Đàn HÀ THANH Tuất Thời 08.04.AL.86. SONG TU TÁNH MẠNG
Phật Tiên – Yêu Tiên
(Xiển –Triệt Giáo) Thanh Vân Đồng Tử – Tiểu Thánh kính chào Chư Sĩ Đàn Thanh. Tiểu Thánh đắc lệnh báo tin, có Chưởng Giáo lâm Cơ Giáo Đạo, Chư Sĩ Thành Tâm nghinh tiếp
Tiểu Thánh xuất ngoại ứng hầu – kiếu.
Tiếp Điển Thầy mừng các con, Thầy mừng các con môn đồ đệ tử. THI
Con tu một kiếp ráng tròn xong
Cuộc thế khuyên con chớ bận lòng
Dẫu việc chi chi con cũng ráng
Tứ Thời tập luyện đủ Huyền Công
Vô Cực Đồ Cửu Chuyển Huyền Công – Từ Nhứt Dương Sơ Chuyển đến Cửu Dương phải trải qua nhiều năm mới tới Đích.
Một Hơi Thở là luân chuyển một vòng, một vòng tròn gọi là Vô Cực, mà 9 vòng tròn cũng là 1 vòng. Một Hơi Thở cũng đủ 9 vòng tròn, cho nên gọi là Vô Cực Đồ.
Chữ Vô Cực có nghĩa là Vô Cùng, nhỏ nhất cũng là hình tròn mà lớn nhất cũng là hình tròn.
Vô Cực Đồ Thiên Biến Vạn Hoá, Đạo là “Kỳ Đại Vô Ngoại – Kỳ Tiểu Vô Nội” nghĩa là không chi lớn bằng nó, không chi nhỏ bằng nó, lớn vô tận mà cũng nhỏ vô tận.
Hơi Thở là một nhiệm mầu khó giải minh. Cửu Chuyển tuy phân rành 9 lớp Huyền Công cao thấp, Thanh - Trược khác nhau, nhưng mà khó phân, vì nó không có chỗ chia phân, liền một lúc gọi là Hư Vô Chi Khí.
Hồi sanh tiền Thầy không có phân Nhứt Bộ, Nhị Bộ, hay Nhứt Chuyển, Cửu Chuyển gì cả. Tuy trong Đại Thừa Chơn Giáo, Đại Từ Phụ cùng Tam Giáo Thánh Nhân phân ra Cửu Chuyển, nhưng đó chỉ là trong Thánh Giáo, còn trong chổ Hành Pháp thì Thầy chỉ dạy có một cách mà thôi.
Phải biết rằng trong cuộc luân chuyển Càn – Khôn cơ vận hành mới đắc chỉ là một vòng tròn, cứ thế chuyển mãi không ngừng từ thuỷ chí chung, không hề thay đổi, nên mới gọi “Phật Nhựt Tăng Huy – Pháp Luân Thường Chuyển”. Người học Đạo chưa thông yếu lý, bất thức Thiên Cơ mầu nhiệm, biến sanh đa pháp, tự mình đang trong chỗ Chánh Pháp mà lạc nẻo Bàng Môn, tưởng mình là giỏi chứ có dè đâu sanh tệ.
Ta quyết dạy các con một điều là phải Nhứt Tâm Thành Ý, đừng vọng niệm.
Đừng nói Nhứt Bộ Nhị Bộ gì cả, càng lý luận nọ này càng sanh tệ.
Thầy đã giảng Đào Tiên có ba thứ ở ba hạng tuổi. Ai sớm biết bảo trọng Bửu Linh,
giữ được Đào Thượng dâng lên Thầy là rất quý, nhưng mà ít làm được.
Sanh ra trong chỗ trần lao, mới bước chân vào đời mấy ai biết Đạo, nên phải hao mất Chơn Nguyên, Tinh Ba thất xuất, nên Thầy gọi là Yêu Hầu ăn mất phần Đào Thượng 9000 năm.
Tuy nhiên con người có lầm rồi mới biết, chừng thức tỉnh hồi đầu mới biết Bảo Ngươn Dưỡng Khí tu hành, thì ở hạng tuổi nào cũng tốt, bất luận con nào tuổi nào biết lo tu trở về hội hiệp cùng Thầy là Thầy mừng lắm, yêu thương lắm.
Các con khá hiểu rằng dối với người tu Pháp, lòng phải dứt khoát việc trần, không sanh vọng niệm, đừng nghĩ kiếp sau, phải cố gắng một kiếp này “Tu Cho Thành Đạo, Thoát Khỏi Hồng Trần”. Lòng đinh ninh có một việc ấy mà thôi. Phải gắng luyện cho được Hằng Tâm. Bị việc đời chi phối, ngoại cảnh tác động thì thân Tâm điên đảo, chẳng an, vì thế mà chỗ công phu lâu kết quả. Các con tu đã lâu mà trần niệm chưa dứt, công phu chiếu lệ, hành động chẳng khác chi đời, rồi trách sao mình tu lâu mà không thấy Huyền Diệu, rồi đổ thừa tại Pháp này vầy, Pháp kia nọ khác, sanh ra bán tín bán nghi, ấy là tu mà chẳng Nhứt Tâm, chẳng Chí Thành, lòng chưa thiệt, làm Tiên làm Phật cũng ham, mà làm Ma làm Quỷ cũng muốn.
Phải biết rằng Đạo là chí quý chí trọng.
Khó lắm thay! Khó lắm thay! Nhưng người quân tử lập chí tu hành đâu vì sự khó khăn mà đổi dạ. Đã muốn làm Tiên làm Phật phải dứt lòng trần, phải dụng Chí Đại Hùng để thắng Thiên Ma Vạn Quỷ, lòng không uỷ mị yếu hèn để phải thua sức Yêu Tinh. Phật phải thắng Yêu, đừng để Yêu thắng Phật.
Hành Giả ăn Đào, Tiên Phật cũng ăn Đào, cùng một cách ăn như nhau, mà Tiên Phật thì phải phép, còn Yêu Hầu thì trái phép.
Bởi Đào Tiên là vật Chí Linh Chí Bửu, chúng sanh dụng thì Đào ấy qui phàm, chẳng phải là Trường Sanh Đại Dược nữa. Thế nên Yêu Hầu ăn chẳng quý, Phàm Thánh khác nhau, Phật Yêu có khác, gọi chung là chúng sanh, đều có tham vọng đoạt báu Tiên Thiên mà Tâm phàm Tánh tục, Lòng Ma Tánh Muội thì làm sao đặng Thành Đơn, Đào Tiên hoá phàm, đâu được Trường Sanh Bất Tử.
Tác dụng của Kim Đơn là như thế. Dù là Tiên Phật đã kết Đơn mà nếu còn vọng niệm hồng trần thì Đơn Dược kia cũng hoá ra hư hỏng. Ấy gọi là “Đạo Thành Tại Tâm, Chẳng Tại Pháp”. Cái Tâm còn Tà thì sự chi cũng Tà, dẫu Hườn Đơn rồi mà Tâm phàm còn vọng thì Kim Đơn cũng mất như thường.
Đoạn Hành Giả vô làm lỡ Hội Bàn Đào, rồi lạc đường tới Cung Đâu Suất chỗ Thái Thượng Lão Quân ở, thừa lúc Thái Thượng vắng mặt lại uống hết hai bầu Kim Đơn của Thái Thượng.
Như bậc Thái Thượng Lão Quân mà còn hơ hỏng để mất Kim Đơn thay! Vậy các con thì sao?
Bởi Thái Thượng Lão Quân là Hằng Tâm, chủ quản Khí Thái Hòa Cung Đâu Suất, bảo quản Kim Đơn đã Thành mà Thái Thượng vắng mặt tức là ám chỉ Người đã mất Hằng Tâm, bị Yêu Hầu uống trộm là chỉ Phàm Tâm vọng động, nuốt hết hai bầu Kim Đơn.
Người tu phải thận trọng chỗ này, nhất là các con tu lâu, tưởng rằng tu là mình công phu trọn vẹn thì không mất mát điều gì. Phải coi chừng cái Vọng Tâm của các con, bởi vì con chưa có Hằng Tâm là cũng như Thái Thượng Lão Quân vắng mặt, thì Phàm Tâm vọng động sẽ làm mất Kim Đơn của các con.
Phàm Tâm vọng thì Kim Đơn thất tán. Khó lắm thay!!! Bởi vậy người tu phải giữ lòng cho chặt, phút phút chẳng rời, thời thời thường giữ, phản chiếu hồi quan, giữ chỗ Đơn Trung, gìn nơi Chánh Ý, chớ khá lãng xao!!!Tóm lại chừng nào
các con có được Hằng Tâm rồi thì Thầy không sợ cho con nữa. Còn chưa chủ được cái Tâm thì chỗ công phu khó mong kết quả.
Khó nhứt là cái Tâm, chẳng phải Pháp khó. Bởi vậy trước phải tu Tánh rồi sau mới luyện Mạng.
Trước phải lập Hạnh trọn lành, xem vạn sự giai không, hồi quan tỉnh sát ngay chỗ Đơn Trung (rún). Đơn Trung là ngay chính giữa, là Trung Đạo, Trung Quốc Chi Tâm, Mồ Kỷ Thổ. Chơn Ý thuộc Thổ, Chơn Ý là Hằng Tâm thuộc Sắc Vàng gọi là Thái Thượng Lão Quân hay Hoàng Cực Chủ Nhơn cũng thế, đó gọi là Hằng Tâm.
Người tu trước phải Tu Tánh, là phải thâu cái Vọng Tâm, chế ngự Lục Căn cho Chơn Tánh Thuận Thiên, thì Luyện Mạng mới mong kết quả. Bởi Tánh là Chủ Nhơn Ông, hễ Tánh phục hườn chỗ Tiên Thiên thì Luyện Mạng mới đắc Kim Thân Thánh Thể.
Luyện Mạng thì dễ, Tu Tánh thì rất khó.
Người tu trước phải tu Tánh cho đặng Viên Mãn, sau Luyện Mạng mới thành công.
Tuy luận là như thế, nhưng biết đến bao giờ tu Tánh mới trọn vẹn. Vì thế mà phải biết Song Tu Tánh Mạng, nên nhớ dẫu bực đã đắc Kim Thân mà còn vọng niệm cũng không thể nào nhập vào Thượng Thiên Chi Cảnh, vẫn chưa thoát được hồng trần.
Pháp môn là tạo Kim Thân Phật Tử.
Còn Giải Thoát là tự Tâm Mình.
Lý Đạo thật nhiệm mầu!!! Chỉ có con nào Nhứt Tâm, Nhứt Đức, lòng lo Giải Thoát mới đặng kết Kim Thân, Đại Đơn mới Thành. Còn con nào luyến trần, dẫu có công phu mấy cũng không mong Giải Thoát, dẫu cho giữ vẹn trường chay – công phu đi nữa, lúc mãn kiếp cũng chỉ làm Tiên Thiên một lúc rồi phải luân hồi trở lại.
Lòng trần chẳng dứt thì phải tái kiếp lai sinh, phải đọan Căn Tâm thì luyện Pháp mới mong kết quả. Phải coi chừng Yêu Hầu trở Tánh quen thói Yêu Tinh.
Vì thế đó cho nên Hành Giả bị phép Phật là Kim Cô niền đầu chẳng cho rời là thế, để gìn chặt cái Tâm, Phàm Tâm không động, dù Tánh Quỷ có tráo trở muốn tháo lui cũng không được, chỉ còn một đuờng là Thẳng Lối Tây Phương.
Kim Cô niền đầu Hành Giả chính là Thần Quan Phản Chiếu gìn giữ cái Tâm chẳng lìa, không cho vọng tưởng động loạn, khi ấy Ngộ Không tùng phép Phật, chúng sanh dụng trở thành Phật dụng.
Dĩ Yêu phục Yêu, dùng sức mạnh của Ngộ Không mà Luyện Tinh Hóa Khí.
Cái Đạo ngày xưa là phổ truyền, độ hết chúng sanh. Người Đắc Đạo mà loài Thú cũng ngộ Đạo. Song Pháp Đạo chia làm 2 cơ:
Một là Xiển Giáo
Một là Triệt Giáo
Xiển Giáo là do Thái Thượng, Ngươn Thủy làm chủ, chỉ độ bực Nguyên Nhơn, lựa người có căn kiếp mà truyền Đạo, cũng gọi là Xiển Độ.Triệt Giáo do đức Thông Thiên Giáo Chủ
để độ thú căn cho đặng Thành Đạo. Triệt cũng có nghĩa là Tận Độ.
Ngày nay cũng thế, Đạo cũng phân làm 2 cơ: Tuyển Độ và Tận Độ.
Cho nên có Pháp của Thầy rồi cũng có những pháp môn khác. Song pháp nào tu cũng đặng nếu Thành Tâm.
Xưa thuở Phong Thần, Xiển – Triệt ra thi thì phần đông đệ tử Bích Du Cung (Triệt Giáo) đều bị Phong Thần. Chẳng phải vì ĐẠI TỪ PHỤ hay ĐỨC LÃO TỔ có ý thiên vị, mà Xiển Giáo đặng Thành Chơn, còn Triệt Giáo bị Phong Thần. Song giữa Xiển và Triệt căn đức chẳng đồng. Hạng Nguyên Nhơn của Xiển Giáo do căn đầy quả đủ nên được vào hàng Tiên Phật.
Còn bên Triệt vì các Yêu Tiên còn mang Thú Tánh, có ý là chưa đặng đoạt Phẩm Nhơn mà là ngộ Đạo cũng đắc Kim Thân. Nhưng Thú Tánh chưa trọn lành, chưa đặng Thuần Chơn, chưa đoạt chỗ Tiên Thiên Chi Bổn, lòng ham tranh đấu, háo thắng, ỷ giỏi , khoe tài, đối đầu cùng Xiển Giáo tranh đấu thấp cao. Rốt cuộc Chánh thắng Tà, căn nào hườn phẩm ấy.
Bởi vì cái Đạo là do Âm – Dương, người kết Kim Thân cũng từ chỗ Âm – Dương mà thành Thánh Thai, kết Kim Thân cũng từ chỗ đó.
Thú khi mà lòng Thanh Tịnh rồi, cũng Kiến Tánh, cũng Kiến Ngẫu Cơ, cũng đắc Minh Châu, cũng hườn Xá Lợi. Từ xưa các loài Linh Thú Đắc Đạo đều kết Bửu Châu, đó gọi là Thú Đắc Kim Thân vậy. Sư Tử cũng Kết Châu, Rồng cũng Kết Châu.Nói tóm lại loài nào cũng có thể Đắc Đạo
Đạo vốn không phân biệt Người – Thú, nhưng mà có phẩm bực khác nhau, vì thế ngôi vị chẳng đồng. Lại nữa, Triệt Giáo vốn là Tiên Thú, thành Tiên mà Cốt vẫn Thú,
Tánh Hạnh chẳng Từ Bi, lòng chẳng Chơn nên chẳng đồng vị Tiên Phật Đặng,
ấy gọi là Yêu Tiên, là Triệt Giáo.
Các Đạo ngày nay không khác hơn xưa, Thầy cũng mở cơ Tuyển Độ và Tận Độ.
Có nhiều Cơ Pháp, song bực Nguyên Nhơn thì khiến gặp đặng Chánh Pháp, vào Cơ Tuyển Độ. Còn bực Hóa Nhơn là hàng Thú mới được lên làm Người, mà có lòng lành muốn Tu thì cũng Tu đặng, nhưng phẩm vị có thấp hơn. Thầy cũng mở trường công quả để các con bồi công lập quả, tạo âm chất bằng hình thức này hay hình thức khác để xây nền đắp móng, tạo duyên.
Cơ Tận Độ ngày nay cũng khá thịnh hành, người tu Pháp cũng nhiều, cũng nhiều người tu có kết quả.
Tuy gọi rằng Cơ Tận Độ, kẻ Hành Giả có khác với Yêu Tiên ngày trước, nghĩa là: Thú cũng
chuyển làm Người, thì sự kết Đơn cũng giống như Xiển Độ chứ không phải như Yêu Tiên ngày trước.
Còn mang Cốt Thú mà đắc Kim Thân thì thành Tiên cũng vẫn là Thú như: Đại Bàng Điểu, Bạch Tượng, Kim Tước, Thanh Sư, Kim Mao Hầu,…, Thuở Phong Thần chẳng hạn. Dù tiến hóa thế nào nhưng Nguyên Cốt vẫn là Thú, dầu được Trường Sanh Bất Tử,
cái Kim Thân chẳng hề thay đổi đặng.
Thầy là Đấng Chí Tôn thì chẳng phân biệt gì, vì tất cả đều là con cái Thầy. Đại Từ Phụ thương hết chúng sanh dù là Phật Tiên hay Yêu Tiên, thì tình thương của Thầy chẳng khác. Phải biết rằng, ngày nay các con ngộ Đạo nhưng đâu có biết mình là Nguyên Nhơn hay Hóa Nhơn. Vì thế cần trau luyện cái Tánh cho Thuần Lương. Nếu không tu Tánh, sân si tật đố vẫn còn, thì Tánh Hạnh ấy chẳng phải của bậc Nguyên Nhơn,
Chơn Nhơn. Các con khá hiểu!
THI
Đại Đạo nguyên lai nhứt mạch đồng
Tu hành khá hiểu chỗ Chơn Không
Chơn Không Diệu Hữu hai mà một
Xiển – Triệt phân chia ấy tại lòng.
Thăng.