LUYỆN TINH-KHÍ-THẦN

Dậu thời, ngày 16-02-MT

LUYỆN TINH-KHÍ-THẦN

XTC : Hôm nay Lão thuyết giảng về đề-tài mà Lão nói từ mấy hôm trước, lão thuyết giảng đề-tài “Luyện Tinh, Khí, Thần” là Tam-bửu, ba báu trong thân mình.
Nhưng thế nào là TINH ?
Thế nào là KHÍ ?
Thế nào là THẦN ?
Người tu phải hiểu rõ.
Vì bổn-nguyên của con người rất thiên-lương bởi đắm-chìm trong biển-tục sông-mê, trải biết bao ngàn kiếp luân-hồi quả-báo, nên Chơn-Linh mù-mịt, lại bị bụi trần-gian cứ đóng mãi, nên linh-hồn u-ám, không hiểu chi về cái lý trường-tồn hữu-hình, hữu-hoại của thế-gian này.
Mục-đích Lão giảng đây để Lão thức-tỉnh những ai hồi-tâm hướng về Đạo-pháp, vì các bài giảng này cũng giúp cho hàng hành-giả tu-thân một bước tiến vững-chải trên đường Đạo-pháp thấy rõ đâu là hư, đâu là thật !
PN : Đúng vậy Đại-huynh !
XTC: Trong thân người có ba phần gọi là Thượng, Trung, Hạ. Nghĩa là Thượng điền, Trung điền và Hạ điền, cũng như con người có đầu mình và tay chân là tứ chi đó.
Hôm nay mình phải lấy Ngũ-Tạng của con người mà hợp với Ngũ-Hành của Trời Đất, mà đối Tâm về Đạo-pháp, bởi vì con người là một tiểu châu-thiên mà Trời Đất là một đại châu-thiên, vì Trời có chi thì người có nấy, phải không Đệ? Nhưng mà phải hiểu là nó ở đâu, phải làm sao mà hòa-hợp đặng, đó là bí-yếu ai mà không biết, mắt tai mũi miệng của con người nhưng mà phải biết diệt nó từ đâu? Ai mà không biết TINH, KHÍ, THẦN nhưng mà phải biết nó dưỡng-sinh từ đâu? Ai mà không biết Tham, Sân, Si, nhưng mà phải biết diệt nó từ đâu ?
Đó mới là điều quan-trọng, bởi vậy Lão mới thuyết-giảng với đề-tài “Luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần huờn-hư” là chỗ đó đó, phải không Đệ ?

PHÚ
Lão vì thương trần-gian đắm-đuối,
Giảng bài kinh, đốt đuốc soi đường,
Tinh Khí Thần bổ Hỏa chơn-dương.
Phục chế tánh trọn đường sanh khắc.
Âm đã giáng thì Dương phải bắt,
Chế luyện Hồn hiệp Phách giao-hòa,
Hiệp linh đơn khai lý Tam-gia.
Mà thai thánh Bửu-tòa sáng rỡ.
Đường tu-hành đừng cho trắc-trở,
Tiếp nối nhau đừng bỏ ngày nào,
Đã nghề tu chân bước đi vào.
Đừng xao-lãng mất màu Đạo-pháp.
Tinh Khí Thần đừng cho nó lạc,
Đó chánh-truyền giải-thoát Chơn-linh,
Tinh làm sao phục trưởng do mình.
Rồi hóa Khí thần-kinh tự-tại.
Nếu Chơn-Thần đẩy đà khí thái,
Huờn “Hư-Vô” hiệp lại “Qui-Nguyên”,
Tri bổn-lai diện-mục tham-thiền.
Hòa hạo-nhiên khí thiên ổn-định.
Phản-huờn bổn chuyện đời đừng tính;
Huờn nguyên-lai trừ bịnh chúng-sinh,
Đạo thời không có vẽ ra hình,
Gượng lời nói giải nghìn đau-khổ !
Còn cơ Trời dám đâu thố-lộ,
Bởi tình-thương tận độ nhân-gian,
Nên Lão đây thuyết-giảng vài hàng,
Cho rõ mấy tuần-hoàn châu-tải.
HỰU
Tuần-hoàn châu-tải khí thiên,
Bầu Tinh trưởng-dưỡng hoát miền đơn-nhi.
Vì khí hiệp Khảm, Ly, Diên, Hống;
Hòa-giao nhau như bóng với hình,
“Chế-Hồn luyện Phách” huờn-tinh,
Đem vào bổ não mà sinh Chơn-Thần.
Tinh Đơn-điền vì trần nặng đắm,
Ngày nay tu qua lắm gian-truân,
Biết bao nhiêu cảnh hãi-hùng !
Đoạn trần bất-nhiễm vẫy-vùng do ta.
Một bầu Tinh khi hòa trược-cấu,
Thì sinh hành tẩu-lậu uế-thai,
Ngày nay tu hiệp Thiên-đài,
Hãy năng trưởng hỏa đêm ngày chí-chơn !
Nấu bầu Tinh cho huờn khô cạn,
Đặc một màu xán-lạn Tâm-linh,
Riu-riu bốc khói vô-hình,
Ấy là khí thái Huỳnh-Đình chiêu-trương …
Rồi đem vào hãy nương thần cốc,
Đóng cửa nhà mới lọc âm ma …
Qui về “Nhứt bổn Tam-gia”,
Xông lên đảnh-thượng hoát ra khí huyền.
Là Nê-huờn Tiên-thiên hiệp lại,
Thần sáng minh mặc-khải độ đời,

Hòa-giao cửu-khúc chẳng lơi,
Minh-châu chiếu sáng không lời bày-phô !


Là bởi vì con người thì phải có Tinh, Khí, Thần là do đâu? TINH thì ở ĐƠN-ĐIỀN, KHÍ thì ở THẬN, THẦN ở NÊ-HUỜN. Hôm nay tu thì phải hòa-hiệp lại, cũng như đoạn trừ Tham, Sân, Si, phải không Đệ? Đó là định-Tâm Tánh-Ý, đúng không ?
Vì năng trừ Tinh thì Tánh nó mới định, mà năng trưởng Khí thì Tâm mới bình, rồi lại phục-Thần thì Ý mới diệt. Hôm nay nếu tu-hành, người hành-giả bước vào Đạo-pháp phải trưởng-dưỡng ba báu của mình, là trưởng-dưỡng cái linh-đơn, là Tam-chướng; là ba cái nghiệp ngã, là Tham, Sân, Si đó Đệ, đó là “Tam-độc”. Mà Tham, Sân, Si do đâu ?
Tham do Tinh, mà Sân là do Thần, mà Si là do Khí! Bây giờ phải hòa ba Bửu-báu của mình để hòa-hiệp với cái Tinh, Khí, Thần rồi nối với Thượng-điền, Trung-điền và Hạ-điền. Nhưng người tu-học phải luôn trì-chí giồi-mài, ngày qua tháng lụn không lơi một phút.
Bởi vì xao-lãng thì Tánh sanh, Ý vọng không rời ba báu. Một khi Tâm phóng thì nó không huờn lại cái Khí của mình, phải không? Mà Tánh sanh thì nó dục loạn, nó tẩu-lậu ra ngoài, thế cho nên người hành-giả cứ uể-oải,

suy-giảm là chỗ đó !
Rồi ý phóng thì Thần không định, mà Thần không định thì làm sao hòa “Cửu-Khúc Minh-Châu” hiệp lại với máy “Hư-Vô” của Thượng-Đế, trở về con đường giải-thoát, diệt tục mà đoạn trừ mê, vì còn vướng bởi do một chút không nhiếp-tánh, không định hồn mà làm sao huờn ba báu Tinh, Khí, Thần !
Bởi vì tu mà còn tham thì Tinh nó cũng vẫn tẩu -lậu ra ngoài thôi, nó không hiệp lại, hễ Sân thì Thần nó tan rồi. Còn Si thì Khí nó khô không hiệp đặng. Khí nó khô làm sao nó đưa lên đặng Nê-Huờn mà trưởng tinh bổ não !
Thế là đường tu-học tuy dễ mà khó, và tuy khó mà dễ là cái chỗ này, nếu hiểu-biết trì-chí thì dễ, mà nếu hiểu-biết không trì-chí, không kiên tâm, giải-đãi thì nó là khó! Không huờn lại ba báu làm sao giải-thoát, phải không Đệ?
PN : Đúng vậy đó Đại-huynh !
XTC :

PHÚ
Đường Hỏa-hầu khai thông cửu-lộ,
Đốt âm tà đoạn chỗ trần-gian,
Để thuần-dương giải hết thảm-nàn !
Hòa phục lại Hống-Càn tám-lượng.
Diên Bửu-báu mình năng chấp-chưởng,
TINH, KHÍ, THẦN tịnh-dưỡng ngày đêm;
Tâm, Tánh,Ý luôn rán năng kềm.
Tham, Sân, Si đừng thêm mất Đạo.
Người tu-hành chí-trì rốt-ráo,
Huờn tinh rồi bổ-não thần khai,
Để hiệp đảnh phóng xuất Như-Lai,
Tiếp hư-thinh linh-đài bố-hóa.
HỰU
Linh-đài bố-hóa,
Giải họa trần-gian,
Thảm-nàn tiêu-diệt,
Bổ-khuyết tâm-kinh,
Không hình diễn lại,
Mặc-khải lời chơn,
Không còn vướng bận,
Đáo tận tâm-trung,
Vẫy-vùng tu-học …
Tẩy-lọc bợn trần,
Dù thân ở thế,
Không để bụi dơ …
Ngày giờ đầy bám.
Phải sáng lý chơn,
Giải cơn đau-khổ !
Tự độ linh-hồn,
Bảo-tồn “Tam-Bửu”
Kết tựu “Anh-Nhi”
Kiên-trì luyện Đạo,
Rốt-ráo chí-chơn,
Phục-huờn Thần sáng.
Giải nạn trầm-kha,
Vượt qua bể-khổ !
Để độ nhân-gian.
THI
Để độ nhơn-gian tránh thảm-nàn !
Cuộc đời thấm-thoắt hãy lo toan …
Cái thân giả-tạo đầy bụi bám,
Một kiếp tu-trì gắng chớ than !…

Bởi vì thế Lão mới giảng về lý “huờn tinh bổ-não”. Vì con người thụ-hưởng những thức ăn bên ngoài vào bên trong để mà trưởng-dưỡng khí-lực của mình, nên hồi trưa Lão mới nói về “Trường-trai giới-sát”, nếu mà đem vào món ăn tinh-khiết nó mới đem lên bổ-não, huờn cái Thần nó cũng thanh-khiết, còn nếu dùng cái trược vào; những thức ăn mà uế-trược thì Tinh nó cũng uế-trược, một khi Tinh nó đã uế-trược mà nó bổ-não thì Thần nó mê-

muội, cho nên người tu phải trường-trai là chỗ đó. Món ăn thanh-đạm, cuộc sống hàn-vi, cảnh ở thanh-bần, đoạn ngày qua tháng mà thôi !
Hễ món ăn thanh-khiết thì Tinh của mình nó kết-tựu lại cũng thanh-khiết; một khi tinh thanh-khiết, mình nấu đơn hóa Khí; Khí nó bốc thẳng một đường không có gợn là Khí sáng-sáng, huyền-huyền, minh-minh, rồi đem lên bổ-não là Thần đó, nó phát ra một màu sáng lưu-ly Bửu-châu là như thế, phải siêng-năng định-tĩnh chớ đừng lơi; đừng có phóng-diễn, vì phóng-diễn thì Thần không kết, Khí không thăng, Tinh không có đóng lại, đúng không Đệ ?
Bởi vì, như Đệ thì Lão không biết, như Lão trước kia. Tuyết đóng dầy biết bao, nhưng một đường Hỏa-Hầu cứ nóng rực, ran-ran huyền-huyền, diệu-diệu sáng-sáng mà Thần Lão rất minh.

BÀI
Bởi vì Lão đã hiểu đời,
Xả thân Hành-Đạo xa nơi trược-trần.
Lão tạm mượn giả thân tu-học,
Động-đào nguyên tẩy-lọc bợn-trần,
Dù cho có khổ cái thân,
Thanh-bần lạc-đạo chuyên-cần ngày đêm !
Khí thanh-dương bồi thêm bổ hỏa,
Một đường đi sáng cả thân mình,
Đã khai lưỡng lộ vẹn gìn,
Suốt-thông Cửu-Cổ đoạn tình chúng-sinh.
Hòa Tam-thi Lão gìn Bửu-báu,
Cái thân này Lão tạo khiết-thanh,
Hòa trong lý Đạo ngũ-hành,
Âm-dương phối-hợp diệu-thanh một-màu !
Lấy ngũ-tạng đem vào sanh khắc,
Trừ ngũ-tân đã mất bao ngày,
Chớ còn ngũ vị không sai,
Để mà trưởng khí ngũ đài linh-thiêng.
Khí triều-nguơn Tam-thiên hiệp lại
Triều-đảnh này kết tải luân-xa,
Đoạn trừ thần ám phách ma,

Diệt tình ân-ái đã xa bao ngày !

Đó là như thế, và Lão mượn cái khí thanh-hư của Trời-đất mà đem cái khí linh-huyền của cơ thể để nhập vào ngũ-tạng là Tâm, Can, Tì, Phế, Thận mà trưởng-dưỡng “Ngũ-Khí Triều-Nguơn”, phục lại ba báu đó là TINH, KHÍ, THẦN, “Tam-hoa triều đảnh”, đúng không Đệ? Người luyện Đạo lúc nào cũng phải “Đại-Định”, dùng cái chi ?
Dùng cái “Chơn-Ý Đại-Định”, là song-mâu quán mà dìu-dẫn cho nó đi đúng, buộc con khỉ Tâm, con ngựa Ý cho nó đừng lộn-xộn, chạy bậy thì không nên !

Mắt đời đui đã bao năm,
Ngày nay mắt Đạo phóng tầm luyện đơn.
Dùng song-mâu qua cơn đau khổ,
Thiền-quán Tâm mà độ linh-hồn,
Tri cơ bí pháp sắt-son,
“Huờn tinh bổ não” kim-đơn đạt thành.


Là vì bởi muốn phục-Thần lại Tam Khí, gọi là “TAM-HOA TỰU-ĐẢNH”. Thì phải “Phản-Bổn Huờn-Nguyên” gọi là “Phục qui ư anh-nhi” đó! Vì hồi trong bào thai của mẹ mình tạo mình ra, khi chưa sanh, mình đâu có ăn uống chi, mình đâu có nhiễm cái khí ngoài đời, chỉ hô-hấp trong cái lỗ rún của mẹ mà thôi, vì cái khí trược mình sinh ra đời; cái khí Hậu-thiên nó nhập vào, thành ra nó bế Tam-quan, Cửu-khiếu là Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận; tức Ngũ-tạng đó, nó biết hoạt động rồi nó đắm chìm trong cái dơ-uế.
Hôm nay tu để lọc lại, là chỗ đó, phải không Đệ? Lúc trong bào-thai của mẹ mình, thì mình cũng có đầy đủ mắt, tai, mũi, miệng, phải không? Nhưng mắt có nhìn thấy đâu? Tai có nghe đâu? Miệng có nói đâu, phải không? Mũi có ngữi đâu? Tay chơn có hoạt-động đâu? Mà Ý có sanh đâu?
Vì do đó, muốn “Phục-bổn huờn-nguyên” mà “phục-qui ư anh-nhi” lại, thì phải đoạn-trừ những cái gì tạp-trược đã đóng dầy bao năm trong cơ-thể mình đây, từ thân lẫn tâm, từ xác lẫn ý, phải tẩy trược nó đi, phải không Đệ ?

BÀI
Lão đây thuyết-giải lý này,
Độ đời cho rõ hoằng-khai chánh-truyền.
Này Đệ ơi! Tùy duyên hóa-độ,
Tùy căn-cơ mới lộ máy trời,
Đạo nào có nói ra lời,
Chớ đâu phải món hàng phơi bày gì ?
Lão tình-thương huyền-vi tiếp điễn,
Kinh-nghiệm qua lội biển trần-gian,
Cho nên thuyết-giảng vài-hàng,
Để người học đạo tâm an vững-bền.
Nhưng Đệ nhớ đừng quên Lão dặn,
Khẩu chơn-truyền chớ lậu đệ ơi !
Tùy theo căn sức quả nhồi
Tùy theo đức-hạnh ra lời bố-ban !

Bởi vì người tu-học phải kiên-tâm trì-chí mới đoạn trừ tạp-niệm của chúng-sinh,

trở về con đường Phật-tánh.

PHÚ

Lão tri-âm vì tình của Đệ,
Thuyết-giảng bài lưu để về sau,
Đường đã đi mở cửa động-đào,
Bao vòng gai bước vào chẳng dính.
Nhưng chúng-sanh do nhiều tật bịnh …
Phải tùy căn trù-tính dạy khơi …
Chớ ấn-khuyết đâu phải luyện chơi,
Mà đem nói ra lời thi phú.
Đường Đạo-mầu hằng năng kết-tụ,
Do thành-tâm chí-bửu chí-thành,
Đạo trưởng-dưỡng Tam Khí huờn sanh.
Rồi đáo-lai bổn rành dĩ-thái.
Để vượt qua biển trần hà ái,
Đoạn trừ đời Tâm phải làm sao ?
Lửa riu-riu ta nấu đầy vào,
Để Tâm không chẳng xao lãng Pháp.
Chuyển Luân-Xa bảy hai kết nạp;
“Đại Châu-Thiên” mới đạt chánh-truyền.
Đốt tục-lụy đã đắm trần-duyên,
Dùng Chơn-ý định thiền lặng Tánh.
Người tu rồi chợ đời phải tránh,
Dùng Khí thanh diệu-cảnh “Hư-vô”,
Chuyển cho xong mở máy cực-đồ,
Hòa “Tứ-tổ” mà tô điểm-hóa.
Lý khắc sanh ngũ-hành chí cả,
Phải biết hòa giải họa nhơn-tình,
Đường dục mà nó có trưởng sinh,
Định Thần đáo để nhìn bầu dược.
Nếu Khí đi nó trôi xuôi ngược,
Dùng Ý bình sau trước vẹn khai,
Hãy hô-hấp đủ số trọn bài,
Rồi định lại chuyển ngay Thần bổ.
Nếu Thần đây không yên một chỗ,
Hãy lắng lòng rồi độ sáng thông,
Nhưng “Tam-qui” đã khải trong lòng.
Phải năng tịnh huờn không buông xả.
Nếu các huyệt mình đây bế cả
Phải năng bồi mà phá nó ra,
Dùng cửu khiếu xoi lỗ đẩy-đà,
Qua chín ải thì ta mới khỏe.
Máy cơ Trời Lão đây đã hé,
Ngọc-Chẩm này là kẻ khó-khăn,
Nhưng phải phá xẹt điễn một lằn,
Hòa Nê trụ tinh-thần xán-lạn.
Rồi đem vào Huỳnh-trung bậu-bạn,
Kết Tâm-điền phá áng vô-minh,
Lấy Ly-tâm bổ hỏa giữ-gìn,
Rồi Can-mộc gió đông thổi tới.
Tỳ Thổ vị mình năng đào xới,
Phế khí hòa bạch-đới kim-tinh,
Thận Đơn-điền đen mãi nước nhìn,
Năng điều-chế mà bình Tâm vị.
Nấu làm sao nước kia hóa Khí,
Khí thanh-thanh vòng chỉ phục đơn,
Rồi lưu-ly Thần sáng thành đơn,
Hoát chiếu-diệu qua cơn thống-khổ !
Dùng Đại-Định để mà tận-độ,
Thần-cốc vào đúng chỗ nằm yên,
Lão đây đã chỉ động đào-nguyên.
Hỡi khách-tục tri duyên giác-ngộ !

Thôi Lão thăng.

Trở lại Mục Lục