NHẮN VỀ HỘI THÁNH

THÁNH THẤT BÌNH HÒA (Gia Định)

Tuất thời 26 tháng Chạp Đinh Mùi (25-1-1968)

THI:

Chợt nhìn Đông cuối kế Xuân sang,

Tiểu Thánh nương cơ lịnh báo đàn;

Cho tiết Xuân lai hành Đạo sự,

Cho chư phận sự ở Cơ Quan.

      THANH-MINH ĐỒNG-TỬ, Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng, chào chư liệt vị đàn tiền.

      Tiểu Thánh báo đàn, có Đức Tiền Bối giáng cơ, chư liệt vị thành tâm nghinh tiếp, Tiểu Thánh xin chúc chư liệt vị sang mùa Xuân mới được thọ hưởng đều đủ Thiên ân trên bước đường thế Thiên hành hóa.

      Tiểu Thánh xin chào chung, phục hồi chầu lịnh, thăng...

      (Tiếp điển:)

THI:

Xuân về lòng Đạo nổi hân hoan,

Nhìn thấy đàn em bước đạo tràng;

Đã mở cõi lòng ra tiếp đón,

Bao luồng gió mới tiết Xuân sang.

      ĐỆ TAM GIÁO-TÔNG Nguyễn Ngọc Tương, Tiên Huynh chào mừng chư Thiên mạng, mừng các em.

      Nhân tiết Xuân về, chúng Tiên Huynh thỉnh lịnh Chí Tôn giáng trần để thăm viếng đoàn hướng đạo và các em trong mối tình thâm cảm đậm đà tha thiết vì đạo nghĩa. Tiên Huynh mừng mà thấy đoàn hướng đạo và các em đã nêu cao tình thương cao cả.

      (Tiếp điển:)

THI:

Ngô đồng dành để đón chim khôn,

Văn sĩ minh tâm khéo giữ hồn;

Trong kiếp phù sanh nơi giả tạm,

Tìm đường chơn trở lại Côn Lôn.

      ĐỆ NHỨT GIÁO-TÔNG Ngô Minh Chiêu, Bần Đạo mừng đoàn hướng đạo, mừng các em nam nữ.

      Như đã bao lần Thiêng Liêng nhắc nhở, nhân tiết Xuân về Bần Đạo chỉ lập lại lời đã dạy, làm món quà xuân các em để kỷ niệm. Đó là phương pháp Tu Thân.

      Tu thân có hai cách chuyển tiếp nối nhau:

      1) là tu công tu phước để vun bồi nền âm chất, làm đà vững chắc cho giai đoạn chuyển tiếp đỡ phần khảo đảo.

      2) là tu huệ. Có tu huệ, luyện nội tâm, khai khiếu huyền quang, để rời bỏ mọi ràng buộc hồng trần giả tạm, về hiệp nhứt cùng Thầy.

      Muốn được một kiếp trở lại quê xưa, phải song tu mới được. Thiệt là khó khăn vô cùng, nhưng không phải khó mà không thể làm được. Hẹn còn ngày tái ngộ, xin nhường bút...

      (Tiếp điển:)

THI:

Chạnh nhìn cảnh cũ đã chia ba,

Xót bầy lòng đây rát ruột rà;

Muốn trở về nguồn tua bước tắt,

Chớ đừng viễn vọng lúc đàng xa.

      ĐỆ TỨ GIÁO-TÔNG Nguyễn Bữu Tài, Tiên Huynh mừng chư hướng đạo, chư hiền đệ hiền muội.

      Một năm qua, bước đường hành đạo của chư hiền đệ muội và các em có phần tiến triển khả quan. Tiên Huynh vừa chợt mừng chưa hết, rồi nhớ lại nơi Hội Thánh Tiên Thiên, không dấu được nỗi lòng buồn tủi. Tiên Huynh mong rằng mọi việc đều tốt đẹp vẫn còn ghi để và xem đó làm mẫu mực cho thế hệ ngày sau. Còn những gì đen tối đau buồn, hãy trả nó về cho dĩ vãng.

      Tiên Huynh xin mượn những dòng sau đây gởi về thăm các cấp Chức Sắc, chức việc nơi Hội Thánh Tiên Thiên. Dầu nơi này hoặc nơi khác, hãy nhớ tinh thần qui nguyên hiệp nhứt là con đường rất ngắn trở lại cùng Thượng Đế Chí Tôn. Hãy đặt đại cuộc đạo nghĩa lên trên mọi cá tánh, mọi thất tình, để làm sáng tỏ danh Thầy, danh Đạo.

      Tiên Huynh hẹn còn dịp khác, xin nhường bút...

      (Tiếp điển:)

THI:

Xác phàm tuy mất, khí Thiên còn,

Nỗi đạo nỗi đời nỗi nước non;

Có gặp lửa hồng vàng biết giá,

Tử sanh cũng giữ đạo vuông tròn.

      LIỄU-TÂM CHƠN-NHƠN Hoàng Ngọc Trác, chào chư Thiên mạng, Tệ Hữu xin mời chư hiền hữu và các em an tọa.

      Đông đã tàn, Xuân sắp đến, đã gieo vào lòng người bao niềm hy vọng tin tưởng rằng mùa xuân, ngọn gió lành sẽ đưa chim hòa bình mang về cho mọi người trong thanh bình an lạc, cho đây đó hiệp vầy, cho người người đồng thương nhau như tình ruột thịt. Đó là quan niệm và ước vọng đại đa số của người nhân thế.

      Còn người hướng đạo phải thấy xa hơn, hiểu xa hơn. Chớ nên chú trọng vào Xuân cảnh mà phải chú trọng vào cái Xuân tâm, vì Xuân cảnh là một thời tiết đổi thay trong máy tuần hoàn của Tạo Vật. Xuân cảnh là tạm ngừng nghỉ một mùa đông gió rét, để làm lại, sắp xếp lại cho tiết đầu năm, rồi cũng hết Xuân, chuyển lần qua Hạ, Thu, Đông, luân chuyển xoay vần trong cái thiên luân, trong vòng lẩn quẩn. Hết nhân rồi quả, hết quả rồi lại nhân. Hỏi người đời mấy ai hưởng được một mùa Xuân bất tận, mà tránh khỏi Hạ về thiêu đốt, Đông đến cắt thịt se da.

      Tuồng đời ấm lạnh thăng trầm vui buồn hưng thạnh suy vong là thế. Người tu hành cần phải hướng về cái tâm Xuân.

      Tâm xuân là giải thoát mọi ràng buộc, mọi ảnh hưởng bên ngoài biến chuyển: có Xuân tâm, con người mới giải thoát vô ngã, vô chấp, khoan dung, tha thứ. Có Xuân tâm, con người mới có tình thương ở tự đáy lòng, đem ra chan hòa cho muôn người, cho vạn vật. Có tâm xuân mới có thể dẫn dắt dân tộc này ra khỏi cảnh tiêu trầm, hướng dẫn nhân loại tránh khỏi nạn diệt vong.

      Cái Xuân tâm ấy là CAO-ĐÀI ĐẠI-ĐẠO, mà dân tộc này đã được THƯỢNG-ĐẾ bố ban. Cái của quí vô giá đó chỉ chờ nơi lòng Xuân của người đời làm cho nó sáng lên, gióng cho nó vang lên, bày cho nó tỏ rạng lên.

      Vì nuôi dưỡng cái Xuân tâm ấy, lúc sinh thời, Tệ Hữu thường nghiềm ngẫn câu nhựt tụng sau đây: “Cao Đài vị xuất thế, ngũ châu tuy đại ngã vô gia”, xin tạm dịch là:

Cao Đài nếu chẳng ra đời,

Năm châu tuy rộng, ta người vô gia.

      Nhân dịp Xuân về, Tệ Hữu rất hân hoan viếng thăm chư cố hữu và đoàn hướng đạo, chẳng biết chi đền đáp mối tình tái ngộ đó, Tệ Hữu xin đem câu nhựt tụng đó làm món quà Xuân cho chư hiền hữu. Một dịp khác rộng thì giờ, sẽ đàm đạo thêm về giáo lý cũng như sứ mạng của Trung Hưng. Xin nhường bút...

      (Tiếp điển:)

THI:

Những việc từ xưa đã sắp bày,

Nhưng chưa tiện nói để ai hay;

Trớ trêu con Tạo chia đôi ngả,

Đạo nghiệp linh đinh đến nỗi này.

      HỘ-PHÁP Phạm Công Tắc, Bần Đạo chào mừng chư hướng đạo, chư hiền đệ hiền muội. Xin mời an tọa.

      Một giờ hội ngộ, tình nghĩa trọn năm. Bần Đạo vui mừng thấy chư hướng đạo và các em đã làm được những gì cho sáng danh Thầy danh Đạo.

      Nhớ lại buổi sinh thời, từ khi được Thượng Đế Chí Tôn ân ban cho sứ mạng, Bần Đạo trong mấy mươi năm chỉ mới tạo được một Thánh Thể Chí Tôn là Tòa Thánh. Còn mọi sự khác đã sắp bày nhưng chưa kịp thực hiện.

      Phần truyền giáo, Bần Đạo cùng Cao Thượng Phẩm đã lãnh lịnh CHÍ-TÔN, nhưng bao nhiêu sứ mạng đã sắp bày, bao nhiêu kế hoạch đã đặt sẵn, chỉ chờ thời gian tuần tự tiến hành. Nhưng than ôi! Lòng người thì vậy, mà thời cơ chưa được vậy! Phần hành chánh tổ chức guồng máy lãnh đạo nhơn sanh chỉ được ngần ấy, còn phần giáo lý thì chẳng có chi. Cơ Đạo lúc bây giờ luôn luôn ứng phó xoay trở với bao nhiêu áp lực bên ngoài đưa đến. Dầu tài cán đến bực nào cũng không làm sao tiến hành cho kịp lúc. Có những điều chưa tiện nói cho Hội Thánh được biết, việc ấy mãi đến ngày nay cũng chưa được cùng ai tỏ bày tâm sự, mà đó là điều tai hại vô cùng. Đó là mầm trở ngại cho bước tiến của Đạo ngày nay.

      Có một độ nào, Bần Đạo đã nói với hiền hữu Huệ Lương rằng: chưa có ngày giờ để tu học huyền pháp, nhưng đã là sứ mạng do Chí Tôn sắp định, thì sớm muộn gì ắt cũng an bài, và mọi việc sau này sẽ còn nhiều người kế tiếp.

      Chính vì nguyện vọng đó nên ngày Đại Hội Khánh Thành Toà Thánh Tây Ninh, Bần Đạo đã công bố trước đại hội nhơn sanh rằng Bần Đạo là người trụ trì, người giữ chùa, người giữ quyền pháp đạo luật cho tất cả nhơn sanh, còn việc phát huy chính nghĩa, phổ truyền chánh giáo là do đoàn hướng đạo ở hậu lai kế tiếp.

      Ngày nay, Bần đạo có một điều hết sức buồn thương là danh Đạo đã sáng, thế đạo đã mở, nhưng tâm đạo còn quá lu mờ. Do đó, đã nảy sanh vì thế lực, vì quyền hành, v.v... đã làm những chướng ngại ngăn chận bước tiến của cơ Đạo.

      Ngày xưa, nơi binh thơ, Tôn Tử đã mở đầu một câu: “Công tâm vi thượng, công thành thứ chi”.

      Đó là nhà nho cách mạng, còn hàng hướng đạo nở lại để thua sao?

      Mọi việc đều ở lòng người, mà lòng người là nhơn tâm. Nhơn tâm là Tòa Thánh, là Thánh Thất, là nhơn sanh, là Đạo nghiệp.

      Muốn được nhơn tâm, phải tu luyện cho mình cái đắc nhân tâm, mới là thành công vậy. Mà nhơn tâm cũng đồng nghĩa với Tâm Xuân vừa rồi Liễu-Tâm Chơn-Nhơn đã đề cập đến.

      Mùa xuân này, Bần Đạo gởi lời về thăm các hàng Giáo Phẩm lưỡng đài nơi Toà Thánh Tây Ninh. Cầu xin Từ Phụ chan rưới ân lành cho mỗi gia đình, mỗi lòng người đều nảy nở hai chữ Tâm Xuân.

      Hẹn còn dịp khác sẽ luận bàn nhiều hơn. Xin nhường bút...

      (Tiếp điển:)

THI:

Nữ cũng như nam gánh đạo Trời,

Công nào quả nấy hưởng ai ơi!

Nữ Chung Hòa phái chen chân bước,

Thánh Mẫu Chị khen chẳng tiếc lời.

      LIÊN-HOA THÁNH-MẪU Lê Ngọc Trinh chào mừng chư Thiên Mạng, mừng chư huynh tỷ đệ muội đàn tiền. Chị mừng các em Nữ Chung Hòa.

      Đạo nghiệp Nữ Chung Hòa Chị lãnh sứ mạng ngày kia dang dở. Cái danh từ ấy cơ hồ như bị quên lãng lấp vùi dưới lớp bụi của thời gian. Ngày nay, Chị thấy các em đã nhớ đến nó, đem nó lên, lau chùi sạch sẽ và tưng tiu đem nó khoe với mọi người.

      Các em ơi! Thật là một dịp may mắn, các em chấp sự đã được Thường Vụ Cơ Quan nâng đỡ, vì Cơ Quan là những động năng thúc đẩy nâng đỡ tá trợ cho các em ngày kia sẽ thành hình vững chắc, khỏi e ngại bị một quyền lực nào thống trị.

      Các em hãy vui lên, theo đà mà tiến, vì còn nhân sanh đau khổ, còn lòng đạo chia ly, là sứ mạng Nữ Chung Hòa vẫn còn gánh nặng, hàn gắn bổ khuyết những điều ấy.

      Đạo là của vạn loại, không riêng của một ai, mà công quả từng cá nhân bao nhiêu sẽ được hưởng phần bấy nhiêu.

      Mùa Xuân về, Chị mừng và cầu chúc các em được vui vẻ, thương yêu, dìu dẫn nhau, lấy tình thương lấp những hố chia rẽ, là những chướng ngại đã cản trở bước đường các em từ mười mấy năm qua. Hẹn còn ngày tái ngộ, xin nhường bút...

      (Tiếp điển:)

THI:

Gởi bạn trần gian một tấm lòng,

Giữa cơn gió rét của tàn Đông;

Nung bầu nhiệt huyết khi Xuân đến,

Đạo nghiệp chờ Xuân sưởi ấm lòng.

      Cao Triều Phát, Tiên Huynh mừng chư Thiên mạng, mừng các em, cả Thanh Thiếu Niên nam nữ.

      Tiên Huynh đến với các em trong lúc cuối đông, để cùng các em kiểm điểm lại những quá trình hành Đạo đã qua, ngõ hầu sắp xếp lại, ghi lại, bổ túc lại những ưu và khuyết. Tiên Huynh mời các em an tọa.

      Hỡi các em! Năm cùng tháng tận, Tiên Huynh cùng các em ôn lại những bước đường dĩ vãng, ngõ hầu hoạch định cho bước tiến ở tương lai,

      Thấm thoát mấy mươi mùa Xuân đã trôi qua, mấy vạn thiều quang vắng bóng, nhìn lại cơ Đạo ngày nay, các em nhìn thấy những gì? Kho tàng Đại Đạo của một thời dĩ vãng còn để lại những chi?

      Hỡi các em! Đành rằng dĩ vãng hãy xếp lại, hiện tại phải bày ra, và tương lại là vấn đề quyết định. Đành rằng không một dĩ vãng nào mà không đau buồn, không một kỷ niệm nào mà không nuối tiếc, nhưng việc tiến hóa phải luôn luôn là điều luận cổ suy kim. Hãy tìm trong đó để rút ưu bỏ khuyết.

      Nhìn thời gian dài vô tận, cuộc tuần hoàn mãi mãi chuyển luân. Hết Hạ sang Thu, Đông tàn, Xuân đến. Tất cả đều là những chu kỳ lập lại. Chính vì thế mà vô thủy vô chung trường lưu bất tận.

      Đạo cũng thế. Từ khi Đạo khai, thì trước đó Đạo cũng vẫn có và Đạo vẫn còn. Người hành Đạo phải ý thức rằng Đạo luôn luôn vô cùng bất diệt.

      Hơn bốn mươi Xuân qua, hồi tưởng lại khi Đại Đạo mới sơ khai, trước đó có những gì? Và sau đó đã làm được việc chi?

      Đấng Thượng Đế Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng mở Đạo bình phục lòng người hướng vào nẻo thiện, hòa mình trong ánh sáng thiên nhiên. Từ lòng người đã hòa, đã cùng hướng vào một mục đích, mà thể hiện vào cụ thể hình thức xây dựng các ngôi Thánh Đường uy nghi trang trọng, rực rỡ huy hoàng. Sau các phần xây dựng qui mô đó, là những chương trình hoằng Đạo và phổ độ.

      Các em hãy nhìn ra những làn sóng trên mặt đại dương, hết lượn này tiếp nối theo lượn khác. Cuộc đời cũng thế, hết Hạ sang Xuân, hết Xuân sang Hạ. Người hành Đạo phải ý thức rằng Đạo không lập lại để tiến hóa hơn thì Đạo sẽ tiêu tàn.

      Nếu những ai còn say ngủ mà ước vọng ôm choàng cơ Đạo vào cuộc đời hữu hạn của mình, chẳng khác chi trồng cây bá cây tòng trên bàn tay, thì hậu quả sẽ gặp bao nhiêu điều trở ngại trên con đường Đạo lý và sẽ chết dần trong cái mộng ảo của phạm vi chật hẹp.

      Tất cả những sự tầm thường ở trong đời đều có khai, có bế, có sanh, có diệt. Không cuộc tiệc nào mà không tàn, không màn hát nào mà không vãn. Nhưng trái lại, Đạo lý đã vượt qua cái tầm thường ấy rồi.

      Tiết Xuân đã về với mùa Đông, còn khí lạnh giá buốt. Tiên Huynh đến nói với các em như vậy để các em suy gẫm mọi thời gian cụ thể đầu có chặng có khúc. Nhưng thật ra, thời gian thực sự vẫn chan hòa, không chia cắt được. Đừng bảo rằng cuối tháng chạp là cuối Đông, đầu tháng giêng mới là mùa Xuân bắt đầu. Người hành đạo đừng định lệ năm tháng với trách nhiệm người tu hành. Các em hãy bắt đầu tiến tới và nhắm ở thụt lùi. Hãy bắt đầu sáng tạo và ý thức lập lại.

      Nhân tâm là mảnh đất vạn năng, mà bất cứ vấn đề nào trên cuộc đời này đều là cây cỏ. Tôn giáo cũng là một cổ thụ như bao nhiêu cổ thụ khác. Nếu dưới không rễ ăn sâu, không phù sa màu mỡ, trên không đơm hoa kết quả, thì trăm năm nữa, ngàn năm nữa, cũng không thành khu rừng trăm hoa muôn sắc được.

      Giai đoạn đầu, và cũng là giai đoạn luôn luôn phải kiểm chứng nhân hòa. Đừng bảo phải nhân hòa lúc này mà không nhân hòa lúc khác. Có dòng nước nào khoảng cách mà chảy được. Có cội cây nào lúc hút phân lúc không bao giờ.

      Tiên Huynh muốn trao cho các em vấn đề cuối năm và cũng là đầu năm là “NHÂN HÒA”.

      Một giọt nước không làm thủng một viên đá, nhưng nếu giọt này chồng lên giọt khác, cho tới một khi nào đó, sẽ xô tường ngăn cách, đổ núi chướng ngại. Không gì làm không được.

      Một luồng gió thổi qua, xoa dịu nhẹ nhàng, nhưng nếu luồng gió này hợp với luồng gió khác, âu là những trận dông mạnh quét sạch bợn từ lâu.

      Tiên Huynh muốn các em cũng vậy. Hãy là nước và hãy là gió. Lúc dịu hiền phải dịu hiền hơn tất cả, lúc uy nghiêm phải uy nghiêm hơn tất cả. Đừng vẽ bức tranh cố ý đặt tinh thần có quyền hạn bảo thủ vào đó, vì chỉ nó vẫn là một bức tranh. Các em hãy đem bức tranh vạn sắc của thiên nhiên miên viễn đổi thay tiến hóa làm bức tranh của mình.

      Giờ đây các em hãy nghĩ kỹ, tạo thế nhân hòa, bình phục nhơn tâm, lập thành một thế giới đạo đức, không hẳn là một điều khó.

      Tiên Huynh muốn các em hãy nghĩ đến người chăn lừa. Khi đặt bó cỏ trước mặt con lừa, nó sẽ theo bước chân của người chăn từng bước một. Nếu vô ý đặt bó cỏ dưới chân con lừa, nó sẽ nằm đó mà ăn cho kỳ hết. Nếu các em không nhìn về một hướng nào, không chỉ về một hướng nào, thì không ai nhìn và theo hướng của các em.

      Sở dĩ Đấng Thượng Đế đem Đạo lý của con người đặt trước con người, là muốn gây  ý thức hệ cho sự sinh tồn nhân loại trong tình Tạo Hóa vô biên, mà mỗi con người  đều có và liên hệ với nhau. Thế nên người sứ mạng phải có một hải đăng để tàu bè đổ hướng.

      Tạo thế nhân hòa, bình phục nhân tâm, mà không đạo đức chánh nghĩa, chẳng khác nào vượt sa mạc, lội suối băng ngàn để tìm kho vàng trong ảo ảnh.

      Đừng mua chuộc thiên hạ bằng hữu hạn, vì những cái hữu hạn sẽ trở về cho hữu hạn. Khi cái hữu hạn đã hết, thiên hạ sẽ bỏ các em.

      Đông tàn, Xuân đến, mấy mùa Đông, mấy mùa Xuân. Đạo đức không tạo được thế nhân hòa, không bình phục được nhơn tâm, loài người không nhìn nhận, không thực hiện đạo đức, chánh đạo, tôn giáo chỉ là tôn giáo, hỗn độn vẫn là hỗn độn, nhân loại sẽ theo Đông mà tàn, cơ tận diệt sẽ theo Xuân mà đến. Đó là lẽ dĩ nhiên trong nhận xét của mọi người.

      Tiên Huynh xưa cũng như các em, học đạo, hành đạo, hướng đạo và lãnh đạo. Ai cũng có bổn phận sứ mạng và phạm vi cả. Đấng Thượng Đế đem ban cho nhơn loại những giọt nước hồi sinh trong cơn cấp tử, thì các em cùng tất cả mọi người đều được hứng lấy giọt nước và có trách nhiệm đem chia sớt cho mọi người.

      Giờ đây Tiên Huynh và các em chỉ cách nhau về hình thể huyết nhục, nhưng chí hướng và sứ mạng đều cũng như nhau.

      Xuân về, Tiên Huynh gởi gấm dòng tâm đạo cho người tâm đạo Thiên ân sứ mạng cùng các em Thanh Thiếu Niên:

Gián Vận Liên Hoàn Khúc:

Đông hoàn giục vó đến trần gian,

Gieo rắc hương xuân vạn nẻo đàng;

Cho thấm lòng người quên khổ lụy,

Cho nồng khí lạnh đón Xuân sang.

Mây hồng đậm nét Thiên quang,

Cỏ cây hoa quả giang san tươi màu.

Thiều quang thấm thoát có bao lâu,

Người bước chơn đi kẻ đến sau;

Luân chuyển cõi đời trong lý đạo,

Mà dòng lịch sử khéo cơ cầu.

Ai quen với khách ngũ châu,

Cho ta nhắn gởi đôi câu tâm tình.

Lữ khách bôn ba lối gập ghình,

Về đây sum hiệp mái gia đình;

Một Trời một đất một non nước,

Nói đặng cùng ai nghĩa đệ huynh.

Trên đời ai kẻ trường sinh,

Ai gieo cái giống bất bình nhơn gian.

Nếu chẳng Đông về Xuân chẳng sanh,

Dễ ai xoay đặng máy tuần hoàn;

Trăm năm rồi cũng muôn như một,

Mua chác làm chi chuyện khốn nàn.

Sanh vào trong cái hiệp tan,

Ra đem đạo lý về mang chi rằng.

Thánh Đức hùng anh có có chăng?

Đứng lên xây dựng cõi dinh hoàn;

Cho Xuân hòa lẫn Thu Đông Hạ,

Mưa móc thanh bình sớm rưới chan

Ai về quê cũ Hậu Giang,

Cho ta nhắn gởi vài hàng tâm thơ.

Đã mấy mươi năm luống đợi chờ,

Đèn Trời soi sáng cảnh bùn nhơ;

Tiếng còi báo hiệu ngày quang đãng,

Nhắn nhủ nhau gìn mối Đạo cơ.

Đêm đông gió lạnh sao mờ,

Ai về Thánh địa ta nhờ chút tin.

Trời Nam mở cửa  đón bình minh,

Nhơn loại đua chen thoát mộng huỳnh;

Cất bước lên đường về lối cũ,

Thoát vòng ô trược kiếp phù sinh.

Đạo tâm sứ mạng là mình,

Gội ân Thượng Đế nặng tình nhơn sanh.

Đã trải qua rồi mấy khúc quanh,

Can trường rửa sạch vết hôi tanh;

Vùi thân sá quản ngoài biên địa,

Đạo nghiệp ngày mai chưa phỉ tình.

Con đường cứu cánh nhơn sanh,

Thiên phong sứ mạng Trời dành cho ai?

Trên bốn mươi năm chịu dạn dày

Một mùa Xuân mới trở về đây;

Thế gian đặt hết niềm hy vọng,

Trở gót cùng chung Thánh địa Thầy.

Nam Bang Thánh địa Cao Đài,

Là nơi vạn giáo thi tài lập công.

Trăm hoa đua nở giữa trần hồng,

Bát ngát mùi hương tỏa núi sông;

Thưởng một mùa Xuân vui đạo đức,

Dặn lòng nhớ nẻo đến Tiên Ông.

Ngâm câu chánh đạo trường tồn,

Hỡi người hướng đạo gợi hồn vạn bang.

 

      Hỡi chư hiền hữu! Hỡi các em! Mùa xuân đến, Tiên Huynh thay mặt cho các bậc Tiền Bối Đại Đạo quá vãng, đến tâm tình đạo sự cùng chư hiền hữu và các em. Tiên Huynh rất vui mừng nhận thấy sự hiện diện đông đủ của chư hiền hữu và các em đã nói lên được tấm lòng thương Thầy mến đạo, dốc đem lại niềm hòa khí tương thân tương trợ liên ái lẫn nhau. Được như vậy thì lo gì sang năm Mậu Thân cơ đạo không tiến theo ý nguyện.

      Các em luôn luôn nhớ rằng: Đời người hữu hạn, đạo lý trường tồn. Hãy tạo lập cho đời mình một đạo nghiệp để lại cho ngày mai, mới khỏi uổng một kiếp vi nhơn, khỏi hoài công dung dưỡng cho cái nhục thể trong khoảng đời mấy mươi năm cơ cực.

      Lời đã dài, tình Đạo chưa dứt, Tiên Huynh hẹn còn ngày tái ngộ. Cầu xin Đấng Từ Phụ ban ơn lành cho chư hiền hữu và các em được một mùa xuân đầy ý nghĩa, tình thương và đạo lý.

THI:

Xuân về gởi lại tấm tình thương,

Cho cả đàn em bước dậm trường;

Buổi thế gia công hành đạo nghĩa,

Rồi sau hội ngộ cảnh Thiên Đường.

      Tiên Huynh chào tạm biệt đoàn hướng đạo, chư hiền hữu và các em, Tiên Huynh lui gót, thăng...

(1) chữ TU : Theo nghĩa thông thường của người không có tôn giáo nào: TU là sửa, tu bổ: sửa hay thêm bộ phận, món gì đó thuộc phạm vi vật chất.
Về tánh tình là sửa tánh từ xấu ra tốt. Về nghề nghiệp chữ TU là vô chùa học và hành theo Đạo Phật, lúc bắt đầu được sư trụ trì gọi là chú TIỂU, sau đó nâng cấp
do sự hiểu biết thâu thập đuợc.Theo Tây phương muốn TU phải học ở Tiểu Chủng Viện, rồi Đại Chủng Viện hay Viện Đại Học, tốt nghiệp ra làm thầy cả hay linh mục và nghề nghiệp
gọi lsà Tu sĩ hay linh mục, mục sư tùy theo danh từ gọi của Chi Phái, Tôn giáo. Theo Đông phương thì trong Đạo Lão chữ TU có nghĩa rộng hơn là TU sửa TÂM. trong Phật giáo TU ở

chùa thì thuộc Hạ Thừa, chỉ lo tụng kinh, gõ mõ cho thuộc Kinh, học lễ, nghĩa để hòa với chúng sanh, tập ngồi tịnh cho tâm không động, lên bậc Trung Thừa thì
thêm thiền định thuộc sơ cơ như đếm hơi thở (sổ tức) và Đại Thừa thì thiền định. Vì chánh pháp bị thất truyền nên Đức Thượng Đế vì đức háo sanh nên ngài mở ra
Đạo Cao Đài để truyền chánh pháp hay QUI về cựu pháp của các tôn giáo xưa, bổ túc lại những thiếu sót do bị mất hay kỹ thuật luyện pháp cho đầy đủ cách công
phu thì mới có kết quả là có ấn chứng, có Kim Thân và mới đắc Đạo đuợc. Người Tây phương vì không có pháp nên thắc mắc và vì tò mò nên có dự Đàn cơ và
được Đức Chúa Trời giáng cơ bằng tiếng Pháp và kể cả ngài Nguyễn Ngọc Tương cũng thắc mắc hỏi Đức Chí Tôn làm thế nào để được tước danh muôn đời
thì Đức Chí Tôn Thượng Đế trả lời có một chữ duy nhất là : TU. Chữ TU theo Thiên Ý là TU TÁNH + LUYỆN MẠNG và ngài còn nói: " Nếu một vị
Đại La Thiên Đế xuống đây mà không TU thì khó mong trở về ngôi vị cũ"
Như vậy chữ TU không chỉ có nghĩa bình thường như trên mà có nghĩa là TU LUYỆN với HUYỀN PHÁP hay Bửu Pháp hay Đạo Pháp Bí Truyền
( ésotérique = Esoterik = esoteric) nghĩa là phải THIỀN ĐỊNH = méditer = meditieren = meditate. Nhưng THIỀN ĐỊNH bằng cách nào mới có kết quả,
mới có ấn chứng, luyện được KIM THÂN = Phật tử = Anh Nhi = Xá Lợi = Xá Lợi Phật = Nhị Xác Thân... ?

Chữ huyền pháp do
Đức Hộ Pháp nói ra là chữ Bửu pháp hay Đạo pháp hay là phương pháp công phu thiền định,
NHẮN VỀ HỘI THÁNH, nhưng có mấy ai để ý về định nghĩa của chữ nầy đâu? Ngài còn nói ngài
chưa học và luyện bửu pháp thì làm sao ngài dạy cho chư tín đồ mặc dù các

nơi có tịnh Thất mà không có ai dạy.
Chỉ có Đức Ngô mới dạy Đạo pháp mà thôi, và ngài cỡi rồng về nguyên cũng quá sớm, cho nên Đức Hộ Pháp nói
sau này sẽ còn nhiều người kế tiếp. Nhưng nhiều người kế tiếp có phải là chức sắc thuộc Chi Phái Tây Ninh không?
Cho đến ngày nay thì nhiều người đã nhập môn ở các Thánh Thất thuộc Tòa Thánh Tây Ninh muốn tu luyện để nội trong
kiếp nầy đắc Đạo về cùng THẦY nơi Bạch Ngọc Kinh mà không tìm ra Thánh Tịnh nào có dạy thiền, trong khi các
tôn giáo khác đều có dạy tham thiền, kể cả Thiên Chúa giáo thì trong nhà thờ cũng có Phòng Thiền Định ( Meditationraum = salle de méditation ) và cách thiền định thì mượn từ Yoga hay Buddhism, còn các Thánh Thất Cao Đài thì chỉ lo đãnh lễ THẦY đọc kinh cúng Tứ thời chứ không có thiền định. Vì thế mà một số tín đồ Cao Đài Giáo còn trẻ mới chạy đôn chạy đáo đi qua Phật giáo hay có khi không phải tôn giáo mà học pháp công phu như Thông Thiên học, Khoa Huyền Bí, Đạo Shik vv.... còn người già thì mới học thiền theo Phái Chiếu Minh cho kịp và rốt ráo. Tiệm tiến rất cần cho gia đọan mới bắt đầu mà các Thánh Thất,

cả Thánh Tịnh có nghĩa là nơi Tịnh Luyện mà không tịnh thiền gì cả.
Đây là sự thiếu sót mà Đức Hộ Pháp có trách nhiệm lo. Hộ là giữ, Pháp là Bí pháp mà chính ngài chưa hành Bí pháp
thì làm sao ngài dạy pháp?
Nhờ Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý có dạy Tân Pháp nên một số tín hữu Cao Đài đến ngang chợ Thái Bình vào học
(trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển THẦY dạy là "ai ăn chay 10 ngày đổ lên thì đuợc truyền bửu pháp"),

nhưng điều kiện lại
khó khăn là phải lo công quả ( để trả nghiệp) và tiến Đạo rất lâu dài cho những ai muốn tu nước rút khi tuổi càng cao. Tại các Đàn
Chiếu Minh thì càng khó khăn hơn là phải TRƯỜNG CHAY + TUYỆT DỤC nên những nguời trẻ không quyết định học ngay
được mà cứ chờ lớn tuổi mới học và thiền, vì mới cưới vợ, còn lo xây dựng thế hệ mới,

nhưng có một số người mới thấy đó
thì mất đó, thật là tíếc cho một cơ hội ngàn vàn trong kiếp này.
(2) Chữ TU LUYỆN : Tu Tánh Luyện Mạng phải vận chuyển trong Thân Tứ Đại, cướp Khí Hư Vô dùng Văn Hỏa (tập trung Tinh + Khí + Thần) tác động
các huyệt Đạo, gom Ngũ Khí vể Trung Cung Mồ Kỹ Thổ, nối Mạch ÂM phía trước là NHÂM MẠCH (-) với mạch DUƠNG là ĐỐC MẠCH (+)
sau lưng để chuyển Phàm Khí không cho đi xuống theo tình dục, mà phải NGHỊCH CHUYỂN đi lên để Âm Dương GIAO CẤU trên bên trên Cầu Ô thước". Có thượng hạ hai cái, thượng thước kiều ở trong sống mũi dưới ấn đường. Có bốn con đường rẽ, hai đường bên trái phải lỗ mũi, một đường nơi tiền khẩu, một đường nơi hậu hậu, trung hạ là lưỡi mềm mại, trên ấn đường dưới tỵ khiếu một hư một thực. Hạ thước kiều ở trong xương vĩ lư cũng có bốn con đường rẽ, hai đường ngoài thông đại tiểu tiện, hai đường trong phía trên thông tâm, phía sau hai khiếu bên xương sống, chỉ có ở giữa thông tủy đạo trong xương sống thẳng đến nê hoàn, trước cốc đạo sau vĩ lư cũng là một hư một thực. Nhập Dược Cảnh ghi: "Thượng thước kiều, hạ thước kiều, thiên ứng tinh, địa ứng triều".
Thước kiều là bí mật của thần tiên dùng để thái thủ đại tiểu dược. Thượng thước kiều cũng gồm nhiều loại không đồng nhất, khi 100 ngày bá nhật trúc cơ cần dùng lưỡi chống đỡ vòm miệng thu ngọc dịch về qua đường thực quản làm cơ sở cho tiểu chu thiên. Khi 10 tháng luyện đại chu thiên lúc khí lên tới đốt xương cổ muốn vượt ải ngọc chẩm cần chống lưởi lên vòm miệng để thông suốt một đường tới nê hoàn.Chân khí lên tới đây sẽ trở xuống đến ấn đường thì gặp trở ngại lớn khó vượt qua, cần được thầy truyền bí quyết mới có thể dẩn khí thông suốt dọc sống mũi đến tận đầu mũi chuyển nhập vào chân răng cửa chạy dọc theo vòm miệng vào sâu trong cổ họng rồi theo đường khí quản đi xuống giáng cung. Tóm lại, thượng thước kiều gồm hai đường dẫn vào thực quản và khí quản là như vậy .Hạ thước kiều là chỉ đường thông giữa hội âm tới vỉ lư cần dùng trong khi tiểu chu thiên vận tinh, cũng phải cầu chân quyết mới có thể hạ thủ công phu . 
 thành Kim Thân bay lên Nê Huờn và Thiên môn mở ra thì mới có con đường thứ 10 mà về Niết Bàn được (Chín phương Trời, mười phương Phật).
Tại sao nguyên cuốn sách THÁNH GIÁO SƯU TẬP NĂM 1967 không ai đọc kỹ và ngày nay lật ra đọc mới hiểu ?
Vì nhiệm vụ của ngài chưa tròn và ngài tự cứu ngài đó !


NGUYÊN THẦN trong TÂM là TÁNH

NGUYÊN KHÍ trong THÂN là MẠNG


Muốn TU phải do TÂM THÂN tức TÁNH MẠNG tức THẦN KHÍ, ngoài Thân tâm không có cái gì khác thay thế được. Như thế tôn giáo phải lấy Thân Tâm hay Tánh Mạng hay Thần Khí làm KHÍ CƠ.

Đã rõ Thân Tâm là con đường duy nhứt để thoát ly NGŨ TRƯỢC hay NGŨ DỤC hay NGŨ UẨN, ta phải biết sự phát sinh va bành trướng của Thần Khí, theo sự nhận xét của tiền bối Thầy Tổ đi trước đã ý thức thâm sâu qua các kinh nghiệm có kết qủa hẳn hoi rồi mới quyết định tỏ bầy sau đây : Đàm chí Minh lão sư nói :

chính giữa ĐẦU là TÁNH ở. Còn MẠNG ở ngay giữa HẠ ĐƠN ĐIỀN.

Lưu văn Phổ lão sư nói : chơn TÁNH sanh xuất ở trong Càn

Chơn MẠNG sanh phát tại KHÔN vị.

Cao Kiến lão sư nói : Khi ngủ cố hoá vệ vinh, còn KHÍ HUYỆT sanh TÁNH MẠNG.

Bành Mậu Xướng lão sư nói : nơi ĐÃNH gọi CHÃO luyện chơn TÁNH. Đơn diền là LƯ sanh chơn MẠNG.

Liễu Không thiền sư nói : ĐỐC thăng NHÂM giáng thành ĐÃNH LƯ. Để luyện ngũ cốc hoá TINH KHÍ.

Liễu Nhiên thiền sư nói : Hoả bức hành hoả điên đảo chuyển, hoá cốc kết đơn dưỡng TÁNH MẠNG.


Liễu Hoa Dương tổ sư nói : Hoà hợp ngưng tập chuyển PHÁP LUÂN, Hấp hô chưng luyện TÁNH MẠNG tồn.

Tào Hoàn Dương lão sư nói : Phản quang ngưng thần nhập Khí Huyệt, Luyện TINH bá nhựt Huỳnh nha sanh.

Chủ Kỉnh đạo nhân nói :

Trước khi chưa phát TÂM là TÁNH, Đã phát ra rồi TÁNH ấy TÂM. TÂM TÁNH đầu nguồn rất khó sanh, chẳng theo vết cũ thật nan tầm.

Ngài Liễu Hoa Dương tổ sư nói rằng : trong mấy trăm ngàn năm, từ lâu lắm rồi chỉ có một chữ TÌNH thôi, thử mấy ai lấy đó mà đạt được TU MẠNG PHÁP.

Cái TÌNH đó theo chiều thuận của phàm phu thì sanh ra CON NGƯƠI bằng NGHICH VẬN PHẢN BỔN thì lại thành TIÊN thành PHẬT.

LUC TỔ ĐAN KINH nói :

DÂM TÁNH tức là PHÂT TÁNH.

Do nơi lờ nói này, khám phá ra mớ thấy tiết lậu tận vạn cổ BÍ CƠ vậy.


Cũng trong kinh PHÁP BỬU Đàn đúc LUC TỔ HUỆ NĂNG kệ rằng :

Hữu tình lai hạ chủng

Vô tình qủa bất sinh

Quả thật vậy bất luận trung hay lão niên, nếu không cái TÌNH đó ắt không thể tu thành chánh quả được. Vì sao ? Do chân tình Ta dung NÓ cùng chơn TÁNH trong TÂM mà hạ giáng xuống chơn MẠNG xứ,

tức chơn KHÍ HUYỆT thì được :

HÒA âm khí trong TÂM với DƯƠNG trong THÂN.

HƠP dương khí trong THÂN dung nạp với Âm khí trong TÂM mới sanh thu liễm.

NGƯNG Thần nhập KHÍ HUYỆT gọi là PHẢN CHIẾU.
Tại sao Đức Hộ Pháp giáng cơ và nhắn với Đao Huynh THIÊN PHỤC NGUYÊN nhờ tìm dùm thánh giáo trên đây và
nhờ PHỔ BIẾN khắp năm Châu?

Đức Hộ Pháp PHẠM CÔNG TẮC nhắn với Đao Huynh THIÊN PHỤC NGUYÊN

 

Văn Phòng

PHỔ THÔNG GIÁO LÝ CAO ĐÀI GIÁO VIỆT NAM

Thừa Trích Lục

HUỆ LƯƠNG             HUỲNH CHƠN

(Trần Văn Quế)          (Tạ Đăng Khoa)

(Các tín đồ thiện tâm ấn tống)

đã kiểm duyệt:

Thiên Lý Đàn, Tý thời Mùng 1 tháng 7 Mậu Thân

(24-7-1968)

ĐỨC ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN

Trở lại trang chánh