CHẤN-CHỈNH TAM-KỲ

Dậu thời, ngày 15 tháng 4 niên Tân-Mùi (28-5-1991)

THẦY DẠY KHAI ĐẠO NAM BANG

CHẤN-CHỈNH TAM-KỲ

THI

NGỌC tỏ lưu-ly sắc cảnh tòa,

HOÀNG-THIÊNG tiếp điễn hội “Qui-Gia”.

THƯỢNG tầng báo-bổ đàng con trẻ,

ĐẾ-MẬT năng hành chẳng đặng xa.

Phục-Nguyên con! Tiếp đàn ứng hiệp,

Điễn năng hành mau kíp lẹ-làng,

Thầy truyền giáo-lý lo toan,

Con hành diệu hợp vén-màng huyền-minh.

Thương đoàn con chỉ nhìn đau xót,

Trận phong ba và rớt rất nhiều,

Cuồng phong gió thổi riu-riu,

Gặp mùa gió chướng tiêu-điều xác-xơ !

Con ơi hỡi! Đến giờ hành sự …

Thầy thương trần trọn chữ Thiên-Khai,

Chẳng phải nói mãi nói dai,

Những mong muốn nói con nay tận-tường !

Ôi! Nạn chiến còn vương vấn đó !

Nặng mối trần Thầy có được yên,

Gió giông xô-xác chiếc thuyền,

Thuyền từ Đại-Đạo chinh-nghiêng bao giờ!

Con ơi hỡi! Thầy lờ mắt nhắm,

Để nhìn con chìm đắm ái-hà,

Đường Thầy gần gũi có xa,

Nhưng con chẳng bước để qua gần Thầy.

Gió vật-chất, gió nầy mạnh lắm !

Gió nội lòng, gió cặm-cụi hoài …!

Gió thổi tuy mát ngoài tai,

Nhưng rồi cảm-mạo con hay được gì ?

Ôi! Thấy gió hữu-vi mà sợ,

Sợ con Thầy trắc-trở cuồng phong !

Sợ con vướng-bận nơi lòng,

Trong kỳ ôn-dịch khó hòng thoát ra !

Gió văn-minh người ta say đắm !

Gió tiến-bộ hiểu chậm Đạo-Thầy !

Gió nầy có óc thật hay,

Gió lay đưa đẩy con tài rụi tiêu !

Này Phục-Nguyên! Thầy kêu gọi mãi …

Tắt giọng Thầy chẳng mấy con nghe.

Gió đưa gió đẩy bên hè,

Trong nhà con lạnh khó che xác trần !

Ôi! gió chuyển phong-thần sát-phạt !

Gió cướp mất giải-thoát linh-hồn;

Gió đến bão táp dập-dồn …!

Thuyền từ không lái bôn-chôn bến bờ !

Trận gió mới chực-hờ con trẻ;

Trận gió nầy nó sẽ kết con;

Kết con tiêu xác lẫn hồn,

Không bao-giờ trở lại ngôi của Thầy !

Chiều-chiều đến hay hay gió thổi,

Chạnh lòng Thầy nong-nổi xót chua,

Những rằng Thầy chẳng phân bua,

Nhưng mà muốn nói vì chua chát lời !

Thương bao con tức thời tu học,

Theo thời-gian con nhập Đạo lòng,

Từ từ con bỏ đường “Không”,

Trở về đường “Có” Thầy không kéo trì !

Dầu đầu tiên con vì Đại-Đạo,

Nhưng cuối-cùng con tạo ngược đời,

Nói tu mà chẳng đổi dời …

Nguyên tâm ý tánh vậy thời cứng đơ !

Con nói tu chưa mờ dương tục;

Con nói tu mà múc dạo hoài,

Tràn đầy vật-chất đâu-phai,

Đem vào các sự lá-lay tình trần !

Con nói tu mà thân chưa súc …!

Con nói tu tự cực xác phàm;

Nói tu chưa diệt lòng tham …

Nói tu mà mãi nhở-nham thảm-nàn !

Con cứ mượn “Ngọc-Hoàng Thượng-Đế”,

Danh hiệu Thầy hầu để gạt người …!

Mượn Thầy con vẽ dễ-duôi …

Danh Thầy bút hiệu mà chuồi hồn-linh !

Con nói tu chưa minh Đại-Đạo,

Tuy nói tu nạn áo phong-trần,

Nói tu cứ mãi tần-ngần,

Thầy e giông-gió hoại thần nghe con !

Thương bao trẻ mõi-mòn cả mắt;

Thương bao con chưa tắt lửa lòng,

Thương con chưa đặng huờn “Không”;

Thương con mãi “Có” tạo dòng nghiệt-oan !

Thương các con tràn-lan nghiệp quả,

Con mãi tạo và trả chưa xong,

Thương con còn nặng trong lòng,

Mối đời vùng-vẫy chưa hòng thoát ra.

Thương các con âu là oan-nghiệt;

Thương các con chưa diệt tánh phàm;

Thương con tuy nói lũ-lam,

Nhưng tu chưa đặng việc làm Thầy ban !

Các con ơi! Nam-Bang đại-sự,

Đến cơ đời khó giữ đặng tồn,

Con đừng có quá bôn-chôn,

Sống theo dục-vọng không còn gì lâu !

Song-song cơ ngũ-Châu rối loạn …

Thì cơ-Đạo thanh-toán lẫn nhau !

Dùng chung chơn-lý một màu,

Nhưng mà tách rẽ bến cao thấp truyền.

Cơ diễn biến của Thầy Tạo-Hóa,

Âu cũng là cơ trả quả thôi,

Thương con nặng-trỉu mối đời,

Trong cơ sàng-sảy khó thời vượt qua !

Ôi con hỡi! Cũng là kết thúc,

Cuộc kỳ thi đến lúc chấm bài …

Đạo Thầy mở đã bấy nay,

Lý-chơn truyền tụng hoằng-khai bao ngày.

Nhưng Thầy thấy mấy ai đặng Đạo,

Bởi vì con điểm báo nội tư,

Muốn cho đặng có thêm dư,

Nào đâu thiếu bớt bấy chừ của dương.

Thầy đã mở cửa trường Đại-Đạo,

Nhưng thí-sinh góp áo thi nhiều,

Đậu thời chẳng có bao nhiêu,

Rớt thôi lộp-độp và nhiều nhiều ghê.

Cơ trả-quả bộn-bề lắm đó !

Nạn chiến tranh còn có dài-dài,

Tây Phương lãnh-vực hôm nay,

Vào trong nhược tiểu đổi thay lớp người !

Và con sẽ bị nhồi bị nắn,

Và con thời sẽ chẳng tự-do,

Dù con sung tụng như cò,

Sống trong lồng ngọc được cho ăn nhiều …!

Nhưng chảo-đụn lửa thiêu kề cận,

Chẳng biết ngày tàn vận đến nơi,

Gà tuy đặng lúa vậy thời,

Ăn nhiều nhưng cái chết dời chân theo.

Bởi con cứ gieo-neo cuộc thế,

Nên Thầy xây Thượng-Đế Càn-Khôn,

Tóm thâu võ-trụ bảo-tồn,

Gom về một mối đặng tròn hạnh công.

Con cứ mãi đắm vòng vật-chất,

Nghiệp ái-ân vướng-vất cũng tràn,

Khó mong dấu vết thênh-than,

Tang-bồng hồ-hải TÂY-PHANG đường Thầy.

Thôi bấy lời chuyển xoay lý lẽ,

Để Phục-Nguyên vạch kẽ Đạo mầu,

Dù cho trăm cuộc bể dâu,

Tan thương biến-động cơ cầu lá-lay !

Thầy vẫn mong con khai Đại-Đạo,

Bước Thiên hành con tạo lố mòi …!

Ngày qua tháng lụn như thoi,

Thời-gian thắm-thoát vẫn trôi đều đều !

Nhưng đời con nặng khêu chơn-lý …

Để ngày sau tỉ-mỉ hiểu thêm.

Giáo nhân tích họa thênh-thênh,

Nhưng lòng tự-tại con bền nghe chưa !

Con đừng nói dây-dưa chuyện thế,

Còn Đại-Đạo thừa kế của Thầy !

Đạo đời đang lúc chuyển xoay,

Đến cơ lừa-lọc bàn tay hóa-hoằng …!

Thầy Thượng-Đế trên tầng Bửu-Khuyết,

Bởi thương con và viết vài câu …

Đọng tồn một mối nguồn sầu,

Gởi con thức-tỉnh đáo-đầu mau tu.

Tuy thân trần-gian cư bất nhiễm,

Bất nhiễm đời ngất-liệm từ lâu.

Con ơi! Cố-gắng xây bầu.

Cho tròn hạnh-nguyện ngõ hầu độ tha !

Phục-Nguyên ơi! Trời Cha dỉ định …

Khai Nam-Bang chấn-chỉnh Tam-Kỳ,

Tứ-Tượng Bát-Quái đồng qui,

Ngũ-Chi Hiệp-Nhứt” Kỳ-thi cuối cùng.

Thôi bấy lời Thầy dùng dụ sự,

Để cho con từ ngữ phóng ra,

Tâm hồn khoáng-đạt Trời Cha,

Bao-la rộng mở Bửu-Tòa Càn-Khôn,

Con triển-vọng bảo-tồn Đại-Đạo,

Thầy hy-sinh hoài-bảo ở con,

Nay Thầy quá nỗi mõi-mòn,

Trông con dương-thế mấy con về Thầy.

Thôi bấy lời ghi ngay con nhé !

Học nằm lòng con sẽ nhớ dai;

Nhớ Thầy rồi bước hoằng-khai,

Dư âm văng-vẳng có Thầy Chí-Tôn !

Phục-Nguyên ! Con còn có hỏi điều chi ?

P.N : Kính bạch Đại-Từ-Phụ! Con không có chi để hỏi.

Đ.T.P : THI

Thăng đàn trở bước cổng cao xanh,

Mật-khuyết “Hư-Linh” chí tịnh thành …

Pháp bửu vô-vi truyền thượng đảnh.

Giả-từ con trẻ mãi “Tâm-Thanh”.

P.N : Nam-Mô A-Di-Đà-Phật !

Ngọ thời, ngày 15 tháng 6 ÂL Niên-Tân-Mùi

THẦY DẠY VÔ-HÌNH-QUAN

THI

NGỌC tỏa lung-linh chiếu diệu-huyền,

HOÀNG-THIÊNG ứng tiếp hợp Phục-Nguyên.

THƯỢNG-ĐIỀN khai hoát thâu y lịnh …

ĐẾ-Khuyết Đốc-Nhâm chuyển Định yên.

PHÚ

Này Phục-Nguyên ! Theo lời Thầy hứa,

Buổi ban trưa đề tựa “Vô-Hình”,

Khai ánh sáng tỏ lối quang-minh,

Cho thế tục kỹ nhìn ướm hiểu …

Con tiếp hộ mở khai Nê-Khiếu,

Vững tâm-truyền thấu hiểu duyên-cơ,

Nầy con ơi! Diệu-pháp bây giờ,

Đi sâu sát há ngờ nghe trẻ !

Nếu gặp ai hay thường bắt-bẻ,

Giảng cho rành thấu lẽ huyền-vi …

Để Phục-Nguyên ai dám sánh bì !

Cơ Vô-Hình mấy khi hiểu đặng!

Nếu gặp kẻ thường hay hỏi vặn,

Thì con “Đốn” để chẳng lơi tâm.

Tâm giả danh là chỗ sai lầm !

Đưa nhân thế trong mầm chủng-diệt !

Đạo sâu kín con thường thấu triệt …

Chớ mơ-hồ tình-tiết khó nghe,

Thuyết lý chơn “Tịnh-Luyện” dặc-dè,

Đâu hoại pháp chở che nguyên tánh.

Nầy con ơi! Nhiếp thâu tựu Đảnh,

Quán Kim-Đơn giọt óng ánh hòa,

Nẽo Vô-Hình góp chốn tinh-hoa.

Và kết-luận đề ra chương cũ.

Thuở nguyên thỉ không hình kết tựu,

Không sáng trong không rũ không màu,

Duy chỉ một cảm-ứng nhập cao,

Rồi sanh hóa ra nào muôn vật.

Bởi có thế mới sanh đó Phật,

Có Phật là diện tật chúng-sinh,

Tuy khác giới ở chỗ hữu-hình,

Nhưng vì do nhân tình thể loại.

Thường ám-tưởng để rằng thơ-thái,

Có niềm tin kết lại nơi lòng.

Tuy là chỗ không ảnh “Không-Không”,

Nhưng vì thế trụ vòng sở tại.

Nên từ không có chi kết lại,

Có Phật, Tiên, Thánh trải ban ra,

Và có vô-lượng số hằng-hà,

Trong muôn ức vậy mà sao đếm !

Nầy con ơi! Đạo không bờ-bến,

Không sở-trụ” sao đến vô-vi ?

Vì không có vi tế những chi !

Nên khó hiểu mấy khi học hỏi.

Học Đạo lòng chớ nên như bói …

Toán nương vào lặn-lội mò ra,

Nếu con ơi! Thấu hiểu chánh-tà,

Đây Thầy sẽ giảng qua chơn-khuyết !

Bởi chúng-sanh tính-toan quỷ-quyệt,

Dụng nơi lòng hiểu biết cạn-nông,

Thế cho nên khó hiểu trần hồng,

Trong Vô-Hình tìm mong cạn lẽ.

Bớ Phục-Nguyên! Hành thông Đạo-lý …

Quán tri tường trực-chỉ vô-vi,

Vô là “Không” không ảnh tư duy …

Duy chẳng có điểm gì trụ lại,

Nhưng trần-gian quán từ sở-tại,

Nên gọi rằng điễn rải ban ra,

Từ cảm-giác đó gọi mới là,

Và tiếp nhận là qua hồn-phách !

Bởi phần vía nào đâu đặng trách,

Điễn lực mầu cốt-cách lọt vào,

Mà tạm gọi vì sao vô-thể ?

Nầy con ơi ! Đạo nào hiểu dễ,

Tạm gát lời Thầy bế đàn sau.

Để giảng qua cạn lẽ rõ trao,

Và Vô-Hình vì sao nhập thế.

BÀI

Con trần ơi! Hỡi con trần !

Những lời giáo-huấn ân-cần ghi trau …

Nẽo vô-vi bước vào ảo-lạ,

Như kỳ-quang ban tỏa không màu,

Đó là ánh tượng chẳng xao,

Các con khó hiểu vậy nào là chi !

Còn Vô-Hình bởi vì trụ đặng,

Do Hữu-Hình đã khẳng-định rồi,

Như dòng tư-tưởng con ơi!

Con ơi! Nghĩ đến vậy thời tri nguyên.

Rồi nổi lên da gà tóc gáy,

Tưởng quỉ-ma đến lại gần kề,

Con hiểu cạn Thầy chẳng chuẩn-phê,

Thôi đàn sau giải mê lý triết.

Phục-Nguyên ơi! biết bao tình tiết …

Siêu-Hình-Quan con biết qua rồi

Vô-Hình-Quan Thầy giảng đây thôi, Tạm gát bút Cha Trời hẹn lại.

THẦY : Này Phục-Nguyên !

P.N : Nam-Mô A-Di-Đà-Phật !

THẦY : Thầy sẽ tiếp vào đàn sau, đưa vào tiết đề cho con thấu hiểu rõ thế nào gọi rằng Vô-Hình-Quan ? Bởi vì môn học nầy rất mới lạ mà có ai thấu-triệt.

Phải không Phục-Nguyên con ?

P.N : Nam-Mô A Di Đà Phật ! Bạch Thầy đúng vậy !

THẦY: Vì trong vô-hình, nếu con xác-nhận một cách mù-mờ, một cách bao-quát, hoặc là phủ-nhận những gì con cảm-giác con thấy biết con sờ mó cũng chưa đặng.

Cho nên trong Kỳ-Tam Thầy tiếp với con vào mục Siêu-Hình-Quan. Con đã biết rồi.

Và đây :

VÔ-HÌNH-QUAN

Nhưng phải phân-tách thế nào là Vô-Hình thế nào là Vô-Vi. Sao gọi rằng Tiên-Thể ?

Sao gọi rằng Âm-Thể ?

Phải không Phục-Nguyên con ?

P.N : Nam-Mô A-Di-Đà-Phật! Kính bạch Thầy ! Đúng như vậy !

THẦY : Nếu trong trường-hợp những vong linh muốn tiếp xúc với mặt hữu-hình con dựa vào nơi đâu mà cho rằng Namhoặc Nữ ?

Hay rằng con muốn xác định được nếu qua cơ bút, qua cầu cơ hoặc qua phò loan cơ-bút, con nhận định rõ Phật, Thánh, Tiên như thế nào ?

P.N : Kính bạch Đại-Từ-Phụ ! Xin Đại-Từ-Phụ dạy.

THẦY : Vì thế cho nên Thầy tiếp với Phục-Nguyên cho rõ, trong buổi đàn hôm sau Thầy sẽ vạch một Kỳ-Quang, nếu gọi rằng Kỳ-Quang cũng không đúng, nhưng Thầy tạm mượn danh từ để cho Phục-Nguyên bước vào cảnh giới mới lạ, mà trong đó nếu không dùng ảo giác cũng không đặng, mà trong đó nếu không nhận-định bằng cảm-giác cũng không được, và nếu trực ngộ bằng tánh phàm cũng không đúng và nếu theo sự gọi rằng mê-tín cũng không vững. Bởi căn-bản của phần vô-vi là con phải trực-tiếp thu nhận bằng linh tưởng của mình, và nếu trường-hợp con không hiểu rõ phần đó đúng hay sai, tà hay chánh Thầy sẽ chỉ rõ cho con biết cách trực-ngộ không thể quả-quyết ngay và cũng không thể xác định ngay. Phải không Phục-Nguyên ?

P.N : Bạch Đại-Từ-Phụ ! Đúng như vậy !

THẦY : Mà con cũng không dựa trên cái cơ-sở gọi rằng nếu chơn-lý nói đúng chơn-lý nói đúng chơn-lý mà phần đó chánh và Phật, Thánh, Tiên đó là đúng. Nếu không nói rõ chân-lý thì phần đó không phải chánh, con cũng đừng nên dựa theo chủ-thuyết cũng không hẳn đúng nữa.

Phải không Phục-Nguyên ?

Bởi vì có những phần vong-linh rất chơn nhưng vì trong quá-khứ hồi tiền kiếp không có tu-hành và không có những đường hướng, những phương thức thấu-triệt về Đạo và luôn bài-bác về đường tu thì khi bỏ xác sẽ bị lu-mờ không biết nguồn-gốc mình là như thế nào? Nhưng thật sự có một hồn đó về thì nếu con phủ-nhận là cũng không đúng. Nhưng giả-sử nếu có một phần điễn Phật, Thánh, Tiên …v.v… Hoặc những phần tu đã cao muốn về để tiếp-xúc với cảnh thế-giới Vô-Hình và truyền-đạt bằng những kinh-nghiệm tu, hay truyền đạt bằng những phương thức từng-trải tu cho nhân-sinh được hiểu và được vững-vàng trong tư cách của người tu thì con sẽ xác-định theo một đường lối khác không phải nhận định như sự hiểu biêt của cá thể mình đặng, phải không Phục-Nguyên ?

Vì nếu phần vô-vi đó đến với một Đồng-Tử có chí tu thì đã khác và phần điễn đó đến với một cơ-bút không chánh thì lại khác, và nếu phần điễn đó đến với một người không biết Đạo, không tu thì lời chơn-lý thốt ra lại khác, diễn-đạt qua bằng nhiều hình-thức nhưng làm sao con nhận-định được? Đó, mới là điểm trọng yếu đó Phục-Nguyên con ! Mặc dầu Thầy khẳng định với con rằng, có một luồng điễn là của phần vô-vi đó, nhưng qua nhiều dạng, nhiều cá biệt của cơ bút phò-loan hay Đồng-Tử thì sự việc sẽ xảy ra với nhiều trạng-thái khác nhau, phải không Phục-Nguyên con ?

P.N : Kỉnh bạch Thầy ! Đúng như vậy !

THẦY : - Cũng như Thầy lấy một điễn hình, nếu con có một gói màu, nhưng con pha vào một ly nước trong veo, được lọc sạch thì sẽ ra màu trong suốt và dường như màu ấy được bộc-lộ hẵn rõ-ràng sắc riêng của mình. Nhưng nếu con bỏ màu vào trong một ly nước đục thì con sẽ thấy cái màu đó nó ngã sang không hẵn là của sắc-thái riêng mình, phải không Phục-Nguyên ?

P.N : Kính bạch Thầy ! Đúng như vậy !

THẦY : Và nếu con bỏ màu đó vào một ly nước đã pha một màu khác thì trạng-thái của ly nước đó biến thể qua cái dạng khác nữa, phải không Phục-Nguyên ?

P.N : Kính bạch Thầy ! Đúng như vậy !

PHÚ

Thôi bấy lời rèn trau giảng dạy,

Để con trần góp lại Anh-Nhi,

Vô-Hình-Quan là cảnh Siêu-Vi.

Phải nhận-định thực kỳ mới đúng !

Đàn sau tiếp Thầy đây sở-dụng,

Chỉ Phục-Nguyên rất cứng Vô-Hình,

Ôi! Bao-la ánh sáng thinh-thinh,

Con chớp bắt tự mình mới biết.

Tuy nguồn sáng trong cơ bất-diệt.

Nhưng nắm bắt mới biết nóng sao,

Bấy nhiêu lời Thầy đã dạy trao,

Giả lui con, bước vào Bạch-Ngọc.

Lui đàn cơ Thầy cho hiển-hích,

Giả nữ, nam tư cách Đạo lòng.

Để Thầy khai chơn-lý qui-tông,

Kỳ mạt-hậu dựng trong bác-ái,

Nay bấy lời Thầy truyền mặc-khải,
Vẽ sơ-đồ nghĩ lại nghe con,

Tiếng Từ-Bi Thầy thuyết héo-don.

Đừng lầm-lạc vẫn còn sai lối.

Phải không này Phục-Nguyên ?

P.N : Kính bạch Thầy ! Đúng như vậy !

THI

Thăng đàn giả gót cảnh trần-gian,

Tiếp điễn vô-vi ý rõ-ràng,

Mặc-khải Chơn-Như Huyền-Bí học,

Đề-tài ấn-khuyết lộ minh-quang.

Thôi Thầy thăng.

P.N : Nam-Mô A-Di Đà-Phật !

Trở lại trang MỤC LỤC