Dậu thời, 15 tháng giêng niên Nhâm-Thân

THẦY DẬY TIÊN-THỂ LINH-QUANG DUY CÓ MỘT

THI

CAO THIÊN chiếu-diệu cõi HUYỀN-HƯ,

ĐÀI các vàng son cũng nát nhừ !

TIÊN-THỂ LINH-QUANG duy có một,

ÔNG thành máy Đạo dựng toàn chư.

Thể theo lời Ngọ Thời Thầy đã hứa.

Này Phục-Nguyên!
P.N : Kỉnh vâng Thầy !
THẦY : Dậu-Thời con có nhã ý thỉnh Thầy.
Vậy để kết-thúc ngày Rằm Thượng-Nguơn, con còn việc gì thắc-mắc trong vấn-đề độ đời, hay xoay chuyển Đạo pháp Thầy cho phép con tự-nhiên trình-bày.
P.N : Kỉnh bạch Đại-Từ-Phụ! Con không có điều chi để kỉnh hỏi Đại-Từ-Phụ. Nhưng ngoài ra về vấn đề xoay-chuyển Đạo Pháp Đại-Từ-Phụ xét thấy rằng cần dạy thêm điều gì trong phạm vi này, xin Đại-Từ-Phụ dạy bổ-túc cho con.
THẦY : Này Phục-Nguyên con !
P.N : Con kỉnh vâng Thầy ! THẦY : Việc xoay chuyển Đạo pháp ẩn trong nhiều mặt, thế cho nên Thầy không tuyển độ đặng. Tùy thời kỳ, trình-độ căn-cơ mà diễn tiến ở mặt hữu-hình tùy nhân duyên.
Về phương-diện vô-vi có Thầy cầm cán cân công-bằng Đạo-Lý, chẳng phải Thầy không biết thương các con ở hữu-thể trần-gian, nhưng vì thương mới cảnh cáo, vì thương mới có những hành động phản-xạ để điểm linh-quang của các con trong mỗi cơ-thể cá-nhân đều cảm-nhận được nguồn Đạo-Lý Thiêng-Liêng và thức-ngộ tâm-tư quay đường chánh lánh đường tà, hướng nẽo ngay xa chốn dại.
Và song song nếu nguyên-nhân nào, điểm linh-quang nào hấp thụ được sức sống Huyền-Quang của Thầy mà giác-ngộ để tu-hành, tiến dần vào cõi giới thanh-phong chẳng ô-nhiễm trược cấu, chẳng còn trong vòng lục-đạo luân-hồi, xa lánh biển ái mê-tân đã hụp lặn trong bao đời kiếp, trôi lăn mãi ở cõi phù-trầm này.
Thời song song vào đó Thầy sẽ tiếp một luồng Thiên điễn để mở thông Nê-Khiếu con trực-nhận mà cố-gắng tu-hành, thức-tỉnh dù bao ngoại cảnh thường-xuyên hằng ngày trêu nhữ hoặc cám-dỗ mà các con vẫn bình tâm vững tánh tu-trì ắt sẽ được hưởng hồng-ân Thiên-điễn ban xả trong giờ phút nầy.
Còn nếu những linh-hồn chậm hướng thiện, mãi sống trong cuộc sống bê tha, hòa với hung-dữ sự ác-ôn, tạo gây nhiều quả-báo tội-lỗi tràn-đầy hụp-lặn mãi trong vòng tội-lỗi, thời Thầy cũng cố-gắng xạ thần-lực vào các phần tử ấy thật nhiều để tăng vô-tư và để nguồn cội sơ-khai là “Tánh Bổn Thiện”, đến mức độ ngày giờ nào đó bừng tỉnh mà quay vào vòng thiện-lương xa lánh luân-hồi ác quả. Vì “Tu Nhứt Kiếp, Ngộ Nhứt Thời” cho nên sự tu chẳng nói trước, không hẹn sau, chẳng nói ngày, không đợi tháng, bất cứ con nào điễn linh-quang của Cha-Trời đều được thụ-hưởng, bẩm thọ được luồng điễn thanh-quang huyền-diệu chi khí ấy.
Chỉ riêng những phần tử cá nhân nào bởi do dòng luân hồi quả-báo triền-miên xoay chuyển nặng trầm ở mức độ sống trong sự tội-lỗi làm thích-thú, sống ở cảnh mê-say lấy làm vui-vẻ, sống trong tội lỗi mà coi là môi trường sanh-trưởng, thời Thầy đặc ân riêng bằng sự trừng-phạt để cho linh-hồn ấy nhẹ-nhàng giác-ngộ, và nếu lúc ấy linh-hồn đó có sự hướng thiện quay đầu vẫn trực-nhận được luồng điễn Thiêng-Liêng.
Còn bằng không thời sa đọa. Sao gọi rằng đọa lút kiếp? Là chỗ đó, đó Phục-Nguyên! Bởi thời kỳ này sa đọa linh-hồn mờ tối đến bảy ức niên sau mới dần dần tạo nên một cảnh giới mới, nhưng khó lắm, không thành tựu-lắm đâu !
Thế cho nên trong thời ân-xá này nếu mọi sự lầm-lạc, nếu mọi việc lỡ dại Thầy có thể hoan-hỷ ân ban đặc trách hồng ân Thiên điễn để một lần cuối-cùng các con bình tâm quay đầu thúc-giục trở về chơn thiện-niệm.
Nói riêng những phần tu-hành dù đúng hay sai, dù chánh hay tà Thầy cũng xử dụng đặc-ân nầy hết, không riêng biệt phần nào. Bởi vì con có thể bỏ Cha, chớ Thầy không bao giờ bỏ các con cả.
Vì 96 (chín mươi sáu) ức nguyên-nhân một lần ra đi, đi mãi không về, đi trên một đoạn-đường thâm-thẩm có lúc cách quãng có lúc tiếp nối. Nhưng sự đi nầy Thầy thấy đã mất hút từ lâu rồi, bóng dáng thương yêu linh-quang của Thầy từ ấy nhạt-nhòa mờ dần theo gió bụi trần-gian, cố trút thâm-thẩm về biển ái sông-mê tình thương của Thầy bấy lâu nay hằng mong tưởng chỉ duy có bốn ức nguyên-nhân trở về, số này quá ít oi, trong một phần mười mà thôi. Nên Thầy đặt nặng vấn-đề 92 (chín mươi hai) ức nguyên-nhân trong vòng luân-hồi trả-quả đã trở thành hóa-nhân rất nhiều, số nguyên-nhân tồn-tại chẳng có bao nhiêu. Thời hạ-nguơn mạt-pháp này lấy đâu mà còn đủ 92 ức nguyên-nhân quay đầu trở lại.
Nhưng vì tình-thương của Thầy, vì sự tồn vong các điểm linh-quang ban đầu nên Thầy phải đặt sự ân-xá làm đầu trên hết để các con còn có thời-gian thúc-hối và các con cố-gắng tu-hành mà hòa hợp với “Huyền-Quang Khiếu” của Thầy. Riêng Kỳ-Tam nầy, đích thân Thầy xạ chiếu điễn để độ các con, chớ không Phật, Thánh, Tiên nào độ đặng.
Vì thời Nhứt Kỳ duy chỉ có A-Di-Đà đắc Đạo dìu-dẫn có hai ức nguyên-nhân.
Nhị Kỳ có Phật Thích Ca Mâu-Ni, Gia-Tô, Lão-Tổ. Nhưng sự thành-tựu mong muốn không đạt yêu cầu.
Cho nên Kỳ-Tam nầy đích thân Thầy giáng hạ, những mong muốn rằng sự giáng hạ của Thầy sẽ đánh tan hồn mê ám trược khí bế, nghiệp đầy, tội dày phước mỏng quả nặng ít tu mà ngược quay về chánh-chơn chánh-giác.
Hỡi các con! Cơ nguơn tàn thúc-giục thời-gian tới mãi đi tới không lùi Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa, tám tiết ngũ-hành khai ngất trược chẳng dừng ở nơi nào vì đấng Tạo-Hóa chí công sắp đặt an-bày sự sống không trường-tồn vĩnh-cửu và cả bầu Trời cũng không vĩnh-cữu.
Đất Trời tạm đặt ra lập thành trái đất cũng hủy-diệt theo dòng thời-gian sanh, lão, bệnh, tử thì còn gì để các con mê đắm say-sưa? Còn chi mà mãi luyến-ái tham tài. Thầy cũng vẫn biết là trong việc tu buổi tàn-nguơn nầy rất ư khó-khăn và rất ư phức-tạp. Bởi điểm thứ nhứt là: sự ý-chí tu-hành kém cỏi, nghiệp tồn-động phải trả một lúc quá ư nặng-nề. Vả lại công-phu tu-hành không có thời-gian do sự mưu sinh đời sống gia-đình, hoàn-cảnh xã-hội đưa-đẩy khiến cho các linh-quang của Thầy gặp nhiều trở ngại trên bước đường tu-học.
Nhưng Thầy vẫn hy-vọng rằng các con sẽ trở về. Ngày trở về trong sự trong sáng ánh linh-quang thuần-thục ánh “Chơn-Như Huyền-Quang Chi-Khí”, ngày trở về là sự bừng nở giác-ngộ chơn-tâm, ngày trở về với cõi “Hư-Vô” không còn mê-đắm, ngày ấy sẽ đến gần với các con trong nguồn vui hữu-thể hòa lây với nguồn vui của Thầy được toại nguyện đó các con !
Nay Thầy cho biết thế-kỷ sắp đến hồi kết-thúc. Nguơn cuối-cùng định-mức ở điểm gần không xa, mà bóng linh-quang chưa lộ mòi, thiếu đi bao sự sáng “Chơn-Như” nguyên-nhân lặn-hụp.
Một lần cuối cùng Thầy phải ra tay, chính đích thân Thầy phải ra tay cứu-vớt toàn sanh, chính tay Thầy ban ân xá để còn vớt-vát những nguyên-nhân thức-tỉnh sau cùng.

BÀI

Ôi! Thế-gian muôn nghìn đau-khổ …

Buổi nguơn tàn nghịch-ngỗ vô cùng,

Tình thương của đấng Huyền-Khung,

Thương con khờ dại đã gần ma vương.

Xa chơn-lý trong đường ủy-mị,

Nẽo luân-hồi con bị cuốn-lôi,

Làm bạn đau-khổ nổi-trôi …

Tri-âm lặn-hụp cựu-ngôi không về !

Bóng dáng xưa lời thề cựu-vị,

Nguyên-nhân ơi! Vì bị mê trần,

Vòng quanh quả-báo cuốn nhanh,

Các con thối-chuyển để thành hóa-nhân.

Nhưng Thầy hứa ân-cần ban dạy …

Điễn diệu-huyền đã trải nhiều rồi,

Cho con thúc-hối về thôi,

Nguơn tàn kế-cận vậy thời đâu xa !

Này linh-quang ác-tà bóng xế,

Buổi hoàn-hôn Thượng-Đế thảm-trường,

Rớt lệ ở chốn Tây-Phương,

Nơi Tòa Bạch-Ngọc nhìn thương con hiền !

Do bởi con lụy phiền tham-ái,

Lấy giả trần kết lại bạn-bè,

Nào đâu thụ-hưởng chở-che,

Ân đầy phước báu nở khoe điễn lành.

Nay Từ-Phụ chí sanh ân dạy …

Này các con nhớ lại buổi nào …

“Thái-Cực” diệu điễn thanh-cao,

Chính con chia xẻ muôn màu chạy đi !

Con chạy đi mà ly Thượng-Đế.

Hòa với đời sinh-kế ngu-khờ,

Vùi chôn linh tánh ban-sơ,

Hòa cùng thế-tục lu-mờ từ lâu !

Con nuôi mãi nguồn sầu to-tát,

Để ốm còi giải-thoát nguồn sanh,

Mất đi bao khí ngũ-hành,

Tiên-Thiên rụi-hoại vì thân điễn đời.

Ôi! thương con ra lời ưu-ái,

Thương trẻ hiền thương mãi không vơi,

Cho nên Từ-Phụ ra lời,

Cận-kề con trẻ vậy thời khuyên chung.

Tu đi con mà dùng diệu pháp,

Tu cho lòng hội-hạp huyền-vi,

Chữ tu con chớ háo-kỳ …

Chữ tu phải định vậy thì bên trong !

Đáp đền ân Huyền-Khung chí thượng :

Đáp đền Thầy bằng thưởng tu-trì …

Nguơn tàn kề-cận ai-bi !

Nguơn tàn lắm nỗi lâm-li thảm-sầu !

HỰU Thảm sầu canh-cánh kế con khờ,

Bí-pháp lưu-ly dạy bấy giờ.

Hy-vọng lưu-truyền cho trẻ nhớ …

Phục hồi Nguyên-vị bổn “Đồ-Thơ”.

HỰU

Đồ-thơ lấp-lánh cõi linh-quang,

Bước xuống trần ai rất thảm-nàn !

Quên mất ban-sơ nguyên-vị cũ,

Nhập vào tận-tụy chỗ buồn than …!

BÀI

Thương con Từ-Phụ trao lời,

Bao lâu con xuống vì đời miên-man.

Thương con có đấng Ngọc-Hoàng,

Hoa sen thất-bảo Kim-Cang độ hồn.

Này con lời dạy Chí-Tôn,

Bấy lâu canh-cánh tàn-nguơn buổi nào.

Cuộc trần như giấc chiêm-bao,

Có chi ô-nhiễm vậy sao không dừng ?

Tình thương của đấng Huyền-Khung,

Nhớ mong con trẻ tận cùng nơi mô ?

Vì thương con dại ngây thơ,

Linh-quang xuống thế điểm-tô bụi-đời.

Có nơi Từ-Phụ ra lời,

Mau đi thúc-giục vậy thời tu nhanh.

Trần ai sanh tử oại-oằn,

Sao con chẳng biết cam-đành chịu thua.

Linh-quang một buổi “Vô-Thừa”,

Lạc-lầm con mãi say-sưa tình trần.

Nguơn tàn chi-giáo chi sanh,

Đại-Từ chiếu-diệu điễn lành cho con.

Nhớ con bao nỗi héo don,

Thương con cứ đắm vòng tròn trả vay !

Nay đây xuống điễn một bài,

Mong con học thuộc hoằng-khai chơn-truyền.

HỰU

Chơn-truyền gởi lại trẻ hiền tu,

Giáo pháp tình-thương của Đại-Từ,

Vô-hữu, vô-sanh, vô nhiễm ái,

Di hành mật lịnh rõ huyền-hư !

HỰU

Huyền-hư diệu khuyết điễn Cha Trời,

Ban rải quyền-năng độ khắp nơi,

Hấp thụ tinh ba dương điễn lực,

Hòa giao phối-hợp chẳng ra lời !

HỰU

Cơ ngẩu hòa chung điểm Đạo tâm,

Linh-quang tỏ-rõ sự uyên-thâm.

Xuống trần mê nhiễm hồi bước lại,

Lâu lắm Thầy chờ Phật Thánh trông !

PHÚ

Kìa nguơn-tàn thúc-giục …

Cảnh lầm than cơ-cực khổ đau,

Mong các con sớm thúc-giục buổi hôm nào,

Để nhớ lại lần trau nguồn chơn-lý …

Lúc ban-sơ tánh bổn-thiện “Huyền-Quang Chi-Khí”,

Kế cận Thầy mà trực-chỉ hành nguyên,

Bởi các con vọng động tâm-thức đảo-điên,

Rồi lạc cảnh ôi! Khổ truyền nơi miền dương thế!

Ngày ra đi lệ rơi bao lần Thượng Đế,

Thương con hiền Từ-Phụ lời lẽ khuyên chung …

Nhưng các con cứ mãi dông gió bão bùng,

Lìa nơi từng trên Huyền-Khung Vô-Cực.

Thầy chấp-nhận các con đi để nếm mùi tiềm thức,

Nhưng ngỡ rằng con đi có lúc hồi-qui,

Nhưng hay đâu con đã ra đi,

Ngày từ biệt chính ngày ly Thái-Cực.

Ôi! Thầy thương con biết bao nhiêu khổ-cực …

Những mong rằng có lúc sẽ thuần-dương,

Huờn “Anh-Nhi” khai giáo vững tâm trường …

Quay mối Đạo hưởng phục-huờn linh-thể.

Thời Nhứt Kỳ hai ức nguyên-nhân về Ngọc Bệ.

Lệ đầm đìa Thầy đổ rớt để thương con,

Sao ít oi chẳng được đọng tồn ?

Ôi! Vì trẻ Chí-Tôn đành câm lặng !

Thời Nhị-Kỳ qua đi rồi gánh nặng cũng chỉ hai,

Ức nguyên nhân lẳng-lặng qui Tiên.

Nhìn con trần đa số ở trần miền,

Thầy đau khổ bao cảm phiền chua xót !

Sợ cho con lầm trong màn hảo ngọt,

Sợ cho con đắm-đuối rồi lọt diêm-phù,

Sợ cho con không hoàn cảnh cũ chu-du,

Để linh-quang bị đắm mê trong ngục-tù sanh-tử !

Kỳ-Tam-Ngươn quá nhiều phần tử,

Thầy đích thân xuống đời để cầm chữ Đạo tâm,

Là quyết-định một kỳ ân xá thậm-thâm,

Phật Thánh Tiên cũng đành ngậm câm chịu phép !

Thầy biết con vì sống trong giả đời xinh đẹp,

Và tiềm-tàng khép nép chữ tu-tâm,

Gióng tiếng chuông cảnh tỉnh buổi phù trầm,

Mong con trẻ đã lỡ bước lạc-lầm quay kịp lúc.

Lời tha-thiết lời Đại-Từ bao thổn-thức,

Gợi mối sầu trong lãnh-vực tu-trì …

Là mong các con lẹ lẹ buổi hồi qui,

Chiều tàn nguơn con đi đi làm chi nữa.

Ngày tận-thế cơ Thiên đà gần đang mở cửa,

Đón những phần nguyên nhân gội rửa từ xưa,

Nhưng Thầy thấy sao còn quá mãi thớt-thưa,

Nên phải nhọc sớm trưa hòa khuyến-cáo …!

Mấy lời Thầy nay gợi tình-thương trong nguồn ân Đạo,

Này con ơi! Con mau tạo bổn linh-thiêng,

Bổn nguyên xưa không ô-nhiễm trong buổi sơ miền,

Nay vì bụi linh-quang triền-miên đắm lụy !

Nhưng con mau thành tâm yên chí,

Một buổi chiều trực chỉ hồi lai,

Để cho Thầy không cảnh u-hoài …

Mong con trẻ lạc-loài nơi đất tục.

Để tình thương con Thầy hàn-khúc,

Đừng rẽ chia hẩm-hút Cha già,

Này con ơi! Trong chốn trầm-kha,

Có vì sướng vậy là mê-đắm …!

Sao con đi bước chân dò-dẫm ?

Đã đi rồi con lẫn-hút luôn !

Để đời Cha luôn mãi sợ tuồng …

Tuồng lôi kéo trong nguồn giả thế !

Nay lời Thầy chí căng Thượng-Đế,

Gởi con hiền lời lẽ siêu-nhiên,

Gởi cho con tâm-thức dịu hiền,

Gởi cho lòng Huyền-Thiên điểm-Đạo.

Để cho con nhớ rằng chiếc áo ;

Áo Tiên-Thiên cạn-ráo tâm-tư,

Để mong con lánh dữ thuần từ,

Để mong trẻ Chơn-Như phục-tánh.

Để mong con lập nên Đạo-Hạnh,

Vững tu trì qua cảnh vãng-lai …

Để cho con xa bước nghiệp đày …

Không sa-đọa giặc loài ủy-mị.

Mau đi con tu hồi tâm-trí,

Trí thiện-lương đã bí từ lâu,

Nay điễn linh Thầy xuống hoàn-cầu,

Mong con trẻ từ đầu phục-bổn.

Đừng có tham trong vòng hư đốn,

Đừng có mê ở chốn trần dương,

Để gây ra tội-lỗi muôn đường …

Để sa-đọa nhiều phương thống-khổ !

Nay Thầy giảng tánh kinh đủ số,

Dạy con trần nghịch-ngỗ từ lâu,

Dạy linh-quang quay chỗ hồi đầu,

Dạy tiềm thức sông hầu cặn cũ.

Dạy Chơn-Thần cùng nhau qui-tụ,

Dạy nguyên-nhân đoàn-tựu về Cha,

Chín hai ức còn ở nơi xa …

Thầy thấy bóng ác-tà gần kế !

Thương con trần nhọc lòng Thượng-Đế,

Nên lời Thầy sắc thệ độ trần,

Đích thân Thầy xuống cảnh Hồng-Mông,

Giải-quyết cho trần-hồng con trẻ.

Phật, Thánh, Tiên đồng lâm giáng thế.

Để cùng Thầy giải kế sầu đau …

Những mong con tu mãi thanh-cao,

Nếu phần tử dạt-dào thức-tỉnh.

Thời Thầy sẽ xạ nguồn lực đỉnh.

Để con hiền chấn-chỉnh tâm ngay,

Để cho con thiện-niệm dạn-dày …

Đường Tây-Phương còn dài dài lắm !

Nhưng hồng-ân của Thầy nồng-thắm,

Để độ con chìm đắm hôm xưa,

Để độ con trong cảnh thớt-thưa,

Để an-ủi con chưa thức ngộ.

Này con ơi! Cảnh trần vô-bổ,

Sao con mê mất số hồn-linh,

Này con ơi! cứ mãi đắm mình,

Gây ra quả nhục-vinh tê-tái !

Lời của Thầy cũng dùng kết lại,

Điễn linh-quang Thầy rải bao phen,

Mong trí-thức đến kẻ thấp hèn,

Bậc học-giả bon chen cửa tục.

Mong quay lại mọi người hẩm-hút,

Đều giác-ngộ trong phút Thiêng-Liêng,

Mong con hiền ngộ lý Huyền-Thiên,

Mong con trẻ mối-giềng nhập-định.

Định trong lòng con đà thấy bịnh …

Định trong tâm mới chỉnh lại ngay,

Định cho lòng báo-bổ hoằng-khai …

Định thần-thức dẹp ngay ám-muội.

Này con ơi! Cuộc đời trần-trụi,

Có gì vui trong buổi tàn nguơn,

Cảnh binh đao, ơi! Khổ há sờn,

Cảnh tặc-loài lâm cơn quấy nhiễu …!

Sao con không tỉnh tu hoát khiếu …

Tu cho lòng am-hiểu chánh-chơn,

Tu đi con tác-tạo linh-hồn,

Về bệ-ngọc không còn sanh tử.

Tu Vô-Thường không còn trêu nhữ,

Tu đi con tuyệt dữ trừ hung.

Mau tu đi về ánh Huyền-Khung,

Tu tu đi tận trung linh-điễn. HỰU

Linh điễn Trời Cha rải cứu trần,

Mong con tục thế giữ Chơn-Thần.

Đừng gây quả-báo trầm-luân mãi.

Trong buổi trăm năm sướng mấy lần !

Mấy lần nhớ trẻ buổi đêm thâu,

Rớt lệ Trời Cha nặng mối sầu !

Do bởi lòng con lìa cách biệt,

Linh-quang đắm-nhiễm mãi còn đâu !

Còn đâu nguyên-vị buổi xa-xưa,

Chẳng đắm không mê chẳng lọc-lừa,

Do thức tiềm-tàng chồng nhiễm mãi …

Nên lời Thượng Phụ đã dây-dưa.

Dây-dưa toan trả đủ nguyên-nhân,

Xuống cõi trần gian mất hút lần,

Không đủ số tàn hơi cựu-vị,

Hậu-thiên đánh tản ánh Chơn-Thần.

Chơn-Thần mê-muội bước phù-du,

Bỏ Mẹ cùng Cha chẳng chịu tu,

Đắm-đuối làm chi cho đọa-lạc,

Tội dày quả-báo trả ngàn thu.

Ngàn thu vĩnh-biệt ánh linh-quang,

Rớt xuống trần-ai đắm thảm-nàn !

Nhưng chẳng qui hồi tâm thức mở,

Để hòa ân-xá điễn Cha ban.

Cha ban cuối tận buổi tàn-nguơn,

Vớt trẻ từ lâu mãi chẳng còn.

Ơi hỡi! Quay đầu về chốn cũ,

Kẻo không tiêu dứt nghiệp mê hồn !

THI

Thăng đàn giả trẻ tỉnh tâm trau,

Mê giác hai đường phải rõ sao ?

Chớ để yêu ma lôi lặn-hụp,

Tiêu rồi nhất điểm bổn thanh-cao !

TTrở lại trang MỤC LỤC