TRỒNG CÂY BỒ ĐỀ

TRỒNG CÂY BỒ ĐỀ

Sao nói trồng cây Bồ-Đề? Bồ-Đề có cây đâu mà trồng? Phải không? Mà gặt cái quả giải-thoát, thoát ở đâu, mà thoát? Đó cái cây trồng ở đâu ?
PN : Bạch Đại-huynh! Trồng chỗ “Chơn-Hồn” đó !
XTC : Cái rễ nó nằm ở đâu? Thân cây ở đâu? Ngọn lá và trái ở đâu? Đó, chịu không ?
PN : Bạch Đại-huynh! Chỗ Thủy sanh Mộc, Mộc sanh Hỏa, Hỏa sanh về Thổ đó !
XTC : Thôi! Lòi ra chi hết trơn rồi! Cười…

Rễ cây mọc tại Đơn-Điền,
Sanh ra Cây Mộc can kiền khổ mê.
Trái thì diệu-lạc sum-xuê,
Hái ra giải-thoát “Bồ-Đề Chơn Tâm”.

Đúng không? Nhưng mà đã có cây Bồ-Đề, có cái rễ Bồ-Đề, có trái rồi, bây giờ làm sao cho cây đứng yên, cho cây mau lớn mà được kết nhiều trái, cái điểm đó mới là quan-trọng, đúng không Đệ ?
Làm sao đừng cho gió nó thổi vào làm cho trái rụng uổng lắm ! Cười … Gió thổi thì cây đâu có lớn, rễ đâu có mọc ra nhiều mà thân cây đứng vững-yên đặng, đúng không ? Mà phải có nước nhiều! Bây giờ có người nào đi trồng đây? Mà người đi trồng mới là, - là cái gì Đệ biết không ?
PN : Là Chánh-giác, Chánh-đẳng đó; Bạch Đại-huynh !

XTC : Đúng !
Anh trồng là trí-huệ ta ;
Trồng sao cây nở ra hoa Bồ-Đề ?
Thân cây tàng lá sum-xuê,
Rễ đơm, nảy-tược quay về Chơn-Như.

PN : Mà hễ gió quá thì hoa rụng hết còn trái đâu mà hưởng mùi giải-thoát? Cười… do sân, si đó !
XTC : Phải! Cười …
Cây Bồ-Đề không trồng , đi trồng cây tham, sân, si. Rễ là rễ tham, cây thì cây sân, hái trái thì trái si, si nó mới mê; mê thì sao biết đặng Đạo? Rồi gặp gió, gió nhiều thì rụng hoa hết, đúng không đệ ?
PN : Làm Hồn-Phách không hiệp nhau khiến cho cây Như-Lai phải khô !
XTC : Phải không ?
Nhưng mà trồng cây Bồ-Đề phải hướng nào ? Quan-trọng là chỗ đó !
PN : Bạch Đại-huynh! Phải trồng ở hướng Đông.
XTC : Khá đấy, đồng nghề nói dễ nghe. Mà cái rễ nó đâm từ đâu ?
PN : Bạch Đại-huynh! Ngay chỗ có nước đó !
XTC : Đó! Cái rễ nó mọc ngay chỗ Đơn-Điền.
PN : Cây rễ có nước nó mới tốt !
XTC : Thân cây nhờ có nước ở dưới rễ hấp-thụ đầy-đủ nó mới điều-hòa giúp cho sự nẩy chồi ra, đơm bông, có quả giải-thoát đặng. Vì thế nên Tinh, Khí, Thần hiệp lại chỉ có một đường đi, nào đâu có hai đường? Vì thế, trồng nó phải tưới sáng, tưới nhiều gọi là “MỘC DỤC”. Mộc là gì ? Mộc là cây, mà Dục là sanh-trưởng. Nhưng mà cây Bồ-Đề này nó khác lạ hơn những cây khác, tưới là tưới ban đêm thôi, còn cây đời thì tưới ban ngày – Cây Đạo thì lại tưới ban đêm.
PN : Ban đêm phải tưới vào lúc giờ Tý.
XTC : Cười… khá đó! Giờ Tý thì nước mới ảnh-hưởng ngấm xuống rễ, từ cái rễ nó nở càng nhiều thì thân cây càng mập, thì nó có nhiều quả.
PN : Bạch Đại-huynh! Đừng để nó ảnh-hưởng gió.
XTC : Đúng! Gió là cái anh khốn nạn đó. Cười…
PN : Là tham sân si đó !
XTC : Đúng !
PN : Rụng bông hết, còn đâu mà kết-quả !
XTC : Thành ra gió là cái khí đó, phải không ?
PN : Hễ sân thì ra khí.
XTC : Đúng! Cười… quan trọng lắm! Nhưng mà làm sao bắt gió lại bây giờ? Đã nói gió là vô-hình không bắt đặng !
PN : Phải tịnh, thì nó hết gió.

XTC :
Chế-hồn luyện-phách truy bào,
Dùng anh chơn-ý gió nào động lay !
Bồ-Đề hoa nở thơm hoài,
Gặt bao giải-thoát quả-đài linh-tri…
Người tu hiệp máy huyền-vi,
Bồ-Đề cây đứng thẳng trì bên trong.
Trái tinh hiệp khí thần-thông,
Hòa qui Cửu-cổ kết đồng Tam-gia.

Cười… Tinh, Khí, Thần hiệp lại mới được quả giải-thoát. Thế nên mới gọi là “TAM-HOA TỰU-ĐẢNH NGŨ-KHÍ TRIỀU-NGUƠN”. Như thế nào mới gọi là Tam-hoa?
PN : Bạch Đại-huynh! Là ba cái tinh-hoa của “Nguơn-Tinh, Nguơn-Khí, Nguơn-Thần” hiệp lại.
XTC : Phải không đệ? TINH-KHÍ-THẦN là Cây Bồ-Đề.
PN : Mà hiệp trở lại là “Qui-Nhứt”, cũng gọi là “NHỨT-KHÍ HƯ-VÔ”.
XTC : Trồng được cây Bồ-Đề thì gặt được ba cái hoa. Cười… đúng không? hiệp với “KHÍ HƯ-VÔ”, nhưng mà ;

Cây này trồng thật khó thay !
Nước nhiều cũng chết, gió hoài chẳng xong.
Nắng nhiều tỏa sáng vầng-hồng,
Cái cây cũng héo thời không trường-tồn !

PN : Bạch Đại-huynh! Âm-thạnh Dương-suy cũng không được, Dương-thạnh Âm-suy cũng không được, phải quân-bình mới hiệp Đạo vậy.
XTC : Phải không Đệ? Cái cây Bồ-Đề này khó trồng ở chỗ đó đó, phải không? hễ nước nhiều quá thì rễ úng nó cũng chết! Mà rễ nằm đâu? Nằm ngay Đơn-Điền, Đơn-Điền lạnh quá nấu bầu Âm-Dương sao được, thành ra chân lạnh; chân lạnh thì nó mới vô. Cười… Còn nóng nhiều quá thì thế nào? Nóng nhiều thì dương Hỏa nhiều, ngay cái Can (gan) mà nó nóng quá thì con người dễ sân si; dễ sân si thì đốt chết cây Bồ-Đề còn đâu quả giải-thoát !

PN : Vì thế, nên tu phải “Tấn Dương-Hỏa và Thối Âm-Phù” mới được.
XTC : Đúng không đệ ?
Sao gọi là Tấn-Dương-Hỏa? Sao gọi là Thối-Âm-Phù ?
PN : Bạch Đại-huynh! Hễ Âm nhiều quá thì phải dùng Tấn-Dương-Hỏa.
XTC : Đã Hỏa có rồi sao gọi là Tấn, mà sao Âm thì gọi là thối ?
PN : Thối, vì Âm nhiều làm khắc Dương, bởi lạnh Hậu-Thiên đó !
XTC : Giải-nghĩa rất hay, cùng nghề nói dễ quá !
PN : Tấn-Dương-Hỏa, là Tấn-Dương-Hỏa vào giờ Âm, hoặc cơ thể có nhiều âm.
XTC : Đúng !
PN : Thối-Âm-Phù là Thối vào giờ Dương.
XTC : Đúng !
PN : Thì Âm-Dương nó mới hòa trở lại, còn bây giờ đúng vào đầu giờ Dương thì mình phải Tấn-Dương-Hỏa giờ Dương để phát triển Chơn-Dương.
XTC : Đúng !
PN : Còn Thối-Âm-Phù là Thối-Âm-Phù giờ âm.
XTC : Đúng !
PN : Đó là điều hòa Âm Dương.
XTC : Đúng !
PN : Mình phải Xuất-Huyền cho nó ra.
XTC : Người mà âm nhiều thì phải Thối Âm-Phù vào giờ âm.
PN : Bạch Đại-huynh! Nếu người Âm nhiều thì cần phải Tấn-Dương-Hỏa cho nhiều để sanh Chơn-Dương trở lại. Còn người Dương nhiều quá, thì phải Thối-Âm-Phù để cho bổ Âm trở lại, đó là điều-hòa Âm-Dương.
XTC : Đúng !
PN : Mà Âm-Dương nó hòa gọi là “Thủy-Hỏa ký-tế”, nó không vị-tế nữa.
XTC : Đúng !
PN : Đó! Cái cây Bồ-Đề không nóng, không lạnh.
XTC : Nay sao mà Huynh-Đệ mình móc ra hết trơn, móc hết của “Hư-Vô” !
Sao gọi là Tấn-Dương-Hỏa ?
Đã nói Dương-Hỏa thì phải hạ chớ sao lại tấn, vì Tấn-Dương-Hỏa phải tấn, là thêm cái Dương-Hỏa ở trên bổ xuống để đuổi cái Âm ra.
Sao gọi là Thối-Âm-Phù ?
Càng thối càng đẩy cái Âm ra đi, Âm phải thế dương; thế dương thì phải thêm cái dương vào. Cười… Đó gọi là lấy “Linh-Khí” vào để đuổi cái dưỡng-khí Hậu-Thiên ra.
Hôm nay Huynh-đệ mình móc ra hết, rõ-ràng cũng tại Đệ mà thôi! Cười …

Làm sao Dương-Hỏa tấn thêm,
Âm-phù phải thối vững-bền công-phu.
Chí-chơn trọn Đạo lòng tu,
Thêm dương, âm đẩy cang-nhu khắc vòng.
Bổ Ly sanh Hỏa tâm-đồng,
Thối đi trược cấu nằm trong Đơn-Điền.
Hiểu rồi cái máy Khôn-Kiền,
Rán tu tịnh-định phục-nguyên Linh-Đài.

Cười… đúng không đệ ?
PN : Bạch Đại-huynh, đúng !
XTC : Cây Bồ-Đề không phải tưới nước một ngày một buổi.
PN : Mà phải tưới ngày, tưới đêm mới được.
XTC : Ngày đêm phải tưới hết. Đường tu thì phải như vậy, không phải một ngày một buổi.
PN : Ban đêm thì tưới, ban ngày bắt sâu.
XTC : Đúng, hay, khá đó !
PN : Còn phải bón phân công trình, công phu.
XTC : Quét dọn nữa, quét dọn là quét dọn cái Tâm. Bắt sâu là diệt con ma phiền-não; ma chướng đó! Cười …
PN : Phải trừ-khử sâu ma-chướng, dẹp hết đi! Còn quét cái Tâm dơ, Tâm vướng-vất những tư-tưởng xấu-xa đê-tiện phàm-phu.
XTC : Phải rồi, đúng rồi, trong nghề tu nói ra thì hiểu liền.
PN : Còn phải bón phân thêm nữa; bón phân là lập-đức, bồi-công đó.
XTC : Bón phân không phải lập-đức, bồi-công bên ngoài mà còn lẫn cả bên trong, phân trong nó mới tốt hơn bên ngoài (là bên trong lo tu-sửa).

Từ-bi tâm nảy sinh ra,
Người tu diệt tục vượt qua khốn cùng !
Đừng tu thối-chuyển thành ma.
Bồ-Đề chẳng nở nào hoa mọc vào ?

Đúng không đệ ?
PN : Bạch Đại-huynh, đúng !
XTC : Bây giờ Huynh-đệ mình còn lai-rai nữa hay nghỉ ?

PN : Bạch Đại-huynh! Bây giờ kỉnh xin nghỉ để Đại-huynh dưỡng Thần, rồi chiều sẽ tiếp nữa.
XTC : Tại Đệ bắt Lão móc ra hết trơn !
PN : Nhưng mình vui mùi Đạo-pháp đó, bạch Đại-huynh !
XTC : Đúng rồi !

BÀI
Chợ đời mua gánh bán-buôn,
Mình vui Đạo-pháp hiệp khuôn hóa-hoằng.
Chợ đời chức-tước lợi-danh,
Vui mùi Đạo-pháp chẳng cần điều chi.
Chợ đời đau-khổ ai-bi !
Mình vui Đạo-pháp giải đi thảm-nàn !
Chợ đời nói mãi không xong,
Vui mùi Đạo-Pháp hòa trong thân nầy,
Chợ đời lắm kẻ mê say,
Vui mùi Đạo-pháp Linh-Đài hiệp-gia.
Chợ đời cứ mãi sa-bà,
Vui mùi Đạo-pháp nói ra lý mầu.
Đạo thời càng nói càng sâu ;
Lý chơn triết-giảng từ đầu mới hay !
Thế nên Đạo-pháp hoằng-khai,
Ban-sơ Phục-thỉ Nhi-hài Linh-Đơn.
Người ơi! Tu phải lòng chơn.
Thoát đi trược-cấu giận-hờn không nên.
Rán sao diệu-vợi có tên,
Bàn-Đào hội-yến không quên phần mình.
Nay đây Thái-Cổ khai kinh ;
“Kinh-tâm vô-tự” không hình nói ra.
Chí-chơn mộc-dục hiệp-hòa,
Khắc-sanh chế-hóa tầm ra lý-huyền.
Hiệp cùng với máy Thiêng-liêng,
Vui mùi Đạo-pháp không tiền nào mua !
Chợ đời tranh cãi hơn-thua,
Mình vui Đạo-pháp giải-tua lý-mầu.

Đúng không đệ ?
PN : Bạch Đại-huynh, đúng vậy !
XTC : Thế cho nên có tiền cũng không mua đặng, mà lão cũng không bán.
PN : Bạch Đại-huynh! Mình có ham tiền đâu mà bán ?
XTC : Huynh-đệ mình bán chơi với nhau, Đệ muốn mua Lão cũng bán, không cần tiền, chỗ đó đó Đệ, thôi Lão thăng, chiều tiếp.

Trở lại Mục Lục