THUYẾT PHÁP THIỀN
ĐỨC XÍCH-THÁI-CỔ

PHỤC-NGUYÊN : Bạch Đại-Huynh! Tiện-đệ kính xin Đại-huynh thuyết lại thời pháp: Tại sao phải ngồi Thiền mà không nằm? Tiện-đệ cần ghi lời dạy của Đại-huynh để cho hàng thiện-duyên sau này nghiên cứu lãnh hội thêm.
XÍCH-THÁI-CỔ : Tại sao tu phải ngồi thiền mà không nằm; ngồi Thiền để làm gì?
Tại sao ngồi Thiền phải ngồi tư thế Liên-hoa?
Tại sao không chịu nằm Thiền cho nó khỏe tay chân thoải-mái mà lại ngồi Thiền làm chi cho nó cực khổ thêm đau lưng, tê cẳng?
Đó cũng là cái Bí-Pháp Đệ có biết không?
P.N : Bạch Đại-huynh! Đúng như vậy!
X.T.C :

BÀI
“Tu khổ-hạnh Đầu-Đà tĩnh-tọa,
“Hòa Âm-Dương giải-tỏa oan-khiên,
Hằng năng “Im-Lặng Tâm-Điền”,
“Kiết-Dà mình để ngồi Thiền mới thông!”
“Chân Âm đây hòa đồng Dương nhiếp”,
“Trụ Đảnh-Đài tiếp hiệp Huyền-Thiên”,
“Vẹn gìn hạnh ấy chú chuyên”,
“Người tu Nhập-Định Tham-Thiền Huờn-Không”
Phải không Đệ?
Bây giờ Lão nói tiếp bên ngoài lẫn cả bên trong.
Tại sao mình ngồi mà không nằm?
Lúc nằm ngũ-tạng nó ra sao?
Chớ chẳng phải muốn ngồi hoặc muốn nằm mà không có qui-tắc quyết-định!

BÀI
“Lúc nằm ngũ-tạng không hòa”,
“Đảnh đầu chẳng tiếp Trời Cha Linh-Huyền”.
“Cho nên đặt lệ Tham-Thiền”,
“Kiết-Dà ngồi hiệp Tiên-Thiên ân-hồng”.
* “Rút Linh-Khí vào trong Đảnh-Khiếu”
“Hiệp Thiên-Đài Đạo liễu mới thông”,
“Hòa Qui Ngũ-Tạng Bên Trong”,
“Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tòng Đệ-ơi!”
“Thế Liên-Hoa năng ngồi tĩnh-tọa”,
“Phải ngay lưng, thông cả thần-kinh”,
“Người tu Nhẫn-Nhục Hạ Mình”,
“Ngồi Thiền Định-Tánh Chơn-Linh phục hồi”.

Phải không Đệ?
Bởi con người quan-trọng hệ-thống bộ thần-kinh, nên lúc ngồi bộ thần-kinh từ trên xuống dưới nó mới thông. Còn nằm thì làm sao cho bộ thần-kinh nó thông được! Vì thế ban đêm mới hạnh Đầu-Đà nhờ năng ngồi, thì hệ thống thần-kinh nó mới châu-lưu thông đều tất-cả các huyệt, có như vậy điễn Tiên-Thiên mới hiệp vào Đảnh Nê-Huờn-Khiếu đó!
Nên Chơn-Truyền có dạy: “Phá-Nhứt-Khiếu Chi Huyền-Quang…” Nhứt-Khiếu ở đâu? Huyền-Quang ở chỗ nào? Tại sao gọi là: “Xuất-Huyền Nhập Tẩn” hả Đệ?
P.N : Bạch Đại-huynh! Đó là “Bí-Chỉ Khẩu-Khuyết Tâm-Truyền!”
Bí-Chỉ nhưng từ từ rồi Lão sẽ chỉ - Đệ có công nhận không?
Lão chỉ nhưng mà còn giấu chút nghề; giấu không chỉ hết (Cười…). Khi nào Đệ còn hỏi Lão chỉ thêm chút xíu, cũng phải giấu cái nghề tu mà Đệ!
Bạch Đại-huynh! Hễ ai cầu học và biết tu mới chỉ!
X.T.C : Đúng! Còn không thiệt tu thì không chỉ, phải giấu lại, nghề nào cũng phải giấu hết, xưa nay “Tổ truyền Tổ” là chỉ mấy cái chỗ bí yếu đó, phải không Đệ?
Giờ Đệ hiểu sao về vấn-đề ngồi Thiền; là vấn đề phải ngồi Kiết-Dà, mà tại sao nó có từ trong lẫn ngoài hả đệ? Đó là chỗ mấu-chốt quan-trọng! Bởi vì như thế này: Con người thì đầu phải đội Trời – Chân thì đạp đất.
P.N : Bạch Đại-huynh! Đó là nguyên-lý tự-nhiên để hòa Âm-Dương.
X.T.C : Đúng như vậy! Nếu nằm thì sao hòa đặng Âm-Dương, phải không Đệ?
Vì thế, nên người chết thì phải nằm. Còn người sống tu hạnh Đầu-Đà thì không bao giờ nằm đặng. Hễ nằm thì hệ thống thần-kinh nó sẽ dần-dần bị băng-hoại, rồi đâu có hoạt-động đặng nữa, nên căn khí phải mờ-ám không phục lại được Tâm-Linh Phật-Tánh, do đó người tu “Tối-Thượng-Thừa” phải cần ngồi Thiền, chớ không được nằm Thiền là vậy.

“Thần-kinh bộ máy đầu ta,
“Ấy gom các mạch điều-hòa lưu-thông.
“Khi hoại-liệt, trong vòng cuồng quẩn;
“Không quân-bình thì chẳng làm gì!
“Đó là Bí-Chỉ Huyền-Vi,
“Lão đây bày rõ đệ tri sẽ tường.

Nếu bình thường, người đời bộ máy Thần-kinh không điều-hòa và mất quân-bình, thì con người sẽ cuồng-quẩn và sanh ra nhiều bệnh-tật, đó nói theo đời. Còn nói theo Đạo thì cũng phải hiệp từ ngoài vào trong. Từ trong ra ngoài. Bởi như thế mới đặt vấn-đề ngồi Thiền để cho bộ Thần-kinh nó được thơ-thái; có thơ-thái mới điều-hòa trong Ngũ-Tạng, mà quan trọng nhứt là cái ý – mà ý là do đâu? Phải do bộ não hệ-thống Thần-kinh này không? Nếu không có bộ Thần-kinh kiểm-soát thì ý nó cũng chạy lung-tung bậy bạ, phải
không Đệ? Nên mới thành ra ý-mã. Rồi kế đó là Tâm, mà Tâm là cái gì? – Tâm cũng quan trọng, vì đó là cái bộ máy, là trái tim của mình. Vậy người chết do đâu? – Do mất thở, thì tu cũng phải quan-trọng cái hơi thở nếu mình không thở thì sao gọi rằng sống đặng; vì thế nó quan-trọng nhứt là bộ Thần-kinh, là cái trái tim này cũng gọi là cái máy để điều-khiển hơi thở hễ tim đứng thì chết ngay. Thế nên:

BÀI
“Ngũ-Hành hãy rán tầm-tri,
“Kim thời sanh Phế trị vì Phương Tây.
“Này Đệ ơi! Nghiệm ngay bí-yếu,
“Tâm Hỏa suy kết-liễu cuộc đời,
“Nếu mà hơi thở dứt rồi,
“Thì ta phải thác vậy thời sống đâu?
“Nên ngồi Thiền thoại-đầu Trực-Chỉ”,
“Thổ Trung-Ương Tỳ-Vị phải thông”,
“Huỳnh-Môn tịnh-tọa tẩy-lòng”.
“Đó là Bí-Khuyết ẩn trong vi-huyền.
“Thủy tương sanh Hống-Diên liễu-liễu”,
“Sắc thì đen yểu-yểu minh-minh”,
Huân-chưng hòa nhập Huỳnh-Đình,
“Vận-trù Khai-Khiếu Thần-Kinh của mình”.
Lão đã giảng “Chơn-Kinh Bát-Nhã”,
“Dùng Ba-La-Mật tỏa bên trong”,
“Người tu phải rán diệt lòng;
“Diệt lòng, tâm ý, chưa thông trí mờ.

Đó Lão giảng sơ-sơ, Huynh Đệ mình càng mổ xẻ, Đệ cứ nói rồi Lão tiếp.
Người tu học Đồ-Thơ phải hiểu,
“Hoát trí năng thông khiếu Siêu-Nhiên,
“Đó là hiệp máy Diệu-Huyền,
“Thong-dong tự-tại Thần yên điều-hòa,
“Khi tu-học tầm ra yếu-lý…
Phải trau lòng, “Trực-Chỉ Qui-Nguyên”,
“Chế-Hồn Luyện-Phách” chú-chuyên,
“Chơn-Thần kết lại đảo-điên không còn”.
“Hạnh Tham-Thiền năng bòn Khí-Lực”,
“Tiếp điễn Thiên thêm sức nuôi thân”.
Đem vào “Phục-Bổn Nguơn-Thần”,
“Triều-Nguơn Ngũ-Khí” lâng-lâng điều hòa,
“Nên Quán-Chiếu, Kiết-Dà Trụ-Cốt”,
Hiệp Thiên-Nhiên diệt bớt bợn trần,
Nhiều ngày trưởng-dưỡng “ Kim-thân”,
“Nhứt-Trần Bất-Nhiễm” tao-tân không còn!

X.T.C: Phần Thứ Nhì phải Ngồi Thiền cho Nhâm-Đốc nó kết lại, chớ Nằm Thiền thì làm sao nó
kết được! Mà Nhâm-Đốc là cái yếu-lý trong phép Tu Thiền, phải không Đệ?
P.N : Bạch Đại huynh! Đúng như vậy!
X.T.C :

BÀI
Nhâm với Đốc hai đường yếu-lý,
Kết hòa nhau “Thận-Thủy Điền-Đơn”,
“Trí minh Thần sáng Phục-Huờn…
“Xuất-Huyền Nhập-Tẩn” giải cơn khổ lòng!
Đạo “Huyền-Môn” gìn trong Bát-Quái,
“Hòa Ngũ-Hành Kết Lại Anh-Nhi”,
“Người tu hạnh phải năng trì,…
“Ngồi Thiền khai hoát những gì siêu-nhiên”,
Khi “Nhập-Định” chú-chuyên tâm tánh,
“Đừng phóng, tầm những cảnh chợ đời;
“Dẹp bao phiền-não ai ơi!
Tham, Sân, Si đó bời bời khổ-đau!
“Năng Tham-Thiền để trau Luyện Tánh”;
“Hạnh Kiết-Dà hiệp ánh Như-Lai”;
Tu hành đâu nói tháng ngày,
Gìn lòng trọn Đạo nhập đài “Chơn-Không”.
Đã nói phần thứ nhì Ngồi Thiền mới kết Nhâm-Đốc,
chớ nằm làm sao kết được! Giờ đến Phần Thứ Ba.
Vì sao nói Khai Cửu-Khiếu Mở Hoát Tam-Quan?
Vậy Cửu-Khiếu nó nằm ở đâu?
P.N : Bạch Đại-huynh! Nó nằm ở đường xương-sống của mình đó!
X.T.C : Nên tu luyện mà nằm thì làm sao khai đặng Cửu-Khiếu ấy?
“Đường Cửu-Khiếu Hoát-Khai Nê-Đảnh”,
“Người tu Thiền phải tránh nằm đi”,
“Năng ngồi thấu đặng huyền-vi,
“Nằm mê hồn muội, ma trì quỉ lôi”.
“Nằm hay ngủ vậy thời loạn động….
“Hạnh Ngồi Thiền” phá cổng tâm-tư,
“Nê-Đầu hiệp với Đại-Từ”,
“Âm-Dương hòa kết Thái-Thư Chơn-Thần”.

Hãy hiểu rằng: Nếu nằm thì ngủ lấy gì mà tu, nên phải ngồi. Phần thứ ba “Khai Cửu-Khiếu” là chỗ đó vậy.
Đó là: Vĩ-Lư-Quan, Giáp-Tích-Quan, và Ngọc Chẩm-Quan.
Tam-Quan có thông, thì mới hòa hợp được Tinh, Khí, Thần. Vậy Tinh ở đâu, Khí ở đâu, và Thần ở đâu hả Đệ?
P.N : Bạch Đại-huynh! Tinh ở tại bầu Âm-Dương (huyệt Khí-Hải), Khí ở tại Phổi (Phế) Thần ở tại Tim (Tâm). Vì thế, phải ngồi tịnh luyện thì ba nhà mới kết lại đặng. Năng ngồi nấu huân-chưng Tinh nó mới hóa Khí bốc thẳng lên mà hiệp với Thần rồi gom về “Qui Trung”!
X.T.C : Mà người tu Thiền-Định, quan-trọng nhứt là cái ý. Cái ý thứ nhứt,

cái Tâm thứ nhì rồi Hồn-Phách thứ ba, thứ tư.
Tại sao người ta nói “Hồn Phi mà Phách Tán?” Tại sao nói “Tam-Hồn mà Thất-Phách?” Không dễ gì Lão giảng không phải dấu, nhưng mà nghe thì nghe chớ làm chưa đặng bởi tùy căn-cơ phải không đệ? Nhưng mà giảng cũng dễ, giảng bề ngoài thôi. Vì đó là cái “Khẩu-Khuyết Bí-Truyền” bởi thế mới gọi sao là: “Bá Nhựt Trúc-Cơ, Luyện-Kỷ, Thập-Ngoạt Hoài-Thai, Tam-Niên Nhủ-Bộ, Cửu-Niên Diện-Bích”.
Tam Hồn là gì?
Là Hồn mê, Hồn người và Hồn Phật (Hồn linh).
Thất-Phách, là bảy cái vía, nếu mà kết lại thì đặng Thất-Bảo mà nói hồn phi phách tán vì Chơn-Thần chưa kết hiệp liền nhau, bởi Hồn-Phách lìa nhau, nên người tu thì Hồn-Phách ví như vợ-chồng (Đông-Lang, Tây-Lang kết lại); vợ chồng lúc nào cũng quấn-quít nhau mới kết đặng Thánh-Thai, Thánh-Thai đó là gì?
P.N : Đó là Chơn-Thần bạch Đại-huynh!
X.T.C : Người xuất thai từ dưới, còn người tu xuất-thai phải lên trên, phải không Đệ?
Bởi như thế mới nóiù cái trược, cái thanh. Ở dưới thì trược, ở trên thì thanh, ở dưới thì Âm, ở trên thì Dương, do đó nên Pháp Định-Thiền của Phật, Tiên dụng “Lưu-Thanh Biện-Trược”. Song Huờn Thanh cho nó lên Đảnh. Vì vậy, Tam-Gia nói nó là “Dương-Thần”, chớ ai gọi là Âm-Thần bao giờ? – Dưới âm trên Dương (còn ra dưới gọi là âm thần). Bởi âm thần nên Tâm-Ý thường loạn-động, mà đã nói Âm-Thần thì nó kéo trì, nặng trược quá mà làm sao đi đặng. Đệ có công nhận điều đó với Lão không?
P.N : Bạch Đại-huynh, Đệ công-nhận đúng như vậy!
X.T.C : Cười… và tiếp :

Lão sẽ giảng “Tam-Hồn Thất-Phách”,
“Mà người tu còn mắc oan-khiên, …
Cho nên phải gắng Tham-Thiền,
“Phủi mùi tục-lụy vạn-duyên tiêu-trừ !”
“Trở từ đầu ví như còn nhỏ”,
“Tâm vô-tư nào có biết gì…”
Ấy là bí-chỉ phải tri…,
Đệ ơi! Nội-Quán hành-trì lãm minh!

Đệ tri thì biết !…
P.N : Bạch Đại-huynh! Đó gọi là: “Phục-Qui Ư Anh-Nhi” tu sao để tâm tánh huờn trở lại như khi còn ở trong bụng mẹ. Vì “Tâm Không Nhiễm Tục, Thở Nội-Tức, Thọ Khí Tiên-Thiên” ý Đại-huynh bảo như vậy, phải không?
X.T.C : Bởi nên Lão bảo Chơn-Đồng “Tâm Không Phóng, Tánh Không Sanh và Ý Không Khởi”. Nếu tâm phóng thì hồn nào định đặng, tánh sanh thì phách không chế đặng và ý khởi thì loạn động hoài hoài, do đó Tinh, Khí, Thần không kết được. Bởi vì Hồn ví như chồng, Phách ví như vợ. Cũng có nghĩa là Chơn-Âm, Chơn-Dương hòa hiệp mà kết lại sanh ra Thánh-Thai (Phật gọi Anh-Nhi) thì mới đắc Chơn-Thần, lúc đó muốn ra thì ra, muốn vô thì vô, tự-tại (xuất Thần) cũng gọi là “Đệ-Nhị Xác-Thân” của mình.
Hồi trước khi mình còn là cái bào thai ở trong bụng mẹ thì mình đã có cái xác thân thứ nhứt, rồi lúc sanh ra tam hồn thất phách mới nhập vào đó là người đời. Bây giờ muốn trở về (lai đáo lại) “Phục-Qui Ư Anh-Nhi” thì ví như bổn tâm đứa con nít mà ví như bổn tâm đứa con nít thì phải đẻ lại cái xác-thân thứ hai mới gọi là “Đệ-Nhị Xác-Thân” mà đã có “Đệ-Nhị Xác-Thân” thì phải có cái Thần thứ hai, phải không Đệ? Bởi cái Thần thứ nhứt của mình là cái Thần Quỉ, Thần Ma. Còn khi “Tu-luyện Chín-Chắn Toàn-Chơn” rồi thì mới gọi “Xuất Đặng Dương Thần”.
“Đạo Thậm-Thâm Vi-Diệu” mắc lắm đệ ơi! Không phải có tiền mà mua được, chỉ có trọn-lành chí-thành, chí kỉnh mới mong! Nói ít phải hiểu nhiều. Bởi vậy, “sao nói người tu phải Ngồi Thiền”, là vì cái ý lúc nào cũng vọng khởi tâm niệm, tạp niệm những thói theo chợ đời chúng sanh. Khi Ngồi Thiền mình mới biết là nó khởi ngay đâu, mình mới diệt cái tâm phàm của mình.
Trái lại hễ nằm là Thần nó đã mê rồi làm sao mà còn sáng láng để đánh ma lòng diệt quỉ tâm, vì bộ thần kinh lúc đó nó đã mê rồi, đâu còn sáng-suốt nữa. Bởi bị “Thùy Ma Gạt Làm Say Ngủ”. Do đó, hễ tu thì phải năng Ngồi Thiền – Người thiệt trọn tu tinh tấn giữ đúng “Giới-Hạnh Đầu-Đà” thì tự nhiên hoát-khai
nguồn trí-huệ sáng-suốt linh-thông; tỏ-ngộ được “Tâm Kinh Vô-Tự”, không bao giờ mê-muội nữa.
Đã nói rằng Dương-Thần là “Đệ-Nhị Xác-Thân” thì không bao giờ mê-muội đặng. Nếu còn mê muội thì bị ma lôi quỉ kéo, nó là phần Âm không biết gì, chớ rốt-ráo trọn đường tu, thì thông-suốt cả ba ngàn thế-giới, chỗ nào cũng biết, đi thì tít-tắc, khoảnh-khắc biết ba ngàn dặm, đó là “Xuất Dương-Thần Chỗ Bí-Khuyết Mật Diệu” vậy.

Thế cho nên tu-hành đạt Đạo,
Lão giảng bài để tạo Anh-Nhi,
Thiện-căn thành khẩn lòng đi,
“Trên đường rốt-ráo Huyền-Vi trợ mình”.

Nếu không rốt-ráo: muốn tu thì tu, muốn nghỉ thì nghỉ ai biết đâu mà độ mình. Đã nói cái nghề, mình đã vô nghề tu thì phải học-hỏi những người tu; còn vô nghề tu mà còn nghĩ cái nghề khác thì sao đặng, nghề nào cũng không ra nghề nào – mà có người cùng chung cái nghề tu với mình.
Người ta cũng không chỉ đâu; người ta thấy mình nhiều nghề quá, biết nghề gì đâu mà dạy, phải không Đệ? Bởi thế, Lão mới nói:” Tu Đại-Đạo kết Đơn,
chẳng qua do cái Tâm, ý của mình mà thôi”. Còn phần “luyện Pháp là cái Bí-Chỉ thứ hai”.
P.N : Bạch Đại-huynh! Đó là khẩu-khẩu tương-truyền mà!
X.T.C : Đúng! Nhưng mà “Trước Hết Phải Diệt Lòng Phàm”. Bởi vậy, Thầy Lão mới chọn bảy người; mà bảy người đều xả thân hết, chẳng còn nghĩ chi chuyện thế-gian này đến nỗi Thầy Lão thấy Khưu-trường-Xuân có lộ tướng đói Thầy Lão không nhận, sợ ma nghiệp lôi; nhưng vì lòng thành kỉnh, có ý-chí lập- trường vững-chãi thành ra cứ đeo đuổi! Khi biết rằng cái nghiệp của mình nhưng cũng rán đoạn-trừ, mà đoạn trừ do cái gì? Do cái Tâm của mình (có ý-chí); Tâm lúc nào cũng tha-thiết với Đạo. Bởi vậy vô nghề phải học nghề, phải cao tay nghề mới đặng. Đó là cái chỗ quan-trọng chớ đâu phải nói bữa nay tu mà mai không tu, sáng ngồi tu, chiều nằm ngủ, đâu có đặng buông lung giải-đãi như thế! Hễ bữa nào trong bụng vui thì ngồi tu, bữa nào buồn buồn thì thôi, đâu được! Cười thì ngồi tu, khóc thì không tu. Bởi vì nó khó chỗ này đó Đệ! Nên phải có ý-chí kiên-cố và đòi hỏi mình phải sáng-suốt hằng chiến đấu với lũ giặc lòng, để khử trừ dứt cái nghiệp căn mê của mình, “nếu mình biết chỗ khởi, thì trừ ngay chỗ khởi đó!”
Bởi vì nói ý khởi, phải đoạn tuyệt, phải tẩy ngay cái vọng tâm của mình. Tại sao gọi là tẩy Tâm? Nguyên hồi ban-sơ mình còn trong bào-thai của mẹ mình đâu có biết gì cũng vẫn sống chớ không phải chết, nào biết sướng, chẳng biết cực, đâu biết khổ. Song đến khi lọt lòng ra đói một chút thì nó la, lạnh không đặng mà nóng quá nó cũng không chịu! Rồi lớn lên sanh tạp-niệm, mê-nhiễm theo thói đời – nào mắt nhìn thấy đẹp thì ưa, thấy xấu thì chê, tai thích nghe âm thanh tiếng dịu-dàng, nói nặng thì không chịu, mũi thì thích mùi thơm, mùi hôi cũng không đặng, miệng thì thích ăn ngon, ăn dở thì chê, nó khổ chỗ đó, đó đệ?
Bây giờ cái nghề của mình, mình phải trau, đục đẽo nó, trau-luyện làm sao cho nó trở về như đứa con nít không biết gì, vì hồi ở trong bụng mẹ (Phục-Qui Ư Anh-Nhi) – Mà muốn huờn lại trở thành đứa con nít đâu phải dễ, bởi vì thế này đệ
Bụi trần đóng lớp hằng hà,

“Chơn lông đầy dẫy Quỉ Ma nó ngồi”.
“Vì bởi thế, tu rồi chịu khảo,
“Cõi phù du mộng-ảo lôi mình,
Cho nên thân xác lênh đênh,
“Ngồi tu chẳng đặng do mình mà thôi!”

Tám mươi bốn ngàn lỗ chân lông, tức là 84 ngàn con ma; mà mình tạp nhiễm biết bao lâu rồi; nó đã
đóng cốt ở trong này. Mà muốn cho nó ra không phải là chuyện đơn-giản, chẳng dễ đâu! Đệ thấy Lão chuyển Chơn-Đồng-không? May mà Lão đưa Thần-Lực từ trên xuống mà chuyển không lại nó, không phải chuyện trò chơi (tu cũng phải vậy, cũng như chuyển Chơn-Đồng, phải “Thanh-Lọc Tâm và Thân” nữa đó. Bởi vì Lão chuyển là Lão dùng Thần-Lực của Lão, còn người tu thì phải tận-lực, mà cái bụi trần nó đóng lớp từ bao đời bao kiếp rồi, muốn tắm gội cũng phải có thời gian. Lâu ngày trì-chí mà tắm gội làm sao cho sạch 84 ngàn lỗ chân lông, còn 1 lỗ cũng chưa đặng! Nếu tu-luyện phải năng Mộc-Dục là vậy đó Đệ?
Phải hiểu rằng :

“Bổn-Lai Diện-Mục Huờn-Nguyên”,
“Đạt thành Xá-Lợi Diệu-Huyền Siêu-Linh”.
Xuất Dương-Thần mình nhìn khoảnh-khắc,
Tam châu-thiên đã bắt trong tay,
Người tu kết lại Thánh-Thai,
“Nhứt Trần Bất Nhiễm” dứt loài thế-gian.
Tu làm sao “Kim-Cang Định-Tánh”,
“Chế Phách Hồn Nhập Đảnh Thiên-Đài”,
“Chú chuyên năng luyện giờ ngày”,
“Chớ đừng giải-đãi quỉ đày ma lôi!”
“Làm loạn động ta ngồi không đặng”,
“Nhớ chuyện gì nó chẳng có quên”,
“Tâm thì khởi diễn liền-liền,
“Ý ta phóng vọng nào hiền Đệ ơi!

Lão giảng đại khái chỗ bí-yếu đó, nhưng Lão chẳng đi sâu vào chi-tiết, chỉ giảng sơ sơ bên ngoài mà thôi! Nếu muốn nói chi-tiết chỉ riêng Đệ với Lão, “Mật-Diệu không nên bày phô ra cho nhiều người nghe”.

Vì mình cùng nghề mới đặng.
P.N : Bạch Đại-huynh! Hoan-hỉ giảng cho số thiện-duyên này được nghe đặng cố gắng tu.
X.T.C : Làm sao nói đặng? Bởi không cùng nghề, vì Lão nói có cái ngộ, ngộ chỗ này, chuyện tu không phải dễ, nếu nói mà nó không tu thì ma nghiệp nó sẽ lôi thêm nữa – lôi càng xa ngàn dặm, thà để cho nó tự-nhiên mà nó không có chuyện gì sanh (để tự nhiên giác-ngộ). Còn mình nói những chỗ bí-quyết mà nó không hành thì ma nghiệp nó đến, nó sẽ trì lôi, bởi vì nó đã biết mình hiểu rõ cái máy huyền-cơ, phải không Đệ? Mà “Đạo Cao Nhứt Xích, Thì Ma Cao Nhứt Trượng”, khiếp lắm! Nên mới nói “Đạo Không Lời” đã nói thành lời thì không phải “Chơn-Đạo”, chỉ cùng trong nghề mới biết thôi! Nhưng mà phải qua một giai-đoạn coi như từ buổi sơ khai (thử-thách).
Bởi vì thế, Thầy Lão mới lập Đạo-Tràng mà chẳng “giảng Đạo huyền mật, chỉ nói phía bên ngoài

thôi. Đến sau chọn chỉ còn có bảy người, Thầy Lão mới khẩu-khẩu tâm-truyền, mà lúc đó là lúc phải xa lìa nhau, mạnh người nào nấy tu, vì còn dính một chùm là tu không đặng. Đã lúc nói là lúc phải hành, mà không hành là không đặng”. Nếu không qua thời-gian chọn-lọc thì làm sao còn được bảy người như vậy. Chọn lọc là gì? Là chọn những người có ý-chí, có lòng thành quyết-định tu giải-thoát, mà những người hội đủ điều-kiện như thế này thì Thầy mới tin tưởng trút hết cái ruột bí-chỉ để trao truyền cho mà tu; biết rằng gởi cái bí-chỉ cho người đó thật trọn tâm, Thầy không uổng-phí công dạy. Thành ra Lão tu không có chi hết, có cái búa cây đục, Lão không có gì hơn, nếu cùng nghề thì còn có nhiều cái hay, không cùng nghề nói không đặng, phải không Đệ?

BÀI
“Lòng phàm hãy diệt đi thôi”,
“Tham-Thiền Nhập-Định hạnh ngồi Quán-Tâm”.
Tri biết rõ lỗi lầm đâu có?
Trừ muội-mê thấu rõ tâm-tư,
Hồn yêu quỉ phách bấy chừ,
Do đâu nó khởi, nó từ đâu ra?
Mãi Tham, Sân, vạy-tà vọng-động,
Còn Si mê hình bóng bên ngoài,
Làm ta Hồn cứ lạc loài…
Thế nên chiếu-kiến xét ngay não-sầu…
Diệt ma lòng nấp vào tâm vọng…
Bởi thất-tình mở cổng quỉ vô,
Làm sao hiệp với Nam-Mô?
“Huyền-Khung Thái-Cực điểm tô Huỳnh-Đài”.
Được như vậy tỏ ngay yếu chỉ,
Lão sẽ bày “Phục-Thỉ Huờn-Lai”,
Tròn công quả vị đủ đầy…
Mùi hương thanh-thoát hoằng khai đạo-mầu.

Cũng ví như Đệ, mình có cái nghề tu mình phải chọn người đệ tử nào thích cái nghề này chứ! Không phải riêng cái nghề tu mà cái nghề nào cũng vậy. Phải ham học-hỏi chuyên-cần siêng-năng chăm-chỉ dốc-lòng trau- giồi nghị-lực không bao giờ chán-nản và phải yêu nghề nữa, khó là khó chỗ yêu nghề đó Đệ!
Nhiều khi cái nghề mình làm như bị cưỡng bách cái nghề thì cũng cái nghề, nhưng mà muốn làm thì làm. Muốn không thì không; nghề bất đắc dĩ, mà cái nghề tu này không có ngày giờ nào ở không rảnh rang được!
P.N : Bạch Đại-huynh! Đời thì làm ban ngày, chớ cái nghề tu làm suốt cả đêm, lẫn đi, đứng, nằm, ngồi nữa!
X.T.C : Đúng! Không rảnh chỗ nào hết!
P.N : Bạch Đại-huynh! Hạng người tầm-thường mà làm sao làm được, phải là hàng “Chánh-Giác, Đại-Linh-Căn” mới làm nổi.

X.T.C : Đúng!
“Trong tứ thời trừ yên lục-tặc”,
“Đứng, ngồi, nằm luyện chặt tâm-linh,
“Sắt-son vẹn dạ đức-tin,
“Nghề tu đã trọn phải gìn từ trong!
“Có như thế động lòng Thiên-Chỉ”,
“Độ cho mình phục-vị đài-mây,
“Hư-linh về đến cảnh Thầy,
Trầm-kha giải-thoát “Như-Lai Vi-Huyền”.
“Chớ nào phải lúc khuyên chợt tỉnh,
“Khi quên rồi thì bịnh vẫn đau, …
“Làm cho tâm chí dạt-dào,
“Vui tu buồn bỏ hỏi sao độ Hồn?

Cái nghề này khổ chỗ đó! Bởi vậy khó kiếm, khó tìm bạn tri-âm tri-kỷ. Ngày xưa người ta còn nói tìm bạn tri-kỷ đã khó một lẽ, mà tìm bạn tri-kỷ trong nghề tu này lại càng khó hơn vì không thể nói đặng…!
P.N : Bạch Đại-huynh! Giới hữu-hình này Tiện-đệ chưa tìm được một người nào hết, bởi vậy ngày nay hữu-duyên Tiện-đệ gặp Đại-huynh chúng mình làm bạn cùng nghề với nhau.
X.T.C : Nếu mà cùng nghề, Lão sẽ chỉ hết không có gì giấu-giếm, khi nào đệ có cần hỏi điều chi… thì Lão sẽ nói hết, bởi Lão đã giải-thoát rồi mình muốn bao nhiêu người khác cũng giải thêm như mình vậy.
P.N : Vì họ không muốn đi một đường; làm cùng nghề với mình, rồi lại sợ Ma Trì Quỉ Lôi tạo thêm cái khổ cho người ta nữa, bạch Đại-huynh!
X.T.C : Cũng như Lão đây muốn độ cho người đệ-tử tu trở về thiện tánh, không ngờ nó giết Lão thành ra Lão gây thêm nghiệp cho nó đó, phải không Đệ? Đó là chỗ phải cần lưu-ý cho lắm! Không phải Lão khó với Đệ.
P.N : Bạch Đại-huynh! Hễ đồ-đệ mà phản-bội thì nó tự gây thêm nghiệp đó!
X.T.C : Mà do đâu nó phản bội? Bởi vì tâm không Định, tánh loạn, thành ra bị Ma Trì Quỉ Ám Hồn nó mê rồi, cho nên nó làm việc mà không biết điều phải điều trái. Lúc đó là bởi vì “Âm-Dương Nó Không Kết” – Còn khi nào “Âm-Dương Đã Kết Thì Sanh Ra Cái Lương-Tâm”, mà “Cái Lương-Tâm Không Có, Bởi Nơi Ám-Dương Chẳng Kết Đặng” vậy.
Thế nào gọi là lương tâm? Thế nào gọi là lương? Thế nào gọi là Tâm? Mà lương-Tâm kết lại là như thế nào?
P.N : Bạch Đại-huynh! Theo thiển-ý của Đệ hiểu: “Hễ Chánh-Định, Không Còn Tạp-Niệm, Nội-Tại Hằng Thanh-Tịnh, Thì Sẽ Khai-Hoát Trí-Huệ Viên-Minh” chừng đó không còn mê lầm bởi ngoại cảnh huyễn-hoặc nữa, thì tự nhiên hồi-sinh lại lương-tâm.
X.T.C : Đúng! Lương là hiền, tâm là cái lòng của mình. “ Lương-Tâm” là cái lòng thiện lòng thành mà bởi vì do Âm-Dương không kết đặng thành ra nó bỏ mất cái bản tính thiện-từ của nó, nên nó mất lương-tâm!
Tại sao mới nói con người không có lương-tâm? Vì con người nếu không làm chủ đặng nội-tâm mất điềm-tĩnh thì phải bị Quỉ Lôi, Ma Trì bất cứ làm việc gì đều sai phương-hướng, bỏ lập-trường, chẳng tôn-trọng kỷ-cương trật-tự, tánh không bao giờ có chủ-định đặng, không biết việc làm trái phải, nó cứ đam-mê, cứ lẩn-quẩn hoài. Bởi vì thế, Lão sợ là sợ cái chỗ đó, đó Đệ à! Đệ có công-nhận với Lão điều ấy không?

Thôi ta làm bạn tri-âm,
Đệ à phủi tục ca ngâm dài dài.
Tiên-Thiên rượu nhấp chẳng say,
Lão mời Hiền-đệ cốc đây uống liền.
Đệ ơi! Nghề luyện Tham-Thiền,
Nào đâu có dễ, Đệ khuyên nhủ gì?
Làm sao diệt đặng mê-si,
Nó thường vọng-động kéo trì tâm ta.
Hồn mê nhập lại bầy ma,
Tám bốn ngàn đó, vạy tà bên trong…!

Bây giờ cứ uống rượu Tiên-Thiên thưởng-thức tiếp, Lão ngâm bài “Làm bạn” chịu không?
P.N : Bạch Đại-huynh! Chịu, làm bạn tri-âm tri-kỷ…
X.T.C : Nãy giờ Lão chỉ nói sơ-sơ chưa nói vào những câu Bích-Chi nghe Đệ! Chưa có gì gọi rằng đạt-Đạo huyền-vi. Bây giờ mình kết bạn tri-âm tri-kỷ đi !


BÀI
“Tri-âm tri-kỷ tâm-giao,
“Nghề tu cùng chọn rèn-trau hằng ngày.
“Đệ ơi! Nay chẳng lạc-loài,
“Có Huynh tá trợ biện bày lý cơ…!
“Luyện tâm đừng có hững-hờ,
“Diệt Ma lòng Quỉ há ngơ ngày nào.
“Sau này sẽ thấy vàng thau,
“Đệ thì Ngũ-Uẩn không màu sắc đâu!”
“Bình tâm định tánh gìn sao…
“Anh-Nhi Phục-Thỉ” thai-bào mẹ ta.
“Xổ lòng tiếng khóc oa-oa,
“Ma hồn Quỉ-phách nhập đà khổ a!
“Hồi-Quang thấy biết tâm tà,
“Khử ngay ắt ngộ Thiên-Tòa điễn khai.
“Đường tu rán cực dài dài…
“Không sờn quản ngại dù ai khảo mình!
“Rèn-trau tâm-tánh Siêu-Linh…!
“Chịu nhồi quả báo, an bình nấu-nung.
“Động lòng trên điễn Huyền-Khung”.
“Phò ban tá trợ độ cùng cho ta.
“Chí thành Chơn-Thật nói ra…
“Thì tâm như vậy không tà vạy trong.
“Người tu đức hạnh thông-đồng”
“Bề trên tôn kỉnh mình không phạm gì…!”
“Đắn-đo cùng với nghĩ-suy,
“Mê tài mến lợi bởi vì oan-khiên!
“Nay tu lập hạnh Tham-Thiền,
“Giải lòng ám-muội cần chuyên đêm ngày.
“Ý ta ngựa khởi chạy hoài,
“Nay mau buộc trói biết rày ở đâu?
“Tâm viên lôi kéo lộn nhào,
“Người tu Thấy Tánh làm sao đoạn trừ?
“Bình tâm chẳng có ưu-tư,
“Nằm, ngồi, đi, đứng từ từ thấy ngay.
“Thanh bần há lụy bi ai;
“Dù nghèo hay đói nhưng hoài hoài tu.
“Lòng chơn thành-thật Công-Phu,
“Diệt trừ Ma Quỉ ám-mù bên trong.
“Chúng hằng lôi kéo cuồng-ngông, …
“Nó trì loạn tánh mất thông Linh-Huyền!
“Ngày nay nhập Đạo Tham-Thiền,
“Ấy là khởi sự trừ yên Ma lòng.
“Rồi sau Bí-Pháp chỉ thông,
“Tương truyền khẩu khẩu tâm đồng với nhau.
“Cùng tu nghề nọ chuốc trau ,…
“Không tu nói mãi nhập vào chướng ngay.
“Thế nên điễn xuất lời này,
“Đệ hiền thông hiểu há phai lòng mình.
“Đệ ơi! Tri-kỷ Lão huynh,
“Một lời đã dặn vẹn tình sắt-son.
“Công-phu bồi đắp cho tròn,
“Chỉ lo gìn Đạo không còn chút tư!
“Xông-pha dẹp sạch lao-lư,
“Dìu Đời Hướng-Đạo Thái-Thư Linh-Huyền”.
“Nghề tu học-hỏi Tham-Thiền,
“Tứ-thời Định Tánh giải-yên não-nồng.
“Biết mình khỏa-nghiệp chưa xong,
“ Hãy trừ tạp-niệm sạch lòng đi thôi!
“Biết mình nghiệp chướng còn nhồi,
“Dùng gươm trí-huệ khử rồi tiêu-tan.
“Biết mình lầm-lạc sai đàng,
“Ngày nay hồi-tỉnh tâm an Định-Thiền”.
“Ấy vì do bởi Tâm-Viên…
“Hiệp cùng Ý-Mã đảo-điên ưu-hoài…!
“Tỉnh đi một giấc cơn say…
“Chợ đời còn lắm bi ai khổ sầu…!
“Đong gian, cân thiếu tội nào,
“Lòn cân tráo đấu dạt-dào tấm thân.
“Miệng thời xảo trá bao lần,
“Làm sai Chơn-Lý mất phần Huyền-Linh”.
“Cảnh đời sa đọa khi nhìn…!
“Cười vui buồn khóc lắm tình trái-ngang.
“Ruộng vườn, nhà cửa, bạc vàng …
“Đến khi đã thác nó mang được nào?
“Vợ con cha mẹ ruột bào,
“Lúc mình thất thế có vào thay đâu!
“Nhân-tình đã rõ trước sau,
“Vậy mà ngu-muội không trau tu-trì …”
“Vô-thường sanh tử biệt-ly”,
“Oan-gia quả-báo nó thì kéo lôi!
“Người ơi! Tha-thiết bao lời …
“Tỉnh ngay hồn mộng ở ngay biển trần.
“Ba-đào sóng dậy tao-tân,
“Sống đời ảo-ảnh bao phần nguy-nan!
“Chí tu tẩy-lọc sửa-sang,
“Hãy Năng Tĩnh-Tọa” mở-mang trí mình.
“Hư -Tâm Phật-Tánh Phục-Sinh”,
“Không chi dấy động Thất-Tình loại ra!”
“Người ơi! Tu phải ta-bà…!”
“Đói nghèo vất-vả nào ta nhủn lòng…!”
“Dù cho mưa rớt ngoài trong,
“Sưởi bầu nhiệt-quyết lửa hồng “Hư-Vô”.

Lão nói vậy, bởi vì người đời còn thấy Xuân thì vui, Hạ nóng nực, Thu thì mát mẻ, Đông thì lạnh lùng, nhưng người tu thì trái lại, đệ biết sao không?
P.N : Bạch Đại-huynh! Vì người tu không còn nghĩ đến cái thân, nên không trụ chấp …
X.T.C : Nguời tu thì chẳng luận Xuân, Hạ, Thu, Đông, Xuân không thấy vui, Hạ không thấy nóng, Thu không thấy mát, mà Đông cũng không thấy lạnh mới gọi là nhà chơn tu.

“Huyền-đồng Tạo-Hóa đã xoay,
“Bốn mùa tám tiết chuyển hoài người ơi!
“Thiệt tu thì phải năng ngồi”,
“Chẳng sanh nào khắc thiên-thời biết chi.
“Bốn mùa tám tiết điều “Qui”,
“Qui vào lòng Đạo thực thi “Thái-Hòa”.
Ấy là “Tứ-Tổ Qui-Gia”,
“Hành trong Bát-Quái điều hòa khắc sanh.

Đó là bốn mùa tám tiết, “Tứ-Tổ Qui-Gia”, hòa với Bát-Quái, thế nên hòa bên trong này thì bên ngoài làm sao thấy đặng. Không thấy lạnh, mát, nóng mà cũng chẳng thấy vui-vẻ chi cả. Ở bên trong hòa với
Bát-Quái, hòa rồi gọi là “Tứ-Tổ Qui-Gia”. Đệ có công nhận không?
P.N : Bạch Đại-huynh! Đúng như vậy!
X.T.C : Lão làm thêm một lần.


PHÚ LỐI THI
Người tu học “Thiền-Công Tịnh-Tọa”,
“Rán diệt lòng phá ngã chấp mê…!
“Trở về ngay máy “Đạo Bồ-Đề”,
Mà nhập cảnh nhàn quê “Hư-Tịch”
“Bởi ma âm thường khi ngăn bít”,
“Lỗ chân lông mà tịch lối ra”,
“Nay “Chiếu-Kiến Ngũ-Uẩn” hàng sa …
“Hỡi thiện-hữu tri ra bí-nhiệm!
“Thấy ma lòng bởi nhiều tạp-niệm,
“Diệt cho xong thâu-liễm nhiếp-tâm,
“Dùng gươm huệ khử tuyệt móng-mầm,
“Sát phàm tánh diệu thâm tự-tại.
“Người tu hành Chơn-Thường Thơ-Thái,
“Chẳng vướng chi quản-ngại phong-sương.
“Dù khổ-nhọc bao cảnh đoạn-trường,
“Nhưng thiết-thạch tầm phương giải-thoát.
“Nào có mê những điều ngon-ngọt
“Nó lôi mình phải lọt hố ma,
“Hỡi ai ơi! Nội quán tri ra …
“Đã Thị-Cố Trung-Hòa Qui Chế”.
“Tu không chuyên chân lông còn bế,
“Thì làm sao tẩy uế trược thân?
“Nhờ Hô-Hấp Định-Tĩnh Thần-Thông,
“Hòa Ngũ-Tạng Xoay Vần Chơn-Khí,
“Mạch Nhâm-Đốc” Kết Nhau Phục-Vị,
“Đông Tây Lang thầm-thỉ ngày đêm,
“Rồi mai-dong lời nói vào thêm, (cười…)
“Hiệp Tam-Gia” chẳng mềm tâm-tánh.
“Người tu hành hằng năng lập hạnh”,
“Phá Vô-Minh nhiễm cảnh mơ-huyền,
“Đạt Thiền Tâm Tịch-Lặng Chú-Chuyên,
“Đừng Vọng-Động Tâm-Viên Ý-Mã”,
“Vì chơn hồn bao đời sa-đọa,
“Biết ngày nào hiệp ngã Hư-Linh?
“Lời Lão đây thì rất chí-tình,
“Ai trong nghề nếu nhìn sẽ thấu.
“Lão tỏ-bày nào đâu có giấu,
“Không Tổ Thầy, chẳng đấu lường cân.
“Nghề tu thì ảnh hưởng “ Chơn-Thần”,
“Phục-Tinh-Khí Kim-Thân” vẹn đó!
“Hòa với vàng mình đừng có bỏ,
“Đạt Dương-Thần” thoát ngỏ tử sinh.
“Nẻo luân-hồi đoạn dứt chẳng danh,
“Huờn Hư-Tịch” thanh-thanh diệu-diệu.
Bởi mình đây “Linh-Hồn Hoát-Khiếu”,
“Chi-Huyền-Quang Thấu Hiểu Nê-Đầu
“Lão vẹn-gìn tỏ-ngộ tâm trau …
“Ai Định-Tĩnh nhìn vào sẽ thấy! …
“Ôi chợ đời Lão đây rất ngại!
“Đường thế-gian tê-tái lòng này. (Cười…)
“Bao giả-dối chìm-đắm mê-say,
“Càng chuốc quả hằng ngày tráo-trở…!
Thế cho nên, thoát rồi không muốn ở (Cười…)
Dứt oan-khiên mừng-rỡ xiết-bao!
“Vì thiếu công nên phải lộn-nhào,
“Nay tá-thế chuyển đau Đồng-Tử !
“Nhìn cõi đời ít hiền nhiều dữ!
“Bao gian-manh nó nhử hằng ngày,
“Nó lôi kéo mình phải lạc-loài,
“Làm chơn tánh đọa-đày bao khổ!…
“Thấu-triệt rồi Lão đâu muốn độ,
“Nhưng phận mình thiếu chỗ công tu,
Lão mặc dầu có muốn nhàn du,
Hoa chưa nở thơm từ trong gốc,
Vì thế nên, nói hoài bài học;
“Học nghề tu tẩy lọc bợn trần”,
“Nếu người đời còn cái xác thân,
“Mà phí bỏ ôi muôn phần dang-dở! “
Tu mau đi quay đầu đáo-trở,
“Nhập Huyền-Linh điễn ở Thái-Hư,
Chớ chợ đời luận mãi khổ ư!
Nói lời Đạo thiện-từ quán-xét (cười…)
Càng nói nhiều thì đời càng ghét,
Nếu người tu chẳng nghiệt tâm tư,
Hãy tỉnh trí quay lại “Chơn-Như”,
“Diệt oan-trái đã từ bao kiếp!”
Giờ điễn linh Lão đây hội-hiệp,
Thuyết giảng bài kíp kíp đi mau,
Đã tu rồi chấp-nhận khổ-đau!
Là giả cảnh làm sao gạt đặng?
Đường Đạo thời ngày càng vô-tận,
Hiểu biết rồi nhọc chẳng thở-than,
Rõ đời giả là giấc mộng-hoàn,
Mê đắm chi chứa-chan lệ đổ?
“Người thấu hiểu con đường Tứ-Khổ,
“Quyết Qui-Y tầm chỗ Thiền-Môn,
“Rửa phàm tục độ rỗi linh-hồn,
“Mãi mê-muội không tròn Đạo-Hạnh!
“Này người ơi! Bể dâu cồn cảnh,
“Cũng đổi dời nào chẳng bền lâu,
Người ở thế sống được dài đâu?
Cõi phù-du biết bao đau-khổ!
Lời tâm tư Lão đây thố-lộ,
Khuyên tỉnh hồn mà độ phục-sinh,
Lão nào thương xác giả hữu-hình,
Nhưng nghĩ đến một tình linh-thể,
Chớ nghề tu nào đâu có dễ,
Mà nhập vào hầu để làm chi?

Phải không Đệ? Lão đã giải-thoát rồi, Lão nhập vào làm chi, Đệ có hiểu ý Lão nói không?
P.N : Bạch Đại-huynh! Đệ đã hiểu!
X.T.C : Bởi vì Đệ thỉnh cầu Lão, Lão mới giảng, chỉ giảng đại-khái thôi, chưa đi sâu vào trong nghề, mới sơ sơ chỉ có búa với rìu hè! (Cười…)

Công danh phú quí cõi trần,
Nó thường lôi kéo tấm thân cày bừa.
“Ở chợ đời sớm trưa đua học…,
“Rồi giành nhau lợi-lộc đua tranh,
“Linh-hồn sa-đọa nghiệp hành,
“Xác trần trược-uế nào lành Đệ ôi!

Phải không Đệ? Lão nói như vậy Đệ thấy sao?
P.N : Bạch Đại-huynh! Đúng như vậy!
X.T.C : Hễ đồng nghề mới thấy được còn khác nghề thì không thấy. Còn nghề học lóm không thấu triệt đặng. Nếu học lóm mà học đúng không nói chi, học không đúng còn chết nặng nữa, phải không Đệ? Không cho học lóm! Học lóm khổ lắm! Làm không đúng nó lại khảo mình.

BÀI
“Đường đời nói mãi mình ngu.
“Đạo tâm đã có vẹt mù đi thôi!
“Đời thường tranh chỗ đứng ngồi,
“Mình tu hạnh hạ không lời biện minh.
“Đời lo tranh lý nhục-vinh,
“Mình tu rán nhẫn giữ-gìn đạo-tâm.
“Đời hằng gây nghiệp lỗi-lầm,
“Mình tu hòa nhập thậm-thâm diệu-huyền.
“Đời mê tạo lắm oan-khiên,
“Mình tu Nội-Quán tinh-chuyên tịnh lòng.
Thôi bây giờ Huynh Đệ mình thưởng thức rượu tiên-thiên lai rai…
Rượu Tiên-Thiên mời đây một chén,
Hãy uống vào đè nén tâm-tư …
“Mình thời nói mãi nghề tu,
Người nghe thấy khó lòng như động liền,
“Mình Luyện Đạo Tham-Thiền Quán-Chiếu”,
“Người đời nghe chẳng hiểu thâm-uyên,
“Nhiệm-Mầu Bí-Chỉ Diệu-Huyền,
“Người mê nào biết lời khuyên Vô-Hình!

Mai mốt mình tiếp cái chỗ tại sao mà Ngồi Thiền lại không nằm Thiền? Bao nhiêu đó chưa có hết còn dài
dài mà! Cái đó là mới ngoài da, còn ở trong ruột nữa kìa, chưa bóc ra hết! (Cười…). Chưa móc ra hết! (Cười…). Móc ra Đệ thấy cái nghề này hấp-dẫn lắm, bỏ không đặng! Không vào cái nghề này thì thôi, vào cái nghề này thì mê-mẫn tâm-hồn!
P.N : Bạch Đại-huynh! Đúng như vậy!
X.T.C : Nghề này có thứ tự lớp-lang, chớ có phải muốn vô làm là làm liền được đâu! Lão đây sẽ nói lớp-lang thứ-tự, đó là cái chỗ Ngồi Thiền, chớ không phải nằm thiền.

PHÚ
Này Đệ-hiền! Lão đây giảng thuyết
Nếu nguyên-nhân tình-tiết hiểu thông.
“Người tu-hành khổ nỗi lục-căn,
“Làm Xao-Động bao lần tê-tái,
“Đường giải thoát đã tu tĩnh lại,
“Ngăn Thất-Tình các ải oan-khiên,
“Trừ Lục-Thức vì nó chẳng hiền,
“Luôn quấy-phá liên-miên u-tối!
“Thế cho nên, gạt mình gây tội,
“Chuốc oan-khiên nhiều nỗi đắng cay!
“Nhìn chợ đời Lão thấy ưu-hoài…
“Vì vật chất mê say đày đọa.
“Hồn linh đói mình đây hay bỏ,
“Hỡi nguyên-nhân nào có biết đâu?!
“Bởi mê-muội hồn cứ dạt-dào,
“Xe luân-hồi dễ nào ngưng chạy.
“Cứ trầm-kha chúng-sanh lầm thói,
“Khổ khổ hoài rất đỗi thê-lương!
Bánh xe luân-hồi không bao giờ ngưng chạy đó tìm thì biết.
Nẻo tử sanh dập-dùi đau-khổ,
Sanh làm chi trong chỗ thế-gian?
Tử rồi biệt thi thể liệm-quàng.
Ai ngó thấy lại càng lánh bỏ!
Khi già đau ma trì quỉ ngỏ,
Rên siết hoài, nào có ai thương?
Vì hồn mê nên phải vấn-vương,
Mình gây tội đoạn trường lãnh lấy.

Phải không Đệ? Lúc còn sanh tiền, mình gây tội thì mình chịu, lúc bịnh già đau-khổ có ai chịu thế giùm cho mình? Đó gọi là đường tứ-khổ (sanh, lão, bệnh, tử). Làm cho vinh thân, phì da, cuối cùng mình cũng đau khổ tự mình, chớ nào ai đau khổ giùm cho mình bao giờ! Hoặc có ai chết giùm cho mình đâu, phải không Đệ ? Mà lúc làm thì mình làm cho thật nhiều, làm cho bao nhiêu người hưởng cuối cùng mình lãnh lấy nghiệp quả báo một mình. Rồi oan-trái, trái-oan sanh-tử, tử sanh từ đời đời kiếp kiếp, là cái bánh xe luân-hồi đó Đệ. Ôi! Nếu kiếp này
không tu thì nó sẽ nhồi thêm kiếp khác, cũng như bánh xe nó chạy thêm một tua nữa, một vòng nữa, rồi sợi dây nó quấn rối nùi hoài.

Lão nói đây con đường “Tứ- Khổ”,
Mong Đệ hiền hiểu chỗ “Tu-Tâm”,
“Mình gây tạo nghiệp lỗi-lầm.
“Ngửa tay thọ-lãnh phải cam tội-tình!
“Nẻo chợ đời nhục-vinh ngán-ngẫm,
“Lúc sanh tiền chìm đắm trái-oan,
“Một khi già chết hai đàng,
“Nào ai lãnh lấy, ai mang nghiệp mình?
“Rồi tàn hơi bỏ mình dương-thế,
“Cái hồn oan ai dễ thong-dong
“Nghiệp vay phải trả cho xong,
“Ấy là quả-báo mình trồng khi xưa!

Hễ mình trồng cây nghiệp thì phải gặt trái quả-báo; trồng giống gì thì phải thọ hưởng thứ nấy, trồng nhân tốt thì hưởng quả tốt, trồng nhân xấu thì hưởng quả xấu. Còn mình trong nghề tu thì trồng nhân tốt, mình trồng cây Bồ-Đề thì mình gặt cái quả giải-thoát thành ra “vô-sanh bất-diệt”. Đã không sanh thì nào có diệt hở Đệ? Cười…

Luân hồi nghiệp khổ đã vay,
Trầm-luân đày-đọa nghiệt-đài Diêm-vương.
Bởi mình gây tội thê-lương,
Ngày nay gặt quả đoạn-trường tối-tăm!
Biết rồi phải rán tri-tầm,
Con đường giải-thoát nào nằm đâu xa.
Nó nằm trong xác của ta,
Tự tri tự kiến giải ra nghiệp mình.
Phải không Đệ? Nó không nằm ở đâu xa giải-thoát hay trầm-luân,
hoặc luân-hồi cũng do nơi ta mà thôi! Lão nói như vậy, Đệ thông rõ chỗ yếu-lý đó!
Đường tu rất đỗi nghiêng-chinh,
Nhưng mình “Ý-Chí Vẹn-Gìn Thậm-Thâm”.
Đó là Diệu-Pháp trao tầm,
Để mà tế-độ hồn lầm hồn-mê!…
“Trồng Cây Tri-Kiến Bồ-Đề…!”
Lão thăng lui gót trở về thiêng-liêng.

Trở lại trang chánh