MẠNH TIẾN TRÊN ĐƯỜNG CỨU THẾ

(Ngũ Long Môn, 6-5 năm Đại Đạo 36 Tân Sửu, 18-6-1961)

       Này ấu tử nữ nam, may thay! các con hạnh ngộ kỳ ba ân xá đạo khai; nhưng Mẹ rất tiếc thay! phần con nữ phái còn mãi sụt sè trên bước đường hành đạo.

Các con nữ phái, các con phải biết rằng: Bổn phận con đối với gia đình đạo đức, đối với xã hội đạo đức rất nặng oằn, nhưng các con phải làm sao tiến thêm mức nửa để sánh cùng nam phái, dù đào thơ liểu yếu nhưng tinh thần mỗi con có kèm cõi đâu con.

       Các con cứ mạnh tiến trên đường đạo và làm sao cho trở thành người hạnh chơn tu. Biết rằng: các con bị sự ràng buộc của gia đình, nhưng con cần phải góp tinh thần vào sự cứu cánh nhơn sanh, chỉ tinh thần thôi, là bổn phận con trong gia đình con làm sao cho tròn phận đạo với người đời; ra ngoài xã hội cũng thế, các con đừng sờn lòng nản chí. Nếu các con sờn lòng nản chí, thì chẳng khác nào ngựa nọ không cương, thuyền kia không lái, làm sao đến nơi đến chốn được?

       Chỉ con có vững chắc trên đường đạo rồi, thì dù sao các con cũng tiến đến nơi được.

       Việc đạo cũng như thuyền kia trên dòng sông, trên biển cả sóng dồi gió dập, nếu con không chèo chống đến nơi đến chốn, thì ắt lui lại, và có thể đắm thuyền.

       Thầy Mẹ hằng mong các con nữ phái một ngày một tăng tiến, để hướng thiện nhơn sanh, giúp cả tinh thần vật chất trên con đường đạo đức chánh nghĩa. Các con hy sinh, Thầy Mẹ vẫn biết và luôn luôn chấm công con, nhưng con hãy nghĩ rằng: đời là bể khổ, là trường tranh đấu, là mây, là gió, là trăng khi khuyết lúc tròn, có như thế không con? Nếu đời là toàn bể khổ, thì có ngày cũng trở lại vui tươi, hết cơn bỉ cực cũng có lúc thanh phong. Nhưng đời cũng là một bể khổ, vì nơi ấy các con lao mình vào không bao giờ dứt, cứ liên diễn từ năm này sang tháng nọ, giờ này tới phút kia.

       Thế nên sự khổ hãi, tang tóc đau thương vẩy tràn đầy khắp chốn.

       Nếu các con biết sự ích lợi của đạo đức, thì các con hành động khác hơn sự thế, mà một số người bươn bã theo. Con hành động sao cho tốt đẹp, để xứng ngôi vị thiêng liêng, mà Thầy Mẹ bao giờ cũng để cho mỗi con hành tròn nhiệm vụ.

DIÊU TRÌ KIM MẪU

Trở lại Mục Lục