ÐẠO GIÁO LƯỢC KHẢO

Ðức LÃO QUÂN là vị Giáo chủ Ðạo Giáo; hôm nay là ngày Vía của Ðức Ngài, chúng ta nên nhắc sơ lược Tiểu sử, và Học thuyết của Ðức Ngài, âu cũng là một dịp ca tụng công đức của một Ðấng dày công với Nhơn loại.
 TIỂU SỬ ÐỨC LÃO QUÂN

Theo sách “ Sử ký ” Trung Hoa, Ðức Lão Tử là người nước Sở, huyện Khổ, làng Lệ, Họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, thụy là Ðam, làm quan giữ “Tàng Thất Sử” của Vua nhà Châu, Ngài sanh ước chừng 604 trước Tây lịch. Ngài là người ẩn dật hay ít tham gia thế sự, nếp sống của Ngài người đời ít biết, cho nên lịch sử của Ngài không mấy rõ. Có sách chép như thế nầy, có sách lại biên thế khác , mãi đến ngày nay người ta cũng chưa tìm ra bằng chứng xác thực.
Sanh nhằm thời loạn, bên xứ Trung Hoa, Ngài nghĩ rằng Giáo lý vô vi không thể truyền bá được, thành thử về sau Ngài bỏ nhà, cỡi Thanh ngưu nhắm hướng Tây đi thẳng. Lần đi nầy, người ta gọi là “Lão Tử Tây du” .
Sách chép rằng: Khi đến Hàm cốc quan, Doãn Hỉ là quan giữ ải đón tiếp, Ngài lưu lại một thời gian, viết xong Bộ Ðạo Ðức Kinh, rồi từ giã Doãn Hỉ. Về sau, không ai gặp lại nữa.
Kế nghiệp Ðức Lão Tử, có Văn Tử, Thi Tử, Trang Tử, Liệt Tử. Nhứt là Trang Tử là ngưởi đặc sắc hơn hết, viết ra Bộ Nam Hoa Kinh, làm sáng tỏ Ðạo Giáo thêm lên. Thành ra Học thuyết Lão Giáo nằm trong hai bộ Kinh Ðạo Ðức và Nam Hoa.
Vậy Ðạo Ðức Kinh và Nam Hoa Kinh nói những gì?
Nam Hoa Kinh Trang Tử thể theo ý Ðức Lão Tử mà xướng minh Ðạo Giáo sáng tỏ thêm lên. Còn Ðạo Ðức Kinh thì Ðức Lão Tử chỉ bàn hai chữ Ðạo Ðức là cơ Tạo đoan định vị Trời Ðất hóa sanh vạn vật, và vạn vật khi đã trót sanh thành rồi, , mỗi vật đều có tích lủy Ðạo đức nơi mình. Muôn loài phải đạt đạo đức ấy thì mới sống. Quan niệm về Vũ trụ và Nhơn sanh như thế rồi Ðức Lão Tử căn cứ theo đó mà lập thành Giáo pháp.
Nay chúng ta muốn biết học thuyết Ðạo giáo thì chúng ta phải tìm hiểu Ðạo đức nơi Trời và Ðạo đức nơi người, nhiên hậu sẽ theo phương pháp đó mà thành lập một nếp sống nơi mình.

 ÐẠO ÐỨC NƠI TRỜI

Ðạo là gì ?
Ðạo là cái Vô danh có trước Trời Ðất (Vô danh Thiên Ðịa chi thủy). Ðức Lão Tử tả cái Vô danh đó như vầy :
Có một “Cái” tự nó sanh ra. “Cái” ấy sanh trước Trời Ðất, yên lặng trống không, đứng riêng một mình mà không nghiêng không lệch, lưu hành khắp nơi mà không mòn mỏi, “Cái” ấy khá gọi là nguồn sanh hóa Thiên hạ. Ta chẳng biết tên gì, song mượn chữ gọi là Ðạo.
“  Hữu vật hỗn thành
Tiên thiên địa sanh
Tịch hề, liêu hề
Ðộc lập nhi bất cải
Châu hành nhi bất đãi
Khả dĩ vi Thiên hạ mẫu
Ngô bất tri kỳ danh
Tự chi vi Ðạo ”.
 (Ðạo Ðức Kinh, chương 25).
Vậy Ðạo, chẳng những không tên mà còn vô hình, vô sắc, vô hương, vô xú nữa.
Nói như thế thì Ðạo là cái “Không”. Nhưng rồi Ngài sợ người ta hiểu lầm Ðạo là trống rổng; cho nên Ngài nói : Ðạo dường như “Không” mà  cũng dường như “Có”.
 Ngài mô tả cái “Có” rằng :
Ðạo có ba trạng thái DI, HI và VI :
Xem chẳng thấy nên gọi là DI
Lóng mà chẳng nghe nên gọi là HI
Bắt mà chẳng nắm được gọi là VI ”
DI, HI, VI là ba trạng thái hỗn hợp thành một thể. Cái thể ấy, trên không phản chiếu ánh sáng, dưới không ẩn khuất bóng tối, vằng vặc không tên lại lui về chỗ vô vật, thật Ðạo là trạng thái của vô trạng. Lại nữa; nó dường có, dường không và lưu hành không ngừng. Ðón xem phía trước thì không thấy đầu mối, chận xem phía sau thì không thấy chỗ cuối cùng.
Thị chi bất kiến danh viết DI
Thính chi bất văn danh viết HI
Bác chi bất đắc danh viết VI
Thử tam giả bất khả trí cật
Cố hỗn chi vi nhứt
Kỳ thượng bất kiếu
Kỳ hạ bất muội
Thằng thằng bất khả danh
Phục qui ư vô vật
Thị vị trạng chi vô trạng
Thị vị hốt hoảng
Nghinh chi bất kiến kỳ thủ
Tùy chi bất kiến kỳ hậu
(Ðạo Ðức Kinh,chương 14)
Tóm lại Ðạo là cái vô danh, vô hình, vô sắc, vô thinh. Dường có, dường không : Ấy là cái lẽ huyền nhiệm của cư Tạo đoan, định vị Tạo đoan, định vị Trời Ðất, hóa sanh vạn vật.

ÐỨC RA SAO ?

Ðạo sanh hóa vân vật, nhưng làm cho vạn vật nên hình vóc và sống an vui trong Vũ trụ thì lại là Ðức (Ðạo sanh chi Ðức súc chi). Nay như hỏi Ðức ra sao thì Ðạo Ðức Kinh chép rằng : “ Khổng Ðức chi Dung, duy Ðạo thị tùng ” nghĩa là Ðức thì trống không mà luôn luôn cận kề với Ðạo. Hoặc nói rõ ra là yên lặng  trống  không  gọi  là  Ðạo. Tuy Ðạo  yên  lặng
trống không nhưng hàm súc đủ huyền năng sanh hóa. Ðến chừng cái trống không phát động thành tựu sự sanh hóa vạn vật thì lại mang danh là Ðức. Vậy chúng ta có thể nói : Ðạo là Thể, Ðức là Dụng.
Ðể phân biệt sự động tác của Ðạo với Ðức, Ðạo Ðức Kinh chương 51 nói rằng :
“Ðạo sanh vật, Ðức nuôi đó, cấp dưỡng đó, nuôi nấng đó, đùm bọc đó, bồi sự đó, dưỡng nuôi đó, che chở đó.
“  Ðạo sanh chi
 Ðức súc chi
Trưởng chi, dục chi
Ðình chi, đốc chi
Dưỡng chi, phúc chi  ”
Vậy Ðạo sanh hóa vạn vật, Ðức nuôi dưỡng chở che, đùm bọc. Còn sự biến hóa của Ðạo thì Ðức Lão Tử nói rằng :
Ðạo sanh một : Cái Vô danh sanh Thái Cực
Một sanh hai : Thái Cực sanh Âm Dương
Hai sanh ba : Âm Dương sanh Thái hòa
Ba sanh vạn vật : Âm Dương và Thái hòa sanh vạn vật.
Vạn vật khi đã trót sanh thành rồi, mỗi vật đều có cõng một phần Âm,
bồng một phần dương và một phần Thái hòa.
 “  Ðạo sanh nhứt
Nhứt sanh nhị
Nhị sanh tam
Tam sanh vạn vật
Vạn vật phụ Âm, nhi bão Dương
Xung khí dĩ vi hòa ”
  (Ðạo Ðức Kinh, chương 42)
Riêng về người ta, chúng ta cũng có Ðạo nơi mình là Âm Dương và Thái hòa. Kẻ học phải nhận thức lẽ huyền nhiệm Ðạo tự nhiên của vũ trụ, để rồi sưu tầm giác ngộ Ðạo đức tự nhiên ở nơi mình.

  ÐẠO ÐỨC TỰ NHIÊN NƠI NGƯỜI

Ðạo Ðức tự nhiên nơi người đồng thể với Ðạo tự nhiên của Vũ Trụ. Ðạo tự nhiên Vũ Trụ thì có ba trạng thái : DI, HI, VI. Thì cái thực thể Ðạo tự nhiên nơi người cũng gồm có ba trạng thái là Âm, Dương và Thái hòa. Tuy nói ba trạng thái, nhưng không bao giờ nó lìa xa nhau. Ba như một, một như ba, cũng như sự sống lẫn lộn trong nhục thân mà chúng ta  chẳng hề trong thấy, chẳng hề lóng nghe, chẳng hề rờ đụng. Thật là huyền nhiệm vô cùng.
Người ta phải có Ðạo ấy nơi mình thì mới sống; trái lại thì phải dứt. Ðức Lão Tử nói rằng :
“ Vạn vật đắc nhứt dĩ sanh. Kỳ tri chi nhứt dã, vô dĩ vi sinh tương khủng diệt.”
Nghĩa là muôn loài đặng một (Ðạo) thì sống và sinh sản thêm nữa. Ðến như số một (Ðạo) nói đây, nếu muôn loài chẳng đặng nó để làm căn
bản cho sự sống còn thì muôn loài phải dứt.
Người ta cũng nằm trong công lệ ấy, mà vấn đề sanh tử là một sự kiện quan trọng nhứt của kiếp người. Vậy phải giải quyết bằng cách nào?
Sau đây là phương pháp tu học.

PHƯƠNG PHÁP TU HỌC

Vả lại, Ðạo đức nơi người là Âm Dương và Thái hòa. Như trước kia đã nói : Ðạo ấy cũng như sự sống lẫn lộn trong nhục thân; chúng ta chẳng hề trong thấy chẳng hề lóng nghe, chẳng hề rờ đụng. Thế nên muốn hàm dưỡng nó thì phải dùng pháp môn “Vô Vi”
Vô vi là gì ?
Vô vi nghĩa là không hành động theo ngoại giới mà chỉ hồi hướng về nội giới Tâm linh, sưu tầm giác ngộ lẽ huyền nhiệm của Tâm lý và Sanh lý. Cho nên Ðạo Ðức Kinh chương 48 nói rằng :
“  Vi Ðạo nhứt tổn
 Tổn chi hựu tổn
Dĩ chí ư Vô vi ”
Nghĩa là học Ðạo thì mỗi ngày mỗi giảm bớt và giảm bớt nữa cho đến vô vi.
Không làm (Vô vi) nhưng chẳng phải khô khan như cây khô hay cục đá, mà thật là phải giữ một tâm trạng hồn nhiên, như đứa trẻ chưa biết cười, (anh nhi chi vị hài) cho nên nói rằng :
 “Ðạo thường vô vi nhi vô bất vi”
Nghĩa là Ðạo thường là vô vi, nhưng chẳng có việc gì không làm. Tại sao? Bởi vì kẻ học phải làm những việc chưa đến, phải lo những việc chưa có (vi vô vi, sự vô sự.
Ví dụ - Chúng ta đã biết làm dữ thì họa trả lại. Biết làm dữ sẽ mang họa, chúng ta lánh dữ trước; thế là làm việc khi việc chưa đến.
Xử sự khi sự chưa đến thì ắt chẳng có việc gì làm bận lòng chúng ta.
Vả lại, Ðạo là nguyên lý ở trong Tâm linh siêu nhiên. Nay muốn tìm Ðạo thì chúng ta phải vượt qua tất cả những lớp vọng chấp, thành kiến như : Lý trí,, tình cảm, học lý hữu vi, thành kiến sai lầm vân vân. Vượt qua và vượt qua mãi đến Tâm linh thuần nhiên duy nhứt thì sẽ giác ngộ được Chơn lý (Ðạo).
Theo những lẽ trên đây, chúng ta hiểu rằng sự vật nào cũng có một phần “Vô” (Tinh Thần) và một “hữu” (Vật chất) ; theo Ðức Lão Quân thì cái “Vô” thiết dụng hơn cái “Hữu”.
Ví dụ : Ba mươi cây căm hợp thành hình tượng bánh xe, nhưng cái thiết dụng, làm cho bánh xe lăn tròn được, là cái lỗ trống trong cái đùm.
Nhồi đất nên hình cái lu, nhưng chỗ thiết dụng để đựng nước là lòng trống.
Thân hình người ta cũng vậy, nghĩa là người ta cũng có một phần “Vô” (Tâm) để chứa Ðạo Trời và một phần “Hữu” (Thân) để thể hiện Ðạo Trời thành Ðạo làm người. Thế nên kẻ học nhứt thiết phải giữ cái Tâm không ấy, để hàm dưỡng Ðạo Trời mà muốn giữ Tâm không thì kẻ học phải nhờ phép Thanh tịnh.
Muốn thanh tịnh, theo Trang Tử  thì  kẻ  học  phải quên : Quên tất cả
việc ngoài, quên tất cả tư tưởng bên trong, quên tất cả việc xưa, quên tất cả việc nay, quên rồi quên mãi cho đến những thành kiến sai lầm cũng chẳng còn ẩn núp bên trong nữa. Quên như thế là Tâm không, rồi trong Tâm không sẽ có xuất hiện điểm “Linh Quang, sáng suốt” để làm Chủ tể cho đời sống của mình. Nhơn đó, mà sự lập Ðức, sự tu thân của kẻ học, nhứt thiết đều phải lấy thanh tịnh làm căn bản.
Xin xem chi tiết kể như sau :
1-   VÔ DỤC : Vô dục nghĩa là không ham muốn vật chất. Vô dục là phép tu Tâm, cũng như Mạnh Tử nói : “ Tiết dục khả dĩ tồn Tâm” . Ðạo Ðức Kinh chương 12 nói rằng :
Năm màu sắc khiến người ta chóa mắt, năm thinh âm khiến người ta điếc tai, năm vị ăn khiến người ta tê tái lưỡi miệng, sải người đi săn  bắn khiến ta hóa cuồng, , của cải quý giá khiến người ta hành động sái phương pháp chánh trực. Thế nên Thánh nhơn vì bụng mà không vì tai mắt (tức vì Tâm mà không dùng giác quan).
“ Ngũ sắc lịnh nhơn mục manh
Ngũ âm lịnh nhơn nhĩ lung
Ngũ vị lịnh nhơn khẩu sảng
Trì sỉnh điền liệp
Lịnh nhơn Tâm phát cuồng
Nan đắc chi hóa
Lịnh nhơn hành phương
Thị vị Thánh nhơn
Vị phúc bất vị mục ”.
Ðại ý nói rằng : Nếu người ta phóng túng theo hoàn cảnh bên ngoài thì Tâm phải bị loạn động. Cớ ấy nên Thánh Nhơn vì Tâm mà không trọng tai mắt. Ðức Lão Tử nói rằng :
“ Họa mạc đại ư bất tri túc
 Cửu mạc đại ư dục đắc ”.
Nghĩa là : Nói về họa thì không có họa nào lớn bằng “không biết đủ”, nói về lỗi lầm thì không lỗi lầm nào lớn bằng “muốn được”.
Thật vậy, nếu chúng ta không cho mình là đủ rồi và muốn được mãi mãi, thì sự lỗi lầm, sự tai họa sẽ theo đó mà đến với mình.
Thử hỏi : Danh với thân, cái nào quý hơn. Thân với tiền cái nào trọng hơn. Ðức Lão Tử đặt một vài câu hỏi như vậy, để cho kẻ học tự mình so sánh.
2- VÔ TRANH : Người giữ Ðạo thì có Ðức, mà Ðức là sức mạnh tinh thần, cho nên hễ người có Ðức thì có tinh thần tự chủ mà không tranh v ớiai, không tranh với người và không tranh với hoàn cảnh. Nhờ không tranh mà chẳng lỗi lầm ( Phù duy bất tranh cố vô vưu ). Ðức Lão Tử mượn tánh nước để so sánh với tư cách người đạo sĩ. Ngài nói :
“ Thượng thiện ngược thủy
Thủy thiện lợi vạn vật
Nhi bất tranh
Xử chúng nhơn chi sở ố
Cố cơ ư Ðạo ”.
( Ðạo Ðức Kinh chương 8 )
Nghĩa là : Bực thượng thiện giống như nước. Nước thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Ở chỗ mà người người đều chê bỏ, tức chỗ thấp. Nhờ vậy nên người thượng thiện gần với “Ðạo”.
So sánh sự nhu nhược và cang cường, Ðạo Ðức Kinh chương 76 nói rằng : Người ta khi mới sinh ra thì mềm yếu, khi chết thì cứng ngắc. Vạn vật thảo mộc khi mới sanh thì mềm dịu, khi chết thì khô cứng. Thế nên nói rằng : Cứng và mạnh là bạn của cái chết, mềm và yếu là bạn của cái sống.
( Nhơn chi sanh dã nhu nhược
Kỳ tử dã kiên cường
Vạn vật thảo mộc chi sanh dã nhu thúy
Kỳ tử dã khô tháo )
Ðại ý nói rằng người Thượng thiện không tranh với ai cả, tánh tình giống như nước. Nước hay mới làm lợi muôn vật, nghĩa là muôn vật dùng nước để uống được, để rửa cũng được, nước chẳng những không tranh mà còn hay ở chỗ thấp, là chỗ mà người đời hay chê bỏ. Và đại ý cũng như câu “ Nhu nhược thắng cang cường” hay câu “ Bất tranh nhi thiện thắng”.
Thật quả vậy, nếu chúng ta chẳng tranh thì ai tranh với ta. (Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mặc năng dữ chi tranh).
Nghĩa là chỉ vì không tranh, cho nên thiên hạ chẳng ai tranh với mình.
3- TRỰC GIÁC : Về trí hay biết thì cũng cứ theo lẽ thiên nhiên mà sinh hoạt, chớ không cầu học thức kiến văn, nghĩa là cứ hướng về nội giới, gìn giữ tâm thanh tịnh, rồi Ðạo vô vi sẽ xuất phát cảm ứng với Trời Ðất vạn vật mà quán triệt sự vật.. Ðạo Ðức Kinh chương 47 nói rằng :
Không bước ra khỏi ngõ mà biết việc thiên hạ, không dòm ra cửa sổ mà hiểu Ðạo Trời.
“ Bất xuất hộ nhi tri thiên hạ
Bất khuy dũ nhi kiến Thiên Ðạo ”
Ðức Lão Quân nói rằng :
Càng ra xa thì càng biết ít. Lẽ ấy nên Thánh Nhơn không tìm kiếm bên ngoài mà tự nhiên biết, không làm mà tự nhiên thành.
“ Kỳ xuất di viễn
Kỳ tri di thiểu
Thị dĩ Thánh Nhơn
Bất hành nhi tri
Bất vi nhi thành ”
Ðạo Giáo chú trọng cái biết “Trực Giác” của Tâm Linh siêu nhiên, chớ chẳng cầu cái chi li của Trí Thức, cho nên nói rằng: “ Tuyệt học vô ưu ”.
Ðức Lão Tử còn đề cập đến hai chữ “Huyền Ðồng” để làm rõ thêm cái ý nghĩa “Trực Giác”. Ðạo Ðức Kinh chương 56 nói rằng :
“ Tri giả bất ngôn
Ngôn giả bất tri
Tắc kỳ đoài bế kỳ môn
Tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân
Hòa kỳ quang đồng kỳ trần
Thị vị Huyền Ðồng ”.
Nghĩa là kẻ biết không nói, kẻ nói không biết. Thường ngậm miệng bít mắt, bít tai, lụt cái bén nhọn, bỏ sự chia phân, hòa với ánh sáng, đồng với bụi bặm. Ấy gọi là Huyền Ðồng (đồng hóa với Ðạo huyền bí) tức dùng cái khiếu Trực Giác tự nhiên. Trời Ðất phú cho mình để cảm ứng với Ðức. “ Toàn tri năng, tận thiện mỹ ” mà quán triệt vạn vật đến chỗ nguyên lý, chớ không phải cái biết vạn vật chi li của Lý trí luận (La tập).

 LẬP ÐỨC

Ðức là năng lực ở trong tâm mà ra. Tịnh thì gọi là Tâm, động thì gọi là Ðức. Hoặc nói cách khác, đức là những lý tưởng thiện mỹ mà người ta đã học hành cho đến Tâm Ðắc (lý tưởng tiềm tàng trong tiềm thức) hay lý tưởng tự nhiên sẵn có trong bổn tánh, đến khi hữu sự thì biểu dương cử chỉ tốt lành. Lập đức của Nho Giáo thì tập luyện thuần thục Ngũ thường ( Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín ) để làm khuôn thước cho sự xử kỷ, tiếp nhơn. Ðạo Giáo lại quay về nội giới Tâm linh siêu nhiên mà tìm đức, cho nên nói rằng : Người có đức thường thì Tâm trở nên hồn nhiên như đứa trẻ sơ sanh chưa biết cười (anh nhi chi vị hài) hoặc nói rằng : Thường Ðức đầy đủ thì người trở lại mộc mạc. Mà muốn được tâm trạng nầy thì phải thực hiện phép thanh tịnh.
Ðạo Ðức Kinh chương 16 nói rằng : Hồi hướng về nội giới cho đến hư không cùng tột thì giữ được tịnh. Tịnh thì vạn vật (Thần khí chí ý) đều  xuất hiện ra rồi chúng ta thấy nó lần lượt trở về căn cội. Ôi, mọi vạn trùng trùng đều trở về nguyên gốc nó thì đó gọi là phục mạng, mà phục mạng là thường. Biết cái Thường (Ðức Thường) là Minh. Than ôi ! Người đời, nếu chẳng có cái thường ấy thì gây ra hung bạo cho mình.
“ Trí hư cực
Thủ tịch đốc
Vạn vật tịnh tác
Ngô dĩ quan phục
Phù vật vân vân . . .
Các phục qui kỳ căn
Qui căn viết tịnh
Thị vị viết Phục Mạng
Tri thường viết Minh
Bất tri thường vọng, tác hung ”.
Ðức Lão Tử nói rằng : Bậc toàn thiện đời xưa tinh tế nhiệm mầu, siêu huyền thông suốt. Họ sâu không thể đo được, cho nên muốn biết họ chúng ta nên mô tả dung mạo của họ như sau :
Cử chỉ của họ thận trọng dường như lội qua sông giá đông đặc, do dự dường như bốn bên có người dòm ngó họ, nghiêm trang dường như hầu khách quý. Tình thức của họ tan rã cũng như giá tan. Bộ tịch mộc mạc dường như gỗ chưa bào gọt. Trống không dường như hang núi. Kẻ giữ Ðạo không muốn đầy, tức không cố chấp tư tưởng tạp niệm. Nhờ không ham đầy, cho nên Thiên lương không bị bế tắc. (Phỏng theo Ðạo Ðức Kinh, chương 15)
Người có đức thì tâm họ trở lại như xích tử chi tâm. Dung mạo họ thì như lẩn thẩn, mộc mạc. Ðạo Ðức Kinh chương 20 nói rằng :
Người đời thì hớn hở, như hưởng thái lao, như lên xuân đài. Riêng ta chỉ yên lặng chẳng có dấu vết chi, như đứa trẻ sơ sanh chưa biết cười rũ rượi vậy, như không biết về đâu. Nhưng riêng ta khác với người, là ta trở về với Mẹ nuôi muôn loại, tức là sống với Ðạo tự nhiên.
“ Chúng nhơn hi hi
Như hưởng Thái lao
Như xuân đăng đài
Ngã độc bạc hề kỳ vị triệu
Như anh nhi chi vị hài
Luy luy hề nhược vô sở qui
Ngã độc dị ư nhơn
Như quý thực mẫu ”.
Thể hiện được phép thanh tịnh thì Tâm Ðức trở về với vô vi, vô danh, mà hễ Tâm Ðức đạt đến chỗ trí hư thì dung mạo trở về chỗ mộc mạc hồn nhiên như anh nhi chi vị hài.

 DƯỠNG SANH

Ngạn ngữ có câu : “ Linh hồn thanh khiết ở trong một thể thân sức khỏe” Ấy vật sự dưỡng sanh là một pháp môn trọng yếu cũng như pháp môn tu học tâm linh.
Phép dưỡng sanh cần nhứt là phải làm sao cho thân ta sanh sống với một cách điều hòa và nhập vào lẽ thiên nhiên, tức là sống với một tinh thần không loạn động, một nhục thể không đau ốm.
Ðạo Ðức Kinh chương 10 nói rằng :
“ Tải doanh phách bão nhứt
  Năng vô ly hồ ?
  Chuyên khí trí nhu
  Năng anh nhi hồ ?
  Ðịch trừ huyển lãm
  Năng vô tỳ hồ ? ”
Nghĩa là làm cho hồn phách hiệp một, không để chia lìa đặng không?
Làm cho khí trở nên mềm dịu, như đứa hài nhi đặng không?
Gội rữa lòng ta cho đến mức huyền diệu mà không bợn chút bụi trần, đặng không?
Ðại ý Ðức Lão Tử đặt ra ba câu hỏi mà không giải đáp, là vì mỗi người đều có một thể chất khác nhau, cho nên mỗi người phải chọn lấy phương thức tu hành riêng. Ấy vậy nên, nếu Ðức Ngài lập phương trước thì e có người lầm, mà phép dưỡng sanh nếu áp dụng không đúng thì sẽ có hại cho sức khỏe.
Chỗ nầy, về sau phải Luyện đơn nương theo mà chú giải rộng rãi, thành một giáo pháp riêng, để cầu sự trường sanh cửu thị, nhứt là câu:
“ Chuyên khí Trí Nhu, Năng Anh Nhi Hồ ”
Họ chia sự hô hấp ra làm hai giai đoạn là : ÐIỀU TỨC nghĩa là vận chuyển hơi thở điều hòa và ÐÌNH TỨC nghĩa là không thở bằng mủi  mà chỉ hô hấp với bộ phận hô hấp bên trong. Chúng ta có nghe nói người tu theo phái Pha kia (Fakir) cũng đạt đến phép nội tức nầy nữa. Ðó là cứu cánh của Pháp Môn trường sanh cửu thị.
Nhưng chúng ta không nên liều lĩnh bắt chước, nếu không có người chỉ dẫn. Bởi vì phép Dưỡng sanh nếu áp dụng không đúng mức thì có hại cho sức khỏe như đã nói trên.
Về phép Dưỡng sanh Huỳnh Ðế nội kinh có câu :
“ Ðiềm đạm hư vô
  Chơn khí tùng chi
  Tinh thần nội thủ
  Bình an tùng lai ”
Nghĩa là giữ điềm đạm hư vô thì Chơn khí theo đó, tinh thần bền vững bên trong thì bình an sẽ đến.
Câu nầy ý nghĩa cũng như lẽ đã nói trên.
Thực hành được phép dưỡng sanh nầy thì không những mình có một thân hình sức khỏe, một tâm hồn sáng suốt mà thần khí có thể dung hợp thành một Pháp thân vi diệu nữa.

XỬ THẾ

 Xử thế có ba điều là :
Từ
Kiệm
Bất cảm vi thiên hạ tiên.
Từ : Từ nghĩa là hiền lành biết thương người, mến vật và hay giúp đỡ mọi người, mọi vật. Chữ Từ đồng nghĩa với chữ Bác ái của Phật Giáo và chữ Nhân ái của Nho Giáo, Ðạo giáo quan niệm rằng :
“ Thiên Ðịa dữ ngã đồng sanh, vạn vật dữ ngã đồng thể ”. Thế nên kẻ học lúc nào cũng phải hòa mình với Trời Ðất, vạn vật cầu sự an vui của mình theo lẽ tự nhiên, Ðức Lão Tử dạy rằng : Kẻ làm lành, hay làm dữ với ta, ta đều lấy Ðức mà trả lại cả ( Dĩ đức báo oán ).
Kiệm : Kiệm nghĩa là thiếu thốn. Chúng nhơn giành lấy cái thực, riêng ta thì cầu cái hư. Chúng nhơn tranh quyền lợi để làm giàu sang, riêng ta thì lúc nào cũng cho là đủ. Chúng nhơn cầu lấy phước lộc, riêng ta thì thu hình về chỗ vô vi cầu sự vô tội. Ðức Lão Tử nói : Trên đường danh lợi, kẻ nào tri túc thì khỏi bị nhục, kẻ nào đứng ngoài vòng tranh đua thì khỏi bị hại. Thế nên ta vui lòng chịu thiếu thốn để cầu an vui theo Ðạo.
Bất cảm vi thiên hạ tiên : Bất cảm vi thiên hạ tiên nghĩa là chẳng dám tranh hơn thiên hạ. Ðức Lảo Tử cho rằng : Luật thiên nhiên lúc nào cũng có một sức mạnh rất thiêng, không cần tranh mà hay thắng lợi, không cần nói mà hay ứng nghiệm, không cần dời mà các vật theo về, lờ mờ mà hay mưu toan ( Thiên chi Ðạo bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi ứng thiện, bất triệu nhi tự lai, thiên nhiên nhi thiện mưu ). Vậy đạo sĩ sống theo luật thiên nhiên, không tranh giành để giữ vẹn tâm thanh tịnh vô vi.
Ðức Lão Tử nói : “ Quân tử nhi thiện nhược thủy, ủng chi khả dĩ tại sơn, khích chi khả dĩ quá tảng, năng phương, năng viên, ủy khúc tùy hình, cố quân tử năng nhu, nhi bất năng nhược, năng cường nhi bất cang, như thủy chi tánh dã, Thiên hạ  nhu  nhược  mạc  quá  ư  thủy, thị dĩ nhu
nhược, thắng cang cường ”. Nghĩa là người quân tử tánh giống như nước, ngăn đó thì ở trên núi, hất đó thì có thể văng lên trán, nó có thể vuông có thể tròn, hay uốn mình theo hình, cho nên người quân tử hay mềm mà chẳng yếu, hay mạnh mà chẳng cứng, cũng như tánh nước vậy. Dưới trời chẳng có vật gì mềm yếu hơn nước. Vậy nên cái mềm yếu hơn cái cứng mạnh. Nước chẳng tranh, song không phải hèn nhác. Ðạo Ðức Kinh nói rằng : “ Thiên hạ mạc nhu nhược ư thủy, nhi công kiện cường giả, mạc chi năng thắng, kỳ vô dĩ địch chi, nhược chi thắng cường, nhu chi thắng cang ”. Nghĩa là trong Thiên hạ chẳng có vật chi mềm yếu hơn nước thế là dùng nước để đánh đổ vật cứng rắn, chẳng có vật gì bằng nước (nước chảy đá mòn) thật yếu hơn mạnh, mềm hơn cứng.
Theo TRANG TỬ thì người có Ðạo Ðức gọi là Chơn Nhơn. Lại nói Chơn nhơn đời xưa không phân biệt kẻ hèn, không khinh khi kẻ khó, ở ngôi cao không kiêu, ở vị thấp không hổ thẹn khi ra không hí hởn, lúc vào không buồn tẻ, không hung hăng tập thành, khi công thành thì chẳng tự đắc. Nói tóm là buổi nào cũng giữ cái không không, chớ chẳng dùng Tâm thức mà cưởng chế Ðạo Tâm.
Câu nầy đại ý nói rằng : Thánh Nhơn không tranh hơn thiên hạ mà  cứ ở chỗ thấp kém, lại còn không tự hiện, không tự thị, không tự phạt, không tự căng. Nghĩa là không tranh giành hơn thua với mọi người thì ai cùng mình tranh giành. Thánh Nhơn không tranh với thiên hạ, nhưng cứ lo ôm giữ Ðạo thể, để làm gương cho đời soi sáng. Nhờ sự không tranh mà Thánh Nhơn ở ngoài muôn vật, mà chung qui muôn vật hướng về Thánh Nhơn.
Tóm lại, Học thuyết của Ðức LÃO TỬ lấy vô danh làm tôn chỉ lấy vô vi làm phương tiện. Hay thì thật là hay nhưng khó phổ truyền trong nhơn gian. Bởi vì vô danh, vô vi là không không, nếu đem cái không mà giảng luận thì chúng ta không thể nói hết cái linh động thâm trầm của nó, thành thử kẻ học cứ tự tỉnh rồi Tâm Thần lãnh hội để biết mà thôi..
Chẳng những về Ðạo tự tu, tự giác, Ðức Lão Tử dùng phép vô vi mà đến luân lý cũng vậy.
Như Luân lý học Ngài bảo rằng : Vô tranh tức bất cảm vi thiên hạ tiên và dĩ đức báo oán. Thâm ý của Ngài là cần cho mình giữ được thanh tịnh là phương pháp tối cần để giồi mài cái Linh lực Trời phú

cho mình được mẫn huệ.
Tôn chỉ vô danh của Ðức Lão Quân chống đối với các thuyết “Hữu danh” của Ðức Khổng Phu Tử. Ðạo Giáo cho rằng ở trong tâm vô vi tự nhiên đã có tinh thần Nhân Nghĩa rồi. Thanh tịnh thì không không, đến khi phát động thì đó là Nhân Nghĩa vậy, chớ không phải lập thuyết Nhân Nghĩa “Hữu danh”. Vả lại, “Hữu danh” thì hữu hình, hữu hình thì có bóng tối. Biết đâu có kẻ không tốt ẩn núp dưới bóng tối của danh Nhơn nghĩa để phỉnh phờ gạt gẫm người ta, cho nên Ngài nói “ Tuyệt nhân khí nghĩa dân phục hiếu từ ” ( Bỏ danh từ nhân nghĩa thì dân trở lại hiền từ ) Ðạo Ðức Kinh chương 19.
Ðức LÃO TỬ là người ẩn dật, không hay giao thiệp với thế sự. Nếp sống ấy đủ mô tả được một phần cái thuyết “ Thanh tịnh vô vi ” của Ngài.
Ðạo Giáo là một giáo thuyết trong Tam Giáo. Giáo Lý  Ðại Ðạo là qui
nguyên Tam Giáo. Vậy Ðạo Giáo chiếm một phần quan trọng trong pháp môn “ Tu Tâm luyện tánh ” của người Tín Ðồ Ðại Ðạo.

                                                                   Nay kính
                                               Ðêm 14 Rằm 15 tháng 2 Giáp-Thìn

                                                 Tiếp Pháp : TRƯƠNG VĂN TRÀNG

Bủu Minh Ðàn.Trang Web Phục Vụ Nhơn Sanh Miễn Phí.,Webmaster Trương Ngọc An

Thư Viện 1      4   5