XTC : Trồng cây Bồ-Đề, hạt giống nó ở đâu mà có ? PN : Bạch Đại-huynh! Hạt giống là “Bổn Chơn-Như”. XTC : Đấy, nhưng lấy đâu có mà trồng đây, đất nào trồng nó ? PN : Bạch Đại-huynh! Lâu nay bỏ quên nó, bây giờ phải trồng nó trở lại, trồng nó phải chánh Đông, rễ ở ngay hướng Bắc, thân cây nó hướng Đông, cái ngọn hướng Nam. XTC : Rồi cái trái nó ở đâu ? PN : Cái trái nó kết-tựu về Mồ-Thổ. XTC : Đó! Bây giờ mổ-xẻ tiếp nghe! Cây Bồ-Đề này không có nói về thời tiết; không có Xuân, Hạ, Thu, Đông; không có bốn mùa mà cũng chẳng có tám tiết , phải không ?
Tám tiết là thế nào? Mình đi tìm hạt giống, bắt đầu trồng cây Bồ-Đề chịu không ? PN : Bạch Đại-huynh, Đệ chịu chứ ! XTC : Vậy nước tưới cây Bồ-Đề này lấy ở đâu ? PN : Bạch Đại-huynh! Lấy “Ma-Ha Tịnh-Thủy Tiên-Thiên” đó ! XTC : Mà cây này nó kỵ lạnh, kỵ nóng, phải không ? PN : Âm-Dương phải quân-bình, lạnh quá thì nó không tăng-trưởng lại bị úng, còn nóng quá thì nó khô héo rụi, tàng nó lúc nào cũng phải huân-chưng. XTC : Đúng! Cười … thế nên mới gọi là “MỘC-DỤC” là chỗ đó đó ! PN : Tưới sáng, tưới chiều (phải ôn-dưỡng). XTC : Mà còn tưới nó lúc khuya nửa đêm (Giờ Tý). Cái cây này tham quá nó cũng không có trái, sân quá nó tự nhiên rụi, si quá thì nó cuốn lá, mà tạp-niệm quá thì sâu ăn,
còn gió quá thì nó lại lay gốc đó.
PN :
Bây giờ tạo giống Bồ-Đề,
Trồng ngay Bắc-Hải đem về Đông-phương,
Kết tàng nơi tại Nam-đường,
Dùng phân Thanh-tịnh tuyết-sương nhuận-hòa.
Tưới vào bằng nước Ma-Ha,
Quén-vun Thiên-điễn kết Tòa hoa khai.
Gắng tâm nung-đúc giờ ngày,
Đến khi thành quả Như-Lai phục-huờn.
Đó là “Linh-Tựu Kim-Đơn”,
“Vô-sanh bất-diệt” không còn trầm-luân !
Bồ-Đề dâng kỉnh Huyền-Khung,
Hòa cùng Thiên-lực giải vòng trần-ai !
XTC : Đúng! Khá khen, cười… Hay! Vậy là có người đã biết trồng cây Bồ-Đề rồi, cười… Cùng nghề tu nói ra biết liền. Bởi vì cũng cùng một hạt giống thì có một cách trồng thôi,
XTC : BÀI
“Hư-Vô” lấy hạt Bồ-Đề.
Giống trồng “Thanh-Tịnh” tham-mê không còn.
Bồ-Đề chẳng nhiễm hằng chơn,
Kêu ai hãy tỉnh “Phục-Huờn” mau mau.
Bồ-Đề hạt giống đã trao,
Đơn-Điền làm chậu trồng vào ngay đi !
Đúng ngày, đúng phúc, đúng thì,
Sum-xuê cây lớn Mâu-Ni khoe đài.
Cây này trồng rất là dài,
Cũng do “Chơn-Ý”, bàn tay mỗi ngày.
Bồ-Đề quay hướng “Đông-Đoài”,
Nếu ai hiểu rõ miệt-mài bón phân !
Âm-Dương săn-sóc ân-cần,
Tàng quay tâm-vị Ly cần bổ tinh.
Bồ-Đề là giống không hình,
Ai trồng thì cứ quay nhìn trong Tâm !
Giống này tăng-trưởng nẩy mầm,
Vô-ưu hoa trái kết tầm Như-Lai.
Trồng cây phải ngắm hằng ngày ;
Bắt sâu tưới nước hoài-hoài đệ ơi !
Bây giờ bắt sâu nơi đâu, Lão chỉ :
Sâu tham nó đục gốc rồi,
Nào sâu ma-chướng một nùi cận bên.
Nào sâu phiền-não đừng quên,
Sinh ra trái độc, Si tên giống này !
Làm mê chẳng trở lại Tây …
Đông-phương quên hướng giờ ngày ghi danh.
Cây này hòa-hiệp Ngũ-Hành,
Đông, Tây, Nam, Bắc trọn-lành mới xong !
“Trung-Ương Mồ-Thổ” Đại-Đồng,
Đất trời hòa-hiệp phục-tòng Phật-Tiên.
Cây này đơm nở hoa-liên,
Gặt mùa giải-thoát trái huyền lâng-lâng.
Mùi hương thanh-diệu “Khí-Thần”,
Nhưng năng chăm-sóc chuyên-cần ngày đêm.
Bốn mùa tứ-quí bồi thêm,
Tứ-thời tịnh-tọa vẹn bền công-phu.
Bồ-Đề hòa-hiệp cương-nhu,
Khắc sanh, sanh-khắc đi từ bên trong.
Đây, cây Bồ-Đề trồng ngay chính giữa, đây là Dương, đây là Âm. Đông tay trái, Tây tay phải, mặt phải ngó hướng Nam. Bây giờ Lão chia ra, bắt đầu Huynh-Đệ mình trồng tiếp. Đây,
Đông, Tây, Nam, Bắc :
Trồng vào Mồ-Thổ một cây,
Bồ-Đề chọn gốc do Thầy đã ban.
Dương qui hiệp ngũ Đông-phang,
Ứng vào tạng khí là Can điều-hòa.
Mộc sanh trái gốc tỏa ra,
Bồ-Đề đã vững Ma-Ha tưới liền.
Đó! Bắt đầu tưới nước, nãy giờ Lão ương cây, bây giờ Lão tưới nước, xem coi nó mọc ra là cây chi và sanh quả gì, đặng trái gì rồi huynh-đệ mình lấy làm giống, chịu không? Cười … PN : Bạch Đại-huynh, đệ chịu lắm chớ ! XTC :
“Ma-Ha Tịnh-Thủy” nước thần,
Một ngày chăm tưới bốn lần sum-xuê,
Tàng cây một cội Bồ-Đề,
Ấy là cây khắc đam-mê trược trần.
Kim thời khắc Mộc đành-rành,
Bỏ vào cây phải rụi lần gốc ra.
Cái Kim-Vàng phải đập ra,
Biết Kim-Vàng để làm chi không ?
PN : Bạch đại-huynh! Lấy Hỏa khắc Kim, để chế lại thành Chơn-ngân đó. XTC : Nó đó ! PN : Chế hòa nó không còn khắc Mộc nữa. XTC :
Chế vào khắc hóa Kim đà không-sanh.
Năng trau Tịnh-Thủy Trời dành,
Ấy là Thận kết điền thanh gốc Đề.
Bây giờ trồng cây Bồ-Đề ở gốc đi rồi sẽ thấy. Mình hãy tả ra trong bốn mùa nó như thế nào, rồi nó sẽ nở hoa ra sao, chịu không đệ? Đó rồi nhờ tay nào tưới cây Bồ-Đề ?
BÀI
Bốn mùa, tám tiết Xuân phân,
Ma-Ha hãy tưới Chơn-Thần siêu-nhiên.
Bồng non nước nhược đi liền ;
Đi tìm cái cuốc Phật Tiên trao mình.
Đó là “Chơn-Ý” giữ-gìn,
Trọn-lành hoa nở tươi-xinh khoe màu.
Mùa xuân tưới ấm làm sao ?
Nhuận-phùng kết trái Bồ-Đào Bồng-Lai.
Cây tươi lá mọc thật dài,
Hái hoa làm giống ngày mai mình trồng.
Mùa Thu mát-mẻ trời giông,
Bắt sâu phân bón lấp giồng lên cao.
Mùa Thu gìn-giữ tâm-bào,
Vui tươi mát-mẻ thao-thao huyền-huyền !
Đến thời mùa Hạ nực-phiền,
Làm sao tưới nước chế liền Hỏa sanh !
Ấy là cái điểm Chơn-Thần,
Chiếu vào bầu dược Hỏa thành Kim-Đơn.
Nhờ Tinh bổ Khí Triều-Nguơn,
Hóa ra năm sắc phục-huờn Đài mây.
Mùa đông lạnh lẽo ưu-hoài,
Đừng cho ủ-dột thân cây gầy mòn.
Tam-Muội sưởi-ấm mạnh hơn,
Làm sao bổ Hỏa đẩy lên đảnh đài !
Trồng cây Bồ-Đề là vậy đó, trồng rồi trong bốn mùa, nói sơ bên ngoài, chưa mổ-xẻ sâu,
cùng nghề đi sâu mới đặng.
Mùa Xuân, Mộc-tráng Kim-tù,
Làm sao chế-hóa Thủy-Hưu bị đày !
Bốn cây đâm tược hoa khai,
Bồ-Đề giống trái mọc ngay Đơn-Điền.
Hạ thời Thổ lại vượng liền,
Khắc-sanh, sanh-khắc hai miền Âm-Dương.
Bồ-Đề thật giống thanh-lương,
Không hình, không trái, cúng-dường Như-Lai.
Mùa Thu Can Thổ bị đày,
Thế nên Mộc cứ ưu-hoài tả-tơi !
Mùa đông lạnh quá người ơi !
Làm sao bổ-Hỏa tô-bồi Tiên-Thiên ?
Khắc sanh, sanh khắc hai miền,
“Khảm-Ly ký-tế” nhân-duyên hài-hòa !
Bồ-Đề là giống của Cha,
Trồng vào nó nở ra hoa linh-huyền !
Đó! Cây Bồ-Đề nó là gì? Tới đây thôi, còn tiếp nhưng mà thôi, phải không đệ ? Nay nghe bao nhiêu đó đủ rồi! Cười… quí lắm! Có duyên mới nghe được tới đó đó! Mà ai cứ trồng đi thì sẽ thấy ngay ! PN : Chỉ có hàng cao-thượng tâm-hồn và đại-chí mới trồng cây Bồ-Đề này nổi mà thôi,
bạch Đại-huynh ! XTC : Trồng đừng cho nó lẫn lộn gốc Tham, cái lửa Sân nó đốt cháy, thành ra nó sanh cái trái Si-mê lại càng không đặng, phải không? Vậy bây giờ làm sao mà trồng đặng trái Thần,
cây Khí mà cái rễ Tinh.
Rễ Tinh, Cây Khí, Trái Thần,
Huờn-Hư “MỘC-DỤC” sanh lần Đài-thiên.
Đây là bí-quyết diệu-huyền,
Chiếc chìa khóa mở nhân-duyên chuyên-cần.
Bồ-Đề phân bón mười phần ;
Bón bằng tịnh-dưỡng “Kim-Thân Phục-Huờn”.
Tịnh-Tâm chẳng có giận-hờn,
Từ-bi làm gốc không còn con sâu.
Con sâu phiền-não đi đầu ;
Con sâu ma-chướng từ đâu cắn rồi !
Bây giờ bắt sâu; sâu phiền-não, sâu ma-chướng.
PN : Cũng do sâu tham sân si mà ra…!
XTC : Thì đó là sâu Tham, Sân, Si mà ra – Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục là bảy con sâu nữa. Mấy con sâu đó quan-trọng lắm! Chẳng những nó đục cái rễ mà nó còn nuốt thân cây, nó đục luôn lá. Thế nên cây này rất khó trồng, vì không hình, không dạng, khó lắm ! PN : Bạch Đại-Huynh! Phải hàng Chánh-giác Đại linh-căn mới trồng nổi !
XTC : Đó ! Dùng tay trí-huệ diệu-linh ;
Linh-căn phục-tánh giữ-gìn cây Tiên.
Chi chi là cái nhân-duyên,
Bồ-Đề cội nở nơi miền trần-gian.
Cây này sanh trái Kim-Cang,
Nhập vào đảnh-thượng Niết-Bàn chơn-như.
Cây này hòa hiệp Đại-từ,
Cởi bao phiền-toái mê-mù Tham Sân.
Cây này biến-hóa Kim-Thân,
Thượng-đài đảnh chiếu chơn-ngân ánh-huyền.
Tại sao Diên nặng Hạ miền ?
Thủy-Đơn phải kết phục-nguyên Anh-đài.
Làm sao thăng đảnh càng hay,
Hoa đà rộ nở về tay của mình.
Ấy là do chí giữ-gìn,
Trọn tu giải-thoát viên-minh Bồ-Đề.
Bồ-Đề phải diệt Tâm mê ;
Nào là Tánh muội quay về Chơn-như.
Bồ-Đề sáng-rực trọn tu,
Động lòng Thiên-điễn Cha từ bố-ban !
Tứ-thời chăm-sóc vững-vàng.
Tý thời tưới nước mà sang Đơn-Điền.
Nước thanh chẳng tưới liên-miên ;
Từ-từ mà tưới cây liền đứng cao.
Ngọ thời Hỏa đã thăng vào,
Coi chừng cây héo rụi xào không sanh !
Làm sao bổ Hỏa thiên-thanh ?
Âm-phù phải thối năng hành dục yên !
Cây này bổn-tánh rất hiền,
Nhưng vì không biết Đơn-Điền trồng sâu.
Mẹo thời cây đã nở sao ?
Phương-Đông quay hướng làu-làu Thái-dương.
Bồ-Đề bốc-dịu mùi hương,
Lá cây thanh-thoát huỳnh-tương liên-đài.
Nhìn vào càng thấy mê-say,
Kết hoa, đơm trái Như-Lai từ-từ,
Dậu thời bình-định tâm-tư,
Bởi vì khắc MỘC từ-từ tưới thôi.
Coi chừng cây chết gốc rồi,
Làm sao đứng vững tô-bồi lần lên !
Từ-từ đem quả đắp nền,
Tưới vào dịu mát không tên cây này.
PN : Bạch đại-huynh! Vì lúc đó Thận Thủy nó sanh. Vào giờ Dậu Thủy vượng, đừng tưới nhiều, nếu tưới nhiều thì nó ngập, bởi giờ Dậu thuộc Kim, Kim lại khắc Mộc – Kim sanh Thủy, mà dụng nước tưới nhiều quá thì cây phải bị ngập úng chết, nên gọi Kim khắc Mộc là vậy. Đã nói, hễ vượng quá, rồi là hàn lạnh, nhiều người luyện Đạo mà không biết chỗ đó thật là tai-hại! Vì giờ Dậu nếu khắc, thì hay làm cho ớn lạnh, bởi âm-thủy nhiều quá, nên phải khắc Mộc, làm cây Đạo Bồ-Đề hoại tàn ! XTC : Đó !
BÀI
Bồ-Đề đơm đặng hoa Tiên,
Tàng Đông hướng ấy nở liền trái thơm.
Thân cây sinh-lực khí gồm,
Vô-ưu diệt sạch hết trơn não-phiền !
Bồ-Đề trồng cội Tham-thiền,
Năng ngồi tịnh-tọa tri-nguyên lẽ mầu.
Tịnh thanh sanh khắc một bầu,
Ấy là vun-bón bắt sâu từ đầu.
Quan-trọng là ở chỗ đó! Cái cây Bồ-Đề này khác hơn mấy loại cây ở thế-gian, trồng trong sự im-lìm, tịnh-tọa. Nó tuy tịnh nhưng mà động, là trong lúc đó mình phải bắt sâu. Sâu là cái chi? Là con sâu phiền-não, ma-chướng, tham sân si đó. Đủ thứ trong này,
lục-căn (lục-dục),
lục-thức, lục-tình, thất-tình. PN : Bây giờ còn phải bón phân nữa, bạch Đại-huynh ! XTC : Bón phân, là phân Tiên-Thiên rút vào phải không? hỏi chi Lão phải nói? Muốn dấu chỗ đó một chút, mà Đệ hỏi chi Lão phải nói :
Tiên-Thiên phân bón Bồ-Đề,
Lấy từ đâu có quay về Chơn-như !
Linh-quang diệu khí “Thái-Hư”;
“Hư-Vô” rút điễn đem từ Đài-thiên.
Tưới cây, phải tưới liền-liền,
Thì cây đặng sống tri-nguyên Đảnh-đài.
“Tiên-Thiên Chơn-Khí Càn-Đoài”,
Ấy là sanh-trưởng ra loài hoa-liên.
Cây này do lý nhân-duyên,
Ngày nay kết-quả mật-huyền linh-thông !
PN : Bây giờ phải vun gốc nó nữa bạch Đại-huynh !
Nếu mà vun gốc Bồ-Đề,
Trồng vào trong chậu quay về Điền-Đơn.
Tề môn tịnh-tọa phục-huờn,
Tàng cây ra lớn hoa chơn kết rồi.
Gốc cây vun-quén chớ ngơi,
Trung-ương lấy đất đấp-bồi lên cao.
Huỳnh-kim màu sắc diệu-mầu ;
Long-lanh vàng chói chiếu vào hư-trung.
Có hoa nhưng thấy chẳng mừng,
Coi chừng chàng gió thổi lưng đi liền.
Làm sao rút điễn Tiên-Thiên ?
Mà ngăn trận gió đứng yên mới tài !
Phương Tây phong loạn lạc-loài ;
Phương-Đông bắt quyết Càn-Đoài linh-oai !
Anh nào chăm-sóc gìn cây ?
Dùng gươm trí-huệ chặt ngay điểm này !
Cây thì lặn mà gió không chịu ngừng, bây giờ phải làm cách nào ? PN : Bạch Đại-huynh! Phải chánh-định ! XTC : Chỗ này là chỗ bí-quyết đó Đệ! Gió này là gió Phương-Tây đó! Cười … PN : Đó là tạp-niệm vọng sanh… !
XTC :
Phương-Tây ngọn gió khắt-khe ;
Phương-Đông mình lấy chỗ che diệu-mầu.
Âm-Dương sanh khắc hai bào,
Ngày nay kết lại một màu mà thôi !
Âm-Dương hòa-hiệp tô-bồi,
“Qui-Gia Tứ-Tổ” lúc ngồi thiền-công.
Nãy giờ Lão đã chỉ rõ ba điểm rồi: một là tưới cây, hai là cho gió lặn, ba là lấy nước Tiên-Thiên tưới xuống cây nó mới bổ, thì phục lại Nguơn-thần. Bây giờ Lão chưa nói trồng cây đến năm nào, còn thời-gian trồng cây nữa; nó còn đòi hỏi thời-gian mà đòi hỏi là cái sự không nản chí, chớ trồng cây này nó ên hay không là do mình mà thôi. Có trái hay không thì cũng do mình, mà cây này sống hay chết cũng do mình. PN : Bạch Đại-huynh! Lâu nay tiện-đệ đi hành-Đạo, chưa thấy mấy ai đại-chí mà dụng-công rốt-ráo để trồng cây này cho trọn vẹn trong thời mạt-pháp, đa số là trồng cây âm-thanh sắc-tướng và cây tôn-giáo mà thôi ! XTC : Sao mà nói thế! Coi vậy chớ cũng có người đó Đệ! Miễn có ý-chí mà thôi !
Bây giờ Lão nói qua phần: Thành, trụ, hoại, diệt. Bởi vì hôm qua Lão đã nói với Đệ, để Đệ hỏi Lão mắc công nói, rồi cũng mắc công tìm người nghe, phải không Đệ? Cười… Nhưng mà không nói thì Đệ hỏi, Đệ hỏi hoài Lão cũng mắc phải nói luôn. PN : Bởi thế, vào thời-kỳ mạt-pháp này, cái căn-nghiệp của chúng-sanh nó đã chồng-chất thêm dầy quá rồi, là do đam mê, nên rất hiếm người có khả-năng ý-chí mà trồng cây Bồ-Đề, kết quả “Bổn-Nguyên” lắm ! XTC : Thì bây giờ cái hạt giống đó cứ cất giữ nó đi, hãy đợi người có ý-chí, Đại-Linh-Căn cho trồng thì nó mọc ngay, có gì đâu mà than-thở, phải không Đệ ? PN : Bạch Đại-huynh! Theo tiện-đệ xét thấy rằng hàng Đại Linh-Căn đó rất hiếm và cũng khó gặp lắm ! XTC : Nãy giờ mới nói công-thức trồng sơ sơ bên ngoài, chỉ có Lão với Đệ biết mà thôi! Này Đệ! Cùng một nghề mới biết cây này có màu ra sao? Cái trái nó ra sao? Cái chậu trồng nó ra sao? Và hương-vị nó ra sao? Không phải trong nghề nói sao đặng đó Đệ? Cây này rất khó trồng, nếu dễ trồng thì cây này đâu có quí, phải không Đệ? PN : Bạch Đại-huynh, đúng vậy ! XTC : Mà Đệ nghĩ sao Phật ngồi gốc Bồ-Đề, ý-nghĩa lắm à Đệ !
BÀI
Bồ-Đề ngũ sắc hào-quang,
Như-Lai huyền-ẩn tìm-tàng bên trong !
Bồ-Đề cây nở miền Đông,
Huỳnh-gia Kim sắc Tây-Đông hiệp Đoài.
Càn môn tuy có lạc-loài,
Dùng Khôn biến-hóa tri ngay Bồ-Đề.
Bồ-Đề đã giải u-mê,
Huyền-huyền diệu-diệu quay về Đài-Thiên.
Bồ-Đề sanh nở cây liền ;
Đơm hoa kết-quả nhân-duyên lý này.
Bồ-Đề tăng rũ phương Tây,
Thế nên Phật phải hiệp vầy Như-Lai.
Như là bổn-mục hoằng-khai,
Lai là tri rõ cội rày từ đâu ?
Ấy là lý Phật cao-sâu,
Làm sao đời hiểu một màu Huỳnh-Gia ?
Bởi vì Phật có Ngũ Sắc, Tiên có “Ngũ Khí Triều-Nguơn”, mà Thánh thì có Ngũ Luân (ngũ-thường đó), phải không đệ ?
BÀI
Triều-nguơn ngũ-khí Đông-Tây ;
Ngũ-Hành chế-khắc vui vầy Đông-Lang.
Chàng Kim Hồn-Phách định màng,
Vui duyên hợp cẩn lời bàn vào trong.
Huỳnh-Bà đích-thị mai-dong,
Làm sao mình kết Tây-Đông giờ ngày ?
Vui duyên tình mới càng say,
Sanh con không dạng đợi ngày thăng-thiên.
Lý chơn Phật hội quần-Tiên,
Nguơn-Thần đảnh-thượng chí-huyền chí-linh !
Trở về nuôi-dưỡng Huỳnh-Đình ;
Nuôi con khôn lớn giữ-gìn chiều mơi …
Nuôi con đừng có đổi-dời,
Chẳng đi chẳng động, không khơi sanh lòng.
Nuôi con dỗ giấc say-nồng,
Cho con bú khí Tiên-đồng bố-ban.
Cho con ăn ngọc Kim-Cang ;
Ăn vào càng lớn vững-vàng Pháp-Thân.
Cho con khôn lớn Chơn-Thần,
Ấy là bú mớm rút ròng Tiên-Thiên.
Chín năm con đã lớn liền,
Làm sao nuôi-dưỡng nơi miền Tâm-Can ?
Đường đi Nam-Bắc vững-vàng ;
Đông-Tây mấu-chốt chính đàng hãy đi !
Con này, con của huyền-vi,
Không tai, không mắt, miệng gì mới hay.
Cũng không thân sắc lạc-loài,
Nhưng mà hiểu rõ muôn-loài hóa-sanh.
Con này do bởi ngũ-hành ;
Âm-dương hòa-kết mà sanh Nguơn-Thần.
Làm sao tám lượng nữa cân ;
Hống-Diên phải kết Kim-Thân phục-hồi ?
Phách-Hồn cha mẹ ai ơi !
Huỳnh-bà là ý tô-bồi Chơn-ngân.
Động phòng hoa-chúc Đơn-Điền,
Làm sao uống chút rượu Tiên say mùi ?
Vợ chồng hiệp lại mới vui,
Rầy-ra thì khắc, sao nuôi con mình ?
Đông-Lang Ngọ đến không tình,
Tây-gia kết lại vẹn gìn với nhau.
Hồn chồng hiệp cẩn Phách vào,
Bây giờ biết ý tâm-bào hòa-minh !
Vợ chồng khi ăn ở phải biết ý với nhau, đúng không? đừng có rầy-rà; nếu rầy-rà thi chẳng vui, nếu chẳng vui thì không có con, đều quan-trọng là vợ chồng ăn ở phải khắng-khít hòa nhau, chồng đâu vợ đó. Cười … chồng ngó thì vợ phải cười, đúng không ? PN : Có nghĩa là, ý nói Thần-Khí phải hòa nương nhau không rời vậy. XTC : Chẳng lẽ chồng ngó vợ liếc đi chỗ khác sao đặng, phải không ? PN : Khí đâu thì Thần phải theo đó, là do Chơn-Ý dẫn đi đó, bạch Đại-Huynh ! XTC : Phải không Đệ? Hễ trong nghề nói nghe vui, phải không? Cười …
BÀI
Vợ chồng then đóng cửa gài,
Màn len phủ xuống vạn-loài tịch-yên.
Sanh ra Phật-bổn con Tiên,
Không hình, không dạng nó liền lớn ngay.
Đứa con nuôi ở Thiên-Đài,
Để cho nó lớn bắt rày về trong.
Huỳnh-gia đóng cửa thông-đồng,
Cho ăn cho học, học xong lý-mầu.
Con này càng lớn càng cao,
Càng không hình dạng nhập vào Thánh-Thai.
Con này hiệp bổn Như-Lai.
Biến thăng vô-ngại ngày ngày rong chơi.
Con Tiên thì thật thảnh-thơi,
Không ăn cũng lớn hơn người thế-gian.
Con này “Phục-Bổn Kim-Cang”,
Nào đâu có thấy tịnh-thoàn đi ra.
Con này bổ nước Ma-Ha,
Huờn-tinh chế não tam-hoa rạng-ngần !
“Tồn Tinh Dưỡng Khí Phục-Thần”,
Đó là mấu-chốt “Huờn-Đơn Phản-Hồi”.
Đúng không đệ ? PN : Bạch Đại-huynh, đúng vậy ! XTC : Nãy giờ Huynh-đệ mình nói toàn là cái gì không, phải không ? PN : Khó nghe quá Đại-huynh há ! XTC : Trồng cây đã rồi tới con. Cười… Bây giờ nói cái gì nữa đệ? Mà nói sơ sơ thôi nhé !
Sanh con nuôi sao mà mau lớn dự vậy há? Tại sao tự-nhiên nó biết đi, biết bay, phải không ? PN: Mà lại nó ăn bằng thức-ăn Tiên-Thiên không ! XTC : Đúng! Phải không Đệ? Con này nuôi khỏi tốn tiền. Cười … PN : Không tốn quần-áo, không bận rộn gì hết. XTC : Không cần nhà ở, không cần chiếu nằm, không cần quần-ái và cũng chẳng cần phương-tiện chi chi cả. PN : Mà cũng không có luân-hồi quả-báo nữa, con nầy nó ngộ là chỗ đó. XTC : Cũng như hồi nãy mình trồng cây Bồ-Đề nó ngộ quá hả Đệ? Nãy giờ Huynh-đệ mình trồng cây đã rồi, thì nuôi con.
PN : BÀI
Kỳ mạt-pháp Đạo Thầy xoay-chuyển,
Rải nguồn ân Thiên-điễn bố-ban,
Ai người trực-giác quày đàng ?
Quày đàng tu-học giải-oan luân-hồi !
Phải thiền-quán tô-bồi đức-hạnh,
Định ngày giờ, xa-lánh duyên-trần,
Chơn-thường tịnh-luyện Tâm-Thân,
Cho tròn lý Đạo, não-nồng phủi mau.
Hiệp Tiên-Thiên nhiếp bào Huỳnh-Thổ,
Trừ ma lòng tự ngộ lấy mình,
“Tham-thiền khử-ám hồi-minh”,
Nằm, ngồi, đi, đứng vẹn gìn “Tâm-Trung”.
Tiếp siêu-quang hòa cùng khí-thể ;
Lọc Hậu-Thiên hầu để khai-minh,
Linh-thông diệu-giác cứu mình,
Không còn lầm-lẫn trược-sinh nhiễm-trần … XTC :
Khai “Đại-Đạo Tân-Dân Minh-Đức”,
Dựng-xây đời đúng bậc chí-chơn,
Anh-nhi Phật-tánh phục-huờn,
Kỳ-tam chuyển-thế linh-đơn hóa-hoằng.
Khuyết Ấn-Tý bắt phần ma quỉ,
Để độ hồn chư-vị linh-thiêng,
Thứ hai là cái mật-huyền,
Làm sao biết rõ Tiên-Thiên bây giờ ?
Ấn Tam-muội há ngơ tất dạ,
Đúng Tý thời chí cả nấu-nung,
Làm sao hiệp mấu Huỳnh-Trung ?
Khai cơ Mồ-Thổ qui-tùng Đạo Cha.
Giáp-Ất Mộc phải hòa Can-vị,
Bính-Đinh Hỏa thời Tý sanh ra,
Ngũ-Hành chế-khắc điều-hòa,
Dùng Nhâm Quí Thủy tinh-ba nấu bầu.
Mồ-Kỷ-Thổ chưng cao linh-dược ;
Nấu làm sao tinh-trược, chạy đi,
Lọc thanh đơn khí huyền-vi,
Chuyển vào Nê đảnh chơn-tri máy Trời.
Máy tinh-vi của đời chế đó,
Dùng làm sao, nào có hiệp đâu !
Nay mình xoay-chuyển Ngũ-châu,
Huyền-vi siêu-xuất không màu sắc chi !
Canh-Tân Kim Phế-vì trị chủ,
Đúng vào giờ đừng ngủ mà mê,
Sanh ra Bầu-Thủy Bồ-Đề,
Đem vào tưới nó xum-xuê gốc lành.
Đây sanh khắc ngũ-hành lý-số,
Hỡi người tu! Đúng độ khai cơ,
Bình-tâm vững-chí chớ ngờ,
Rán mà tịnh-tọa ngày giờ lặng im !
Canh bạch vị Phế tìm Hồn-Phách.
Tân ám mờ chưa sạch Linh-Đơn,
Làm sao bổ-Hỏa phục-huờn ?
Ấy là Tâm tịnh hòa chơn một bầu.
Chuyển làm sao nhiếp-thâu linh-điễn ?
Chuyển làm sao ứng-hiện Đạo-Thầy ?
Lão đây hiệp Đệ bắt tay,
Khai nguồn Chơn-lý “Tam-Tài Qui-Tông”.
Tinh, Khí, Thần nằm trong ngũ-trược,
Chuyển làm sao biến dược Linh-Đơn ?
Chuyển sao mấu-chốt Nê-huờn ?
Hiệp vào Cửu-khiếu Huỳnh-môn tri bầu.
Chuyển làm sao minh-châu trí-huệ ?
Chuyển làm sao Huỳnh-Đế Thổ tương ?
Chuyển sao thống trọn một đường ?
Là đường thiên-trụ Tây-phương Linh-Đài.
Đúng không đệ ?
PN : Bạch Đại-Huynh! Cột xương sống là Thiên-trụ (cột Trời) từ Vĩ-Lư đi lên Nê-Huờn cung, cũng gọi là Mạch-Đốc vậy.
Kỉnh Đại-huynh thuyết truyền tịnh-luyện,
Giúp duyên lành thể-hiện Đạo-tâm,
Tịnh sao phủi sạch lỗi-lầm,
Phục-huờn linh-bảo thậm-thâm mật-huyền.
Tịnh làm sao não-phiền không dính,
Luyện âm-dương chấn-chỉnh điều-hòa,
Khí Thần phục-bổn tinh-hoa,
Quay về Mồ-Thổ Ngọc-Tòa hư-linh.
Kỉnh Đại-huynh chí-tình ra lý,
Giúp chúng-sanh trực-chỉ Tiên-Thiên,
Giờ này máy Đạo diệu-huyền,
Vô-vi hữu-thể phục-nguyên chơn-truyền.
XTC :
Này Đệ-hiền Phục-Nguyên tri rõ :
Máy vô-vi sáng tỏ từ đây,
Chuyển luân bánh-pháp đủ đầy,
Đài-thiên khai-hóa hằng xoay độ đời.
Tịnh làm sao tứ-thời trọn vẹn,
Luyện bầu Tinh vun-quén Khí-Thần,
Tịnh hòa NHÂM-ĐỐC điều-thân,
Linh-quang xán-lạn hóa-hoằng độ nhân.
Tịnh tẩy lòng Kim-Thân rực-rỡ,
Luyện làm sao chí tợ Như-Lai,
Động trong nhưng tịnh bên ngoài ,
Song song mầu-diệu xiển-khai chơn-truyền.
Tịnh vi-mật phục-nguyên Phật-tánh,
Luyện chơn-thường nhiếp bánh xe luân,
Động trong chẳng có giận mừng ;
Động ngoài qui bổn Huỳnh-Đình hoát soi !…
Tịnh Kiết-dà năng ngồi trau tánh,
Luyện pháp-mầu tâm tránh ưu-tư …
Động trong nhưng tịnh ngoài từ,
Làm sao “Diệu-Hiệp Chơn-Như” xuất Thần !
Phải không đệ? Tịnh-luyện nó như vậy đó.
Sao gọi là Tịnh – Tịnh phải có động, mà động là do luyện mới động,
không luyện thì làm sao động?
Tịnh là tịnh cái xác, nhưng động là động để tẩy Tâm; trừ Tam-Tâm,
tức động bên trong là vậy.
Động là gì? – là cái chơn ý mình nó dìu-dẫn làm sao biết hả Đệ ? PN : Bạch Đại-huynh! Hễ chơn-ý dìu-dẫn Khí Thần được hài-hòa, không đứt-đoạn không thô, không nhuyễn thì Tâm an-lạc khiết-tịnh diệu-thanh đó. XTC : Phải không ? PN : Điều-hòa hơi-thở để đuổi tà-khí trọng-trược Hậu-Thiên ra, nếu bằng không thì nó làm cho thân đau bệnh và tâm xao động mãi-mãi vậy. XTC : Đúng! Tẩy Tâm, tẩy Thân mới gọi là động. Đó là luyện đó đệ ! PN : Có tinh-luyện thì mới huờn lại Hỏa Tam-muội Chơn-dương mà đốt tiêu Tam-Hồn, Thất Phách trái-oan từ vô-lượng kiếp đến nay nó làm cho ta phải đau-khổ triền-miên không dứt nghiệp sanh-tử, tử-sanh mà trả quả đó, bạch Đại-huynh ! XTC : Đúng vậy đó đệ !
BÀI
Tẩy tâm trong-sạch hằng ngày ;
Tẩy tâm trọn-vẹn chí-tài Anh-Nhi.
Tịnh thanh-lòng hành-trì bí-chỉ,
Luyện làm sao Tam Khí qui-nguyên.
Tịnh trong cái động Tham-thiền,
Luyện sao khai-hóa Cửu-thiên siêu rồi !
Đúng không đệ ?
PN : Đúng, là Cửu-thiên khai-hóa đó, bạch Đại-huynh ! XTC : BÀI
Đệ ơi! cái máy huyền-vi,
Độ đời diệu-dụng bởi vì chúng-sanh.
Sen trong tuy lẫn bùn tanh,
Nhưng thơm mùi Đạo sáng danh của Thầy.
Huyền-vi tá-trợ điễn này,
Xuất lời Chơn-lý hoằng-khai chơn-truyền.
Đệ ơi! này Đệ Phục-Nguyên ;
Phục qui bổn-tánh chú-chuyên đêm ngày.
Nguyên-lai nhứt điểm hoằng-khai ;
Phục-huờn Mồ-Thổ ra bài diệu-chơn.
Nguyên-sinh đi độ nguồn cơn …
Giải bao đau-khổ nghiệt tồn thế-gian !
Phải không Đệ? Đời nó có máy tinh-vi, Huynh-đệ mình giờ này tạo cái máy huyền-vi, mà máy huyền-vi mình phải siêu hơn, máy này không nghe âm-thanh, nó không sè sè nữa phải không ? PN : Bạch đại-huynh! Máy này nó cũng không có hình – không có sanh, không có diệt nữa. XTC : Phải không đệ ?
BÀI
Huyền-vi lập đảnh chương-tòa,
Hóa-hoằng khai Đạo kỳ ba cứu đời,
Siêu-linh là máy của Trời,
Bất sanh, bất diệt chẳng dời đổi luôn.
Diễn ra bao cảnh thành tuồng,
Cho người dương-thế thấy khuôn hóa-hoằng.
Siêu-linh lập đảnh đài-thần,
Cứu đời truyền-đạo hòa tầng “Hư-Vô”.
Siêu-linh mở máy chung Mồ,
Máy này nó mãi thâu vô Nê-huờn. PN :
Siêu-linh máy Đạo Bổn-nguơn,
Thành-tâm chí-luyện phục-huờn chơn-dương.
Máy thiên vi-diệu thanh-bường,
Quay về “Nhứt Khí” hằng thường Phật-tâm.
“Tâm-kinh Vô-Tự” thậm-thâm,
Độ chư linh-tánh tri tầm đường mây.
Đường mây thanh thoát hiệp Thầy ;
Hiệp Thầy tối-thượng Như-Lai Bửu-Tòa.
Siêu-linh diệu-dược Ma-Ha,
Rửa mùi tục-lụy bước qua cảnh sầu !
Máy truyền Đạo-pháp cao-sâu,
Ai người tỏ-ngộ mà trau chơn-thường. XTC :
Siêu-linh lập máy kỷ-cương,
Chuẩn-thằng qui-củ chủ-trương hành-trì.
Siêu-linh nguyên-bổn huyền-vi,
Do Cha tạo lập đúng kỳ xiễn-minh.
Máy này chẳng có sắc hình,
Nghe hoài không chán, nhưng nhìn thấy đâu ?
Siêu-linh gồm trọn tay thâu ;
Thâu thiên hiệp-khí nhiếp bầu Càn-Khôn.
Ai ơi! mau hãy tỉnh-Hồn,
Vì đời vật-chất, bỏ chơn tánh Trời.
Thế nên bao nỗi luân-vơi,
Cái cơ tận-diệt khắp nơi vẫy tràn !
Làm cho một trận tan-hoang,
Đống xương vô-định ngút ngàn lệ rơi !
Máu tuôn thành biển đổi dời,
Xác khô oằn-oại nhìn rồi thảm-thương !
Thế nên Lão tá Nam-phương.
Trợ cùng hiền-đệ lập đường quả công.
Thương cho sanh chúng cuồng-ngông.
Đạo Thầy hoằng-hóa nhưng không lưu-truyền.
Thế nên chịu cảnh đảo-điên,
Đông dời non lấp hai miền đổi thăng.
Một đường sấm chớp xẹt lằn.
Cồn-dâu hóa núi muôn phần nguy nan !
Sơn-xuyên hồ-hải thảm-nàn,
Biết bao khốn-khổ tân-toan cho đời !
Lão thấy thương quá Đệ à! Không phải mình thương cái xác giả, mà mình thương nó còn muội-mê, Đệ có công nhận lời Lão nói không ?
Không phải thấy nó thiếu ăn mà mình thương, không phải ốm mà mình thương nó, hay thương nó nghèo đói, nhưng mà thương vì nó quá khôn đời nên phải chịu sàng-sảy
Tỉnh tri nguồn Đạo tầm chơn ;
Tư-duy mọi lẽ thiệt hơn thế nào !
Từ đây mãi đến về sau,
Biết bao sát-phạt Trời nào có dung !
Bởi đời gây cảnh hãi-hùng,
Lão đây thương xót lời cùng lộ cơ …
Nay lòng Đệ khẩn Lão nhờ,
Thế nên Lão nói Đồ-Thơ hậu miền.
Đệ-huynh ta có nhân-duyên,
Cứu đời thảm-khổ tận liền đọa-sa !
Hồn nào đã thác thành ma,
Muốn tu hưởng điễn tìm ra lý mầu.
Quí thay các vị Thần đầu,
Lập-công bồi-đấp càng sâu Chơn-Hồn.
“Vãng-sanh giải-thoát” chẳng còn,
Độ đời là thế Chí-tôn khai-hoằng.
Phải không đệ ? PN : Bạch Đại-huynh, đúng vậy! Vì thế tiện Đệ cúng vãng-sanh hằng ngày đó đại-huynh! Đệ tiếp Tiên-Thiên rải trợ Hồn cho họ được tiến-hóa vậy. XTC : Vì nhằm kỳ đại ân-xá mà! Chẳng phải dành riêng cho kẻ thế tu, mà dành cho phần oan-hồn, thần siêu phách tán đó ! PN : Bạch Đại-huynh! Đại-huynh có thấy họ về đây đông không ? XTC : Làm sao họ dám lại gần Lão được ?
Bởi vì Lão xẹt tỏa một luồng điễn-quang là tán-loạn còn đâu mà thấy. Nên mặc dù không xác mà tu thì cũng được giải-thoát. PN : Vì họ hưởng điễn lành, dù không xác cũng được vãng-sanh. XTC : Bởi thế, mới có câu là: Kỳ-tam này “Tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời” phải không? tu thì hóa một kiếp, ngộ thì trong một thời cũng đặng, chớ không phải tu trăm năm, ngàn kiếp gì, cho nên hễ tu là tu làm sao cho đúng nghĩa tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời, phải không đệ ?
BÀI
Đó là điểm yếu Đệ ơi !
Kỳ-tam ân-xá cho đời tu nhanh.
Diệt tâm phàm tử Đạo sanh,
Lập đời “MINH-ĐỨC TÂN-DÂN” nguơn này.
Đạo khai Thầy đã chuyển-xoay,
Lão về tá trợ điễn này nói ra,
Thiêng-liêng hiệp lại Bửu-Tòa,
Huỳnh-gia xuất giáo đồng-bào cùng nhau.
Không phân ranh-giới thấp cao ;
Không còn vị-ngã làm sao tranh-giành !
Kỳ-tam có điễn Tam-Thanh,
Độ trần lai-tỉnh, lộn-quanh quá nhiều …
Hồn nào phách lạc còn xiêu,
Về đây hưởng điễn tiêu-diêu non-bồng.
Hồn nào đã thác ngoài sông,
Hay là chết trận thân không vẹn toàn.
Hồn nào lên núi chẳng an.
Giữa đường mắc dịch chết mang hận sầu !
Về đây chung hưởng điễn mầu,
Nghe lời Chơn-lý nhiếp-thâu Huỳnh-Đình.
Để mà giải-thoát hồi-sinh,
Hay là Cực-lạc do mình chọn thôi.
Đúng không đệ? Kỳ này ân-xá ở chỗ đó đó – không có phân Âm-Dương, không có phân hữu-hình hay vô-hình, không phân cái chi hết, nên mới gọi là
“TAM-GIÁO QUI-NGUYÊN, NGŨ-CHI HIỆP-NHỨT” vậy. PN : Do đó, mỗi ngày Đệ đều cúng vãng-sanh để hóa-độ họ, bạch Đại-huynh ! XTC : Thế mới nói trách-nhiệm của mình khó là độ dương mà lẫn độ âm, phải không đệ ? PN : Bạch Đại-huynh, đúng vậy ! XTC : Nếu Lão đây mà không có điễn-quang thì bị phần âm nó vật phải không ? Hay là nó gây trở-ngại cho Đệ cũng khó lắm ! PN : Bạch Đại-huynh! Đệ cũng nhờ có điễn-quang nếu không thì mệt lắm chớ ! XTC : Phải không Đệ? Thành ra mình phải đối-đầu với cả hai. PN : Bạch Đại-huynh, đúng! Vì có điễn-quang với điễn-quang trợ-lực nhau mà lại thêm có Âm phò Dương trợ nữa vậy. XTC : Phải không? cao tay-ấn mới được, nếu thiếu điễn-quang bảo-vệ Pháp-Thân thì hao-Thần, một lần đánh với oan-nghiệt âm-ma của người hữu-hình, hễ khi mà đánh tan Thức-Thần, âm-ma nó lại bấu về. Thế nên Lão rất hao Thần. Kỳ này Lão xuống đây để lập-công thật rất là mệt sức, phải không Đệ? Nhưng dù có mệt mà làm cho bao nhiêu người vui, cho bao nhiêu người được giải-thoát thì Lão vui rồi đó Đệ. Thế nên
Bao nhiêu Chơn-Lý nói ra,
Giúp người tu-tỉnh thoát qua lưới trần.
Ai ơi! tỉnh-thức tâm-thần, Quay về gốc Đạo chuyên-cần sớm hôm.
Người ơi! rán định phục-huờn, Chí chơn phá khiếu Kim-Đơn bồi vào.
Tịnh lòng luyện-tánh năng trau,
Có phần trên độ giúp bao khổ-sầu !
Gắng tu Chánh-Định từ đầu,
Nhiếp Tâm, kềm Tánh chớ nào núng nao !
Hạ mình từ thói cống-cao,
Hòa Huynh, tỷ, muội một bào Trời Cha. Tình-thương lai-láng đậm-đà, Quây-quần “Sống-Đạo” tầm ra lý mầu.
Tình-thương của Lão là như vậy đó. Bởi vì kỳ ân-xá này, tu thì rất dễ mà cũng khó! Khó là vì sao thế? Là do vật-chất nó đã lên tới tột đỉnh, vì thế dễ bị lôi cuốn, phải không Đệ? Tâm người không phải là tu không đặng, nhưng mà Đệ biết vì sao không? bởi vì một kiếp không tu thì muôn kiếp mờ, thành ra xuống đây không tu, nên bị lôi kéo, nó đã mờ linh-tánh rồi thì tinh-thần dễ yếu, yếu lần. Nên việc tu khó, chớ không phải tu không đặng. Vì kỳ-tam này có hồng-ân điễn-quang, nhưng bởi người yếu lòng nên bị vật-chất nó lôi kéo. PN : Kỳ-tam này, hễ tu được ba phần thì giảm bớt bảy phần. XTC : Phải không? thế cho nên hay ngã là chỗ đó đó, chớ không phải tu không đặng, nhưng mà quyết-chí cũng thành vậy.