TÂY DU CHƠN GIẢI

MẪU KHÍ – SÁU PHÁP – TỨ TƯỢNG
SÁU NẼO LUÂN HỒI – BỐN ĐẠI NGUYỆN- THẤY TÁNH

HÀ THANH CHƯỞNG GIÁO
Thầy mừng các môn đồ đệ tử – Thầy miễn phép, các con bình thân an tọa.
THI
Thân vàng luyện được mới là an
Mới thoát luân hồi xuất thế gian
Mới đủ thần thông về cảnh cũ
Mới mong trở lại chốn Thiên Đàng.
Thiên Đàng cảnh báu lắm con ôi!
Hằng hữu Tiên Bang chẳng đổi dời
Phật cảnh là đây, ai có hiểu!?
Cội nguồn nguyên thủy đó con ôi!
Con tu một kiếp ráng cho thành
Việc thế khuyên đừng chớ cạnh tranh
Đóng cửa lo tu là bổn phận
Nhứt tâm tu kỷ mới công thành.
KHÍ LÀ ĐẠO – ĐẠO TỨC TÂM

Khí là Hơi Thở, là lẽ sống, là nguồn sống vô biên muôn thuở, nhờ hơi thở mà vạn vật sinh tồn, Hơi Thở dứt hồn lìa khỏi xác.
Ôi! Hơi Thở nhiệm mầu. Ôi! Diêu Trì Kim Mẫu hằng tại, hằng thường, hằng hữu ở mỗi sanh linh. Không có Mẫu Khí, không có Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu thì không có sự sống. Mẹ là Bản Thể Hư Không, là Tâm Linh Vũ Trụ đó là Nhứt Khí Tiên Thiên Hư Vô, ở con người gọi là Tâm – Tâm Thể ấy Huyền Đồng Vũ Trụ đó gọi là Đạo. Nhưng trong Vô Cực, trong cái Khí Hỗn Nguyên ấy có Một Chủ Quyền đó là Nhứt Dương Chi Khí, là Hồng Quân Lão Tổ, còn Nhứt Âm Chi Khí là Diêu Trì Kim Mẫu, hai năng lực ấy hiệp hòa làm Một chuyển vận Thiên Cơ mà sanh Thái Cực. Thái Cực là Con Một Duy Nhứt, là Thượng Đế Chí Tôn, là Linh Thể của Hồng Quân thành tựu. Ngôi Thái Cực cầm quyền Vũ Trụ chủ động lại Cái Khí làm Chủ Cái Tâm ấy gọi là Con mà làm Chúa Tể.
Ở nơi con người gọi là Trí, cũng gọi là Tánh, Tánh – Trí là cơ quan đầu não cầm quyền chủ trị nhơn thân, làm chủ lại Cái Tâm. Vậy thì Khí là Mẹ của Thần, Thần là Con của Khí. Tâm là Mẹ của Trí, Trí là Con của Tâm. Cái Tâm Bản Nguyên của con người là Như Lai Toàn Thiện, Chơn Không Diệu Hữu. Khi Linh Quang vào trần, đứa hài nhi vừa mở mắt, do Hơi Thở khởi nguồn sự sống, cái Tâm nó khởi ra cái Ý do nơi 6 Pháp của phàm thân là : Nhãn – Nhĩ – Tỷ – Thiệt – Thân – Ý pháp. Linh Quang nhập thể ở cõi Hậu Thiên này học hỏi được những điều hay lẽ phải, tiếp xúc được ngoại cảnh hồng trần nhờ Mắt thấy, Tai nghe, Mũi ngửi, Miệng nếm, Thân xúc rồi Ý thức. Vậy giữa Tâm và Thức liên hệ với nhau như hình với bóng, Tâm với Trí như Mẹ với Con, Trí với Tri là Một, Thức vào Trí mới Tri.
Vậy Đạo bắt nguồn từ Tâm, từ Tâm sanh ra các Pháp, giữa Tâm và Thức không khác. Giữa Ngộ Không và Lục Nhĩ Hầu không khác, Lục Nhĩ Hầu cũng có Thất Thập Nhị Huyền Công, Huyền Công ấy do bởi Ngộ Không truyền dạy. Vậy Huyền Công biến hóa là do Ngộ Không chớ không phải là Lục Nhĩ Hầu. Nhưng Thức Tùng Tâm Khởi, Hai mà Một, Một mà là Hai, Bóng tùy Hình, Hình Bóng không Hai, Huyền Công ấy tuy Hai mà Một.
Bảy mươi hai phép (72) do bởi 6 Pháp mà sanh là : Nhãn – Nhĩ – Tỷ – Thiệt – Thân – Ý pháp. Mỗi Pháp sanh 12, 12 ấy là một vòng tròn của Pháp Luân, là vòng tròn Thập Nhị Thời Quân hay Thập Nhị Thời Thần cũng thế. Huyền Công Thất Thập Nhị là do 6 Pháp chứ chẳng phải do Tâm. Theo Dẫn Truyện, Tứ Hầu Hỗn Thế là Minh Luân Thạch Hầu, Lục Nhĩ Kiến Hầu, Xích Vĩ Hầu, Cán Vá Hầu là tượng trưng cho Mắt - Tai - Mũi – Miệng là Tứ Kiện Tướng, là Tứ Đại Pháp cũng như Phong Thần Truyện có Tứ Đại Thiên Vương – Ma Gia Tứ Tướng. Linh Quang học được ở trần nhờ 6 Pháp mà đủ Huyền Công, nhờ Tứ Tướng mà nên Vương nghiệp, thành Tiên tác Phật cũng do đó, mà đọa trầm luân cũng do nó.
Tâm Chánh thì Lục Căn biến thành Lục Thần.
Tâm Tà thì Sáu Thức biến thành Lục Tặc.
Người đọa bởi 6 căn mới sa vào Lục Đạo Luân Hồi, ấy là : Thiên – Nhân – Atula – Địa Ngục – Ngạ Quỷ – Súc Sanh. Ở nơi người là Nhãn – Nhĩ – Tỷ – Thiệt – Thân – Ý. Con người bởi luyến trần mê mà gây nghiệp rồi bị nghiệp lực lôi vào 6 nẻo, đó là luật tự nhiên.
Vậy muốn thoát khỏi 6 đường luân chuyển ấy phải làm như thế nào? Muốn thoát khỏi hồng trần là phải tu, phải luyện đắc Kim Thân mới thoát vòng sanh tử, mới ra khỏi 6 đường. Không có Kim Thân, không biết tu luyện dù là Bậc Thiện Nhân Phước Đức không dục vọng cũng vẫn không khỏi 6 đường. Người có Phước Đức đi theo con đường Phước Đức, kẻ tội lỗi đi theo con đường cầm thú, địa ngục, ngạ quỷ. Nếu không tu, không đắc Đạo thì không thể nào qua khỏi 6 đường ấy. Vậy muốn chọn cho mình con đường giải thoát ra khỏi Luân Hồi Lục Đạo thì phải ra sức Công Phu đắc Kim Thân mới thành Chánh Quả. Bực Thần Tiên – Nhơn Tiên – Địa Tiên – Quỷ Tiên cũng còn luân hồi trong 6 đường ấy, là còn lên xuống, còn trở lại hồng trần. Chừng nào Đắc Đạo Thành Tiên mới là giải thoát, không Đắc Đạo thì vô phương!
Trung Quốc là chỗ khởi đầu cuộc thỉnh kinh trên con đường Mười Muôn Tám Ngàn Dặm (108000), trải qua 13 năm lao nhọc Thầy trò Tam Tạng mới đến được Chùa Đại Lôi Âm lãnh được Kinh Báu đem về Trung Thổ. Một vòng tròn Pháp Luân với Tam Hồn Cửu Chuyển thu cả Ngũ Tinh, Ngũ Khí, Thiên Tinh, Phàm Tinh đến Phật là Hóa Thần, đem Tinh về Trung Thổ tức thị Trung Ương Mồ Kỷ – Tỳ Thổ đặng sanh Khí là nhờ bởi Kinh Cao của Phật mới siêu độ được Âm Hồn thì Khí mới Hóa Thần, mới được Tam Huê Tụ Đảnh. Từ lúc ra đi cho đến lúc trở về chỗ khởi đầu cũng là hồi kết cuộc trọn một vòng của Pháp Luân Quy cả Tinh Ba, Gom Trọn Ngũ Khí về nơi Trung Thổ. Đó gọi là thỉnh kinh Phật về Trung Quốc Chi Tâm, cũng gọi là Ngũ Khí Triều Ngươn phục mạng Hoàng Cực Chủ Nhơn, là Thiên Tử đó! Trong cuộc Phong Vân Lôi Vũ, cơ hành tàng máy nhiệm của Trời Đất thì Thần lúc ấy là Chơn Điển Thanh Tịnh Quang.
Tâm không một niệm giống như lúc Trời còn Thanh Tịnh, Tâm khởi niệm là lúc Trời bắt đầu u ám, Tâm Khí động tới tình dục thì muốn Giao Cảm Chi Tinh. Tâm động thì Thần động, Thần thuộc Hỏa, Lôi điển chớp thì gây nên Sấm nổ, đó là lúc Thần động bắt đầu chuyển qua Khí để chuyển qua Tinh. Sấm chớp, Gió giông, Vân vũ là một cuộc Giao Tình của Trời Đất, cũng giống như chuyện mây mưa tình cảm của con người. Khi mưa ngọt rơi xuống, ở nơi con người là Giao Cảm Chi Tinh, Nước là cội nguồn của biến hóa, nhờ Nước mà vạn vật hóa thành, nhờ Khí mà muôn loài tăng trưởng. Việc của con người cũng giống như việc của Trời, các con thấy đó là Hậu Thiên Chi Đạo.
Còn cái Đạo Tiên Thiên Huyền Diệu là cơ cuộc hành tàng, dứt động rồi tịnh, hữu trở về vô, tàn một cuộc gió mưa thì Trời quang mây tạnh. Con người lìa chỗ Động trở lại Bản Nguyên là Tịnh thì thấy được Tánh. Chỗ Vô Vi Chi Đạo cũng không ngoài lẽ Âm – Dương nhưng không phải là cơ cuộc của Hậu Thiên Hữu Tình Giao Cảm. Các con đã trải qua nhiều kiếp từng sống trong lẽ Đạo, từng thi hành cái Đạo Hữu Vi thay quyền Tạo Hóa lập quả nơi mình để độ chúng sinh, lập công cùng Từ Phụ. Hữu Tình Chi Đạo tức là Nhơn Đạo cũng là Yêu Đạo, cũng gọi là Quỷ Đạo, Tà Đạo cũng thế, bởi vì là chỗ sai lầm. Yêu Đạo là cái Đạo Yêu Thương, là tình quyến luyến của con người. Chữ Yêu có nghĩa là Thương, Tinh có nghĩa là Tình. Yêu Tinh có nghĩa là Tình Yêu Thương, là tình người, tình vật, là tình xác thịt của phàm trần, nó khiến cho con người mê muội luyến lưu mãi không phương thoát khỏi, nó là Tà Đạo mà cũng là Quỷ Đạo.
Tuy nhiên, một Linh Quang nào vào cõi trần này cũng phải qua giai đoạn ấy, phải qua từ thấp đến cao, phải sống trong tình yêu, phải thuận cơ Sanh – Hóa đó cũng là một phần trách nhiệm trong sứ mạng độ chúng sanh. Được tiến tăng một bực là từ chúng sanh lên nhân chủng. Sau khi đắp nền công quả, căn bản vững rồi, Nhơn Đạo tròn xong thì bước qua giai đọan Phản Tĩnh.
Phải học Pháp Bát Nhã Huyền Công, khởi thọ Tiên Thiên Phục Pháp, phải nương Huyền Pháp để trở về, không có Pháp này thì Phật cũng phải đọa trầm luân dưới thế. Hậu Thiên Chi Đạo là Pháp Thuận Hành, Thuận Sanh, từ cội nguồn phát xuất, Linh Quang giáng trần ra đi nhập thế, từ chỗ Nhứt Bổn sanh ra Vạn Thù thì dễ, đó là Thuận Pháp. Còn Nghịch Hành Phản Bổn trở về Cội Nguồn là Hồi Nguyên Chi Đạo, thì thiệt là rất khó. Nếu không Thầy chỉ điểm thì dầu cho Tiên – Phật hay Đại La Thiên Đế xuống trần không gặp Pháp cũng không mong trở lại đuợc.
Thôi! Đêm nay Thầy dạy bấy nhiêu, đêm mai Thầy dạy tiếp.
Thăng

Trở lại Mục Lục