Những Tư Tưởng Về Đạo

                    

Bài 9
Đối với những người có tư chất từ bậc trung trở lên, thì mới có thể nói những điều cao xa; đối với những người có tư chất từ bậc trung trở xuống, thì không có thể nói những điều cao xa.
Luận Ngữ

Thưở ấy có người nói: tính con người có tính thiện, có tính bất thiện. Lại có người bảo: tính con người có thể làm cho thiện và làm cho bất thiện.
Cao tử thì nói: tính không thiện, không bất thiện. Sinh hoạt ở đời là tính. Tính như cây kỷ cây liễu, nhân nghĩa như cái chén cái thìa, lấy tính người làm việc nhân việc nghĩa, cũng như lấy cây kỷ cây liễu làm cái chén cái thìa. Tính còn như nước chảy, khiến chảy về phương Đông, thì chảy về phương Đông, khiến chảy về phương Tây thì chảy về phương Tây.
Mạnh Tử phản đối: nếu sinh hoạt ở đời là tính, thì tính con chó như tính con trâu, tính con trâu cũng như tính con người hay sao? Nếu ví tính như cây kỷ cây liễu, nhân nghĩa như cái chén cái thìa, cũng như phải chặt đẽo người ta mới làm được việc nhân nghĩa. Như thế chẳng hại cho nhân nghĩa lắm ru? Nếu ví tính như nước, thì tuy nước không phân biệt Đông Tây, nhưng có phân cao thấp không? Tính người ta làm lành như nước chảy xuống chỗ thấp vậy; người không ai là không thiện, nước không lúc nào là không chảy xuống chỗ thấp. Giá có vẫy lên thì nước có thể té lên quá trán, ngăn lại thì có thể ở trên núi được. Đó là bị cái thế ép, chứ không phải là cái tính của nước. Tính người cũng vậy, có thể khiến làm điều bất thiện được.
Tuân Tử thì lại cho rằng: tính của người là ác, những điều thiện là người đặt ra. Không học mà hay, không làm mới thành ở người, gọi là ngụy (tính là tự nhiên của Trời sinh ra, ngụy là cái phải dùng nhân lực mà làm cho thành vậy). Nay cái tính của người ta sinh ra là có hiếu lợi, thuận cái tính ấy thì sanh ra sự tranh đoạt, mà sự từ nhượng không có vậy; sinh ra là có lòng đố kỵ, thuận cái tính ấy thì thành ra tàn tặc, mà lòng trung tín không có vậy; sinh ra là có lòng muốn của tai mắt có cái thích về thanh sắc, thuận cái tính của người ta, ắt là sinh ra sự tranh đoạt, hợp với việc phạm phận, loạn ly mà thành ra tàn bạo. Cho nên phải có thầy, có phép để hóa đi, có lễ nghĩa để đạo dẫn, nhiên hậu mới có từ nhượng hợp văn lý mà thành ra trị. Lấy thế mà xem, thì cái tính của người ta ác là rõ lắm, mà cái thiện của tính là do người ta tạo dựng nên vậy. Cho nên cây gỗ cong phải đợi có cái khuôn uốn, rồi hơ nóng lên mà uốn mới thẳng được. Một miếng sắt, miếng thép, phải đợi có mài dũa mới sắc. Cái tính ác của người ta cũng thế, ắt phải đợi có thầy, có phép dạy rồi sau mới có lễ nghĩa và mới là trị. Người ta không có thầy, có phép, thì thiên lệch nguy hiểm mà không chính, không có lễ nghĩa thì bội loạn mà không trị…
Người ta ai hóa theo thầy, theo phép, tích tập văn học theo lễ nghĩa là người quân tử; buông cái tính tình để sự nom dòm mà trái lễ nghĩa là kẻ tiểu nhân. Lấy thế mà xem, thì cái tính ác của người ta rõ lắm, mà cái thiện là người ta gây ra vậy.
Thiện Ác

Cảnh Công nước Tề đi chơi núi Ngưu Sơn, trèo lên mặt thành, đứng ngắm trông rồi tràn nước mắt vừa khóc vừa nói:
- Đẹp quá chừng là nước ta! Thật là sầm uất, thịnh vượng! Thế mà nỡ nào một tuổi một già bỏ nước này mà chết đi. Giả sử xưa nay, người ta cứ sống mãi, quả nhân quyết không nỡ bỏ nước Tề mà đi nơi khác.
Lử Sử Không, Lương Khưu Cứ thấy vua khóc cũng khóc và nói rằng:
- Chúng tôi đội ơn vua có cơm rau mà ăn, có ngựa hèn, xe xấu mà cỡi, cũng còn chẳng muốn chết, huống chi là nhà vua.
Một mình Án Tử đứng bên cạnh cười.
Cảnh Công gạt nước mắt, ngoảnh lại hỏi Án Tử rằng:
- Quả nhân hôm nay đi chơi thấy cảnh mà buồn, mọi người đều theo quả nhân mà khóc, một mình nhà ngươi cười là cớ làm sao?
Án Tử thưa:
- Nếu người giỏi mà giữ mãi được nước này thì Thái Công, Hoàn Công đã giữ mãi. Nếu người mạnh mà giữ mãi được nước này thì Linh Công, Trang Công đã giữ mãi. Mấy vua ấy mà giữ mãi, thì nhà vua nay chắc cũng còn mặc áo tơi, đội nón lá đứng ở giữa cánh đồng lo việc làm ruộng, có được đâu chỗ này mà đứng, còn rỗi đâu mà ở đó tiếc cái chết. Chỉ vì hết đời này đến đời kia, thay đổi mãi mới đến lượt nhà vua mà nhà vua lại than khóc thì thật là bất nhân…
Cảnh Công nghe nói lấy làm thẹn, rót chén rượu tự phạt, rồi phạt Không, Cứ, mỗi người một chén.
Liệt Tử

Các bậc thánh trí ngày xưa ở Đông phương không bao giờ trình bày tư tưởng học thuyết của mình bằng sự quả quyết một chiều. Họ nói toàn bằng giọng nghịch thuyết, mâu thuẫn… là vì họ sợ đưa ra những chân lý nửa chừng.
Okakura

Trong Phật giáo, vào thời hoàng đế Asoka, các truyền giáo sĩ đã được phái đi đến Alexandria, Antioch, Persia, Trung Hoa… vào khoảng 300 năm trước kỷ nguyên, đã từng được chỉ thị: nền tảng của tất cả tôn giáo là một , dầu bất cứ là tôn giáo nào. Phải ráng giúp đỡ và giảng dạy họ tất cả những gì mà các anh có thể giúp và giảng dạy, nhưng đừng bao giờ làm tổn thương họ.
Vivekenanda

Có hai người lên đền thờ cầu nguyện; một người Pha-ri-si (đạo đức hoặc tưởng là mình đạo đức) và một người thâu thuế (được coi là tội lỗi).
Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế này. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi.
Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mặt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!
Ta nói cùng các ngươi, người sau trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người trước; vì ai nhấc mình lên (không khéo) sẽ bị hạ xuống; ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.
Luca 18:10-14

Nước Thu cứ mùa đến, trăm lạch rót vào sông. Dòng đục lớn đến nỗi trong khoảng bờ, bãi, hai bên nhìn không rõ trâu hay ngựa. Khi ấy Hà Bá (vua sông) khấp khởi mừng thầm, cho là cái đẹp của thiên hạ ở cả nơi mình. Thuận dòng sông đi chơi xuống tới đầu biển Bắc, Hà Bá trông ra biển chẳng thấy được bờ bến mới tấm tắc than thở với thần biển rằng:
- Tục ngữ có câu: “Đạo, nghe được trăm đã cho là không ai bằng mình”. Tôi tức là hạng người đó vậy!
Thần biển Bắc nói:
- Ếch giếng sở dĩ không thể nói cho biết chuyện biển, là bởi câu nệ về chỗ. Sâu mùa hè không thể nói cho biết chuyện băng tuyết, là bởi khư khư về mùa. Kẻ hẹp hòi sở dĩ không thể nói cho biết hết chuyện Đạo, là bởi bó buộc về một xó nhỏ. Nay ngươi đã ra khỏi bờ bến, nhìn xem biển cả mới thẹn là mình xấu, vậy sẽ có thể nói chuyện với ngươi về lẽ cả được.
Nước trong đời, không đâu lớn hơn biển. Muôn sóng dồn về không biết bao giờ thôi, vậy mà không đầy. Rốn bể chảy đi không biết bao giờ ngừng, vậy mà không vơi. Xuân Thu chẳng đổi; thủy hạn không biết. Phần hơn các dòng sông, lạch không thể lường tính được. Vậy mà ta chưa từng lấy mình như thế làm nhiều, là vì tự xét ta ở trong trời, đất, cũng như viên đá nhỏ, gốc cây nhỏ ở trong dãy núi lớn mà thôi! Đương còn thấy rằng ít, nào lấy gì để tự làm nhiều?...
Hà Bá nói:
- Vậy tôi cho Trời, Đất là lớn, mà mảy lông là nhỏ được chăng?
Thần biển đáp:
- Không! Bậc đại trí biết về xa, gần, nên: nhỏ chẳng cho là ít; lớn chẳng cho là nhiều vì biết số lượng không cùng - Chứng về xưa, nay nên diệu vợi mà chẳng buồn, lượm nhặt mà chẳng ngóng vì biết thời không đứng - Xét về đầy, vơi, nên được mà chẳng mừng; mất mà chẳng vui; chết mà chẳng sợ vì biết trước, sau chẳng thể tìm ra cớ được!
Kể ra con người ta: phần biết không bằng phần không biết; lúc sống không bằng lúc chưa sống… Lấy cái rất nhỏ mà tìm cách xét cho cùng cái cõi rất lớn, thế nên lú lẫn mà không thể tự thảnh thơi được.
Do đó xem ra, sao lại nói mảy lông là vật rất nhỏ ! Sao lại biết trời, đất là cõi rất lớn?...
Thu Thủy

Người ta, không ai là không có lỗi. Có lỗi mà đổi được thì điều ấy hay. Còn gì lớn hơn nữa. Từ trên, các bậc thánh hiền đều khen sự thay đổi lỗi lầm là hiền đức, chứ không khen việc không có lỗi là đẹp.
Vì vậy, người ta khi làm việc, phần nhiều là có sự sai lầm, mà từ người trí đến người ngu đều không tránh khỏi được. Nhưng, người trí biết sửa đổi lỗi lầm tới chỗ thiện mỹ, còn người ngu phần nhiều đều che dấu lỗi lầm, trang sức điều trái. Tới chỗ thiện mỹ thì đức nghiệp mỗi ngày một đổi mới, trang sức cho lỗi lầm thì điều ác ngày càng rõ.
Thê nên, nghe lời nói có nghĩa lý mà tâm chuyển dời tới đó, thường tình là khó. Thấy điều thiện mà vui theo là điều mà bậc hiền đức ưa chuộng.
Viên Ngộ Hòa Thượng

Người quân tử có ba điều phải nghĩ, ta chẳng nên chẳng xét đến:
1) Lúc nhỏ nều mà chẳng học, thì đến lúc lớn, ngu dốt không làm được việc gì.
2) Lúc già nếu mà không đem những điều mình biết để dạy người , thì sau đến lúc chết chẳng ai thương tiếc.
3) Lúc giàu có nếu mà chẳng bố thí, thì đến lúc khốn cùng chẳng ai cứu giúp.
Cho nên người quân tử lúc nhỏ nghĩ đến lúc lớn thì chăm học, lúc già nghĩ đến lúc chết thì chăm dạy, lúc có nghĩ đến lúc không thì chăm cứu giúp người nghèo khổ.
Khổng Tử

Trở lại Mục Lục