![]()
Đàn Thanh Tuất Thời 12.05.AL.86. ĐÀO VIÊN – ĐÀO TIÊN (Đào Viên Nhị Cảnh) Ngã – Linh Quang Thổ Địa chào Chư Sĩ Hiền Thanh. Thần Tiên vốn chẳng xa chi Có lòng chiêm ngưỡng tức thì giáng linh.” Ta đến trước chỉnh sắp Cơ Đàn. Đêm nay Chưởng Giáo Tả Kinh. Ta chào Chư Hiền Sĩ, Ngã nhập Thổ. Tiếp điển HÀ THANH CHƯỞNG GIÁO Mừng các con môn đồ đệ tử – Các con an tọa nghe Thầy chỉ giáo. THI Mừng các môn đồ hữu phước duyên Trong khi thế sự phải ưu phiền Biển mê sóng cả đành chôn lấp Thì các con may gặp Pháp Thuyền. THI Thầy Trời khai mở Hội Long Hoa Lừa lọc tinh ba tại Thượng Tòa Phật Thánh Thần Tiên đều đủ mặt Công thành Cửu Phẩm Bửu Liên Hoa Thiên Đường mở lối mau tìm đến Địa ngục cảnh này kíp lánh xa Hãy nhớ trần gian là cõi tạm Hư Không kia đó thật quê nhà. Thiên Đàng Địa Ngục cũng nơi Tâm. Tâm sáng suốt thiện từ, đúng đắn là Thiên Đàng. Tâm mê muội vọng tà thì Địa Ngục. Vậy Thiên Đàng Địa Ngục tự nơi Tâm, do bởi người tầm mà nên cảnh ấy. Khi mỗi con bước vào trần thế, Thầy đã ban cho một Chìa Khóa Phép. Chìa Khóa ấy là vật Tối Linh, mọi Huyền Năng Thầy đã truyền vào đó. Ai đủ căn đủ đức, hữu phước túc duyên, được Tiên Phật điểm Huyền thì Chìa Khóa ấy mở cửa Thiên Đàng vào Bạch Ngọc Kinh bái kiến Đại Từ Phụ, Thành Tiên Tác Phật. Ai đức mỏng căn sơ, bị ma quỷ dỗ dành thì Chìa Khóa ấy để dành mở cửa Địa Ngục, đưa người vào trầm luân khổ hải. Một phép ấy mà có hai năng dụng: Giác theo đường Chánh - Mê về nẽo cong. Chìa Khóa ấy khi để vào trong Nghịch Chuyển Chín Vòng khai phá Thiên Môn là Thành Đạo, Thuận Chuyển Chín Vòng thì vào Địa Ngục. Quý báu thay Khóa Phép, mà cũng nguy hiểm thay cho những kẻ dại khờ, vô duyên thiếu phước, cũng vì chẳng thông cách sử dụng, bị ma quỉ dỗ dành mà phải lầm lạc. Tuy nhiên “Pháp Tùy Tâm Khởi”, vô ý mà lạc lầm còn có phương tha thứ, còn kẻ nào đã hiểu rỏ mà vẫn còn hành động theo lối phàm, đi theo lối quỷ thì đành đọa lạc, còn oán trách chi? Tất cả sanh linh đều sống theo Lẽ Đạo, trước phải trải qua hai giai đoạn: 1. Sơ học: Là phải học chỗ “Hậu Thiên Cơ Ngẫu”. Chỗ hữu vi Đạo để tạo công đức, tích lũy âm chất từ nhiều kiếp để vào Đại Học. 2.Đại Học Đường: Là học về “Tiên Thiên Đại Đạo”. Nhưng học trình có giới hạn, hiểm vì căn nguyên muội Tánh cứ mãi đắm mê nơi tình trường dục hải, không đủ nghị lực để lên Bờ Giác, nên phải xuôi dòng nước cuốn theo kiếp trầm luân, mặc dù từ Vô Thỉ đến nay Thầy Trời đã biết mấy phen khai Đạo. Kẻ mê trần nào hay cứ mãi trong vòng lẫn quẫn, không chịu tiến lên, không chịu thoát ra. Ôi! Biết bao lần Trống Lôi Âm giục thúc, Chuông Bạch Ngọc đổ dồn để đánh thức trần mê, kêu gọi Linh Căn phản hồi cựu vị. Nhưng ác hại thay, Ma Quỷ quyền lực trùm khắp thế gian, Linh Căn kiếp kiếp trầm luân ô nhiểm, chìm đắm biết bao! Một tiếng than của Đại Từ Phụ làm Ta rúng động can tràng!!! Thầy đành mất con cái của Thầy không phương cứu vãn, vì con Thầy mà chẳng nghe lời Thầy thì còn biết nói sao? Đành mất con vào tay Ma Quỷ. Nhưng Ma Quỷ có quyền tranh với Thầy, cũng như Người Quân Tử không đặng tranh với Đứa Tiểu Nhơn, mà Đứa Tiểu Nhơn có quyền tranh với Người Quân Tử. Thiên Pháp lạ lùng thay! Nỗi đắng cay đau khổ của Đại Từ Phụ, Từ Mẫu vì bị mất con, Tiên Phật phải chạnh lòng. Nếu các Hiền Đồ mà cảm nhận được thì dẫu cho gan đồng dạ sắt cũng phải rúng động. Chư Phật, Tiên, Thánh, Thần có lắm lúc muốn xin trừng phạt cả thế gian cái tội làm con mà bất hiếu, làm người không biết Cha – Mẹ là ai ? Nhất là Cha – Mẹ linh hồn. Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Phú Đại Nguyện của Thầy dạy rõ “Trước mắt con trăm nẻo nghìn đường, chọn cho đặng một lối thẳng về chốn quê hương, chẳng lầm tà quái giáo…” Thầy mở Đạo, Tiên Phật mở Đạo, Ma Quỷ cũng mở Đạo. Thầy và Tiên Phật đem Chơn Lý dạy đời thức tỉnh tầm tu nhưng không dùng Huyền Diệu để mê hoặc. Còn Tà Đạo, Quỷ Đạo thì không dạy người bằng Chơn Lý, lại dùngThần Thông mê hoặc để cuốn lôi. Có con nào hiểu được Chí Tôn Đại Từ Phụ, con nào một lòng một dạ tưởng nhớ Mẹ – Cha, hiểu rỏ cội nguồn mà Nhất Tâm trở lại? Con số ấy thiệt là quá ít, vì con cái của Thầy hầu hết bị lạc lầm. Đàn qua thầy đã giải rành, gặp Thiên Tinh phải dụng Thiên Pháp. Đừng lầm lẫn với chỗ Thiên Ma mà Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ đã nói “Thiên Ma là kẻ ngoại Đạo, là kẻ cướp giựt con cái trong tay Thầy, nó là Ngoại Tà nhưng cũng có trong Nội Thể các con, đó là lòng vô minh mê muội, là dục vọng của con người, nó làm Tâm Trí các con bị lu mờ mà dang dở công phu, nó là kẻ đối nghịch của Thầy”. Còn Thiên Tinh là phần tinh hoa của Trời Đất gọi là Tinh Tú, cũng có trong nội thể các con, nhữngTinh Tú ấy ở Cung Đẩu Ngưu nơi não bộ, từ chỗ Cung Thần Trích Giáng trốn xuống hạ giới là Yêu, đó gọi là Thiên Tinh làm náo loạn Tâm. Phải dùng Thiên Pháp mà thâu phục nó, hay tìm chủ nó, xuống mà đem nó về. Vậy Thiên Ma với Thiên Tinh là hai việc khác nhau, các con chớ lầm. Còn chỗ “Mộng Kiến Ngẫu Cơ”, đã gọi “Kiến Cơ Nhi Tác” thì là có cảnh, nhưng đó là “Chơn Cảnh Hư Vô”. Bởi các con còn mang nhục thể phàm thân, sao khỏi có lúc Biển lòng sóng dậy. Vợ chồng đang êm ấm, lại phải tuyệt dục để Tu thiệt là khó lắm, khó lắm. Nếu các con cố gắng rèn tu, bền lòng chặc dạ, trong cảnh khó khăn vẫn ôm Đạo chẳng lìa là điều đáng khen. Các con rất dễ bị Tà Kiến, vì lòng phàm hay vọng động, tưởng nhớ thê tình. Khi ngộ cảnh, đối diện với thân tình, tức là các con gặp lại người vợ phàm, đó là Tà Kiến. Ấy cũng bởi bình nhựt các con bị Vọng Tâm tạp tưởng, ấn tượng ấy in sâu trong tiềm thức nên trong lúc kiến cảnh thì hình ảnh ấy hiện ra. Còn Chánh Kiến tức là Tâm không còn vọng tưởng, chẳng luyến thê tình, chẳng lưu nữ sắc, đó là Chánh Kiến. Chánh với Tà thường đi cặp nên các con lúc nào cũng phải Hồi Quan Phản Chiếu quán xét bên trong, như Khổng Thánh đã dạy, là mỗi ngày ta xét lòng ta Ba Lượt mà còn sợ lầm thay! Bậc Chí Thánh đã thế thì các con phải như thế nào? “Pháp Luân Thường Chuyển Huệ Tâm Khai” nghĩa là Chơn Pháp thường chuyển thì Tâm Minh Huệ. Trong một ngày 12 Thời Thần, các con tu có Tứ Thời. Tuy nói Tứ Thời chớ xét ra ít con nào giữ đúng. Các con khá hiểu: Khắc khắc bất ly Đạo bất ly thân Đạo tồn tất sanh Đạo vong tất tử Đạo là Hơi Thở vào ra, Hơi Thở hòa với nhịp Tim để vận hành Nhơn Cơ nội thể, dứt Hơi Thở Hồn lìa khỏi xác. Như vậy thì chẳng phút giây nào mà không có Đạo, Đạo ấy là Chơn Thường Chi Đạo, cũng như máy Trời Đất không bao giờ ngưng nghỉ. Muốn có cái Đạo Thường Hằng, phải luyện cho được Hằng Tâm. Muốn có Hằng Tâm thì Chơn Ý phải Định tại Chơn Không, Thiên Nhơn mới tương ứng với Đạo, Tâm Không Trống Rỗng, dường thể Hư Không. Đó là Hằng Tâm, các con ráng tập. Trong một giờ liền các con giữ được Hằng Tâm thì sẽ Kiến Di Đà Tự Tánh! Xưa học trò Đức Khổng là Nhan Hồi, trong một tháng giữ được Hằng Tâm mà Thành Đạo. Thầy Tăng Tử, Mạnh Tử, Tử Tư chỉ giữ được Hằng Tâm ba ngày, bốn ngày, năm ngày mà nên bực Hiền. Kinh A Di Đà có nói: “ Có Trai Lành Gái Tốt giữ được Hằng Tâm từ một ngày trọn, hai ngày trọn, ba ngày, chí đến bảy ngày trọn thì sẽ Kiến A Di Đà Phật, đến lúc lâm chung sẽ được vãng sanh Cực Lạc Quốc Độ”. Vậy có được Hằng Tâm rồi thì Tiên Phật ở nơi lòng, Di Đà trước mặt nào xa. Giữa lúc tâm thần điên đảo, não sự đa đoan mà có được Hằng Tâm thì chuyển họa ra phúc. Thầy giải thêm chỗ Thuận Sanh tức là từ Vô Sanh Ra Hữu, thì Thánh chuyển ra Phàm, từ Phật biến ra Yêu ở chỗ: Thần hóa Khí – Khí sanh Tinh, đó là thuận sanh, cũng là chỗ Kim sanh Thủy – Thủy sanh Mộc – Mộc sanh Hỏa – Hỏa sanh Thổ – Thổ sanh Kim. Còn nghịch sanh, đem Tinh trở lại Khí, Khí qui Thần, tức là đem Yêu Tinh trở lại Phật, đem Phàm lại Thánh, tức là ở chổ: Thổ sanh Hỏa – Hỏa sanh Mộc – Mộc sanh Thủy – Thủy sanh Kim – Kim sanh Thổ. Đó là chỗ: Tinh hóa Khí – Khí hóa Thần – Thần hườn Hư – Hư hườn Vô. Chơn Thổ tức là Hư Vô, nhập Chơn Thổ tức là nhập Trung Đạo, Càn Khôn ư ngoại. Còn tiêu đề Thầy dạy đêm nay là “Đào Viên Nhị Cảnh” tức là Hai Cảnh Đào Viên, nhơn thân tự hữu. Vị Hầu Vương là Yêu Chúa mà giữ cảnh Đào Viên nên phần Đào Thượng thứ 9000 năm bị Hầu Vương cướp hết. Khi lập Hội, Tiên Nữ hái Đào thì chỉ còn Đào Trung và Đào Hạ, thứ 6000 và 3000 năm mà thôi. Thậm chí còn phá tan Bàn Đào Hội, uống hết Quỳnh Tiên Tửu một cách bừa bãi là cho Tiên Phật phải ngỡ ngàng, Bàn Đào Hội phải bỏ dỡ, phải trễ kỳ duyên. Ba hạng Đào Thượng – Trung – Hạ đó là ba hạng người tại thế, cũng là ba giai đoạn trên bước đường đời của các con. Nếu con nào sớm giác ngộ tầm tu, ấu niên xuất gia, tuổi trẻ hy sinh, phế đời hành Đạo, thì là còn giữ nguyên Đào Thượng 9000 năm. Đào Thượng 9000 năm đó là giai đoạn ấu niên tu hành, còn giữ được Ngươn Tinh Chí Bửu Trường Sanh. Kịp đến lúc các con giác ngộ tu hành thì phần Đào Thượng đã hết, chỉ còn Đào Trung với Hạ mà thôi, nhưng như vậy vẫn còn là khá. Như trung niên tu hành thì còn giữ được Đào Trung 6000 năm. Như đến lớn tuổi mới giác ngộ thì chỉ còn phần Đào Hạ thứ 3000 năm. Tuy nhiên lòng Từ Bi Vô Lượng của Đại Từ Phụ lúc nào cũng mong mỏi đợi con về, miễn con về tới nơi gặp mặt Thầy hiến dâng lên Thầy Đào Hạ, Đào Trung vẫn quý, Thầy rất vui mừng mà chờ đợi các con. Ba loại đào ấy giá trị khác nhau, sự mầu nhiệm khác nhau, do ở chổ các con biết Bảo Nguyên Thủ Nhứt, nhưng mà duyên phần mỗi con còn giữ được một phần cũng được Hồng Ân Thiên Phụ. Đào thượng là ở tuổi từ 16 đến 32 Đào trung là ở tuổi từ 32 đến 48 Đào hạ là ở tuổi từ 48 đến 64. Quá tuổi nầy thì không còn gì để tu luyện, dẫu có Thọ Pháp Tu Hành cũng không kết quả vì đã mất hết Ba Ngươn rồi đâu còn chi để Hiến Dâng Từ Phụ. Nhưng dẫu thế mặc lòng, nếu con nào Trường Chay trọn vẹn thì cũng được lằng Thanh Khí của Thầy ban bố lúc thoát xác, được trở lại hiệp cùng Thầy, cùng Thiên Điển, được làm Thần Tiên từ 500 năm đến 1500 năm tuỳ theo Âm Đức. Trong chỗ Đạo Pháp hiện hành, các môn đồ đệ tử tuy học chung một pháp mà kẻ hành thế này người thế khác chẳng ai giống ai. Vì sao? Đạo tuy một thể nhưng có thấp có cao, chỗ hành chẳng giống nhau là vậy. Chỗ yếu diệu nhiệm màu là Hơi Thở, là Đạo khí. Trong chỗ Khí lại phân ra nhiều từng nhiều lớp, Thanh Trược khác nhau, thấp cao đẳng bực từ Nhất Chuyển đến Cửu Chuyển, từ Nhất Dương đến Cửu Dương, Hơi Thở biến ảo khôn lường, Hơi Thở của mỗi con đều khác. Một Hơi Thở nhiệm mầu mà Huyền Công chín lớp khác nhau. Từ Nhứt Dương Sơ Chuyển thì Hơi Thở đi sâu đó là giai đoạn đầu Sang Nhị Chuyển diệu mầu ứng lộ Bế Ngũ Quan Tứ Tổ qui gia Âm – Dương thăng giáng điều hoà Huân chưng đầm ấm Tam Hoa kết hườn. Vào Nhị Luân hơi thở đã đổi khác, cứ như thế đủ Chín Lớp Huyền Công Cửu Chuyển thì Đạo đã Thuần Dương qua khỏi 9 từng Trời hiệp cùng Thái Cực là Thượng Đế, tức là đắc Phật. Càng tu càng thấy nhiệm mầu Huyền Vi ẩn hiện giữa bầu Càn Khôn Trải qua mấy cảnh Hư Không Càng cao càng thấy trắng trong nhẹ nhàng Tuỳ theo công quả thế gian Công thành Thiên Phụ thưởng ban có phần Mỗi con khi học Đạo thì Thầy đã cấp Long Thần giữ gìn sớm tối chẳng rời để mà dìu dắt nhắc nhở các con khỏi điều tai nạn, nhưng nếu các con có nghiệp quả thì cũng phải để cho các con trả cho hợp lẽ công bình. Chỉ con nào đã quên Thầy, không còn nghe lời Thầy, bỏ công phu nghĩa là đã sa chước Ma Quỷ dỗ dành, thì Long Thần, Hộ Pháp, Yết Đế, Già Lam, Lục Đinh, Lục Giáp, Tứ Trị, Công Tào Sứ Giả có bổn phận nhắc nhở BA LƯỢT, nếu không được thì các vị Thần ấy sẽ bỏ về trình lên Thiên Phụ thì con ấy coi như mất Đạo… Thôi Thầy giã từ các con, Thầy lui Điển. Thăng!
|