Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi tại Pháp Quốc

Bủu Minh Ðàn.Trang Web Phục Vụ Nhơn Sanh Miễn Phí. do Trương Ngọc An thực hiện

 Bát Tiên là 8 vị Tiên ở 8 động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng.
Bát Tiên gồm 8 vị Tiên kể tên ra sau đây:
1.   Lý Thiết Quày. (Thiết Quày hay Thiết Quải là cây gậy sắt) nhưng thường gọi là Lý Thiết Quả.
2.   Hớn Chung Ly.
3.   Lữ Ðộng Tân, (Ðộng là cái hang núi) nhưng thường gọi là Lữ Ðồng Tân.
4.   Lam Thể Hòa.
5.   Trương Quả Lão.
6.   Hà Tiên Cô.
7.   Hàn Tương Tử.
8.   Tào Quốc Cựu.

Sau đây là sự tích của Bát Tiên, viết theo Truyện Ðông Du Bát Tiên:

1. Lý Thiết Quả:

Ngài họ Lý, tên là Huyền, hiệu là Ngưng Dương, nên thường gọi là Lý Ngưng Dương, diện mạo nghiêm trang, tánh hạnh trong sạch, học rộng biết nhiều, không mộ công danh, muốn đi tu Tiên. Biết được Lý Lão Tử đang dạy Ðạo trên núi Họa Sơn, Lý Ngưng Dương liền tìm đến đó để xin học Ðạo.
Ði dọc đường, Ông ngâm thơ rằng:
Tâm tánh con người có thấp cao,
Khen lò Tạo Hóa đúc anh hào.
Làm trai biết thấu vòng vinh nhục,
Ðặng chữ thanh nhàn khỏi chữ lao.
Khi đến núi Họa sơn thì Trời đã tối. Lý Ngưng Dương tự nhủ: Mình là đệ tử đi cầu thầy học Ðạo, lẽ nào ban đêm dám gõ cửa. Chi bằng ngủ đỡ trên bàn thạch trước cửa động, chờ Trời sáng sẽ xin vào ra mắt.
Ở trong động, Ðức Lão Tử đang đàm đạo với Huyễn Khưu Chơn Nhơn, xảy có cơn gió thanh, Ðức Lão Tử hỏi:
- Ông có biết gió ấy là điềm chi chăng?
- Chắc có người gần thành Tiên đi tới.
- Ta đã rõ Lý Ngưng Dương gần thành Tiên và là Tiên đứng đầu sổ hết thảy.
Nói rồi, Ðức Lão Tử truyền Tiên đồng ra mở cửa động mà đón. Xảy thấy một Ðạo sĩ đang đứng trước động, liền hỏi:
- Có phải Lý Ngưng Dương đó không?
- Sao Tiên đồng lại biết tên tôi?
- Tôi vâng lịnh Lão Quân ra cửa đón anh.
Lý Ngưng Dương vô cùng mừng rỡ, chắc là mình có phước lớn nên mới được Lão Quân biết đến, liền đi theo Tiên đồng vào ra mắt, thấy Lão Quân có hào quang sáng lòa, dung nhan tươi nhuận, râu tóc bạc phơ, và Huyễn Khưu Chơn Nhơn cũng vậy.
Lý liền quì lạy ra mắt Lão Quân và Huyễn Khưu. Hai vị đáp lễ rồi mời ngồi. Lý Ngưng Dương quì thưa rằng: Ðệ tử tầm sư học Ðạo, lẽ nào dám ngồi. Xin Thầy dạy bảo.
Lão Tử bảo: Ngươi ngồi xuống rồi ta nói cho nghe:

Học Ðạo cho minh,
Lẳng lặng làm thinh,
Ðừng lo đừng rán,
Cho tịnh cho thanh,
Chẳng nên nhọc sức,
Chớ khá tổn tinh,
Giữ đặng tánh tình,
Là thuốc trường sanh.

Lý Ngưng Dương mừng rỡ lạy tạ Lão Quân.
Huyễn Khưu nói: Ngươi có tên trong Sổ Tiên, đứng đầu hết thảy. Về tu như vậy thì thành.
Nói rồi truyền Tiên đồng đưa Lý Ngưng Dương ra khỏi động, xuống núi. Lý Ngưng Dương lạy tạ rồi theo Tiên đồng rời khỏi động, trở về quê, lên núi cất nhà bên động đá, tu theo lời Ðức Lão Tử dạy, cứ tu luyện hoài như vậy.

Chẳng bao lâu cảm thấy nhẹ mình, bước đi như gió.
Một người dân quê tên là Dương Tử lên núi thấy vậy cũng phát tâm mộ đạo,

xin Lý Ngưng Dương thâu làm đệ tử, ở lại tu hành.
Ngày kia, Lý Ngưng Dương thấy hào quang chiếu vào cửa sổ, thì biết có Thần Tiên giáng hạ, rồi mau sửa soạn lên núi đón tiếp. Xảy nghe tiếng hạc, ngó lên thấy Ðức Lão Tử và Huyễn Khưu Chơn Nhơn cỡi hạc đáp xuống.
Lý Ngưng Dương lạy chào mừng rỡ.
Ðức Lão Tử nói:
- Bữa nay tinh thần hơn trước. Ta nhắm ngươi xuất hồn đặng. Vậy 10 ngày nữa, ngươi xuất hồn đi dạo các nước với ta.
Nói rồi liền từ giã, và hai vị cỡi hạc bay trở về núi.
Cách 9 ngày sau, Lý Ngưng Dương kêu học trò là Dương Tử đến dặn rằng: Thầy sẽ xuất hồn đi thiếp bảy ngày ngươi phải gìn giữ xác ta cẩn thận. Nếu sau bảy ngày mà ta không trở về thì hãy thiêu xác.
Dặn dò xong, Lý Ngưng Dương nằm thiếp xuất hồn đi.
Khi Dương Tử giữ xác thầy được 6 ngày thì người nhà đến báo tin rằng: Mẹ anh bịnh nặng, đang hấp hối, trông anh mau về cho mẹ thấy mặt mà tắt hơi. Dương Tử khóc lớn than rằng: Thầy đi thiếp chưa về, nếu ta đi, lấy ai giữ xác thầy, bằng không đi thì làm sao thấy mặt mẹ, ôi khổ biết chừng nào!
Người nhà liền hỏi rõ Dương Tử về sự đi thiếp của thầy, rồi nói: "Xác người chết đã 6 ngày, ngũ tạng thảy đều hư hết, lẽ nào sống lại bao giờ. Vả lại, thầy có dặn 7 ngày thì thiêu xác, chắc thầy đã thành Tiên. Nay 6 ngày mà thiêu xác thầy cũng không lỗi. Mau thiêu xác thầy rồi về gặp mặt mẹ."
Dương Tử bần dùng không nỡ, nhưng túng thế cũng phải nghe lời, liền đặt nhang đèn, hoa quả tế thầy,

rồi thiêu xác. Vừa khóc vừa đọc bài kệ sau đây:
Mẹ bịnh ngặt hầu kề, Thầy đi thiếp chưa về,
Mẫu thân tình một thuở, Sư phụ nghĩa nhiều bề,
Vẹn thảo nên quyền biến, Lỗi nghì luống ủ ê,
Hồn linh xin chứng chiếu, Khoái lạc chốn non huê.
Thiêu xác thầy xong, Dương Tử liền gấp rút chạy về nhà, vừa đến cửa nhà thì mẹ vừa tắt thở. Rủi ơi là rủi! Lỗi hết hai đàng, đã bất nghĩa với thầy, lại không tròn hiếu sự.
Nhắc lại, Lý Ngưng Dương, hồn xuất về chầu Ðức Lão Tử, được thầy dẫn đi khắp các nước trên cõi thiêng liêng, đến núi Bồng Lai, gặp các Thánh Tiên, ra mắt đủ mặt, đến bảy ngày thì xin về.

Ðức Lão Tử cười nói rằng:
Hãy nghe bài kệ nầy thì rõ:
Tịch cốc ăn lúa mì, Ðường quen xe phơi phới,
Muốn tìm cốt cách xưa, Lại gặp mặt mày mới.
Lý Ngưng Dương nghe bài kệ của thầy thì ghi nhớ chớ không hiểu ngụ ý gì, nhưng cũng lạy thầy từ tạ ra về. Khi hồn về tới nhà thì không thấy xác, không thấy học trò, coi lại thì xác đã ra tro bụi.
Lý Ngưng Dương rất giận đứa học trò bất nghĩa nầy. Hồn bay phưởng phất xuống chơn núi, gặp một thây ăn mày nằm dựa bên đường, kế bên cây gậy, có một chân cùi.
Lý Ngưng Dương nghĩ lại bài kệ của thầy cho, chợt hiểu, biết phận mình phải vậy chớ không nên oán trách học trò, liền nhập hồn vào xác ăn mày, rồi ngậm nước phun vào gậy tre hóa ra gậy sắt. Bởi cớ đó, người đời không biết họ tên ông ăn mày nầy, thấy cầm cây gậy sắt, nên gọi là Ông Thiết Quày, sau gọi trại ra là Thiết Quả.
Sở dĩ Ðức Lão Tử không cho hồn Lý Ngưng Dương về kịp trước khi học trò thiêu xác là vì Ðức Lão Tử muốn Lý Ngưng Dương bỏ xác phàm cho tuyệt sự hồng trần mà về luôn nơi Tiên cảnh, còn xác ăn mày là mượn tạm để tu,

chớ muốn biến hóa thế nào cũng được.
Thiết Quả đánh tay biết rõ các việc đã xảy ra với đứa học trò mình là Dương Tử. Thiết Quả liền đem linh dược đến cứu tử mẹ nó, kẻo đứa học trò tức tối ân hận cả đời tội nghiệp. Ðến nơi thấy Dương Tử đang ôm quan tài mẹ khóc ngất, rồi rút gươm ra định tự vận. Thiết Quả kịp đến ngăn cản và nói:
- Ngươi có lòng thành nên Trời khiến ta đến đây đem linh dược cứu tử mẹ ngươi. Vậy ngươi mau giở nắp quan tài ra, cạy miệng mẹ ngươi ra mà đổ thuốc.
Nói rồi lấy ra một hoàn thuốc đưa cho Dương Tử. Dương Tử làm y lời, giây lát, bà mẹ hắt hơi lấy lại hơi thở, rồi ngồi dậy bước ra khỏi quan tài, xem có vẻ mạnh khỏe hơn trước. Cả nhà vô cùng mừng rỡ. Dương Tử quì lạy Thiết Quả, thưa rằng:
- Cảm tạ Tiên ông, xin Tiên ông cho biết danh hiệu.
- Ta đây là Lý Ngưng Dương, là thầy của ngươi. Bởi ngươi thiêu xác ta nên hồn ta phải nhập vào xác ăn mày nầy. Biết rõ việc làm của ngươi, nên ta không chấp, lại đến cứu tử mẹ ngươi để ngươi nuôi mẹ phỉ tình. Ta tặng thêm cho ngươi một hoàn thuốc nữa để ngươi uống vào sống lâu nuôi mẹ. Thầy trò sẽ gặp lại sau nầy.
Dương Tử cúi đầu lạy tạ thầy, chưa kịp hỏi thăm thì Thiết Quả đã biến mất.
Thiết Quả biến hóa về núi Họa sơn, hầu thầy. Ðức Lão Tử cười nói:
- Vậy mới chắc thành Tiên, không lo trở lại trần thế.
Nói rồi truyền dọn tiệc ăn mừng Thiết Quả. 

2. Hớn Chung Ly:

Hớn Chung Ly, họ là Chung Ly đời nhà Hớn (Hán),

tên là Quyền, hiệu là Vân Phòng, làm Ðại Tướng trong triều đình nhà Hớn.
Khi mới sanh, Chung Ly Quyền có điềm khác lạ, trên nóc nhà hào quang sáng đỏ, ai nấy đều kinh, lớn lên thành một vị tướng quân, võ nghệ như thần, oai danh quá cọp.
Khi ấy triều đình nhà Hớn nhận được sớ khẩn cấp của tướng trấn ải báo có binh Phiên do Bất Dực thống lãnh đánh vào ải rất nguy kịch, xin triều đình cử binh cứu viện.
Xem xong, Hớn Ðế rất kinh hãi, liền hạ chiếu sai Ðại Tướng Chung Ly Quyền làm Nguyên soái, Phùng Dị làm Phó Tướng, kéo đại binh 50 vạn gấp rút đi ra quan ải cứu viện.
Nguyên Soái Chung Ly tế cờ, hiểu dụ tướng sĩ xong thì kéo quân đi ngay tới ải Kỳ Thủy đóng trại. Rạng ngày hôm sau, hai bên ra trận. Bất Dực đánh không thắng nổi Chung Ly, quân Phiên bại trận chạy dài. Tin chiến thắng liên tiếp báo về triều đình, danh tiếng Nguyên soái Hớn Chung Ly vang dậy.
Lúc đó, Lý Thiết Quả đang ở Cung Tiên, đánh tay biết Hớn Chung Ly đã thắng quân Phiên nhiều trận, uy danh lừng lẫy, và lại biết kiếp trước của Hớn Chung Ly là Tiên coi sổ bộ ở Thượng giới, phạm tội bị đọa trần, nay mê việc chiến tranh mà không lo tu hành, biết chừng nào trở về ngôi vị cũ.
Lý Thiết Quả muốn độ Chung Ly, nhưng nếu để Chung Ly thắng trận hoài, triều đình sẽ gia phong quan tước, thì bị mê đắm trong vòng phú quí vinh hoa, nên Thiết Quả định làm cho Chung Ly bại trận thì mới độ được. Tính rồi liền hóa ra một Ông già bay xuống dinh Phiên của Bất Dực.
Lúc bấy giờ Bất Dực đang ngồi trong dinh, thở vắn than dài, không tìm được kế chi để đánh binh Hớn. Xảy thấy quân vào báo: Có một ông già cốt cách Thần Tiên xin vào ra mắt.
Bất Dực lấy làm lạ, liền cho mời vào, hỏi:
- Lão trượng đến tôi có việc gì?
- Tôi đến đây bày cho Tướng quân kế thắng binh Hớn. Ðêm nay tôi biết bên dinh Hớn có hỏa hoạn lớn, Tướng quân thừa dịp nầy kéo quân vào cướp dinh thì chắc thắng mười phần.
Ông già nói xong liền từ giã đi mất.
Bất Ðực, lòng bán tín bán nghi, sợ lầm kế của Nguyên soái Chung Ly, nhưng cũng truyền lịnh chuẩn bị canh hai đến cướp dinh Hớn. Nếu thấy dinh Hớn bị hỏa hoạn như lời của ông già thì sẽ tràn quân đánh vào, bằng không thì rút binh về.
Bên dinh Hớn, tuy vừa mới thắng quân Phiên, nhưng cũng không dám kiêu,

cắt đặt canh phòng ban đêm rất cẩn mật vì sợ cướp dinh.
Khoảng giữa canh ba, Lý Thiết Quả hóa phép đốt dinh Hớn, ngọn lửa cháy lan rất mạnh, binh lính không dập tắt nổi.
Bất Dực thấy đúng thời cơ, liền kéo đại binh đánh vào. Chung Ly Nguyên soái cầm giáo lên ngựa đánh với Bất Dực, thấy binh Hớn hoảng sợ chạy hết thì cả kinh, quày ngựa bại tẩu. Bất Dực muốn bắt sống Chung Ly nên buông tên nhắm vào con ngựa của Chung Ly đang cỡi, làm ngựa trúng tên té nhào, may Phó tướng Phùng Dị chạy đến tiếp cứu, bắt một con ngựa khác đưa cho Nguyên soái. Hai người bại tẩu, ngó lại dinh Hớn bị lửa thiêu rụi, binh Hớn bỏ chạy tán loạn. Nguyên soái tức quá té nhào xuống ngựa chết giấc. Khi tỉnh lại than rằng:
- Ta làm Ðại Tướng vâng chỉ đánh Phiên, ngỡ là cứu nước rạng danh, nào hay Trời khiến ta thảm bại thế nầy, chẳng những mắc tội với vua, lại còn hổ mặt với triều thần, thiệt là Trời muốn giết ta, ta còn sống làm chi nữa.
Than rồi, Hớn Chung Ly toan rút gươm tự vận. Phùng Dị cứ mãi khuyên can. Xảy thấy binh Phiên kéo đến truy nã. Phùng Dị cản hậu, Hớn Chung Ly chạy trước. Chạy tới sáng thì lạc mất, Hớn Chung Ly đến một nơi không có nhà cửa dân chúng, phía trước là núi, vừa đói vừa khát, tiến thoái lưỡng nan. Xảy thấy một ông sãi mắt xanh chống gậy đi tới.

Chung Ly mừng rỡ bước đến thưa rằng:
- Tôi là Hớn Nguyên soái Chung Ly Quyền đem quân đi đánh Bắc Phiên, bị bại trận nên chạy lạc tới đây, xin thầy chỉ nhà cho tôi tá túc để trở về triều đình xin binh cứu viện.
Ông sãi gật đầu, dắt Chung Ly chỉ một cái am, nói rằng
- Ðây là chỗ ở của Ðông Huê Chơn nhơn, tướng quân vào đó mà tạm nghỉ.
Nói rồi đi thẳng như bay. Hớn Chung Ly đi đến am, nhìn thấy cảnh vật xinh tươi yên tĩnh, phải chỗ của Thần Tiên, đến trước cửa am, định gõ cửa thì nghe có tiếng ngâm thơ từ trong am vọng ra:

Việc thế chẳng đua tranh,
Thanh nhàn lánh lợi danh,
Thân nương theo động đá,
Tình gởi tại mây xanh.
Chơi dạo say mùi đạo,
Thong dong dưỡng tánh lành,
Hỏi ai là bạn tác?
Gió mát với trăng thanh.

Lý Thiết Quả sắp đặt trước, giả làm sãi mắt xanh dẫn Hớn Chung Ly đến cho Ðông Huê Chơn Nhơn dạy đạo.
Hớn Chung Ly nghe tiếng ngâm thơ vừa dứt thì có một ông Lão cốt cách Thần Tiên, chống gậy bước ra hỏi:
- Có phải Chung Ly Quyền Nguyên soái đó chăng?
Hớn Chung Ly kinh hãi thưa:
- Phải, tôi vâng chỉ đi đánh Phiên, chẳng may thất trận chạy lạc đến đây, xin Thượng Tiên từ bi cho tôi tá túc.
Ðông Huê Chơn Nhơn mời vào am đãi cơm chay, nói:
- Công danh như bọt nước, phú quí như ngọn đèn trước gió. Từ xưa đến nay, giang sơn nhiều chủ, phước thọ ít người. Bần đạo chán cảnh đời đau khổ, tìm nơi u nhã,sống thanh nhàn, thoát vòng lợi danh trần tục. Tướng quân cũng nên thừa dịp nầy mà tu tâm dưỡng tánh, còn ham công danh phú quí làm chi.

2. Hớn Chung Ly:  (tiếp theo)

Chung Ly Nguyên soái lắng nghe, liền tỉnh ngộ, muốn theo học đạo, hỏi:
- Tiên ông luyện phép chi mà đặng trường sanh?
- Phép trường sanh có gì lạ đâu, lòng phải trống mà bụng phải đặc. Lòng trống là không lo lắng, để cho thơ thới như không; bụng đặc là không theo sắc dục, nguơn khí chẳng hao, được như vậy thì thành Tiên, trường sanh bất tử.
Hớn Chung Ly nghe vậy thì mừng rỡ thưa rằng:
- Nhờ Tiên ông chỉ dạy, tôi xin lạy để làm học trò. Xin thầy cho biết tôn hiệu.
- Ta là đạo sĩ thời thượng cổ, nay đã thành Tiên, hiệu là Ðông Huê.
Nói rồi truyền cho Hớn Chung Ly phép tu luyện và dạy luôn cho Chung Ly phép chỉ đá hóa vàng,

rồi tặng cho một cây gươm thanh long chém quỉ.
Hôm sau, Hớn Chung Ly lạy thầy xin trở về nhà lo thu xếp việc nhà. Ðông Huê Chơn Nhơn chỉ đường về nhà. Khi Chung Ly ngó lại thì thấy thầy và nhà cửa đều biến mất, suy nghĩ biết là Tiên ông biến hóa để độ mình. Chung Ly Quyền tự đặt hiệu cho mình là Vân Phòng, rồi cải trang đi riết về nhà đặng thăm gia quyến.
Gia đình Chung Ly Nguyên soái hay tin thất trận và mất tích, tin tưởng là đã chết nên cả nhà than khóc để tang. Nay lại thấy Chung Ly cải trang trở về thì thất kinh mừng rỡ, hỏi thăm cớ sự. Chung Ly thuật lại đủ hết. Gia quyến mừng rỡ nói rằng: Khi mới sanh ra có điềm lành, chẳng lẽ lại thác về nghiệp dữ.
Chung Ly Quyền không dám ở nhà lâu, sợ vua hay tin bắt tội, liền ăn mặc theo Ðạo sĩ, từ giã gia quyến để đi tu, lại đến thăm anh ruột là Chung Ly Giảng, đang làm chức Lang Trung. Chung Ly Giảng ham mộ đạo đức đã lâu, nay nghe em nói, mừng rỡ bội phần, liền sắp xếp hành trang, cùng em trốn lên non tu luyện. Hai người nhắm núi Họa sơn đi tới. Dọc đường, thấy con cò trắng đang ngóng cổ, Vân Phòng nói:
- Con cò cổ dài, le le cổ ngắn, không thể nào cắt bớt mà can bổ cho bằng.

Việc đời cũng vậy, kẻ ưa danh lợi, người mến thanh nhàn.
Nhờ có gươm phép của thầy trao tặng, Vân Phòng giết được cọp tinh đang phá hại dân làng, lại thấy dân quá nghèo khổ, nên dùng phép chỉ đá hóa vàng, lấy vàng phát cho dân.
Ngày kia, Ðông Huê Chơn Nhơn tìm đến để dạy đạo thêm, truyền thêm phép tu luyện cho hai người.
Chung Ly Vân Phòng đi dạo chơi đến núi Tứ Hạo, thình lình một tiếng sấm nổ vang, núi nứt ra một cái khe. Vân Phòng thấy lạ, liền tiến vào khe, gặp một cái hộp đá có một cuốn kinh, liền lấy kinh đem ra ngoài xem thì khe núi biến mất, vách núi liền lại như cũ. Vân Phòng thầm biết là Thần Tiên đã ban kinh cho mình tu luyện,

nên càng cố công. Chẳng bao lâu thì đạt đến mức cao siêu.
Bỗng nghe tiếng nhạc vang Trời, nhìn lên thấy mây lành năm sắc, Tiên hạc bay xuống đáp trước mặt Vân Phòng, nói tiếng người rằng: "Thượng Ðế sai tôi xuống rước Vân Phòng trở về phục chức cũ ở Thượng giới,"
Vân Phòng liền đưa sách lại cho anh, dặn dò và giã từ, cỡi hạc lên Trời. Chung Ly Giảng ở lại tu theo sách đó, lâu ngày cũng thành Tiên, được Vân Phòng cỡi hạc xuống rước.

3. Lam Thể Hòa:

Lam Thể Hòa là Xích Cước Ðại Tiên đầu thai xuống trần, nên còn nhớ tánh cũ, thường mặc áo rộng xanh, buộc dây lưng đen, một chân đi đất, một chân mang giày, mùa hè mặc áo bông mà không biết nóng nực, mùa đông chỉ mặc áo chiếc mà không biết lạnh, thật lạ lùng.
Thường ngày, Ông Lam Thể Hòa hay cầm cặp sanh dài ba thước (thước Tàu), đi ra ngoài chợ, vừa ca vừa nhịp, để xin tiền bố thí. Những bài ca do Ông tự đặt ra đều có ý khuyên đời bỏ dữ theo lành. Tiền xin được, Ông cột vào dây lưng, vừa đi vừa ca, khi tiền rớt cũng không thèm ngó lại, khi lại dùng tiền nầy bố thí lại cho người nghèo khổ.
Những trẻ nhỏ có dịp thấy Ông Lam Thể Hòa, đến chừng lớp trẻ nầy lớn lên rồi già (tức là 60 hay 70 năm sau) thì vẫn gặp ông Lam giống y như thuở trước, vẫn ăn mặc như trước, vừa đi vừa ca vừa nhịp, không già như người thường.
Về sau, Lam Thể Hòa gặp Lý Thiết Quả, hai người đàm đạo trên lầu ở quận Hào Lương. Kế nghe tiếng nhạc vang Trời, đôi chim hạc từ trên không đáp xuống, rước hai vị Tiên về Thượng giới.
Khi cỡi hạc, Ông Lam bỏ cặp sanh rơi xuống đất, hóa thành ngọc, giây phút biến mất.
Trong Bát Tiên, Lam Thể Hòa có tánh thuần hậu nhứt.

 

4. Trương Quả Lão:

Trương Quả Lão gốc là một con dơi trắng hồi tạo Thiên lập Ðịa, tu luyện lâu năm, hóa hình người, sau đến núi Trung Ðiều ở Hàng Châu, học đạo với Huyễn Khưu Chơn Nhơn, làm bạn với Lý Thiết Quả.
Các ông già bà lão thuật chuyện về Trương Quả Lão:
Khi các ông bà ấy còn con nít, thì đã biết và gặp Ông Trương, thường thấy Ông cỡi con lừa trắng đi dạo khắp nơi, đặc biệt Ông ngồi ngược chiều, quay mặt ra phía sau. Ðến khi đi về tới nơi ở, Ông liền đè bẹp con lừa, biến ra lừa giấy, xếp cất vào khăn. Khi muốn đi chơi, Ông lấy lừa giấy ra, phun nước vào thì hiện ra con lừa trắng để Ông cỡi đi chơi. Khi các ông bà ấy già, vẫn gặp lại Ông Trương giống y như trước, không già hơn chút nào, thật là Ông đã đạt được phép trường sanh bất lão.
Ðến đời vua Ðường Thái Tông, vua cho triệu Ông vào triều, nhưng Ông không chịu đến.
Qua đời Võ Hậu, Bà cũng biết tiếng Ông Trương, nên cũng cho sứ giả đến triệu vào triều. Ông Trương đi được nửa đường thì chết, giây lát thây thúi hóa vòi, sứ giả phải bỏ thây lại đó mà về triều tâu lại cho Võ Hậu rõ.
Nhưng sau đó, người ta vẫn gặp Ông Trương cỡi lừa trắng đi dạo như thường.
Ðến đời Ðường Minh Hoàng, vua sai quan là Bùi Ngộ đem chiếu đến rước ông Trương, ông Trương giả chết. Bùi Ngộ thắp nhang cầu khẩn, ông Trương từ từ sống lại, nhưng không chịu đi. Bùi Ngộ không dám ép, đành trở về triều tâu lại.
Ðường Minh Hoàng lại sai hai sứ giả nữa là Dự Thông và Lư Trang Huyền, đem sắc chỉ đến rước nữa. Ông Trương thấy vua có lòng trọng vọng nên mới chịu tới, được nhà vua và bá quan kính trọng mười phần. Minh Hoàng hỏi Trương Quả Lão về chuyện Thần Tiên, Ông Trương ngồi làm thinh, nín hơi mấy bữa, không chịu nói.
Ngày kia Minh Hoàng làm tiệc đãi Trương Quả Lão, Ông từ chối, nói rằng: "Tôi không biết uống rượu, duy có học trò tôi nó uống tới một đấu."
Vua Minh Hoàng xin vời tới. Giây phút có một đạo sĩ trẻ chừng 16 tuổi từ ngoài bay vào, ra mắt nhà vua.
Trương Quả Lão nói:
- Nó là đệ tử của tôi, xin đứng hầu Bệ hạ.
Minh Hoàng thưởng cho nó một đấu rượu, nó liền uống hết. Minh Hoàng lại ép uống nữa. Trương Quả Lão nói:
- Chẳng nên cho nó uống nhiều, nếu quá chén, ắt sanh điều quái gở.
Minh Hoàng cứ ép uống rượu để xem sự thể ra sao.
Giây phút, trên đầu đệ tử hiện ra một cái quả bằng vàng, rồi người đệ tử biến mất, quả bằng vàng ở dưới đất trơ trơ, giở nắp ra thấy rượu đầy quả. Coi lại, đó là quả vàng của vua. Ai nấy đều phục phép Tiên của Trương Quả Lão.
Vua hỏi Ông Trương bao nhiêu tuổi. Ông Trương đáp:
- Tôi sanh năm Bính Tý đời vua Nghiêu.
Vua Ðường lấy làm lạ, vì thấy Ông Trương tuổi lối 70 hay 80, liền truyền lịnh cho quan coi tướng là Hình Hòa Phát coi tuổi Trương Quả Lão, nhưng coi cũng không ra.
Vua liền sai Sư Dạ Quang là người coi thấu việc quỉ thần, coi cũng không biết tướng tinh của Trương Quả Lão. Khi ấy có Ðạo sĩ Diệp Pháp Thiện, học được phép Tiên, biết việc quỉ thần, rất được Minh Hoàng yêu mến, được Minh Hoàng vời đến hỏi tướng tinh của Trương Quả Lão.
Diệp Pháp Thiện tâu rằng:
- Nếu Bệ hạ chịu cất mão cổi giày mà xin tội cho tôi với Trương Quả Lão thì tôi mới dám nói.
Vua Minh Hoàng vì tính hiếu kỳ nên ưng chịu.
Diệp Pháp Thiện tâu rằng:
- Trương Quả Lão cỡi lừa kỳ lắm, ngồi day ngược ngó ra sau, thiệt là con dơi trắng thời thượng cổ.
Nói vừa dứt lời thì Diệp Pháp Thiện bị sặc máu tươi chết liền tại chỗ. Vua Minh Hoàng kinh hãi, liền cất mão cổi hài như đã hứa, đến gặp Trương Quả Lão xin tội cho Pháp Thiện. Trương Quả Lão nói:
- Nó nhiều chuyện lắm, nếu không trị nó thì lậu cơ Trời.
Minh Hoàng cứ đứng đó năn nỉ hoài, buộc lòng Trương Quả Lão phải tha cho Pháp Thiện, đến phun nước vào mặt thì Pháp Thiện sống lại như thường.
Minh Hoàng sắc phong cho cho Trương Quả Lão là Thông Huyền Tiên Sinh, lại sai vẽ chơn dung của Ông Trương treo ở lầu Tập Hiền.
Ngày kia, Minh Hoàng đi săn, bắt được con nai tại đất Hàm Dương, truyền làm thịt đãi yến. Ông Trương can rằng:
- Nó là Tiên lộc ngàn năm, chẳng nên giết. Nguyên trước đây, vua Hớn Võ Ðế săn đặng con nai nầy, vua cho đóng đính bài trên gạt bên tả rồi thả cho đi.
Minh Hoàng truyền coi lại thì trên gạt con nai nầy có đính bài đúng như Ông Trương nói, nhưng chữ trên đính bài đã mòn. Minh Hoàng hỏi: - Từ đó đến nay bao nhiêu năm?
Trương Quả Lão đáp: - Năm Quí Hợi, Hớn Võ Ðế đào ao Côn Minh, đến nay là năm Giáp Tuất, cộng lại là 852 năm.
Vua truyền quan Thái Sử coi lại thì y số.
Sau Trương Quả Lão xin về dưỡng già. Minh Hoàng cầm không được, liền ban tặng cho một chiếc xe, một cây lụa, hai lính hầu, đưa Trương Quả Lão về Hàng Châu. Ông Trương cho một tên lính hầu về trào, chỉ giữ lại một tên, rồi hai thầy trò đi vào núi Thiên Bửu.
Ít lâu sau, Minh Hoàng lại cho triệu Trương Quả Lão. Ông bèn giả chết, tên lính hầu lo chôn cất tử tế rồi báo về triều. Mấy hôm sau đó, người ta lại thấy Trương Quả Lão cỡi lừa ngược đi dạo. Tên lính ấy lấy làm lạ, đào mộ của Ông Trương lên xem, chỉ thấy cái hòm không.
Vua Minh Hoàng hay tin, cho lập một cái miểu tại núi Thiên Bửu để thờ Trương Quả Lão.

5. Hà Tiên Cô:

Hà Tiên Cô, tên thật là Hà Tố Nữ, quê ở Quảng Châu, huyện Tăng Thành. Khi còn bé, Hà Tố Nữ có sáu cái xoáy trên đầu, ai cũng cho là kỳ. Hà Tố Nữ ở với mẹ tại khe Vân Mẫu.
Nhằm đời Ðường Võ Hậu, Hà Tố Nữ nằm chiêm bao được Thánh nhơn mách bảo nên ăn bột Vân Mẫu thì nhẹ mình chẳng thác. Hà Tố Nữ thức dậy, nhớ lại làm y lời. Bà mẹ thấy Tố Nữ đến tuổi trưởng thành nên có ý kén rể. Hà Tố Nữ nhứt định không chịu lấy chồng, chỉ muốn ở vậy nuôi mẹ.
Ngày kia, Tố Nữ đi kiếm bột Vân Mẫu thì gặp hai Tiên Lý Thiết Quả và Lam Thể Hòa đang mang giỏ Hoa Lam đi hái bông. Hai vị thấy Hà Tố Nữ gần thành Tiên, liền gọi đến, truyền cho phép tu luyện, và kêu tặng là Hà Tiên Cô.
Võ Hậu nghe đồn, cho người đến rước Hà Tiên Cô, nhưng dọc đường đi về trào, Hà Tiên Cô biến mất.
Sau quan Thứ Sử họ Cao gặp Hà Tiên Cô ở trên lầu Quảng Châu. Thứ Sử về trào tâu cho Võ Hậu rõ.
Lý Thiết Quả đến độ cả hai mẹ con Hà Tiên Cô về cảnh Bồng Lai.

6. Lữ Ðồng Tân:

Lữ Ðồng Tân, con của Thứ Sử Hải Châu, sanh ngày 14 tháng 4. Khi bà mẹ mới sanh Ông thì trong phòng mùi hương thơm phức, có hạc trắng bay vào phòng rồi biến mất. Ấy là Huê Dương Chơn Nhơn đầu thai xuống trần làm Lữ Ðồng Tân.
Lữ Ðồng Tân lớn lên, mắt phụng mày ngài, tay dài, cổ cao, mũi thẳng, xương gò má cao, chơn mày bên tả có nốt ruồi, dưới bàn chơn có chỉ như lưng qui, mình cao 8 thước 2, tánh ưa bịt khăn huê dương (bao đảnh xanh), mặc áo đạo sĩ.
Khi ấy có thầy coi tướng Mãn Tổ đến coi đoán rằng: "Người trẻ nầy tướng khác phàm tục, sau gặp chữ Lư thì đắc thời, gặp chữ Chung thì thành đạo."
Mọi người trong nhà đều nghe nhưng không hiểu gì.
Năm 20 tuổi, Lữ Ðồng Tân xưng hiệu là Thuần Dương, nên gọi là Lữ Thuần Dương, đi thi đỗ Tú Tài, tiếp theo đỗ luôn Cử Nhân, nhưng khi thi Tiến Sĩ thì rớt. Khi đến núi Lư sơn, gặp Huỳnh Long Chơn Nhơn dạy cho phép tu luyện và tặng cho một thanh gươm chém được yêu quái.
Ngày kia, Lữ Ðồng Tân đến chợ Trường An, huyện Hàm Ðan, vào quán rượu, gặp một đạo sĩ mặc áo trắng đang đề thơ trên vách ba bài thi như sau:

Ngồi đứng hằng mang rượu một bầu,
Chẳng cho cặp mắt thấy Hoàng Châu.
Dạo chơi ít kẻ tường tên họ,
Trên thế thanh nhàn muốn được đâu?

Thần Tiên tìm bạn khó không nài,
Có phước theo ta dễ mấy ai?
Ðông Hải rõ ràng nhiều động đá,
Ít người được thấy núi Bồng Lai.

Dạo chơi theo thuở, ở theo thời,
Danh lợi làm chi mắc nợ đời.
Nằm nghĩ co tay hằng đếm mãi,
Mấy ai ao ước được như lời.

Lữ Ðồng Tân thấy đạo sĩ cốt cách Thần Tiên, đề thơ thanh thoát thì cảm phục lắm, liền đến làm quen, chắp tay chào hỏi và xin Ðạo sĩ cho biết họ tên. Ðạo sĩ mời ngồi, rồi nói rằng:
- Ông hãy làm một bài thơ cho ta biết ý trước đã.
Lữ Ðồng Tân liền đọc:

Cân đai ràng buộc ý không màng,
Áo vải coi ra rất nhẹ nhàng.
Danh lợi cuộc đời chưa phỉ nguyện,
Làm tôi Thượng Ðế mới nên trang.
Ðạo sĩ nói:

- Ta là Chung Ly Vân Phòng, tu ở núi Triều Hạc, Ông có muốn đi chơi với ta không?
Ðồng Tân có vẻ lưỡng lự. Vân Phòng biết họ Lữ còn muốn đi thi Tiến Sĩ để trổ danh với đời, nên ý còn dùng dằng.
Vân Phòng muốn độ Lữ Ðồng Tân nên ngồi nấu một nồi huỳnh lương, tức là nồi bắp vàng. Trong lúc chờ cho nồi bắp chín, Vân Phòng đưa cho Lữ Ðồng Tân một cái gối, bảo nằm xuống nghỉ, còn mình thì tiếp tục chụm củi đun nồi bắp.
Ðồng Tân nằm xuống, kê đầu lên gối, giây lát chiêm bao thấy mình vác lều chõng đi thi, ngang qua nhà giàu nọ, gặp người con gái rất đẹp thì ướm lời. Nàng nói rằng: Nếu chàng thi đậu Trạng Nguyên thì thiếp nguyện nâng khăn sửa trấp.
Lữ Ðồng Tân vào khoa thi đỗ Trạng, về cưới nàng ấy, sau lại cưới thêm hầu thiếp, được vua bổ làm quan Gián Nghị, lần lần thăng lên. Sau 40 năm được vua phong tới chức Thừa Tướng, con cái đông đảo, sui gia cũng bực quan lớn, lại có cháu nội cháu ngoại. Thật là vinh sang phú quí tột bực.
Chẳng may, sau đó bị gian thần hãm hại, vu oan giá họa, vua tin lời, bắt tội, truyền tịch thâu gia sản, đày qua núi Lãnh Biển, cực khổ vô cùng. Kế giựt mình thức dậy.
Vân Phòng ngồi kế bên cười lớn, ngâm câu thơ:
Nồi bắp hãy còn ngòi,
Chiêm bao đà thấy cháu.
Lữ Ðồng Tân lấy làm lạ hỏi rằng:
- Thầy biết sự chiêm bao của tôi sao?
- Chiêm bao 50 năm, công việc cả muôn, thiệt không đầy một lát, đặng chẳng khá mừng, mất không nên thảm, hết vinh tới nhục là lẽ thường. (Do sự tích nầy mà người ta nói: Giấc Huỳnh lương, Giấc kê vàng, Giấc Hàm Ðan, là để chỉ giấc mộng của Lữ Ðồng Tân, xem vinh hoa phú quí là phù du mộng ảo).
Ðồng Tân nghe Vân Phòng nói vậy, liền tỉnh ngộ, ngẫm nghĩ thấy chán ngán cuộc đời, cầu xin Vân Phòng truyền đạo.
Vân Phòng nói:
- Việc nhà hãy chưa an, đời sau tu cũng không muộn.
Nói rồi liền bỏ đi. Lữ Ðồng Tân trở về nhà, bỏ việc công danh, lo tu tâm dưỡng tánh. Trong thời gian đó, Chung Ly Vân Phòng lần lượt bày ra 10 điều để thử tâm chí của Lữ Ðồng Tân. Vân Phòng rất hài lòng về người đệ tử nầy, nói:
- Ta đã thử 10 điều, khen ngươi bền chí, đáng được truyền đạo trường sanh. Song ngươi chưa có công quả bao nhiêu, nên ta rước gấp chưa được. Nay ta dạy ngươi phép chỉ đá hóa vàng, ngươi cứu đời cho có công quả, rồi ta sẽ rước ngươi về Thượng giới.
Lữ Ðồng Tân thưa rằng:
- Vàng ấy chừng bao lâu mới phai?
- Cách 3000 năm mới trổ.
Lữ Ðồng Tân châu mày thưa rằng:
- Như vậy thì cứu người nghèo bây giờ mà lại làm hại những kẻ 3000 năm sau nhiều lắm, thiệt tôi chẳng nỡ.
Vân Phòng khen:
- Lòng ngươi nhơn đức 10 phần, truyền đạo bây giờ cũng đặng.
Nói rồi dắt Lữ Ðồng Tân về núi Triều Hạc, và sau đó truyền hết các phép tu luyện cho Lữ.
Một ngày nọ, Vân Phòng gọi Lữ Ðồng Tân nói:
- Ta sắp lên chầu Thượng Ðế, sẽ tâu xin đem tên ngươi vào sổ Tiên. Cách 10 năm nữa, đến gặp ta tại Ðộng Ðình Hồ.
Xảy có một vị Tiên cỡi hạc bay đến nói:
- Có chiếu chỉ của Ðức Thượng Ðế phong Vân Phòng làm chức Kim Khuyết Thượng Tiên. Hãy mau lên lãnh sắc.
Vân Phòng liền từ giã Lữ Ðồng Tân rồi bay lên mây. Lữ Ðồng Tân vẫn ở núi Triều Hạc để tu và lập công quả.
Ngày nọ, Lữ Ðồng Tân đến sông Giang Hoài, được biết có một con giao thành tinh, phá hại dân chúng. Ðã có nhiều đạo sĩ đến trị nó không nổi. Lữ Ðồng Tân biết mình có gươm phép của Huỳnh Long Chơn Nhơn ban cho, chắc trừ nó đặng, nên nói với quan Phủ để mình lãnh cho.
Nói rồi, rút gươm phép ra, miệng niệm Thần chú, phóng gươm xuống sông Giang Hoài, giây phút thấy nước sông nổi sóng, máu tươi vọt lên thắm đỏ dòng sông, con giao long bị chém đứt họng nổi lên. Gươm linh nầy chém xong lại trở vô vỏ. Quan Phủ rất mừng, tặng cho Lữ vàng bạc để đền ơn, nhưng họ Lữ không nhận.
Lữ Ðồng Tân đi qua Châu Nhạc Dương, bố thí thuốc chữa bịnh, và tìm người lành độ dẫn tu hành. Kế tới ngày hẹn với Chung Ly, Lữ Ðồng Tân sắp đặt để đi đến Ðộng Ðình Hồ đón Vân Phòng và cùng Vân Phòng đi độ Hàn Tương Tử.

 7. Hàn Tương Tử:

Hàn Tương Tử sanh nhằm đời Ðường, cháu ruột của Hàn Dũ, kêu Hàn Dũ bằng chú. Thuở nhỏ, Hàn Dũ ép cháu học Nho để tiến thân trên đường làm quan nhưng Hàn Tương Tử không chịu nên nói:
- Chú mộ công danh phú quí, cháu mộ đạo Thần Tiên.
Vì vậy, Hàn Tương Tử thường lo tu tâm dưỡng tánh.
Ngày nọ, Hàn Tương Tử gặp Chung Ly và Lữ Ðồng Tân. Ba người dắt lên non hái đào chín. Chung Ly biết Hàn Tương Tử sắp thành Tiên, liền kêu Hàn leo lên cây hái đào chín, nhánh đào gãy, Hàn Tương Tử té xuống bỏ xác thành Tiên, theo Hớn Chung Ly và Lữ Ðồng Tân lên ở núi Bồng Lai.
Hàn Tương Tử có ý muốn độ chú mình là Hàn Dũ. Năm ấy, Trời hạn hán, Hàn Dũ vâng lịnh vua cầu mưa nhưng không linh. Bỗng nghe một đạo sĩ (do Hàn Tương Tử biến hóa ra) rao lên rằng:
- Ai muốn mua mưa tuyết, ta bán cho.
Hàn Dũ liền rước vào yêu cầu đạo sĩ cầu mưa, giây phút mưa xuống ngập đồng, tuyết sa chất ngất. Hàn Dũ nói:
- Không chắc ai đảo võ mà đặng mưa tuyết nầy. Ta cầu đã nửa ngày rồi, có khi kết quả chậm một chút.
Ðạo sĩ nói:
- Mưa tuyết do tôi cầu cao 3 thước 3 tấc.
Hàn Dũ đo lại, đúng y như lời đạo sĩ, mới tin đạo sĩ là Thần Tiên có phép mầu.
Ðến ngày Hàn Dũ ăn lễ sinh nhựt, Hàn Tương Tử đến chúc thọ chú. Hàn Dũ thấy vậy, nửa mừng nửa giận hỏi:
- Bấy lâu nay ngươi theo học đạo Thần Tiên thế nào? Làm một bài thơ nghe thử.

Hàn Tương Tử ngâm rằng:
Ðã quyết chí tu trì, Thành Tiên chẳng khó chi,
Mây xanh hằng cỡi hạc, Ðộng đá cứ ngâm thi.
Ðặt rượu trong giây phút, Trồng hoa nở tức thì.
Lâu dài ngàn tuổi thọ, Ðiều độ kẻ tương tri.

Hàn Dũ nói:

- Ngươi cướp quyền Tạo Hóa đặng sao? Hãy đặt rượu và trồng hoa xem thử.

Hàn Tương Tử bảo đem một cái ché không, đặt giữa bàn, lấy mâm đậy lại, trong giây phút, rượu ngon đầy ché. Rồi Hàn ra trước sân, đào đất vun đống, tức thì mọc lên một cây hoa mẫu đơn nở bông rất lớn, giữa bông có hiện ra hàng chữ:
Vân hoành Tần lãnh gia hà tại,
Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền.
Hàn Dũ đọc rồi ngẫm nghĩ mãi mà không hiểu ý gì, liền hỏi Hàn Tương Tử. Hàn Tương Tử đáp rằng:
- Ngày sau chú sẽ biết, bây giờ không dám lậu Cơ Trời.
Ai nấy trong bàn tiệc đều lấy làm lạ kỳ. Mãn tiệc, Hàn Tương Tử từ giã về núi.
Lúc ấy nhằm đời vua Ðường Hiến Tông, bên Tây Trúc đem dâng tượng Phật, vua muốn rước vào cung để thờ. Bá quan không ai dám can gián. Hàn Dũ thấy vậy liền dâng sớ can vua:
- Từ Tam Hoàng Ngũ Ðế đến vua Võ vua Thang, vua Văn Vương, chưa có Ðạo Phật thì thiên hạ thái bình. Ðến đời Hớn, vua Minh Ðế đem Ðạo Phật vào Trung Nguyên thì nhà Hớn chẳng lâu dài. Sau qua đời Lương Võ Ðế, vua rước Phật về thờ phượng hết lòng, nhưng vua bị Hầu Kiển vây khổn, phải chết đói tại Ðài Thành, sao Phật không cứu? Như thế chẳng nên tin Phật. Xin Bệ hạ đãi bọn Tây Vức rồi truyền đem tượng Phật ném xuống sông hay quăng

vào lửa mà hủy đi kẻo thiên hạ mê lầm.
Ðường Hiến Tông xem sớ xong thì nổi giận, truyền lột chức Hàn Dũ và đày ra Triều Châu tức thì.
Hàn Dũ bị dẫn đi đày, đến một nơi hoang vắng, chẳng có nhà cửa người ở, mây giăng chót núi mịt mù, tuyết rơi bít lối. Chợt thấy phía trước có một đạo sĩ đang quét tuyết dọn đường, nhìn kỹ lại là Hàn Tương Tử. Hàn Dũ mừng rỡ hỏi:
Xứ nầy là chốn nào?
Hàn Tương Tử đáp:
Ðây là Ải Lam quan, núi nầy là Tần lãnh.
Hàn Dũ nhớ lại hai câu thơ trong hoa mẫu đơn thì than:
Như vậy, số Trời đã định, chạy sao cho khỏi.
Từ đó, Hàn Dũ mới tin Trời và trọng Ðạo. Ðêm ấy, chú cháu bàn chuyện đạo đức đến khuya. Rạng ngày, Hàn
Tương Tử tặng cho chú một hoàn thuốc, rồi dặn chú:
- Chú uống một hoàn thuốc Tiên nầy thì khỏi sanh các bịnh. Không bao lâu, ở Triều Châu có sấu nổi lên phá hại, chú đặt văn tế đưa nó phải đi, kế đặng phục chức trở về triều. Sau đó, cháu sẽ về độ chú, truyền cho phép tu luyện.
Nói rồi, Hàn Tương Tử từ giã chú trở về cung Tiên.

8. Tào Quốc Cựu:

Tại núi Bồng Lai, trong lúc ăn tiệc, uống rượu quỳnh tương, Lý Thiết Quả nói:
- Tại Bồng Lai có 8 động đá, mà anh em ta có 7 người, phải rán độ thêm một vị nữa. Ta nhắm em của Tào Thái Hậu là Tào Quốc Cựu có khí tượng Thần Tiên, cũng nên độ kẻo uổng.
Hớn Chung Ly thưa rằng:
- Ðể tôi xuống coi thử, nếu thực vậy thì tôi lo điều độ.
Nói về Tào Quốc Cựu, tên thật là Tào Hữu, em ruột của Tào Thái Hậu, đời vua Tống. Tào Hữu có một người em ruột là Tào Nhị, ỷ thế của anh và chị, lập phe đảng hại dân, bắt hiếp gái lành, sang đoạt tài sản. Tào Hữu rất giận, thường la mắng Tào Nhị, nhưng Tào Nhị vẫn chứng nào tật nấy, lại đem lòng oán trách.
Tào Hữu thường than rằng: Chứa lành có phước, chứa dữ mang họa. Em mình làm dữ mười phần, lẽ nào không bị hại, tuy qua đặng dương pháp, chớ chạy sao khỏi luật Trời. Nếu tai họa tới thì mình phải tội liên can, chi bằng nên lánh trước kẻo nhơ danh và mắc nạn.
Suy nghĩ rồi, liền bán hết tài sản, đem tất cả tiền thâu được bố thí cho dân nghèo, rồi mặc áo quần đạo sĩ đi lên núi, tìm chỗ thanh vắng để tu hành. Qua được vài năm thì Hớn Chung Ly và Lữ Ðồng Tân tìm đến gặp mặt, hỏi rằng:
- Ông tu luyện ra sao?
- Lòng mộ đạo Thần Tiên thì lánh việc trần, chớ tôi không biết phép tu luyện chi hết.
Hai Tiên liền hỏi tiếp: - Ðạo ở đâu mà mộ?
Tào Quốc Cựu chỉ Trời.
- Trời ở đâu?
Tào Quốc Cựu chỉ vào trái tim.
Hớn Chung Ly nói: - Tâm là Trời, Trời là đạo. Ông đã biết rõ cội rễ, tu chắc thành Tiên.
Nói rồi, liền đưa Tào Quốc Cựu về núi Bồng Lai.
Từ đây về sau, núi Bồng Lai có đủ Bát Tiên ở trong 8 động, tiêu diêu nhàn lạc vô cùng.

Ngày kia, Hà Tiên Cô nói với bảy Tiên rằng:
- Lẽ thường, Tiên Ông mới thành thì ra mắt Ðông Vương Công, còn Tiên Nữ mới thành thì ra mắt Tây Vương Mẫu. Kỳ trước, sanh nhựt của Ðông Vương Công, Tiên Nữ cũng đi chúc thọ. Nay gần đến sanh nhựt của Ðức Tây Vương Mẫu, bảy Ông tính đi chúc thọ không?
Hớn Chung Ly và Lam Thể Hòa đồng nói:
- Tây Vương Mẫu không cai trị chúng ta, song Bà là vị làm đầu Tiên Nữ, các Thần Tiên đều phó hội, lẽ nào chúng ta không đi, ngặt chẳng có vật chi báu để dâng lễ Chúc thọ. Trương Quả Lão nói:
- Tây Vương Mẫu ở Cung Diêu Trì thiếu chi vật báu, chúng ta đặt văn chúc thọ mà khánh hạ thì hay hơn.
Lý Thiết Quả khen phải. Lữ Ðồng Tân nói:
- Văn của chúng ta cũng tầm thường, ước đặng văn của Lão Quân thì mới xứng đáng.
Hà Tiên Cô nói:
- Thái Thượng Lão Quân hậu đãi Lý Tiên Trưởng lắm, nếu Lý Tiên Trưởng cầu Ngài chắc đặng.
Lý Thiết Quả nói:
- Phải, song việc đông người mà đi một mình ta thì thất lễ. Vậy thì tám anh em ta cùng đi đến mà cầu Lão Quân.
Nói rồi, Bát Tiên đồng đằng vân qua Cung Ðâu Suất. Ðức Lão Quân tiếp Bát Tiên, mời vào Cung, nói:
- Thuở nay, nhà Nho hay học sách của ta như Ðạo Ðức Kinh, Kinh Cảm Ứng, song dùng cho thông ý tứ mà làm văn, chớ chẳng bắt chước theo lời dạy bảo. Lại có kẻ kiêu ngạo, chê Phật, chê Lão, nên ta chẳng đặt sách chi thêm nữa mà dạy đời.
Lý Thiết Quả thấy Lão Quân có sắc buồn, nhưng cũng rán cầu xin đặt bài chúc thọ Vương Mẫu. Lão Quân cười nói:
- Ta ít ưa việc ấy, vì nhiều người làm không đặng mà lại hay chê. Song tám vị cầu ta, ta đặt giúp cho một bài từ cũng đủ.
Lão Quân nói xong, liền viết một bài, đưa cho Bát Tiên xem thử. Ai nấy đều khen ngợi vô cùng. Bát Tiên từ tạ lui ra, đến cậy Chức Nữ làm trục bằng gấm, dán chữ sáng như sao, rồi đem đi chúc thọ. Bát Tiên đến Hội Bàn Ðào chúc thọ Tây Vương Mẫu, thấy các Thần Tiên đến đông lắm. Bát Tiên dâng bức trướng chúc thọ. Tây Vương Mẫu khen văn đặt rất hay.
Sau khi mãn tiệc, các Thần Tiên đều về hết, Bát Tiên còn lưu lại. Tây Vương Mẫu gọi bốn nàng thị nữ đến bảo rằng:
- Ðổng Song Thành, Vương Tử Phá, Hứa Phi Yến, An Phát Trinh, bốn người từ khi ca múa tại Hoa Ðiện của vua Hớn Võ Ðế đến nay cũng đã khá lâu, bây giờ hãy thổi sáo và đờn ca cho Bát Tiên uống rượu.
Bốn nàng vâng lời. Lam Thể Hòa khen hay, rót rượu dâng lên Tây Vương Mẫu. Vương Mẫu nói:
- Nghe tiếng Lam Tiên ca hay, nên trình nghề chung vui.
Lam Thể Hòa vâng lời, lấy cặp sanh ra, vừa nhịp vừa ca. Ai nấy đều khen và cười ngất. Tây Vương Mẫu thưởng cho rượu và đào. Lam Thể Hòa nói:
- Hàn Tương Tử thổi sáo hay lắm.
Tây Vương Mẫu bảo thử. Hàn Tương Tử vâng lời. Tây Vương Mẫu nghe xong, khen hay, bảo:
- Bản ấy rất hay, An Phát Trinh phải nhớ mà tập.
Tiệc xong, Bát Tiên từ tạ. Tây Vương Mẫu truyền đưa Bát Tiên đến chơn mây.
Bát Tiên thấy sóng biển Ðông cao lắm. Ðồng Tân nói:
- Thuở nay nghe đồn Ðông hải mà chưa đến xem phong cảnh thế nào. Sẵn dịp nầy, chúng ta nên xem qua một chuyến.
Lý Thiết Quả nói phải. Trương Quả Lão can rằng:
- Bữa nay chúngta uống nhiều rượu say rồi, để khi khác.
Hớn Chung Ly nói:
- Sẵn dịp nầy chẳng đi dạo, còn đợi dịp nào?
Bát Tiên đồng đi đến mé biển. Lữ Ðồng Tân nói:
- Nay đằng vân quá hải, không lấy làm tài, chi bằng mỗi người thả một phép xuống biển,

cỡi qua tới mé bên kia mới thiệt thần thông.
Lý Thiết Quả quăng gậy xuống nổi lên mặt nước, rồi nhảy xuống đứng một chân trên gậy.
Hớn Chung Ly ném Phất chủ xuống biển và nhảy xuống đứng trên Phất chủ.
Trương Quả Lão thả Lừa giấy, Lữ Ðồng Tân thả Ống tiêu, Lam Thể Hòa thả Ngọc bản, Hàn Tương Tử thả giỏ Hoa lam, Tào Quốc Cựu thả Thủ quyển, Hà Tiên Cô thả Bông sen.
Tất cả Bát Tiên đều đứng trên bửu pháp của mình, giống như đứng trên thuyền, đồng vượt qua Ðông hải.
  (Hết) 

Thư Viện 1      4   5