Ngọ thời, ngày 15 tháng giêng niên Nhâm-Thân

THẦY DẠY KHAI CƠ ĐẠO BẢO-TỒN

THI

NGỌC-tòa lấp-lánh ánh kim-đơn,

HOÀNG-PHỤ khai cơ Đạo bảo-tồn.

THƯỢNG chiếu NÊ-CUNG hòa điễn hạ,

ĐẾ ban-giáo triết tỏa nguồn cơn.

- Thầy hỷ Phục-Nguyên con !
- Cùng nam nữ các con hai bên được bình tâm tiếp điễn lực.
Nhân ngày rằm thượng-nguơn Thầy chiếu điễn tiếp đàn. Bởi trong niên mới sơ khai, Phục-Nguyên trên bước đường hành-trình giáo-hóa độ nhân, Thầy cho phép con nêu đề-tài và vạch rõ những ý-kiến trong bước hoằng-hóa độ sinh.
P.N : Con kỉnh bạch Thầy! Năm nay là năm chuyển “Sinh-Lực Kim-Hành” thì con theo Thiên ý tùng qui-luật của Đại-Từ-Phụ dạy. Con bắt đầu chuyển hướng qua xây-dựng các cơ-sở Đạo mọi nơi và song-song tuyển chọn hai phần: Phần nguyên-nhân lành trong tuyển độ, và phần người hiền trong phổ-độ để chuẩn bị chuyển tiếp vào cơ “Minh-Đức” và “Tân-Dân”.
Kỉnh bạch Đại-Từ-Phụ, có đồng ý không? xin Đại-Từ-Phụ dạy và bổ túc thêm phương-hướng cho con để lãnh-hội đoạn lập thành hoàn-toàn không có vấp phải những gì trở-ngại trong việc hành-trình giáo-hóa độ tha về mặt hữu-hình. Con kỉnh bạch Đại-Từ-Phụ !
THẦY : Này Phục-Nguyên! Theo lời tường-trình từ nãy chí giờ, thì sự sắp đặt đã có qui-cũ, nhưng còn việc được hay chăng? Do Thiên ý của Thầy. Theo sự mô-phỏng tuy giản-đơn, nhưng đưa vào thực-hành lắm ư gian-nan đó! Vả chăng niên mới này tuy rằng cơ Hành Đạo được hanh thông và nền Đạo sắp sáng-rực để chuyển qua bước giáo-hóa độ nhân, nhưng cũng phải chưa đặng tròn xong lắm đó! Đây chỉ mới là giai đoạn đầu tiên thôi, vì thời vận của con còn chưa đạt đến cuối kết rực-sáng. Con còn phải chịu đựng tuy thoải-mái và nhẹ-nhàng hơn những năm trước, nhưng cũng cẩn trọng, đó Phục-Nguyên !
Chi chi cũng phải do Thiên ý bởi vì: “Hành sự thì tại nhơn, nhưng thành sự do Thiên”
Thầy chỉ khuyến-khích Phục-Nguyên con trong phạm-vi cũng hạn-chế đừng quá to tát mà lao vào cạm-bẩy đó! Bước đi cũng thế, đầu tiên phải vướng những cảnh nguy-khốn. Nhưng rồi sau đó sẽ được trôi chảy, được thông-suốt, phải không con Phục-Nguyên?
P.N : Kỉnh bạch Đại-Từ-Phụ ! Đúng như vậy !
THẦY : Và con nên nhớ rằng “Vụt-tốc bất-đạt”. Chính ý muốn nhanh,
việc làm muốn cho lẹ thời lại là điểm mất lợi. Tuần-tự gầy dựng căn bản,
vì lúc trước Thầy đã chỉ dạy năm khoản, thì hôm nay con áp dụng vào đó đi.
“Cơ Minh-Đức Tân-Dân” Thầy cho con biết rõ, không phải dễ đâu. Bởi vì đại đa số các con tu nhưng còn vuớng phải nhiều khía cạnh, còn nhiễm nhiều uế-trược làm sao áp dụng “Minh-Đức Tân-Dân” đặng? Phải không Phục-Nguyên con ?
P.N : Kính bạch Đại-Từ-Phụ, đúng như vậy !
THẦY : Cho nên trước tiên con phải gạn lọc phải áp-dụng vào nền-tảng đầu tiên sơ khai thời sẽ không gãy đổ. Còn nếu con muốn làm nhanh mau-lẹ, ắt khó thành tựu sau này. Vì tuy rằng cơ Đạo hanh-thông nhưng thời-vận của con cũng chưa được quá tốt, hoặc chưa đựơc nhẹ-nhàng theo ý con muốn …

BÀI

Trên bước đường hành-trình hoằng Đạo,

Lắm gian-nan gió bão mưa gào,

Miễn lòng con chẳng núng-nao,

Vì Thầy tạo dựng thanh cao cho đời !

Nhưng Phục-Nguyên! Nhiều nơi chưa rõ,

Máy hành-tàng đâu có suốt thông …

Cho nên vướng mắc giặc lòng,

Gây bao hậu-quả còn trong phái đồ …!

Muốn dựng gầy đưa vô nền-tảng,

Lọc “Minh-Đức” ánh sáng lưu-ly,

“Tân-Dân” đâu phải hiếu-kỳ,

Muốn tu thời muốn, muốn ly cũng đành.

Đó! Này Phục-Nguyên, con có đặng rõ hay chăng ?

P.N : Kính bạch Đại-Từ-Phụ ! Con đã rõ … THẦY : Thế thì dựng cơ-sở Thầy cho con biết thêm: Tùy ở mức cải tiến do con và định hoạch do con. Nhưng Thầy chỉ khuyến cáo rằng chi chi cũng còn mới-mẻ từ từ không nên lộ hiện quá Thầy e cũng khó lắm! Bởi vì vận của con còn một năm nữa mới được toàn-vẹn. Ẩn nhẫn cố-gắng là hay và lồng vào đó con gầy dựng Đạo, nhưng gầy dựng trong một định mức hạn-chế thôi, phải không ?
Vậy thời con có ý kiến chi nữa ?
P.N : Kính bạch Đại-Từ-Phu ï! Kỉnh xin Đại-Từ-Phụ dạy, con không còn ý-kiến chi nữa.
THẦY : Và con còn hỏi thêm hay có điều gì chưa sáng tỏ Thầy cho phép tự nhiên.
P.N : Kính bạch Đại-Từ-Phụ! Theo con xét thấy rằng cơ Đạo vận chuyển hành, để lưu-thông toàn cõi nhân-loại, thì đến ngày nay là nguơn tái-tạo thì mọi sự việc tùng theo châu-kỳ của Đại-Từ-Phụ xây lập, thì kỉnh Đại-Từ-Phụ về phần Vô-Hình khiến chuyển làm sao sau này có một số “Chánh-Giác Nguyên-Nhân” lành để phụ tay với con.
Con kỉnh Đại-Từ-Phụ! Đây không phải là con vọng nhưng mà vì cái mối Đạo Thầy và hơn nữa vì tình-thương nhân-loại ngày nay đã đi sai đường lạc-lối quá nhiều không có quay về chánh Đạo. Do nơi đó cho nên con thương là thương chỗ đó. Xin Đại-Từ-Phụ hoan-hỷ. Chớ con sẵn-sàng hy-sinh tất cả thân tâm con để phụng-sự Đạo-Pháp của Đại-Từ-Phụ mà cứu đời trong kỳ mạt hậu này. THẦY : Thể theo lời con bày tỏ. Thầy chấp-thuận việc đó và niên này con sẽ gặp nhiều nguyên-nhân đắc-lực, thiện-chí sẵn-sàng từ tinh-thần đến vật-chất. Bởi vì vào việc Đạo phải xả thân. Vì có sự xả thân mới cầu đặng Đạo và hy-sinh trọn-vẹn mới hòa nhập với hư-linh mà chiếu sáng vào chơn thức, đó Phục-Nguyên con !
P.N : Nam-Mô A-Di Đà-Phật !
THẦY : Thầy cũng nhắc lại rằng với còn một điểm yếu-tố quan-trọng là Thầy chỉ cần phẩm chớ không cần lượng. Vì phẩm-chất mới đưa đến mức giải thoát, mới đưa đến mức tu tột đỉnh mà dìu dẫn người đi sau, phải không con Phục-Nguyên ?
P.N : Kính bạch Đại-Từ-Phụ ! Đúng như vậy.
THẦY : Chớ con cần tạo cơ-sở làm chi cho nhiều, thâu nhận làm chi cho nhiều người, nhiều kẻ, cuối-cùng rồi chẳng tu-hành và tu mãi còn lẫn-quẩn hay tu chưa cởi bỏ tối-thiểu trong tâm chúng-sanh của mình mà làm sao việc Đạo của Thầy đưa đến siêu-nhiên đặng ?
Bởi vì Thầy cho con biết trong niên này Thầy gạn lọc tất-cả phe nhóm tôn-giáo. Thời Thầy cũng muốn Phục-Nguyên con đừng vướng vào một trong những điểm Thầy đã đưa ra, và nếu Phục-Nguyên con vướng vào một trong những việc Thầy nói bên trên thì con cũng vẫn bị sàng-sảy như thường, đó là định-luật Tạo-Hóa.

PHÚ

Thương các trẻ việc tu lơ-đễnh,

Thương bao người chưa đến Đạo tâm,

Thương lầm-lạc chẳng hiểu uyên-thâm,

Thương tội lỗi ăn nằm sâu thẳm !

Thương các trẻ tuồng đời nhiễm đắm …

Thương các con bị giẫm tình trần,

Thương vì đã có xác giả thân,

Thương chẳng tu Chơn-Thần đặng phục.

Thương các con đi tìm hạnh-phúc,

Thương trẻ khờ lẫn-lút thế-gian,

Thương vì mê châu-báu ngọc vàng,

Thương chẳng bỏ ngổn-ngang trắc-trở !

Thương các con đang tu dang-dở,

Thương chưa tròn vì bởi phàm-phu,

Thương trẻ thơ vẫn mãi mịt-mù,

Thương học Đạo như mù chưa tỏ …

Thương các con trần-ai chưa bỏ,

Thương các trẻ vẫn có thất-tình.

Thương rằng trẻ nói mãi hy-sinh,

Thương vì bởi đắm mình u-tối!

Thương con tu gây ra nông-nổi,

Thương vì tu lề-lối chưa thuần,

Thương con thơ mấy bận phong-sương,

Thương còn nhiễm đoạn-trường giả-tạo.

Thương linh-quang đã đi hết ráo,

Thương con hiền chưa tạo bổn-nguyên,

Thương vì con cứ mãi nói Thiền,

Thương cho trẻ mối-giềng chưa lặng.

Thương các con vẫn còn gánh nặng …

Thương nói tu mà chẳng chịu tu,

Thương con trần ngày tháng lu-bù,

Thương vì phải bấy chừ rối-loạn !

Nói nói tu nói trong sở đoản,

Làm làm trong phỉ-báng ngây-ngô,

Thầy thương con mở sáng cực-đồ,

Cho trẻ hãy chiếu vô tâm nội.

Chớ đừng tu dị-đoan Thầy bói,

Tu đến quẻ mãi nói viển-vông,

Tu là tri yếu lý trong lòng,

Sao chẳng chịu khai-thông “Thất-Bảo” ?

Con nói tu, nói hành thiện Đạo,

Mà dính nhiều chưa cạo tình đời …

Và lục-dục cứ mãi an ngơi,

Sao phát sáng nghiệm lời Từ-Phụ ?

Con nói tu như người mê ngủ ;

Ngủ say rồi lần-lủ đường tu,

Tháng qua tháng chớp-nhoáng bấy chừ,

Ngày qua ngày trôi như thoi kéo.

Con nói tu mà không đục-đẽo …

Sao toàn-chơn góp lại tâm-linh ?

Nay cơ Thầy diễn biến hữu-hình,

Sảy-sàng hết chơn-linh không trọn !

Thầy càng quét để rồi cho thoáng …

Những phái-phe chưa ớn lời Thầy!

Những mê hoặc ru ngủ người ngay,

Những đắm-đuối giờ đây chấm-dứt !

Bởi đường tu các con hẩm-hút,

Nói tu mà lắm lúc trôi qua,

Nên thản nhiên ngẩng mặt nhìn Cha,

Kỳ nguơn-hạ không xa đâu trẻ !

Thầy mãi kêu già trẻ lớn bé,

Mau tu-hành lẹ-lẹ đi thôi.

Kẻo không kịp sàng-sảy cơ nhồi !

Cho tiêu rụi vậy thời giả dối !

Thầy sẽ diệt những gì mãi nói,

Diệt hữu-tướng và thói dị-đoan,

Diệt những kẻ tu quá lăng-loàn,

Diệt những phường khoe-khoang khoác-lác !

Dụng Đạo lòng lấy lời thù tạc,

Để dụ người mờ-mịt đường tu,

Trong niên mới chiếu điễn Đại-Từ,

Càn quét hết tâm-tư đen tối !

Nếu con nào mau mau sám-hối,

Thầy sẽ ban phước cội tròn duyên,

Gặp Đạo Thầy nơi chốn thị-thiền,

Để tâm định mối-giềng lắng-lặng.

Nếu không hối thì mang gánh nặng,

Tội càng nhiều và chẳng đựơc tu,

Sẽ trả quả sa đọa nặng bù …

Xác vật-vả bấy chừ oằn-oại …!

Rồi bịnh đau đến thời ách đại,

Hay tai-nạn gánh phải thể thân,

Trị linh-hồn mờ-tối chơn thần,

Khi đã thác bao lần đau-đớn …!

Thầy muốn con không tuồng Hồ-Hớn !

Mà rã-tan ở chốn chương Đài,

Thương các con lời kể hôm nay,

Lời Từ-Phụ hoằng-khai nhứt-điễn.

HỰU

Nhứt điễn Huyền-Quang trợ trẻ hiền,

Tu hành phát-động lộ chơn nguyên,

Thành-tâm hướng thiện hòa cao-thượng,

Phát tiết tinh-sương lộ Bửu-Truyền …

BÀI

Thôi bấy lời ngày Rằm Thượng-Đảnh,

Hòa con trần nơi cảnh dương-gian,

Bao nhiêu thuyết lý Ngọc-Hoàng,

Phục-Nguyên con! Nhớ mở-mang tâm lành.

Lời xoay chuyển đêm thanh nghe trẻ,

Ngày tiếp Thầy mở xé huyền-vi,

Niên mới xoay chuyển cực-ly,

Trợ phần tu-tịnh mà ly tuồng đời.

Còn những trẻ vậy thời mắc phải …

Tu mơ-hồ cứ cải Đạo-Trời,

Luôn luôn phỉ-báng khắp nơi,

Phái-phe gầy nhóm vậy thời rẽ chia …!

Thầy xạ điễn đành lìa tình trẻ,

Đấng Đại-Từ đâu lẽ ác-nhơn,

Chẳng phải Thầy nói giận-hờn,

Nhưng vì trẻ mãi đòi con ngục tù !

Bao nhiêu năm Đại-Từ khai-quát

Các con tu chưa hiểu bên ngoài,

Chỉ tu hình-thức nhạt-phai …

Tự tôn sáng chế những bài hành tu !

Thôi bấy lời Chơn-Như gởi lại.

Đến Dậu Thời mặc khải tăng thêm,

Phục-Nguyên! Con gắng vững-bền,

Dựng gầy mối Đạo đi lên hoài-hoài …

Để Niên Dậu Thầy khai chơn-lý,

Ánh sáng truyền cung Tý Trời ban,

Giáo nhơn xoay chuyển Ngọc-Hoàng,

Gom về nhơn-loại một màng Thiêng-Liêng

Từ Đông-Phương gom hiền nhân-loại,

Tới Tây-Âu ban rải huyền-vi,

Trông vào Nam Bắc phân ly,

Đó lời nhứt tự gắng ghi trẻ hiền.

THI

Thăng đàn gởi lại cảnh Thiêng-Liêng,

Cố-gắng thành tâm bớ Phục-Nguyên !

Đạo hóa hoằng-khai Đông cõi Á,

Lộ cơ huyền-mật phục Chơn-Truyền …

Thôi Thầy thăng.

Thầy giả lui các con.

P.N : Nam-Mô A-Di Đà-Phật !

TTrở lại trang MỤC LỤC