Đàn HÀ THANH – Tuất Thời 26.05.AL.86
THIÊN THƠ – NGỦ NGỒI
THỦY HỎA KÝ TẾ – ĐINH BA HỘI
ĐẠI LINH QUANG

HÀ THANH CHƯỞNG GIÁO
Thầy mừng chung các con môn đồ nam nữ. Các con bình Tâm nghe Thầy dạy.
THI
Thầy mừng các trẻ ngộ kỳ duyên
Thức tỉnh tầm tu gặp Chánh Truyền
Ấy bởi tiền căn nhiều phúc đức
Nên nay gặp dịp Phản Hườn Nguyên
Trần gian cõi tạm dừng lưu luyến
Phú quí công danh ấy não phiền
Lòng quyết một lòng lo giải thoát
Trở về Cực Lạc mới nhàn yên.
THI
Thầy dạy các trẻ nhớ để lòng
Đường trần vạn nẻo lắm gai chông
Quỷ ma trì kéo – Ôi! Con ráng
Sám hối lo tu – Chớ ngã lòng
Ráng một kiếp này lo giải thoát
Công thành con trẻ dự Hoa – Long
Từ đây mới thoát đường sanh tử
Khỏi đọa trầm luân chốn bụi hồng.
THI
Tu hành khó nhọc chí đừng phai
Bốn buổi con ơi ! Ráng miệt mài
Sự thế đa đoan dầu bận rộn
Nhớ lời Thầy dạy gắng đừng sai.

Các con khá hiểu Đạo là giềng mối của Càn - Khôn Vũ Trụ, là Chí Linh, Chí Trọng, Chí Quí. Người học Đạo là học cái giềng mối Càn - Khôn là Đại Cuộc của Vũ Trụ.
Đạo là tất cả, trên tất cả, bất cứ một sanh linh nào đến cõi trần này cũng là để học hỏi hoàn thành chữ Đạo, phải hoàn thành trách nhiệm của mình là học cho nên danh. Các con vào trần là để làm tròn cái phận sự Thiêng Liêng ấy. Đó là Thiên Mạng, là bổn phận, coi như là một phận sự bắt buộc phải hoàn thành. Sanh linh nào chậm tiến hóa, trể nãi, không hoàn thành sứ mạng của Đại Từ Phụ giao phó thì phải bị trầm luân, lâu mau tùy theo cái lỗi nặng nhẹ đó vậy. Người học Đạo phải hiểu rằng “Thiên Mạng Chi Vị Tánh”, sứ mạng ấy chẳng phải tầm thường, phải sớm hoàn thành cái Đạo, chớ khá chần chờ, biếng nhác, trể nãi, lỗi Đạo là tội nặng với Đại Từ Phụ, mà lỗi Đạo không phải là chuyện dể dàng. Đối với chúng sanh còn mờ mịt, chưa hiểu Đạo là gì, sự vô tình ấy Thầy trên có thể tha thứ. Còn đối với những con đã được sự giáo hóa kỹ càng mà còn biếng nhác, trể nãi lỗi Đạo thì tội ấy càng nặng biết mấy! Đại Từ Phụ là Cha của cả linh hồn, cầm quyền Tạo Hóa sanh dưỡng các con, dạy dỗ cho các con nên người nên Đạo. Thầy phải nhọc nhằn vất vả biết bao! Các con phải hiểu điều đó.
Thiên Thơ Có Hai Phần :
Thầy dạy quyển Hạ để các con học hỏi trau luyện. Phần Hạ là Luyện Tinh Hóa Khí – Luyện Khí Hóa Thần.
phần Thượng là Luyện Thần Hườn Hư – Luyện Hư Hườn Vô.
Nhưng các con chưa đạt được Phần Thượng vì Thầy nhận thấy tuy các con có duyên lành đủ căn, đủ đức để học Đạo nhưng lòng còn mê, chưa nỗ lực tận Tâm, chưa được Chí Thành. Thành ra học Đạo tuy lâu mà kết quả thì rất ít ỏi lắm vậy. Tu lâu mà chẳng hiểu điều gì, luyện Đạo mà không kết quả ấy bởi vì các con chưa Chủ Định được cái Tâm. Cái Tâm là đầu mối các Pháp, vì thế Thầy dạy các con phải luyện cho được Hằng Tâm. Trong một ngày một đêm, các con giữ được Hằng Tâm mấy phút? Còn thì là phàm Tâm vọng Ý , lo tưởng này nọ thiệt chẳng có Tâm Đạo chút nào. Sao lại trách mình tu lâu mà không có ấn chứng.
Cái Tâm thuộc về Khí, mà Khí là Như Lai, cái Tâm là bao gồm Ngũ Khí, là gồm cả Tam Bửu, Ngũ Hành, Ngũ Tạng, Lục Phủ, là cái Linh Khí Tổng Quy, quyền tại Trung Ương Mồ Kỷ.
Khi cái Tâm đã Chủ Vị rồi, không còn bị thất tán nữa, thì các con sẽ hiểu thế nào là Triều Ngươn Ngũ Khí, thế nào là Tứ Tổ Qui Gia.
Tất cả các Pháp đều có Bí Quyết, chỉ tại các con chưa có Nổ Lực Tận Tâm, nên chỗ Hành không có kết quả đó thôi!
Nếu ban ngày các con thiếu sót thì ban đêm các con phải ráng Hành Đại Công Phu.Đừng mê ngủ,
hãy ráng tập ngủ ngồi, mỗi đêm giờ Tý công phu, rồi các con ngủ ngồi chừng vài tiếng đồng hồ thì Đạo sẽ tinh tấn kết quả.
Nếu các con mê ngủ mà lại ngủ nằm thì cái Âm – Dương Thanh – Trược trở lại Hỗn Độn không phân biệt nên dể bị Hôn Trầm, bởi khi nằm là Khí Thanh – Trược Hỗn Độn mờ mịt như lúc Càn – Khôn chưa phân định.
Ngủ ngồi đầu hướng lên trên, Thanh Khí lừng lên, Trược Khí ngưng xuống, Âm – Dương phân định, tinh thần sáng suốt, Đạo dể thành công. Ngủ ngồi tuy khó nhưng khi đã quen thì công phu mau kết quả, mà nghe khỏe khoắn, không mệt mỏi chi. Khi ấy các con Hồi Quan Phản Chiếu, giữ chặt Hằng Tâm là Hoàng Cực Chủ Nhơn tự tại Kim Liên Bửu Tọa.
Ngồi cho đúng phép thì không còn buồn ngủ nữa, không còn mệt mỏi. Tứ Tổ quy chầu, Ngũ Khí điều hòa, toàn thân mát mẻ, Tiên Thiên ứng hiện thì có ngồi suốt đêm thì cũng không mỏi, đó là Bí Pháp.
Muốn nên Đạo thành Tiên tác Phật thì phải cố gắng vượt qua biết bao thử thách cam go. Phải khắc kỷ, chủ tâm thành ý, phải nỗ lực tinh tấn, nếu không thì cái Đạo không dễ gì đạt. Thành đạt là do nơi mình chứ không phải là việc cầu may ở số mệnh.
Người xưa tu hành hiểu thông Đạo tại nơi trần thế, hưởng được nhiều ấn chứng là do tận tâm dồi mài, cố gắng luyện trau. Các con ngày nay học Đạo cũng đủ căn bản như người xưa mà chưa kết quả được cũng do bởi các con chưa Nhứt Tâm, chưa cố gắng đó thôi, chứ chẳng phải các con thiếu xót điều gì trong căn bản bí yếu.
Thầy nhắc lại tích xưa thời Xuân Thu Chiến Quốc, lúc Tôn Tẫn học Đạo với Vương Thiền Quỷ Cốc Tiên Sinh có một cội Đào, Đào ấy là linh dược trường sanh, ngày cũng như đêm đều sai Đồng Tử canh giữ, thế rồi không rõ nguyên do 3 đêm mất 3 trái, Quỷ Cốc sai Tôn Tẫn ra canh giữ thế cho Đồng Tử, Tôn Tẫn rình dùng thần thông bắt được kẻ trộm là Bạch Viên hái Đào về cho mẹ là Sơn Qua Công Chúa đang lúc đau nặng thèm Đào. Tôn Tẫn cảm thông lòng hiếu tử của Bạch Viên nên tha không giết. Bạch Viên vì cảm ơn tha mạng ấy mới trộm Ba quyển Thiên Thơ của Quỷ Cốc mà trao cho Tôn Tẫn. Tôn Tẫn được Thiên Thơ lòng vui khôn xiết liền giở ra xem thì giữa Không Trung nổ lên Ba tiếng Sấm, giông gió mịt mù.
Ấy bởi vì Tôn Tẫn chưa đủ trình độ, chưa đủ phước đức để đọc Thiên Thơ, lại chưa tắm gội sạch sẽ để xem nên bị Long Thần khiển trách. Vương Thiền Quỷ Cốc biết được mới than rằng: “Ba quyển Thiên Thơ ấy Ta định trao cho nó nhưng vì chưa đến ngày giờ chẳng biết vì lẽ nào mà Tôn Tẫn lại được?”. Chừng hỏi lại mới rõ nguyên do. Đó là câu chuyện ngày xưa Tôn Tẫn ngộ Thiên Thơ trong trường hợp ngoại lệ, ngoài Ý muốn của Thầy.
Còn ngày nay Thầy giải Chơn Kinh để truyền dạy các con là đúng lúc kỳ duyên các con đã đến. Các con nghe Thầy minh giải đã hiểu Chơn Lý, nhưng các con còn nặng lòng trần, có nghĩa là chưa tắm gội sạch sẽ cũng chưa tinh tấn tu hành. Coi chừng bị khảo lớn!!!
Thầy giải thêm về Thủy – Hỏa Ký Tế. Ký Tế là gởi trao cho nhau mà giúp đỡ lẫn nhau, bởi vì Nước với Lửa thuộc về Tinh, ấy bởi Trời – Đất giao tình mới sanh ra Nước – Lửa. Trời là Càn, Khôn là Đất. Nước từ Trời giáng xuống, Lửa từ Đất lừng lên. Nước từ Trời dĩ giáng là Càn thất vị,
Lửa từ Đất xung Thiên là Khôn mất ngôi.
Càn là Tam Liên (3 gạch liền), khi thất vị thành quẻ Ly là khuyết một hào Dương biến sanh ra Nước. Ấy gọi là Thiên Nhứt Sanh Thủy. Khôn là Sáu Khúc ( Lục đoạn), thêm một hào Dương ở giữa thành quẻ Khảm sanh ra Hỏa giao cho Trời. Ấy gọi là Địa Nhị Sanh Hỏa. Thiên Thất Thành Chi gọi là Trời - Đất giao hiệp, Nước của Trời giao cho Đất, Lửa của Đất giao lại cho Trời gọi là Thủy – Hỏa Ký Tế.
Trời – Đất - Nước - Lửa gọi là Tứ Tượng, tức là Càn - Khôn - Ly Khảm. Càn thất vị thành Ly, Khôn thất vị thành Khảm. Kỳ Đàn trước Thầy có giảng Trời – Đất còn thiếu là thiếu ở chỗ đó.
Càn mất một hào Dương là đã thiếu.
Khôn mất một hào Âm là đã thiếu.
Càn – Khôn thất vị là Trời – Đất đã thiếu.
Nước từ Trời giáng xuống là Trời đã thất vị, Càn thất vị hóa Ly. Lửa từ Đất xung lên là Đất đã thất vị, Khôn thất vị hóa Khảm.
Đất chứa phần nước của Trời.
Trời chứa phần Lửa của Đất.
Đó gọi là Thủy – Hỏa Ký Tế.
Nay muốn cho Trời – Đất đủ đầy thì phải bồi bổ trở lại, tức là Luyện Tinh Hóa Khí. Lửa Cung Ly nấu Vàng Cung Khảm là ở chỗ đó. Đem Lửa chiếu nơi Hạ Điền, tức là trả Lửa trở về Đất, Nước kia hoàn lại Trời. Khảm – Ly trở lại Khôn – Càn, Hà Đồ Chánh Đạo, sái đàng Lạc Thơ.
Ngày xưa Nữ Oa luyện đá vá Trời là cũng chỗ đó, chẳng phải Thiên – Địa bị khuyết rồi vá mà là vá Trời – Đất của các con đó. Thế nên muốn phục hườn chỗ Tiên Thiên căn bản là phải luyện đem trở về. Thế nên phải luyện làm sao cho Thủy Kiệt, tức là cho cạn nước nguồn, Nước kia hóa Khí trở lại Trời, đó là Ly – Càn. Nước cạn rồi thì Khảm hoàn Khôn, Khôn Vi Địa. Càn là Vũ Trụ Chơn Không, mặt Nhựt giữa Chơn Không là Ly. Người tu phải biết xoay chuyển Ngũ Hành, luyện cho được Thủy Kiệt Sơn Băng, xoay chuyển Càn – Khôn, trở day Nhựt Nguyệt, đem Núi lấp Biển để trở lại chỗ Trung – Hòa. Trong Đạo Thơ thường nói Di Sơn Đảo Hải, vận chuyển Càn – Khôn, Hô Phong Hoán Vũ đều là ngụ ý chỗ Đạo.
Càn – Khôn là Trời – Đất, Ly – Khảm là Nước – Lửa, Chấn – Tốn là Sấm – Gió, Cấn – Đoài là Núi – Biển, những cái bất bình đẳng ấy phải hòa hợp dung chế nhau để trở về chỗ Trung – Hòa. Ấy là đem cái thái quá bù chỗ bất cập, đem cái dư bù vào cái thiếu như chỗ Nước – Lửa Ký Tế, vậy tức là luyệu
Do sự cám dỗ của ngoại trần: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà Tâm sanh cảm nhiễm. Ấy là do Tâm sanh chẳng phải do trần cảnh, cũng không phải do Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý. Bởi vì những thứ đó là phương tiện để tu học, nó không phải là cám dỗ con người, nó cũng không bảo ai phải hư hỏng vì nó. Nhưng hư nên là tại cái Tâm, vì Tâm chính là Chủ. Người luyện Đạo Chân Chính nhờ những thứ ấy mà được giải được thông, kẻ phàm vì nó mà bị hư hủy. Không nên đổ lỗi cho nó mà chỉ tại Tâm mình, bởi vì Tâm làm Chủ có quyền chọn điều hay điều dở, nên hư, biết điều phải trái mà làm, siêu đọa tại Tâm. Người tu bị quỷ ma cám dỗ, nhưng sa ngã là lỗi tại mình chứ không phải lỗi ở ma quỷ.
Nay Thầy giải về Đinh Ba Hội ( Hội Chiếu Hào Quang), Ngộ Năng có Bát Quái Huyền Công 36 phép biến hóa, tài phép còn thua Ngộ Không, thế mà Bửu Bối của Ngộ Năng là Đinh Ba lại chiếu Hào Quang hơn hết. Đinh Ba có 9 răng tượng trưng Cửu Dương. Bởi Ngộ Năng trước kia là Thiên Bồng Chánh Khí mà bị hóa Phàm thành Trư Ngộ Năng. Thiên Bồng Chánh Khí tức Khinh Khí Tiên Thiên. Trong Trời –Đất có ba loại ánh sáng:
Ánh sáng của Nhựt Quang thuộc về Thần.
Ánh sáng của Nguyệt Quang thuộc về Khí
Ánh sáng của Tinh Quang thuộc về Tinh.
Thần Chủ Động tức là Nhựt Quang làm Chủ, Nhựt Quang phát tỏa sức nóng hiệp cùng Thiên Bồng Chánh Khí mới có Đại Linh Quang. Đại Linh Quang là ánh sáng của Khinh Khí do bởi sức nóng của Nhựt Quang truyền cho. Nguyệt Quang với Tinh Quang không phải tự sáng mà tùng Chủ Lực của Nhựt Quang. Cái sáng của Mặt Nguyệt, Tinh Đẩu, Địa Cầu là cái sáng của Khí Quyển, một cái sáng Vi Chủ rồi tất cả cùng sáng theo đó gọi là Từ Quang. Một Ánh Sáng không chiếu tỏa mà chỉ biết tương tùy cũng như bầy tôi vâng lệnh Vua, chỉ biết tuân lệnh mà hành động. Thế nên cái Sáng của Khí là cái Sáng trùm khắp cả Vũ Trụ, là cái Sáng lớn lao nên gọi là Đại Linh Quang. Cái Sáng của Thiên Bồng Chánh Khí chiếu khắp Cửu Trùng là Đinh Ba đó vậy.
Ánh Sáng của Địa Cầu là do Khí Quyển bao bọc xung quanh, phía nào bị sức nóng của Nhựt Quang rọi vào thì được sáng, còn phân nửa kia về đêm không tiếp thu được Dương Quang nên Khí Quyển không phát quang được. Trong các thứ ánh sáng, ánh sáng của Chánh Khí là sáng nhất. Thiên Bồâng Chánh Khí đó là Đạo Quang. Ánh sáng đó là Siêu Nhựt Nguyệt Chi Trùng Quang Như Lai. Cái Sáng là do Khí chứ chẳng phải do Thần. Khí là do Tính của Hư Vô là Diêu Trì Kim Mẫu, còn Thần là Tính Nóng của Hồng Quân. Hai năng lực một Nhiệt một Hàn ấy hiệp lại sanh ra Ánh Sáng. Vậy Khí Nhiệt Hàn là Cha – Mẹ, sanh ra Nguyên Lý thứ Ba là Con, là Ánh Sáng, là Đại Linh Quang, là Thượng Đế. Đại Linh Quang ấy nhập thể vạn loài thì có sự sống, những Linh Quang nhập thể ấy là Tiểu Linh Quang, là Chúng sanh, là Linh Hồn của con người đó vậy. Linh Quang trong Đại Thể thì là Thượng Đế, là Phật Như Lai.
Người học Phật xưa nay quan niệm Phật Như Lai là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật hoặc A Di Đà Phật, chớ thật sự ra những Vị ấy tùy theo cái Lý mà đặt ra Danh ấy. Như Nhiên Đăng Cổ Phật tùy theo Lý Như Lai của Vũ Trụ mà đặt Danh Chư Phật. Trong Ba đời Chư Phật đều theo Ba cái Lý ấy mà tá Danh. Trước đây Thầy có dạy Như Lai là Khí, còn Phật là Thần, tức là hai năng lực Thần với Khí trong các con đó. Hai năng lực ấy hiệp lại thì gọi là Phật Như Lai. Vũ trụ thế nào thì các con thế ấy, các con có sẳn Bản Nguyên ấy thì hãy cố gắng luyện trau để tạo Phật cho chính mình.Các con tu hành dù đắc Pháp Thành Đạo,
vẫn phải cẩn trọng đừng để vướng vấp điều chi với thế gian, dù là một việc nhỏ, một lời hứa với ai cũng phải thực hiện cho tròn. Các con lúc gần Thành Đạo dù vướng một nghiệp nào dù nặng dù nhẹ cũng phải trả rồi mới đặng thành.
Thần vốn dĩ có sức nóng mà không có Ánh Sáng, vì sức nóng là Hồng Quân, Khí là vô hình trùm khắp nhưng Tánh mát mẻ dịu hiền là Vô Cực Từ Tôn Kim Mẫu. Hai năng lực một Nhiệt một Hàn ấy hiệp lại phát sinh ra Ánh Sáng đó là Nhựt Quang. Mặt Nhựt sáng là nhờ Khinh Khí, nếu không có Khinh Khí thì không sáng bao giờ. Ví như ngọn đèn sáng là nhờ Dưỡng Khí, không có Dưỡng Khí đèn phải tắt. Như vậy:
Cái Sáng thuộc về Khí – Cái Nóng thuộc về Thần.
Thần Khí hiệp sanh ra ánh sáng là Đại Linh Quang, là Thiên Bồng Chánh Khí, là Đinh Ba đó. Hai năng lực ấy là Cha – Mẹ, Đại Linh Quang là Con, nhưng lại là Chủ, Chúa Tể Càn Khôn ấy gọi là Đạo Sanh Nhứt.
Người tu phải cẩn ngôn cẩn hạnh, đừng để vướng mắc vào nghiệp trần, có nghiệp thì phải trả, có đau yếu bệnh hoạn đừng than. Vì người tu phải trả sạch quả nghiệp mới được phi thăng. Còn dính một trần, một hạt cát cũng không được. Muốn giải nghiệp thì cũng có cách là phải Tài Bồi Âm Chất, phải lo làm phương tiện, phải phóng sanh, phải bố thí, phải giúp người nghèo khó bằng năng lực tài sức của mình. Thôi! Thầy dạy đêm nay như vậy cũng đã đủ, đêm mai Thầy dạy tiếp.
thăng

Trở lại Mục Lục

  Bủu Minh Ðàn. TÂY DU CHƠN GIẢI .Webmaster Trương Ngọc An