太   乙  金  花  棕  止 

                     

 Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ       

Lã Ðồng Tân

Chương năm ; Hồi Quang Sai Lệch

Tổ Sư nói :
Công phu tĩnh tọa của các vị giờ đã dần dần thành thục.
Có điều, như tục ngữ nói : "Càng gần thắng lợi càng nhiều gian lao".
Vì vậy tôi muốn trình bày rõ thêm một chút.
Những điều trình bày ở đây, làm rồi sẽ biết (l) nhưng giờ đây tôi muốn trình bày tỉ mỉ trước với các vị.
Công pháp của Ðạo gia chúng tôi có khác trong Thiền học (2).
Ðó là tập bước nào có sự chứng nghiệm của bước đó.
Xin phép các vị cho tôi trình bày chỗ sai lệch trong tập luyện trước , rồi sau trình bày đến sự chứng nghiệm.
Khi chuẩn bị thực hành công pháp "Tông chỉ" , trước hết nên chuẩn bị sẳn sàng , không nên quá lo lắng , làm cho tâm thần xáo trộn , hãy làm cho hơi thở êm nhẹ , tâm thần thanh thản , sau đó mới ngồi tĩnh tọa.
Khi nhập tĩnh , chính là phải đắc cơ đắc khiếu , không nên ngồi cứng nhắc như khúc gỗ.
Lúc gạt bỏ hết mọi cảm giác , suy tư , tâm thần vẫn tỉnh táo như thường ngày , nhưng không nên gạt bỏ mọi tạp niệm một cách hấp tấp , vội vàng , như thế e thái quá.
Trong trạng thái thức nhưng không mơ màng , ta bình thản gạt bõ mọi tạp niệm ;

song lại không được phóng túng để sa vào uẩn giới.
Uẩn giới ở đây là chỉ hoạt động của năm loại âm ma : sắc (hình tượng), thụ (cảm giác), tường (ý tưởng), hạnh (ý chí), thức (ý thức).
Có nhiều người học Ðạo , khi nhập định thường nặng về gò ép, cứng nhắc , mà ít mang sinh khí mùa xuân , như thế không tránh khỏi rơi vào âm giới.
Khí của họ thì giá lạnh , hơi thở của họ thì trầm , lại còn mang nhiều sắc thái suy kiệt.
Nếu cứ tu luyện theo cách đó thì lâu ngày sẽ trở thành gỗ đá.
Cần phải gạt bỏ cái cảnh tượng giá băng chết chóc đó , nhưng lại cũng không được để tư tưởng phân tán lung tung.
Nếu như khi ngồi tĩnh tọa , mọi ý nghĩ cứ tùy tiện ra vào , rất khó gạt bỏ , nếu cứ theo đuổi những ý nghĩ đó thì rất có thể "cảm thấy dễ chịu , trường hợp này người ta gọi là "chủ động đem thân làm nô lệ".
Cứ tu luyện theo cách đó lâu ngày không tránh khỏi rơi vào sắc dục giới.
Nếu như may mắn thì vẫn còn là người , còn nếu chẳng may thì trở thành động vật có vú , như Hồ Tiên (a) chẳng hạn.
Họ tuy ở danh sơn , cũng có thể được gọi là hưỡng phúc.
Suốt ba bốn trăm năm họ tận hưởng trăng sao , trái ngọt , hoa thơm , cỏ lạ , tuổi thọ có khi kéo dài hàng mấy nghìn năm .
Nhưng rốt cuộc vẫn không tránh khỏi sa vào vòng sinh tử luân hồi, trở lại với kiếp sống đau khổ đọa đầy .
Những điều trình bày ở trên đều đề cập đến những con đường sai lệch.
Biết đường sai rồi sau đó sẽ bàn đến con đường chứng nghiệm !

Chú Thích:
1 Làm rồi sẽ biết : "tĩnh tọa" phải tu tập thường xuyên , nội khí sẽ ngày càng vượng thịnh , sẽ có nhiều biến đổi về mặt sinh lý.
Những biến đổi ấy ảnh hưởng đến đại não sẽ gây ra nhiều cảnh tượng và cảm giác.
Trong số những cảnh tượng và cảm giác ấy , có những điều là bình thường , chứng tỏ hiệu quả tập luyện ; nhưng có một bộ phận khác , không bình thường , chứng tỏ phản ứng sai lệch trong
tập luyện , cần phòng ngừa và trừ bỏ.
Tĩnh tọa là công phu thực tiển mà ta thực hiện hằng ngày , trong cơ thể có những thay đổi gì , trải qua thực tiển , ta chứng nghiệm dần dần , tránh bàn luận suông , không căn cứ.
Các Ðạo gia tập tĩnh nhầm gạt bỏ ý thức thông thường , thức tỉnh vô thức , vừa tu tính , vừa luyện mệnh , không hôn trầm , không tán loạn , thấu suốt mọi lẽ tình trong Trời Ðất .
2. Công phu tu tập của Thiền gia , tập trung thể hiện ở sự giác ngộ Tâm và Tính , triệt ngộ được đời sống tinh thần của con người là cốt lõi tu chứng của Thiền tông.
Lục Tổ Huệ Năng từng nói : "Bồ Ðề bản vô thụ , minh kính diệc phi đài ; bản lai vô nhất vật , hà xứ hữu trần ai". (Dịch nghĩa : Bồ Ðề không phải cây , gương sáng chẳng phải đài ; xưa nay lông một vật , đâu còn có bụi trần ?).
Qua bài kệ trên đã chỉ rõ bộ mặt chân thực của Tâm.
Thiền tông đề xướng đốn ngộ Tâm Tính , phương pháp tu chứng là "Kiến Tính thành Phật" (thấy được Tính có thể thành Phật).
3. Hồ Tiên : theo truyền thuyết của dân tộc Trung Hoa , Hồ Ly (loài cáo)

cũng có thể luyện Ðan và đạt trình độ hóa thành hình người.

Chương 6
Hồi Quang Chứng Nghiệm
 

Tổ Sư nói :
Chứng nghiệm Hồi Quang cũng có nhiều hình nhiều vẻ.
Ở đây ta không thể nhìn nhận một cách vụn vặt , hẹp hòi ,

mà phải có lòng khoan dung rộng lớn độ tận chúng sinh thoát vòng Khổ Hải.

Các vị không thể nhìn nhận một cách hời hợt , thờ ư với những điều chứng nghiệm , mà cần thực hành từng bước theo nội dung mà ta đã trình bày mới có thể vượt mọi khó khăn , không lạc vào ma cảnh , tu thành chính quả.


Trong khi nhập tĩnh sẽ có cảm giác man mác không lúc nào dứt , tâm tình sảng khoái , tinh thần thư thái , tựa như trong trạng thái ngà ngà say hay cảm giác sau khi tắm mát vậy , đó chính là lúc khắp cơ thể dương khí trào dâng ,

là dấu hiệu Bông Hoa Vàng vừa nhú (l).

Tiếp sau đó sẽ cảm thấy vạn vật đều tĩnh lặng , một vầng Trăng sáng hiện giữa bầu trời , khắp mặt đất trở thành một thế giới sáng láng , quang minh , đó chính là lúc tâm hồn và thể xác khai sáng , là dấu hiệu bông Hoa Vàng đang nở (2).

Tiếp sau, toàn thân phấn chấn , chẳng sợ gió sương , người ngoài cuộc thì cảm thấy vô vị , còn ta đã chứng nghiệm thì tinh thần hưng vượng , tựa như lâu đài xây bằng vàng , sân lát bằng ngọc , hết thảy mọi vật khô héo trên thế gian ta hà Chân Khí , liền bỗng dưng sống động , hồi sinh (3). Máu đỏ trở thành dòng sữa. Tấm thân bảy thước của ta tựa hồ như toàn làm bằng ngọc quý. Có được dấu hiệu đó tức là đã đạt tới giai đoạn Bông Hoa Vàng đã ngưng tụ (4), Nội Ðan đã kết thành.

Giai đoạn đầu ứng với "pháp tượng" Nhật lạc , Ðại thủy , Hạnh thụ v.v... trong "Quán Kinh" (5) của Phật Gia.
Cảnh tượng Nhật lạc , tức Mặt Trời lặn , tượng trưng cho việc đặt cơ sở từ vô cực, trong cảnh hỗn độn. Cảnh tượng Ðại Thủy , tức nước to , phù hợp với cảnh "Thượng Thiện nhược thủy" (6) (bậc Thượng Thiện giống như nước) , thanh khiết không tư lợi như đã nói trong sách "Lão Tử" , đó chính lộ do Thái cực chủ trì ,

tức cái gọi là "Ðề xuất hồ chấn" nói đến trong "Kinh Dịch. Thuyết Quái".
Chấn trong Bát Quái , thuộc Mộc , vì vậy được tượng trưng bằng "Hạnh thụ".
"Thất trùng Hạnh thụ" nói đến trong Kinh tượng trưng cho sự quang minh của Thất Khiếu .
Giai đoạn hai xuất phát trên cơ sở của giai đoạn một : quán tưởng thế giới biến thành một vùng băng tuyết , thành ngọc lưu ly (7) ánh sáng chói lòa ngưng tụ ; sau đó, trong các hình tượng quán tưởng thấy xuất hiện tòa sen, chư Phật (8). Kim Tính, tức Bông Hoa Vàng nói đến trong sách này , xuất hiện , đó chẳng phải là Phật sao ?

Phật là dịch âm, có nghĩa là "Ðấng Kim Tiên Ðại Giác ngộ"
Những điều trình bày trên là những chứng nghiệm ở những giai đoạn lớn trong việc tu luyện toàn bộ công pháp.
Những chứng nghiệm mà các bạn có thể ấn chứng , đại để chia làm ba loại.
Một loại là sau khi nhập tĩnh , Thần nhập Cốc (9), ta nghe thấy bên ngoài có người nói , âm thanh văng vẳng như ở đâu đó cách xa chừng một dặm , nhưng nghe rất rõ ; âm thanh đó róc vào tai ta như hồi âm vọng từ nơi thâm sơn cùng cốc ,

lúc không nghe thấy , lúc lại nghe thấy.
Hiện tượng Thần nhập Cốc này các bạn ai cũng có thể tự mình chứng nghiệm.
Một loại khác là trong lúc nhập tĩnh , ánh mắt phiêu diêu phân tán , trước mắt chi thấy bàng bạc một màu tựa như đang ở trong mây , dù có giương mắt nhìn thân mình , cũng không sao nhìn thấy.
Hiện tượng này gọi là "màn sương mờ ảo".
Ðó là do trong ngoài đều sáng rõ , là dấu hiệu tốt lành.
Loại thứ ba là trong khi nhập tĩnh , thân tình nóng ran , mềm xốp , vừa giống như bông như bấc , vừa giống như ngọc như ngà.
Rõ ràng ngồi đó mà hầu như không nhận biết , thân thể nhẹ tênh , cảm thấy như mình đang trôi nổi bồng bềnh.
Cứ thế, lâu dần sẽ dạt được quyền năng đề khí khinh thân.
Cả ba trường hợp vừa trình bày đều là những cảnh tượng giờ đây có thể chứng nghiệm được Có điều những cảnh tượng mà mỗi người chứng nghiệm thường thiên hình vạn trạng , chẳng thể kể hết được ở đây , tùy theo tố chất của từng người mà mỗi người chứng nghiệm những diệu cảnh một khác.
Y hệt như tướng "Thiện căn khai phát" (10) nêu lên trong sách "Tiểu Chỉ Quán" vậy.
Chuyện này cũng giống như người uống nước , nóng lạnh mỗi người cảm nhận một khác .
Tóm lại, mình tin sẽ trở thành thật.
Trong những chứng nghiệm đó có thể tìm được Khí Tiên thiên.
Khi Khí Tiên thiên đã tìm được tức là Ðan đã luyện thành. Ðó có thể là một hạt châu thực sự. Ðúng như câu "Một hạt lại một hạt , tích mãi sẽ thành nhiều" mà Trương Bá Ðoan đã nói tới trong bản văn "Kim Dan bốn trăm chữ".
Nói đến Tiên thiên thì có Tiên Thiên mang tính giai đoạn , tức là "một hạt" đã nói đến ở trên , nhưng cũng có Tiên Thiên mang tính chỉnh thể , tức là từ một hạt đến vô số hạt.
Chỉ có điều, một hạt có sức mạnh của một hạt.
Ðiều quan trọng nhất là tự mình phải có quyết tâm cao.

Chú Thích
1. Bông Hoa Vàng vừa nhú : Bông Hoa Vàng (Kim Hoa) tức Tính Quang.
Tĩnh tọa lâu , Thân Tâm an định , Khí huyết trong cơ thể dâng trào , nuôi dưỡng toàn thân , như mưa xuân tưới nhuần cây cỏ.
Lúc này Chân Khí dần dần tích tụ , như muôn hoa hé nụ , tuy chưa nỡ song đã lộ bày.
Lúc này người tập chứng nghiệm cảnh Chân Khí vừa nảy sinh trong cơ thể , vì thế nên nói khắp cơ thể Dương Khí trào dâng , hay còn gọi là trong âm Thái Cực có Dương.
2. Bông Hoa Vàng đang nở : Chân Khí sung mãn , như Hoa đang nở , cánh hoa nhị Hoa tràn đầy Dương Khí , tuôn chảy khẩu hình hài , như ánh trăng dịu mát bao phủ khắp Ðất Trời , vì thế nên gọi là trong Dương Thái Cực có âm.
3. Hà Chân Khí làm cho mọi vật khô héo trên thế gian sống động , hồi sinh : do Chân Khí trong máu thịt con người hao tán , cạn kiệt , nên dễ rữa nát , vạn vật cũng vậy.
Con người nếu Hồi Quang thành công , Chân Khí trong cơ thể sinh sôi nảy nở , ngày một vượng thịnh.
Trang Tử nói : "Con người ta sinh ra , Khí tụ thì sống , Khí tán thì chết".
Nếu Chân Khí trong con người sung mãn , có thể chiến thắng cái chết , kéo dài tuổi thọ.
Truyền thuyết nói chư Tiên có thể điểm đá thành vàng ,

ý muốn nói dùng Chân Khí làm thay da đổi thịt.
4. Bông Hoa Vàng đã ngưng tụ : vấn đề Quang sinh hay Quang tụ đều do Thần điều khiển. Sau khi Bông Hoa Vàng đang nở , vẫn phải tiếp tục Hồi Quang , tập trung Thần vào Khí huyệt , làm cho Khí thay đổi về chất , Thần tụ thì Khí tụ , Khí tụ thì Thần sung mãn , vì thế tinh thần phấn chấn , lạc quan , tẩy bỏ hết cặn âm trong máu thịt , làm cho Dương Khí tràn đầy.
Chính Khí đã vượng thì "Tà" không sao xâm nhập được , chẳng sợ gió sương.
Ðoạn chứng nghiệm này cho biết Nội Dược (Nguyên Tinh , Nguyên Khí , Nguyên Thần) đã ngưng kết.
Công pháp tu luyện của "Tông chỉ" xem quá trình Dược sinh , Dược luyện , Dược kết là giai đoạn khởi đầu.
Về sau , giai đoạn nọ tiếp nối giai đoạn kia , mỗi giai đoạn đều từ lượng đổi thành chất , cuối cùng thì kết thành Ðại Ðan.
5. "Quán Kinh" tức "Kinh Quán Vô Lượng Thọ" của Phật gia.
Bộ Kinh này dạy các Phật tử quán tưởng Nước Phật Vô Lượng Thọ , tổng cộng có mười hai phép quán , mở đầu là Nhật quán , Thủy quán , Thất trùng bảo thụ quán v.v...
6. Thượng thiện nhược thủy (bậc Thượng thiện giống như nước) : xem chương Tám trong sách "Ðạo Ðức Kinh" của Lão Tử.
7. Ngọc lưu ly và tòa sen : đây là một trong những nội dung quán tưởng trong "Sinh quán vô lượng thọ".
8. Phật : tên gọi tắt của Phật Ðà , tiếng Phạn là có nghĩa là "Giác ngộ", người Tống gọi là "Ðấng Kim Tiên Ðại Giác Ngộ".
9. Thần nhập Cốc : sách "Ðạo Ðức Kinh" , chương sáu viết : cốc Thần bất tử , thị vị Huyền Tần. Huyền Tần chi môn , thị vị Thiên Ðịa căn. Miên miên nhược tồn , dụng chi bất cần .
Cốc nói ở đây chính là Khí khiếu , Ðan Ðiền .
10. Tướng "Thiện Căn khai phát" : trong sách "Tiểu chi Quán"

của Ðại sư Trí Khải đã phân tướng "Thiện Căn khai phát" ra làm hai loại :
Thiện căn khai phát bên ngoài gồm bố thí , trì giới , hiếu thuận với cha mẹ , tôn trưởng ,

cúng dường Tam Bảo và nghe Kinh , học Ðạo v.v...
và "Thiện Căn khai phát bên trong" , tức là "Thiện căn khai phát" ( các pháp môn Thiền định ).
Chương 7

Hồi Quang Hoạt Pháp

Tổ Sư nói :
Công pháp Hồi Quang phải thực hiện tuần tự từng bước , đồng thời không được để ảnh hưởng tới chính nghiệp của mình.
Người xưa nói : "việc đến phải bắt tay làm , vật đến phải hiểu cho rõ ngọn ngành" (1).
Trong đời sống hằng ngày , các bạn hãy hành động theo lẽ phải , như vậy ánh sáng sẽ không thể nào đổi hướng , tiêu hao tâm lực. Sự việc xảy ra, ta xử sự với thái độ đúng đắn , ánh sáng sẽ luôn luôn phản hồi.
Như thế gọi là lúc nào cũng thực hiện công pháp Hồi Quang mà không hề hay biết.
Trong đời sống hàng ngày , ta có thể thực hiện công phu phản chiếu bất cứ lúc nào , bất cứ chổ nào, không phụ thuộc người khác , không phụ thuộc bản thân ta , không mảy may bận tâm , như thế có nghĩa là lúc nào ta cũng Hồi Quang.
Như thế mới gọi là biết cách vận dụng linh hoạt "Tông chỉ".
Sáng sớm ngủ dậy , gạt bỏ hết mọi ưu phiền , ngồi tĩnh tọa một hai tiếng đồng hồ , như thế rất tốt. Có điều , trong mọi hoạt động giao tiếp xử sự hàng ngày , ta luyện tập phép phản chiếu , tới mức không giây phút nào ngừng , cứ thực hành như thế độ hai ba tháng , Tâm tự nhiên thông tỏ , các vị sẽ chứng nghiệm được nhiều điều.

Chú Thích :
1. "Việc đến phải bắt tay làm , vật đến phải hiểu cho rõ ngọn ngành" : người ta sinh ra ở trên đời ,

không thể nào dứt bỏ hoàn toàn thế sự .
Hàng ngày , gặp gỡ người này người khác , công kia việc nọ , thư từ qua lại , đi đó đi đây v.v... ta đều phải tiến hành giao tiếp.
Ngoài ra , đã đi vào con đường tu Ðạo tất phải giúp ích cho đời , nghĩa là phải tu nhân tích đức.
Sách "Ðạo Ðức Kinh" viết : "Vi học nhật ích, vi Ðạo nhật tổn" (theo học thì ngày càng thêm hiểu biết ,

còn theo Ðạo thì ngày càng bớt).
Thật vậy , đã đi vào con đường tu Ðạo thì thế sự càng ít càng bớt nhọc lòng. Thế nhưng ,

trong điều kiện không cách gì đoạn tuyệt với việc đời .
Các nhà Nội Ðan chủ trương "Việc đến thì ứng phó , việc đã qua thì quên đi" , tựa như gương soi các vật ,

không để lai dấu vết thì gương luôn sáng.
Ðối với việc đời , nếu Tâm ta biết tiến biết lùi , không sa vào vòng danh lợi , không đắm chìm trong sắc dục, thì Tấm Gương Tâm luôn sáng , phong thái ung dung , thanh thản, tự nhiên.

ĐẠI TIỂU ĐỈNH LÔ ĐỒ 大 小 鼎 爐 圖

Trở lại MỤC LỤC