Hư không vốn là môi trường của những tiềm năng chưa phát huy. Nói một cách khác, hư không là chỗ dùng của Đạo. Xây tường, dựng cửa cốt để ngăn phòng, nhờ khoảng không gian bên trong mới có được làm chỗ dùng của phòng. Nhồi đất, ép khuôn để làm chén bát, nhờ khoảng không gian lõm ở giữa mới có được chỗ dùng của chén bát. Bởi thế, Lão Tử nói: "Hữu chi dĩ vi lợi, vô chi dĩ vi dụng" (Lấy cái có để làm cái lợi, lấy cái không để làm cái dụng).
Cái dụng của hư không vốn xuất phát từ cái đức dung chứa của nó. Phàm khi ta rót nước vào bát, đầy bát thì nước tràn; khi nào lòng bát còn trống, khi ấy tiềm năng dung chứa của bát vẫn còn có thể phát huy(1). Cái đức dung chứa của một vật thể có hạn lượng còn như thế, huống chi là cái đức của Đạo cả, bao trùm toàn bộ vũ trụ bao la. Lão Tử nói: "Huyền tẫn(2) chi môn, thị vi thiên địa căn, miên miên nhược tồn, dung chi bất cần (Cửa của huyền tẫn, gốc rễ của trời đất. Dằng dặc như còn hoài, dùng hoài mà không hết).
Cái dụng của hư không là vô tận. Vì thế kẻ sống theo Đạo cần phải giữ lòng mình như hư không (hư tâm), điềm đạm, nhu thuận và lặng lẽ, hòa hợp với Đạo. Hư tĩnh, điềm đạm và vô vi là con đường trở về cái gốc hư không thuần phác và bản nhiên của vạn vật - Đạo hiển hiện ở đó, Thiên chân cũng hiển hiện ở đó. Tinh hoa của bao kinh sách Đạo gia, đích đến của bao phương pháp tu luyện "tinh, khí, thần" đều quy cả về cái gốc hư không thuần nhiên ấy. Lão Tử nói: "Trí hư cực, thủ tịnh dốc; vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân..., các phục quy kỳ căn. Quy căn viết tịnh, thị vi Phục mạng, Phục mạng viết Thường" (Đến chỗ cùng cực hư không, là giữ vững được cái tịnh; vạn vật đều sinh ra, ta thấy chúng trở về cội gốc. Ôi! Muôn vật trùng trùng... đều trở về cội rễ của chúng. Trở về cội rễ, gọi là tịnh, ấy là thuận theo Mệnh, thuận theo Mệnh gọi là đạo Thường).
Hư không là cốt lõi, cũng là chỗ đồng nhất của vạn vật. Thực ra, mối sự vật trong vũ trụ này đều hiện hữu như là thành phần của một tổng thể, chiếm một phần không gian và có một ý nghĩa (hay chức năng) nhất định đối với tổng thể ấy. Về phần mình, vũ trụ tổng thể cũng có một ý nghĩa nhất định đối với mỗi sự vật thành phần của nó. Hư không dung hợp tất cả lại với nhau trong một mối tương giao tiên nguyên huyền nhiệm. Nguyên lý tương giao ấy là Đạo.
Ghi chú:
(1) Đó là hệ quả của một quy luật cơ bản của Đạo. Đó là luật Quân Bình. Lão Tử nói: "Thiên chi đạo. Tổn hữu dư nhi bổ bất túc" (Đạo Trời: bớt chỗ dư bù chỗ thiếu).
(2) Có nghĩa là mẹ nhiệm mầu, tức là Đạo. Có sách chú giải rằng Huyền là Trời thuộc dương, Tẫn là Đất thuộc âm.
Nước, Biểu Tượng Của Đạo
Nước, một trong những hình thái vật chất thiết yếu nhất của cuộc sống, được các bậc thánh triết của Đạo gia xem như hình ảnh biểu tượng của Đạo. Nước có nhiều tính chất đặc biệt khiến nó trở thành một hình thái vật chất "độc nhất vô nhị" trên quả đất. Chúng ta có thể quan sát những động thái của nước để từ đó tìm hiểu những động thái của Đạo.
Nước không màu, trong suốt, phản chiếu ánh sáng lại cho phép ánh sáng xuyên thấu. Giống như hư không, nước có khả năng dung chứa và thẩm thấu gần như hoàn hảo. Khi bị khuấy động, nước nổi sóng cuốn bụi trần và hóa đục, khi sóng yên gió lặng, nước thả bụi trần lắng xuống đáy rồi nước lại trong suốt. Tâm hồn con người cũng thế. Khi lo lắng hay bận rộn vì công việc, tâm hồn sẽ bị khuấy động bởi vô số ý nghĩ, năng lực nhận thức sẽ bị phân tán và rối loạn khiến sự việc trước mắt trở nên mù mờ đi. Trang Tử viết: "... Người ta không soi bóng vào một dòng nước chảy mà vào một dòng nước đứng. Vậy thì chỉ có cái gì ngưng lặng mới làm cho người khác ngưng lặng được... Nước thật yên lặng thì mực nước bình, vì vậy nó có thể làm chuẩn tắc cho mọi việc..." Đạo gia khuyên ta nên giữ tâm hư tĩnh cốt để giữ thần trí sáng suốt, người ta chỉ có thể ngộ được Đạo khi tinh thần đạt đến mức bình lặng hoàn toàn.
Nước rất linh động, có thể thích ứng với mọi hình thức của vật chứa, nhưng cũng rất ổn định. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài; nước vẫn là nước, không thể đánh mất đi bản chất của nó. Gặp lạnh thì đông cứng, gặp nóng thì bốc hơi; nước vẫn là nước, không hề thay đổi tính chất hóa học của nó. Đạo cũng thế, hòa hợp muôn vật mà không dừng lại ở một hình thái cố định nào cả, lưu chuyển biến hóa không ngừng mà đức của nó chẳng hề suy suyển. Kẻ đắc Đạo sống trong đời, cách ứng xử của họ linh động và biến hóa như nước vậy; tri mệnh an thời, ứng cơ lợi vật mà chẳng hề mê mờ thiên tánh.
Nước dường như dịu mềm nhưng năng lực của nó vô cùng to lớn - vô số lòng sông, khe suối trên quả đất này là bằng chứng cho sức mạnh vĩ đại của nước. Lão Tử tán dương năng lực của nước như sau: "Thiên hạ nhu nhược, mạc quá ư thủy, nhi công kiên cường giả, mạc chi năng thắng, kỳ vô dĩ dị chi. Nhu thắng cương, nhược thắng cường. Thiên hạ mạc năng tri, mạc năng hành". (Vạn vật dưới trời, không gì mềm yếu hơn nước, mà xét sức công phá thì không gì có thể hơn nó được, không gì thay thế nó được. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh. Dưới trời không ai biết, không ai có thể làm được). Xét theo lẽ đó, cái dụng của đức nhu thuận thật to lớn; nhu thuận không chỉ là mềm yếu mà còn là kiên định, là tri thức minh triết xuất phát từ cuộc sống hòa hợp với Đạo.
Nước có khuynh hướng chảy dồn về chỗ thấp, tái lập thế quân bình, thể hiện đức huyền đồng của Đạo. Lão Tử viết: "Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo... Phù duy bất tranh, cố vô vưu". (Bậc thượng thiện giống như nước, nước hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh, ở chổ mà người người đều ghét, nên gần với Đạo. Ôi, vì không tranh, nên không sao lầm lỗi). Lên trên làm mưa móc, xuống dưới làm sông lạch, nước tưới gội và thấm nhuần vạn vật, không thiên lệch cũng không cạnh tranh (nhu thuận). Bậc thánh nhân đắc Đạo giống như nước, "bất cảm vi thiên hạ tiên, cố năng thành khí trưởng", khiêm hòa và lặng lẽ ứng cơ lợi vật, thành tựu đạo hạnh của mình.
Hãy học cách sống trong đời ung dung tự tại như nước chảy, linh động mà không biến chất, nhu thuận mà kiên định, khiêm hòa mà đức độ. Đó là cách sống hòa hợp với tự nhiên và rất gần với Đạo.