PHÁ LƯỚI MÊ

Dậu thời ngày 05-04-MT

PHÁ LƯỚI MÊ
(tiếp theo)

PN : Hay quá Đại-huynh há !
XTC :
HỰU
Vì lý chơn,
Kéo đờn khải,
Tỉnh lại mau ;
Động-đào mở,
Trắc-trở chi?
Huyền-vi tiếp,
Chẳng hiệp lòng,
Vì không tịnh,
Toan-tính đời,
Bời-rời khổ,
Chẳng độ hồn !
Người khôn tỉnh,
Giải bịnh trần,
Xác thân khổ,
Tự độ hồn,
Bảo-tồn khí,
Trực-chỉ mau,
Thoát màu chúng,
Diệu-dụng đi !
HỰU TRƯỜNG-THIÊN
Diệu-dụng tri-tầm vì nhơn-bổn,
Tự cứu mình giải khốn sầu-đau !
Sống trong nhân-thế dạt-dào …
Buồn, vui, cười, khóc khổ-đau đoạn-trường !
Khi được việc cười luôn tươi mãi …
Thất bại rồi tê-tái khổ-đau !
Của trần nó tới dồi-dào,
Lòng tươi mặt tỉnh không màng việc chi !
Nhưng phủi tay lúc khi chẳng có,
Thì buồn lòng, bó rọ xác thân,
Đó là cái bịnh chúng-sanh ;
Bịnh chung tất cả nghiệp-hành thế-gian !
Nay đã biết phải hoàn lại thế,
Của trần hôi chớ để vào lòng,
Chuyện gì dứt-khoác đoạn xong …
Đã tu một kiếp gìn lòng chơn-tri !…
Của nặng-trĩu đem đi đâu đặng,
Cái xác này bỏ tận thế-gian,
Mà sao chẳng biết sửa-sang,
Linh-hồn “Đại-Định” vẹt màng vô-minh !
Đã biết nói trăm nghìn đau-khổ,
Biết giả rồi chẳng độ linh-hồn,
Sao không tìm thật bảo-tồn,
Bỏ đi chê-chán Hồn khôn quay về …?
Biết nói đặng người mê là thế,
Không giác lòng giải kế quần-ma,
Hiệp trong chơn-khí Ngọc-Tòa,
Hai đường linh-điễn thoát qua luân-hồi !
Đây Lão nói một lời chí-lý,
Hơi thở này cạn kỹ mà nghe,
Một khi bế-tắc não-nề,
Tức là đã thác hồn về Diêm-Vương !
Mang nghiệp-quả trong đường sanh-tử ;
Rồi luân-hồi có giữ đặng không ?
Hay là cứ khổ trong lòng ?
Biết rằng nó khổ mà không thoát vì !…
Biết nó khổ mà không thoát đặng , phải không? Biết nó mà làm đặng không? nói đặng mà không làm đặng; mà Lão thì không muốn Đệ trong cái dạng như thế, nói đặng còn làm phải đặng ! Cười …
PN : Cười, khích tướng mà !
XTC : cười …
PN: Đúng, Đại-huynh khích cho Đệ đi miết đó à!
XTC : Cười …

HỰU
Đường trần-gian giả hề, Đệ-hiền nên lắng-đọng,
Vật-chất hôi-tanh hề, nó là ngoài hình-bóng,
Của trần-gian đây hề, Tâm ta nên để trống ;
Giả xác vô-thường hề, thường hay gặp lận-đận:
Biết tri-nguyên rồi hề, tâm-tư chìm trong lắng-đọng,
Nhập-định tham-thiền hề, việc ma nên kình-chống,
Tẩy uế trừ yêu hề, thất-tình chớ đừng đóng,
Phủi cho rồi đi hề, ta tu “không-trung”rỗng,
Giục-giã linh-hồn hề, lôi-âm thường gióng-trống,
Tiếp Đại-Từ thoát hề, Huỳnh-Đình mau mở cổng.
BÀI
Mau đi mở cổng Thiên-đài,
Chớ đừng bế-tắc dặc-dầy khổ-đau !
Nhà Thượng-Đế người sao không đến ?
Nhà vô-thường tại bến luân-hồi,
Cứ sao cái giả tô-bồi,
Bỏ quên cái thật là ngôi trung-đình ?
Ai đã biết nhơn-sinh thế-thái …?
Đắm-chìm trong hồ-hải bến mê …
Biết rằng nó giả chán-chê.
Không về cái thật não-nề thê-lương !
Bế Nê-khiếu thảm-thương linh-tánh,
Nhà của đời nào tránh đổ thôi,
Vô-thường diễn-biến nào ngơi,
Cái cơ họa-diệt đổi-dời thiên-ban !
Lão thương đời mở-mang khai-hóa ;
Đệ tỉnh đời Đại-Ngã hiệp mau,
Người tu hãy rán một màu,
Vàng tươi sáng-chói cởi trau tâm-lòng.
Lão thương đời nằm trong hữu-tướng,
Họa diệt-vong phải vướng thảm-sầu !
Thiên-cơ nào lậu ra câu,
Thương đời Lão nói cùng nhau giờ này.
Ôi! Sát-phạt vì ai tang-tóc ?
Bởi con người lăn-lóc mà thôi !
Tạo ra vật-chất rã-rời …
Sống trong chia-rẽ bời-rời tâm-linh.
Bởi cho nên đoạn tình trần-thế,
Cơ phong-thần nào dễ để yên …
Hỡi ai thức-tỉnh tu-thiền ?
Mượn cơ pháp-bảo vạn-duyên phục-hồi !
Nhập tham-thiền định ngồi trở vị,
Hầu tránh cơ sát khí từ đây,
Mau-mau về đến bên Thầy,
Kẻo thôi chìm-đắm không ngày nào lên !

Đúng không Đệ? Giờ Lão khuyên như vậy, đặng không? giờ mình uống rượu lai-rai, giờ uống rượu không hay sao ?
PN : Bạch Đại-huynh! Giờ hổng ấy mình nghỉ, vì đồng-tử chiều tiếp nữa, bởi còn bịnh !
XTC : Cười … phải vậy không? Lão còn đang muốn nói nữa! Cười …
PN : Đệ cũng còn muốn nghe chớ, Đồng-tử cũng nhẹ rồi
XTC : Thôi Lão thăng, chiều Huynh-Đệ mình lai-rai nữa nghe! Hổm rày bàn không chớ đâu uống đặng, phải nhấp chén Quỳnh-tương chớ !

BÀI
Chén Quỳnh-tương Lão đây thèm cốc,
Này Đệ-hiền! Hãy dốc tửu ngay,
Đệ-huynh ta cứ lai-rai,
Chuyện đời thì mặc, nói hoài mệt thôi !
Chén tâm-giao tô-bồi Đạo khí ;
Đàm-luận thêm trực-chỉ “Hư-vô”,
Tiên-Thiên rượu uống điểm-tô …
Để mà khai-hoát cực-đồ Âm-Dương.
Còn việc đời có thương cũng vậy,
Định-luật này đào-thải âm ma …
Cho nên mình phải tránh xa,
Để tua tịnh-luyện, vượt qua thảm-nàn !
Đúng không Đệ? Cười, Thôi Lão thăng

Ngọ thời, ngày 06-04-MT

PHÁ LƯỚI MÊ
(tiếp theo)
PN: Bạch Đại-huynh! Tiện-Đệ xin hỏi nhé ! “Xanh, đỏ hòa nhau đau bụng”, phải không ?
XTC : Là sao ?
PN : Khắc nghe Đại-huynh !
XTC : Cười …
PN : Hễ mà xanh là Mộc; Đỏ là Hỏa, mà Mộc sanh Hỏa nhiều quá thì nóng, nó nóng, Hỏa sanh Thổ, Thổ bế khí rồi thì mệt lắm, nó đau-bụng !
XTC : Cười, phải không ?
PN :
BÀI
Xanh kia trưởng-dưỡng Mộc hòa,
Hiệp cùng với Hỏa để mà tương-sanh.
Hỏa sanh Thổ, đành-rành phục-vị,
Thổ khắc Thủy, làm quỉ làm ma.
Có thân nên phải sa-bà …
Ở trong bị khắc khổ a cho mình !
Tu phải biết tương-sinh chế-hóa,…
Lấy hiệp-hòa, hòa cả trong ngoài,
Không còn vướng bận trần-ai !
Thoát ra bể ái Như-Lai phục-huờn !
Được như vậy, Kim-đơn xán-lạn,
Kết Mâu-Ni tỏa-rạng Đạo-mầu,
Không còn phiền-não ưu-sầu.
Chúng-sanh diệt tận Bửu-châu rạng-ngời !
Đúng không Đại-huynh ?
XTC : Đúng !
HỰU
Rạng ngời Bửu-khuyết hiệp Mâu-Ni.
Rượu đỏ cùng xanh khắc chế trì …
Mộc-dục chơn-dương cùng phát-động,
Trung-dung Đạo cả hoát Mâu-Ni.
HỰU
Hoát Mâu-Ni mời đây cốc rượu,
Chữ đỏ xanh chúc tửu Đệ-hiền,
Đệ thành xứng đáng Phục-Nguyên,
Giải bày xanh, đỏ; thâm-uyên lý rành.
Mộc màu xanh Ngũ-hành đúng vị,
Sanh ra Ly đỏ khí một bào.
Làm sao chế-hóa đem vào ?
Bình-yên Thổ khí mà trau tâm lòng,
Hỏa sanh Thổ nằm trong bí-khuyết,
Thổ bày Kim mới diệt ác tà,
Đáo đầu nước Thủy sanh ra,
Đứng đầu số một phải hòa tương-giao.
Một cùng năm ra màu lục-dục,
Trở Ngũ-hành thưởng-thức Đệ ơi !
Trung-ương Mồ-Thổ là ngôi,
Nhị bầu Hỏa khí tô-bồi linh-đơn.
Đông xá-lang không còn mắc-cở ;
Hiệp Tây-gia trắc-trở đã qua,
Ngày nay một mối Huỳnh-Bà,
Đỏ, xanh, vàng khí là ta kết liền.
Không còn màu, không duyên của thế,
Không đỏ xanh hiệp bệ ngọc-giai,
Đó là hòa-hiệp Thiên-đài,
Mộc-xanh, Hỏa khí lai-rai độ hồn.
Phải không Đệ, đúng không ?
PHÚ
Rượu Tiên Lão chúc lời ngôn,
Tặng cho Đệ trường tồn cửu-vị,
Đệ ơi Đệ! Đây là bí-chỉ …
Đỏ với xanh yếu-lý người tu …
Hãy tri-nguyên đừng để nát nhừ,
Đem đỏ xanh từ từ nấu lại.
Màu linh-đơn tương-giao hồ-hải,
Thận, Đơn-Điền kết lại Anh-Nhi,
Một màu sáng Bửu-Ngọc Mâu-Ni.
Không mờ-ám mà ly cảnh giả.
Hiểu đành-rành đệ mau hối-hả,
Hãy bình-tâm giải-họa nhân-gian,
Này Đệ ơi! Cảnh tục chớ màng,
Nghĩ thêm chi bàng-hoàng chua-xót !
Đường Đạo thời mình không đắng ngột,
Hòa với nhau chẳng lọt Diêm-phù,
Ấy thật là cái hạnh người tu.
Không động nhiễm vẹt mù bản-ngã.
Thật người tu mình đây nhận trả …
Trả cho xong tất cả thế-gian,
Đừng nhận vào chuốc cảnh khổ-nàn !
Thêm nghiệp-chướng đeo-mang buộc trói.
Vì trần-gian gây ra quá tội !
Thế cho nên đòi-hỏi phải tu ;
Tu yếng-sáng đừng có lừ-khừ,
Không danh-lợi đi từ câu nói …
Không tình, tiền bởi vì nhân-thế,
Hãy đoạn lìa Tâm để “Hư-Vô”,
Nay Đệ-huynh hòa máy cực-đồ.
Rượu Tiên-Thiên chẳng khô tinh, khí !
Rượu một bầu uống say túy-lúy. (cười)
Say không mờ cái khí Tiên-Thiên,
Say làm sao, say Đạo diệu-huyền ;
Say linh-tiêu tiếp liền thiên-điễn.
Say làm sao, “Tâm-Trung” chiếu-kiến ?
Ngũ-uẩn lòng hiển-hiện Như-Lai,
Say làm sao, mới thực chơn-tài …?
Say Cứu-thế hoằng-khai Đại-Đạo.
Say làm sao, con đường rốt-ráo ?
Chớ đừng mê lục-đạo phải lầm !
Cười, phải không Đệ? Say mà đừng mê! Cười …
Mê cảnh giả nên mới ngồi nằm,
Rồi đi đứng trầm-ngâm điều giả …
Mê cuộc thế mình đây gánh quả,
Mê làm chi cái ngã còn cao ?
Mê thế-tục ắt phải dạt-dào !
Mê linh-tánh càng đau hồn dại.
Mê làm chi cảnh này phải trái ?
Mắc oan-khiên để lấy thiết-tha …
Mê làm chi cái cảnh hà-xa ?
Rồi chuốc lệ tâm ta diêu-động !…
Cười !…
BÀI
Rượu Tiên Lão chúc Đệ-hiền,
Uống vào một chén tịnh yên tâm-lòng !
Cùng nhau hòa khí chữ “KHÔNG”
Đừng đem chữ có trong lòng không yên.
Đệ ơi! một cốc rượu Tiên,
Đỏ, xanh hòa lại tri-nguyên chuyện đời.
Đệ-hiền chân chớ rã-rời,
Độ đời hãy gắng tri lời “Từ-Bi”.
Từ là thương lấy khổ vì …
Bi là chua-xót người đi lạc đường,
Thương sao mới thật là thương ?
Thương hồn ngây dại vấn-vương khổ-sầu !
Thương chung cùng một người Cha,
Mà đi nhiều lối quỉ ma lạc đàng !…
Thương sao lòng Lão nát-tan,
Thấy đời chìm-đắm mà mang oan-tình !
Càng đi càng lạc khí tinh,
Càng xa diệu-diệu, mất hình dạng luôn.
Thương đời Lão thấy luông-tuồng …
Vì say vật-chất mất khuôn hóa-hoằng !
Thương đời không chịu chuẩn-thằng.
Kỷ-cương giữ lại tinh-thần Đạo-gia.
Thương đời đắm-tục ái-hà,
Sông-Ngâu đỏ thắm máu hòa biển mê !
Thương người không chịu quay về …
Đi luôn một bước não-nề tâm-linh !
Cười, phải không? giờ Huynh-Đệ mình lai-rai chớ mình Lão độc xướng sao? Cười …
PN :
Thương đời thì phải quên mình,
Lao tâm sửa tánh hy-sinh trọn-lành.

Thương đời phải quyết cải-canh,
Cho tròn Đạo-pháp chỉ rành hư nên.
Thương đời “Tâm-Đạo” xây nền,
Cho tròn Chánh-Định phải quên mê-lầm !
Thương đời Đạo-pháp tri-tầm …
Huyền-cơ xuất lý thậm-thâm cứu đời !
Thương đời mặc khổ luân-vơi,
Nhưng Tâm thiết-thạch ra lời lý chơn.
Thương đời thống khổ há sờn …
Ra đi hoằng-hóa lê chơn khắp cùng !
Thương đời lập-chí nấu-nung,
Không còn vướng bận vẫy-vùng thế-gian.
Thương đời dầu khổ há than,
Chí-chơn thiết-thạch nào màng khổ-kham.
Thương đời Tâm phải chí tầm,
Cho tròn Đạo-pháp thậm-thâm mật truyền.
Thương đời lắm nỗi đảo-điên,
Ta thời cứu-khổ cho yên tỉnh hồn.
Thương đời cứ mãi bôn-chôn,
Người tu phải hiểu bảo-tồn linh-quang.
Thương đời đẩy chiếc từ-thoàn,
Ra đi cứu-khổ vén màng vô-minh.
Xin thỉnh Đại-huynh tiếp.
XTC : Cười, chấp-nhận chưa ?


Thương đời chịu khổ riêng mình,
Há than chớ thở, hy-sinh gương này.
Thương đời kế-cận bên Thầy,
Độ dân xuất-chúng giải vây mê trần.
Thương đời phải chịu phong-trần,
Dù mưa tuyết-giá xác-thân lạnh-lùng !
Thương đời ý-chí đại-hùng,
Chớ đừng yếm-thế chẳng dùng được đâu ?
Thương đời nắng dải mưa-dầu,
Ra đi chớ nghĩ cái đầu trống trơn.
Thương đời chẳng chịu phục-huờn,
Hy-sinh một kiếp cho tròn chí trai.
Mình đau mình khổ lạc-loài,
Bao người điều xướng ra tay cứu đời.
Hy-sinh thuyết lý ra lời,
Một người đem đổi vậy thời chúng-sinh.
Đó là đáng bực trọn-lành,
Ra đi tế-khổn riêng mình mà thôi !
Lão đây còn chẳng ở ngôi,
Xuống đây thuyết-giảng bao lời thần hao.
Hao thần đâu có làm sao ?
Miễn người thức-tỉnh tâm-bào giải-oan !
Khí suy lực kém không màng,
Cho đời giữ lấy Kim-cang mật-truyền.
Lão đây cùng Đệ Phục-Nguyên,
Tỳ-bà hòa khúc tịnh yên cho đời.
Thăng-trầm nhạc bổng ngân vơi,
Đánh tan lạc-lỏng cho đời điêu-ngoa.
Câu thơ tiếng nhạc hiệp-hòa,
Đem vào réo mãi luân-xa chuyển đầy.
Âm-ba tiêu khúc đuổi say,
Thức lòng khách-tục hoằng-khai chánh-truyền.
Đêm khuya người ngủ đã yên,
Giọng ai réo-rắc mà khuyên tỉnh đời ?
Lôi-âm tiếng trống của Trời,
Nửa đêm giờ Tý đánh thời nát-tan.
Đánh cho người thức bàng-hoàng,
Mau mau học chữ Bát thoàn Nhã kinh.
Di-Đà sáu chữ không hình,
Thức lòng mê-muội chẳng nhìn ngoài tai.
Đúng không Đệ? Bây giờ Huynh-Đệ mình lai-rai uống rượu nghe! Bây giời Lão đờn chịu không? hay là Đệ muốn cái gì? Lão đờn Đệ nghe nghen !
PN : Bây giờ Đệ nghe !
BÀI
Lão đây đờn khúc nhạc vang,
Đệ-hiền hãy tỉnh Niết-bàn Tâm-kinh.
Âm vang nào có ra hình,
Lão đây sẽ chuyển giải nghìn khổ-đau !
Lão đờn tha-thiết làm sao ?
Ai không tu-học nghiệp sầu quá thôi !
Phải không Đệ? Giờ bắt đầu nghe Lão đờn hén !
Đờn kêu lặng tiếng Từ-Bi,
Đánh tan ma khí đoạn ly cảnh đời.
Âm-ba hấp-lực mọi nơi,
Cho người thức-tỉnh gạt đời mà tu.
Ai ơi! cái cảnh phù-du,
Ba chìm bảy nổi thật nhừ khổ-đau !
Con người sống cảnh dạt-dào,
Luôn luôn lo sợ ngày sau là gì ?
Lão đây ca khúc huyền-vi,
Cho người thấu hiểu mà tri lẽ tường.
Bây giờ thân xác còn nương,
Một khi dứt thở đến đường nào đây ?
Linh-hồn vất-vưởng ngàn-mây,
Nỉ-non ai-oán lạc-loài biết bao ?
Sao còn cái xác không trau ?
Để tu đầu Phật tâm bào viên-minh.
Linh-hồn sáng tỏa Huỳnh-Đình,
Sống trong thơi-thái là kinh Niết-Bàn.
Không còn giấc mộng kê-vàng,
Để rồi thức-tỉnh mơ-màng là chi ?
Cuộc đời có thạnh ắt suy,
Có đau lúc sướng có khi thân tàn !
Quân-vương lúc ở ngai-vàng,

Một-mai bị đuổi tấp hàng vào đâu ?
Đai-cân cái chức công-hầu,
Một khi thất thế đứt đầu khổ thay !
Có người thật tỉnh khi say,
Có khi mạnh-khỏe ắt ngày bịnh đau !
Đó là cái lý tương-giao …
Ngày nay Lão nói gắng trau Trung-hòa.
Không còn trong cảnh sa-bà,
Không còn đau-khổ xóa-nhòa đắng cay.
Mùi đời khi nếm ắt say,
Xin đừng mê-muội lạc-loài chơn-linh.
Lão đây “Vô-tự chơn-kinh”,
Ngày nay mạch-lạc vẽ hình vô-vi.
Con người lúc đứng khi đi,
Lúc vui lúc khóc là chi Đệ-hiền ?
Bây giời thoát-tục triền-miên,
Không còn trong cảnh trần-duyên buộc-ràng.
Tuy mang thân xác lạc đàng,
Nhưng tâm vô-ngại màu vàng Như-Lai.
Khi vui khi khóc không hay,
Khi đau khi bịnh không ngày thở-than.
Có thân mà chẳng có màng,
Không than há thở con đàng thiên-thai.
Phải không Đệ ? Đó là vậy, dù ở trong cảnh giả, nhưng mà tìm cái thật là ở chỗ đó đó, tức là con đường “Trung”, bây giờ không còn đau, không còn bịnh, không còn khỏe gì hết, không cười, không khóc, không đau, không khổ. Bây giờ Huynh-Đệ mình lai-rai …
BÀI
Lão đây một cốc mời ai ?
Xin nâng cốc tửu-lai-rai Đạo-mầu.
Bí-gia yếu-lý tròn câu,
Đệ-hiền hãy gắng dãi-dầu phong-sương !
Chuyện đời đừng có mến-thương,
Vì tình ái-chủng tìm đường thoát ra.
Xác thân nay đã ta-bà,
Nhưng không diêu-động cảnh ma chuyện trần.
Dù cho tâm khí phong-trần,
Nhưng không than-thở mười phần uy-nghi.
Đúng không Đệ ?
PN : Hay quá Đại-huynh !
XTC : Cười, nhưng mà còn mắc một chút, biết cái chi không ? Cười …
BÀI
Đệ ơi! chớ mãi ai-bi,
Thở-than, than-thở lắm khi trong lòng !
Lão nghe Lão cũng động lòng,
Nhưng mà lão chẳng lòng-vòng Đệ ơi !
Đệ thường có lúc ra lời,
Nói rằng Lão Xích chuyện đời vì đây ?
Lão đâu có uống mà say,
Say mà chẳng muội hoằng-khai chánh-truyền.
Đúng không Đệ ? Cười, phải không ?
PN : Đúng, hay quá, Kỉnh Đại-huynh !
XTC : Đúng ! Giờ phải làm sao bây giờ ?
PN : Đúng thì phải làm theo đúng !
XTC : Đó, Đệ có rõ không ?
PN : Bây giờ tối rồi, để hôm khác mình tiếp nữa Đại-huynh nhé !
XTC : Thôi Lão thăng.

Trở lại Mục Lục