòng, lấy cái rún làm trung tâm, vòng cuối cùng ngưng ở phía dưới phía bên phải, từ đấy xoa ngược chiều kim đồng hồ 24 vòng, vòng cuối ngưng ở vị trí đầu tiên nơi bụng dưới bên trái.
5. Động tác xoa vuốt mặt.
Xong rồi đến động tác xoa vuốt mặt, cái mặt phân ra làm 3 phần: ngang miệng, ngang mũi, ngang mắt. Ta bắt đầu xoa từ dưới lên trên, hai bàn tay chà thật nóng, vuốt 2 bên miệng 6 cái, sau đó chà thật nóng lại áp hai bên mũi vuốt hai bên 6 cái, sau cùng chà thật nóng áp vào mắt vuốt hai bên trán 6 cái, xong để chân trái gác lên chân phải, tay trái trên tay phải nghỉ 2 phút.
E. Giai Đoạn An Tịnh Để Trưởng Dưỡng Tinh Thần
Giai đoạn này gồm 3 cấp tư thế:
Ta nằm nghiêng về phía tay phải, chân trái cong lên, để trên chân phải ngay vùng mắt cá, ngón tay cái trái ấn ấn vào ngón tay út, áp vào bàn tay phải, đoạn áp sát vào vành tai bên phải, mắt lim dim hướng về ánh đèn để gom thần 5 phút (cấp 1)
Động tác 2 hiệp tán bụng và mặt, an tịnh trưởng dưỡng tinh thần 10 phút là hoàn tất thời gian trau luyện của phương pháp bồi dưỡng cấp 2.
Đối với cấp 3 thời gian trau luyện lâu hơn sẽ do Giáo sư tâm pháp hướng dẫn sau.
************
Người thực hành phương pháp bồi dưỡng sức khỏe và tinh thần, trải qua một thời gian trau luyện sẽ thấy rõ sự thay đổi nơi mình, từ thể xác đến tinh thần, khác hẳn trước kia. Với lối sống cũ, các năng lực ở bên trong cơ thể một kho tàng báu vật, chưa biết tận dụng đúng mức, nay phải nhờ đến và thực hiện việc “đầu tư” thêm năng lực bản thân để sức khỏe và tinh thần gia tăng.
Ở vào giai đoạn đầu, trau luyện pháp động tác còn vụng về ngượng nghịu, tay chân không ở vị trí ấn định, ít ăn khớp với nhau, rời ra tuột xuống, quên cái này lại nhớ cái kia, không đồng nhất. Người thực hành phải hết sức kiên trì chịu đựng vất vả và để khắc phục những nhược điểm trên, cơ thể bị bãi hoải, đau nhức từng thớ thịt, gân cốt rêm hết. Họ cảm thấy dường như chịu đựng không nổi. Vạn sự khởi đầu nan, thật lắm công phu, nhiều gian khổ, nhưng vẫn phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn của giai đoạn ban đầu. Rồi một thời gian trôi qua ta thực hành chu đáo, đúng theo phương pháp chỉ dẫn, tự ta thấy rõ sự thăng tiến, cơ thể quen dần, chân tay mềm mại, gân cốt dẻo dai không còn cứng đơ như trước nữa, các bộ phận chân và tay ráp nối đúng vị trí ăn khớp với nhau, động tác nhuần nhuyễn lên xuống, ra vô đúng độ và đồng bộ, vận chuyển đều hòa, khỏi cần quan tâm để ý tới nữa, tự động vận hành giống như các bộ phận của chiếc máy đang hoạt động trơn tru.
Các động tác bên ngoài tuy khó nhưng dễ học, nhìn thấy ta có thể tập dợt một thời gian sẽ trở nên thuần thục, không còn là điều khó khăn nữa. Bởi “hữu vi hữu tác” dễ thấy dễ biết nên dễ thực hiện. Nhưng có một vấn đề tối ư quan trọng là đường hấp hô, hơi thở này thuộc vô vi, vô ảnh không thể sờ mó, chẳng có nơi sách vở, nhờ đến chỉ dẫn của thầy mới thông suốt.
Lúc đầu ta cảm thấy khó khăn không thể thực hành đường hơi như thế nào cho đúng, không tìm ra mối, hơi thở chưa thông, tức ngực, ngặt mình, khô cổ họng. Nhưng với sự kiên trì luyện tập bền tâm thực hành đúng y như phương pháp khí huyết sẽ lưu thông kinh mạch khai mở, đường hơi không còn bế tắc như trước nữa, ta có thể thực hiện một cách dễ dàng và cảm thấy thoải mái, mỗi thời tập luyện đều gặt hái kết quả khả quan. Đây chính là kinh nghiệm quý báu với biết bao công trình gian khổ tập luyện nghiên cứu mới đúc kết nên. Người thực hành lâu, mỗi khi tập luyện rất thích thú và sảng khoái lạ thường. Một đôi khi đến giờ hành công vận khí không thể thực hiện được, họ cảm thấy dường như thiếu sót một cái gì, trong người bứt rứt, bực bội, ngặt mình uể oải. Thật ra ngay từ thời điểm này, mỗi tế bào trong châu thân cần một lượng dưỡng khí nhất định, do thiếu lại không cung cấp kịp thời nên mới có tình trạng trên. Qua một thời gian tập luyện chu đáo, siêng năng bồi dưỡng cơ thể thay đổi tinh lực dồi dào, khí lực mạnh mẽ, sức khỏe gia tăng, lên cân, da thịt hồng hào, mịn màng tươi mát, trong người tràn đầy nhựa sông ta cảm thấy hoan lạc yêu đời.
Thể xác thay đổi tốt đẹp, tinh thần từ đó cũng thay đổi.
Tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng.
Do “bảo tinh” đúng phương pháp ta biến nhiên liệu này, thăng thượng thành ánh sáng, thần tinh giao hòa, phát huy tỏ rạng. Ngọn đèn tinh thần soi tỏ nhà tâm, cải tạo giáo hóa một Xã Hội băng hoại nơi lòng thành ra thiện lương trong lành, với hết ác tâm, từ tâm chất chứa, chuyển mê thành giác, lòng trong tánh sáng, thần quang rực rỡ, không còn mờ lu u tối nữa. Tinh thần vững mạnh, thần lực sung thiệm, ta cảm thấy an nhiên điềm đạm, vui vẻ lạ thường không còn bứt rứt, bực bội não phiền nơi tâm, có thể coi đây là liều thuốc “giải sầu” đem đến cõi lòng hưng phấn yêu đời. Tinh thần cởi mở thể hiện tình thương yêu mọi người một cách chân thật. Đèn tinh thần minh chiếu đạt tới thật trí của trí tuệ, thấy biết tất cả và có tất cả. Đây là sự sống và sự sáng nơi ta, ta sẵn có trí tuệ ứng dụng bất cứ lúc nào, khi ta cần đến, thể dụng tương đồng, ngoài trong như nhất, có đèn ắt sáng, không đèn ắt tối, sáng là an vui, tối là đau khổ.
Có được như vậy là nhờ ngọn đèn tinh thần của ta bừng sáng, phát huy đến cao độ và được bồi dưỡng đúng mức, chiếu minh cho mình và cho mọi người. Tự hành tự đạt, gieo nhân đến hồi gặt quả, tự ta ra công chuyển động chiếc máy, tạo tác trí tuệ, giúp ích cho nhân loại.
Con đường sáng dẫn mọi người đến hạnh phúc chân thật, thành quả này tưởng thưởng cho những ai hữu phúc, gắng công thực hiện, tự trau sữa mình thành “con người tân tiến, trí tuệ” của thời đại bước vào kỷ nguyên mới gồm cả văn minh vật chất và tinh thần.
Muốn có được thành quả như trên, người thực hành phải nhất tâm tin tưởng và hành đúng phương pháp đã chỉ dẫn, nhất là không canh cải, hành sai trái nguyên tắc sẽ gây trở ngại. Lợi ích của phương pháp là bồi dưỡng sức khỏe và tinh thần rất thiết thực cho con người. Nhất là hiện nay, môi trường bị ô nhiễm nặng, gây nên nhiều bệnh tật mà các loại thuốc chữa trị còn hạn chế. Phương pháp bồi dưỡng này còn góp phần giải trừ độc chất do thức ăn uống trong cơ thể chúng ta, làm cơ thể thích ứng với môi trường sống, tạo ra sức đề kháng, chống lại bệnh tật, nhờ có sức khỏe dồi dào, chịu đựng dẻo dai làm việc với năng suất lao động cao. Người làm việc nặng nhọc chỉ cần vận hành trong một thời gian nhất định sức khỏe hồi phục lại ngay, các nhà doanh thương chính trị, kinh tế gia, trước hằng khối công việc, bận tâm rối trí, nhờ có phương pháp bồi dưỡng này họ giải quyết mọi vấn đề một cách lẹ làng sáng suốt hữu hiệu.
Với các bậc cha mẹ trẻ thực hành phương pháp bồi dưỡng (cấp I và II) sức khỏe dồi dào hơn, tinh thần minh mẫn, tâm trí bao rộng, sẽ tạo ra những người con ưu tú đầy thông minh, tiếp thu mọi sáng kiến mới dễ dàng phù hợp với trào lưu tiến bộ khoa học.
Con người tân tiến đầy đủ trí tuệ mới xây dựng xã hội tốt đẹp sau này.