Di Đà Diệu Pháp 

   CHƯƠNG I
       LỜI KINH DẪN NHẬP

       Con người là một bảo vật vô giá được tạo hóa ban cho cũng là “vườn nho” của Chúa, “vườn đào” của Tiên, “vạn bửu nang” của Phật.
      - Cái vũ trụ thu hẹp này chứa đựng đầy đủ cũng giống như “đại vũ trụ” thế gian bên ngoài. Gồm cả hữu vô “trong một vóc”-“xác” và “hồn” nương nhau để sinh hoạt và tiến hóa. Bảo vật này thuộc quyền sử dụng của riêng từng người để tự họ giải quyết lấy trong cuộc đầu tư lớn nhất của đời người
      - Nếu “giác ngộ” họ tạo đủ điều kiện để “giải khổ thoát trần”.
      - Bằng “mê ngộ” ắt họ phải bị đọa lạc chốn mê tân.
       Thượng đế cho con người tự do từ tư tưởng đến hành động, rồi nhân đó lãnh lấy kết quả thành công hay thất bại.
       Chính vì vậy mỗi người phải định rõ mục đích cho cuộc đời của mình, để rồi đến khi lâm chung trút hơi thở cuối cùng họ khỏi phải ân hận hoặc hối tiếc chi cả.
       Người ta được sinh ra và lớn lên theo thời gian, trưởng thành cả thể xác lẫn tinh thần, dần dần đến ngày chết-Một đời người diễn ra trên cõi trần hoàn này, ngắn, dài, mau, lâu, không một ai định trước hoặc ước đoán được. Bởi vì hơi thở ra không hẹn thở vào, ở thời điểm nào cũng có thể đứt hơi lìa mạng, xác rã hồn tan đâu có lâu bền vững chắc. Thường người ta quan niệm một chu kỳ 60 năm cho một đời người:
      - Từ 1 tuổi đến 20 tuổi: thời kỳ phát triển, trưởng thành-thượng ngươn.
      - Từ 20 tuổi đến 40 tuổi: thể chất đầy đủ, trụ, trung ngươn.
      - Từ 40 tuổi đến 60 tuổi: Xuống dốc, “tinh khí thần” kiệt quệ-hoại, hạ ngươn.
       Rồi một ngày nào đó hết thở, “long hoa tận thế” đến với mình để hoàn không, theo lẽ “thành, trụ, hoại, không”, xong một kiếp người trên cõi đời này. Cái vòng lẫn quẫn ấy không một ai tránh khỏi cả!
       Vì thế khi còn thở là còn sự sống, ta phải biết vận dụng cái gì mình đang có, vốn liếng lãnh của “đất trời”, cố lo cho đời sống chân thật. nương vào đó để làm phương tiện tu-tiến giúp ta giải khổ thoát trần ngay trong kiếp vi-nhân này.
       “Tu nhất kiếp, ngộ nhất thời.”
       Hễ nhân sinh sống theo phàm, nương theo trần cảnh phải chịu ảnh hưởng của nhân dục, thất tình buộc ràng, lục dục vấn vương, triền phược bủa vây. Là “khổn tiên thằng” cột trói ông Tiên, vị Phật của mình. Họ để vật chất phủ lấp tâm linh, con thú làm chủ mình, quỷ ma che khuất Phật. Họ sống trong vô minh ngục tù u tối, cũng vì muội mê đi theo “con đường đau khổ”.
       Người giác ngộ lại khác, hiệp giác bội trần, hồi đầu hướng thượng, nhờ hiểu được lẽ sống chết của tinh thần, xuống dốc của chơn thân, trước muội mê, sau giác ngộ. Tự mình tìm phương cách cứu chữa, hướng theo “con đường giải thoát” nên họ kịp thời chận đứng hành động tự sát bất giác vô minh ấy.
       Họ không phung phí tiêu xài, hủy hoại gia sản của mình nữa, nhưng lại cố lo giữ gìn, bảo vệ báu vật và biết sử dụng chúng nó vào mục đích tô bồi chân thân, phục hoàn thánh thể làm cho khang kiện đủ đầy, từ mê đến giác, phàm nên Thánh, chúng sanh thành Phật.
       Việc làm này là “tu thân chân chính”.
       Chữ “tu” tuy chỉ có một song có nhiều cách quan niệm khác nhau, bởi vì nhân sinh có nhiều duyên, tùy theo trình độ tiến hóa, nên tự họ lựa chọn lấy đường lối để tu thân. Chính hành động phô lộ ra ta có thể đo lường căn tánh của họ, tức cường độ của sức giác ngộ, sự sáng ở vào chừng mức nào!
       Nếu họ thích trống kèn, nhạc lễ, phù hợp với sắc tướng âm thinh, họ theo nhạc trống rình rang, lễ nghi trang trọng của các tôn giáo để chiêu dụ họ; có kẻ lại thích phú thi kinh kệ, họ nương vào thi vịnh ngâm nga ê a hòa theo đó.
       Còn người nào muốn tìm hiểu triết lý nhiệm mầu, cao sâu Pháp đạo dẫn vào con đường giải thoát, họ tự lặng lẽ cách xa chỗ phồn hoa ca hát trống kèn nhạc lễ, để tìm ra chơn lý, thấy được chỗ mật nhiệm ẩn vi nhờ tri nên hiểu, rồi họ cố lo tu. Đây là hạng người chân tu, nên việc hành trau của họ rất chín chắn, suốt đời không thay đổi, bởi vì họ hiểu biết thật sự mới bước vào đường tu. “Tri hành” đúng lẽ khác hẳn với những người tu mê hành muội hay bị đời hất hủi, xua đuổi thất vọng nặng nề, nên mới tìm về nẻo đạo. Họ coi việc tu hành như chiếu bông, gối dựa, nương tựa một thời gian cho đến khi nào thuận cảnh, họ lại theo đời ra thế nữa.
       Vì vậy nhân sinh ở “vạn duyên hành theo vạn pháp” nên họ bị lạc lỏng chơi vơi nơi rừng u minh đầy chúng sanh tánh. Trong khi đó, trước mặt có trăm đường vạn lối chằng chịt khiến họ chóa mắt phân vân, không biết được nẻo tà đường chánh để tu hành giải thoát. Độc hại hơn nữa lại có các “minh sư triệt giáo”, “đạo sĩ bàng môn” tự xưng Phật Tiên xuất thế, khoe khoang nào tài hay, phép lạ, mầu nhiệm linh thiêng, rủ ren chỉ biểu dẫn dụ họ vào ngõ dị đoan mê tín. Chính đây là trường hợp vấp phải của hạng người tìm đạo ngoài lòng, ham thích huyền diệu, nên họ bị sụp hố sa hầm, rớt nhằm bàng môn rơi nơi tả đạo.
       Họ nương theo hữu tướng, hướng theo hữu vi, chấp sự bỏ lý, bám vào lớp vỏ cho đó là thật. Họ ôm ấp cái hữu tướng bên ngoài, lại bỏ mất cái đạo tánh bên trong, “Lục tổ Huệ Năng” đã hằng chỉ rõ “Tìm đạo ngoài lòng” khác nào như cầu “lông rùa sừng thỏ” không bao giờ có!
       Họ ứng dụng theo Phàm làm mất Thánh, đua đòi theo pháp tướng của thế gian ở vạn thù sai biệt. Lại mất đi pháp tánh “nguyên bản hằng thường” nên chẳng tri tường “duy nhất pháp”.
Chính các “văn sĩ giả hình”, “biện sĩ du phương” cố phô trương giáo lý, dụng tướng thuyết mê hoặc để thu hút thêm nhiều đệ tử đi vào ngõ ngoại đạo giáo tôn, rồi khép khuôn họ trong giáo điều, giáo luật, theo ức đoán này, bởi định kiến kia, do tư tưởng nọ, khiến cho sự thấy, biết của họ trở nên hạn hẹp, sai lạc khác nào họ quan sát không gian qua một khe hở, chỉ thấy một khía cạnh, một cục diện của vấn đề, chẳng rõ được toàn chu nguyên thể. Vì thế họ không biết đạo tức là cái “vô cùng vô tận.” Họ cố tìm kiếm trên không gian một bóng mờ viễn tượng, tất cả việc làm đó là ảo tưởng hoài mong, không bao giờ có thật: Họ tìm Phật, nhưng lại mất Phật, xa lìa Ngài, lại cận kề với ma quỷ.
       Họ hành đạo theo đời là còn đời, xa hẳn cõi trời, gắng liền với đất, bị vật chất đậy lấp tâm linh không còn sáng suốt, trở thành kẻ mù đui, câm điếc, mang lấy nan y bệnh tật, cần phải nhờ đến diệu dược của “y vương Phật” để giải trừ, còn ngoài ra vô phương cứu chữa.
       Con đường họ đi khác nào vào hang sâu tăm tối, ngõ cụt, đường cùng, không một lối thoát, chính là “Tử lộ”. Cái chết đang chờ đón, khiến họ hoang mang tuyệt vọng, không còn tin tưởng vào khả năng sẵn có nơi mình, chỉ mong chờ ngoại lực tha nhân đến cứu độ. Họ cầu nguyện nơi hình cây, tượng đá, van xin ơn trên cảm thương đoái tưởng đến số phận hẩm hiu của họ rồi ban cho phước lành đúng theo điều mong ước. Họ tin tưởng tuyệt đối vào sự cầu nguyện, cùng tập hợp với nhau, đem hết tinh thần, dụng toàn ý chí, cố gây nên một nguyện lực mạnh mẽ, thấu tận hư không, đến “Đấng vô hình “ thương tình chứng minh cho lời nguyện.
       Ngoài ra họ lại dùng “Pháp tụng”, “Pháp niệm”, đọc kinh vang rền, ê.a... trầm bổng rất êm tai, lải nhải như trẻ nít học bài, cốt sao mau thâu thập nhiều kinh điển. Họ lấy làm tự hào với số vốn “đạo lời” ấy, cho rằng mình lãu thông sách kinh hiền truyện. Hơn nữa với phương pháp này họ coi là chánh chơn, chủ yếu cho việc tu thân, nên việc trì kinh tụng niệm được họ thực thi một cách triệt để. Họ mượn lời kinh tiếng kệ để chế ngự cái tâm, gò bó cái trí, không cho nó phát huy, có như thế dễ sai khiến điều khiển, nhưng thực ra trái với lòng mong vọng ấy vì tâm phan duyên leo chuyền tứ tung, thần thông vô kể, họ không thể kềm giữ được.
       Họ còn lầm tưởng tụng nhiều, niệm nhiều sẽ được ơn trên chứng giám, gia ban phước đức và hữu công với đạo.
       Ngoài ra họ còn tôn sùng kinh sách như “phép mầu” có thể giải tội, cải hối lòng phàm, tiêu trừ tánh tục, giúp đỡ người sống, siêu độ kẻ chết. Bởi vì hiểu như thế nên họ cổ động hô hào thuê bao nhiều người khác tụng niệm để hổ trợ cho thân nhân tai qua nạn khỏi, nhưng chắc chắn chẳng có hiệu quả chi cả!
       Họ tụng niệm theo lòng phàm, nguyện cầu theo tánh tục, đúc tượng xây đền, lo lót ơn trên chứng minh cho lòng thành, khẩn nguyện với đầy đủ tế phẩm: hương đăng, hoa quả; có khi mù quáng đến nỗi họ hiến cả xác thân cúng dường cho Tam bảo. Nhất là thích quỳ lụy bên những vị mà họ tôn sùng coi như “hoạt Tiên, Phật sống” cố mong cầu phước đức ban bố ơn lành, xóa tan tội lỗi, cải hối lòng phàm thành ra tinh anh thánh thiện. Họ tưởng sai nên hành trật, dù ngay cả “Phật Tiên” hiện ra trước mắt cũng không giải khổ cứu độ cho ta được đâu, bởi vì chính ta là người đã gây ra não phiền điên đảo nên chỉ có ta là vị cứu tinh với đầy đủ khả năng ban vui cứu khổ cho ta đấy thôi!
       Họ muốn về trời hưởng “Niết bàn cực lạc” trong cõi vô hình, nhưng lại bám đất lìa trời theo đời làm người trần tục, nên mất tất cả, suốt đời họ mang tiếng “tu hành” nhưng chẳng đem lại một thành quả nào cho việc “tu thân chân chính”, nhất là kinh sách của các vị Giáo chủ lưu truyền cho hậu thế, nhân sinh lại chấp lời theo sự, tưởng rằng đời sống ấy có thật xảy ra nơi cõi trần hoàn này, nên họ cố học từng lời, hành từng sự, in khuôn đúng rập, giống hệt như Giáo chủ của mình. Họ mong đem cái gian trá giả dối để hòa đồng với mẫu mực tinh anh, nhưng điều hy vọng đó bất thành. Bởi vì các Ngài dùng thần ngữ diễn tả đời sống tinh thần thuộc tâm linh nội giới trong vô vi mật nhiệm, khác hẳn với đời sống phàm phu “giả và tạm”. Hơn nữa không gian và thời gian khác biệt nên họ không thể nào sống giống như thế được, hữu thể thế trần có hạn, có lượng. Còn đối với đạo pháp vô vi vô cùng vô tận, lúc nào cũng chân và thật “vạn cổ bất dịch”, họ lầm lạc sai thất, tự làm mất đạo vì lòng mê tánh muội, họ cứ miệt mài theo sự “cầu nguyện giả hình”, từ tốp mê tín này rủ ren tốp mê tín khác dẫn vào ngõ u tối. Họ dụng trống kèn nhạc lễ, sắc tướng âm thinh mong cầu thấy Như Lai, Cao Đài, nhan Chúa, do đó họ không bao giờ nhìn thấy, bởi nhãn giới của thế tục, thấy biết của chúng sanh bị màn vô minh che kín, có mắt cũng như không, có tai như chẳng có, nên không thể nào thấu rõ lý đạo ẩn tàng trong ngôn thuyết hoặc hình tướng biểu tượng của Đạo. Chính vì vậy sự thờ phượng của họ trở nên mê tín dị đoan. Họ tụng kinh như két biết nói tiếng của người, nhưng không làm được việc người, phát ra lời Phật nhưng chẳng hành theo ý Phật, lời nằm lòng nhưng ý chẳng thông, lầm giả tưởng chân, họ chấp vào văn ngôn giáo lý cho rằng “chân kinh” nhưng thật sự nó là “giả kinh hữu tự” còn lý nhiệm ẩn tàng sâu kín là “chơn kinh vô tự” quý báu vô cùng.
       Chính vì vậy họ đã bị kinh chuyển, hành theo lời, xa rời lý đạo, chấp giả bỏ chân, cái hình thức của lớp vỏ văn chương là thành trì kiên cố chôn nhốt họ trong đó làm bịt đường bí lối không thấy biết gì ráo, nào rõ được Đạo.
       Muốn thông đạt sách kinh hiền truyện phải có trình độ tương đương với tác giả của nó, bằng không vô phương thấu rõ. Do đó kinh sách là bẫy rập gài người hạ trí, nhưng là đuốc sáng soi đường cho kẻ đại căn, bởi vì đạo vượt ngoài phạm vi ngôn ngữ, chỉ mượn lời bày lý, khi đạt lý rồi, ta cần phải quên lời, có như thế việc xem kinh sách mới đem lại lợi ích thiết thực cho việc tầm tu, còn bằng ngược lại rất tai hại, nó dẫn ta đi sai đường lạc nẻo.
Việc tụng kinh niệm Phật, nguyện cầu Trời đất không đem lại một kết quả nào cho công phu gầy dựng tâm tô bồi tánh. Nó chỉ làm hao hơi tổn sức cực thân, tinh thần kiệt quệ. Nhưng “người tu hình tướng” cho đây là đường lối hành đạo chân chính giúp họ hy vọng, tạo một niềm tin vững chắc, hỗ trợ giúp đỡ, bởi họ chẳng có cái gì bám víu vào để tu thân.
       Họ tu mê hành muội suốt đời cùng kiếp lặn hụp trong ao tù nhân dục, sống với vô minh tục tánh không thể nào giải thoát được, Địa ngục trùm bao họ rồi, thật rất bất hạnh.
       Ta hãy để ý sự việc trước mắt:
       Giữa đêm đen vạn vật đắm chìm trong bóng tối, cái màn vô minh dày đặc ấy dầu ta cố sức nguyện cầu, phục đầu vọng bái, tụng niệm trì kinh để xóa tan nó đi, nhưng không đem lại kết quả, chẳng hề hấn gì cả, thậm chí ta bực mình nguyền rủa và ngay cả dùng quyền lực tột bực của thế gian cho nổ hạt nhân nguyên tử để hủy diệt nó. Thật ra cũng bằng thừa “đêm đen vẫn là đêm đen”.
       Một sự thật hiển nhiên, đêm đã tàn, bình minh xuất hiện, nhựt diện lộ hình, vô minh thóai nhượng. Tự nhiên đen tối mất, cảnh vật hiện ra rõ ràng chan hòa trong ánh sáng.
       Vậy “ánh sáng đến là tối lui.”
       Cho nên nhân sinh khi tâm không giác, trí không ngộ, lại lo miệt mài theo việc cầu nguyện mong ước viễn vong là còn tạo mãi cảnh bất giác tối tăm trầm luân nơi khổ hải.
       Bởi họ tìm Đạo nhưng không biết Đạo ở đâu? Cứ nhắm mắt làm càn không định hướng, chẳng mục tiêu, phó mặc cho định mệnh may rủi, thật tai hại vô cùng, cũng bởi vì họ tu hành còn nằm trong ảo tưởng.
       Người giác ngộ quan niệm đúng đắn, không đi theo ngõ hữu vi, chẳng hành theo hữu tướng, họ tự đổi hướng xoay chiều, trở lại nội tâm nơi tiểu vũ trụ này để tìm Đạo, hành Đạo và đắc Đạo, tạo ra ánh sáng để thanh lọc tâm, gội rửa lòng, cũng là “phép thanh luyện” hay “phép rửa tội” tiêu trừ đen tối, khử trược lưu thanh, có được lòng trong tánh sáng, “Minh tâm kiến tánh” việc làm này gọi là “tụng kinh vô tướng”, càng tụng, càng niệm cái sáng được bồi tô thêm, có năng lực phi thường, phép mầu tột độ, cứu khổ ban vui thành ra giải thoát.
       Tất cả điều đó do ta thực hành, ta nên tụng, nên niệm, nên cầu như thế để đạt tâm kinh đắc trí Huệ đúng theo yêu “cầu”, y như sở “nguyện” của việc “cầu nguyện thật”.
       Người thực hành tâm pháp, “cầu” với chơn-như, “nguyện” với chơn-tánh, cầu cho lòng phàm dứt, nguyện cho tục tánh tiêu, như vậy tuy có cầu có nguyện cũng như không nguyện không cầu.
       Người tu hành đúng “chơn cầu nguyện” nầy mới được giải thoát, cũng gọi là tham thiền, tịnh tọa để đắc trí huệ, chứ không phải hành thiền có chừng lấy lệ chẳng được chi, chỉ mang khổ vào thân, xương khô thịt héo, tự hủy hoại lấy mình.
       Do đó ta chỉ cầu nguyện với ta, cầu thấy tánh và nguyện rửa lòng, chẳng có mong vọng nơi đâu cả. Nhờ biết nơi tiểu vũ trụ này có tất cả, chứa đựng vật báu giống như đại vũ trụ thế gian bên ngoài. Chính tư tưởng “Lão Trang” dạy rõ:
       “Ai biết được trời đất như hạt thóc
       Sợi lông như hòn núi là biết Đạo”.
       Ta hãy trở về với Ta tìm đường lối trong Ta, hiểu Ta là hiểu tất cả, biết Ta là biết tất cả, tất cả là Ta, Ta là tất cả-Tất cả đó là Đạo.
       Chính nhờ “con đường sáng” này dẫn ta đến sự sống. Từ “vạn thù hữu vi” trở về với “nhứt bổn vô vi” là chân và thật, rõ biết “đường đi lối về”, tới cái điểm một, nguồn cội trong tâm nội, ngõ hầu gặp được “Thiên hạ” ông “Trời con” nơi ta. Cái điểm linh quang vì mê muội ta không biết nên đã đậy lấp, đắp lên cái vỏ vô minh. Giờ nay ta hiểu biết chân thật, cố ra sức thực hành, lột trần vén sạch nó đi để ánh sáng lộ bày, “Phật Chúa” hiện ra cũng chính là Huệ Năng của mình. Cái khối sáng trong ta ứng dụng đến chỗ vi diệu, có khả năng vô lượng, chuyển hóa vô minh thành ra “Trí Huệ” và nhờ nó giúp ta thấy chân biết thật, vì chỉ có chân thật mới giải thoát ta ra khỏi vô minh và phiền não.
       Đến đây ta đã hành được cái đạo nơi ta. Tự ta nhận rõ trong thân này “Đạo ẩn tàng” cả một nguồn đạo sung thiệm đang dâng trào, tràn đầy nhựa sống. Nên ta không phóng ngoại mong cầu nơi đâu nữa. Ta cố tâm tận lực thực hiện việc tô bồi xây đấp cho “cái nhà Đạo” của mình càng ngày càng bền vững, đoan trang tháp vàng hào quang rực rỡ, với xá lợi viên minh có được một “thể chất tinh anh” rồi đem ra ứng dụng “tuyệt mỹ”, thể dụng tương đồng, ngoài trong như nhứt.
       Chính thành quả này có được là do công phu tu luyện, nhiều gian khổ. lắm nhọc nhằn, chịu thương chịu khó khác nào dồi trau một viên ngọc, chỉ có người thợ chuyên môn mới biết được “Thạch trung hữu ngọc” với kỹ thuật cao và bàn tay khéo léo, tỉ mỉ giũa mài để tránh gây tì vít mới có giá trị. Thật sự là quý bửu ở trên đời. Còn đây là việc tu hành tạo tác bảo vật tinh thần vô ngần quý báu, đắp xây Phật thân, cái “Thánh thể chân thuần” ấy không ai có thể cưỡng đọat hoặc tiêu hủy đặng. Vì nó “vô ảnh vô hình” trong tâm linh nội giới, hằng hữu hằng thường, vô sanh bất diệt, nên nói có cuộc sống đời đời, trường sanh bất tử, khác hẳn với “giả thể nhục thân” hữu hình hữu hoại theo thời gian.
       Chính nhờ đường lối vô vi hướng nội, sẽ tìm đến Phật, diện kiến Như Lai. Ta đi ngay tìm đúng không còn dần dà do dự nữa. Hãy mạnh dạn tiến lên! Mỗi bước của ta đi làm san bằng chướng ngại, dẫm nát chông gai, tiêu trừ đen tối trong khi ánh sáng lại phục hồi. Đây là sự hành đạo tạo tác trí Huệ vun bồi Thánh thể. Con đường sáng đưa ta vào cảnh giới quang minh rạng rỡ là “Phật đạo cao thâm” khác hẳn với danh từ tôn giáo, đạo này đạo nọ. Họ cho rằng chỉ có giáo tôn của mình mới chánh chơn, cao siêu tột bực rồi lại bài xích tôn giáo khác. Chính vì óc kỳ thị dị biệt độc tôn ấy làm cho họ bị khép khuôn trong những tư tưởng thiển cận.
       Người tu hành chân chính ắt phải vượt hẳn cái tầm thường đó, tiến đến cái phi thường của các đấng thánh nhân để thực hành chân lý đạo.
       “Đi ra” là sa vào lưới vạn thù chằng chịt vấn vương không phương tháo gỡ, khác nào chim lồng cá chậu, phải chịu cảnh tù đày, đọa lạc chốn u đồ bi thảm “mất tất cả”.
       “Trở về” từ vạn thù quy nhất bổn, nương hữu hườn vô tô bồi Đạo quả. Chính nhờ vào đường lối này tự ta tháo gỡ, mở trói, vượt khỏi lưới rào san bằng bẫy rập “giải thoát tất cả”.
       Chính con đường trở về nguồn là chơn hành, đi ngay vào chủ chốt, đầu mối phát sanh vạn sự do tâm tạo. Tất cả đều do tâm “Tâm tà tất cả đều tà”, “Tâm chánh tất cả đều chánh”. Phật dạy rằng: “Tâm tức Phật-Phật tức Tâm”. Ta có nhiệm vụ Phật hóa chúng sanh trong tâm mình, nhờ vào phương tiện duy nhất “tâm pháp bí truyền” hành trau và đắc đạt, tự ta làm chủ cái tâm, thắng phục cái trí, biến Chúa Yêu thành Phật tốt, đến đây không còn một trở ngại nào!
       Người tu tự hành trau trong tâm linh nội giới, thuộc vô vi vô tướng, không thể dùng ngôn từ diễn tả hoặc lột trần hết đạo lý được. Ta chỉ cảm nhận chứng ngộ khi hành đạo, chuyển máy linh của mình.
       Ngày xưa Phật thuyết minh chân lý đạo cho các môn đồ dụng tâm “lý giải” chỗ tối mật bí yếu “Đại thừa tâm pháp”, mượn cái có trước mắt dễ thấy biết để tỏ ngộ cái chưa thấy biết, tất nhiên ai nhận rõ sẽ thông lý đạo. Ngài dạy bảo:
       “Các đệ tử ơi! nước biển ngoài khơi kia chỉ có một vị mặn, Đạo ta đây cũng vậy, có một vị là vị giải thoát”.
       Chúa Jésus cũng khẳng định cùng một pháp ý: “Các ngươi là muối của đất, nếu muối mất mặn đi rồi lấy chi làm mặn lại, chỉ thải xuống đất cho người ta chà đạp”!
       Không một ngôn từ nào có thể diễn tả được vị “mặn”, cái tính chất mặn tiềm tàng trong muối, chỉ cảm nhận khi ta nếm vào mới rõ biết “mặn ra sao”, như thế nào? Đạo pháp vô vi cũng vậy!
       Khi thuyết pháp độ đời, cứu rỗi nguyên căn các Ngài dùng… Sự việc thường ngày xảy ra trước mắt để dẫn dắt họ vào vô vi chân đạo, vượt ngoài hình tướng, biểu tượng của Đạo, nghĩa là mượn tướng để thấy tánh, nương sự bày lý, nhưng khi đạt lý rồi chớ nên chấp sự, có như vậy ta mới không bị sự chi phối, kinh buộc ràng mới chuyển được kinh, thực hành theo mật ý nhiệm mầu. Một hình ảnh ta thường thấy trong nhà của những người mê tín, tin tưởng thần quyền, thờ ông “Quan công” phò trợ gia đình an lành mạnh giỏi, quỷ ma không dám quấy phá, bức tượng trưng bày như sau:
       “Quan công mặt đỏ ở giữa” hai bên Châu xương mặt đen, Quan Bình mặt trắng theo phò tá và có cả “Thanh long đao”.
“Đen trắng” tượng trưng cho “Âm dương” tương đối, tả chi hữu dực ở hai bên. Hãy tôn thờ người mặt đỏ ở ngay chính giữa, tiêu biểu cho trung can nghĩa khí, chánh trực quang minh, không nghiêng chinh “Ngôi tuyệt đối” tối cao luôn sẵn có thanh long đao, tuệ đao, huệ kiếm, vũ khí sắc bén, khử ma trừ ta, quá ngũ quan, trảm lục tướng (qua năm ải giết sáu tướng giặc) giữ gìn bờ cõi. Tất cả đều ám chỉ lý đạo duy nhất, giúp ta trở lại tìm hiểu nơi tiểu vũ trũ này, rồi áp dụng đúng trong công phu gầy dựng và bảo vệ “Tâm thể an bình” đời sống tâm linh, tinh minh rạng rỡ.
Cũng như ngày “Thích Ca Phật Đản” tượng trưng với pho tượng Đức Phật một tay chỉ trời, một tay chỉ đất; sách kinh lưu truyền dạy lời Đạo lý “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn”.
       Thêm nữa ngày Giáng sinh Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ. Một bên ông Joseph, một bên bà Maria, không ngoài chỗ dụng chỉ rõ “duy nhứt lý” cho biết Ngôi độc nhất gồm tất cả thể chất “Đất trời”, “Hữu vô” trong một thể, âm dương hiệp nhứt, cái ta được sinh ra, cái gạch nối liền càn khôn quy kết, quan trọng vô cùng, ta phải hết sức chú trọng và có bổn phận tường lãm, bởi vì nó là “Ngôi vị độc tôn”, có nó là có tất cả, lên trời, xuống đất, thành Phật, hóa ma, đều do ta dụng chánh hay tà, chơn hay giả.
Mượn chỗ “hữu vi tương đối” trở về chỗ “vô vi tuyệt đối”. Thông suốt cả Hữu lẫn Vô là tri tường lý đạo.
       Người ta khi thông đạt nhất lý rồi không còn chấp hữu, chấp vô. Vô hữu là một, kết thành một vòng pháp luân do trụ cốt chuyển xoay “cái trung đạo”ở giữa đó chi phối tất cả. Bởi lẽ sinh hóa “đi ra”, Đạo từ nhứt thể ứng ra muôn ngàn, thiên hình vạn trạng, vô sanh hữu - “Đạo ra pháp”.
       Khi quy hiệp “trở về” từ muôn ngàn hồi hướng chỗ một ấy. Pháp đạo hoàn nguyên - Hữu hườn Vô. Ta rõ biết “đường đi lối về” nên không còn lạc lõng chơi vơi giữa chợ đời muôn ngã. Tự ta thực hành đường lối trở về nguồn, sớm muộn gì cũng đến mục tiêu, cứu cánh sau cùng “hồi cựu vị” do ta ứng dụng bí pháp một cách vi diệu, thoát hẳn mọi sự ràng buộc của thế trần “siêu giai giải thoát”.
       Trên đường tu, hành giả phải kiên trì chịu đựng, đừng nản chí thối lòng, trước muôn ngàn chướng ngại, nhưng đền đáp lại “Trí Huệ”, phát triển dồi dào, càng hành càng sáng, cái sáng được tô bồi thêm mãi. “Huệ tâm phát”, “trực giác khai”, hiểu chân biết thật, am tường chỗ hữu, thấu triệt chỗ vô, mượn đời rõ Đạo, dưới “thiên nhãn quang minh”. Đạo thị hiện đủ đầy, những cái không thể biết, không thể đo lường được lộ bày ra trước mắt. Khi đó người tu thấy đặng đạo lý ẩn tàng trong hình tướng nên họ không còn bận tâm hoặc thắc mắc về sự việc bên ngoài, nhất là hình tượng tôn thờ, lễ nghi cúng tế, kinh kệ nguyện cầu của các tôn giáo. Tất cả đến với họ đều thấm nhuần lợi ích, chân tướng lộ hẳn ra, không còn che giấu được nữa.
       Con đường chân lý quang minh, hành giả cứ thẳng tiến với pháp bửu hữu hiệu bên mình ứng phó kịp thời, giải quyết đúng mức, đáp án đoan trang! Họ sẽ đi nốt đoạn đường gian khổ nhờ “Thần chú nhiệm mầu” ôn tập.
       Người tu phải: “Có chí lớn - Cố gắng lớn-Kiên nhẫn lớn để đạt thành công lớn” nếu không có chí lớn thì làm thế nào ly gia cắt ái, vượt ái hà cho nỗi!
       Có chí lớn không phải vượt ái hà không, mà còn vượt bao trở ngại khó khăn của cuộc đời. Khi đối đầu với một việc khó, ta lại hỏi. Trước việc khó ta “cố gắng lớn” để vượt qua chăng? Có “kiên nhẫn lớn” để chịu đựng chăng? Thì “chí lớn” sẽ giúp ta có “cố gắng lớn” và “kiên nhẫn lớn”.
       Khi vượt qua gian khổ trở ngại xong rồi thì ta sẽ được “thành công lớn”. Tất nhiên người tu phải tận lực thực hành, không được chần chừ do dự, với tâm lực mạnh mẽ, trí lực dồi dào, thêm vào đó “Pháp môn vi diệu”.
       Sống ở thế trần ta phải chấp nhận đối đầu với mọi sự việc đến với mình, dù tốt, dù xấu, đều có lợi ích cho công phu tu luyện tự biết chân và hành thật, Phật Chúa sẽ hiển linh trong cuộc sống, không còn cách xa diệu vợi, Đạo thị hiện.

Trở lại trang chánh

 Thư Viện 1      4   5