Đàn Thanh -Tuất Thời ngày 09.12.85(AL) CÂY TÙNG – QUẠT BA TIÊU – NHƠN SÂM HÀ THANH CHƯỞNG GIÁO
Thầy mừng các con, giờ hội diện các môn đồ, Thầy hoan hỉ miễn phép, các con bình thân an tọa! THI
Tu phải tịnh lòng trí mới minh
Tâm linh khai phóng diệu quang minh
Điển từ chiếu diệu Tâm Minh Huệ
Phàm Thánh Phật Yêu mới lộ hình.
Phật với Yêu là Tánh với Tình
Phật là Thiên Tánh diệu quang minh
Yêu là tinh quái hay mê muội
Phật phải độ Yêu thoát Lưới Tình
Nhơn Thân chính là Thái Cực Đồ. Lúc chưa sanh là hồi Vô Cực. Kịp đến khi tinh cha huyết mẹ hình thành nhơn thể, đó gọi là Vô Cực sanh Thái Cực. Trong thân con người gồm đủ Thiên Địa Nhơn. Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái, Bát Quái hiện Ngũ Hành. Các con thọ pháp tu kỷ hành công, luyện Ngũ Tinh thành Ngũ Khí, Ngũ Khí hóa Ngũ Thần, tức Ngũ Quan triều Đảnh Thượng. Thân người là bộ máy huyền vi, là bộ máy Thiên Cơ thu nhỏ lại, Thiên hữu chi thì Nhơn hữu chi, các con khá hiểu.
Đàn qua Thầy dạy về Tả Hữu Hiệp Chưởng, đó là Ngoại Quan Chi Củ, còn nội thể tức thị Ngũ Khí với Ngũ Hành, Tiên Thiên với Hậu Thiên. Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy Đại Từ Phụ có giải về Tiên Thiên Ngũ Khí, Hậu Thiên Ngũ Hành, Tam Thanh Thập Tự, Ngũ Khí Triều Ngươn, nay Thầy giải thêm cho các con rỏ thông yếu lý.
* Thiên Nhứt Sanh Thủy - Địa Lục Thành Chi. Khi phân định Càn Khôn, Thanh thăng – Trược giáng, Thanh dã vi Thiên, Trược ngưng vi Địa, tức là Trời Đất, hay gọi là Lưỡng Nghi. “Thiên Nhứt Sanh Thủy, Địa Lục Thành Chi”. Một ở Trời là Thủy Khí, sáu ở Đất là Nước, đó gọi là Nhứt Sanh Thủy, Lục Thành Chi. Thiên Nhứt Sanh Thủy là Thận thuộc Trời, Địa Lục Thành Chi là Bàng Quang thuộc Đất. Trời là Tiên Thiên, Đất là Hậu Thiên.
* Địa Nhị Sanh Hỏa – Thiên Thất Thành Chi. Số 2 của Đất là Lửa, số 7 của Trời là Hạo Nhiên Khí. Địa Nhị Sanh Hỏa, Lửa của Đất gọi là Tiểu Trường. Thiên Thất Thành Chi, Hạo Nhiên Khí của Trời là Thiên thuộc Tâm.
* Thiên Tam Sanh Mộc - Địa Bát Thành Chi. Khinh Khí của Trời là số 3 thuộc Can. Mộc Tinh của Đất là số 8 thuộc Đởm.
* Địa Tứ Sanh Kim - Thiên Cửu Thành Chi. Đất số 4 sanh Kim là Đại Trường. Trời số 9 là khoáng khí thuộc Phế.
* Thiên Ngũ Sanh Thổ - Địa Thập Thành Chí. Trời số 5 là Thổ Khí thuộc Tỳ. Đất số 10 thuộc Địa là Vị.
Vậy Ngũ Khí của Trời là: Tâm – Can – Tỳ – Phế – Thận. Ngũ Tinh của Đất là: Đởm – Vị – Đại Trường – Tiểu Trường – Bàng Quang.
Đó là Nội Tạng Chi Cơ. Lại còn có Thượng Tiêu – Trung tiêu – Hạ Tiêu. Tam Tiêu tương thể nhơn đồng Tam Thanh Khí của Trời. Tam Thanh tức là Tam Thiên Thế Giới. Hậu Đốc, Tiền Nhâm lưỡng mạch là một vòng Đại Châu Thiên, cũng gọi là Vô Cực Đồ. Mồ Kỷ Trung Ương là Hoàng Cực Chủ Nhơn là Thái Cực Cung.
Đàn qua Thầy giải về Hồng Hài Nhi là Lửa Dục Là Đệ Tam Hoả. Nay Thầy giải về Lửa Sân là Nộ Khí. Phàm kẻ tu hành mà còn Sân Hỏa thì Đạo cũng nan thành. Hỏa Diệm Sơn tức là núi lửa của Lòng, Đạo hay Đời ai cũng có, nó rất là độc hại, vì hễ Tâm phát hỏa thì phải trái nan phân, lúc lửa giận cháy bùng thì trí khôn chẳng có.
Có câu :
Sân tại Tâm Trung Hỏa
Năng tiêu Công Đức Lâm
Dục thành Bồ Tát Đạo
Nhẫn nhục hộ Chơn Tâm.
Trước Thầy dạy về ba cái Tâm vốn có sự tương đồng, tương ứng, nay Thầy dạy ba thứ lửa cũng thế. Hồng Hài Nhi có Tam Muội Hỏa là do luyện trong Hỏa Diệm Sơn mà có. Hỏa Diệm Sơn sở dĩ có là từ Lửa Cung Ly rơi xuống từ lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân. Lúc Hành Giả náo Thiên Cung bị nhốt trong lò Bát Quái, đó là Luyện Thần 49 ngày. Nhờ ở trong lò Bát Quái Ngộ Không có được Mắt Lửa Tròng Vàng. Đó gọi là Lửa Cung Ly để khi phò Đường Tăng thần lực ấy mới thắng được Quần Yêu, gọi là Luyện Tinh Hoá Khí. Còn Hỏa Diệm Sơn: tức là lửa lòng cản lối Tây Phương, con đường ấy là duy nhất không còn con đường nào khác.
Đây là một cuộc tương tranh cũng giống như một cuộc tranh đấu giữa Tâm và Thức, Ngộ Không với Lục Nhĩ Hầu. Đoạn này cũng thế, Ngưu Ma Vương ngang tài Hành Giả, chổ này cũng là cái Tâm, nhưng là Tâm Giác với Tâm Mê, Tâm Giác theo Đường Chánh, Mê về nẽo cong. Bởi mê nên lửa lòng cháy mãi. Lại đợi cho dân chúng mỗi năm thỉnh cầu một lần mới quạt dùm cho một ít quạt, cho Hỏa Diệm Sơn tạm thời được tắt cho dân làm mùa. Để người yêu sách thỉnh cầu, để mong thâu cái lợi là Tâm Ích Kỷ, ấy gọi là Mê Tâm. Lửa Sân là Lửa Giận, là Tâm Mê, là lòng cố chấp. Lửa này là Cha của Lửa Dục, cho nên Ngưu Ma Vương sanh ra Hồng Hài Nhi tức là Đệ Tam Hỏa vậy.
Hành Giả Ngộ Không với Ngưu Ma Vương là tình cố cựu, là bạn lúc xưa khi còn là Yêu Quái. Còn mượn quạt là cầu phép trị hỏa của Thiết Phiến Công Chúa. Thiết Phiến Công Chúa là Tiên Nữ hạ trần, Tiên mà hạ trần làm yêu tức là Thần Hoá Khí. Khí này là Canh Tân Kim thuộc Phế với Đại Trường như đã giải ở trên.
Canh Kim tức là Khí Tiên Nữ. Khí có Chánh Khí, Tà Khí, có Tiên Thiên Khí, Hậu Thiên Khí cho nên quạt thiệt quạt giả là ở đó.
Quạt giả là Hậu Thiên Khí, quạt thiệt là Tiên Thiên Khí. Quạt giả thì lại làm cho Hỏa Diệm Sơn càng cháy mạnh. Bởi vì Tâm chẳng định còn tạp tưởng trần lao, tức thị Hồng Trần Khí là Khí Hậu Thiên. Hỏa Diệm Sơn khi gặp khí này thì càng thêm cháy mạnh. Con người lúc lửa giận bùng cháy tức là lúc Tâm chưa định, lòng chẳng tỉnh nên Ý mới sân, tại vì Hồng Trần Khí làm cho lửa kia bốc cháy. Còn Quạt thiệt là lúc Tâm đang sân hận mà các con Định Được Cái Tâm. Tâm Không Trống Rỗng,
Khí Tiên Thiên ứng hiện vào lòng. Sân Hỏa ấy tức thì lắng dịu đó gọi là Quạt Ba Tiêu thiệt trị dứt Hỏa Diệm Sơn. Trong Ba Hơi Hô Hấp là dập tắt lửa lòng đó gọi là quạt luôn ba quạt.Còn muốn dập
t ắt hẳn lửa ấy không còn tái phát thì phải vận Tiên Thiên Khí 49 lượt, tức là quạt đủ 49 lần.
Bạch:Nhờ Thầy giải phải Vận Khí Tiên Thiên như thế nào ?Tâm tại Thiên bất vọng Hồng Trần tạp tưởng,
Tâm Không Trống Rỗng thì Tiên Thiên Khí thể hiện vào trong. Một hơi Hô Hấp như vậy là quạt một cái, được 49 lần như vậy thì Lửa Sân dứt tuyệt không còn tái phát. Nhưng trong hàng môn nhơn đệ tử, dù có hiểu được yếu lý đi chăng nữa cũng khó có ai tiếp thu cho trọn để quạt đủ 49 lần Hô Hấp Chân Thân. Thành thử Hỏa Diệm Sơn của các con cháy rồi lại tắt, tắt rồi lại cháy, cháy đi cháy lại chẳng dứt lửa lòng, cứ đi lòng vòng khó thấy Tây Phương. Vậy lửa lòng là lửa độc hại, vì đối với người công phu luyện Đạo mà chưa quạt tắt được lửa lòng thì Kim Đơn khó mong thành tựu, có kẻ tu trọn đời mà không kết quả là vậy đó.
Cuối cùng ai thắng được Ngưu Ma Vương?
Chính là Na Tra, vì Na Tra là Linh Châu Tử, là Thần Quang, Na Tra là lửa Trời Thiên Tướng tức thị Cung Ly Hỏa. Lửa Trời gọi là Nghĩa Lý Chi Nộ. Cái nóng của Chơn Hỏa Cung Ly là cái nóng vì lẽ phải, vì lễ nghĩa ( đàn áp Ngưu Ma Vương là Huyết Khí Chi Nộ). Ấy vậy người Tu giận vì lễ nghĩa thì được mà giận vì huyết khí thì không nên ( Huyết Khí Chi Nộ bất khả hữu, Nghĩa Lý Chi Nộ bất khả vô). Khi Lý Trí Na Tra thắng được Tâm Mê, hàng phục Ngưu Ma Vương, bắt về cõi Phật tức là Khí Hóa Thần, Mê hườn Giác.
Ngộ Không được Thầy truyền Thất Thập Nhị Huyền Công biến hóa đủ cách. Vậy mà khi hóa ra cây Tùng thì bị Thầy đuổi. Đây là chỗ yếu diệu, vì cây Tùng là Nguồn gốc con người, biết được cây Tùng là Ngộ Đạo.
Chư Tiên đắc Đạo do Tùng Bá
Thích Ca đắc Đạo tại cội Bồ Đề.
Vậy thì Tùng ở đâu? Cội Bồ Đề ở chỗ nào?
Mỗi con đều có một cội Bồ Đề, Phật ngồi tại gốc Bồ Đề hào quang tỏa chiếu, đến giờ Tý là Bồ Đề rực sáng, yêu tinh xuất hiện. Thích Ca Như Lai dụng Thần Quang hàng phục yêu tinh, đó là giờ Tý các con công phu hào quang chiếu sáng xuống gốc Bồ Đề, Thâu Yêu là Tinh kia hóa Khí, Huyền Vi Yếu Lý, Tiên Phật chẳng hai, Tiên Phật đã bày, Phật Tông rõ mối, thảy đều tu cội, là Gốc Bồ Đề.
Đoạn nói Thầy trò Tam Tạng đến Vạn Thọ Sơn, cây Nhơn Sâm cũng là lý này. Nhơn Sâm là vật Chí Bảo, trái Nhơn Sâm giống đứa hài nhi còn nhỏ, hiện ra vào giờ Tý. Ngộ Không không biết cách hái làm rớt mất Nhơn Sâm, còn biết cách hái là dùng móc bằng Vàng, chậu bằng sứ mà hứng thì không mất. Theo Ý chỉ Công Phu là dụng Thần Quang hạ chiếu Đơn Điền thì hái được Nhơn Sâm. Hái Nhơn Sâm, ăn Nhơn Sâm cũng là phép Luyện Tinh Hóa Khí, vì không biết hái nên dùng Thiết Bảng đập bừa. Bởi Nhơn Sâm là Tinh, Thiết Bảng thuộc Kim, Kim năng sanh Thủy, Nhơn Sâm thuộc Thủy. Lúc Kim Khí thạnh, Kim sanh Thủy thì Thủy tràn, mất Nhơn Sâm gọi là Tinh Tẩu Lậu.
Còn Nhơn Sâm nhập Thổ biến mất, đó là Ý Pháp, do phàm ý phàm tâm dục khởi, Nhơn Sâm nhập Thổ mất là do bởi Nữ Nhơn. Do bởi Trấn Nguyên Đại Tiên vắng mặt, tánh phàm lí lắc phá hoại Nhơn Sâm. Hành Giả sai lầm, Nhơn Sâm mất dạng. Đã vậy, khi bị hai đồng tử phát giác mắng nhiếc kẻ gian, Hành Giả ngang tàng phá hư cây báu, Nhơn Sâm trốc gốc phải tính làm sao?
Ai cứu được Nhơn Sâm? Cũng chính là Huyền Công Bát Nhã Ba La Mật Cam Lồ Thủy mới cứu sống được Cội Nhơn Sâm.
Ý chỗ này là vì phàm tâm dục tánh luyến sự hồng trần, lại tánh hung hăng làm cho cây lành phải chết. Con người do mê đắm trần tình, đến nỗi cội kia phải ngã, thân người tàn tạ, Tinh Khí Tiêu Hao! Vậy phải làm sao? Bảo Ngươn – Dưỡng Khí – Hành Công Luyện Kỷ, hứng được Nhơn Sâm mới khỏi sai lầm hậu thiên tình lụy.
Mấy lời Thầy chỉ, các trẻ ráng tường minh.
Thăng.