TRỜI BAN CHÁNH PHÁP CỨU ĐỜI, NHƯNG CON NGƯỜI PHẢI CÓ NGUYỆN LỰC VÀ KẾ HOẠCH HOẰNG DƯƠNG CHÁNH PHÁP.
Tịnh Đường. Ngày 23-4- Quí Mẹo
16-5- 1963. Đại Đạo 38
BÀI: 41 ĐẾN 50

THI:
Trần tục hôm nay cảnh lấn chen
Hưng trung ta phải tính làm răng
Đạo mầu tế độ ai lèo lái
Giáng thế khuyên đời đã lắm phen.

Bản Thánh chào chư liệt vị Thiên Ân phận sự! An tọa nghe dạy.
Cơ đạo gặp phải lúc chinh nghiêng nên lòng người hóa ra điên đảo. Mà đã điên đảo rồi thì còn làm sao mà phân biệt được chính tà chơn giả. Người Hướng Đạo đứng ra lèo lái con thuyền đạo phải là người có đủ cả đức tính minh, chính, trung, thuận, minh là có óc sáng suốt thông đạt mọi việc Trời, người phải biết khúc quanh co sâu cạn, để cho con thuyền khỏi bị đắm đuối. Chính là bản thân người Hướng Đạo phải chính ở mình rồi sau mới chính được người, mình đã chính rồi thì không lo gì không hóa độ được quần chúng, hễ “kỳ tâm chính nhi thiên hạ quy chi” ngày xưa Văn Vương lập nên sự nghiệp nhà Châu, không phải ở nơi tài cao trí thuật, mà chỉ cốt ở lòng minh chính, nếu đã minh chính mà không có đức trung thuận thì cũng khó mà đắc thành sự nghiệp to lớn được, trung nghĩa là làm một việc gì không thái quá và bất cập mà phải tùy thời chiết trung, tùy cơ ứng biến, thời chưa đáng làm mà làm khác nào như cái cây còn ở dưới đất mà vội khươi ra vì sức chưa đủ để chịu đựng với nhật nguyệt mà phải chết, nếu không chết thì cũng yếu xàu. Mà nếu thời cơ không làm để qua rồi thì cũng khó có ngày trở lại được. Vẫn biết mọi việc gì ở thế gian này không ngoài bàn tay sắp đặt của Thượng Đế, trong sự sắp đặt ấy con người là một vai chính yếu, người là chủ nhơn ông thay Trời mà điều hành mọi việc, cái nghĩa ‘Tài thành thiên địa chi đạo” là vậy, nếu mà người thiếu sự sáng suốt không rõ thiên mạng, bất tri thời thế thì dù cho hoàn cảnh có tốt đẹp đến đâu cũng khó mà đạt thành đại nghiệp, không cố chấp, không câu nệ, phải thuận theo ý Trời lòng người mà làm. Nếu hết thảy mọi người hiền sĩ cố chấp như Di, Tề thì làm sao cứu dân ra khỏi vòng nước sôi lửa nóng của Trụ. Võ Vương nhờ ở sự sáng suốt biết “ chấp kỳ lưỡng đoan dụng kỳ trung ư dân” không chịu nghe theo Di, Tề chỉ có một lần giận mà trị an được thiên hạ. Bởi vậy Trung Dung đã có câu “ hỷ nộ chi vị phát vị chi trung, phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa hòa giả dã, thiên hạ chi đạt đạo giả”. Mọi việc làm của người Hướng Đạo biết noi theo đó mà sử dụng thì làm sao việc không thành, công không toại được, cũng vì còn quá cố chấp nên phải hóa ra chậm chạp, chư hiền nơi đây đã có lòng lo cho cơ đạo, đã vứt bỏ bao nhiêu thân danh thế sự, để mưu toan công việc giúp Trời cứu độ chúng sinh, trải qua thời gian gần hai năm rồi mà vẫn chưa vạch định được một con đường đi tới như thế nào thì lấy gì để đáp lại sự mong ước của mọi người. Người đứng ra gánh vác công việc cứu thế tế nhơn, không chỉ ngồi chờ thời cơ đưa đến mới làm, có khi ta tự tạo lấy thời cơ để mà làm, biết lợi dụng cái thế yếu làm thế mạnh, biết lấy cái lợi của họ làm cái lợi cho mình.
Ngày xưa Trương Lương giúp Hớn Cao Tổ ra khỏi Bao Trung là ở tấm lòng kiên nhẫn biết lợi dụng mọi hoàn cảnh của địch thủ làm lợi cho mình, chỉ trong một thời gian ngắn âm thầm lặng lẽ ra đi hứa hẹn ngày về sẽ thành công trong mọi việc nhà Hán nếu không có Trương Lương thì khó thành được sự nghiệp, cái người không danh không lợi, không thị không phi, công thành thân thối, tài trí như thế mới đáng bậc làm gương cho đời, nếu lúc bấy giờ Trương Lương chỉ ngồi chờ thời cơ đưa đến mới làm thì ngày nào mà sự nghiệp nhà Hớn được thành? Phải chăng có mạng Trời mà cũng ở sức người, thiên nhơn hợp nhất là vậy. Nếu cứ ỷ lại ở Trời mà không chịu đem trí óc của người ra để mưu tính thì Trời sinh con người ra có ích lợi gì đâu. Không nói những người phàm phu tục tử kia, chư hiền là những người có sứ mạng, đã bao năm ôm ấp mối đạo nơi lòng, đã có tính linh của Thượng Đế hằng ngự, con đường đi tới sáng tỏ như ban ngày, lại không thấy mà bước hay sao? Mỗi mỗi cái gì cũng chờ Trời ban lịnh. Thầy muốn để cho chư hiền tự lực, Thầy cũng đã nhiều lần cho chư Thánh để nhắc nhở thúc đẩy trên công việc tiến hành nhưng rồi chư hiền cũng bỏ qua cơ hội, thời gian qua Thầy đã chuyển một số thiện căn đến với chư hiền để chung phần trên công việc bão vệ nền chánh pháp, nhưng chư hiền thiếu sự tha thiết đón tiếp để rồi bạn trở hóa ra thù, sao không biết học theo gương Chu Công ngày xưa nhả cơm vẩy tóc, để đón tiếp hiền-sĩ, cơ hội có đến mãi với ta đâu. Cái người mà Thầy dùng để trao cho công cuộc Trung Hưng chánh pháp cũng phải có được đức tính như Chu Công vậy. Công việc làm đạo thời nay khác với thời xưa. Thời xưa trò phải tìm thầy mà học đạo, thời nay Thầy phải tìm trò mà hóa độ, phải đem hiền đức của mình để gây duyên với chúng sinh, chúng sinh nhờ ở hiền đức của mình mà trở nên thiện chủng. Từ ngày nền chánh pháp đã hiện diện nơi đây,
biết bao nhiêu thiện căn đương trông chờ đón tiếp, thế mà việc làm của chư hiền vì quá thờ ơ chậm chạp nên đến ngày nầy, ngoài ra Thánh thất Trung Thành chưa xây dựng được nền tảng Đạo pháp nơi nào cả. Như thế thì ngày nào nền Trung Hưng chánh pháp được thị hiện. Mặc dầu muộn nhưng còn hơn là không làm, theo
chương trình sắp đặt của chư hiền cũng tạm được đấy.Chư hiền từ nay phải tích cực trên công việc hoạt động,
nếu muốn cùng với chức sắc ở Đền Thánh hòa hiệp cũng phải có một hậu thuẫn vững vàng, dầu không hòa hiệp được cũng phải có một hậu thuẫn để xây dựng chánh pháp, một viên tướng dù tài giỏi đến đâu mà sau lưng không có một số quân binh hộ vệ thì cũng không làm cho địch thủ kiên nể.
Mọi việc tuy gấp rút tiến hành, nhưng tiến hành như Trương Lương mới thành công tốt đẹp, nghĩa là đứng trước thời Long còn ẩn không phải là nằm yên một chỗ mà phải gom góp tất cả tiềm lực của mình để chờ ngày mà hiện. Từ đây chư hiền phải phân công nhau để xuống tận nhơn sanh đem việc làm và thanh đức của mình mà gầy duyên cùng mọi người, ai là người có căn lành quả tốt, đồng chí đồng tâm, để đem họ về với mình đặng chung phần trong công cuộc xây dựng chánh pháp. Nếu cứ ngồi một chỗ mà chờ thời, thì dù cho có ý Trời lòng người quy thuận, cũng khó mà đạt thành chí nguyện, ai có duyên nơi nào thì đến đó mà độ dẫn, mối dây thân hữu phải được nối liền khắp nơi, có thế cơ xây dựng nền Trung Hưng mới mong ngày thành tựu, chư hiền nỗ lực từ nay đến hạ tuần tháng sáu nếu cần thì có một cuộc gặp mặt các tân thiện hữu để chung góp một chương trình xây dựng.
Về Thánh thất Trung Thành hàng ngũ phải được xúc tiến mạnh mẽ, chức sắc thì đông chức việc cũng nhiều, nếu không có người điều hành thì có nhiều cũng không lợi ích, người lãnh đạo cho quần chúng giữa lúc này không một giờ phút nào mà không gần gũi nhắc nhở thường xuyên chia nhau đi thăm đi viếng những đạo hữu kém để họ mạnh mẽ về với mình, vì chức sắc ở dưới không đủ đức độ để cảm hóa người, sự khảo thí không phải chỉ thế thôi mà còn nhiều nữa, khảo thí bằng danh, bằng lợi, bằng thế, bằng quyền, người không có căn đạo vững chắc thì dễ bị câu nhử phỉnh phờ khó mà giữ tròn được tâm đạo.
Về số người nguyện tu thì lòng Từ Bi tận độ của Thầy cũng chấp nhận cho đó, sự thành hay không còn do căn cơ duyên nghiệp và sự quyết chí của mỗi người, có khi Tiên Thánh còn phải bị đọa, chúng sanh quyết chí tu hành cũng thành ngôi chánh giác cái đó cũng không sao nói hết được, nhưng tâm đã nguyện, chí đã muốn thì Thầy đều độ cho ngày thành cũng chẳng khó, nhưng không nên dục vọng, đạo cốt ở tâm nếu tâm thanh tịnh thì trần tục sẽ lìa, nghiệp căn sẽ dứt, cốt phải lấy sự nghiệp lập công hành đạo đi đôi. Mọi người đều quyết tâm bão vệ nền chánh pháp, xây dựng hoàn thành Thánh thất kiểu mẫu, thì sự thành công trên đường tu học chẳng khó, phải theo hướng hành đạo tịnh luyện mà làm.
Về việc làm Tịnh Xá cái đó thuận nhơn tâm thì đắc Thánh ý có gì mà hỏi. Về việc sắp xếp nơi đây như thế cũng tạm yên, nhưng về phần Bửu-chương nếu không có thì giờ thì để mùa mưa sẽ làm, bây giờ lo việc đi lại các nơi kẻo trễ. Phần Tịnh Đường, mời Liên Hoa giúp vào cho trọn. Hậu ngoài việc chủ trì nơi đây phải chú ý đến việc hành chánh nơi Thánh thất Trung Thành, phải có một ban xây dựng Thánh thất kiểu mẫu, có chương trình, có kế hoạch làm việc từng phút từng giờ. Các cơ quan phải được chỉnh tiến, nơi Thánh thất phải sắp đặt ra vẻ văn minh, nếu không hiểu thì nên đến các chùa các tôn giáo bạn mà học lối tổ chức sắp đặt, chứ sống giữa cảnh đô thị một Tân Giáo Lý mà thiếu phần tượng trưng thì cũng làm giảm phần tín ngưỡng. Các hiền phải có bổn phận, vì Thánh thất Trung Thành là một miếng đất xây dựng nền chánh pháp đầu tiên, mọi người đều lấy đó mà làm gương sáng.
Sinh bạch:
Các Hiền là người sống trong tổ chức ở nơi này thì làm một việc gì cũng không ngoài phạm vi tổ chức, kẻ làm việc này, người làm việc kia cũng mong cho tổ chức được hoàn thành, không chỉ riêng cho Thánh thất Trung Thành mà thôi, nếu nơi nào thuận lợi thì cũng phải gấp tiến cho nên ở trên đã nhắc là vậy đó. Khi nào làm xong thì sẽ giao lại cho tổ chức. Bây giờ các hiền đem khả năng và thiện chí của mình mà làm, ai cũng mong mỏi ngày thành công, ngày thành công là cho tất cả có riêng gì ta đâu, nếu việc này không thành sớm thì chánh pháp cũng phải chưa thành.
Sinh bạch…………….
Nó cũng bởi Quyền Pháp nơi này mà ra là một ngành để xây dựng tận nơi lòng đạo hữu, nó giúp cho mọi việc của tổ chức nơi này được thành công, mỗi khi làm đều có sự góp ý chung không một người nào việc nào mà riêng rẽ cả, người làm việc này kẻ làm việc kia cũng vì tổ chức vì công cuộc xây dựng chánh pháp mà thôi, miễn việc làm không trái Đạo pháp thì được.
Sinh bạch…
Trong lúc cơ đạo khảo thí lòng đạo bị phanh phui nên tình thương khô cạn, đạo nghĩa suy mòn, nên tổ chức dây bạn là tổ chức lại tình đạo hữu như xưa, tình đạo hữu đã sẵn có nhưng không được thực hiện, nên nay làm sao cho thực hiện sự tổ chức không nhứt thiết như thế nầy hoặc như thế kia, mà tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, miễn sao thực hiện được mối dây thân hữu là được, cũng ví như có nơi tình đạo bị chia sẽ kích bác lẫn nhau , người nào còn giữ được lòng đạo thì người nầy với người kia đồng một chí hướng với nhau thì sẽ kết thành bạn đồng đạo để giúp đỡ lẫn nhau.
Thôi mọi việc….. Sinh bạch…
Có sự sắp đặt hẳn hòi, trật tự vệ sinh được chu đáo , thì không gì trở ngại .
Thôi, Bản Thánh chào chư liệt vị.

BÀI : 42 ĐEM MẮT VÀO LÒNG THÌ LÒNG ĐƯỢC YÊN, LÒNG ĐƯỢC YÊN
THÌ HÀNG PHỤC ĐƯỢC PHÓNG TÂM.

Tịnh thất. Ngày 2-5-Quý Mẹo
22-6-1963. Đại Đạo 38

THI:
Hàm sức nơi trong đạo tỏ tường
Chương trình tu chỉnh sớm lo bương
Trấn an đâu đó bền tâm đức
Đạo hữu gắng công thẳng một đường.

Bản Thần chào chư quí liệt vị Thiên Ân chư quí Thánh ân và toàn thể đạo tâm nam nữ. Bản Thần mừng vui được thấy ngày này giữa mối tình linh sơn Quyền Pháp được khắn khít vui vầy đồng nhận chân giá trị con người cao quí là đứng trên tinh thần giải thoát cầu trở lại nguồn gốc của mình là bản nguyên bình đẳng hư tịch vậy.
Bản Thần từ đây chịu mạng lịnh nơi Trời cùng với đồng đạo đệ huynh chiều sớm chung cùng, kẻ sống người thác giữa nhau kết chặt mối Quyền Pháp, hòa nhịp cùng bước tiến của thời gian lần hồi đưa nhau đến cơ thành Đạo. Bản Thần luôn luôn âm phò mặc hộ cho Quyền Pháp nơi này, cho toàn thể anh chị em được sớm thành công để cùng nhơn loại vầy vui một ngày hà thanh hải yến.
Bản Thần báo đàn chư liệt quý vị thành tâm đón tiếp Quan Âm Bồ Tát. Bản Thần xin kiếu.
TIẾP ĐIỂN:

Quan âm Bồ Tát để lời khuyên
Khuyên nhủ Thiên Ân gắng dạ thiền
Thiên pháp không ngoài ‘quán tự tại’
Tại người mê đắm khó thành Tiên.

Bần đạo chào chư quý hiền đạo tâm nam nữ! Bần đạo hoan hỷ cho chư hiền an tọa.

BÀI:
Ai gióng trống phất cờ dẫn bước
Ai tỉnh mê vào trước Tịnh Đường,
Để rồi Quyền Pháp đảm đương
Để rồi cứu độ mười phương lạc lầm
Lầm lạc bởi chơn tâm vùi lấp
Mà sống còn tấp nập khổ đau
Khuyên người tỉnh thức mau mau
Bốn tường ra khỏi thì vào Ngọc-Kinh
May duyên gặp Đạo Huỳnh rộng mở
Giống Bồ Đề được nở được tươi
Dễ chi một kiếp làm người
Lỡ làng muôn thuở luân hồi tử sanh
Cứ thẳng tới đừng quanh đừng trớ
Rồi mai kia chịu lỡ dịp lành
Nếu đà thiệt chí tu hành
Dọn đường giải thoát thì thành Phật Tiên
Tiên Phật hễ có duyên thì gặp
Gặp được rồi gấp gấp gia công
Được rồi đâu đó hanh thông
Thông đường giáo pháp thì lòng nhẹ phơi
Chứng cho đây có người mến đạo
Có tinh thần hoài bão quyết tâm
Quyết tâm chiều sớm kiếm tầm
Tầm cho thấy được chơn tâm mà cầu
Tâm trong thân chớ đâu mà kiếm
Thầy ở lòng chớ kiếm tìm đâu
Trong tâm có đạo nhiệm mầu
Quay về với nó đã cầu được đây
Đừng nhọc chạy đông tây mệt sức
Phật ở lòng mới thực mới nhằm
Phiền gì lắm tháng nhiều năm
Một khi thanh tịnh thấy trăm nhiệm mầu
Khải thị cho trùng lầu mới cấp
Mân men lần thì gặp Chơn Sư
Lòng đâu có thiếu có dư
Dương quang sáng tỏ thiệt hư rõ ràng
Hiệp Tam bửu tam quan thông thấu
Tráng chí mình chớ cấu trần mê
Chân tâm sáng tỏ một bề
Trân châu đâu ví ngọc khuê đâu bì
Thức tỉnh sớm kịp kỳ Đại xá
Tư thiết rồi biết đá biết vàng
Nghiễm nhiên thì có ơn ban
Lệ như biết được lo toan chớ chầy
Châu giá trị là Thầy chỗ đó
Miên miên miên thì khó tỏ tường
Hưng minh sẵn tiến một đường
Lễ nghi trọn đủ là phương sữa lòng
Túy thuần túy thấy trong máy nhiệm
Lư an lư xác nghiệm lời ta
Mua sao cho được chữ hòa
Hành trình kiểm điểm vượt qua bể đời
Thoại đầu là tầm nơi Vô-cực
Khóa Tịnh Đường, nỗ lựcthêm công
Hội này đâu đó khai thông
Hộ trì chánh pháp thì lòng được vui
Xuân xanh qua tuổi đời đã trải
Bằng bỏ qua thì phải uổng công
Kỉnh cung trong đám Đạo đồng
Kiểm tu trở lại duân thông lẽ nào?
Bính chính được thì cao phẩm vị
Đãi thời cơ súc chỉ diêu tâm
Bớt công tuổi trẻ lo tầm!

Đàn tới sẽ tiếp. Còn một số đạo tâm chờ đợi Bần đạo sẽ điểm danh sau vì cần nói qua cuộc sám hối,
để kịp thì giờ. Chư hiền đạo tâm đã phát nguyện cầu tu Quyền Pháp Bần đạo cũng mừng song con đường giải thoát kể cũng gay go nếu phải dễ dàng thì ai không thành chánh quả,
tuy gay go nhưng bổn phận làm người chịu một phần trách nhiệm của Quyền Pháp không lẽ lùi mãi về sau, muốn được nên Thánh nên Hiền chỉ có một sự giác ngộ, giác ngộ buông bỏ mọi sự trần duyên triền phược, nếu cơ hội tốt không lo đến lúc thời thế qua rồi chừng đó muốn cũng không biết làm sao.
Các Hiền đạo tâm nên bình tỉnh mà kiểm soát lại lòng mình mỗi ngày một qua mình đã làm gì được công, hay làm gì bị tội? Chắc mỗi ngày các đạo tâm chỉ thấy rặt ròng gây tạo lỗi lầm, mà lỗi lầm cứ chồng chất trên thân, mỗi bữa mỗi cao, lỗi lầm nếu biết được thì ai không lo không sợ, vì vô minh phiền não mà lòng bị cấu nhiễm trần lao. Để giải thoát để vượt ra bể khổ sông mê thì không phép gì mà sự “cầu kỳ phóng tâm” của Mạnh Tử chỉ biết đem lòng mình trở lại nơi tự tại là được trọn vẹn, nên Tu Bồ Đề cầu hỏi Phật cho được chỗ an trụ cái tâm, hàng phục cái tâm làm sao. Hàng phục được, an trụ được là quay trở lại mà thôi vậy, đó là hồi đầu thị ngạn, công phu giải thoát đã được hơn nữa rồi. Có quay về với tâm mới thấy không nhơn không ngã, vì trong thân người chỗ nào cũng động dục, cũng nỗi loạn, thì chỗ nào mà quay về? Dịch kinh nói: “Cấn kỳ bối, bất hoạch kỳ thân, hành kỳ đình bất kiến kỳ nhơn” cấn kỳ bối, bối là phía sau vậy, chỉ phía sau xương sống mới không vọng dục, mới không nhơn ngã, người cần quay bánh Hà-xa, ngược lại thì tinh khỏi hao, thần khỏi lìa, khí không tán.
Vì vậy nên huyền-cơ đạt đạo ở chỗ chí nhiệm đem mắt vào lòng thì lòng được yên, lòng yên rồi thì hàng phục được. Các Hiền đạo tâm! Đây là một pháp cầu tu học, các hiền có biết lấy lửa ở mặt Trời không?
Muốn lấy lửa phải có kính, đặt kính dưới mặt Trời thâu nhỏ sức nóng vào ngay nắm bùi nhùi thì lửa phát ra, cũng ví như mặt Trời tâm là chính thận là bùi nhùi, nhờ pháp đó mà Tinh hóa Khí, hóa Thần, Thần Khí nương nhau thì thọ ích diên niên Thần hồn thông đạt hòa đồng cùng Tạo Hóa. Các pháp tu muốn được công bình, thì hết thảy bất cứ là ai muốn cầu Đạo tu bằng cách nào, cũng phải lấy keo làm chuẩn từ.
Sau khi vị nào xin được sẽ vào hầu một đàn riêng. Vị nào chưa được chờ một kỳ tối thiểu một tháng xin lại, xin được sẽ ban cho một vài pháp để tu và để hành đạo. Đàn này giáp tháng sẽ tiếp.
Chư hiền phận sự lập hết danh sách có mặt chưa điểm danh, sau Bần đạo sẽ dạy tiếp.
Khải Hiền nghĩ sao, cơ đạo gặp hồi chọn lựa buổi đời nhằm lúc vật chất áp đảo tinh thần, thiên hạ quay về một chiều, kẻ sống trong cảnh huống này dầu muốn dầu không cũng khó lòng đi ngược. Đạo đây cũng vậy chín tám phần dư, ai cũng muốn chạy theo hình sắc bên ngoài, lấy hình sắc làm món danh dự, làm vật bão thân, còn một ít cho đó là giả tướng ảo huyền mà quay về với Vô vi chơn ngã. Sự quay về ấy thấy có trái ngược với nhơn tình, Quyền Pháp cũng không lành mạnh, thì Hiền cũng âu lo thắc mắc ở lòng muốn hỏi không biết ai để hỏi, mà hỏi ai, ai biết mà hỏi, ai cũng phàm tình thì ai lại hơn ai! Sao Hiền không trở về mà hỏi lòng mình, lòng mình mới thông thạo rành rỏi hơn. Thì đây Bần đạo nhắc lại lời tượng quẻ Đại Quá, quẻ Đại Quá là ứng cho giai đoạn Quyền Pháp hiện nay, vì vậy mà dạy người Thiên Ân cẩn thận để khỏi hư thân hại đạo. Lời tượng “Trạch diệt mộc đại quá, quân tử dĩ độc lập bất cụ, độn thế vô muộn” là nghĩa làm sao các Hiền đứng riêng một mình mà không sợ. Ý nghĩa lời tượng, dầu thiên hạ có theo hết một phía mà trái với đạo lý thì một mình ta cũng không sợ.
Đồng yếu điển dạy chưa hết, sẽ tiếp sau.
Bần đạo ban ơn Họ Đạo và chư hiền một năm đầy sáng suốt. Bần đạo cũng ban cho sự bình yên tất cả toàn Đạo. Bần đạo cũng nhắc lại chư hiền có mặt tại đây cần được suy nghĩ kỹ để gặp Bần đạo lại kỳ tới sẽ dạy thêm. Bầnđạo chào thăng.

BÀI : 43 ĐỜI GIỮA LÚC TRANH TRANH LẤN LẤN, ĐỂ CÙNG NHAU TÀN TẬN VỚI NHAU
Tịnh Đường. Ngày 8-5- Quý Mẹo
28-6-1963. Đại Đạo 38

THI:
Bão xúm xít nhau giữ trọn tình
Thọ thừa Thánh mạng gắng hy sinh
Thánh tâm mới gánh xong tông đạo
Nương pháp vô vi náu luyện hình

Chào chư quý Hiền huynh, chư chị em tu sĩ mời an vị.
Mối đạo vô vi lòng người thiếu Thánh tâm sao thấu biết, nên lắm kẻ gặp rồi lại bỏ đi, người ở cùng với nó mà không thấy được nó trong tay cầm nó mà đi kiếm nó, đón đầu lại thấy đuôi, đón đuôi lại thấy đầu, rồi cũng chẳng biết đâu là đuôi hay đầu, mới sanh lòng phân vân ái ngại! Ôi! Đạo lớn phải chờ người đại nhơn, thì bổn phận chúng ta đức thiểu trí hèn không gắng sức lập thân thì sao được ngày lên quả vị. Vậy Bản Nương để lời khuyên chị em gắng một gắng mười, một mười chưa nên thì gắng trăm gắng ngàn cho kỳ được thành công mới thôi, đừng thấy khó mà nản lòng. Muốn nên Thánh Hiền đâu phải một sớm một chiều mà phàm phu hóa ra Thánh Đức. Chị em đã đặt lấy đời mình vào vòng đạo đức, làm thân tu sĩ, mang danh giải thoát thì nên lấy công phu chiều sớm làm bổn phận thiêng liêng, tập tánh ôn thuần chơn chất, gạt bỏ những gì làm bận bịu lòng tu, mỗi ngày mỗi ngày dứt bỏ một ít, bỏ được nhiều ngày thì lòng được khỏe khoắn tươi tỉnh, đừng nên cầu kỳ tham muốn những điều không thiết dụng cho thân, ngoài sự ăn mặc thì con người tu sĩ không còn gì phải bận lo. Đáng ra sự ăn mặc này để đạo tràng cúng dường, chỉ làm sao nuôi lấy cái tâm thanh thuần Thánh đức để hòa đồng nhịp sống cùng nhơn sanh, song chị em cũng nghi ngại đôi lúc khởi công hạ thủ ngồi tịnh vào tu thì thấy vọng tâm khởi loạn, nghiệp tật bừng lên ma chướng hung hăng thúc phược chị em lo sợ nghi ngờ, ví như phá một ổ ong, trừ một bãi kiến, thì ong kiến dấy lên hoặc phủ mặt, bu thân, song không vì đó mà nhượng bộ phải thui đốt cho cháy ổ thì ong không có chỗ lui tới đậu bu, kiến núp ở dưới sạp dưới đá để vậy thì làm ổ cho chúng dung thân để hằng ngày tìm vật béo đồ ngon, trộn pha ô uế . Khi vỡ đá phá sạp thì kiến tung ra tung hoành đủ chỗ, song tung hoành trong giây lát rồi đi mất, thì các chị em cũng lấy đó mà xét nghiệm, cũng như nghiệp báo ở trong tiềm thức, lúc công phu nó hay khởi như thế chẳng hại. Cũng ví như đem đồ ngọt mà nhử sán để mà trừ sán vậy.

BÀI:
Ai về cõi Thánh thời đi
Con đường thanh tịnh Vô vi nhẹ nhàn
Không gì bận rộn tâm can
Không ai cầm cản nói bàn được đâu
Tu Tiên có phép nhiệm mầu
Sống trong Tạo Hóa một bầu tự do
Lòng không nghĩ tính so đo
Không dành không để không lo mất còn
Không tham vật lạ đồ ngon
Thì đâu còn thấy ai người để tranh
Lòng tu đầy dẫy phước lành
Sớm chiều cùng Đạo lợi danh chẳng màng
Từ đây hai tháng một đàn
Để lòng cầu nguyện Thầy ban phước lành
Chờ cho Quyền Pháp ngày thành
Nương dây thân ái mà phanh luyện lòng
Chị em đạo nghĩa tròn xong
Pháp Quyền phận sự hết lòng từ đây
Đức tin trọn để nơi Thầy
Đức tài tu tập từ nầy được nên
Thỉ chung nhờ ở chí bền
Quyết lòng giải thoát phải quên mọi điều
Tu hành ăn ở cho siêu
Đừng so với thế đừng kiêu với người
Cho dòn cho dẽo cho tươi
Đừng thêm lỗi mới đừng bươi việc rồi
Làm xong xúm xít quanh ngồi
Đọc lời Thánh dạy trau giồi lấy tâm
Dưỡng sanh có phép hằng chăm
Giữ thân cho trọn ngồi nằm đứng đi
Ngoài tai gác bỏ thị phi
Trong tâm thanh tịnh Vô vi nhớ thường
Từ đây về thẳng một đường
Chị em thắt chặt tình thương cho bền
Tặng lo để bước tiến lên
Lòng thành đã có ơn trên chứng rồi
Lộc nơi chiều sớm vun bồi
Cành sum gốc bậm đời đời quí thay
Thục em cũng biết cũng hay
Đường qua nẻo lại bó tay chờ gì
Cùng đoàn nương sức cùng đi
Hữu hình hữu hoại Vô vi được bền
Làm sao mới gọi là nên
Nên thân nên Đạo mới đền công xưa

Chư hiền thành tâm tiếp Ngô Tôn Sư. Bản Nương chào chư quí liệt vị.
TIẾP ĐIỂN

THI:
Đại nhơn quân tử hỏi là ai?
Đức trọng Đạo thâm mới xứng tài
Cao thấp còn tranh sao gọi biết
Tiên đơn luyện được chứng Cao Đài
Chào chư đệ tử!
Đời giữa lúc tranh tranh lấn lấn
Để cùng nhau tàn tận với nhau
Thấy đời trong cảnh khổ đau
Mở đường Tận độ Đạo Cao nhiệm mầu
Đạo Vô vi ai đâu người biết
Phải làm sao cho thiệt chơn thuần
Gọi nhau để đón hồng ân
Khuyên nhau lập chí Thánh Thần từ đây
Làm thinh tu cho Thầy điểm hóa
Nhẫn nhục tu để cả người trông
Tu cho trọn sạch ở lòng
Thị phi danh lợi cái vòng cột thân
Hơn thua Thầy có bàn cân
Phải không Thầy sẵn mắt Thần chiếu soi
Nghe đây Thầy túc giọng còi
Lên đường giải thoát ra ngoài bến mê
Lo tu được khỏe mọi bề
Sống còn tươi tỉnh tịch về cùng Cha
Anh em giữ đạo thân hòa
Giữ cơ giáo pháp gần xa được nhờ
Thuyền Thầy lèo lái đến bờ
Rước đưa sanh chúng đợi chờ từ lâu
Trung Tông có pháp nhiệm mầu
Đủ đường phương tiện tiếp thâu môn đồ.

Công việc hôm nay cần được giải quyết, các đệ tử thanh tịnh nghe.
Phần tu kể cũng cố gắng của mỗi trò. Y thế mà làm lâu ngày chầy tháng sẽ thấy sự kết quả của nó. Nên pháp đạo ấy cần đòi hỏi một công trình dẻo dai tấm lòng chung thỉ. Vậy các trò làm thinh mà tu, một được phần xác bệnh tật không sanh thân hình khỏe mạnh. Hai linh hồn dầu không vào được Tiên Thiên, thì Thầy cũng cứu trọn vì cốt ở lòng, mà lòng phải Vô vi thanh tịnh, Vô vi trong đó đã chứng đến Vô Thượng Chánh Giác vì Vô vi là vô kỹ vô công, vô danh, tu đến bực này cũng tối thượng giải thoát, song pháp môn nhập hóa có nhiều phương tận độ đừng chấp mà bị vào biên kiến giới thủ. Trò biết như thế nào thì giữ thế ấy,
đừng làm trở ngại cho kẻ khác mà mất thể thăng bằng. Phật nói “Quy nguyên tánh bất nhị, phương tiện pháp đa môn” thì pháp Trung Tông Các trò chưa cảm thấu thiệt tướng của nó,
cần yếu khóa xin nhập tịnh cho tạm đợt đầu tu châu tịnh tọa, dưỡng sanh. Người nào muốn tu theo pháp
Chiếu Minh thì trước xin keo hầu đàn đã. Về cơ đàn hằng tháng ngày này và hai tháng cho nữ tu sĩ vào hai ba tại đây vào tháng chẵn. Phận sự về đàn tu cũng như đàn giáo hóa trong thời gian Tịnh Đường, của Liên Hoa thì Huệ Minh Đức hành sự. Cần một bước sâu vào con đường Trung Đạo, Liên Hoa hết sức cố gắng lập chí lấy mình mà tịnh dưỡng, cầu cho được minh chứng đừng vì tiểu tâm mà trở ngại cho bước hành trình.
Về xây dựng Thánh thất các trò lưu tâm để tâm vô tư công bình mà xây dựng một bộ máy, một hàng ngũ và một Quyền Pháp lành mạnh, chung quanh cơ khảo thí đã sắp đến, mọi việc đâu đó phải được chuẩn bị.
Khải tạm thời cần được một khóa tịnh để bồi dưỡng lấy thân tâm, để gội rửa hình Thần được trong nhẹ, thì việc đạo sau này mới thể có đường tiến tới, bằng không thì ngày một yếu mòn, nhơn tâm ly tán. Vậy cùng nhau thân ái vạch định một chương trình để đương hành Quyền Pháp.
Thầy cũng Từ Bi luôn luôn trông chờ lòng giác ngộ của mỗi trò, về đường lối Trung Hưng cả một chương trình vĩ đại, sự hiểu biết của mỗi trò được chừng nào hay chừng đó, biết để làm để giữ, thì Thầy sẽ soi dẫn cho. Việc làm thì nên từ từ mà tiến, xét hoàn cảnh, xét tâm đức từ người mà xây dựng.
Về lúc Khải phải nhập tịnh thì các trò cùng với đạo tâm mà có một giải pháp cộng đồng xây dựng nghe.
Cư bạch…
Khải tự xin và tự định thời gian.
Khải bạch…
Được.
Vậy Bần đạo xuống lệnh toàn Đạo để tâm hoan hỷ cầu nguyện, ngày ấy sẽ có đàn dạy kỹ hơn.
Bần đạo chào......
Sinh bạch…
Sẽ bàn nhau trước đi.....
Sinh bạch…
Việc này khó nói mà cũng khó viết, đây đứng vào trường hợp đặc biệt không phải là trường hợp thường.
Vì vậy mà sự đặc biệt phải chờ ở người đặc biệt cảm thấu ý Trời, hoàn cảnh đặc biệt mà có trường hợp này, có trường hợp này cũng là trường hợp đặc biệt, trường hợp đặc biệt để xuất hiện con người đặc biệt, con người đặc biệt để lấy vai trò đặc biệt mà xoay xở hoàn cảnh đặc biệt, các trò cảm thông và tìm hiểu.
Sinh bạch….......Rõ lắm rồi…
Thầy chào các đệ tử.

BÀI : 44 SỐNG TRONG ƠN CHÁNH PHÁP MÀ KHÔNG TU HỌC THÌ UỒNG MỘT ĐỜI.
Trung Thành. Ngày 23-5-Quí Mẹo
13-7-1963. Đại Đạo 38

THI:
Đông Tây Nam Bắc đượm tình thương
Minh đắt cùng nhau bước một đường
Mừng gặp đệ huynh ngày hội hiệp
Chào chung Hiền hữu đặng bình an.

Tệ Thần chào chung chư huynh trưởng chư tỷ chư đệ. Cuộc gặp gỡ hôm nay thật là một cuộc vui vầy rất hy hữu,
lòng tôi quá cảm xúc, không biết nói được những lời gì đây để tỏ tâm tình chuỗi ngày cách biệt. Kính mời
chư huynh tỷ an tọa, thanh tịnh lắng nghe Tệ Thần có đôi lời thô thiển, gọi là nỗi lòng bằng hữu giao kết từ xưa.
Chư hiền hữu ôi! Ngày tôi còn ở thế, tôi thường đem câu Tứ Hải Giai Huynh đệ ra mà bày tỏ cùng chư đạo hữu. Tôi ước ao làm sao thực hiện được như cái nghĩa của câu ấy. Tôi tưởng không bao giờ có thể có được cuộc gặp gỡ giữa tôi và Hàm Chương Trấn Đạo luận bàn công việc Đạo, nhận thấy khối tình thân hữu của Họ Đạo chúng ta đã được thực hiện, tôi vui mừng quá đỗi, nên nhận lời mời về đây để được gặp quí huynh, tỷ tỏ niềm thâm cảm.

Từ ngày xa cách đệ huynh
Ước mong gặp gỡ mối tình cạn phân
Chuỗi ngày chung sống ở trần
Trên đường đạo đức nghĩa nhân chung bàn
Nào ngờ cách biệt chia tay
Bể dâu thay đổi mới hay lẽ Trời
Đem thân mà trả nợ đời
Liều mình để trọn lấy lời thề xưa
Cảnh đời bão tố nắng mưa
Hy sinh vì Đạo phận trai đã tròn
Nhưng mà công đức cỏn con
Ước gì có dịp mót bòn quả công
Từ đây mới nghĩa đạo đồng
Gặp nhau trò chuyện phải không đôi lời
Thỏa lòng kẻ Đất người Trời
Dễ gì gặp mặt để lời cạn phân
Anh em chung sống nơi trần
Mối dây thân hữu xa gần kết liên
Không phân giai cấp tước quyền
Đệ huynh tứ hải đồng duyên một nhà
Chung nhau dưới bóng Trời Cha
Mối tình đạo hữu ruột rà tình thâm
Thật là đồng chí đồng tâm
Trong vòng chánh pháp ôm cầm vịn nương
Thiết tha xây dựng tình thương
Nguyện đưa bước đạo lên đường hanh thông
Việc làm đầy quả đầy công
Người người ôm ấp nơi lòng đạo cao
Người người tích cực hô hào
Xây dựng chánh pháp làm sao cho thành
Chung nhau chặt nghĩa em anh
Mối dây thân hữu hoàn thành đẹp vui
Gần xa sớm tối tới lui
Nhắc nhau thực hiện đượm mùi đạo tâm
Cuộc vui câu chuyện khó cầm
Cạn lời sợ nỗi lỗi lầm đấy chăng
Dòng tình ai dễ cản ngăn
Gặp nhau khó nỗi nói năng cạn lời
Hết giờ tạm biệt về Trời
Kính chào quí hữu nơi nơi trọn tình.

Đáng lẽ Tệ Thần còn bàn thêm nhiều việc đạo nữa. Nhưng có lệnh trên đòi về nên phải nhượng cơ cho Hàm Chương Trấn Đạo, Tệ Thần cuối cùng xin kính chào chư quí vị xin kiếu./.
TIẾP ĐIỂN:

Hàm Chương Trấn Đạo được về đây
Câu chuyện đạo tâm để tỏ bày
Mừng gặp hữu bằng xin chuyện vãng
Toại lòng ước nguyện góp phần xây.

Tiểu Thần chào chư quí huynh tỷ mời chư huynh tỷ an vị.

Cái dịp gặp nhau có mấy hồi
Cũng vì cách trở lại xa xôi
Bước đi còn phải chờ ban xuống
Lệnh rút mau mau phải tựu hồi

Cũng nói cho chư huynh tỷ nghe cho vui đấy thôi, chứ tôi đã được lệnh trấn nơi nầy để lập công, hễ mỗi khi có đàn thì có tôi chầu chực sẵn sàng để tiếp chuyện cùng quí vị.
Hôm nay chư quí vị hội hiệp nơi đây mỗi người đều có một nguyện vọng thiết tha trên công việc xây dựng nền chánh pháp sao cho mau chóng hoàn thành, xây dựng Thánh thất kiểu mẫu sao cho đến ngày thực hiện tình thân hữu sao cho được lan khắp bốn phương, nguyện vọng thì lớn sức người có hạn, bây giờ ta phải làm sao đây hỡi chư quí vị, chắc các bạn cũng đã đọc câu hữu chí tất cảnh thành rồi chứ! Ở đời không có việc gì khó, hễ có chí thì nên, ngày xưa Lưu, Quan, Trương xuất thân chỉ có hai bàn tay không, chỉ nhờ có chí lớn và lòng kiên nhẫn không bao lâu mà lập nên được một sự nghiệp rất to lớn, vì thời Trời không còn ở với nhà Hán lâu dài nữa nên mới không còn giữ được bền so với việc làm của chúng ta ngày nay nó cũng đã có một nề nếp căn bản, một sứ mệnh hẵn hoi, công việc làm thành công sớm hay muộn là ở nơi sự quyết tâm bền chí và chuyên cần của quí vị đó mà thôi. Nhưng có một điều đáng lo là nền chánh pháp ở đâu thì quỉ ma cũng xúm đến đó mà giành giựt khảo thí, cái ngoại khảo dù ác nghiệt bao nhiêu ta cũng không hề sợ, có một điều đáng để ý là con ma ở trong chúng ta đây, quí vị nơi đây mỗi người là mỗi viên gạch để xây dựng thành trì chánh pháp, trong bức thành ấy nếu không may có viên gạch thối thì phải làm sao ta nên lựa gạch khi chưa xây hay là xây rồi viên gạch nào thối sẽ lấy ra, theo ý của Tiểu-Thần trước phải lựa chọn nếu viên nào sống thì hầm lại cho chín, nếu lựa không kỹ, lỡ xây vào thành rồi thì không lẽ để một viên thối lây tất cả mà bỏ ra thì cũng tội nghiệp, nếu tiếc một vật nhỏ mà hư cả đại sự thì cũng không nên tiếc, nầy chư huynh tỷ ôi! Nền chánh pháp đã thị hiện rõ ràng lắm rồi, cái ân phước mà chúng ta đã được thọ lãnh, mọi người chưa có còn đang thèm thuồng khao khát, rất lấy làm lạ nơi Họ Đạo chúng ta cũng còn có lắm người từ chối không chịu thọ nhận thật là vô duyên phước biết chừng nào, hằng chi Phật tổ nói: “Phật pháp nan văn, đạo tràng nan ngộ” là chí lý lắm vậy. Người đời thường nói: Ở miệng giếng mà có khi chịu khác nước. Về phần xây dựng Thánh thất kiểu mẫu, cái chương trình tiến hành không còn cho phép chúng ta thờ ơ được, cái danh kiểu mẫu của Thánh thất Trung Thành đã lan xa mọi người ai cũng được biết, ai nấy cũng ước mong được thấy thế mà từ ngày được lệnh xây dựng đến nay trải thời gian cũng quá dài mà chư huynh tỷ có trách nhiệm đã làm được những gì? Thực hiện kiểu mẫu đã đến chừng nào rồi? Có gì đáng khoe với họ chưa, hình thức Thánh thất đã kiểu mẫu chưa? Tổ chức đã kiểu mẫu chưa? Người Thiên Ân chức sắc chức việc đã kiểu mẫu chưa? Đạo hữu bao nhiêu người thực hiện được? Chương trình xây dựng Thánh thất kiểu mẫu đã vạch ra như thế nào chưa hay là còn trong tư tưởng nếu lệnh ra mà không chịu thi hành thì chắc có ngày cũng thâu lại, nếu thâu lại thì nền chánh pháp cũng khó có ngày mà hoàn thành sớm được, Ơn Trên đã nhiều lần nhắc nhở việc làm cũng không gì khó lắm, chỉ còn khó là thiếu người chủ chốt, thiếu bạn chăm lo đó mà thôi. Các bạn nơi đây đã mang danh là thành trì của chánh pháp, bao nhiêu sự quan hệ Tiểu Thần đã trình bày như trên nỡ nào mà không lưu tâm để ý đến đó là trọng tâm công tác của quí bạn đấy. Về việc xây dựng tình thương tuy đã có nhưng chưa được rộng rãi,
nghĩa là tất cả mọi người trong Họ Đạo không một người nào riêng rẽ, cơ khảo thí càng hoành hành thì tình thương càng thêm thắt chặt đó là cái bùa để trừ loài ma chia rẽ phỉnh phờ cám dỗ,
rất hiệu lực đấy. Từ nay đến rằm tháng bãy mọi việc
phải được gấp rút xây dựng sao cho nền chánh pháp nơi nầy được tỏ rạng.

Bao nhiêu công việc Trời giao.
Trời giao ta phải làm sao cho thành,
Xúm nhau bạn hữu em anh
Kẻ trên người dưới đua tranh nhau làm
Mọi người đều được thích ham
Dù cho khó nhọc cũng kham cũng tròn
Gia đình nhắc nhở dâu con
Về Chùa về Thất mót bòn quả công
Những người tay rảnh chân không
Trên đường giải thoát tiến đồng mau lên
Tu hành chớ có hớ hênh
Luyện châu cúng nước giữ bền hôm mai
Hằng ngày kiểm điểm quấy sai
Trăm người như một chẳng ai lơ là
Thánh thất gồm có bao nhà
Nhà nào nhà nấy theo đà tiến chung
Đói no lành rách kiết hung
Phú bần quí tiện ta cùng sớt chia
Thương nhau gang tấc không lìa
Mối giây liên hữu sớt chia mặn nồng
Mọi người siêng sắng lập công
Công dày quả đủ trái bông thơm lành
Đừng cho mối nghĩa em anh
Loài ma lũ quỷ phui phanh gạt lừa
Che nhau lúc nắng hồi mưa
Con đường chánh pháp không ai lạc lầm
Hữu bằng cốt ở nơi tâm
Nơi tâm đã có tình thâm dẫy đầy
Thì là quả đạo được xây
Được xây nhờ ở mối dây hữu bằng
Đã vầy ai dễ cản ngăn
Cản ngăn sức sáng của đèn trời chung
Như vầy mới thật tình chung
Tình chung Đạo lý sống cùng Trời Cha
Bao lời tâm sự thiết tha
Mõi mong quí hữu gần xa nhớ cùng

Thôi Tiểu Thần xin tạm nghĩ, kính chào chư quí liệt vị huynh, tỷ xin kiếu.

BÀI : 45 NGUYỆN KHÔNG LÀM THÌ KHÔNGTHÀNH, LÀM KHÔNG NGUYỆN THÌ KHÓ ĐẠT
Trung Thành Thánh thất. Tý thời, ngày 2-6-Quí Mẹo
22-7-1963. Đại Đạo 38

THI:
Hiệp lực chung xây mối đạo vàng
Thiên ân phận sự phải lo toan
Đại thừa chánh pháp lo gìn giữ
Đế nghiệp có khi được vẹn toàn

Bần đạo chào chư hiền Thiên Ân phận sự và toàn thể chư đạo tâm. Giờ này Bần đạo lai đàn để
chứng tấm lòng khẩn nguyện của chư hiền nơi đây. Bần đạo miễn lễ cho tất thảy an tọa.

THI:
Cơ Đạo vì sao đến nỗi nầy?
Phải chăng Hướng Đạo đã chác gầy
Gây nên chia rẽ ta và bạn
Cơ đạo khiến nên phải nỗi nầy

Này hỡi chư hiền lo phận sự
Đạo đời hai nẻo giữ tròn xong
Xong rồi ai được Thầy ban thưởng
Thưởng với những gì đã ước mong

Mong ước làm sao được đến Thầy
Ngày giờ công đức phải lo xây
Xây mình xây bạn xây cơ Đạo
Bốn biển chung nhau để hiệp vầy

Này chư hiền ôi! Chư hiền có biết chăng vì sao mà phải có nền Đại Đạo Kỳ Ba ra đời?
Vì lòng Từ Bi vô lượng của Đấng Chơn Như Tự Tại Hằng Còn không nỡ để cho đàn con cái của người phải lóc lăn nơi bể trầm luân nầy chồng chất dẫy đầy tội lỗi ác nghiệt để rồi phải chôn mình đời đời kiếp kiếp nơi ngục hình đầy đau khổ nên chi Thầy phải lìa Bạch Ngọc-Kinh dùng thần thông điển huệ đem lời Châu Ngọc để thức tỉnh cho chúng sanh biết nẻo sống đường lành đặng thoát ngoài vòng tử, sanh, bệnh, lão. Nhưng than ôi! Đạo ra đời đến nay đã trót ba bãy năm tròn mà nền chánh pháp chưa được thị hiện khắp nhơn gian. Mỗi khi chánh pháp hiện ra thì bị ma giành quỉ giựt. Ma quỉ ở đâu? Phải chăng ở nơi lòng của chúng sanh. Vì chúng sanh ở cõi đời Mạt Kiếp nầy chơn tánh bị vô minh phiền não làm che lấp khác nào mặt trăng bao phủ bởi nhiều lớp mây, làm cho sức sáng của mặt trăng bị mờ đi. Nói một cách khác cái bản thân của con người cũng như một chén nước lẫn lộn cả trong và đục thì làm sao thấy được ánh sáng chiếu vào. Thầy mở Đạo để cứu độ sanh linh, đã dùng nhiều pháp môn phương tiện tùy trình độ căn cơ của mỗi người. Nhưng pháp môn nào cũng không ngoài sự khử trược lưu thanh, như chén nước kia muốn cho được ánh sáng chiếu vào thì cũng phải làm sao cho chất đục kia lặn xuống, không những lặn xuống mà phải làm sao không còn ở trong chén nữa. Cái chơn như tự tánh của Tiên Phật với chúng sanh không khác sở dĩ được thành Phật là biết gạn lọc chất đục ra ngoài không cho lộn vào trong đấy thôi. Còn chúng sanh thì đục trong lẫn lộn. Đục là gì? Là vô minh phiền não, vọng thức, tham sân si mạn nghi v.v… Đã bám sâu vào tiềm thức của con người từ vô thỉ đến nay đã chất chứa không biết bao nhiêu là lớp màu đen tối, nó làm cho tự tánh của ta không hề sáng được, dù cho Thầy thương cứu độ cho loài người cũng cốt ở pháp môn tu luyện. Tu luyện nghĩa là phải cạo gọt những bợn nhơ chất bẩn ở trong người của ta, phải chịu những sự mổ xẻ bởi nhiều lần. Phương pháp tu hành muốn cho được mau chóng hiệu quả, trước nhất là ta phải chịu sự đau đớn coi ta như là một bệnh nhơn trầm trọng, chứng bệnh không những thầy thuốc biết mà ta cũng phải nhận biết mạnh dạn tỏ bày những bệnh trạng của mình để lương y dùng phương thang cho trúng chứng, nghĩa là người vào nhà tu trước nhất là tìm hiểu tất cả những gì còn ở nơi người do thân khẩu ý tạo ra. Thân còn dâm sát đạo vọng nữa không? Khẩu còn nói xiên ngang, ngược ngạo dối trá không? Ý còn nghĩ những việc đảo điên tà vọng không? Còn bị nghiệp tham sân si nữa không? Còn trước tâm ngã mạn không? Ta tự trầm ngâm phân xét từ loại từ món? Ta tiêu diệt nó cũng như đánh một trận giặc, đánh giặc muốn được thắng cũng phải dùng mưu dùng trí, đánh một trận mà không thắng thì phải đánh nhiều trận, đánh chừng nào toàn thắng mới thôi. Chư hiền nơi đây có chí nguyện cầu giải thoát. Giải thoát cái đời đau khổ này, để trở về với bản thể của Vũ-trụ không sanh đau già chết để được sống cảnh thanh nhàn tự tại, mai cờ Tiên chiều rượu Thánh nay Bồng Lai mai Cực-lạc, cái cảnh vui không sao tả được. Cái nguyện vọng ấy rất được đẹp lòng Thầy. Nhưng nguyện ước là một việc làm là một việc, nguyện không làm thì không thành, làm không nguyện thì khó đạt. Lâu nay chư hiền thường quan niệm việc tu hành quá dễ dãi và nông cạn, khác nào như cái mụt chứa bao nhiêu chất độc ở trong muốn khỏi đau khỏi nhức mà không chịu lấy chất độc ra, mà cứ dùng thuốc thoa bề ngoài thì làm sao lành được tự cho rằng tu thế nầy cũng hơn người rồi! Ta luyện châu quỳ hương cúng nước như thế này cũng được nhiều công phu lắm rồi! Chắc Thầy cũng thương ta mà cứu độ ta, nếu không được thành Tiên thành Phật thì cũng thành Thánh thành Thần như trong luật đã nói tín đồ thì được Địa Thần, chức việc thì được Nhơn Thần, v.v….mà không hiểu Thần Thánh còn phải tu bao nhiêu kiếp nữa mới chứng được quả vị vô sanh, không biết là lòng Từ Bi tận cứu những tiểu căn khỏi sa vào đường ác đạo, để rồi phải trải qua nhiều kiếp số tu hành mới thoát ra ngoài vòng luân hồi sanh tử.
Bây giờ chư hiền muốn thành Tiên Phật không phải như ý mình đã hiểu, nghĩa là được Giáo-hữu Giáo- sư mà được đâu! Vì Giáo-hữu Giáo- sư là ở cấp bực thượng thừa mà thượng thừa phải tu luyện như thế nào! Đó chẳng qua là phương tiện để lập công, chứ con đường về với Thầy dù cho tín đồ hay chức sắc cũng phải lấy sự tu luyện thân tâm làm căn bản, tu đến chỗ dứt sạch tam độc tham sân si v.v….
Một món phiền não rất quan trọng mà lâu nay chức sắc đạo đồ ta ít hay nói đến mà cũng không biết nữa là khác, mọi người ai cũng bị nó ngăn ngại làm cho tuệ tâm của ta bị vùi lấp là ngã mạn, cái bịnh ngã mạn nó đẻ ra tánh tự kiêu tự đại tự cao tự đắc không chịu cầu tiến bộ, nó đã làm xáo trộn thân tâm, đoạn lìa chơn tánh. Một lần Thánh Nhơn ra đời là một lần nhơn sanh trong thời đại đó được cứu độ, cũng như Phật Tổ ra đời không biết bao nhiêu người được chứng quả vị La Hán Bồ Tát, cũng như thời nay nền chánh pháp của Thầy thị hiện thì những người trong thời này tu hành dễ phần đắc Đạo.
Chư hiền nơi đây đã lãnh được một ân phước là đường tu được mở rộng có nhiều phương môn, nếu người nào đầy đủ đức tin và trọn lòng thành kỉnh quyết tâm trên đường giải thoát, một lòng một dạ lập công bồi đức, gạn lọc thân tâm thì dù cho tu pháp môn nào cũng có thể đi đến ngày thành công kết quả. Đầu Họ Đạo là một người có sứ mạng làm chủ một Thánh thất, bão vệ một số con cái của Thầy phải là người đầy đủ đức tài, dù không tài thì ít nhất cũng đủ đức để làm gương sáng cho mọi người noi theo, ngôn ngữ cử chỉ đều là một bài học để người học hỏi, nếu không thì lấy gì hóa độ chúng sanh. Luôn luôn tự kiểm điểm lấy mình, nếu không hơn thì cũng phải bắt chước như Tăng Tử ‘Nhứt nhựt tam tỉnh ngô thân, vị nhơn mưu nhi bất trung hồ, dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ, truyền như bất tập hồ”. Mà tự xét lấy mình nếu không thì cái vọng tâm trỗi dậy ngã mạn dấy lên, khó mà làm xứng đáng cái Quyền Pháp thiêng liêng của Thầy đã giao phó. Nếu không tròn đã không có công mà lại còn có tội, vì vô cớ mà hưởng lộc Trời, muốn được trọn thì phải tu, tu không phải một tháng một đợt mà nên được, mà phải tu mãi tu bao giờ mà tâm được tỏ rạng, không còn bị Bát-thức dấy loàn. Vậy đợt đầu lấy sự sám hối làm đức. Sám hối để tìm thấy tội lỗi của mình, mà xin Thầy đoạn dứt, một đợt chưa hết thì phải tiếp tục nhiều đợt, bao giờ cho hết tội lỗi mới thôi. Giết rắn mà không dứt nọc thì cũng có ngày sống lại, phương tu như trước mà ơn trên đã dạy, cứ theo đó mà tiến lần, tiến bao giờ hết chỗ tiến mới thôi. Nếu nữa chừng nhi phế thì sự khảo thí không thể lường được, cũng như giết rắn không dứt nọc thì nó trả thù, còn chư chức sắc nhập tịnh thì Lão cũng y cho đó, về ngày giờ tùy theo phương tiện mà sắp xếp, người tu trước kẻ tu sau phân công cho hợp thời hợp lý, kẻ được trước cũng chẳng vội mừng, kẻ chưa được cũng không buồn nản, sau trước cũng là sự thử lòng đó thôi. Sự tu hành cốt ở tâm, tâm thanh tịnh thì được tất cả, nếu người nào còn so đo tính toán , không giữ được thanh tịnh, để vọng thức dấy lên thì sẽ mất tất cả, như một việc điểm danh cũng rõ được lòng của mỗi người như thế nào! Kẻ được thì mừng mà không biết mừng để làm gì! Hay mừng để rồi phát triển tánh tự kiêu ngã mạn. Kẻ chưa được thì buồn, để cho cơ hội vọng thức nỗi lên làm cho chơn tâm mờ tối.

BÀI:
Lòng đen tối thấy gì được Đạo
Đạo thấy rồi mới tạo nên Tiên
Hỏi ai là kẻ hữu duyên
Hữu duyên làm trọn lời nguyền khi xưa
Dù cho phải nắng mưa bão tố
Thì cũng đừng kiếm chỗ trớ trinh
Phải lo giồi luyện chơn linh
Làm sao cho tỏ cho minh mới là
Lẽ mầu nhiệm không xa ta lắm
Mà phải tìm muôn dặm xa xôi
Thân tâm đi đứng nằm ngồi
Giữ cho an tịnh vị ngôi được gần
Ai còn dạ phân vân bất tín
Thì Huyền Quan lấp kín khó thông
Ai còn điên đảo nơi lòng
Thì là ma quỷ nằm trong đấy rồi
Biết thân khổ thì thôi chớ tạo
Tạo ra rồi nghiệp báo khó ly
Khó ly thân phải khốn nguy
Đời đời địa ngục A-Tỳ khó ra
Chừ đây phải thiết tha tha thiết
Đoạn thất tình tiêu diệt tham si
Nhắm theo Đạo pháp mà đi
Đi cho đến lúc đến kỳ thành công:
Phụng còn ở trong lồng chớ múa
Thừa Thánh ân học hỏi cho thông
Đạo mầu hằng giữ nơi lòng
Dù cho phải khúc cùng thông gắng gìn
Khánh tâm phải cho in lời nguyền
Bước tu trì phương tiện cùng theo
Vọng tâm chớ giữ đừng đeo
Chơn tâm tỏ rạng là điều đẹp vui
Diện mục mới nếm mùi Đạo pháp
Phải làm sao rồng cọp tương giao
Niêu ơn chảy đến dồi dào
Đường tu phải lắm công lao mới đầy
Huýnh luýnh quýnh chạy đây chạy đó
Tâm định an chớ có lãng xao
Theo đường Tâm-pháp mà vào
Một lòng chung thủy sao sao cũng tròn
Thắng được giặc mới còn được Đạo
Đạo được rồi sẽ tạo ngôi Tiên
Huệ Minh đoạn cắt não phiền
Có ngày Bồng đảo được yên cảnh nhàn
Cúc thu cúc rỡ ràng hoa lá
Đường tu hành nhớ khá tùy duyên
Tương tư chi lắm ưu phiền
Đã là ham Đạo là duyên cùng Thầy
Triêu chớ có lãng khuây bước Đạo
Đã làm lành tạo được phước duyên
Làm sao xứng vốn Pháp Quyền
Gắng gồng trách nhiệm miên miên chớ lìa
Thử lòng thử thức khuya dậy sớm
Thuyền Đạo đời thử dợn cùng đua
Đạo mầu ta chớ để thua
Để thua muôn kiếp lạc loài tấm thân
Khiết thanh khiết thì gần được Đạo
Đạo giữ tròn phải tạo phước thâm
Hằng ngày trao luyện thân tâm
Con đường chánh pháp gây mầm thiện duyên
Chất chơn chất lời nguyện đã vẹn
Thì ơn Thầy hứa hẹn nhỏ cho
Tuổi già mà có chí lo
Gương hiền này để soi cho mọi người
Tấn tinh tấn mới khươi lẽ nhiệm
Đạo ở lòng chớ kiếm tìm chi
Cứ theo chánh pháp làm y
Dục tình đoạn diệt có gì khó đâu
Kiên tâm mới rõ bầu Vũ-trụ
Rõ đường đời biết đủ chớ mong
Phận mình mình giữ cho xong
Việc người chớ có lòng dòng tính toan
Tu tuổi già tịnh an là phải
Sự tu hành chớ ngại chớ nghi
Lòng thành Đạo đến có khi
Chớ vì sức yếu bỏ đi không làm.

Đáng lẽ đàng này không có điểm danh nhưng Ta cũng thể theo lòng nguyện ước mà có. Có rồi không nên coi đó làm món quà ngon miệng nhứt thời ăn vô là xong mà đây là một món quà thiêng liêng phải được ghi nhớ mãi noi theo đấy mà làm bước tu tiến. Từ nay đến rằm tháng bãy còn có những đàn để giáo hóa chúng sanh tùy theo sức khỏe của Đồng Tử. Bây giờ Đồng Tử yếu điển
Sinh bạch…
Tùy theo phương tiện miễn được việc là xong nhưng phải cố gắng làm sao cho mọi người biết được rõ con đường chánh pháp và hồi hướng với việc tu hành, nghĩa là làm sao phục sinh lòng tu cho mọi người, cái đó công đức không kém phần tu nên thiêng liêng chia nhau đi lại làm sao cho cảm thông chắc chắn dù cho có sự khảo thí cũng vẫn vững lòng, vì đó là một việc làm hữu ích cả chúng sanh.
Thôi đồng yếu Lão chào.

BÀI :46 TU TRONG MỌI LÚC, MỌI NƠI, MỌI VIỆC. CẦN TỈNH TÁO TRONG GIỜ CÔNG PHU
Tịnh Đường. Tý thời, ngày 8-6-Quý Mẹo
28-7-1963. Đại Đạo 38

THI:
Ngô thông pháp nhiệm độ trần gian
Minh đức tân dân tiến một đàn
Chiêu tập nguyên căn quy chánh Đạo
Mừng cho môn đệ được chung hàng

Bần đạo chào chư môn đệ nam nữ. Giờ nay vì sự khẩn cầu của chư môn đệ,
Bần đạo lai đàn để có lời khuyên răn nhắc nhở trên công việc tu hành.

BÀI:
Đường tu phải lắm công phu
Công phu giữ được muôn thu rỡ ràng
Ngồi, nằm, đi, đứng tịnh an
Giữ lòng tươi đượm như lan xuân về
Giờ tu tỉnh táo chớ mê
Nếu mê thần thức chận đè chơn linh
Mỗi người tự thức lấy mình
Thần an khí định Thánh linh tự về
Nếu mà lúc tỉnh hồi mê
Thì là chơn tánh khó bề viên thông
Giữ sao tâm được không không
Tham sân chớ để nó lồng vào trong
Đường tu phải quyết một lòng
Tứ thời gắng giữ cho xong cho tròn
Ngoài ra những sự mất còn
Chớ cho vọng thức nó lòn khuấy ta
Một lòng cầu khuẩn thiết tha
Giữ tâm thanh tịnh để mà tiếp ơn
Nếu mà dễ dãi khinh lờn
Ma lòng dấy loạn linh đơn khó thành
Đạo mầu tinh tiến luyện phanh
Tam niên nhũ bộ ngày thành khó chi
Pháp môn nhớ giữ cho y
Có ngày kết quả khó gì ở đâu
Hễ là thọ nhiệm pháp mầu
Thì là chớ ngại mau lâu ngày thành
Phàm tâm diệt, đạo tâm sanh
Tâm sanh nhờ ở pháp lành được ban
Từ đây thẳng tiến một đàng
Độ mình cứu chúng vẹn toàn cả hai
Dù cho khó nhọc chớ nài
Xây mình dựng đạo chớ sai tất thành

(An tọa)
Tất thành môn đệ giữ cho y
Khó nhọc sao sao cũng chớ ly
Ly mất đạo mầu đời khốn khổ
Dẫu mà thân sống sống làm gì

Nầy chư môn đệ ôi, môn đệ có biết chăng, ta sinh ra cõi đời này không ai mà khỏi mang theo cái nghiệp thức bên mình dù cho những bậc Kim Tiên, La Hán cũng còn phải dày công tu luyện để diệt sạch trần sa vô minh vi tế, mới mong đốn ngộ quả vị chánh đẳng chánh giác là bậc hoàn toàn giác ngộ.
Tu là một sự công phu gạn lọc, khử trược lưu thanh, pháp môn Tận độ của Thầy có nhiều, nhưng dẫu pháp môn nào cũng tùy theo căn cơ của mỗi người mà áp dụng, mà khi đã áp dụng một phương môn nào thích hợp với mình thì cứ theo đó mà trau giồi cho đến ngày thành tựu.
Các Hiền đệ nên hiểu, dù cho pháp môn có hay, nhưng người thực hành còn dở thì pháp môn hay kia cũng hóa ra dở mất, nghĩa là sự tu hành cốt ở tâm thanh tịnh. Pháp môn chẳng qua là phương tiện để dẫn dắt ta đến đó mà thôi. Trong bản thân của mỗi người lẫn lộn cả chơn tâm và vọng tâm cũng như một đám ruộng có cả cỏ và mạ, muốn cho mạ phải lên lúa thì phải làm sao cho cỏ hết đi, nếu còn cỏ thì lúa kia không bao giờ sinh lúa được. Các Hiền đồ tu đây là phương pháp nhổ cỏ đấy.
Cỏ có nhiều thứ, thứ sâu thứ cạn, nếu dùng tay không mà nhổ thì không thể nhổ hết được, mà phải nhờ đến đồ, mà đồ ấy có nhiều thứ, hoặc liềm hoặc cuốc, cũng có thể dùng được cả, nhưng nếu đồ hay mà người làm nhác hay dối trá thì cũng không sao nhổ sạch được đã không sạch được thì cũng khó mong lúa kia tươi tốt được.
Hiện nay người của các Hiền đồ cũng như đám ruộng kia đang làm cỏ lỡ dở, cỏ đó là gì? Là lục căn lục thức và vô minh phiền não, nghiệp chướng oan khiên, những thứ đó nó đã bám chặt nơi người của các Hiền đồ, nó đương lăm le như một lũ rắn độc chực nuốt người, trong đó cái vọng tâm là nguy hiểm nhất, nó đã từng dẫn dắt ta vào con đường tội lỗi, nên trước ngày Phật sắp nhập Niết Bàn có lời trối với chư đệ tử rằng: “Tâm chi khả úy thậm ư độc xà ác thú oán tặc đại hỏa diệm dật ư túc dụ giả”. Cái vọng tâm nguy hiểm đáng ghê sợ như thế, ta nếu không lo diệt trừ thì làm sao chơn như tự tánh phát hiện ra được. Diệt trừ nó bằng cách nào? Không ngoài giới, định, huệ. Giới là một lợi khí để diệt trừ những thứ phiền não vô vọng, định là một thứ lợi khí để diệt trừ những phiền não vi tế, làm được hai phần ấy thì tự tánh được sáng tỏ. Nhưng không thể một mai một chiều mà xong đựợc, phải có một công phu lâu dài bền bỉ nhẫn nhục tinh tấn. Phật ngày xưa phải trải qua trên năm trăm kiếp mới đoạn tuyệt được vô minh phiền não, mà chứng được Niết Bàn. Ở đây có người quan niệm sự tu hành rất dễ dãi, còn mang theo bên mình bao nhiêu nghiệp thức, chưa chịu diệt trừ, mà tưởng như tu hành thế này đã là được rồi, chắc thế nào cũng được thành đạo, nói thế không phải Bần đạo phủ nhận công phu tu tiến của các Hiền đâu! Nói để chư hiền nhận định con đường tu cho được rốt ráo, để được chứng quả vị vô sanh, các định luật chắc chắn không sai người tu hễ còn vô minh phiền não thì còn phải sanh tử luân hồi, nếu Thầy có thương Tận độ cho theo định luật thì các Hiền cũng vẫn còn trong vòng sanh tử, thì cũng chưa trọn vẹn của vị Thiên đình.

PHÚ:
Đạo mầu nhiệm phải dày công mới kiếm tầm ra đặng
Hễ dễ dàng thì ma quỷ có còn đâu
Muốn tận tường Đạo lý cao sâu
Thì phương cứu độ tịnh định luyện châu là trước hết
Giồi luyện mãi mà không thấy mình nhọc mệt
Luyện bao giờ cho diệt hết bợn trần nhơ
Phương tu hành không phải là kể tháng với kể giờ
Tu sao được đến ngày đạt trọn cơ huyền diệu
Cuộc thế tình nào người còn để tâm dang díu
Thì thân này phải chịu chịu lầm than
Muốn về Trời tâm thể phải tịnh an
Noi pháp Đạo để theo đàng tu tiến
Phải siêng năng chớ cho tâm mình lười biếng
Ngày tứ thời tịnh luyện để vận chuyển máy Càn Khôn
Khuyên mọi người chung nhau mà gìn giữ lấy pháp môn
Chớ dễ dãi lơ là để cho ma giành quỷ giựt
Nếu mất rồi thì thân này bị vứt
Phải cam đành chịu khổ bởi nghiệp lực của mình gây
Dầu thở than kêu cứu với Mẹ Thầy
Cái ngày ấy dù có thương cũng khó mà cứu độ
Đời đã khổ, khuyên ai chớ tạo thêm thống khổ.
Mau diệt đi bao thói tệ đương mang nặng bên mình
Hãy xúm xít nhau mà xây dựng mối Đạo huỳnh
Nền chánh pháp dưới trên đồng noi giữ
Lời căn dặn, hỡi ai người sĩ tử
Hễ là người dù cho nam hay nữ cũng phải hết sức chung lo
Cư bạch…
Đã xin keo rồi thì được truyền
Cư bạch…
Phải lập thệ….giữ thủy chung, còn tứ thời hay không thì ít nhất là hai thời.
Cư bạch…
Nước nóng thì tốt hơn nhưng không tuyệt đối.
Cư bạch………..Đạo y.
Giữ như xưa nay.
Cư bạch…
Vì trong lúc còn khảo thí hình thức thờ phượng chỉ dùng Huệ Đăng để định Thần trong giờ tu, còn cúng thì tâm thanh tịnh ở đâu thì Thầy cũng ở đó.
Cư bạch…
Đã nói tâm ở đâu Thầy ở đó
Cư bạch…
Người nào có tâm thì về đây làm lễ cầu nguyện và chỉ vẽ cho họ, rồi về tự tu cũng được, nhưng nếu có thể thì mỗi nơi có sự tổ chức chung để nương nhau mà tu tiến, nếu không tiện thì tùy theo hoàn cảnh mà định liệu, miễn làm sao mọi người được tu hành thì tốt
Sinh bạch….
Mục đích để xây dựng lòng tín ngưỡng thì theo đó mà tổ chức, không gì đáng ngại.
Thôi Bần đạo ban ơn lành cho chư hiền nam nữ nội đàn./.

BÀI :47 TU ĐƯỢC MỘT PHÚT THANH TỊNH CÒN HƠN
CÔNG ĐÚC MỘT ĐỜI LÀM PHƯỚC THẾ GIAN

Chi hội Phước Thiện Đà Nẵng. Ngày 4 -7-Quý Mẹo
22-8-1963. Đại Đạo 38

THI:
Thái hòa xây dựng dễ gì đâu
Bạch hắc phân minh ở đạo mầu
Kim thạch dặn ai tua khá giữ
Tinh tường chánh pháp mới cao sâu.

Bần đạo chào chư Thiên Ân phận sự nội đàn.
Bần đạo đến với chư hiền hôm nay bởi công việc khẩn thiết của cơ Đạo mà chư hiền đã có lòng chung lo, ai nấy cũng ước mong cho nền đạo Trung Hưng duy nhất một tinh thần thương yêu hòa thuận để cho Thánh thể của Thầy được lành mạnh, lành như ngày mà anh em được chung sống trong bầu không khí thái hòa. Chư hiền có biết vì sao mà nền đạo Trung Hưng đến nỗi này chăng?
Có phải do lòng người gây ra hay là do cơ mầu nhiệm của Trời xui nên như thế?
Sách đã nói: Thiên vị sanh ngã hề thiên vi chủ, ký sinh ngã hề tâm vi chủ. Thầy lập ra một sự nghiệp Trung Hưng đã sắm đủ một kho tàng tài liệu, về phương tiện pháp môn tu học để đưa sanh chúng thoát ra ngoài tội lỗi, bước đến Bờ Giác đặng về hiệp một cùng Thầy, sống cảnh an nhàn bất tiêu bất diệt, Thầy ban trao cho một Quyền Pháp để nương theo đấy mà lập công. Cũng như người qua sông nương lấy gậy để dò khúc sâu cạn, khi đã qua rồi thì gậy kia cũng không còn quý nữa. Thế mà có người được gậy rồi thì cứ ôm giữ lấy gậy, mà còn lợi dụng nó để múa men làm cho cơ nghiệp của Thầy trở nên đổ nát.

Đổ nát chừ ta phải dựng xây
Dựng xây huynh đệ để sum vầy
Sum vầy chung sống nền Tân Pháp
Trọn hưởng phước ơn của Mẹ Thầy

Thầy Mẹ bao lần đã nhủ khuyên
Khuyên nhau huynh đệ giữ lời nguyền
Cái cơ chia rẽ là ma quỷ
Ma quỷ làm sao được trọn yên.

Từ ngày Thầy thiết lập cơ đạo tại thế gian này, trải qua nhiều thời kỳ để tận cứu chúng sanh, đã dùng nhiều pháp môn phương tiện, nhưng do tay phàm canh cải, làm thất lạc chơn truyền, nên con đường về với Thầy bị bít không phương thoát tục, nên đạo thì nhiều, tôn giáo hiếm chi nhưng con đường siêu sinh liễu tử bị ngăn ngại nên tu thì nhiều mà đắc ngộ thì ít, cũng như đạo Phật là một tôn giáo rất siêu việt thâm diệu, khả dĩ đưa người siêu phàm nhập Thánh. Nhưng từ ngày Phật tổ truyền ban cho Ca Diếp xuống đến Huệ Năng thì không còn có người đủ căn cơ đức độ để thọ truyền chánh pháp được nữa, nên pháp nhiệm không còn truyền lại mà đã thất lạc chơn truyền rồi thì chúng sinh nương đâu mà tu luyện để thoát vòng sanh tử luân hồi? Vì lòng Từ bi vô lượng của Thầy thương xót đám sanh linh ở cõi trần này đương lăn lóc hụp lặn nơi biển trầm luân mà hạ mình giáng thế dùng pháp môn cơ bút để rao truyền nền Chánh Đạo Kỳ Ba này, nguyện tận cứu chúng sanh, con đường cứu độ của Thầy có nhiều phương tiện, tùy theo trình độ và căn cơ của chúng sinh mà dẫn dắt từ thấp đến cao, cũng như ông Thầy dạy học từ lớp này đến lớp khác. Giữa cõi đời Mạt Kiếp này, loài người đắm say theo đà vật chất, nên Thầy lập Đạo trước nhất dùng thanh âm sắc tướng để tùy theo sự ưa thích của người mà dẫn dắt từ chỗ giả đến chỗ chơn, cũng như cha mẹ dùng bánh kẹo để dỗ cho con đi học, mục đích cũng mong cho con được mau thành đạt, chớ đạo đâu ở nơi thanh sắc mà thành, đó chẳng qua là một thứ giả tạm mà thôi. Cái ngày đạo đã trưởng thành, thì Thầy dùng một con đường chắc thật là cơ Tâm-pháp bí truyền, để cho người nương theo đấy mà tu luyện, cũng như bộ chìa khóa để mở cửa vào Bạch Ngọc Kinh, người nào không có nó thì đành phải chịu đứng ngoài, không cách gì mà vào được. Kẻ Thiên phong chức sắc được ơn Thầy ban trao là để nương theo đấy mà lập công đặng trừ những điều tội lỗi mà tiền kiếp đã tạo gây, chứ có phải lấy đó mà gọi là một thứ quyền tước để rồi đắc đạo đâu. Ngày xưa, Lương Võ Đế lập được bãy mươi hai ngôi chùa và làm không biết bao nhiêu phước đức về việc bố thí cho chúng sanh, khi gặp Đạt Ma hỏi có công đức như thế nào? Đạt Ma trả lời: Không có công đức chi cả. Vì đó là pháp hữu lậu. Mà đã hữu lậu thì chỉ hưởng phước thế gian mà thôi. Còn công đức là cốt ở sự tu tâm luyện tánh. Có tu tâm luyện tánh thì vô minh phiền não căn trần mới dứt sạch, tự tánh mới được tỏ sáng mà hiệp cùng bản thể của Vũ-trụ, đắc thành quả vị Phật Tiên. Chứng minh lời Phật đã dạy cho Tu- Bồ-Đề trong kinh Kim-Cang rằng “ Nếu có chúng sanh lấy của thất bửu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí, so với chúng sanh có người thọ trì tứ cú kệ thì công đức bố thí kia thua công đức này rất nhiều. Cũng như có người đem thân mạng hằng hà sa số kiếp mà bố thí cũng không bằng người tu thanh tịnh”. Một điều chứng minh rất quan hệ, làm cho ta không thể tưởng nghĩ được là lời Phật đã nói: “ Nếu có người công độ được muôn ngàn vạn ức La-Hán, Thinh Văn cũng không bằng người tu giới Đại thừa thanh tịnh trong năm mười phút, vì La Hán, Thinh Văn còn ở bậc Tiểu thừa, mà người đã tu lên bậc Đại thừa của Bồ Tát thì công đức cao lớn vô cùng”. Bởi vậy cho nên Thầy buộc những chức sắc cấp Hội Thánh từ Giáo-hữu trở lên phải tu theo giới Thượng thừa, mà Thượng thừa là giới tu của Bồ Tát trong đạo Phật, mà Bồ Tát là đã dứt sạch vô minh phiền não tham, sân, si, mạn, không còn ngã nhơn chúng sanh thọ giả, thân khẩu ý đã hoàn toàn thanh tịnh, họ đã hằng phát nguyện đem thân để hóa độ tất cả chúng sanh, nếu chúng sinh không thành Phật, thì họ cũng nguyện không thành, luôn luôn giữ được lòng từ bi hỷ xả. Người đứng ra nhận lãnh lấy quyền năng sứ mạng của Thầy, mang danh là chức sắc của Hội Thánh thì phải có đức độ như thế nào? Phải tu giới hạnh làm sao?
Nếu mà còn sân si tật đố, danh lợi thị phi thì có khác nào chúng sanh đâu, mà đã chúng sanh thì làm sao cứu độ được chúng sanh, khác nào kẻ đui dẫn dắt người mù thì làm sao mà sáng được.
Bây giờ chư hiền nơi đây nên bình tĩnh sáng suốt mà nhận xét, người thế nào xứng đáng là bậc Hướng Đạo, là người của Hội Thánh? Cái giá phẩm được ta tôn trọng là ở chỗ nào? Ở nơi quyền tước ư? Ở nơi danh vị ư? Ta nương với pháp đạo để về cùng Thầy hay nương với con người thị phi danh lợi? Ta sợ Thầy hay sợ người thế? Ta nương với người quyền thế có thể về cùng Thầy chăng? Hay là ta nương với Đạo pháp lo tu luyện để cho tâm mình được trong sáng đặng hòa hiệp cùng Thầy? Cái gì nên theo? Cái gì nên bỏ? Con người hiểu được cái Đạo Vô vi thanh tịnh thì dù đem cả vật báu nhiều gấp trăm ngàn thế giới này mà cho mình, bão phải đổi cái Đạo thì cũng không thèm đổi. Vì dù cho của báu có nhiều, nhưng đó là vật hữu lậu, bất quá ta cũng chỉ hưởng được một đời mà thôi, chứ cái Đạo mà ta tu đắc ngộ được, thì ta được toại hưởng đời đời bất sanh bất diệt.
Nếu của thế gian này mà quý thì Đức Thích Ca không lìa ngôi mà bỏ đi tu chịu bao sự khổ hạnh cũng vì lòng Từ bi thương chúng sanh ở trong vòng bát khổ, nguyện tu để thành Phật quả để đủ oai đức cứu độ chúng sanh. Tất Đạt Ta đã hiện thân là Bồ Tát, thấy cảnh sanh, lão, bệnh, tử mà chưa đủ đức độ để cứu, mà phải tu cho đến ngày đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi mới đi độ người, thế mà còn có kẻ toan mưu giết hại Phật.
Bây giờ thân tâm ta còn đen tối quy giới chưa tinh thông mà dám lãnh trách nhiệm cứu thế độ nhân. Ôi! Làm một việc quá trái ngược với đạo lý như thế, khác nào lấy cái tối mà xua đuổi cái tối thì làm sao tối kia hóa ra sáng được. Ngày xưa Đạt Ma đã thành một vị tổ sư, từ Ấn Độ sang Trung Hoa để truyền đạo đã hiện thân Bồ Tát, khi đầu đem đạo pháp truyền bá cho người, người không nghe mà Ngài phải lên núi xây mặt vào vách đá chín năm để cho thật thanh tịnh mà hoàn toàn giác ngộ rồi mới đi độ người.
Bây giờ chư hiền có mặt nơi đây cũng như người ở nhà đã được Thầy ban phong cho một trọng trách, Đầu Họ cũng như chư chức sắc chức việc, một Quyền Pháp thiêng liêng để thay Trời mà dìu độ sanh linh, nếu không tròn sứ mạng thì rất đắc tội cùng Thầy, mà cũng mất phần cứu độ.
Bần đạo đã biết cơ Đạo Trung Hưng phải trải qua cuộc khảo chọn để phân phàm chọn Thánh, nên Lão đã ban trao đạo phục mà gởi gắm tín đồ cho trọn quyền chăn giữ, thì còn ngần ngại gì, lo sợ gì mà không trỗi dậy đem tất cả sức bình sinh ra mà đảm đương trọng nhiệm. Hay chư hiền sợ phàm hơn sợ Lão chăng? Sao không sáng suốt để nhận định lấy công việc Đạo? Hay là lòng còn ham chuộng màu sắc thế gian, quyền hành nhơn sự. Sao chư hiền không nghĩ ta lãnh sứ mạng Thầy để làm gì? Ta tu đây mong được hưởng Quyền Pháp ở thế gian hay là tu mong ngày được về Thầy an vui nơi Bồng Lai Tiên cảnh?
Giữa lúc cơ Đạo Trung Hưng bị tan rã, Quyền Pháp của Hội Thánh không còn linh, Quyền Pháp ấy đã về nơi tay Đầu Họ. Người Đầu Họ đã được Trời ban trọn quyền hành đạo trị đạo, chư hiền gắng tu luyện lấy thân tâm để xứng đáng một người anh trong Họ Đạo. Bây giờ chỉ có con đường tu tâm luyện tánh mới có thể cứu độ được sanh linh giữa cõi đời mạt pháp ma cường. Nhơn sanh chỉ còn đòi hỏi sự cứu vớt cho họ bằng cái đức độ của người chơn tu.
Một người chơn tu đắc đạo có thể gánh vác tai nạn cho một nước hay một xứ sở, không cần phải học nhiều nói giỏi chỉ cần ở người có lòng thanh tịnh một phút cầu nguyện vạn nạn đều tiêu. Ngày xưa các bậc Thánh nhân trị đời không cần phải nói nhiều làm giỏi mà cốt ở thịnh đức mà thôi, nên Lão Tử đã nói “Thánh nhơn xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo” lại nói “thức giả đạo chi họa, ngu chi thỉ” người có học thức cũng là cái họa của đạo, nếu không biết xử dụng cái trí thức, đem trí thức làm lợi khí hay mưu mẹo để lừa gạt người, thì trí thức là đầu của sự ngu dốt. Ngày xưa A Nan tu một lần với Phật, chỉ chuyên lo phần học cho nhiều nhớ cho giỏi, khi Phật thành rồi mà A Nan còn là Thanh Văn, khóc lóc van xin nhờ Phật cứu độ, sau mới được chứng quả La Hán và làm tổ thứ hai, còn Huệ Năng không biết một chữ, khi gặp Ngũ Tổ phải xin ở nhờ với tăng chúng trong chùa, chịu cực khổ, chỉ biết có giã gạo nấu ăn, thời gian không đầy một năm mà được truyền Y-bát, xem như thế đạo không cốt ở người học giỏi nói hay, nếu học giỏi nói hay mà kém phần đạo đức thì hóa ra xảo ngôn lệnh sắc.
Lão nhận thấy một số Đầu Họ và chức sắc chức việc đã có thiện duyên với nền đạo pháp, trải qua một cơn thử thách để phân biệt quặng vàng, mà đã là quặng thì cũng khó mà thành vàng, mà đã là vàng thì cũng không bao giờ thành quặng được. Hễ người mà có thiện duyên với chánh pháp thì dù sớm hay muộn cũng được đắc truyền, không có thiện duyên thì không bao giờ nghe được lời nói của chánh pháp. Đã nghe được lời nói của chánh pháp phát tâm ưa muốn thì đã được một phần nữa của công việc đắc đạo rồi đó. Còn người kích bác nền Đạo pháp bậc chơn tu, tuy là người nhưng lòng họ đã là ma quỉ rồi đó. Vì người ấy họ tuy là người nhưng họ sống bằng vọng tâm bát thức, cái chơn tâm tự tánh của họ đã cạn rồi, bị bao lớp vô minh phiền não che kín, ta nên thương hại cho họ mà không nên ghét.
Cái công đức độ được một người tu thượng thừa bằng độ vạn ức người tu nhơn đạo, một phút thanh tịnh hơn một kiếp làm phước thế gian. Đó là những bí quyết để cho chư hiền noi theo mà hành đạo sao cho trúng với con đường Đạo pháp để khỏi sai lầm.
Bây giờ chư hiền nương theo mối dây Đạo pháp mà tu hành để dẫn dắt cho chúng sanh dưới Quyền Pháp của mình, cùng theo một mạch sống. Được như thế thì công đức vô lượng vô biên, không vì một quyền tước hữu lậu mà lãng xao công việc tu hành là con đường tận cứu.

THI:
Đường tận cứu Thầy Trời đã mở
Chư Thiên Ân khuyên chớ lơ là
Đạo mầu thanh tịnh mà ra
Đạo mầu ở chỗ bỏ ta ra ngoài
Đạo không ở hẹp hòi bỏn sẻn
Đạo là tâm yên lặng thanh cao
Đạo mầu khuyên chớ lãng xao
Lãng xao ma quỹ lọt vào chẳng chơi
Người mến đạo thì đời xa lánh
Nẻo lợi danh phải tránh chớ gần
Gần người giả nghĩa giả nhân
Thì là đạo đức tinh thần kém suy
Kém suy rồi thân nguy tâm khổ
Mối đạo mầu không chỗ dựa nương
Về Trời ta tự dắt đường
Thì rồi muôn kiếp tai ương khổ nàn
Chư hiền đã được ban ân tứ
Thì Pháp Quyền phải xử cho xong
Công danh thế sự đừng mong
Chỉ mong Đạo pháp ở lòng mình thôi
Đạo pháp lo trau giồi luyện tập
Phải lần phăng từ thấp đến cao
Dù cho khảo đảo không nao
Quyết tâm vì Đạo ta nào sợ chi
Hễ người còn thị phi giành giựt
Thì ta đây nỗ lực tu hành
Hễ người đố kỵ ghét ganh
Thì ta giữ một chữ thành quyết tu
Hằng ngày giữ công phu được trọn
Thì lo gì không đón hồng ân
Lòng còn nghi ngại phân vân
Thì là Trời Phật Thánh Thần lánh xa
Phật lánh xa thì ma quỷ đáo
Dẫn dắt người nghiệp báo càng tăng
Đến ngày ta biết ăn năn
Thân này đã chịu nặng oằn trầm luân
Chư hiền được vui mừng gặp hội
Dây hồng ân được nối từ đây
Bây giờ ta phải chung xây
Xây nền đạo pháp hiệp vầy thiện duyên
Thiệt là một vô biên ân đức
Chư hiền lo tận lực tiến tinh
Trước lo tu luyện lấy mình
Sau lo cứu độ quần linh mới là
Đồng dẫn nhau về Cha một thể
Chớ trù trừ chậm trễ cơ duyên
Phải gần những bậc đức hiền
Tách xa những kẻ gieo duyên không lành
Đạo cốt ở chữ thành chữ tín
Tín thành rồi vật kín được trao
Trao rồi phước quả dồi dào
Của kia thế giới sánh sao cho bằng
Được Đạo rồi giáng thăng chi khó
Xuất Thần thông muôn ngõ vào ra
Lánh nơi thế trược Ta-bà
Ngao du Thiên quốc chung hòa chơn không
Từ đây phải tình nồng xây dựng
Nơi Tịnh Đường, tùy thuận chung lo
Trên anh hát dưới em hò
Hòa chung một điệu nhỏ to cho đều.

Về công việc hội họp hiện nay ai cũng muốn đi đến chỗ hòa, nhưng hòa được là một việc rất khó, khó bởi lòng ham danh chuộng lợi, ham quyền đoạt vị, ngã tướng dẫy đầy, mạn căn chồng chất, khi mà tam độc tham sân si nổi lên thì Đạo lý đâu còn nữa, chỉ mong chư hiền nơi đây cố gắng giữ lấy thái độ quân tử bình tỉnh trước mọi vệc xảy ra. Hiệp hay không là do Thầy, chớ lòng ta luôn luôn giữ thanh tịnh, thanh tịnh không phải là làm thinh không nói, mà nói đúng với lẽ Đạo, với công bình, nếu hiệp không được thì ta cùng nhau chung lưng sát cánh, sống trong dây Đạo pháp nhờ sự tu hành, có ngày rồi sẽ cảm hóa.
Hội Thánh yếu hèn thì nhơn sanh phải giác ngộ. Mà người làm đầu nhơn sinh là Đầu Họ và chức sắc ở Thánh thất, nếu Đầu Họ và chức sắc một lòng lo chung xây nền đạo pháp tâm truyền và công truyền đi đôi, theo tôn chỉ và mục đích của đạo Thầy mà hướng dẫn cho nhân sinh, thì công việc cải tạo Hội Thánh rất dễ một tiếng nói của Đầu Họ nếu đúng đạo pháp cũng là một tác động rất lớn.
Từ nay ta hãy tự lập tự cường để xây dựng cơ đạo, không nên ỷ y vào một thế lực nào mà phải học theo lời của Mạnh Tử đã dạy: “Cư thiên hạ chi quản cư, lập thiên hạ chi chính vị, hành thiên hạ chi Đại Đạo, đắc chí giữ dân do chi, bất đắc chí độc hành kỳ đạo, phú quý bất năng dâm, bần cùng bất năng di, oai vũ bất năng khuất, thi vị đại trượng phu”.
Đây ta đã đắc đạo nên phải giữ dân do chi .
Mọi việc theo sự chỉ dạy của Lão mà làm theo. Còn công việc bên ngoài sự tranh dành quyền thế là lẽ thường. Hễ cá ăn kiến rồi kiến ăn cá, nhân quả trả vay, vay trả không sao nói hết được, ta chỉ lo phần ta cho xong không cần bận lòng cho lắm.
Cư bạch…..............
Nếu Đồng Tử khỏe thì ta cho phép lập đàn để chỉ dạy, thôi công việc tạm yên.
Chào chư Thiên Ân phận sự!
Khi nào có mặt đủ các Đầu Họ ta sẽ điểm danh.

BÀI : 48 CUNG CÁCH ĂN, Ở, MẶC, TU, HỌC, LÀM VIỆC CỦA NGUỜI TU
Tịnh Đường. Tý thời, ngày 8-7-Quí Mẹo
26-8-1963. Đại Đạo 38

THI
Quan Âm Bồ Tát đáo đàn trung.
Mừng chúc chư nhu được hiệp phùng.
Cúc nở lan đơm hương bát ngát
Chan hòa nhịp sống sống ân chung.

Bần đạo chào chư hiền thiên ân phận sự và chư sĩ nữ!
Giờ này Bần đạo đến đây để tỏ bày với chư hiền một vài câu chuyện đạo lý. Cho phép an tọa thanh tịnh nghe chuyện đạo,
Nói đến đạo lý thì ai cũng có thể thông hiểu được cái ý nghĩa của nó, không nhiều thì ít, nhưng về phần thực hành được cái đạo thâm vi mầu nhiệm để được chứng ngộ thì rất hiếm.
Từ xưa đến nay các tôn giáo ra đời tùy theo hoàn cảnh trình độ và phong tục ở mỗi địa phương mà bày ra pháp môn phương tiện để cứu độ, các vị giáo chủ đã trải qua một đời lúc hiện hồi ẩn, lúc tiến hồi thối, chiều đời dễ độ đời, tùy chúng mà cứu chúng, như đạo Nho kể các bậc Thánh thì có rất nhiều, về phần sở hành của mỗi người cũng không giống nhau, như Y Doãn thì không câu nệ cố chấp “Hà sự phi quân, hà sử phi dân, trị diệt tấn loạn diệt tấn, Bá Di phi kỳ quân bất sự, phi kỳ dân bất sử”, mỗi người việc làm có khác nhưng cũng được người đời tôn sùng là bậc Thánh, nhưng các bậc Thánh kia cũng chỉ được một phần của Thánh nhân mà thôi, chỉ có bậc Thánh trọn vẹn được mọi người noi theo, mà làm gương sáng muôn đời bất hủ là Thánh Khổng Tử, khả dĩ sở tắc sĩ, khả dĩ chỉ tắc chỉ…. Bậc Thánh tùy thời, thời đáng tiến thì tiến, thời đáng nghỉ thì nghỉ, lúc tiến hồi nghỉ, dù tiến hay thối cũng không làm mất cái chánh đạo, ở trong bộ Kinh Dịch quan hệ nhứt là chữ thời, người đứng ra nhận lãnh lấy trách nhiệm cứu thế độ nhân phải biết noi theo chữ thời của Thánh nhân mà làm thì mọi việc được thành công, không biết noi theo thì mọi việc sẽ bị thất bại. Chư hiền ở nơi đây đang đứng trước một hoàn cảnh rất khó của cơ đạo, giữa lúc bị khảo đảo nặng nề, muốn cứu độ chúng sanh thì cũng phải noi theo gương sáng của Thánh nhân mà bắt chước, không nên cố chấp câu nệ mà phải học theo việc làm của vua Thuấn đời xưa mà Đức Khổng Tử thường ca tụng. Thuấn kỳ đại trí dã dư, Thuấn háo vấn nhi háo sát nhĩ ngôn, ẩn ác dương thiện, chấp kỳ lưỡng đoan nhi dụng kỳ trung ư dân, nghĩa là giữa lúc cơ đạo kẻ ưng cách này người ưng cách khác, kẻ chạy theo vật chất, người mến chuộng tinh thần, muốn cứu độ ta phải tìm cách dung hòa cả hai tùy theo trình độ mà hướng dẫn cho họ, cùng theo đường đạo pháp, không nên bỏ một người nào, cũng như một lớp học kẻ thấp thì bài thấp, kẻ cao thì bài cao, nếu ta chuộng những người hay kẻ giỏi thì kẻ dở ai dắt dìu, như thế con đường tận độ của Thầy làm sao thực hiện được. Vì chúng sanh giai hữu Phật tánh, dù cho côn trùng thảo mộc nhỏ nhít đến đâu cũng có một phần thiên tánh. Từ nay chư hiền mở cửa đón tiếp tất cả và hướng dẫn cho tất cả ai nấy cũng được sống chung trong vòng đạo pháp, thí dụ như công việc tịnh tu của đạo đồ Thánh thất Trung Thành, bắt đầu từ chức sắc chức việc và đạo hữu tu học Thượng thừa rồi đến người thập trai trở lên có luyện châu thì cũng phải có khóa tu tịnh cho họ, nghĩa là không bỏ sót một người nào, nhưng tùy hoàn cảnh và trình độ ít hay nhiều ngày mà thôi, nam cũng như nữ, được như thế thì bão sao cơ đạo không chấn hưng, một Thánh thất như vậy đến trăm ngàn Thánh thất cũng như vậy thì cơ đạo lo gì không tiến, những người nào không tu tự nhiên họ sẽ lo sợ mà phải tự tiến.
Chư hiền muốn cho công cuộc Trung Hưng chánh pháp được thị hiện thì về phần tổ chức ở nơi đây từ hình thức đến tinh thần phải được lưu ý.
Về tinh thần các Hiền phải gương mẫu đủ mọi mặt.
Về hình thức phải được trang nghiêm trật tự, người ta bước chân đến nơi trông thấy quang cảnh tự nhiên lòng người xúc cảm về việc tu hành là ở chỗ trang nghiêm thanh tịnh, nếu thấy nơi ăn chỗ ở của ta ngổn ngang lộn xộn cũng làm cho họ thiếu phần cung kỉnh hóa ra khinh lờn mà chễnh mãn lòng tu, nên ngày xưa Phật thuyết Kinh Di Đà ca tụng cảnh Cực-lạc, nói cảch ấy toàn bằng lưu ly, mã não, xích châu, người ở cảnh ấy hoàn toàn sung sướng để cho chúng sinh ham thích mà quyết chí trên bước tu hành. Duy Ma Cật nói ở cảnh Phật Tích Hương tất cả chúng sanh ở cảnh ấy toàn hưởng mùi hương mà sống để cho sanh chúng ở cõi Ta-bà này thêm phần ham mộ mà tiến bước trên sự tu hành, cũng là một phương tận độ.
Lâu nay chư hiền đã mang tiếng là kẻ chán đời tiêu cực, thiếu óc khoa học thực tế chỉ có lo tịnh mà thôi, nếu họ lấy chỗ này mà chỉ chứng thì cũng thực tế lắm. Ta bước chân đến nơi tu hành của các tăng ni thì ta thấy được cái cảnh tu hành của họ nó trang nghiêm trật tự làm sao, có như thế thì mới tượng trưng được pháp đạo.
Cảnh tu hành là cảnh Tiên tại thế để cho mọi người trông thấy ưa thích mà ham mộ sự tu hành, đó cũng là một phương pháp cứu độ vậy, không nên bắt chước những người chán đời ẩn sĩ mà làm sai lệch con đường đạo pháp của Thầy, nếu nơi đây không có sự sắp đặt thì nó sẽ đi đến chỗ hỗn loạn làm cho mọi người không còn kính trọng nữa. Về việc họp với chức sắc đền Thánh thì chư hiền theo Thánh ý đã dạy năm trước mà làm theo, nghĩa là phải cố gắng đi đến chỗ hòa, nhưng không cho lu mờ chánh pháp.
Hôm nay cũng do sự khẩn cầu của chư hiền nữ mà Bần đạo lai đàn để lời nhủ khuyên nhắc nhở. Chư hiền đã có căn duyên được sống trong vòng đạo pháp để cho con đường giải thoát của mình được trọn vẹn, đó là một Ơn Phước chư hiền đã được mà mọi người chưa có, bây giờ chư hiền đã có rồi phải tính làm sao cho mọi người cũng có được như mình, không lẽ chỉ có một số chị em như thế này thì làm sao thực hiện được sự tận cứu của Thầy Mẹ, nhưng muốn độ tha trước phải lo tu kỷ. Bây giờ chư hiền tự nhận xét lấy mình trên con đường tu học đã xứng đáng là người tu sĩ chưa? Có thể làm khuôn cho mọi người được không?
Giữa lúc cơ đạo bị khảo thí để chọn lọc thì chư hiền nơi đây cũng tạm gọi là người được chọn hay là kẻ thi được trúng, chư hiền đã hưởng ứng theo sự tu hành, chị em lớn nhỏ từ Phước Huệ Đàn kéo nhau về đây, không phải ở trong một Quyền Pháp hay luật lệ gì mà chỉ sống chung nhau bằng tình thương yêu, đã gọi là tình thương yêu thì trên phải thương dưới như Mẹ thương con, như chị thương em, dưới đối với trên có cái tình thương, cái tình thương làm sao thực hiện như con thương mẹ, em thương chị, được như thế thì sống chung trong một gia đình vui sướng biết chừng nào, em có lỗi chị rầy mà em không giận, con sai mẹ đánh mà con không hờn.
Tại sao? Vì đã thương nhau bằng mối tình thiêng liêng. Mẹ rầy con vì thương mà có, chị dạy em vì muốn mà nên. Bây giờ cần thiết có những việc như ăn, ở, mặc, tu, học, làm.
Ăn thì không phải cho ngon miệng mà cốt ở khỏe lòng, phải tập gương khổ hạnh nhưng phải quý trọng sức khỏe, vì thân có khỏe thì tinh thần mới mạnh, tinh thần mạnh thì sự tu học mới đắc thành.
Ở không có ý ham chuộng nhà cao cửa rộng mà cốt có trật tự vệ sinh, ngày xưa bốn mươi chín năm Phật đều ở nơi gốc cây nhà cỏ, mà tăng chúng theo hằng hà.
Mặc cốt chỉ che thân, người tu nếu còn ưa mặc đẹp thì đã bị căn trần làm chủ rồi, mà căn trần đã làm chủ thì ta phải làm nô lệ nó, làm sao mong ngày thoát ra khỏi nó mà chứng vị Phật Tiên, nên ngày xưa Đức Phật tự mình mặc áo vá trăm tấm, đi chân không, nằm ở gốc cây, một là để làm gương cho mọi người, hai là để diệt cái vọng tâm bát thức. Cái gương ấy đã được hàng tăng ni Phật tử làm theo như hiện nay. Chư hiền-sĩ đã thấy, so họ với mình như thế nào? Bây giờ chư hiền nữ nơi đây phải nên chỉnh đốn cách mặc để sao cho ra người tu giải thoát, nghĩa là tuyệt đối từ nay không được may sắm đồ hàng lụa mà phải bằng vải dày, phải may theo kiểu cách thế nào mà không bộc lộ cái thân thể cho người thấy, áo cụt thì may như kiểu người xưa hoặc gài nút một bên càng tốt, còn áo dài thì nên may theo lối cổ tràng để đi ra có sự phân biệt ( kiểu áo bạch y thì dùng những trường hợp quan trọng ), một điều là chị em còn phải sinh hoạt ở nơi đây thì tùy tiện, nhưng đi ra thì phải giữ phong thái của người tu. Người còn mua bán thì cũng châm chế, những đồ hàng lụa hiện có nên dùng những trường hợp trong nhà, có như thế thì mới ra vẻ người tu, nếu không có sự chỉnh đốn để cho chị em đua theo phong trào vật chất thì có khác nào kẻ thế gian đâu, các kiểu mặc do chư hiền nam phái giúp đỡ, tùy hoàn cảnh mà châm chước
Tu: chư hiền theo đường lối chỉ dẫn lâu nay tứ thời gìn giữ, theo trình độ tu tiến mà thay đổi, tùy theo Liên Hoa và Cư liệu định xin Ngô Tôn Sư cho phép.
Cư bạch…
Được như thế cũng đã tiến bộ
Cư bạch…
Phải. Nhưng có sự kiểm soát chung để khỏi sái. Về nữ phái Trung Thành do Yến và Đơn và người hộ trì nữ phái chỉ dẫn, còn nơi đây thì do sự góp ý của nam phái, Yến chỉ dẫn.
Nếu tu Tâm Châu mà trọn vẹn thì cũng đủ về cùng Thầy. Vì Đạo cốt ở tâm thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh thì hiệp một cùng Trời, một điều nên tránh là phải luôn luôn giữ hơi thở theo châu thiên mà vận chuyển cho đều, không nên ngưng nghĩ mà xảy ra bệnh đứng tim, giờ tu chư hiền nữ còn bị những phiền não như hôn trầm não loạn, hôn trầm thì chơn thần bị mê, hễ mê thì sự tu không kết quả, bị nghiệp thức dấy lên, không thể phát huệ được, nếu người nào hôn trầm thì tụng Kinh Cứu Khổ cho nhiều và mỗi khi buồn ngủ thì nên quán vui vẻ trong năm phút, còn người bị tán loạn thì nên quán hơi thở nghĩa là theo hơi thở ra vào mà quán xét, hoặc theo câu danh hiệu mà tưởng giữ khỏi hai điều ấy thì sự tu mới kết quả.
Học: Thì theo chương trình cũ mà tiến hành, học triết lý Phật để thấy được căn bệnh, đối chiếu sữa chữa mà tu hành, học Nho để hiểu thông việc đời lẽ đạo, học Thánh giáo để theo lời dạy mà giữ mình. Học không phải để cho văn hay chữ tốt mà cốt ở chỗ sửa mình, sửa mình sao cho xứng đáng là tu sĩ. Chị em còn nhiều tánh tình cần phải sửa đổi nhờ ở sự học, mỗi người tự tìm lấy mà sửa mình. Bây giờ đa số chị em đã chạy theo đường vật chất thì ta phải cố gắng khắc phục lấy thân tâm không nên bắt chước.
Cư bạch…
Về phần Đầu Họ đợt đầu cũng chỉ làm để cầu sám hối mà thôi, còn phải nhiều đợt tu sửa, mới mong đoạn cắt được phiền não vô minh, cũng tùy theo nguyện lực mà tu tiến. Phật còn phải tu nhiều kiếp mới thành.
Còn khóa tu của chức sắc về sự tổ chức không nghiêm nên một số người khi lờn mà phạm tội, nhưng đa số cũng đã thọ được hồng ân.
Làm: Cũng tùy theo công việc đã có nhưng khéo sắp đặt, giờ làm giờ nghĩ cho có trình độ. Việc làm một ngày không nên làm một chặp, việc làm một chặp không nên để một ngày, sự thành cốt ở mỗi người đều hào hứng vui vẻ và chăm lo có tinh thần trách nhiệm.
Mọi việc cần phải dạy nhiều. Vì đồng yếu…..
Cư bạch….
Vì Đồng Tử yếu, tùy sức Đồng Tử mà quyết định.
Bần đạo ban ơn chung. Bần đạo thăng.

BÀI: 49 BỀN TÂM TU LUYỆN RÕ ĐẠO CAO.
Tịnh Đường. Tý thời, ngày 14-7- Quý Mẹo
1-9-1963. Đại Đạo 38

THI
Cao sơn hứng cảnh khỏe thanh nhàn.
Đài các mà chi buộc trái oan.
Tiên cảnh ngàn năm xuân chẳng đổi.
Ông Ngô Minh Chiếu rước qua thoàn.

Gây nên Tiên vị cực lòng Cha
Hữu phước hữu duyên mới gặp Già
Phải biết lo tu đền đáp nghĩa.
Nghĩa nhơn trọn vẹn mới là Ta.

Thiên địa tuần hoàn trẻ nhớ cho.
Hữu duyên hữu phước bước lên đò.
Đò Tiên đưa đến Bồng Lai cảnh.
Cảnh tịnh ngàn đời mặc hưởng cho.

Bồng Lai nhược thủy dễ gì qua.
Chẳng đặng hồng ân phép của Cha.
Một kiếp có tu hồng phước hưởng
Làm sao thoát khỏi cảnh ta bà.

Tiền khai Thầy đã dặn dò con
Quy giới gìn y, chớ để mòn.
Tiết tháo, chuẩn thằng đừng xê xích
Thì Thầy vui dạ nhớ nghe con.

Học đạo Ngô Ông phải kiệt hào.
Nhứt tâm chịu khổ chẳng hề xao
Quả xưa vẹn trả về ngôi báu.
Một kiếp dãi dầu hưởng phước cao.

Phước cao cộng hưởng dễ gì con.
Đức tánh đạo tâm hiếu nghĩa tròn
Hạnh nết công phu cùng tứ đức
Trau tâm thanh tịnh tợ trăng rằm.

Tu hành có khổ mới thành công
Thầy dạy các con nhớ để lòng.
Có chí thượng thừa công của lập
Ngày quy vui hưởng cảnh Non Bồng

Non bồng cảnh lạc của Thần Tiên
Cực- Lạc tiêu diêu chẳng của tiền
Đức trọng là nguồn công thưởng phạt
Tu hành luyện tập các con siêng

Bền tâm tu luyện rõ Đạo Cao
Công đức thiểu đa có trước sau
Nhứt luật siêng cần Thầy tế độ
Lần hồi lớn nhỏ cũng y nhau

Thôi Thầy ban ơn các con . Thầy thăng.

BÀI :50 TU HÀNH TÂM CHÍ VỮNG BỀN, CHỊU BAO GIAN KHỔ MỚI NÊN THÁNH HIỀN.
Tịnh Đường. Tý thời, ngày 23-7-Quí Mẹo
10-9-1963. Đại Đạo 38.

THI:
Đông độ muốn về có khó chi.
Phương châm tu luyện phải làm y.
Lão truyền chánh pháp mong bền giữ.
Tổ khiếu khai thông đắc ngộ quy.

Bần đạo chào chư thiên ân phận sự và toàn thể chư tịnh viên!
Hôm nay vì thiên khí bất hòa, đồng tử yếu điển nên điển quangg khó ngự. Bần đạo cũng gắng gượng để tỏ bày một vài công việc đạo.
Cơ đạo nhằm thời khảo thí rất tinh vi để chọn lọc những người hữu căn cùng người kém đức, cơ khảo hạch nếu người nào không có sự nhận xét cho tinh tế thì cũng dễ lọt ra ngoài pháp đạo, mà đã ra ngoài vòng pháp đạo của ma quỷ, khó có ngày mà trở lại với bản lai tự tánh của mình được, hễ đã theo con đường tài danh sắc tướng, chìu theo vọng tâm bát thức nó cứ dẫn dắt mãi, làm cho con người say mê đắm đuối mà không hề biết, thì đến khi ma tử thần gọi thì mới ô hô một kiếp phù sinh giả dối, không có gì làm chắc thật rồi phải mãi miết trong vòng sanh tử luân hồi khó mà kiếm lại cái ngày hôm nay được nữa. Chư hiền nơi đây đã có duyên phước nên mới đắc ngộ trên con đường đạo pháp, có sự
điều độ của các bậc đàn anh. Này chư hiền ôi! Tu đạo để đắc được đạo thật là rất khó, nhưng kiếm đạo cũng không phải để đâu. Bây giờ các hiền đã bước chân vào con đường tu tâm dưỡng tánh phải cố gắng, cố gắng rất nhiều mới mong đến ngày thành công đắc quả, bước đầu phải lấy sự sám hối làm gốc, sám hối như thế nào? Bao nhiêu những tội lỗi từ vô thỉ đến nay không sao xiết kể, dù cho những bậc nguyên căn xuống trần mà bị cảm nhiễm vô minh phiền não căn trần lôi cuốn thì cũng làm cho chơn như tự tánh bị đen tối thì cũng phải đọa huống gì chúng sanh, cái nghiệp thức nó đã bám chặt vào như mảnh gương bị bụi đóng. Bây giờ muốn cho được tỏ sáng, phải dày công cạo rửa không thể tự lấy sức mình mà được, mà phải nhờ oai lực của Thầy và các Đấng thiêng liêng gia hộ, nhưng điều cốt yếu là ở lòng thanh tịnh chí thành biết ăn năn cải hối, sám hối nghĩa là mỗi người tự bình tĩnh suy gẫm nhận xét lỗi lầm của mình bằng tam nghiệp thân khẩu ý. Thân đã tạo ra những tội gì, khẩu đã tạo ra những tội gì, ý đã tạo ra những tội gì? Ai nấy cũng phải bình tâm xét lại những điều nào trước kia đã gây ra đều lầm lỗi từ ngày gặp đạo tu hành đến nay đã bỏ rồi dù cho tội nặng như tứ trọng ngũ nghịch cũng được Thầy tha thứ, những tội lỗi gì còn ở trong người thì chư hiền phải nguyện từ nay chừa bỏ không còn phạm đến nữa, ví dụ như: người nào có bệnh tham trước kia hay trộm cắp của người ngày nay chừa bỏ không còn phạm nữa, tâm ăn năn sám hối nguyện lập công thì tội kia được dứt, cũng như người trước kia có bệnh sân đã gây ra nhiều tội lỗi, cái loại phiền não này nó rất tai hại làm cho người phải chịu không biết bao nhiêu là tội lỗi, nào giết người giết vật mỗi một lần giận nổi lên nó đốt cháy hết cả công đức một đời, nhưng người tu hành biết giác ngộ và ăn năn sám hối lỗi xưa, không còn có nữa thì tội trước cũng được xóa trừ, một điều Lão không nhắc chư hiền được rõ, cái loại phiền não căn bản ai cũng coi thường mà không để ý đến là ngã mạn loại phiền não này nó đã ăn sâu vào từ tìm thức của con người nó đã tạo ra giống sanh tử luân hồi, mà không ai hay biết.
Ngày xưa các bậc Thánh Tổ thường răn dạy cho các đệ tử về loại này, trước khi nhận làm đệ tử đều có thử thách bằng đủ cách, hễ người nào có căn mới nhận làm đệ tử còn người nào ngã mạn thì phải mất đạo xa Thầy, người học đạo dù ở nhà là anh em nhưng đến Tịnh Đường, thì phải coi là sư đệ, loại phiền não này thường hay nương ở người có chút ít học thức, cho nên người học đạo phải xa lìa những trí thức tầm thường, thì con đường tu hành mới mong tu tiến, người nào còn mang theo tức là tạo chỗ ở cho phiền não ngã mạn, mà đã ngã mạn thì không chịu hạ mình suy tìm học hỏi, thì làm sao tỏ ngộ được pháp mãi cứ hiu hiu tự đắc rồi suốt đời chỉ làm một tăng thượng mà thôi. Người tu mà không diệt sạch các loại phiền não tham, sân, si, mạn thì khó mà mong ngày đắc đạo được, nên từ nay chư hiền phải suy xét mỗi người của mình ai còn có một thứ trong người thì phải nguyện sám hối mà chừa bỏ đi, nếu công việc sám hối được hoàn thành thì đường tu đã kết quả được một phần nữa rồi vậy, nên đợt này lấy sự sám hối làm căn bản, sám hối được kết quả hay không cũng nhờ ở phương môn tu học. Vậy đợt này cũng y như đợt trước không gì thay đổi, nhưng về phần tổ chức được chặt chẽ hơn nghĩa là không cho một người nào vấp phạm kỹ luật, nếu để một người bị phạm không những người ấy bị truất hồng ân mà toàn thể đều chịu thiệt.

BÀI:
Phước trời đến phải lo gìn giữ
Để mất rồi sanh tử trầm luân
Được rồi ai nấy vui mừng
Vui mừng gìn giữ chớ đừng kiêu căng
Mỗi người đều ăn năn sám hối
Nguyện dứt chừa tội lỗi đã gây
Muốn nên nương ở bạn Thầy
Bạn Thầy dẫn dắt dựng xây y hành
Khuyên năng giữ tịnh thanh lòng Đạo
Chớ để cho nghiệp báo dấy lên
Tu hành tâm chí vững bền
Chịu bao gian khổ mới nên Thánh Hiền
Người nào còn đảo điên nơi dạ
Thì làm sao món lạ được ban
Được ban lòng phải tịnh an
Tịnh an muôn pháp ngập tràn khó chi
Từ đây phải nghĩ suy cho thấu
Bao lỗi lầm chớ giấu chớ che
Có công có quả đừng khoe
Giữ tâm vô trụ mà đè vô minh
Ai ai cũng giữ mình thanh tịnh
Thì đường Trời nhứt định được lên
Được lên trước phải xây nền
Xây nền Đạo pháp vững bền nơi tâm
Đạo cốt ở huyên thâm tịch diệt
Đạo ở người tha thiết giồi trau
Tu hành chẳng luận lâu mau
Có duyên giác ngộ trước sau chung đường
Đạo chẳng luận kẻ ương người giỏi
Đạo chẳng cầu học hỏi nhiều năm
Đạo mầu như thể trăng rằm
Mây không che áng xa xăm tỏ ngời
Từ đây phải chiều mơi gìn giữ
Giữ bao ngày thách thử đừng xiêu
Xiêu thì phải phạm thiên điều
Phạm lời hồng thệ phải tiêu linh hồn
Nơi A-Tỳ vùi chôn muôn kiếp
Khó có ngày dứt nghiệp trầm luân
Dễ gì có được cảnh mừng
Mừng ngày gặp hội Trung Hưng đạo thành.

Cư bạch…Xin Nguyễn Thành Chất nhập tịnh.
Đáng lẽ không nên dự ở khóa này nhưng vì lòng sở nguyện tha thiết nên Thầy cũng từ bi thể theo lòng sở cầu mà cho phép được dự khóa, con đường tu tùy theo căn quả của mỗi người mà ơn trên bố hóa. Thôi đồng yếu điển.
Sinh bạch…
Những Thất như Trung An, Trung Hòa nên tìm người liên lạc thì tốt hơn.
Trung Kiên…được Thôi Lão chào chư liệt vị.

Trở Lại Mục Lục - Tập Kế Tiếp